Tải bản đầy đủ (.doc) (11 trang)

TIỂU LUẬN KINH tế CHÍNH TRỊ TOÀN cầu hóa KINH tế, CÁCH TIẾP cận, cơ hội và THÁCH THỨC

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (99.45 KB, 11 trang )

TOÀN CẦU HÓA KINH TẾ - CÁCH TIẾP CẬN, CƠ HỘI VÀ THÁCH
THỨC
1. Ðã có nhiều ý kiến khác nhau về chủ đề toàn cầu hóa. Bởi, toàn cầu
hóa là một tiến trình phức tạp, chứa đựng nhiều mâu thuẫn. Có mặt
thuận và mặt nghịch, có cơ hội và thách thức. Mặc dù vậy, như Ðảng ta
đã nhận định "Toàn cầu hóa kinh tế là một xu thế khách quan, lôi cuốn
ngày càng nhiều nước tham gia..."(1).
Tại sao lại nói "Toàn cầu hóa là một xu thế khách quan"? Bởi động lực của
"toàn cầu hóa" là sự phát triển của lực lượng sản xuất, mà lực lượng sản xuất
thì không ngừng lớn mạnh. Ðây là quy luật chung nhất cho mọi thời đại, mọi
chế độ xã hội. Sự lớn mạnh đó không chỉ theo cấp số cộng mà theo cấp số
nhân. Cái cấp số này lớn đến mức nào không chỉ tùy thuộc vào sự phát triển
của khoa học - công nghệ mà còn tùy thuộc vào cách tổ chức quan hệ sản
xuất, nhưng càng về sau cấp số này càng lớn.
Trong xã hội phong kiến, lực lượng sản xuất còn hết sức thấp kém, của cải
làm ra chưa đủ bảo đảm những nhu cầu tối thiểu của con người, các yếu tố
của quá trình tái sản xuất đóng khung sự vận động trong phạm vi cai quản của
lãnh chúa phong kiến theo kiểu "Nội bất xuất, ngoại bất nhập". Thị trường, do
đó, cũng bị vây chặn trong địa hạt của từng lãnh chúa.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất diễn ra, lực lượng sản xuất phát
triển cao hơn, quan hệ sản xuất phong kiến không thể dung nạp nổi sự phát
triển của lực lượng sản xuất, các cuộc cách mạng tư sản đã quật đổ chế độ
phong kiến. Chủ nghĩa tư bản ra đời, trước hết ở châu Âu, đã phá bỏ các rào
cản do các lãnh chúa thiết lập và áp chế. Có thể nói công lao của chủ nghĩa tư
bản, như một nấc thang trong sự phát triển của xã hội loài người, là đã hình
thành được thị trường dân tộc.
Nhưng như trên đã nói, lực lượng sản xuất không ngừng phát triển, thị trường
dân tộc cũng đã không chứa nổi nhu cầu phát triển của lực lượng sản xuất. Và


do đó, nhà nước của giai cấp tư sản phát động cuộc chiến tranh xâm lược


thuộc địa. Xét cho cùng, các cuộc chiến tranh này cũng là để tìm kiếm thị
trường: thị trường nguyên liệu, thị trường sức lao động và thị trường tiêu thụ
sản phẩm. Cả hai cuộc đại chiến thế giới 1914 - 1918 và 1939 - 1945 cũng là
các cuộc chiến tranh xâm chiếm và phân chia lại thị trường.
Ðến đầu thế kỷ 20, đặc biệt là sau cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng
Mười vĩ đại và sự ra đời của hệ thống xã hội chủ nghĩa, phong trào đấu tranh
giải phóng dân tộc có được điểm tựa lớn đã bùng lên và lan rộng ở châu Á,
châu Phi cuốn phăng chủ nghĩa thực dân cũ. Chủ nghĩa tư bản không thể
chiếm giữ thị trường bằng súng đạn mà bằng một biến thái khác là chủ nghĩa
thực dân mới. Về bản chất, đó cũng là một phương cách chiếm giữ thị trường
bằng các thủ đoạn khác.
Nhưng, độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia luôn là khát vọng mãnh liệt
của con người, khát vọng đó được hun đúc từ các yếu tố lịch sử và chiều sâu
văn hóa. Chủ nghĩa thực dân mới cũng không thể lừa mị được con người. Các
biến thái theo kiểu "tân cổ điển" này của chủ nghĩa đế quốc rốt cuộc cũng bị
vạch trần. Bản đồ chính trị thế giới từ nửa sau của thế kỷ 20 đã thay đổi sâu
sắc. Trong khi đó, những thành tựu của cuộc cách mạng kỹ thuật và công
nghệ thông tin trong những năm cuối của thế kỷ 20 đã làm tăng tốc sự phát
triển của lực lượng sản xuất, đưa loài người từ xã hội công nghiệp sang xã hội
hậu công nghiệp và đang bước vào ngưỡng cửa của xã hội thông tin, nền kinh
tế tri thức. Chính sự phát triển mạnh mẽ này, về khách quan, đặt ra yêu cầu
mở rộng thị trường lên một tầm mức mới, bằng những phương cách mới. Từ
đó, xuất hiện cái mà chúng ta đang đề cập là "Toàn cầu hóa kinh tế". Có thể
nói, Mác là người đầu tiên phát hiện ra quá trình có tính khách quan này khi
ông viết "Ðại công nghiệp đã tạo ra thị trường thế giới, thay cho tình trạng cô
lập trước kia của các địa phương, dân tộc vẫn tự cung tự cấp, ta thấy phát
triển những mối quan hệ phổ biến, sự phụ thuộc phổ biến của các dân tộc"(2).


2. Khi nói động lực bên trong của quá trình toàn cầu hóa là sự phát triển của

lực lượng sản xuất là nói đến "nội năng" của quá trình này. Chính cái "nội
năng" này thúc đẩy sự vận động, còn vận động theo hướng nào lại tùy thuộc
vào chủ thể. Bởi lẽ, nếu toàn cầu hóa kinh tế là một xu thế khách quan, nghĩa
là có tính quy luật thì quy luật đó là quy luật xã hội. Khác với quy luật tự
nhiên, các quy luật xã hội bao giờ cũng hoạt động dưới tác động của con
người, của chủ thể, mang đậm dấu ấn của con người, của chủ thể. Chính sự
chiếm đoạt thị trường theo phương thức thực dân (cũ và mới) kéo dài suốt từ
đầu thế kỷ 17 đến giữa thế kỷ 20 bắt nguồn từ yêu cầu phát triển của lực
lượng sản xuất tư bản chủ nghĩa và do chính quyền tư sản ở các nước tư bản
công nghiệp phát động. Tiến trình toàn cầu hóa hiện nay cũng do các nước tư
bản phát triển - đằng sau nó là các tập đoàn xuyên quốc gia - phát động, trước
hết là vì lợi ích của các nước, các tập đoàn này.
Chính vì thế, quá trình toàn cầu hóa hiện nay là "không đối xứng". Sự "không
đối xứng" không chỉ ở các lĩnh vực mà quá trình này đặt ra và giải quyết.
Trong khi chú ý đến nội dung kinh tế, nó đã không quan tâm đầy đủ đến các
vấn đề xã hội, an sinh và môi trường. Không đối xứng còn thể hiện ở sự phân
phối lợi ích trong toàn cầu hóa là không cân bằng. Các nước công nghiệp phát
triển được lợi nhiều hơn, các nước đang phát triển và chậm phát triển chịu
nhiều thua thiệt(3).
Ở nước ta cũng đã có cuộc tranh luận giữa các nhà nghiên cứu, lý luận về tính
chất của toàn cầu hóa. Rằng toàn cầu hóa có định ngữ (tính từ) không? Toàn
cầu hóa đang diễn ra là thuộc phạm trù tư bản chủ nghĩa, là toàn cầu hóa tư
bản chủ nghĩa hay toàn cầu hóa kiểu gì? Giá trị của các cuộc tranh luận này
có lẽ chủ yếu không phải ở phương diện khoa học. Bởi, về mặt khoa học và
nhận thức luận, vấn đề đã được giải quyết khi chúng ta phân biệt sự vận động
của quy luật tự nhiên và quy luật xã hội và đã được giải quyết từ thời Mác.
Ngay sau việc khẳng định đại công nghiệp tạo ra thị trường thế giới, Mác đã
chỉ ra rằng giai cấp tư sản đang mưu toan "tạo ra cho nó một thế giới theo



hình dạng của nó"(4). Giá trị chủ yếu của các cuộc tranh luận này có lẽ chủ yếu
là để nhận diện rõ hơn mặt trái của toàn cầu hóa, tránh những hiểu biết phiến
diện và ngộ nhận sai lầm khi tham gia vào quá trình này.
Một câu hỏi tự nhiên được đặt ra là: Tại sao toàn cầu hóa hiện nay do các
nước tư bản phát triển phát động, trước hết vì lợi ích của các nước này lại "lôi
cuốn được ngày càng nhiều nước tham gia", kể cả các nước đang phát triển và
chậm phát triển?
Trong thời đại ngày nay, khi mà các yếu tố của sản xuất đã được quốc tế hóa
một cách sâu sắc, không một quốc gia nào có thể đạt được tăng trưởng kinh tế
với tốc độ cao nhằm rút ngắn khoảng cách phát triển nếu không tham gia vào
quá trình này, nhất là toàn cầu hóa luôn gắn với cải cách cơ cấu kinh tế của
từng nước dẫn đến sự chuyển dịch cơ cấu giữa các nước. Ðiều đó giải thích
tại sao Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) - định chế cơ bản của toàn cầu
hóa - bao gồm 148 nền kinh tế thành viên, chiếm 97% GDP và 95% giá trị
thương mại toàn cầu. Các nước chưa phải là thành viên như Nga, Việt Nam,
Ukraine, A-rập Xê-út... cũng đang khẩn trương đàm phán để được gia nhập
Tổ chức này.
Hơn nữa, quá trình toàn cầu hóa hiện nay là quá trình vừa hợp tác, vừa đấu
tranh nhằm thiết lập một trật tự kinh tế thế giới mới bảo đảm phân phối lợi
ích công bằng hơn, hợp lý hơn. Kết quả thế nào còn phụ thuộc vào tương
quan lực lượng giữa các nước, các nhóm nước. Chính vì vậy mà để có thể
thành lập WTO, các nước tham gia Hiệp định chung về thuế quan và thương
mại (GATT) đã mất tám năm (từ 1986 đến 1994) với rất nhiều vòng đám
phán. Và, khi tổ chức này phát động vòng đám phán mới tại Doha, thủ đô
Qatar, về mở cửa thị trường sâu rộng hơn, với tên gọi "Vòng Doha vì sự phát
triển" thì mục tiêu ban đầu đặt ra là sẽ kết thúc đàm phán trong vòng bốn năm
(vào cuối năm 2004). Nhưng, đến nay, thời gian ấn định đã qua. Ba trong bốn
"vấn đề Singapore"(5) mà các nước công nghiệp phát triển áp đặt cho vòng
đàm phán này hầu như đang bị gác lại, nhiều vấn đề khác, trong đó có vấn đề



thương mại hàng nông sản còn đang tranh luận. Mặc dù, tại cuộc họp Ðại Hội
đồng WTO tháng 7-2004 ở Geneva, các nước đã thỏa thuận được khuôn khổ
đàm phán. Nhưng, từ khuôn khổ này đến khi thỏa thuận được các hiệp định
mới còn phải mất thời gian. Những người lạc quan nhất cũng cho rằng để kết
thúc được vòng Doha có lẽ phải vào năm 2006, dài hơn thời gian dự định ban
đầu 1,5 lần. Ðưa ra các dẫn chứng trên đây để khẳng định rằng hội nhập kinh
tế quốc tế là quá trình vừa hợp tác, vừa đấu tranh. Khuynh hướng phát triển
của toàn cầu hóa phụ thuộc vào sự hợp tác và đấu tranh này. Như vậy, cùng
với việc gia nhập Liên hiệp quốc, trở thành thành viên của WTO, các nước
mới có quyền có tiếng nói chính thức, thể hiện lập trường của mình về
chương trình nghị sự kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, cần nhận rõ là việc tham gia
tiến trình toàn cầu hóa, gia nhập WTO chỉ là điều kiện cần. Ðể có vị thế vững
chắc trong hợp tác và đấu tranh trên diễn đàn của Tổ chức Thương mại thế
giới còn cần nhiều yếu tố hội thành điều kiện đủ.
3. Do toàn cầu hóa là một quá trình chưa định hình, đang tiếp tục vận động
dưới tác động của các mâu thuẫn và sự đấu tranh giữa các lực lượng đứng sau
các mâu thuẫn ấy, khó có thể có được một định nghĩa chính xác, đầy đủ về
toàn cầu hóa. Vì vậy, cách tiếp cận thực tiễn hơn cả là xem xét các định chế
của toàn cầu hóa hiện nay - tức là xem xét các nội dung của toàn cầu hóa thể
hiện trong các Hiệp định của WTO về mở cửa thị trường. Theo đó, các nước
tham gia vào tổ chức này phải mở cửa thị trường nước mình cho các nước
thành viên cả về thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ và đầu tư.
Ðể mở cửa thị trường về thương mại hàng hóa các nước phải loại bỏ các hàng
rào phi quan thuế cản trở thương mại, phải giảm thuế nhập khẩu (mức độ và
lộ trình cắt giảm còn phụ thuộc vào kết quả đàm phán) để hàng hóa có thể lưu
thông tự do từ nước này sang nước khác không bị hạn chế.
Về dịch vụ, theo phân loại của WTO, dịch vụ bao gồm 11 ngành với 155 phân
ngành khác nhau, hiện đang chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong GDP toàn



cầu và bao quát các lĩnh vực của đời sống xã hội, phục vụ trực tiếp cho sản
xuất, tiêu dùng.
Ðể mở cửa thị trường dịch vụ, mỗi nước phải chấp nhận để các nước thành
viên cung ứng dịch vụ cho pháp nhân và thể nhân nước mình theo các phương
thức: (i) Cung ứng qua biên giới: Theo đó, các thương nhân kinh doanh dịch
vụ đăng ký kinh doanh ở một nước thành viên có quyền cung ứng dịch vụ cho
các pháp nhân và thể nhân của các thành viên khác mà không cần lập hiện
diện thương mại tại các thành viên đó. Phương thức này ngày càng phát triển
với sự phát triển của công nghệ thông tin và internet. (ii) Tiêu dùng ngoài lãnh
thổ: Theo đó, mỗi nước thành viên phải để cho pháp nhân và thể nhân nước
mình được sử dụng dịch vụ do các thương nhân của các nước thành viên khác
cung ứng ở ngoài lãnh thổ nước mình. (iii) Hiện diện thương mại: Mỗi nước
thành viên phải để cho thương nhân cung ứng dịch vụ của các nước thành
viên khác lập các công ty, chi nhánh công ty tại nước mình để kinh doanh
dịch vụ. (iv) Hiện diện thể nhân: Ðây vừa là phương thức hiện diện thương
mại, đồng thời là sự di chuyển thể nhân - về bản chất là để cho công dân các
nước thành viên vào hoạt động dịch vụ ở nước mình. Tuy nhiên, do phương
thức này tác động trực tiếp đến việc làm của từng nước, nên trong Vòng
Uruguay - Vòng đàm phán để thành lập WTO - các nước chưa đạt được thỏa
thuận cụ thể. Trong vòng đàm phán Doha hiện nay, một số nước đang yêu cầu
đưa nội dung này vào cam kết.
Mở cửa thị trường đầu tư: Yêu cầu đặt ra là các nước phải mở cửa thị trường
của nước mình cho các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào nước mình mà
không hạn chế lĩnh vực đầu tư, trừ những lĩnh vực có liên quan an ninh quốc
gia, truyền thống văn hóa của dân tộc. Tuy nhiên, nhiều nước, đặc biệt là các
nước đang phát triển, đều muốn xây dựng những ngành công nghiệp của
chính mình. Nên trong vòng đàm phán Uruguay, các nước mới chỉ đạt được
thỏa thuận các vấn đề đầu tư có liên quan thương mại (Hiệp định TRIMS).
Mặc dù vậy, trên thực tế, các nước vẫn đang tiếp tục cải cách thể chế kinh tế,



cải thiện môi trường đầu tư, tạo ra thị trường cạnh tranh để thu hút đầu tư. Và,
vấn đề mở cửa thị trường đầu tư sẽ còn được đặt ra trong tiến trình toàn cầu
hóa.
Khi mở cửa thị trường theo ba lĩnh vực nêu trên, mỗi thành viên của WTO
phải tuân thủ các nguyên tắc: (i) không phân biệt đối xử, gồm: Không phân
biệt đối xử giữa hàng hóa nước này với hàng hóa nước khác, giữa doanh
nghiệp nước này với các doanh nghiệp nước khác về các chính sách thuế, giá
hàng hóa - dịch vụ và các biện pháp tiếp cận thị trường (gọi là nguyên tắc đối
xử tối huệ quốc - MFN). Không phân biệt đối xử giữa hàng hóa nước mình
với hàng hóa nước khác, giữa doanh nghiệp nước mình với doanh nghiệp
nước khác (gọi là nguyên tắc đối xử quốc gia - NT). (ii) Thực hiện minh
bạch, công khai trong cơ chế chính sách để mọi thương nhân, mọi người có
quyền và cơ hội tiếp cận thông tin như nhau, tạo ra điều kiện bình đẳng trong
hoạt động kinh doanh. Minh bạch và công khai còn được coi là tiền đề của
chống tham nhũng. Vì, tham nhũng làm méo mó môi trường kinh doanh, làm
tăng chi phí, giảm hiệu quả và chất lượng tăng trưởng. Ðây là vấn đề đang
được các quốc gia, các định chế đa phương đưa vào chương trình nghị sự
"Thương mại và phát triển". (iii) Thực hiện bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
Không thể có môi trường cạnh tranh lành mạnh, khi doanh nghiệp đầu tư tiền
của cho phát minh, sáng chế, cải tiến mẫu mã, kiểu dáng, xây dựng thương
hiệu sản phẩm, v.v. lại bị doanh nghiệp khác đánh cắp và sử dụng. Nghĩa vụ
bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ được quy định trong Hiệp định các vấn đề sở hữu
trí tuệ liên quan đến thương mại (TRIPS). (iv) Tuân thủ cơ chế giải quyết
tranh chấp của WTO và sự phán xử của cơ quan tài phán quốc tế do tổ chức
này thiết lập.
Ngoài bốn nguyên tắc này, các nước thành viên còn phải tuân thủ hàng chục
Hiệp định khác của Tổ chức Thương mại thế giới.
Hội nhập kinh tế với các yêu cầu mở cửa thị trường nêu trên đặt ra một số hệ

luận trong tư duy chính sách và trong chiến lược phát triển. Trong đó có


những vấn đề phải được xem xét tường tận hơn, sâu hơn như: Thế nào là một
nền kinh tế độc lập, tự chủ; mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ về kinh tế và sự
tùy thuộc lẫn nhau ngày càng tăng lên trong thời đại toàn cầu hóa; hội nhập
kinh tế và sự hợp tác về an ninh, hợp tác về văn hóa... Ðây là những vấn đề có
ý nghĩa quan trọng về phương diện chính trị thực tiễn mà trong phạm vi bài
viết này chưa thể đề cập đến.
4. Xem xét trên góc độ thương mại, thế giới đã chứng kiến hai mô hình công
nghiệp hóa: Công nghiệp hóa thay thế nhập khẩu và công nghiệp hóa hướng
về xuất khẩu.
Công nghiệp hóa thay thế nhập khẩu đã rất thành công cho đến những thập kỷ
cuối của thế kỷ 20. Với hàng rào bảo hộ cao bằng thuế nhập khẩu và các biện
pháp phi quan thuế, các nước có thể bán sản phẩm trên thị trường nội địa mà
không bị áp lực cạnh tranh từ hàng hóa nhập khẩu. Với thời gian, các doanh
nghiệp có thể cải tiến công nghệ sản xuất, hoàn thiện quá trình quản lý, tích tụ
tư bản, v.v. Từ đó, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, tạo lập vị thế
của doanh nghiệp trên thị trường. Ðịnh hướng phát triển này luôn gắn với việc
tạo ra một thị trường cạnh tranh nội bộ thông qua việc phát triển khu vực kinh
tế tư nhân.
Khi thế giới bước sang thời kỳ quốc tế hóa nền sản xuất, tiến trình chuyển
dịch cơ cấu kinh tế giữa các quốc gia diễn ra với nhịp độ ngày càng cao đi đôi
với các cam kết mở cửa thị trường thì định hướng công nghiệp hóa thay thế
nhập khẩu không còn phát huy tác dụng như trong thời kỳ bảo hộ mậu dịch.
Và vì vậy, các nước đều chuyển sang thực thi chính sách công nghiệp hóa chủ
yếu hướng về xuất khẩu.
Trong những năm gần đây, khi toàn cầu hóa kinh tế trở thành xu thế khách
quan, nhiều khu vực mậu dịch tự do và các hiệp định mậu dịch tự do song
phương ra đời thì các khái niệm công nghiệp hóa thay thế nhập khẩu, hoặc

công nghiệp hóa hướng về xuất khẩu không còn nguyên nghĩa ban đầu của
nó. Bởi lẽ, với việc giảm thuế nhập khẩu (tiến đến 0) và việc bãi bỏ các hàng


rào phi thuế, hàng hóa được lưu thông tự do, ranh giới giữa thị trường trong
nưóc và thị trường ngoài nước là không đáng kể, thậm chí không còn. Trong
điều kiện đó, một ngành sản xuất, một ngành dịch vụ chỉ có thể đứng vững và
phát triển nếu có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và thị trường
quốc tế. Chiến lược phát triển, chủ trương đầu tư được xác định qua ba yếu tố:
(i) Lợi thế so sánh. Lợi thế so sánh là tiền đề để giảm chi phí sản xuất, lưu
thông, là yếu tố tăng khả năng cạnh tranh. Lợi thế so sánh có thể là giá trị
công nghệ, là nguồn lao động dồi dào với chất lượng cao và giá nhân công
thấp, là tài nguyên thiên nhiên và vị trí địa lý. Lợi thế so sánh là yếu tố động.
Ngay cả tài nguyên thiên nhiên và vị trí địa lý, tưởng như là tĩnh, cũng thay
đổi theo thời gian. Vì vậy, khi tính toán lợi thế so sánh phải đặt trong việc tính
toán tổng chi phí và trong tầm nhìn dài hạn. (ii) Quy mô kinh tế: Công trình
đầu tư phải đạt đến quy mô kinh tế nào đó mới giảm thiểu được các chi phí cố
định cho một đơn vị sản phẩm. Ðiều này đặc biệt có ý nghĩa khi các thiết bị
công nghệ hiện đại, trình độ tự động hóa cao, sử dụng ít lao động nhưng giá
bán lại rất đắt. Ðể đạt được quy mô kinh tế, các công trình đầu tư sản xuất,
chế biến phải đặt trong quy hoạch liên vùng. (iii) Dung lượng thị trường. Yếu
tố này cũng rất quan trọng, nhưng ít được nói đến. Nhu cầu của con người
trong tính đa dạng, phong phú có thể coi là vô cùng, nhưng trong tính đơn
nhất lại có giới hạn. Vì vậy, khi đầu tư phải xem xét dung lượng thị trường
của sản phẩm, phải dự báo được nhu cầu và sự thay đổi nhu cầu. Nếu dung
lượng thị trường bị giới hạn, dù sản phẩm có khả năng cạnh tranh vẫn khó có
khả năng mở rộng, vì sẽ có nguy cơ bị áp đặt các biện pháp chống bán phá
giá, hoặc các biện pháp tự vệ. Khi tỷ lệ chiếm lĩnh thị trường còn nhỏ nhưng
dung lượng thị trường còn lớn và tốc độ chiếm lĩnh thị trường đang tăng lên,
tức là sản phẩm có khả năng cạnh tranh, có thể mở rộng sản xuất.

5. Hội nhập kinh tế quốc tế tạo ra những cơ hội mới và những thách thức mới.
Những cơ hội là: Có một thị trường rộng lớn để có thể tiêu thụ sản phẩm được
sản xuất ra trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; thu hút vốn đầu tư


từ các nhà đầu tư nước ngoài, các nguồn viện trợ phát triển của các nước và
các định chế tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ tiền tệ
quốc tế (IMF), Ngân hàng phát triển châu Á (ADB)...; có điều kiện tiếp nhận
công nghệ sản xuất và công nghệ quản lý thông qua các dự án đầu tư.
Cùng với cơ hội và đồng hành với cơ hội, nền kinh tế nước ta, các doanh
nghiệp nước ta cũng phải đối đầu với các thách thức lớn. Ðó là sự cạnh tranh
quyết liệt trên cả ba cấp độ do hàng rào bảo hộ bị dỡ bỏ, do phải thực hiện chế
độ đãi ngộ tối huệ quốc và đối xử quốc gia, nên các sản phẩm nước ta phải
cạnh tranh bình đẳng với các sản phẩm nước khác không chỉ trên thị trường
thế giới mà ngay cả trên thị trường nội địa. Ðiều đó không chỉ đòi hỏi bản
thân sản phẩm phải có chất lượng cao, giá thành hạ (điều này chủ yếu do công
nghệ sản xuất, công nghệ quản lý của doanh nghiệp quyết định), để sản phẩm
đến được với người tiêu dùng, doanh nghiệp còn phải có khả năng tổ chức thị
trường, làm tốt các dịch vụ sau bán hàng, xây dựng thương hiệu. Bằng cách
đó, doanh nghiệp đưa sản phẩm đến người tiêu dùng và mở rộng kinh doanh.
Và như vậy, cạnh tranh không chỉ ở cấp độ sản phẩm mà là ở cấp độ doanh
nghiệp. Chưa hết! Là đơn vị kinh tế cơ sở, hoạt động của doanh nghiệp tuy
phản ánh tất cả, nhưng tự nó không quyết định tất cả. Khả năng cạnh tranh
của một doanh nghiệp phụ thuộc rất lớn vào chi phí "đầu vào" mà doanh
nghiệp khác đặt ra cho nó, phụ thuộc vào các cơ chế chính sách vĩ mô, vào
các dịch vụ công mà Nhà nước cung ứng. Tất cả những yếu tố này tạo nên chi
phí giao dịch xã hội của doanh nghiệp. Chi phí giao dịch xã hội càng lớn thì
khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp càng nhỏ. Và vì vậy, sự cạnh tranh
được đặt ra trên cấp độ lớn hơn: Cạnh tranh tổng lực của nền kinh tế, sức cạnh
tranh quốc gia. Như vậy là: Hội nhập kinh tế quốc tế vừa có cơ hội, vừa có

thách thức. Thách thức là sức ép trực tiếp, còn cơ hội tự nó không chuyển
thành lực lượng vật chất trên thị trường mà phải thông qua hoạt động của chủ
thể. Cơ hội và thách thức cũng luôn vận động, biến đổi. Tận dụng được cơ hội
sẽ đẩy lùi được thách thức và tạo ra cơ hội mới lớn hơn. Ngược lại, không tận


dụng được cơ hội thì thách thức sẽ lấn át làm triệt tiêu cơ hội. Chính vì vậy
mà vai trò "chủ thể" của doanh nghiệp, của Nhà nước là rất quyết định. Doanh
nghiệp là người "xung trận", là lực lượng trực tiếp đương đầu trong cạnh
tranh. Nhưng, Nhà nước phải là người mở đường.
Với nền kinh tế đã được toàn cầu hóa, sự tùy thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia
ngày càng sâu, sự phối hợp giữa các nhà nước có vai trò ngày càng lớn, chức
năng của nhà nước trong quan hệ kinh tế đối ngoại ngày càng được tăng
cường. Và, tôi không nghĩ rằng công thức "thị trường tối đa - nhà nước tối
thiểu" lại có thể phản ánh đầy đủ mối quan hệ về chức năng giữa nhà nước và
thị trường mà thực chất là mối quan hệ giữa Nhà nước và doanh nghiệp - lực
lượng "đứng sau" thị trường và làm nên thị trường.
..............................
(1) Văn kiện Ðại hội Ðảng lần thứ IX, trang 64.
(2) C.Mác và F.Ăng-ghen toàn tập, Tập 4 - trang 602.
(3) Theo Oxfarm (tên một tổ chức phi chính phủ, thực hiện các dự án xóa
giảm đói nghèo): Các nước có thu nhập thấp chiếm đến 40% dân số thế giới,
nhưng chỉ chiếm 3% thương mại toàn cầu.
(4) Xem dẫn chiếu 2.
(5) 4 vấn đề Singapore gồm: Chính sách đầu tư, chính sách cạnh tranh, mua
sắm chính phủ và thuận lợi hóa thương mại. Trong vòng đàm phán Doha, 3
vấn đề đầu hầu như đang bị gác lại vì rất khó đạt được thỏa thuận.




×