Tải bản đầy đủ (.pdf) (5 trang)

Trang tin điện tử của Thư viện Đại học Việt Nam phục vụ nghiên cứu khoa học và đào tạo khoa học và công nghệ trong các trường đại học

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (81.69 KB, 5 trang )

TRANG TIN ĐIỆN TỬ CỦA THƯ VIỆN ĐẠI HỌC VIỆT NAM PHỤC VỤ NGHIÊN
CỨU KHOA HỌC VÀ ĐÀO TẠO KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TRONG CÁC
TRƯỜNG ĐẠI HỌC
PGS. TSKH. Bùi Loan Thùy*
Trong những năm gần đây, thông tin điện tử ngày càng khẳng định vị trí của nó trong phục
vụ thông tin về khoa học và công nghệ, trở thành phương tiện thiết yếu của đội ngũ giảng viên,
các nhà nghiên cứu, sinh viên các trường đại học. Thông tin điện tử là công cụ hữu hiệu giúp họ
nắm bắt nhanh chóng tri thức, thông tin, tình hình thời sự liên quan đến các lĩnh vực kinh tế, văn
hóa, khoa học, công nghệ và mọi mặt của cuộc sống. Thông tin điện tử giúp họ theo dõi, tiếp cận
kịp thời sự phát triển của KH&CN thuộc lĩnh vực mình quan tâm.
Luật Công nghệ thông tin được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày
29/06/2007, Nghị định hướng dẫn Luật Công nghệ thông tin, Nghị định số 64/2007/NĐ-CP
ngày 10/04/2007 về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước … đã
thiết lập nền tảng pháp lý cơ bản cho việc đẩy mạnh việc phát triển hệ thống thông tin điện tử
nói chung, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động thông tin điện tử thư viện đại học phát triển.
Tính đến cuối năm 2009, cả nước có 150 trường đại học, 226 trường cao đẳng, trong đó Bộ
Giáo dục &đào tạo quản lý 54 trường (chiếm 14,4%)1. Hầu hết thư viện các trường do Bộ Giáo
dục & đào tạo quản lý là các trường có quá trình tin học hóa thư viện diễn ra đã lâu, lại chịu áp
lực mạnh của việc kiểm định chất lượng gắt gao của Bộ Giáo dục & đào tạo trong vài năm gần
đây, nên đã đầu tư nhiều vào thông tin điện tử và có lợi thế khi quảng bá hình ảnh của mình qua
mạng. Với khá nhiều thư viện đại học và cao đẳng do các bộ, ngành, các địa phương quản lý,
tình trạng chung của các thư viện này là ít nhiều đã có thông tin điện tử, có trang tin điện tử
nhưng còn nhiều bất cập, hoặc hiện đang ở thời kỳ xây dựng nguồn lực thông tin điện tử và khởi
động thiết kế website cho thư viện.
Hiện nay, hoạt động thông tin điện tử của một số thư viện đại học đã có bước phát triển
vượt bậc, cả về tính chất, nội dung, hình thức (đặc biệt là thư viện các đại học trọng điểm). Các
loại hình thông tin phát triển phong phú, đa dạng, có hiệu quả thiết thực, ngày càng đáp ứng tốt
hơn nhu cầu thông tin điện tử tăng mạnh của giảng viên, các nhà nghiên cứu, sinh viên. Ở những
trường đại học được đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin tương đối hiện đại, thư viện bước
đầu đã có điều kiện thuận lợi để nâng cao khả năng đáp ứng việc khai thác, sử dụng thông tin
điện tử về KH&CN phục vụ nghiên cứu, giảng dạy và học tập.


Trong bối cảnh Intemet đã trở nên phổ cập, các thư viện đại học đều lựa chọn các trang tin
điện tử (website) như là hình thức phổ biến được sử dụng để cung cấp thông tin một cách rộng
rãi nhất và giao dịch trực tuyến với người dùng tin.
Khi thiết kế sản phẩm thông tin là website, các thư viện đại học đều đòi hỏi website thực
hiện được các chức năng sau:

*

Trường ĐHKHXH&NV TP. HCM.


1. Cung cấp đầy đủ thông tin về thư viện, về vốn tài liệu và nguồn lực thông tin liên quan
đến các chuyên ngành đào tạo, trong đó quan trọng nhất là các thông tin phục vụ hoạt động
nghiên cứu khoa học và đào tạo của trường theo các chủ đề liên hệ với nhau một cách logic.
2. Là phương tiện thực hiện một số hoạt động tác nghiệp và nghiệp vụ, phương tiện trao
đổi, tiếp nhận thông tin phản hồi từ các giảng viên, sinh viên, viên chức để hoàn thiện quá trình
phục vụ, cải tiến hoạt động nghiệp vụ của thư viện (diễn đàn, đối thoại trực tuyến, hỏi và
đáp,…), nâng cao chất lượng các sản phẩm và dịch vụ thông tin.
3. Cung cấp trực tuyến các sản phẩm và dịch vụ của thư viện.
Ở chức năng thứ nhất, thông tin được cung cấp một chiều từ thư viện đến người sử dụng. Ở
chức năng thứ hai và thứ ba, diễn ra sự trao đổi hai chiều giữa thư viện và người sử dụng thông
tin. Thông tin do thư viện cung cấp đều đã được xử lý kỹ thuật để đáp ứng đúng nhu cầu của
người dùng tại các thời điểm cụ thể. Việc sử dụng các trang thông tin điện tử là một bước đột
phá quan trọng để hoàn thiện công tác thư viện, cải tiến hoạt động nghiệp vụ và phục vụ thư
viện, tạo thuận lợi cho giảng viên, sinh viên nghiên cứu khoa học, giảng dạy và học tập, tiếp cận
nhanh chóng và hiệu quả đến kho tư liệu của thư viện và các nguồn tin phong phú trên mạng đã
được thư viện xử lý.
Hầu hết các trang thông tin điện tử đang vận hành của thư viện đại học hiện nay đều thực
hiện được cả 3 chức năng ở các mức độ khác nhau về khối lượng và chất lượng thông tin.
Khi đánh giá các trang thông tin điện tử người ta thường căn cứ vào các tiêu chí sau2,3,4,5:

- Tính hấp dẫn, tính độc đáo, tính tương tác, tính đổi mới của thông tin, tính phong phú và
giá trị của nội dung thông tin, tính liên tục của sự tiếp cận tới thông tin/tính cập nhật, tính thẩm
mỹ;
- Các khả năng tiếp cận và với tới thông tin, khả năng tìm kiếm nhanh và đa phương diện
các thông tin cần thiết, khả năng truy cập bằng các điểm truy cập khác nhau, khả năng dịch
chuyển trong các biểu ghi nhờ liên kết siêu văn bản, khả năng liên kết tới thông tin toàn văn;
- Các công cụ hỗ trợ tiện ích cho quá trình tìm kiếm thông tin của người sử dụng, các trợ
giúp tra cứu, các bản hướng dẫn cụ thể, dễ hiểu cho người sử dụng tìm kiếm thông tin, hiển thị
kết quả tìm kiếm dễ hiểu, rõ ràng, có hộp thư phản hồi ý kiến.
Ngoài ra, khi đánh giá trang thông tin điện tử của thư viện, cần phải xem xét thêm các tiêu
chí sau:
- Diện bao quát của trang web: số lượng biểu ghi trong CSDL, chủ đề/lĩnh vực khoa học,
thời gian bao quát tài liệu;
- Đặc điểm tìm tin: các giao diện tìm kiếm thông tin, công cụ trợ giúp tìm tin (tìm cơ bản,
tìm chi tiết, tìm nâng cao, tìm theo toán tử logic, tìm theo toán tử xếp hạng,…); các điểm truy
cập khác nhau, ngôn ngữ trợ giúp, khả năng truy cập theo chuẩn Z39.50;
- Đặc điểm xem và khai thác kết quả: khả năng hiển thị kết quả tìm kiếm dạng ngắn gọn,
đầy đủ, MARC, hiển thị/minh họa lịch sử quá trình tìm, kết quả tìm; Khả năng lọc kết quả tìm
kiếm với các tiêu chí để lọc như: thời gian, loại hình tài liệu, ngôn ngữ tài liệu, kho lưu trữ,…);
Số lượng biểu ghi tìm kiếm trên một trang màn hình; Khả năng lưu, in hoặc gửi đi kết quả tìm
kiếm; Khả năng sắp xếp các biểu ghi kết quả theo các tiêu chí nhan đề, tác giả, năm xuất bản,
chủ đề,….


- Đặc điểm phục vụ: tình trạng hiện tại của tài liệu, khả năng đặt mượn hay gia hạn mượn
tài liệu.
- Trợ giúp người dùng: có thông tin hướng dẫn, trợ giúp thân thiện (dễ đọc, dễ hiểu, dễ
làm); Người sử dụng có thể tự học các thủ tục tìm kiếm, có hộp thư góp ý, đề xuất ý kiến của
người sử dụng, có từ điển từ khóa hỗ trợ tra cứu.
Căn cứ vào các tiêu chí kể trên, khảo sát trang thông tin điện tử của các thư viện đại học

Việt Nam trên mạng Internet, chúng ta có thể rút ra các ưu điểm cơ bản sau:
- Hầu hết các trang tin điện tử đều có thông tin đầy đủ về chức năng, nhiệm vụ của thư
viện, cơ cấu tổ chức, nội quy thư viện, thủ tục hành chính,…là các thông tin có đặc trưng ổn
định, ít thay đổi. Việc quản lý các thông tin có dạng bài viết như phần giới thiệu thư viện, giới
thiệu nguồn tài nguyên thông tin, hướng dẫn sử dụng khá thuận lợi.
- Bước đầu quảng bá được hình ảnh về thư viện với bạn đọc, giúp họ hình dung ra lịch sử
hình thành và phát triển, hiện trạng, tiềm lực về các nguồn lực, các dịch vụ miễn phí và thu phí,
những hoạt động chính của thư viện.
- Xét về mặt hình thức, các trang tin điện tử đã xây dựng được một cấu trúc thông tin hợp
lý, phân loại thông tin thành các nhóm và đề mục khá rõ ràng.
- Cho phép thư viện quản lý được danh mục nhóm địa chỉ website liên kết, các liên kết với
các trang tin có liên quan khá đầy đủ, tạo điều kiện thuận lợi cho người sử dụng có nhu cầu tìm
hiểu tài liệu, thông tin của thư viện và các thư viện khác.
- Cho phép thư viện quản lý tốt các dữ liệu liên quan đến phần nội dung tài liệu như danh
mục nhóm tài liệu (văn học, chính trị, văn hóa, kinh tế…), danh mục tùy chọn (tài liệu hay, tài
liệu mới, tài liệu nghiên cứu, giáo trình…).
- Cho phép người sử dụng truy xuất, tra cứu các nhóm thông tin theo các chủ đề, lĩnh vực;
Chỉ ra cách thức để người sử dụng khai thác thông tin có thể tìm kiếm hoặc tiếp cận khai thác
thông tin ở mức từ đơn giản đến tìm nâng cao, sâu hơn.
- Một số trang chủ có hình ảnh tiêu biểu đặc trưng cho thư viện mình, có phần tin tức tương
đối phong phú, được cập nhật.
- Mục diễn đàn và chuyên mục hỏi đáp, thăm dò ý kiến được trình bày đa dạng, tạo khả
năng tương tác, trao đổi thông tin trực tuyến, tạo cơ hội cho người sử dụng thư viện nói lên tiếng
nói của mình không phụ thuộc vào không gian, thời gian và thư viện phải tiếp thu các ý kiến ấy
để cải tiến hoạt động của mình.
- Xét về tính năng khai thác thì hầu hết các trang tin điện tử đều có tính năng cung cấp và
quản lý thông tin, cập nhật tin tức về các sự kiện, hoạt động cơ bản của thư viện; Cho phép thư
viện quản lý các thông báo đối với bạn đọc và thông báo nội bộ, quản lý các dịch vụ, các yêu
cầu cung cấp dịch vụ, hình thức thanh toán, hình thức giao nhận kết quả; Cho phép thư viện
quản lý tốt việc trao đổi công việc trong nội bộ thư viện mang tính tác nghiệp, trao đổi tin nhắn

giữa cán bộ quản lý, chuyên viên, nhân viên thư viện.
- Trên trang tin của một số thư viện có thêm nhiều tiện ích khác như thông báo lịch làm
việc của thư viện, những chỉ dẫn định hướng như sơ đồ cấu trúc của trang thông tin, xem tin
theo ngày tháng, tích hợp các ứng dụng đa phương tiện nhằm làm phong phú thêm thông tin như
xem truyền hình trực tuyến, video, ảnh, âm thanh.


- Cho phép thư viện quản lý chặt chẽ người dùng, thống kê lượng người truy cập, quản lý
việc thăm dò ý kiến bạn đọc, người dùng tin của thư viện, quản lý thông tin phản hồi.
- Cho phép thư viện quản lý các cơ sở dữ liệu phục vụ cho việc tìm kiếm liên thông trên
website theo giao thức Z39.50. Quản lý các tài nguyên của website dưới dạng tập tin và thư
mục.
- Cho phép thư viện quản lý các mục liên quan ví dụ danh sách các dịch vụ mới, danh sách
các website liên kết mới, quảng cáo, danh sách tin mới, danh sách thông báo, danh sách tin nổi
bật, danh sách tin đọc nhiều…. Quản lý việc quảng cáo.
Bên cạnh các ưu điểm, các nhược điểm chính thể hiện trên website của thư viện đại học
Việt Nam hiện nay là:
- Các thông tin liên quan tới việc quản lý, điều hành ít được cập nhật (ví dụ các văn bản
pháp luật mới, sự biến động nhân sự...), các thông tin khác cũng chưa được cập nhật thường
xuyên hàng ngày.
- Một số thư viện thiếu các thông tin về chính sách bổ sung, mô tả công việc, các quy trình
làm việc trong thư viện.
- Việc quản lý các dữ liệu liên quan đến bản tin điện tử như danh mục nhóm tin, danh mục
chủ đề, danh mục tùy chọn, dữ liệu tin tức còn yếu.
- Chưa biên tập kỹ nội dung thông tin liên quan đến vốn tài liệu và nguồn lực thông tin của
thư viện nên làm ảnh hưởng đến chất lượng nội dung thông tin.
- Chưa chú trọng tới sự cân đối giữa thông tin tĩnh và thông tin động, thông tin cập nhật,
giữa văn bản với hình ảnh nên dẫn đến nội dung chưa thật sự phong phú và chưa hấp dẫn người
đọc.
- Chưa làm nổi bật lên được các hoạt động mới, các sản phẩm và dịch vụ tiêu biểu của thư

viện.
- Một số website, cổng thông tin cho phép đăng ký và đăng nhập thành viên, tuy nhiên, tính
năng này chủ yếu dành cho các thành viên nội bộ sử dụng thư viện và tra cứu thông tin nội bộ
chứ chưa mở rộng cho tất cả người sử dụng trang tin. Vì vậy vô hình chung, vấn đề cung cấp
thông tin, dịch vụ thông tin (có phí hoặc miễn phí) của các trang tin này khó thực hiện thuận lợi.
- Mục Hỏi - Đáp với tư cách là một trong những cầu nối hữu ích giữa thư viện với người sử
dụng có ít câu hỏi, hoặc các câu hỏi đặt ra chưa chi tiết và chưa đầy đủ, thông tin phản hồi chưa
được tổng kết thành hồ sơ trả lời câu hỏi.
- Về ngôn ngữ sử dụng, hầu hết trang thông tin điện tử của các thư viện đại học Việt Nam
chưa có phiên bản tiếng Anh. Đối với những thư viện đã có phiên bản tiếng Anh việc cập nhật
thông tin bằng tiếng Anh còn ở mức độ trình diễn, còn nhiều thiếu sót.
Nguyên nhân dẫn đến các thiếu sót trên có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan:
- Đa số các thư viện đại học chưa tổ chức được một bộ máy biên tập trang tin chuyên
nghiệp, người biên tập chỉ là chuyên viên thư viện kiêm nhiệm nên dẫn đến việc cung cấp thông
tin chưa thường xuyên, thiếu tính chuyên nghiệp.
- Khi thiết kế website, do nhiều thư viện chưa có kinh nghiệm nên việc đặt hàng ban đầu
cho các kỹ sư tin học bị thiếu một số tính năng. Khi đưa vào khai thác sử dụng mới phát hiện ra
nhưng không còn kinh phí để chỉnh sửa, bổ sung.


- Trình độ của cán bộ thư viện về kiến trúc thông tin còn bị hạn chế. Ví dụ, bản thân họ
cũng chưa biết rõ ràng trình tự thiết kế một bản tin điện tử phải qua các bước nào, không biết
các điểm nhấn, khả năng lọc tin còn yếu. Vì vậy phần lớn dừng ở việc tập hợp tin tức mang tính
thông báo từ các nguồn tin khác, thông tin chưa bảo đảm tính nghiệp vụ chuyên sâu, khả năng tự
biên soạn các bài viết, bài tin tức của chính thư viện mình còn rất hạn chế, đặc biệt là các thông
tin về khoa học và công nghệ. Đây chính là điểm yếu về nội dung thông tin trên website của các
thư viện đại học so với nội dung thông tin trên website của các thư viện thuộc các viện nghiên
cứu.
- Hạn chế về công nghệ: việc thiết kế trang tin chưa bảo đảm tính mở nên khi muốn bổ
sung tính năng mới bị phụ thuộc hoàn toàn vào người thiết kế. Hiện nay các thư viện thường

thuê các công ty tin học, công ty cổ phần hoặc công ty tư nhân thiết kế website cho mình. Sau
thời gian bảo hành, trong trường hợp các công ty này giải thể, việc bổ sung tính năng mới bị bế
tắc.
- Hạn chế về kinh phí: website càng nhiều tính năng, quản lý càng dễ dàng, thuận tiện thì
chi phí xây dựng càng cao. Muốn duy trì một website hoạt động tốt, được cập nhật thường
xuyên cần phải có kinh phí thường xuyên, trong khi kinh phí của các cấp quản lý cấp cho các
thư viện rất hạn hẹp.
Việc nhận thức rõ tầm quan trọng của website thư viện đối với người dùng tin và đầu tư
nâng cấp các website thư viện đại học đang vận hành, rút kinh nghiệm để thiết kế các website
thư viện mới là việc làm cấp thiết của các thư viện đại học. Việc đào tạo nhân lực chuyên nghiệp
có năng lực cao trong phục vụ thông tin điện tử về KH&CN trong các thư viện nói chung và thư
viện đại học nói riêng ở Việt Nam để phục vụ nền kinh tế công nghiệp, hướng tới nền kinh tế tri
thức, xã hội thông tin là bài toán đặt ra đối với các cơ sở đào tạo ngành thư viện – thông tin hiện
nay.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Làm gì để đổi mới và phát triển giáo dục đại học//Báo Nhân dân ngày 07/11/2009.-Tr.5.
2. Evaluation of Library Collection, Access and Electronic Resources: a literature guide and
annotated bibliography/Thomas E. Nisonger.- London.: Libraries Unlimited, 2003.
3. The Collection program in Schools: Concepts, practices and Information sources/Phyllis J.
Van Orden, Kay Bishop.- Englewood.: Libraries Unlimited, 2001.
4. Developing Library and Information Center Collection/ G. Edward Evans, Margaret Zarnosky
Saponaro.- London.: Libraries Unlimited, 2005.
5. Lựa chọn và tổ chức sử dụng các nguồn tin điện tử/Kirill Fesenko//Thông tin&tư liệu. Số
4/2003.-Tr.22-26.
6. Các website của thư viện đại học Việt Nam.



×