PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
ĐỀ KIỂM TRA HỌC KỲ II
QUẬN 9
Năm học: 2017 – 2018
Môn: NGỮ VĂN – Lớp 7 – Thời gian: 90 phút
ĐỀ CHÍNH THỨC
(Không kể thời gian giao đề)
(Đề kiểm tra có 1 trang)
Câu 1: (3 điểm)
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
(1) “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu
của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó
kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó
khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và cướp nước.
(2) Lịch sử ta đã có nhiều cuộc kháng chiến vĩ đại chứng tỏ tinh thần yêu nước
của dân ta. Chúng ta có quyền tự hào vì những trang lịch sử vẻ vang thời đại Bà
Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung,…Chúng ta phải ghi nhớ công
lao của các vị anh hùng dân tộc, vì các vị ấy là tiêu biểu của một dân tộc anh hùng…”
(Trích Tinh thần yêu nước của nhân dân ta, Hồ Chí Minh, Ngữ văn 7 – Tập 2)
a. Đoạn trích trên được viết theo phương thức biểu đạt nào? (0,5 điểm)
b. Chỉ ra các trạng ngữ được sử dụng trong đoạn văn (1) và cho biết ý nghĩa của
các trạng ngữ đó. (1,0 điểm)
c. Chỉ ra một phép liệt kê ở đoạn (2). (0,5 điểm)
d. Đoạn trích trên đã nêu lên truyền thống nào của dân tộc ta? Nêu 3 việc mà
bản thân em có thể làm để phát huy truyền thống đó. (1,0 điểm)
Câu 2: (2 điểm)
“Bữa cơm chỉ có vài ba món rất giản đơn, lúc ăn Bác không để rơi vãi một hột
cơm, ăn xong, cái bát bao giờ cũng sạch và thức ăn còn lại thì được sắp xếp tươm
tất…Cái nhà sàn của Bác vẻn vẹn chỉ có vài ba phòng, và trong lúc tâm hồn của Bác
lộng gió thời đại, thì cái nhà nhỏ đó luôn luôn lộng gió và ánh sáng,…”
(Trích Đức tính giản dị của Bác Hồ, Phạm Văn Đồng, Ngữ văn 7 – Tập 2)
Từ đoạn trích trên, ta cảm nhận ở Bác một lối sống thật cao đẹp. Hãy viết một
đoạn văn (6 - 8 câu) nêu suy nghĩ của em về lối sống ấy ở Người.
Câu 3: (5 điểm)
Trái tim là nơi cất giữ tình cảm của con người - trái tim ấy chỉ đẹp khi chúng ta
biết yêu thương. Vì vậy mà từ xa xưa tục ngữ đã khuyên ta “Thương người như thể
thương thân”. Em hiểu như thế nào về lời khuyên trên?
--- Hết ---
HƯỚNG DẪN CHẤM NGỮ VĂN 7
A. HƯỚNG DẪN CHUNG
- Đề bài gồm 2 phần : kiểm tra năng lực đọc - hiểu (câu 1); kiểm tra năng lực
tạo lập văn bản (câu 2,3)
- Giám khảo cần nắm vững yêu cầu của Hướng dẫn chấm để đánh giá tổng quát
năng lực của học sinh trên tinh thần đổi mới.
B. HƯỚNG DẪN CỤ THỂ
Câu 1: (3 điểm)
a. Đoạn trích trên được viết theo phương thức biểu đạt nào? (0,5 điểm)
- Phương thức nghị luận
b. Chỉ ra các trạng ngữ được sử dụng trong đoạn văn (1) và cho biết ý nghĩa của
các trạng ngữ đó. (1,0 điểm)
-Từ xưa đến nay (0,25 điểm)
- Mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng (0,25 điểm)
→ Trạng ngữ chỉ thời gian (0,5 điểm)
c. Chỉ ra một phép liệt kê ở đoạn (2). (0,5 điểm)
- Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung,…
d. Đoạn trích trên đã nêu lên truyền thống nào của dân tộc ta? Nêu 3 việc mà
bản thân em có thể làm để phát huy truyền thống đó. (1,0 điểm)
- Truyền thống yêu nước của dân tộc ta. (0,25 điểm)
- Nêu 3 việc mà bản thân em có thể làm để phát huy truyền thống đó: nỗ lực
học tập để mai sau góp phần xây dựng đất nước, trân trọng tiếng Việt, nghiêm túc khi
chào cờ, hát quốc ca,…(0,75 điểm)
* HS nêu theo cảm nhận của bản thân. Nếu hợp lí GV ghi nhận.
Câu 2: (2 điểm)
Từ đoạn trích trên, ta cảm nhận ở Bác một lối sống thật cao đẹp. Hãy viết một
đoạn văn (6 - 8 câu) nêu suy nghĩ của em về lối sống ấy ở Người.
1. Yêu cầu về kĩ năng: (0,5 điểm)
- Nắm được phương pháp viết đoạn văn nghị luận.
- Đoạn văn phải có bố cục (mở đoạn - thân đoạn - kết đoạn), khoảng 6 - 8 câu.
Không đáp ứng yêu cầu hình thức: - 0,25 điểm.
- Suy nghĩ chân thành. Không mắc lỗi diễn đạt; không sai lỗi chính tả, dùng từ,
ngữ pháp; trình bày rõ ràng. Diễn đạt còn lủng củng, sai lỗi chính tả, ngữ pháp (từ 3 lỗi
các loại): - 0,25 điểm
2. Yêu cầu về nội dung: (1,5 điểm)
HS thể hiện các ý cơ bản như sau:
*Mở đoạn:
- Sống giản dị là một nét đẹp trong phong cách sống của Bác. (0,25 điểm)
*Thân đoạn:
- Lối sống giản dị ở Bác thể hiện như thế nào? (bữa ăn, ngôi nhà) (0,25 điểm)
- Suy nghĩ về lối sống giản dị ở Bác: (0,5 điểm)
+ Sống giản dị để chia sẻ với khó khăn của dân tộc khi đang đối diện trước
hoàn cảnh chiến tranh của đất nước.
+ Sống giản dị thể hiện sự văn minh, là cách để nuôi dưỡng tâm hồn, không
phải vướng bận những toan tính thấp hèn hoặc vụ lợi cá nhân…
*Kết đoạn: (0,5 điểm)
+ Hiện nay vẫn còn có những người đã sống xa hoa, lãng phí …
+ Chúng ta cần học tập lối sống giản dị của Bác (liên hệ bản thân).
* GV cân nhắc trên bài làm cụ thể của HS để đánh giá.
Câu 3: (5 điểm)
Trái tim là nơi cất giữ tình cảm của con người - trái tim ấy chỉ đẹp khi chúng ta
biết yêu thương. Vì vậy mà từ xa xưa tục ngữ đã khuyên ta “Thương người như thể
thương thân”. Em hiểu như thế nào về lời khuyên trên?
a. Yêu cầu về kĩ năng: (1,0 điểm)
- HS đáp ứng kĩ năng tạo lập văn bản nghị luận với lập luận giải thich.
- Trình bày sạch sẽ; chữ viết rõ ràng; không mắc lỗi chính tả, ngữ pháp, diễn đạt
trôi chảy, ý phong phú, mạch lạc, có sáng tạo.
b. Yêu cầu về nội dung: (4,0 điểm)
I. Mở bài: (0,5 điểm)
- Giới thiệu vấn đề giải thích: câu tục ngữ “Thương người như thể thương
thân”.
II. Thân bài :
a. Giải thích câu tục ngữ: (0,5 điểm)
- Câu tục ngữ nhắc nhở chúng ta phải biết yêu thương, trân trọng người khác
như yêu thương, trân trọng chính bản thân mình, phải biết giúp đỡ nhau trong cuộc
sống.
b. Lí giải cơ sở vấn đề : (2,0 điểm)
- Mối quan hệ giữa bản thân với mọi người xung quanh là mối quan hệ khăng
khít từ tình cảm đến vật chất.
- Yêu thương còn giúp xóa đi thói vô cảm, thờ ơ thậm chí còn xóa cả những
ghen ghét, sự hận thù để sống vị tha, cao thượng hơn. Giúp cho mọi người gần gũi,
yêu thương, đoàn kết với nhau hơn.
- Yêu thương giúp ta mở rộng trái tim, biết quan tâm, chia sẻ, sống vì người
khác. Đem đến niềm vui cho bản thân và làm cho cuộc sống có ý nghĩa hơn.
- Yêu thương con người là truyền thống đạo đức lâu đời, nó mang đến những
giá trị to lớn cho con người trong xã hội, được truyền từ đời này sang đời khác mà
chúng ta vô cùng coi trọng và giữ gìn.
- Dân tộc ta cũng có rất nhiều câu tục ngữ, ca dao hay nói về tình yêu thương
giữa con người với con người, đó là sự đùm bọc, che chở những con người có số phận
nghèo khổ như: “ Lá lành đùm lá rách”, “Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác
giống nhưng chung một giàn.”
c. Nhận thức của bản thân: (0,75 điểm)
- Tuy nhiên, có một số người trong xã hội đang chạy theo giá trị vật chất mà bỏ
quên đi những giá trị của tình yêu thương – lòng nhân ái của dân tộc. Phê phán những
con người sống vị kỉ, vô cảm.
- Phải biết yêu thương từ trong gia đình ra ngoài xã hội, từ trong nước ra ngoài
nước.
- Liên hệ bản thân.
III. Kết bài: (0,25 điểm)
- Khẳng định lòng nhân ái đã xuất hiện từ lâu đời và trở thành truyền thống quý
báu của dân tộc Việt Nam. Mỗi chúng ta cần phải giữ gìn truyền thống của dân tộc.
* GV cân nhắc trên bài làm cụ thể của HS để đánh giá.
--- HẾT ---