Tải bản đầy đủ (.pdf) (82 trang)

KHẢO sát sự SINH TRƯỞNG, NĂNG SUẤT và CHẤT LƯỢNG của 11 GIỐNG cà CHUA NHẬP nội TRONG NHÀ lưới, THÁNG 5 – 10,2010

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.78 MB, 82 trang )

1

TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẦN THƠ
KHOA NÔNG NGHIỆP & SINH HỌC ỨNG DỤNG
-------- --------

NGUYỄN VĂN TẠO

KHẢO SÁT SỰ SINH TRƯỞNG, NĂNG SUẤT VÀ
CHẤT LƯỢNG CỦA 11 GIỐNG CÀ CHUA
NHẬP NỘI TRONG NHÀ LƯỚI,
THÁNG 5 – 10/2010

Luận văn tốt nghiệp
Ngành: NÔNG HỌC

Cần Thơ - 2011


2

TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẦN THƠ
KHOA NÔNG NGHIỆP & SINH HỌC ỨNG DỤNG
BỘ MÔN KHOA HỌC CÂY TRỒNG

Luận văn tốt nghiệp
Ngành: NÔNG HỌC

Tên đề tài:

KHẢO SÁT SỰ SINH TRƯỞNG, NĂNG SUẤT VÀ


CHẤT LƯỢNG CỦA 11 GIỐNG CÀ CHUA
NHẬP NỘI TRONG NHÀ LƯỚI,
THÁNG 5 – 10/2010

Cán bộ hướng dẫn:
PGS. TS. Trần Thị Ba
ThS. Võ Thị Bích Thủy

Cần Thơ - 2011

Sinh viên thực hiện:
Nguyễn Văn Tạo
MSSV: 3073194
Lớp: Nông học K33 B


ii

TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẦN THƠ
KHOA NÔNG NGHIỆP & SINH HỌC ỨNG DỤNG
BỘ MÔN KHOA HỌC CÂY TRỒNG

Chứng nhận đã chấp nhận luận văn tốt nghiệp với đề tài:

KHẢO SÁT SỰ SINH TRƯỞNG, NĂNG SUẤT VÀ
CHẤT LƯỢNG CỦA 11 GIỐNG CÀ CHUA
NHẬP NỘI TRONG NHÀ LƯỚI,
THÁNG 5 – 10/2010

Do sinh viên Nguyễn Văn Tạo thực hiện

Kính trình lên Hội đồng chấm luận văn tốt nghiệp

Cần Thơ, ngày….tháng….năm 2011
Cán bộ hướng dẫn

PGS. TS. Trần Thị Ba

ii


iii

LỜI CAM ĐOAN

Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của bản thân. Các số liệu, kết
quả trình bày trong luận văn tốt nghiệp là trung thực và chưa từng được ai công bố
trong bất kỳ công trình luận văn nào trước đây.

Tác giả luận văn

NGUYỄN VĂN TẠO

iii


iv

TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẦN THƠ
KHOA NÔNG NGHIỆP & SINH HỌC ỨNG DỤNG
BỘ MÔN KHOA HỌC CÂY TRỒNG

.......................................................................................................................................................

Hội đồng chấm luận văn tốt nghiệp đã chấm luận văn tốt nghiệp Kỹ sư ngành
Nông học với đề tài:

KHẢO SÁT SỰ SINH TRƯỞNG, NĂNG SUẤT VÀ
CHẤT LƯỢNG CỦA 11 GIỐNG CÀ CHUA
NHẬP NỘI TRONG NHÀ LƯỚI,
THÁNG 5 – 10/2010

Do sinh viên NGUYỄN VĂN TẠO thực hiện và bảo vệ trước Hội đồng.
Ý kiến của Hội đồng chấm luận văn tốt nghiệp ........................................................
................................................................................................................................
................................................................................................................................
................................................................................................................................
................................................................................................................................
Luận văn tốt nghiệp được Hội đồng đánh giá ở mức:...............................................

DUYỆT KHOA
Trưởng Khoa Nông Nghiệp & SHƯD

Cần Thơ, ngày….tháng….năm 2011
Chủ tịch hội đồng

iv


v

TIỂU SỬ CÁ NHÂN

I. LÝ LỊCH SƠ LƯỢC
Họ và tên: Nguyễn Văn Tạo

Giới tính: Nam

Ngày sinh: 01/04/1989

Dân tộc: Kinh

Con ông: Nguyễn Văn Nguyên

Sinh năm: 1962

Con bà: Trần Thị Nga

Sinh năm: 1966

Nơi sinh: Mỏ Cày – Bến Tre
Quê quán: Mỏ Cày Bắc – Bến Tre
II. QUÁ TRÌNH HỌC TẬP
1. Tiểu học
Thời gian đào tạo từ năm 1995 đến năm 2000
Trường: Tiểu học Nhuận Phú Tân A
Địa chỉ: Nhuận Phú Tân – Mỏ Cày – Bến Tre
2. Trung học cơ sở
Thời gian đào tạo từ năm 2000 đến năm 2004
Trường: Trung học cơ sở Nhuận Phú Tân
Địa chỉ: Nhuận Phú Tân – Mỏ Cày – Bến Tre
3. Trung học phổ thông
Thời gian đào tạo từ năm 2004 đến năm 2007

Trường: Trung học phổ thông Che Guevara
Địa chỉ: Thị trấn Mỏ Cày – Bến Tre
4. Đại học
Thời gian đào tạo từ năm 2007 đến năm 2011
Trường: Đại học Cần Thơ
Địa chỉ: đường 3/2 - P. Xuân Khánh - Q. Ninh Kiều - TPCT
Chuyên ngành: Nông học (khoá 33) và tốt nghiệp Kỹ sư Nông học năm 2011.

NGUYỄN VĂN TẠO

v


vi

LỜI CẢM TẠ

Trong suốt quá trình làm đề tài tôi đã gặp nhiều khó khăn nhưng với sự
hướng dẫn, giúp đỡ tận tình của quý thầy cô và các bạn Nông học K33 - K34, Trồng
trọt K34 đã giúp tôi hoàn thành đề tài này.
Kính dâng!
Cha mẹ đã suốt đời tận tụy vì tương lai sự nghiệp của con.
Xin tỏ lòng biết ơn đến!
Cô Trần Thị Ba và cô Võ Thị Bích Thủy đã tận tình hướng dẫn, gợi ý và cho
những lời khuyên hết sức bổ ích cho việc nghiêm cứu và hoàn thành luận văn này.
Chân thành biết ơn!
Chị Lê Thị Thúy Kiều đã tận tình giúp đỡ, đóng góp những ý kiến xác đáng
để tôi hoàn chỉnh luận văn.
Thầy Bùi Văn Tùng đã hướng dẫn và tạo điều kiện để tôi thực hiện đề tài
nghiên cứu.

Chân thành cảm ơn!
Các bạn Văn Sơn, Hồng Khuyên, Văn Đến, Thị Vẽ, Cảnh Hạc, Viết Vương,
Vũ Quyên, Xuân Trang và các bạn Nông học, Trồng trọt K34 đã nhiệt tình giúp đỡ
tôi trong suốt thời gian thực hiện thí nghiệm.
Thân gởi về các bạn lớp Nông học K33 lời chúc sức khỏe và thành đạt trong
tương lai.

NGUYỄN VĂN TẠO

vi


vii

NGUYỄN VĂN TẠO, 2011. “Khảo sát sự sinh trưởng, năng suất và chất lượng
của 11 giống cà chua nhập nội trong nhà lưới, tháng 5 – 10/2010”. Luận văn tốt
nghiệp Kỹ sư Nông học, Khoa Nông Nghiệp và Sinh Học Ứng Dụng, Đại Học Cần
Thơ. Cán bộ hướng dẫn: PGS. TS. Trần Thị Ba và ThS. Võ Thị Bích Thủy.
________________________________________________________________
TÓM LƯỢC
Đề tài được thực hiện nhằm tuyển chọn những giống sinh trưởng mạnh, năng
suất và chất lượng cao, thích hợp trồng trong điều kiện nhà lưới ở Cần Thơ. Thí
nghiệm được bố trí theo thể thức khối hoàn toàn ngẫu nhiên với 11 nghiệm thức là
11 giống cà chua: 1/ Savior (đối chứng), 2/ Hồng Châu, 3/ VN 222, 4/ VN 877, 5/
TN 448, 6/ TN 507, 7/ Bonarda, 8/ Chiatai 2012, 9/ Chiatai 3038, 10/ Chiatai 3404,
11/ Chiatai 3407 với 4 lần lặp lại, mỗi lần lặp lại 1 cây.
Kết quả cho thấy giống Chiatai 3404, VN 877 và Savior cho năng suất cao
(21,45 – 25,58 tấn/ha), cây sinh trưởng phát triển khỏe, số trái trên cây của Chiatai
3404 cao nhất 22,25 trái/cây, trọng lượng trái/cây 0,93 kg, độ Brix 4,77%, có màu
đỏ đẹp. Giống VN 877 có trọng lượng trung bình trái 67,57 g/trái, số trái trên cây

15,25 trái cây, trọng lượng trái/cây đạt 0,91 kg, độ dày thịt trái lớn 0,89 cm. Và tất
cả nghiệm thức đều được ghép trên gốc cà tím EG 203 cho kết quả 100% số cây
không bị bệnh héo xanh vi khuẩn. Từ đó có thể ứng dụng các nghiệm thức là các
giống Chiatai 3404, VN 877 và Savior ghép lên gốc cà tím EG 203 trong tình hình
sản xuất cà chua trong nhà lưới hiện nay.

vii


viii

MỤC LỤC
Trang
vii
viii
x
xi
1

TÓM LƯỢC
MỤC LỤC
DANH SÁCH BẢNG
DANH SÁCH HÌNH
MỞ ĐẦU
Chương 1 LƯỢC KHẢO TÀI LIỆU

1.1 KHÁI QUÁT VỀ CÂY CÀ CHUA ...................................................

2


1.1.1 Nguồn gốc ...............................................................................

2

1.1.2 Tình hình sản xuất cà chua trên thế giới và Việt Nam ..............

2

1.1.3 Đặc tính thực vật cây cà chua ..................................................

4

1.1.4 Yêu cầu về điều kiện ngoại cảnh của cây cà chua ....................

6

1.2 YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG TRONG SẢN XUẤT CÀ CHUA ..............

7

1.2.1 Giống ......................................................................................

7

1.2.2 Một số sâu bệnh hại chính trên cà chua....................................

8

1.3 SẢN XUẤT CÀ CHUA GHÉP GỐC ................................................ 10
1.4 SẢN XUẤT CÀ CHUA TRONG NHÀ LƯỚI, NHÀ KÍNH ............. 12

1.5 MỘT SỐ KẾT QUẢ NGHÊN CỨU VỀ GIỐNG CÀ CHUA ............ 14
1.5.1 Ngoài nước .............................................................................. 14
1.5.2 Trong nước.............................................................................. 14
Chương 2 PHƯƠNG TIỆN VÀ PHƯƠNG PHÁP
2.1 PHƯƠNG TIỆN ................................................................................ 17
2.1.1 Địa điểm và thời gian .............................................................. 17
2.1.2 Vật liệu thí nghiệm .................................................................. 17
2.2 PHƯƠNG PHÁP ............................................................................... 19
2.2.1 Bố trí thí nghiệm ..................................................................... 19
2.2.2 Kỹ thuật canh tác ..................................................................... 19
2.2.3 Các chỉ tiêu theo dõi ................................................................ 21
2.2.4 Phương pháp xử lý số liệu ....................................................... 22
Chương 3 KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN
3.1 GHI NHẬN TỔNG QUÁT................................................................ 23
3.2 ĐIỀU KIỆN NGOẠI CẢNH ............................................................. 23
3.2.1 Nhiệt độ không khí .................................................................. 23

viii


ix

3.2.2 Cường độ ánh sáng .................................................................. 24
3.2.3 Ẩm độ không khí ..................................................................... 25
3.3 TÌNH HÌNH BỆNH KHẢM VÀ BỆNH HÉO XANH ....................... 25
3.4 TÌNH HÌNH SINH TRƯỞNG ........................................................... 26
3.4.1 Ngày trổ hoa, thu hoạch và thời gian kéo dài thu hoạch ........... 26
3.4.2 Chiều cao thân chính ............................................................... 27
3.4.3 Số lá thân chính ....................................................................... 28
3.4.4 Đường kính gốc thân của ngọn ghép........................................ 29

3.4.5 Đường kính gốc ghép .............................................................. 30
3.4.6 Tỷ lệ đường kính gốc thân ngọn ghép và gốc ghép .................. 31
3.4.7 Số chùm hoa thân chính........................................................... 32
3.4.8 Kích thước trái ........................................................................ 33
3.5 THÀNH PHẦN NĂNG SUẤT .......................................................... 35
3.5.1 Số trái trên cây ........................................................................ 35
3.5.2 Trọng lượng trái ...................................................................... 36
3.5.3 Trọng lượng trái trên cây ......................................................... 37
3.5.4 Sinh khối ................................................................................. 37
3.6 NĂNG SUẤT .................................................................................... 38
3.6.1 Năng suất thương phẩm ........................................................... 38
3.6.2 Năng suất tổng......................................................................... 39
3.7 MỘT SỐ CHỈ TIÊU PHẨM CHẤT TRÁI CÀ CHUA ...................... 40
3.7.1 Độ Brix ................................................................................... 40
3.7.2 pH thịt trái ............................................................................... 41
3.7.3 Độ dày thịt trái ........................................................................ 41
3.7.4 Số vách ngăn trái ..................................................................... 42
3.7.5 Độ cứng trái ............................................................................ 42
3.7.6 Độ khác màu vỏ trái ................................................................ 43
KẾT LUẬN VÀ ĐỀ NGHỊ
Kết luận................................................................................................... 44
Đề nghị ................................................................................................... 44
TÀI LIỆU THAM KHẢO

45

PHỤ CHƯƠNG

ix



x

DANH SÁCH BẢNG
Bảng

Tựa bảng

Trang

1.1

Tình hình sản xuất cà chua trên thế giới

2

1.2

Sản lượng cà chua (triệu tấn) của 10 nước dẫn đầu thế giới năm
2005 và 2009

3

2.1

Thành phần và tỷ lệ phân bón cung cấp cho cây cà chua trong
thí nghiệm tại nhà lưới Khoa NN&SHƯD – ĐHCT (tháng 5 –
10/2010)

20


3.1

Tỷ lệ cây bị khảm và héo xanh ở 30 NSKT của 11 giống cà
chua trái lớn tại nhà lưới Khoa NN&SHƯD – ĐHCT (tháng 5
– 10/2010)

26

3.2

Ngày trổ hoa, 50% số cây trổ hoa, thời gian kéo dài và kết thúc
thu hoạch của 11 giống cà chua trái lớn tại nhà lưới Khoa
NN&SHƯD – ĐHCT (tháng 5 – 10/2010)

27

3.3

Đường kính gốc thân ngọn ghép của 11 giống cà chua trái lớn
tại nhà lưới Khoa NN&SHƯD – ĐHCT (tháng 5 – 10/2010)

30

3.4

Đường kính gốc ghép của 11 giống cà chua trái lớn tại nhà lưới
Khoa NN&SHƯD – ĐHCT (tháng 5 – 10/2010)

31


3.5

Tỷ lệ đường kính gốc thân ngọn ghép/gốc ghép của 11 giống
cà chua trái lớn tại nhà lưới Khoa NN&SHƯD – ĐHCT (tháng
5 – 10/2010)

32

3.6

Số chùm hoa thân chính qua các giai đoạn khảo sát của 11
giống cà chua trái lớn tại nhà lưới Khoa NN&SHƯD – ĐHCT
(tháng 5 – 10/2010)

33

3.7

Độ dày thịt, số vách ngăn và độ cứng trái của 11 giống cà chua
trái lớn tại nhà lưới Khoa NN&SHƯD – ĐHCT (tháng 5 –
10/2010)

42

x


xi


DANH SÁCH HÌNH
Hình

Tựa hình

Trang

3.1

Diễn biến nhiệt độ không khí (0C), ẩm độ (%) và cường độ ánh
sáng (1.000 lux) trung bình qua các thời điểm khảo sát trong
ngày 02/08/2010 và ngày 13/09/2010 tại nhà lưới Khoa
NN&SHƯD – ĐHCT

24

3.2

Chiều cao thân chính của 11 giống cà chua trái lớn tại nhà lưới
Khoa NN&SHƯD – ĐHCT (tháng 5 – 10/2010)

28

3.3

Số lá trên thân chính của 11 giống cà chua trái lớn tại nhà lưới
Khoa NN&SHƯD – ĐHCT (tháng 5 – 10/2010)

29


3.4

Kích thước trái của 11 giống cà chua trái lớn tại nhà lưới Khoa
NN&SHƯD – ĐHCT (tháng 5 – 10/2010)

34

3.5

Số trái trên cây của 11 giống cà chua trái lớn tại nhà lưới Khoa
NN&SHƯD – ĐHCT (tháng 5 – 10/2010)

35

3.6

Trọng lượng trái của 11 giống cà chua trái lớn tại nhà lưới
Khoa NN&SHƯD – ĐHCT (tháng 5 – 10/2010)

36

3.7

Trọng lượng trái trên cây và sinh khối của 11 giống cà chua trái
lớn tại nhà lưới Khoa NN&SHƯD – ĐHCT (tháng 5 –
10/2010)

37

3.8


Năng suất thương phẩm và năng suất tổng của 11 giống cà
chua trái lớn tại nhà lưới Khoa NN&SHƯD – ĐHCT (tháng 5
– 10/2010)

39

3.9

Độ Brix thịt trái của 11 giống cà chua trái lớn tại nhà lưới Khoa
NN&SHƯD – ĐHCT (tháng 5 – 10/2010)

40

3.10

pH thịt trái của 11 giống cà chua trái lớn tại nhà lưới Khoa
NN&SHƯD – ĐHCT (tháng 5 – 10/2010)

41

3.11

Độ khác màu vỏ trái (∆E) của 11 giống cà chua trái lớn tại nhà
lưới Khoa NN&SHƯD – ĐHCT (tháng 5 – 10/2010)

43

xi



MỞ ĐẦU
Cà chua là một trong những loại cây rau ăn trái có giá trị dinh dưỡng cao,
phổ biến trong bữa ăn của người dân Việt Nam. Ở nước ta, cây cà chua đã được
trồng từ rất lâu, cho đến nay cà chua vẫn là loại rau ăn trái và cây trồng cho sản
phẩm hàng hóa chủ lực được đầu tư nghiên cứu và phát triển. Sản phẩm từ cà chua
có rất nhiều công dụng: làm thực phẩm cho bữa ăn hằng ngày, thức uống, trong
công nghệ đóng hộp, là nguồn dược liệu hữu ích trong kỹ nghệ mỹ phẩm, dược
phẩm,…
Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất trong sản xuất cà chua ở ĐBSCL là giống chịu
nhiệt rất ít, hầu hết là giống thích nghi với vùng khí hậu mát như Đà Lạt, chỉ có
giống Savior là giống được thị trường chấp nhận, đang được trồng ở nhiều tỉnh
ĐBSCL trong điều kiện ngoài đồng và nhà lưới, chưa có giống tốt hơn để trồng
trong nhà lưới chính vì vậy cần nghiên cứu tìm ra giống tốt, thích nghi với điều kiện
nhà lưới ở ĐBSCL có nhiều triển vọng. Do đó đề tài “Khảo sát sự sinh trưởng, năng
suất và chất lượng của 11 giống cà chua nhập nội trong nhà lưới, tháng 5 –
10/2010” được thực hiện nhằm xác định giống cà chua có khả năng thích nghi sinh
trưởng tốt, năng suất và chất lượng cao trong điều kiện nhà lưới ở ĐBSCL.


CHƯƠNG 1
LƯỢC KHẢO TÀI LIỆU
1.1 KHÁI QUÁT VỀ CÂY CÀ CHUA
1.1.1 Nguồn gốc
Cà chua có tên khoa học là Lycopersicum esculentum Mill., thuộc họ Cà
Solanaceae. Có nguồn gốc từ vùng trung và nam châu Mỹ (Phạm Hồng Cúc, 2002).
Theo Tạ Thu Cúc (2002), cà chua có nguồn gốc ở Peru, Bolovia và Ecuador trước
khi Crixtôp Côlông tìm ra châu Mỹ thì cà chua đã được trồng ở Peru và Mexico.
1.1.2 Tình hình sản xuất cà chua trên thế giới và Việt Nam
 Thế giới

Cà chua là loại cây trồng có giá trị kinh tế cao được trồng rộng rãi trên thế
giới. Theo số liệu của FAO diện tích và sản lượng cà chua năm 2009 là 4,98 triệu ha
với 141,4 triệu tấn. Với xu hướng gieo trồng này so với thập kỷ trước đã tăng
124,8% về diện tích và tăng 129,6% về sản lượng.
Bảng 1.1 Tình hình sản xuất cà chua trên thế giới
Năm
2005
2006
2007
2008
2009

Diện tích (triệu ha)
4,557
4,690
4,793
4,838
4,980

Sản lượng (triệu tấn)
127,822
130,058
134,522
136,230
141,401

Nguồn FAO, 2011

Châu Á là nước đứng đầu về diện tích và sản lượng cà chua với diện tích là
3,048 (triệu ha) và sản lượng là 74,190 (triệu tấn). Châu Âu đứng thứ 2 về diện tích

555 (nghìn ha) nhưng sản lượng đứng thứ 3 (22,839 triệu tấn) sau châu Mỹ sản
lượng 25,602 (triệu tấn). Các nước có sản lượng cà chua lớn nhất thế giới là Trung
Quốc (34,12 triệu tấn) năm 2009, sau đó là Hoa Kỳ, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ. Châu Á
có diện tích trồng lớn nhất nhưng năng suất còn thấp. Nơi tiêu thụ cà chua lớn nhất
là châu Âu rồi đến châu Á, châu Mỹ.


3

Bảng 1.2 Sản lượng cà chua (triệu tấn) của 10 nước dẫn đầu thế giới năm 2005 và
2009
Quốc gia
Trung Quốc
Hoa Kỳ
Ấn Độ
Thổ Nhĩ Kỳ
Ai Cập
Italia
Iran
Tây Ban Nha
Brazil
Nga

2005
31,618
11,918
8,825
10,050
7,600
7,187

4,781
4,810
3,453
2,296

2009
34,120
14,142
11,149
10,746
10,000
6,383
5,888
4,749
4,205
2,170

Nguồn FAO, 2011

 Việt Nam
Diện tích trồng cà chua hằng năm diễn biến từ 15.000 – 17.000 ha với sản
lượng 280.000 tấn (Tạ Thu Cúc, 2005). Nhưng theo Tổng cục thống kê (2006), diện
tích trồng cà chua ở nước ta ngày càng tăng năm 2000 là 7.000 ha, năm 2005 là
23.000 ha với sản lượng 462.000 tấn.
Cà chua được trồng chủ yếu ở đồng bằng sông Hồng và trung du Bắc Bộ. Ở
đây có một số vùng sản xuất cây giống với quy mô trung bình (Văn Lâm – Hưng
Yên và Vĩnh Tường – Vĩnh Phúc) để cung cấp cho sản xuất trong vùng với số
lượng từ vài trăm nghìn đến hàng triệu cây giống cà chua. Được sản xuất cây giống
trong nhà vòm, nhà có mái che nhưng vẫn gieo hạt trực tiếp trên đất và không sử
dụng phương pháp ghép. Giống phổ biến ở đồng bằng sông Hồng bao gồm giống

Perfect 89 (Syngenta), P375 (Know you seed), VL642, VL2003, VL2004 và
VL2910 (Lotus Seed Co.) và Savior (Syngenta) (báo cáo dự án CARD 025/06)
(Trần Khắc Thi và ctv., 2008)
Riêng ở Lâm Đồng thuộc vùng Cao nguyên Nam Trung bộ có khoảng 4.500
ha gieo trồng mỗi năm, Đơn Dương – Lâm Đồng là huyện trồng cà chua tập trung
và lớn nhất nước, với diện tích khoảng 3.000 ha, năng suất trong khoảng 30 – 40
tấn/ha, cá biệt đạt 70 – 80 tấn/ha (Ngô Quang Vinh và Ngô Xuân Chinh, 2004). Ở
đây sản xuất cây giống với quy mô rất lớn, rất chuyên nghiệp, số lượng cây giống


4

sản xuất được từ 5 – 12 triệu cây cà chua giống/năm và các giống rau khác cũng
được sản xuất qua vườn ươm, tất cả các cơ sở sản xuất đều được tiến hành trong
nhà lưới có sử dụng giá thể và khay ươm. Tại đây, hơn 40% cây giống cà chua được
sử dụng cây ghép để chống bệnh héo xanh vi khuẩn. Giống cà chua được trồng phổ
biến là giống Anna (Seminis) vì năng suất cao, kích cỡ trái phù hợp, độ đồng đều
cao, màu đỏ đẹp. Cây giống cà chua được tiêu thụ chủ yếu trong tỉnh và một số
được cung cấp cho các tỉnh lân cận (Trần Khắc Thi và ctv., 2008).
Ở ĐBSCL, cà chua được trồng khá phổ biến, tuy nhiên trong những năm gần
đây diện tích cà chua bị thu hẹp do tình hình héo xanh vi khuẩn gây hại nặng (Trần
Thị Ba, 2010)
1.1.3 Đặc tính thực vật cây cà chua
 Rễ
Cà chua có rễ chùm, ăn sâu và phân nhánh mạnh, khả năng phát triển rễ phụ
rất lớn. Trong điều kiện tối hảo, những giống tăng trưởng mạnh có rễ ăn sâu 1 – 1,5
m và lan rộng 1,5 – 2,5 m vì vậy cây cà chua là cây chịu hạn tốt nhất (Trần Thị Ba
và ctv., 1999). Bộ rễ ăn sâu, cạn, mạnh hay yếu đều có liên quan đến mức độ phân
cành và phát triển của bộ phận trên mặt đất, do đó khi trồng cà chua tỉa cành, bấm
ngọn, bộ rễ thường ăn cạn và hẹp hơn so với điều kiện trồng tự nhiên.

 Thân
Thân bụi, mềm, nhiều nước, giòn, dễ gãy, xung quanh thân có phủ một lớp
lông dày có màu sắc khác nhau, khi cây lớn gốc thân dần dần hóa gỗ. Trên thân có
nhiều đốt và có khả năng ra rễ bất định, chiều cao thân từ 0,25 – 2 m, số lượng
nhánh giao động từ 3 – 19 nhánh (Mai Thị Phương Anh, 1996).
Theo Tạ Thu Cúc (2005), dựa vào đặc điểm ra hoa có thể chia cà chua thành
3 loại: sinh trưởng vô hạn, hữu hạn và bán hữu hạn. Nhưng theo Trần Thị Ba và
ctv., (1999) và Phạm Hồng Cúc (2008), đã phân cà chua thành 4 dạng hình tùy theo
khả năng sinh trưởng và phân nhánh của cây:


5

Dạng sinh trưởng vô hạn (indeterminate): thân cao trên 2 m, có chùm hoa
đầu tiên ở lá thứ 9 – 11, sự sinh trưởng vẫn tiếp tục khi cây ra hoa nhờ vào sự sinh
trưởng mạnh của chồi nách ở lá trên cùng. Các giống thuộc dạng này tăng trưởng và
trổ hoa mạnh cho năng suất cao nhờ vào thời gian thu hoạch kéo dài.
Dạng sinh trưởng hữu hạn (determinate): Thân cứng, mọc đứng, có chùm
hoa đầu tiên ở lá thứ 7 – 9, khi cây được 4 – 6 chùm hoa thì xuất hiện chùm hoa
ngọn lúc này cây ngừng tăng trưởng, dạng này cho trái sớm và tập trung.
Dạng sinh trưởng bán hữu hạn (semideterminate): Cũng giống dạng sinh
trưởng hữu hạn nhưng số chùm hoa trên cây nhiều hơn (8 – 10 chùm hoa) và tập
trung ở ngọn trước khi cây có chùm hoa tận ngọn và ngừng tăng trưởng chiều cao.
Dạng này thích hợp cho nhiều mùa vụ, nhiều vùng sinh thái và cho năng suất cao.
Dạng lùn (dwart): Có thể sinh trưởng hữu hạn hay vô hạn, có lóng ngắn,
cây có dạng bụi, cho trái tập trung.
 Lá
Lá thuộc lá kép lông chim, tùy đặc tính của giống mà lá cà chua có màu sắc
và kích thước khác nhau. Đặc tính lá của giống thường thể hiện đầy đủ sau khi cây
có chùm hoa đầu tiên (Trần Thị Ba và ctv., 1999). Theo Tạ Thu Cúc (2002), bộ lá

có ý nghĩa quan trọng nhất đối với năng suất, số lượng lá trên cây hoặc khi lá bệnh
sẽ ảnh hưởng đến năng suất.
 Hoa
Hoa cà chua mọc thành chùm, lưỡng tính, nhị đực liên kết với nhau thành
bao hình nón, bao quanh nhụy cái và tự thụ phấn là chính. Số lượng hoa trên chùm
thay đổi tùy giống và thời tiết, thường từ 5 – 20 hoa (Trần Thị Ba và ctv., 1999).
 Trái
Trái thuộc loại mọng nước, có hình dạng thay đổi từ tròn, bầu dục đến dài.
Màu sắc của trái thay đổi tùy giống và điều kiện thời tiết, phụ thuộc vào hàm lượng
carotene và lycopen. Thường màu sắc trái là màu phối hợp giữa màu vỏ trái và thịt
trái (Trần Thị Ba và ctv., 1999).


6

 Hạt
Hạt cà chua nhỏ, dẹp, nhiều lông, màu vàng sáng hoặc hơi tối, trung bình có
50 – 350 hạt trong trái. Hạt nhỏ, đường kính từ 1 – 2 mm, hạt vẫn có thể nảy mầm
sau 3 – 4 năm tồn trữ (Nguyễn Mạnh Chinh và ctv., 2007).
1.1.4 Yêu cầu về điều kiện ngoại cảnh của cây cà chua
 Ánh sáng
Cà chua thuộc loại cây ưa sáng mạnh, cây con trong vườn ươm nếu đủ ánh
sáng 5.000 lux sẽ cho chất lượng tốt, cứng cây, bộ lá to, khỏe sớm được trồng.
Cường độ ánh sáng tối hảo cho cà chua là 20.000 lux hay cao hơn (Tạ Thu Cúc,
2005). Ngoài ra, ánh sáng tốt, cường độ quang hợp tăng cây ra hoa đậu trái sớm
hơn, chất lượng sản phẩm cao hơn (Trần Khắc Thi, 1999). Cường độ ánh sáng thấp
làm chậm quá trình sinh trưởng và cản trở quá trình ra hoa, ánh sáng đầy đủ thì việc
thụ phấn thuận lợi, dẫn đến sự phát triển bình thường của trái, trái đồng đều, năng
suất tăng. Tuy nhiên ở 80.000 – 100.000 lux cây bị héo, lá và trái bị cháy nắng
(Trần Thị Ba và ctv., 1999).

 Nhiệt độ
Nhiệt độ được xem là yếu tố quan trọng nhất, ảnh hưởng lớn nhất đến quá
trình sinh trưởng, phát triển cà chua đặc biệt là cà chua trồng trong điều kiên nóng
ẩm. Cà chua là loại cây chịu ẩm, nhiệt độ thích hợp nhất cho sự nảy mầm là 24 –
260C (Trần Thị Ba và ctv., 1999). Theo Tạ Thu Cúc (2005), nhiệt độ tối hảo cho sự
phát triển của cà chua là 21 – 240C, quá trình quang hợp của lá tăng khi nhiệt độ từ
25 – 300C. Nhiệt độ không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sinh trưởng dinh dưỡng mà
còn ảnh hưởng rất lớn tới sự ra hoa đậu trái, năng suất, chất lượng trái cà chua. Ảnh
hưởng đến quá trình nở hoa, cũng như sự thụ phấn của hoa, làm giảm số lượng hạt
phấn, sức sống hạt phấn và của noãn. Tỷ lệ đậu trái cao ở nhiệt độ tối ưu là 18 –
200C, khi nhiệt độ ngày vượt tối đa 380C trong vòng 5 – 9 ngày trước và sau khi nở
hoa 1 – 3 ngày đây chính là nguyên nhân làm giảm năng suất.


7

 Nước
Tùy giai đoạn sinh trưởng của cây mà yêu cầu về nước khác nhau, khi cây ra
hoa đậu trái là lúc cây cà chua cần nhiều nước nhất, nhưng khi chùm trái đầu tiên
sắp chín, nhu cầu nước giảm dần. Theo Tạ Thu Cúc (2002), khi chuyển đột ngột từ
chế độ ẩm thấp sang chế độ ẩm cao sẽ gây hiện tượng nứt trái ở cà chua.
 Ẩm độ
Cà chua là cây yêu cầu ẩm độ không khí thấp trong quá trình sinh trưởng và
phát triển, ẩm độ không khí thích hợp là 50 – 60%, khi ẩm độ không khí trên 65%
cây dễ dàng bị nhiễm bệnh hại (Tạ Thu Cúc, 2005). Theo Phạm Hồng Cúc (2008),
ẩm độ cao gây trở ngại cho việc thụ tinh, thụ phấn nên cây cà chua khó đậu trái vì
vòi nhụy có khuynh hướng mọc dài hơn chỉ tiểu nhị, ngoài ra còn làm cho hạt phấn
vỡ dẫn đến số hoa trên chùm bị giảm.
 Đất và dinh dưỡng
Cà chua sinh trưởng thích hợp trên đất thịt nhẹ và đất pha cát, nhiều mùn hay

đất phù sa, đất bồi giữ ẩm và thoát nước tốt. Độ pH từ 5,5 – 7,0 (Trần Thị Ba và
ctv., 2002) và ẩm độ đất thích hợp 70 – 80% (Nguyễn Mạnh Chinh và ctv., 2007).
Theo Nguyễn Mạnh Chinh và ctv. (2007) nhận thấy trong các nguyên tố dinh dưỡng
cà chua sử dụng nhiều nhất là kali rồi đạm sau đó đến lân, canxi và các nguyên tố vi
lượng. Nhu cầu dinh dưỡng cho cây cà chua là rất cao, dinh dưỡng là yếu tố có tính
chất quyết định đến năng suất và chất lượng trái (Tạ Thu Cúc, 2002).
1.2 MỘT SỐ YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG TRONG SẢN XUẤT CÀ CHUA
1.2.1 Giống
Giống giữ vai trò rất quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, việc chọn giống
thích hợp với điều kiện tự nhiên giúp thu được năng suất cao, ổn định, phẩm chất
trái tốt từ đó tăng hiệu quả kinh tế (Trần Thượng Tuấn, 1992).
Việc chọn tạo giống cà chua đã có nhiều tiến bộ trong khoảng 200 năm trở
lại đây. Lịch sử công tác chọn tạo giống cà chua trên thế giới bắt đầu ở châu Âu, có


8

lẽ người Italia là những người đầu tiên phát triển các giống cà chua mới, họ chọn
các giống có sự khác nhau về tính trạng quả, chủ yếu là màu sắc quả.
Ở Việt Nam, việc trồng, sản xuất cà chua còn nhiều bất cập như chưa đủ
giống cho sản xuất, chưa có bộ giống tốt cho từng vụ và thích hợp cho từng vùng
sinh thái khác nhau. Nguồn giống để sản xuất hiện nay chủ yếu vẫn là nhập khẩu từ
nước ngoài, mà giống ngoại có giá thành đắt, chưa hợp lý và đáp ứng đủ nhu cầu
của thực tiễn sản xuất.
Theo Phạm Hồng Cúc (2008), giống lai F1 nhập nội hầu như đã thay thế
hoàn toàn giống địa phương. Hiện nay, hàng ngàn giống cà chua đã được tuyển
chọn có dạng trái khác nhau và tăng trưởng tối hảo ở các điều kiện canh tác khác
nhau, những giống thế hệ lai F1 có sức sống tốt thể hiện ở sự sinh trưởng và năng
suất, sức chống chịu tốt.
Theo Trần Thị Ba và ctv. (1999), giống cà chua chủ yếu hiện nay là giống lai

F1 hầu hết từ các nước Đài Loan, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc,…và theo Phạm
Hồng Cúc (1999) cho rằng giống F1 tốt phù hợp với ĐBSCL, chống chịu bệnh,
năng suất cao, trái cứng, dễ vận chuyển và để được lâu. Theo Đinh Trần Nguyễn
(2010), có rất ít giống cà chua cho năng suất cao ở ĐBSCL, năng suất trung bình
chỉ bằng một nữa so với trồng tại Đà Lạt nhất là trong vụ Xuân Hè do cường độ ánh
sáng mạnh và nhiệt độ cao nên tỷ lệ rụng nụ và trái non rất cao.
Cùng với đó, việc đầu tư cho sản xuất cà chua ở nước ta của người nông dân
còn thấp, quy trình kỹ thuật canh tác cũ, trình độ thâm canh chưa cao. Tuy nhiên,
việc cung cấp giống chủ yếu do các công ty giống đảm nhiệm nên người nông dân
bỏ dần thoái quen giữ giống, dẫn đến tình trạng thiếu giống trong sản xuất (Nguyễn
Đình, 2009).
1.2.2 Một số sâu bệnh hại chính trên cà chua
Theo Trần Thị Ba và ctv. (1999), cà chua thường bị một số bệnh hại như sau:
Héo xanh do vi khuẩn Ralstonia solanacearum Smith, héo vàng do Fusarium
oxysporum và bệnh khảm do virus,…


9

 Bệnh héo xanh vi khuẩn
Theo Tạ Thu Cúc (2002), bệnh héo xanh vi khuẩn (héo rủ, héo tươi) gây hại
nghiêm trọng đối với cây cà chua, hiện nay chưa có thuốc đặc hiệu để phòng trừ
loại bệnh này nên khi bệnh xâm nhiễm đã gây tổn thất lớn cho sản xuất. Bệnh héo
xanh gây hại nghiêm trọng nhất ở hầu hết các vùng trồng cà chua trên thế giới, gây
thiệt hại năng suất có khi tới 95% thậm chí gây mất trắng (Nguyễn Văn Viên và Đỗ
Tấn Dũng, 2003). Ở Việt Nam, tỷ lệ bệnh này thường từ 20 – 30%, có nơi lên đến
100% (Ngô Quang Vinh và Ngô Xuân Chinh, 2003).
Trên thế giới đã áp dụng nhiều biện pháp để hạn chế bệnh héo xanh vi khuẩn
như luân canh với cây trồng khác họ, sử dụng thuốc hóa học, sử dụng nấm đối
kháng, vệ sinh đồng ruộng và kể cả sử dụng Metyl bromide để xử lý đất canh tác

cũng không mang lại hiệu quả cao do vi khuẩn này có thời gian sống rất lâu trong
đất mà không cần sự hiện diện của ký chủ. Biện pháp tốt nhất là trồng cà chua bằng
gốc ghép có khả năng kháng bệnh như cà tím, cà chua và ngọn ghép là cà chua cho
năng suất cao được xem là hiệu quả hơn các biện pháp khác (Trần Thị Ba và Phạm
Thanh Phong, 2010).
 Bệnh khảm virus
Bệnh khảm do môi giới côn trùng chích hút đặc biệt là rầy phấn trắng
(Bemisia tabaci) chích hút đọt non và lan truyền virus gây bệnh (Nguyễn Thị Mỹ
Phụng, 2004). Theo Trần Thị Ba (2010) thì rầy phấn trắng và bù lạch (Thrips palmi)
phát triển nhanh trong điều kiện nóng và khô, dễ quen thuốc khi phun ở nồng độ cao
hoặc phun thường xuyên định kỳ mà ít thay đổi nhóm thuốc.
Bệnh hại trong nhà lưới thấp hơn hẳn so với bệnh ngoài đồng ruộng, chỉ có
bệnh khảm là có tỷ lệ bệnh cao nhất (29,38-34,9%) vào tháng 10 – 11 và xuất hiện
trong nhà lưới cao hơn ngoài đồng ruộng vì mật độ rầy phấn trắng xuất hiện ở đây
cao hơn, tăng dần vào cuối giai đoạn sinh trưởng và phát triển cà chua (Ngô Thị
Xuyên, 2005). Mật độ rầy phấn trắng càng cao thì tỷ lệ cây bị nhiễm bệnh khảm
càng nhiều, thời tiết là yếu tố có ảnh hưởng nhiều đến mức độ phát sinh của bệnh.


10

 Sâu đục trái cà chua
Sâu đục trái cà chua (Helicoverpa armigera Hub.), sâu non phá hại lá, chùm
hoa,... Khi cà chua ra hoa, sâu cắn cuống hoa làm rụng hoa và trái non (Trần Khắc
Thi và ctv., 2008). Khi cây ra trái, sâu đục lỗ chui vào trái và ăn rỗng trái, sâu đục
đến đâu đùn phân ra đến đó nên rất dễ phát hiện. Những trái bị sâu đục dễ rụng, ảnh
hưởng đến năng suất nghiêm trọng.

1.3 SẢN XUẤT CÀ CHUA GHÉP GỐC
Đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về kỹ thuật sản xuất cà chua bằng

phương pháp ghép gốc để ngăn bệnh héo xanh vi khuẩn Ralstonia solanacearum
trên cả nước.
Hiện nay, việc trồng cà chua bằng cách ghép đã đạt gần như 100% diện tích
nhà kính, các nước có nền nông nghiệp tiên tiến đã có máy gieo hạt và máy ghép tự
động. Trung tâm AVRDC (2003) đã báo cáo việc trồng cà chua vào mùa nắng nóng
và ẩm ướt thì gặp rất nhiều khó khăn do sự ngặp úng, bệnh trong đất và nhiệt độ cao
sẽ làm giảm năng suất. Họ khuyến cáo sử dụng cây cà ghép trên gốc cà tím hoặc
gốc cà chua sẽ chống lại được căn bệnh từ đất và sự ngập úng.
Theo Ngô Quang Vinh và Ngô Xuân Chinh (2003), cà chua ghép có khả
năng kháng bệnh rõ ràng và hiệu quả nhất, tỷ lệ chết do bệnh héo xanh vi khuẩn ở
các gốc cà chua ghép là từ 0 – 21,5% trong khi ở nhóm đối chứng không ghép là
100% chết.
Theo kết quả nghiên cứu của Trần Thị Ba (2010) thì biện pháp ghép gốc cà
tím, cà chua kháng bệnh đã giúp cho cây cà chua sinh trưởng mạnh, gia tăng năng
suất và chống chịu bệnh héo xanh tăng năng suất so với đối chứng (không ghép) từ
456,8 – 554,6%. Điều này tương tự với kết quả của Phạm Thanh Phong (2010),
Dương Hoàng Tú (2008),…
Cây cà chua hoàn toàn có thể sinh trưởng phát triển và cho năng suất khi
ghép lên gốc cà tím. Gốc ghép cà tím có thể kéo dài thời gian thu hoạch lâu hơn,
trong điều kiện có bệnh héo xanh vi khuẩn hay ngập nước thì cà chua ghép lên gốc


11

cà tím cho năng suất cao hơn cà chua không ghép, do đó hiệu quả kinh tế mà cà
chua ghép mang lại cao hơn so với cà chua không ghép (Trần Văn Lài và ctv.,
2002).
Về chất lượng và cảm quan của cà chua ghép không khác gì so với cà chua
không ghép, các chỉ tiêu sinh hóa như độ Brix, vitamin C, hàm lượng chất khô ở trái
cà chua ghép cao hơn cà chua không ghép (Trần Văn Lài và ctv., 2002). Ngoài

những thuận lợi trên, cà chua ghép có giá thành đắt hơn cà chua không ghép do chi
phí ghép, hạt giống làm gốc ghép và công tỉa chồi dại (Trần Thị Ba, 2006).
 Đặc điểm gốc ghép EG 203
Cà tím EG 203 là giống kháng bệnh héo xanh do Trung tâm Nghiên cứu và
Phát triển Rau châu Á (AVRDC) cung cấp, có khả năng kháng bệnh héo xanh vi
khuẩn rất tốt. Theo ghi nhận của Trần Văn Lài (2002), khi sử dụng gốc ghép cà tím
EG 203 với cà chua thì khả năng kháng bệnh héo xanh tốt còn có thể chịu được
ngập úng nhẹ trong khoảng một tuần nhưng kích thước trái nhỏ hơn và làm giảm
năng suất, theo tác giả thì hiện nay ở Đài Loan thường sử dụng cà tím EG 203 làm
gốc ghép đối với ngọn ghép cà chua sơri vì cho trái nhỏ và phẩm chất tốt hơn. Kết
quả nghiên cứu của Châu Ngọc Ánh (2008) cũng cho kết quả gốc ghép cà tím EG
203 kháng bệnh héo tươi 100% và cho năng suất tương đối cao (37,34 tấn/ha) trên
ngọn ghép Redcrown 250. Theo kết quả nghiên cứu của Phạm Thanh Phong (2008)
khả năng chống chịu héo xanh của gốc ghép cà tím EG 203 rất cao (0,0 – 6,3%).
Kết quả tổng hợp của Trần Thị Ba (2010), cà chua ghép ngoài đồng ở ba tỉnh
Hậu Giang, Bạc Liêu và Vĩnh Long đều bị nhiễm bệnh héo xanh, gốc cà tím EG
203 chống chịu khá tốt (trung bình 2,5%), kế đến là gốc cà chua HW96 (16,6%),
sau đó là gốc cà chua Đà Lạt (23,4%) và cà chua không ghép (Red Crown 250) bị
nhiễm nặng (63,4%).
Theo nghiên cứu của Ngô Quang Vinh và Ngô Xuân Chinh (2003), thì gốc
cà tím EG 203 được ghép với ngọn cà chua 386 vẫn giữ được độ Brix, trọng lượng
trái và cho năng suất cao hơn so với đối chứng không ghép.


12

1.4 SẢN XUẤT CÀ CHUA TRONG NHÀ LƯỚI, NHÀ KÍNH
Trồng rau trong nhà lưới, nhà kính ngày càng phát triển và đang trở thành
một nghề chính mang lại lợi nhuận cho người nông dân tại nhiều vùng trong cả
nước. Nhà kính có tác dụng rõ rệt ngăn chặn một phần sự xâm nhập của nhiều loài

dịch hại, làm giảm chi phí thuốc bảo vệ thực vật, tăng năng suất và nâng cao chất
lượng rau, đảm bảo phẩm chất rau an toàn cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước.
Hiện nay các nước tiên tiến trên thế giới đều trồng rau ứng dụng công nghệ cao, đặc
biệt các loại rau cao cấp như cà chua, dưa leo, ớt ngọt, xà lách và một vài loại rau
gia vị, nhà lưới là công cụ hỗ trợ đắc lực nhất (Trần Thị Ba, 2010).
Nhà lưới là một giải pháp kỹ thuật cao đã có từ lâu đời trong lĩnh vực trồng
trọt, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm “sạch” cung cấp sản phẩm liên tục quanh
năm cho thị trường rau lớn ở thành phố (ngay cả trong mùa hè, mưa bảo), được áp
dụng rộng rãi trên thế giới (Đài Loan, Philippines, Hàn Quốc, Israel, Úc,…) (Đinh
Trần Nguyễn, 2010).
Theo Ngô Xuân Chinh (2003) nhà kính lợp nóc bằng nilông còn gọi là nhà
màng chiếm diện tích khoảng 400 – 500 ha, tập trung tại Lâm Đồng, chủ yếu sản
xuất các loại rau cao cấp. Đặc biệt nhà lưới rất thích hợp cho sự phát triển nền
“nông nghiệp ven đô” cung cấp cho thị trường thành phố.
Ở Việt Nam, việc trồng cà chua trong nhà lưới đã được nhiều nơi thực hiện
rất thành công như: TP.HCM, Đà Lạt, Đồng Nai, Bình Dương và một số địa
phương khác trên phạm vi cả nước. Theo Trần Thị Ba (2010), trong năm 2009 công
ty Cổ phần Nông trại Sinh thái (Ecofarm) ở Phú Quốc đầu tư lắp đặt nhà kính 4.200
m 2 công nghệ Israel để sản xuất các loại rau cao cấp như các giống cải non nhập
nội, cà cherry, dưa hấu chất lượng cao (treo thân và trái) đây là mô hình ứng dụng
công nghệ tiên tiến nhất ĐBSCL hiện nay. Số nhà lưới ở huyện Hóc Môn đã từ
2.000 m2 lên 5.000 m2, tại Biên Hòa đã đạt 20.000 m2 để cung cấp sản phẩm cho cư
dân thành phố Hồ Chí Minh. Riêng nhà lưới rau ở ĐBSCL gồm các tỉnh Long An,
Tiền Giang, An Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Sóc Trăng cũng đạt khoảng 20.000
m 2. Dự báo diện tích nhà lưới sẽ ngày một tăng, không chỉ ở TP.HCM, Biên Hòa
mà còn lan tỏa ra các tỉnh ĐBSCL (Trần Thị Ba, 2010).


13


Cà chua được sản xuất trong nhà kính, nhà lưới vào những mùa mà điều kiện
thời tiết không thuận lợi cho canh tác (Phạm Hồng Cúc, 2008). Hạn chế được các
tác hại của mưa, gió, giảm bớt được cường độ ánh sáng nhất là có thể ngăn được
côn trùng, nhờ vậy mà ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón đến mức thấp
nhất cho sản phẩm rau sạch, an toàn cung cấp cho các siêu thị, nhà hàng, khách sạn
cao cấp,…
Trong điều kiện nhà lưới, cây sinh trưởng và phát triển nhanh và cho thu
hoạch sớm hơn bên ngoài 10 – 15% thời gian, chủ động cải tiến nhiều kỹ xảo canh
tác nên năng suất tăng hơn 20 – 30% so với bên ngoài (Trần Thị Ba và ctv., 2008).
Nhà lưới dạng hở rất thích hợp cho vùng có nhiệt độ cao như ở ĐBSCL do hạn chế
được tác hại của mưa và có độ thông thoáng cao (Ngô Quang Vinh, 2006)
Ngoài những thuận lợi của nhà lưới mang lại, thì có một số hạn chế: theo Vũ
Đức Hùng (2004), nhiệt độ trong nhà lưới thường cao hơn bên ngoài từ 2 – 30C vì
vậy cần phải lắp ráp thêm hệ thống tưới phun mưa thì mới có thể hạn chế nhiệt độ.
Một số nhà lưới không có khả năng ngăn chặn côn trùng có kích thước nhỏ như bù
lạch, rầy mềm, nhện đỏ,… Cà chua cần có sự thụ phấn của côn trùng nếu trồng
trong nhà lưới sẽ giảm cơ hội tiếp xúc của côn trùng với cây trồng làm giảm khả
năng thụ phấn (Võ Ngọc Hân và Lê Kim Phụng, 2006). Việc xây dựng quy trình
công nghệ sản xuất này phải đầu tư khá lớn, chủ yếu phục vụ cho một bộ phận dân
cư có thu nhập cao trong xã hội (Ngô Xuân Chinh, 2005). Theo Lê Thị Thúy Kiều
(2010), chi phí đầu tư xây dựng nhà lưới kiên cố (khung sắt và nilông bao phủ) ở
nước ta chi phí khoảng 1 tỷ đồng/ha nhưng thời gian sử dụng rất lâu khoảng 25 năm
đối với khung sắt và 3 năm đối với nilông bao phủ.
Năng suất cà chua trung bình trong nhà kính hiện đại ở Israel từ 300 – 500
tấn/ha và thời gian sinh trưởng khoảng 10 – 11 tháng, trong khi canh tác ngoài đồng
ở các nước khu vực châu Á trong đó có Việt Nam chỉ đạt 15 – 25 tấn/ha và thời
gian sinh trưởng khoảng 3 – 4 tháng (Trần Thị Ba, 2010).



×