Tải bản đầy đủ (.pdf) (25 trang)

BÁO CÁO VỀ CHUYẾN KHẢO SÁT TẠI CANADA

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.12 MB, 25 trang )

BÁO CÁO VỀ CHUYẾN KHẢO SÁT TẠI CANADA
(Từ 01/3 - 05/3/2010)

Hà Nội, 25/03/2010

1


MỤC LỤC
I.

GIỚI THIỆU

3

II.

LỊCH TRÌNH

4

III. CÁC ĐỀ TÀI ĐƯỢC ĐỀ CẬP

5

A.

5

Cơ cấu tổ chức của cơ quan Thống kê Canada


1.1 Cơ cấu tổ chức

5

1.2 Công tác tuyển dụng cán bộ

7

B

Công nghệ thông tin (CNTT) tại cơ quan Thống kê Canada

8

1.

Tổng quan về CNTT

8

2.

Kho dữ liệu thống kê

9

2.1 Tổng quan về kho dữ liệu của Cơ quan thống kê Canada

9


2.2 Mô hình kiến trúc kho dữ liệu

11

2.3 Công nghệ sử dụng để xây dựng kho dữ liệu

13

2.4 Một số kinh nghiệm trong việc xây dựng, vận hành kho dữ liệu

13

3

Siêu dữ liệu của Cơ quan thống kê Canada

15

4

Hệ thống lập biểu tổng điều tra

16

5

Vụ Dịch vụ CNTT

17


C

Chính sách phổ biến thông tin thống kê

18

1

Phổ biến thông tin thống kê

18

2

Dịch vụ thông tin thống kê

20

IV

KẾT LUẬN

21

2


I. GIỚI THIỆU
Đoàn khảo sát của Tổng cục Thống kê gồm 6 thành viên đã có chuyến
thăm và làm việc tại Cơ quan Thống kê Canada từ ngày 01/3 đến 05/3/2010.

Đoàn khảo sát gồm những thành viên sau đây:
1. Ông Nguyễn Đức Hòa, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kiêm
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, trưởng đoàn;
2. Ông Thiều Văn Tiến, Phó Giám đốc Trung tâm Tin học Thống kê,
TCTK, thành viên;
3. Bà Nguyễn Thị Ngọc Vân, Vụ trưởng Vụ Thống kê Tổng hợp, TCTK,
thành viên;
4. Bà Hoàng Thị Thanh Hà, Chuyên viên Vụ Hợp tác Quốc tế, Quản đốc
dự án “Hỗ trợ Giám sát phát triển kinh tế-xã hôi”, phiên dịch.
5. Ông Nguyễn Hữu Hoàn, Kỹ sư tin học Trung tâm tin học Thống kê,
TCTK, thành viên;
6. Ông Đỗ Ngọc Hà, Chuyên viên Vụ Phương pháp Chế độ và Công
nghệ thông tin, TCTK, thành viên;
Mục tiêu của chuyến công tác là tìm hiểu hoạt động của cơ quan Thống
kê Canada trên hai lĩnh vực: (1) Xây dựng kho dữ liệu; (2) Chính sách phổ biến
thông tin thống kê.
Với hai mục tiêu trên, chuyến công tác sẽ giúp cán bộ thống kê Việt Nam
học hỏi kinh nghiệm về những vấn đề chủ yếu sau đây:
Về xây dựng kho dữ liệu
• Lộ trình xây dựng kho dữ liệu
• Những vấn đề nảy sinh trong quá trình xây dựng kho dữ liệu và giải
pháp khắc phục
• Chuẩn hóa dữ liệu để đưa vào kho dữ liệu
• Chương trình khai thác kho dữ liệu
• Phát triển kho dữ liệu
• Tích hợp dữ liệu
• Trang bị cơ sở hạ tầng và quản lý hoạt động của Vụ Dịch vụ CNTT cơ
quan Thống kê Canada
Về chính sách phổ biến thông tin
• Các hình thức phổ biến thông tin thống kê

• Mục tiêu của công tác phổ biến thông tin thống kê
3







Văn bản pháp lý liên quan đến phổ biến thông tin thống kê
Nguyên tắc trong phổ biến thông tin thống kê
Sản phẩm thống kê
Hoạt động dịch vụ thống kê

II. LỊCH TRÌNH
Để chuẩn bị cho chuyến đi đạt kết quả cao, đoàn đã liên hệ chặt chẽ với
Cơ quan Thống kê Canada xây dựng một Chương trình làm việc phù hợp về nội
dung và thời gian cho cả hai bên. Phía bạn đón tiếp đoàn nhiệt tình, thực hiện
chương trình làm việc nghiêm túc, cán bộ trình bày các chủ đề rõ ràng, dễ hiểu
và hầu hết các buổi làm việc đều dành thời gian để trao đổi, thảo luận những
vấn đề mà hai bên cùng quan tâm. Lịch trình hoạt động của đoàn trong thời gian
thăm và làm việc tại cơ quan Thống kê Canada như sau:
Thứ hai, ngày 01/3/2010
• Phát biểu chào mừng đoàn của Phó Tổng cục trưởng cơ quan
Thống kê Canada phụ trách mảng Công nghệ thông tin và
phương pháp chế độ thống kê.
• Cố vấn cao cấp Vụ Hợp tác quốc tế trình bày về cơ cấu tổ chức
của cơ quan Thống kê Canada và phương pháp quản lý
• Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển hệ thống trình bày về hạ tầng kiến
trúc của cơ quan Thống kê Canada

Thứ ba, ngày 02/3/2010
• Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển hệ thống trình bày về quá trình xây
dựng kho dữ liệu của cơ quan Thống kê Canada
• Trả lời các câu hỏi của phía Việt Nam (đã được gửi sang
Canada trước khi đoàn sang) liên quan đến kho dữ liệu
• Trình bày ứng dụng ba kho dữ liệu cụ thể gồm: Kho dữ liệu
nhập cư và kho dữ liệu tài chính; kho dữ liệu quản lý hệ thống
thông tin
• Thảo luận những vấn đề liên quan đến ba kho dữ liệu trên
Thứ tư, ngày 03/3/2010
• Vụ trưởng Vụ Phương pháp chế độ trình bày về chức năng của
Vụ, công tác quản lý siêu dữ liệu tổng hợp cũng như xây dựng
các chuẩn mực thống kê cho mảng thống kê xã hội và các bảng
phân ngành chuẩn
• Trưởng phòng Quản lý cơ sở dữ liệu thống kê kinh tế- xã hội
(CANSIM), Vụ Phổ biến thông tin trình bày về các chương

4


trình phổ biến thông tin, trọng tâm là chương trình ứng dụng
CANSIM
• Trình bày ứng dụng CANSIM
• Hoạt động dịch vụ thông tin thống kê
• Thảo luận những vấn đề liên quan đến phổ biến thông tin
Thứ năm, ngày 04/3/2010
• Trưởng phòng kho dữ liệu trình bày về quá trình xây dựng và
phương pháp sử dụng kho dữ liệu tài khoản quốc gia
• Cán bộ phân tích thống kê trình bày về việc sử dụng kho dữ liệu
tài khoản quốc gia phục vụ công tác phân tích thống kê

• Vụ trưởng Vụ Phát triển hệ thống trình bày về kho dữ liệu tổng
điều tra dân số
• Thảo luận những vấn đề liên quan đến kho dữ liệu tài khoản
quốc gia
• Chương trình ứng dụng phục vụ phổ biến số liệu tổng điều tra
Thứ sáu, ngày 05/3/2010
• Thăm Vụ Dịch vụ CNTT của cơ quan Thống kê Canada
• Giám đốc Vụ Dịch vụ CNTT giới thiệu về cơ chế hoạt động của
Vụ
• Gặp gỡ Tổng cục trưởng và Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế cơ
quan Thống kê Canada thảo luận về chương trình hợp tác thống
kê giữa hai cơ quan trong tương lai
III. CÁC CHỦ ĐỀ ĐƯỢC ĐỀ CẬP
A. Cơ cấu tổ chức của cơ quan Thống kê Canada
1.1. Cơ cấu tổ chức
Cơ quan Thống kê Canada là một cơ quan độc lập, có Tổng cục
trưởng và 6 Phó Tổng cục trưởng, trong đó:
- Tổng cục trưởng tương đương Thứ trưởng, do Thủ tướng bổ
nhiệm, phụ trách chung và có trách nhiệm báo cáo hoạt động thống kê với
Bộ trưởng Bộ Công nghiệp. Tuy nhiên hoạt động của cơ quan Thống kê
độc lập; Tổng cục trưởng chỉ gặp Bộ trưởng Bộ Công nghiệp trong
trường hợp báo cáo hoạt động thống kê với Bộ trưởng; ngân sách của
Thống kê do Quốc hội (Bộ Tài chính) giao trực tiếp, không qua Bộ Công
nghiệp.

5


- Bộ trưởng Bộ Công nghiệp có nhiệm vụ báo cáo trước Quốc hội
về hoạt động của Thống kê; trả lời chất vấn của Quốc hội về những vấn

đề liên quan đến thống kê.
- Phó Tổng cục trưởng do Thủ tướng bổ nhiệm. Trường hợp khuyết
Phó Tổng cục trưởng thì các vị trí bị khuyết của Phó Tổng cục trưởng
được thông tin trên trang Web của cơ quan Thống kê để mọi người đăng
ký. Ban Tuyển chọn được thành lập, trong đó có Thứ trưởng các Bộ có
liên quan đến chuyên ngành mà Phó Tổng cục trưởng cần chọn phụ trách.
- Nguồn quy hoạch Vụ trưởng cũng được làm hàng năm, trên cơ sở
nguồn này Tổng cục trưởng sẽ bổ nhiệm vào những vị trí Vụ trưởng
thiếu.
- Vị trí Phó phòng được thực hiện luân phiên 2 năm/lần nhằm bồi
dưỡng kiến thức về nhiều lĩnh vực cho vị trí này.
- Nhiệm vụ của 6 Phó Tổng cục trưởng được phân công như sau:
• Một Phó Tổng cục trưởng phụ trách dịch vụ, bao gồm các
Vụ: Nguồn nhân lực; Tài chính, đánh giá và lập kế hoạch; Dịch vụ truyền
thông và thông tin (Phòng Phổ biến thông tin Thống kê thuộc Vụ này).
• Một Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tài khoản quốc gia và
nghiên cứu phân tích bao gồm các Vụ: Hệ thống tài khoản quốc gia; Phân
tích.
• Một Phó Tổng cục trưởng phụ trách thống kê doanh nghiệp
và thương mại, bao gồm các Vụ: Thống kê công nghiệp; Thống kê kinh
tế; Thống kê vận tải, kỹ thuật và nông nghiệp.
• Một Phó Tổng cục trưởng phụ trách công nghệ thông tin và
phương pháp luận thống kê, bao gồm các Vụ: Hệ thống các bảng phân
ngành (Phòng Phương pháp chế độ thuộc Vụ này); Công nghệ thông tin
(Phòng phát triển hệ thống thuộc Vụ này); Phương pháp luận thống kê.
• Một Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng điều tra, bao gồm:
Thu thập số liệu và thống kê vùng; Thực hiện các công đoạn khác của
Tổng điều tra.
• Một Phó Tổng cục trưởng phụ trách thống kê xã hội, y tế và
lao động, bao gồm các Vụ: Thống kê xã hội và nhân khẩu học; Thống kê

thu nhập, lao động và giáo dục; Điều tra y tế, tư pháp và các lĩnh vực
chuyên môn khác
- Tổng cục Thống kê hoạt động theo cơ chế tập trung gồm 16 Vụ
và 70 phòng chức năng với 6000 cán bộ làm việc tại cơ quan thống kê
trung ương ở Ottawa và 7 cơ quan thống kê vùng. Cơ quan thống kê vùng
có nhiệm vụ chính là thu thập số liệu, có xử lý kết quả điều tra nhưng
không nhiều, chủ yếu vẫn gửi về cơ quan thống kê trung ương để xử lý số

6


liệu. Sản xuất số liệu tại cơ quan thống kê Canada mang tính tập trung
cao.
- Ngoài 6000 cán bộ thống kê đang làm việc tại Ottawa còn có
khoảng 1200 điều tra viên, trong đó 600 điều tra viên thực hiện điều tra
qua điện thoại và 600 điều tra viên thực hiện điều tra trực tiếp đối tượng
điều tra. Mỗi năm có khoảng 400 cuộc điều tra được thực hiện. Cơ quan
Thống kê Canada có quyền thu thập số liệu và có trách nhiệm bảo mật số
liệu đã được điều tra.
- Vào sáng thứ 6 hàng tuần, Tổng cục trưởng tham dự bữa ăn sáng
với các Thứ trưởng của các Bộ để trao đổi và nắm bắt nhu cầu của người
dùng tin thống kê, từ đó triển khai các hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu
của người dùng tin.
- Mỗi năm, cơ quan Thống kê trung ương tổ chức họp tại Ottawa
với các địa phương và cơ quan thống kê vùng để nắm bắt nhu cầu thông
tin thống kê của người dùng tin ở địa phương.
- Đối với khu vực tư nhân và phi chính phủ, có Hội đồng thống kê
quốc gia được bầu ra. Thành viên của Hội đồng này là đại diện của các
doanh nghiệp, các trường Đại học, Viện nghiên cứu, chính quyền địa
phương, các tổ chức công đoàn, và phương tiện thông tin đại chúng. Hội

đồng thống kê quốc gia tổ chức họp định kỳ hai năm/lần để báo cáo tình
hình hoạt động và đưa ra những khuyến nghị với Tổng cục trưởng thống
kê.
- Có 6 Ban cố vấn giúp Cơ quan Thống kê Canada về vấn đề khái
niệm, định nghĩa các chỉ tiêu thống kê
1. 2. Công tác tuyển dụng cán bộ
- Cơ quan Thống kê Canada trực tiếp tuyển dụng cán bộ thông qua
Ủy ban Chính sách của cơ quan, không qua Ủy ban Dịch vụ công như các
Bộ, ngành khác.
- Hàng năm Ủy ban Chính sách họp để xem xét nhu cầu nguồn
nhân lực cho các vị trí tại các Phòng, Ban trong cơ quan. Những vị trí
thiếu được thông tin đến các trường Đại học để sinh viên đăng ký. Sau đó
Ban Tuyển dụng của cơ quan thống kê sẽ đến Trường Đại học có sinh
viên đăng ký để thực hiện phỏng vấn và tuyển dụng. Ban này không nhất
thiết phải là những người có bằng cấp cao mà quan trọng là phải có kinh
nghiệm trong tuyển chọn cán bộ.
7


- Người được tuyển dụng được một Phó phòng trực tiếp hướng dẫn
trong thời gian tập sự 2 năm, trong thời gian này họ được luân chuyển ở
một số lĩnh vực với thời gian 6 tháng/lĩnh vực và được tham gia một số
khóa học bồi dưỡng. Sau 2 năm tập sự người được tuyển dụng sẽ lựa
chọn làm ở lĩnh vực nào.
- Cơ quan Thống kê Canada nằm trong số 100 cơ quan Nhà nước
hàng đầu tại Canada, là cơ quan thu hút được cán bộ có trình độ vào làm
việc nhờ một số điểm mạnh sau đây:
• Quan tâm nhiều đến chất lượng số liệu và thông tin thống kê.
• Thực hiện nghiêm tính bảo mật của thông tin
• Quan tâm đến công tác đào tạo và bồi dưỡng cán bộ mới để

họ có cơ hội phát triển.
• Thực hiện tốt sự bình đẳng giới, bình đẳng ngôn ngữ giữa
tiếng Anh và tiếng Pháp để cán bộ yên tâm công tác.
• Phúc lợi xã hội được quan tâm đầy đủ với phí thấp như: Có
phòng chơi thể thao, phòng giữ trẻ, bể bơi….dành cho cán bộ và con em
cán bộ thống kê.
B. Công nghệ thông tin (CNTT) tại cơ quan Thống kê Canada
1. Tổng quan về CNTT
Tại cơ quan thống kê Canada, số liệu mang tính tập trung cao. Có cơ
quan thống kê ở các tỉnh nhưng chủ yếu tập trung tại Ottawa. Cơ quan thống kê
vùng chủ yếu thu thập số liệu, nhập tin trực tiếp và chuyển về Cơ quan thống kê
Canada. Các bộ/ngành khác là những người dùng thông tin thống kê để xây
dựng chính sách.
Việc sản xuất số liệu thống kê dựa vào luật Thống kê. Theo luật Thống
kê, cơ quan thống kê có quyền thu thập thông tin và có trách nhiệm bảo mật
thông tin. Mỗi năm có khoảng 400 cuộc điều tra.
Trong số 6.000 cán bộ của Cơ quan thống kê Canada, hầu hết ở thủ đô
Ottawa, có khoảng 1.000 cán bộ CNTT nằm ở các bộ phận sau:
- CNTT có: +) Bộ phận cơ sở hạ tầng
+) Bộ phận xây dựng hệ thống. Bộ phận xây dựng hệ thống
chia thành 2 nhóm: Nhóm trung tâm (chiếm 1/3 số người) làm
nhiệm vụ phát triển hệ thống; tìm kiếm kiến trúc, công nghệ mới và
phổ biến, áp dụng ở Cơ quan thống kê Canada; Nhóm nằm trong
các Vụ (chiến 2/3 số người) thực hiện công việc duy trì cơ sở dữ
liệu ở các đơn vị. Cán bộ nhóm phát triển hệ thống không chỉ xây
dựng, phát triển hệ thống mà còn xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL)
phục vụ công tác chọn mẫu,..
8



Công nghệ chủ yếu dùng trong Cơ quan thống kê Canada là Microsoft,
SAS, Oracle. CSDL có dung lượng lớn được xây dựng trên Oracle, ví dụ như
Tổng điều tra dân số và nông nghiệp vào tháng 5/2011 (Tổng điều tra này được
tiến hành 5 năm 1 lần). Hệ thống xử lý điều tra doanh nghiệp là hệ thống cũ, lỗi
thời. Cơ quan thống kê Canada dự định thiết kế lại hệ thống xử lý này, cố gắng
chuẩn hóa để thống nhất về một mối.
Kinh phí cho CNTT chiếm 17% tổng số kinh phí. Hiện tại, số kinh phí
này đủ cho các hoạt động CNTT.
Công nghệ dùng trong cung cấp số liệu: Website; cơ sở dữ liệu thống kê
kinh tế-xã hội (viết tắt CANSIM); siêu dữ liệu metadata. Thử thách lớn nhất là
chức năng tìm kiếm thông tin trong website. Hiện tại, từ khóa trong tìm kiếm
hoạt động chưa hiệu quả. Trong tương lai, cơ quan Thống kê Canada sẽ ưu tiên
cải tiến chức năng tìm kiếm. Hiện tại trang Web thống kê Canada là trang Web
có khối lượng thông tin lớn nhất của Chính phủ.
Vụ phát triển hệ thống: Vụ phát triển hệ thống thuộc lĩnh vực Công nghệ
Thông tin và Phương pháp luận. Vụ có 120 cán bộ. Bộ phận xây dựng kho dữ
liệu nằm trong Vụ này. Hiện tại, bộ phận xây dựng kho dữ liệu có 23 cán bộ
thực hiện công việc xây dựng và phát triển các kho dữ liệu. Bộ phận này tạo ra
ngân sách 2 triệu đô CAD/năm.
2. Kho dữ liệu Thống kê
2.1.Tổng quan về kho dữ liệu của Cơ quan thống kê Canada
Cơ quan thống kê Canada bắt đầu nghiên cứu, xây dựng thử nghiệm kho
dữ liệu từ năm 1995 nhưng chính thức bắt đầu xây dựng kho dữ liệu từ tháng
4/2000. Hàng năm, có kế hoạch xây dựng và phát triển kho dữ liệu. Cho đến
thời điểm hiện nay, Cơ quan thống kê Canada có hơn 20 kho dữ liệu khác nhau,
trong đó có kho dữ liệu về tài chính, kho dữ liệu về di cư, kho dữ liệu về tài
khoản quốc gia, kho dữ liệu về hệ thống thông tin quản lý tổng điều tra, v..v.
Thông tin tổng quan về các kho dữ liệu này như sau:
+) Kho dữ liệu tài khoản quốc gia (SNA) là kho dữ liệu được xây dựng
đầu tiên. Năm 1997 dự định xây dựng kho dữ liệu SNA nhưng thấy quá tải nên

quay lại xây dựng kho dữ liệu Input-Ouput cho riêng lĩnh vực thống kê công
nghiệp và sau đó mở rộng cho tất cả 5 lĩnh vực để tính tài khoản quốc gia. Kho
dữ liệu này chính thức được xây dựng theo một dự án từ 2004 đến 2007.
Mục đích xây dựng kho dữ liệu SNA để tạo công cụ phân tích dữ liệu dễ
dàng cho người dùng tin; tạo ra kho dữ liệu chung cho 5 lĩnh vực liên quan đến
tính GDP (trước khi xây dựng kho dữ liệu này, dữ liệu của 5 lĩnh vực ở trong
tình trạng cát cứ thông tin) và để có cách tính chung cho cả 5 lĩnh vực. Kho dữ

9


liệu SNA giúp quá trình nghiên cứu, phân tích chuyên ngành và không nhằm
mục đích cung cấp thông tin.
Mục tiêu xây dựng kho dữ liệu SNA để tập trung thông tin của các lĩnh
vực khác nhau; đưa quy trình chuẩn tính GDP cho các lĩnh vực khác nhau để số
liệu thống kê minh bạch hơn theo phương pháp luận minh bạch và tối ưu hóa
chất lượng chuỗi số liệu theo thời gian.
Do dữ liệu được lấy từ nhiều nguồn khác nhau, mỗi nguồn lại dùng một
bảng phân loại khác nhau nên việc chuyển đổi số liệu mất nhiều thời gian thực
hiện. Trong quá trình kiểm tra thông tin, sản xuất số liệu nếu phát hiện số liệu
có vấn đề thì phản ánh để bộ phận xử lý hiệu chỉnh, sau đó thực hiện lại quy
trình đưa thông tin vào kho, kiểm tra thông tin và sản xuất số liệu.
Khối lượng dữ liệu trong kho dữ liệu SNA lớn (700 mặt hàng phân theo
300 ngành). Do vậy, máy chủ dành cho kho dữ liệu này hiện nay có cấu hình
khá mạnh (CPU: 4 bộ xử lý Quad Core 2.20 Ghz; RAM 31.8 GB; HDD yêu cầu
rỗng tối thiểu 90 GB). Hàng ngày, có 15 cán bộ phân tích kiểm tra số liệu xem
đã chính xác hay chưa và đề xuất cách chỉnh sửa số liệu.
+) Kho dữ liệu di cư là kho dữ liệu được xây dựng từ thông tin về người
di cư tới Canada. Các báo cáo thống kê lập ra từ kho dữ liệu này cung cấp số
liệu thống kê chi tiết theo nhiều chiều phân tổ khác nhau.

+) Kho dữ liệu về tài chính được xây dựng từ các nguồn dữ liệu khác
nhau về tài chính. Dữ liệu được cập nhật từng đêm một cách tự động. Các báo
cáo thống kê lập ra từ kho dữ liệu này cung cấp số liệu thống kê chi tiết theo
nhiều chiều phân tổ khác nhau.
+) Kho dữ liệu quản lý thông tin tổng điều tra. Thông thường tổng điều
tra có khoảng 27 hoạt động khác nhau; mỗi hoạt động là một dự án riêng. Cần
tổng hợp dữ liệu từ 27 dự án để có thông tin (ví dụ như kinh phí tổng điều tra,
kinh phí cho từng hoạt động, tiến độ giải ngân theo thời gian ngày, tuần,
tháng,..). Khi xây dựng kho dữ liệu phải hiểu yêu cầu của người dùng tin. Với
người quản lý cấp cao, biểu tổng hợp mang tính động đề phù hợp với yêu cầu
lãnh đạo. Khi cần có thể truy nhập thông tin chi tiết hơn. Nhóm trưởng các
nhóm cũng cần báo cáo động về hoạt động của nhóm do mình quản lý. Ngoài
báo cáo động, báo cáo dạng tĩnh dành cho những người đang đi thực địa cũng
được lập từ kho dữ liệu. Hiện tại kho dữ liệu này đang được mở rộng chuẩn bị
cho tổng điều tra dân số và nông nghiệp vào năm 2011. Các báo cáo quản lý
thông tin tổng điều tra được lập từ OLAP cube và cả từ cơ sở dữ liệu hình sao
(Star DB).
Do tổng điều tra có nhiều hoạt động, mỗi hoạt động có đặc điểm riêng
nên phải xác định được mã, bảng phân loại cho từng hoạt động; phải xác định
quy tắc tích hợp dữ liệu từ các hoạt động với nhau; phải đưa ra cách tính toán
các chỉ tiêu của báo cáo.
10


Vấn đề an ninh dữ liệu cũng đặc biệt được quan tâm. Hệ thống phải đảm
bảo phân quyền truy nhập dữ liệu cho từng người.
Các kho dữ liệu của Cơ quan thống kê đều nằm trong mạng nội bộ và
phục vụ công tác quản lý, công tác phân tích, công tác kiểm soát chất lượng số
liệu thống kê. Việc khai thác kho dữ liệu khá đơn giản, bằng các công cụ như
Microsoft Excel, phần mềm SAS và chương trình ứng dụng xây dựng trên web.

Mỗi kho dữ liệu đều có trang web riêng để người sử dụng dễ dàng khai thác kho
dữ liệu. Mỗi báo cáo là sự hiển thị dữ liệu từ một hoặc nhiều khối theo các chiều
khác nhau. Người sử dụng chỉ cần thực hiện việc kéo-thả, chọn chiều và chọn
cấp phân tổ để lập biểu thống kê theo nhu cầu.
2.2. Mô hình kiến trúc kho dữ liệu
Mô hình kho dữ liệu của Cơ quan thống kê Canada không tách rời kho dữ
liệu đầu vào, kho dữ liệu đầu ra một cách riêng biệt mà xây dựng kho dữ liệu
theo lĩnh vực, trong đó có dữ liệu đầu vào, dữ liệu đầu ra. Mô hình hoạt động
của kho dữ liệu của Cơ quan thống kê Canada như sau:

Trong mô hình trên, các dữ liệu tác nghiệp, dữ liệu từ đăng ký, dữ liệu
điều tra, dữ liệu hành chính trong các kho dữ liệu quan hệ là dữ liệu đầu vào để
xây dựng kho dữ liệu (Data Warehouses). Kho dữ liệu được xây dựng phục vụ
công tác quản trị hoạt động, quản lý chất lượng số liệu thống kê, công tác phân
11


tích số liệu thống kê và công tác cung cấp thông tin thống kê (Dissemination).
Tại thời điểm hiện nay, kho dữ liệu phục vụ công tác cung cấp thông tin là chưa
có. Cung cấp thông tin thống kê hiện tại được thực hiện bằng cơ sở dữ liệu
thống kê kinh tế-xã hội, viết tắt là CANSIM.
Mô hình kiến trúc tổng quan của Cơ quan thống kê Canada như sau:

Trong mô hình trên, những dữ liệu từ hệ thống tác nghiệp trên SQL
server, Oracle, SAS, files,... được trích xuất vào cơ sở dữ liệu quan hệ tạm thời
(Stage DB); sau đó được chuẩn hóa, chuyển đổi và tích hợp vào cơ sở dữ liệu
quan hệ hình sao (Star DB) và tiếp theo là thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu
nhiều chiều (các khối - Cube) trong hệ OLAP. Các công cụ của Microsoft, SAS
sẽ cho phép khai thác các khối trong cơ sở dữ liệu nhiều chiều OLAP.
Mô hình tiếp theo là kiến trúc của một kho dữ liệu đã được xây dựng tại

Cơ quan thống kê Canada.

12


2.3. Công nghệ sử dụng để xây dựng kho dữ liệu
Cơ quan thống kê Canada sử dụng công nghệ xây dựng kho dữ liệu của
Microsoft trong hệ quản trị cơ sở dữ liệu MS SQL server 2005 và MS SQL
server 2008. Trong các hệ tác nghiệp ví dụ như xử lý điều tra, tổng điều tra;
quản lý hoạt động, tài chính,... dữ liệu lưu trữ trong các hệ quản trị cơ sở dữ liệu
quan hệ như Microsoft SQL Server, Oracle; dữ liệu theo cấu trúc của phần mềm
SAS; file dữ liệu Microsoft Excel; file text có cấu trúc. Cơ sở dữ liệu “Stage
DB”, “Star DB” được xây dựng trên MS SQL server. Cơ sở dữ liệu nhiều chiều
được xây dựng trên MS SQL Server Analysis Services.
Để trích xuất, chuyển đổi, chuẩn hóa dữ liệu từ nguồn dữ liệu vào trong cơ
sở dữ liệu trung gian “Stage DB”, “Star DB” Cơ quan thống kê Canada sử dụng
công cụ SQL Server Integration Services (viết tắt là SSIS). Công cụ quản trị cơ
sở dữ liệu sử dụng SQL Server Managememt Studio (viết tắt là SSMS). Công
cụ dùng để xây dựng khối nhiều chiều là SQL Server Analysis Services (viết tắt
là SSAS). Công cụ lập báo cáo phân tích đang sử dụng là Microsoft OWC Pivot
table và Excel. Công cụ cung cấp thông tin đang sử dụng là EZWeb, một sản
phẩm do Cơ quan thống kê Canada phát triển.
2.4. Một số kinh nghiệm trong việc xây dựng, vận hành kho dữ liệu
Một số kinh nghiệm trong việc xây dựng và vận hành kho dữ liệu của Cơ
quan thống kê Canada:
- Cách làm chung là tiến hành từ nhỏ đến lớn, từ đơn giản đến phức tạp.
Bắt đầu từ việc xây dựng kho dữ liệu nhỏ với mục tiêu được đặt ra rõ ràng. Sau
13



một thời gian vận hành cần tổng kết kinh nghiệm trước khi mở rộng. Cơ quan
thống kê Canada bắt đầu xây dựng từ kho dữ liệu hành chính trong nội bộ cơ
quan trong khoảng thời gian 5 năm.
- Khi xây dựng kho dữ liệu không sử dụng tư vấn bên ngoài Cơ quan
thống kê mà sử dụng nguồn nhân lực trong cơ quan. Khi gặp khó khăn hỏi
Microsoft – công ty cung cấp phần mềm hoặc trao đổi trên mạng Forum để giải
quyết những khó khăn về mặt kỹ thuật.
- Mặc dù các báo cáo phân tích từ OLAP cube rất phong phú, rất linh hoạt
nhưng vẫn chưa đáp ứng hết yêu cầu của người sử dụng do nhiều người dùng
tin muốn truy nhập dữ liệu thô. Tuy nhiên, khi dữ liệu thô qua lớn ví dụ như dữ
liệu tổng điều tra thì việc lập biểu chậm. Để giải quyết vấn đề này Cơ quan
thống kê Canada sử dụng Sybase IQ, một hệ quản trị cơ sở dữ liệu quan hệ định
hướng cột (chuyển hàng của bảng dữ liệu trong cơ sở dữ liệu quan hệ thông
thường thành cột và chuyển cột của bảng dữ liệu thành hàng của cơ sở dữ liệu
Sybase IQ) để tăng tốc độ lập biểu.
- Tìm đầu mối xây dựng kho dữ liệu đáp ứng yêu cầu và thực tiễn. Không
nên quá tham vọng (yêu cầu quá cao) mà vừa làm vừa tham khảo. Không thể
xây dựng kho dữ liệu đáp ứng yêu cầu của tất cả người dùng tin mà phải thực tế.
Phải xem xét trong hoàn cảnh thực tại, không tạo ra khoảng cách quá xa so với
thực tế.
- Phải có đủ cán bộ tham gia xây dựng kho dữ liệu. Không chỉ cán bộ
CNTT mà cần cả cán bộ thống kê chuyên ngành. Khi xây dựng kho dữ liệu, số
liệu đầu ra thuộc trách nhiệm của cán bộ thống kê chuyên ngành mà không phải
của cán bộ CNTT. Cán bộ thống kê chuyên ngành mới hiểu dữ liệu chiết xuất từ
kho dữ liệu đáp ứng yêu cầu của người dùng tin hay không. Cán bộ thống kê
chuyên ngành phải tham gia ngay từ đầu và theo suốt quá trình xây dựng kho dữ
liệu.
- Khi xây dựng kho dữ liệu phải tính đến nguồn lực tài chính để xây dựng
các ứng dụng, mua bản quyền phần mềm, nâng cấp thiết bị phần cứng. Ở Cơ
quan thống kê Canada mỗi năm chi khoảng 3 triệu đô Canada (CAD) để trả

lương cho 23 cán bộ của bộ phận xây dựng kho dữ liệu. Kinh phí xây dựng Kho
dữ liệu quản lý thông tin tổng điều tra khoảng 500.000 CAD để trả lương cho 5
cán bộ làm trong 1 năm.
- Để xây dựng kho dữ liệu, phải có nguồn số liệu chi tiết, bảo đảm tính
nhất quán để có thể tích hợp. Cần phải làm sạch, sàng lọc số liệu trong quá trình
trích xuất, chuyển đổi dữ liệu (ETL) để số liệu được chính xác. Phải có quy tắc
tích hợp dữ liệu. Ngay từ đầu phải phân công trách nhiệm cán bộ tham gia xây
dựng kho dữ liệu, ví dụ như trách nhiệm xem xét số liệu đã chuẩn chưa?
- Chuẩn hóa số liệu thống kê nằm trong siêu dữ liệu. Siêu dữ liệu giúp
chuẩn hóa số liệu thống kê.
14


- Xử lý số liệu trong quá trình xây dựng kho dữ liệu mất nhiều thời gian
nên cần bố trí để không bị gián đoạn bởi các công việc khác.
- Khi xây dựng kho dữ liệu có chiều phân tổ thay đổi theo thời gian, ví dụ
như danh mục đơn vị hành chính thì cần phải xây dựng chiều phân tổ theo thời
gian.
3. Siêu dữ liệu của Cơ quan thống kê Canada
Việc thực hiện quản lý siêu dữ liệu và xây dựng chuẩn hóa được thực
hiện bởi Vụ hệ thống phân ngành. Nhiệm vụ của Vụ này là xây dựng, duy trì và
phổ biến siêu dữ liệu; phổ biến chính sách, chất lượng số liệu thống kê; phổ biến
về phương pháp luận và chuẩn mực thống kê (bảng phân ngành thống kê, biểu
thống kê, đơn vị đo lường thống kê...). Vụ còn có nhiệm vụ đưa ra công cụ đánh
mã, các file tham chiếu; phối hợp với bộ phận đăng ký doanh nghiệp để đánh
mã doanh nghiệp.
Về tổ chức, Vụ này có 11 người thực hiện công tác quản lý siêu dữ liệu
tổng hợp; 9 người thực hiện công tác phân ngành và chuẩn về lĩnh vực kinh tế;
6 người thực hiện công tác phân ngành và chuẩn về lĩnh vực xã hội; 4 người
thực hiện công tác xây dựng phương pháp luận, chuẩn thống kê mới.

+) Quản lý siêu dữ liệu
Siêu dữ liệu của Cơ quan thống kê Canada được chứa trong cơ sở dữ liệu
siêu dữ liệu hợp nhất (Integrated Metadatabase viết tắt là IMDB). Cơ quan
thống kê Canada đã tham gia UN và cộng đồng châu Âu để đưa ra chuẩn mực.
Quản lý siêu dữ liệu tại Cơ quan thống kê Canada thực hiện theo chuẩn
ISO/IEC 11179 (Chuẩn mực này có trong website ).
Siêu dữ liệu của Cơ quan thống kê Canada bao gồm:
- Siêu dữ liệu cấu trúc: Mô tả số liệu thống kê, biến và bảng phân ngành
liên quan, bảng hỏi, ..
- Siêu dữ liệu tham chiếu: mô tả bộ số liệu, nguồn số liệu, phương pháp
tính,..
- Siêu dữ liệu vận hành: đo lường dung sai, cỡ mẫu,..
Siêu dữ liệu được cập nhật hàng ngày bằng các chương trình ứng dụng để
nhập và quản lý siêu dữ liệu.
Cơ sở dữ liệu IMDB được xây dựng từ năm 1999 và hàng năm được cập
nhật về công nghệ. Dữ liệu trong IMDB có liên hệ chặt chẽ với dữ liệu trong cơ
sở dữ liệu thống kê kinh tế-xã hội Canada, những dữ liệu phát hành hàng ngày,
mục lục các sản phẩm và các bảng số liệu thống kê. Quan hệ giữa siêu dữ liệu
với các sản phẩm thống kê và các hệ thống khác của Cơ quan thống kê Canada
được trình bày ở sơ đồ sau:

15


+ ) Xây dựng các chuẩn

Cơ quan thống kê Canada chia các chuẩn ra thành 3 loại: Chuẩn bắt buộc
sử dụng chung; chuẩn khuyến khích sử dụng và chuẩn chỉ áp dụng cho một
chương trình hoặc lĩnh vực nào đó. Việc xây dựng chuẩn mới theo chu trình
chặt chẽ: những nguời có trách nhiệm dự thảo ra chuẩn mới; sau đó chuyển sang

Ủy ban chuyên ngành thảo luận; khi đã thống nhất được quan điểm với nhau thì
trình lên cấp cao hơn như cấp Vụ; các Vụ trình Ủy ban chuẩn hóa và phương
pháp luận thống kê để thông qua.
Khi có chuẩn mới, chuẩn này sẽ thay thế chuẩn cũ nhưng chuẩn cũ vẫn
được lưu lại để tham khảo, đối chiếu và chuyển đổi lẫn nhau. Các chuẩn của Cơ
quan thống kê Canada có trong trang Web của Cơ quan thống kê Canada
/>4. Hệ thống lập biểu tổng điều tra
Tại Cơ quan thống kê Canada, đã áp dụng hệ thống xử lý với sự trợ giúp
của máy tính (viết tắt là GISTS) từ năm 1991. Hiện thời đang dùng công cụ
TPL cho tổng điều tra và chương trình SAS cho điều tra xã hội học. Cơ quan

16


thống kê Canada muốn xây dựng công cụ chung để chuẩn hóa hệ thống xử lý số
liệu nên đang thực hiện kế hoạch xây dựng hệ thống lập biểu tập trung (viết tắt
là GTAB). Kế hoạch này chia thành 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 đến 5/20110, giai
đoạn 2 đến 9/2012 và giai đoạn 3 đến 3/2014. Khi hoàn thành kế hoạch này vào
tháng 3/2014, hệ thống lập biểu tổng điều tra và các điều tra chuyên ngành sẽ là
một hệ thống lập biểu GTAB. Khi đó, siêu dữ liệu tổng điều tra và siêu dữ liệu
điều tra sẽ thành một kho siêu dữ liệu hợp nhất (Integrated Metadata Store), dự
định xây dựng trên Sybase; dữ liệu vi mô tổng điều tra và dữ liệu vi mô điều tra
sẽ thành một kho dữ liệu vi mô hợp nhất (Integrated Microdata Store), dự định
xây dựng trên Sybase IQ. Mô hình chuyển đổi từ hệ thống hiện tại sang hệ
thống mới của Cơ quan thống kê Canada như sau:

5. Vụ Dịch vụ CNTT
Tại cơ quan thống kê Canada, Vụ dịch vụ công nghệ thông tin
(Informatics Technology Services Division) có nhiệm vụ cung cấp dịch vụ hạ
tầng về CNTT như máy chủ, máy trạm, mạng, an ninh mạng; nghiên cứu, áp

dụng công nghệ mới về hạ tầng kỹ thuật CNTT. Hiện tại Vụ đang quản lý
khoảng 400 máy chủ khác nhau.
Vụ dịch vụ CNTT không được cấp kinh phí mà phải thu dịch vụ để chi
phí. Đơn vị có tài khoản ngân hàng riêng. Hai hoạt động chính của Vụ dịch vụ
CNTT là máy tính và thu phí dịch vụ. Ngân sách hoạt động của Vụ khoảng 38
triệu CAD/năm, trong đó thu từ dịch vụ máy trạm là 15,9 triệu CAD, thu từ dịch
vụ máy chủ và các dịch vụ mạng là 22,1 triệu CAD. Hiện tại, cơ sở hạ tầng
17


CNTT do đơn vị quản lý trị giá 25 triệu CAD. Hàng năm đầu tư khoảng 3,5
triệu CAD.
Vụ dịch vụ CNTT có 300 nhân viên, trong đó có 245 chuyên gia máy tính
và các kỹ thuật viên điện tử. Chia thành 4 bộ phận:
-

-

Dịch vụ cơ sở hạ tầng: phần mềm, mạng, máy chủ
Cung cấp dịch vụ: vận hành, hỗ trợ kỹ thuật, an ninh
Cung cấp dịch vụ hỗ trợ mạng LAN
Dịch vụ tư vấn tin học, đào tạo tin học, dịch vụ hỗ trợ điều tra, tổng điều
tra
Các dịch vụ máy trạm bao gồm:
Kết nối mạng LAN, WAN
Internet
Thư điện tử (Email)
Cấu hình máy trạm
An toàn thông tin
...


Mức phí áp dụng cho từng bộ phận là khác nhau. 6 tháng uớc tính chi phí
để tính cước phí hàng tháng. Hàng năm, rà soát lại ước tính chi phí năm; gặp
khách hàng để trao đổi và đệ trình cấp trên giá cước phí để thông qua. Ví dụ,
dịch vụ máy trạm có giá cuớc phí là 128 CAD/máy/tháng. Hàng tháng đơn vị
phải báo cáo thu nhập và chi tiêu của đơn vị lên cấp trên. Hàng năm dự báo kinh
phí ch o các năm tiếp theo, ví dụ năm nay đã dự báo kinh phí cho đến năm 2016.
Các đơn vị trong Cơ quan thống kê Canada không được tự tiện mua dịch
vụ bên ngoài mà phải thuê dịch vụ của Vụ dịch vụ CNTT.
C. Chính sách phổ biến thông tin thống kê
1. Phổ biến thông tin thống kê
- Bộ phận phổ biến thông tin thống kê thuộc Vụ Dịch vụ truyền thông và
Thông tin của cơ quan Thống kê Canada với tổng số 125 cán bộ.
- Mục tiêu của công tác phổ biến thông tin thống kê của cơ quan thống kê
Canada là:
• Đáp ứng tối đa nhu cầu của người dùng tin;
• Nâng cao khả năng tiếp cận thông tin thống kê cho người dùng tin;
• Phổ biến thông tin trên cơ sở tiếp tục đánh giá nhu cầu của người dùng
tin và thực hiện bình đẳng trong tiếp cận thông tin giữa các đối tượng sử dụng;
• Thông tin tổng hợp miễn phí nhưng thông tin phải qua xử lý thì tính
phí
18


- Thông tin thống kê được phổ biến thông qua các kênh sau: Cơ sở dữ liệu
(CANSIM); trang Web; ấn phẩm; dịch vụ; đĩa CD-ROM…Trong đó:
• Trang Web là kênh phổ biến thông tin chủ yếu, cho phép mọi người
dùng tin đều tiếp cận được với khối lượng thông tin đồng bộ và chi tiết đã được
chuẩn hóa và có những thông tin siêu dữ liệu đi kèm (Metadata). Thông tin đưa
trên trang web phải được biên soạn theo format HTML để đáp ứng yêu cầu của

người dùng tin. Bên cạnh đó, trên trang web, thông tin còn được phổ biến dưới
dạng format khác để phù hợp với nhu cầu của người dùng tin đặc biệt.
• CANSIM là một thương hiệu đã được đăng ký của cơ quan Thống
kê Canada. CANSIM không phải là kho dữ liệu nhưng là nguồn thông tin tập
trung và là cơ sở dữ liệu lớn nhất để phổ biến tới người dùng tin. Thông tin
trong CANSIM được cập nhật hàng ngày. Thông tin đưa lên trang web, thông
tin đưa trong Tạp chí Daily, niên giám thống kê, tờ rơi, các ấn phẩm khác đều
được lấy từ CANSIM. Nguồn thông tin để xây dựng CANSIM được thu thập từ
các Vụ chuyên ngành, các Bộ, ngành như: Ngân hàng Canada; Bộ Nguồn nhân
lực và Phát triển; Bộ Công nghiệp; Bộ Y tế; Bộ Giao thông vận tải.
Để thực hiện việc phổ biến thông tin từ CANSIM đảm bảo nguyên tắc và
mục tiêu đề ra, cơ quan Thống kê Canada xây dựng một văn bản thoả thuận,
trong đó đề cập đến trách nhiệm của phía cơ quan Thống kê Canada, trách
nhiệm của bộ phận phổ biến thông tin cũng như của người dùng tin. Đây là tài
liệu rất hay, thống kê Việt Nam có thể tham khảo trong quá trình xây dựng
chính sách phổ biến thông tin thống kê.

Các ấn phẩm gồm: Niên giám thống kê; ấn phẩm tháng; tạp chí hàng
ngày; ấn phẩm thông minh; tờ rơi; thông cáo báo chí…

Phổ biến thông tin thông qua công ty kinh doanh thông tin tư nhân:
CHASS…
- Công tác phổ biến thông tin thống kê được thực hiện phù hợp với quy
định của Luật Thống kê; chính sách của Chính phủ; những quy chế và những
văn bản pháp lý khác có liên quan; những thỏa thuận mang tính quốc tế.
- Nguyên tắc của phổ biến thông tin là:
• Phổ biến thông tin phải trên cơ sở Luật thống kê, luật bản quyền;
• Chính sách của nhà nước Canada;
• Phù hợp thông lệ quốc tế;
• Mọi thông tin thu thập được đều phải tổng hợp và công bố;

• Thực hiện việc thông báo trên Tạp chí Daily (Hàng ngày) về thông
tin và các chỉ tiêu thống kê chủ yếu sẽ được công bố;

19


• Số liệu được công bố công khai phải có sẵn trên website;
• Các ấn phẩm điện tử đều miễn phí;
• Hàng ngày vào 8h30 sáng, 18 đơn vị trong cơ quan Thống kê Canada
phải đưa thông tin liên quan lên trang web;
• Lịch công bố thông tin được thông báo trước 1 năm, số liệu phải
được công bố công khai đúng lịch.
- Có 22 Trung tâm Nghiên cứu được đặt ở các Trường Đại học lớn. Các
số liệu thô được đặt tại các Trung tâm này và các cán bộ của Cơ quan Thống kê
Canada quản lý các số liệu thô. Các nhà nghiên cứu đến Trung tâm để khai thác
thông tin phải đề xuất nội dung nghiên cứu cho Cơ quan Thống kê Canada, nêu
rõ lý do tại sao họ lại cần các số liệu thô. Nội dung đề xuất của các nhà nghiên
cứu sẽ được một Uỷ ban xem xét và thông qua. Sau khi nghiên cứu xong thì các
nhà nghiên cứu này phải gửi kết quả cho Cơ quan Thống kê Canada để kiểm
duyệt và xuất bản.
2. Dịch vụ thông tin thống kê
- Chính sách phổ biến thông tin thống kê quy định rõ: Cơ quan Thống kê
Canada cung cấp miễn phí những thông tin mang tính tổng hợp, phạm vi quốc
gia, vùng nhưng để thu lại những chi phí bỏ ra về công sức và thời gian để xử lý
số liệu thì bộ phận dịch vụ thông tin tính phí đối với những thông tin thống kê
này, đảm bảo phù hợp với luật pháp và chính sách của Chính phủ.
- Vào thời gian trước năm 1998, mọi thông tin thống kê đều được khai
thác miễn phí, nhưng sau thời gian trên, do Chính phủ cắt giảm ngân sách nên
cơ quan Thống kê Canada tổ chức làm dịch vụ thông tin thống kê để trang trải
những chi phí bỏ ra trong quá trình xử lý số liệu.

- Có bộ phận dịch vụ khách hàng, bộ phận này có nhiệm vụ liên hệ với
Vụ chuyên ngành để khai thác nhu cầu của người dùng tin.
- Để tính chi phí các dịch vụ thông tin thống kê, cơ quan Thống kê
Canada nhờ Công ty nước ngoài định đơn giá cho từng công việc.
- Các chỉ tiêu trong CANSIM đều đã được định giá cụ thể, người dùng tin
tiếp cận vào sẽ biết được mình phải trả bao nhiêu tiền cho thông tin đó và tiền
được trả qua thẻ tín dụng.
- Giá một cuốn Niên giám là 24.9 CAD$. Với thông tin trong CANSIM,
giá khai thác trực tuyến là 3 CA$/một chỉ tiêu của một năm hoặc nhiều năm,
mỗi phân tổ được tính là một chỉ tiêu; nếu khai thác từ đĩa CD của CANSIM thì
giá bán là 5000 CAD$/đĩa CD.
20


- Dịch vụ thông tin thống kê còn được thực hiện qua một số công ty tư
nhân.
- Nguồn thu từ dịch vụ này thông tin mỗi năm chiếm 25% tổng kinh phí
hoạt động của Cơ quan Thống kê Canada.
- Hàng năm, việc định giá sản phẩm, dịch vụ thông tin thống kê được
thực hiện thông qua một số đơn vị sau:
Một là Tiểu ban phổ biến thông tin, Tiểu ban này có nhiệm vụ: Định kỳ
họp để đánh giá lại từng sản phẩm và dịch vụ thông tin, đồng thời đưa ra lịch
giảm giá; bảo đảm việc định giá các sản phẩm và dịch vụ phù hợp với chi phí bỏ
ra và phù hợp với chính sách của Chính phủ; đề xuất và đưa ra những khuyến
nghị với Ủy ban phổ biến thông tin về việc xác định giá và lịch giảm giá các sản
phẩm và dịch vụ thống kê.
Hai là, Phòng dịch vụ thông tin và thị trường, bộ phận này có nhiệm vụ:
Trên cơ sở tư vấn của Bộ phận nhóm tác giả và cơ quan thống kê vùng, phát
triển cơ chế tư vấn khách hàng và Lịch giảm giá sản phẩm thống kê; đàm phán
với những đơn vị cung cấp thông tin về những vấn đề tài chính của các bản thỏa

thuận, đồng thời đưa thông tin về lịch giảm giá lên website.
Ba là Phòng lập chương trình và kế hoạch hoạt động, phòng này có
nhiệm vụ: Xác định tỷ lệ chi phí phù hợp với mức đã bỏ ra trong hoạt động phổ
biến thông tin; giám sát và thông qua mức phí; bảo đảm ngân sách phù hợp với
quy định trong kinh doanh
Bốn là, Bộ phận nhóm tác giả, bộ phận này có nhiệm vụ: Đề xuất giá cho
những dịch vụ của họ; bảo đảm phí và chi phí bỏ ra của các dịch vụ phù hợp với
những chính sách và hướng dẫn hiện hành; phối hợp với Phòng dịch vụ thông
tin và thị trường để xây dựng giá cho các sản phẩm và dịch vụ của họ.
IV.

KẾT LUẬN

A. Các khuyến nghị
Trên cơ sở kinh nghiệm của Cơ quan thống kê Canada, đoàn khảo sát đề
xuất những khuyến nghị sau:
1. Xây dựng kho dữ liệu từ dữ liệu điều tra doanh nghiệp từ năm 2006
đến nay
Từ năm 2001, Tổng cục Thống kê đã thực hiện điều tra doanh nghiệp để
bảo đảm thông tin thống kê cho hệ thống tài khoản quốc gia, thống kê các ngành

21


kinh tế…và từ đó tới nay liên tục mỗi năm được tổ chức điều tra 1 lần. Tất cả
kết quả điều tra đều được tin học hóa. Tuy nhiên, từ năm 2006 tới nay, kết quả
điều tra mới được xây dựng thành cơ sở dữ liệu. Do có sự biến động về phương
pháp điều tra, về mục tiêu điều tra, bảng phân loại…nên hệ thống thông tin các
cuộc điều tra chưa kết nối được với nhau; nhiều chỉ tiêu thống kê chưa được làm
sạch, tinh lọc…Tuy nhiên, đây là nguồn dữ liệu vi mô đầy đủ và chi tiết nên có

thể xây dựng thành kho dữ liệu phục vụ công tác phân tích số liệu thống kê về
doanh nghiệp; thử nghiệm tính thử GDP (phần thông tin từ điều tra doanh
nghiệp).
2. Xây dựng kho dữ liệu từ dữ liệu điều tra khảo sát mức sống hộ gia
đình 2006, 2008
Điều tra khảo sát mức sống hộ gia đình thu thập nhiều thông tin về giáo dục
đào tạo; y tế và chăm sóc sức khỏe; thu nhập, trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản;
ngành nghề sản xuất kinh doanh; chi tiêu; tài sản cố định; xóa đói giảm nghèo,...
Hiện nay, dữ liệu vi mô của 2 cuộc điều tra khảo sát mức sống hộ gia đình năm
2006, 2008 đã được chuyển sang môi trường Stata. Do vậy, có thể xây dựng
thành kho dữ liệu từ nguồn dữ liệu này để có thể phân tích sâu hơn về mức sống
dân cư.
3. Xây dựng CSDL Metadata hợp nhất
Cho đến thời điểm hiện nay, Tổng cục Thống kê chưa tiến hành xây dựng
siêu dữ liệu thống kê. Các bảng danh mục, các bảng phân loại,.. nằm phân tán ở
các CSDL khác nhau; không được thống nhất, chuẩn hóa. Để làm cơ sở cho
việc chuẩn hóa dữ liệu, xây dựng các CSDL, các kho dữ liệu và cung cấp thông
tin thống kê kèm theo khái niệm, định nghĩa, chỉ dẫn liên quan cần xây dựng
CSDL siêu dữ liệu hợp nhất. CSDL này sẽ được sử dụng chung trong toàn bộ hệ
thống thông tin thống kê.
4. Xây dựng cơ sở dữ liệu thống kê kinh tế-xã hội
Số liệu thống kê tổng hợp về kinh tế xã hội hiện nay đang lưu giữ trên các
định dạng khác nhau, chủ yếu trên Excel. Do vậy, cần xây dựng CSDL số liệu
thống kê kinh tế xã hội, bắt đầu từ số liệu của hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc
gia mới ban hành theo chuỗi thời gian và mở rộng khi có đủ nguồn số liệu.
Những số liệu của CSDL này sẽ được cung cấp đến người sử dụng thông qua
ứng dụng khai thác CSDL trên Website thông tin thống kê www.gso.gov.vn.
5. Chính sách phổ biến thông tin cho Việt Nam
Cơ quan Thống kê Canada thực hiện tốt công tác phổ biến thông tin do
chính sách phổ biến thông tin được xây dựng dựa trên những văn bản pháp quy

và được người sản xuất thông tin cũng như người dùng tin thực hiện nghiêm túc
theo quy định. Mục tiêu, nguyên tắc và những nội dung chủ yếu của Chính sách

22


có nhiều điểm để Thống kê Việt Nam nghiên cứu, học tập và áp dụng trong quá
trình xây dựng Chính sách phổ biến thông tin thống kê thời gian tới, đó là:
- Quy định tính có sẵn, minh bạch, đầy đủ, thống nhất, kịp thời của số
liệu;
- Phổ biến công khai lịch công bố thông tin đến từng chỉ tiêu quan trọng
và bảo đảm số liệu được công bố theo đúng lịch này.
- Quy định rõ những thông tin miễn phí và những thông tin phải thu phí
- Xây dựng được giá của các sản phẩm và dịch vụ thống kê rõ ràng cho
người dùng tin. Giá từng chỉ tiêu phải được công khai trên web
- Có sẵn cơ sở dữ liệu tổng hợp để thực hiện phổ biến thông tin tới người
dùng tin. Cơ sở dữ liệu này được cập nhật hàng ngày nên việc phổ biến thông
tin đáp ứng được tính kịp thời của số liệu
- Có cơ chế chia sẻ và cung cấp thông tin giữa các đơn vị trong nội bộ cơ
quan và với các bộ/ngành để xây dựng cơ sở dữ liệu của cơ quan thống kê.
6. Đào tạo và tuyển chọn nguồn nhân lực
- Nghiên cứu, học tập về công tác đào tạo, tuyển chọn cán bộ và bố trí
luân chuyển cán bộ giữa các bộ phận nghiệp vụ.
- Xây dựng lòng yêu ngành yêu nghề và lòng tự hào về cơ quan thống kê.
B. Hợp tác trong tương lai
Tại buổi làm việc giữa đoàn công tác với Tổng cục trưởng, Phó Tổng cục
trưởng và Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế cơ quan Thống kê Canada, hai bên
cùng trao đổi, thảo luận những vấn đề hợp tác trong thời gian tới.
Đoàn công tác thống kê Việt Nam đánh giá cao sự phát triển của cơ quan
Thống kê Canada và bày tỏ mong muốn tiếp tục có sự hợp tác chặt chẽ giữa hai

cơ quan Thống kê Canada và Việt Nam để mỗi bước phát triển của Thống kê
Việt Nam đều có những dấu ấn của cơ quan Thống kê Canada. Trên cơ sở
những thế mạnh của thống kê Canada, phía Việt Nam muốn học hỏi kinh
nghiệm và kiến thức của thống kê Canada về 6 lĩnh vực mà cơ quan Thống kê
Việt Nam đang rất quan tâm gồm:
- Xây dựng chiến lược phát triển thống kê Việt Nam đến năm 2020, tầm
nhìn đến năm 2025.
- Xây dựng chính sách phổ biến thông tin thống kê và dịch vụ thông tin
thống kê
- Quản lý thống kê và quản lý chất lượng số liệu thống kê
- Xây dựng kho dữ liệu và siêu dữ liệu.
- Phát triển công nghệ thông tin.
- Thống kê một số lĩnh vực như: Thống kê năng lượng, môi trường, tài
khoản quốc gia, thống kê vùng và địa phương

23


Để phát triển hợp tác lâu dài giữa thống kê hai nước, Tổng cục Thống kê
Việt Nam mời đoàn Thống kê Canada thăm và trao đổi kinh nghiệm thống kê
hai nước. Phía cơ quan Thống kê Canada ghi nhận và hoan nghênh những vấn
đề mà cơ quan Thống kê Việt Nam mong muốn được hợp tác trong tương lai và
hứa sẽ cố gắng đáp ứng trên cơ sở kinh nghiệm đã giúp đỡ thống kê một số
nước, trong đó có Trung Quốc. Cơ quan Thống kê Canada cũng mong muốn
UNDP tiếp tục hỗ trợ Tổng cục Thống kê Việt Nam và khuyến nghị phía Việt
Nam tích cực kêu gọi thêm các nguồn tài trợ từ WB, ADB, CIDA, v.v. để triển
khai các chương trình hợp tác giúp Thống kê Việt Nam phát triển mạnh hơn nữa
trong tương lai.
Tổng cục Thống kê Việt Nam bày tỏ lời cảm ơn đến UNDP đã quan tâm,
tạo điều kiện tốt cho Đoàn công tác đi thăm và làm việc tại cơ quan Thống kê

Canada, đồng thời bày tỏ lời cảm ơn cơ quan Thống kê Canada đã đón Đoàn
nhiệt tình, thân thiện và tổ chức các buổi làm việc cẩn thận, chu đáo với nội
dung hữu ích và hiệu quả.
Tổng cục Thống kê Việt Nam mong muốn nhận được sự hỗ trợ nhiều hơn
nữa từ UNDP trong quá trình phát triển của Ngành Thống kê Việt Nam.

24


Phụ lục 1: Sơ đồ tổ chức của Cơ quan Thống kê Canada

1


×