Tải bản đầy đủ (.doc) (4 trang)

NHỮNG CHIẾN THẮNG NỔI TIẾNG CỦA DÂN TỘC TA (PHẦN 2)

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (98.79 KB, 4 trang )

Những chiến thắng nổi tiếng trong lịch sử dân tộc ta (phần 2)
Tiếp theo kỳ trước)
Ba lần chiến thắng quân xâm lược Nguyên Mông (1258 - 1285 - 1288)
Trong thế kỷ XIII, dân tộc Việt Nam đã lập nên những chiến công vĩ đại: ba lần chiến
thắng giặc Nguyên Mông xâm lược.
Lần thứ nhất xảy ra vào tháng Giêng nǎm 1258. Bấy giờ, vua chúa Mông Cổ đang tiến
hành cuộc chiến tranh xâm chiếm Trung Quốc. Bên cạnh những đạo quân ồ ạt đánh vào đất
Tống, một đạo quân khoảng bốn vạn người, gồm kỵ binh Mông Cổ và binh lính người
Thoán Vân Nam, do tướng Ngột Lương Hợp Thai (Uryangquadai) chỉ huy, từ Vân Nam
đánh xuống Đại Việt. Vua Trần là Thái Tông đã đem quân lên chặn giặc ở Bình Lệ
Nguyên, bên sông Cà Lồ. Nhưng sau đó, quân ta rút lui để bảo toàn lực lượng trước thế
mạnh ban đầu của giặc.
Quân ta rút lui, bỏ Thǎng Long lại phía sau, nhưng Triều đình nhà Trần và quân dân vẫn
không nao núng. Vua tôi nhà Trần đã bàn phương lược đánh giặc trên những con thuyền
xuôi sông Hồng. Khi được Thái Tông hỏi ý kiến, Thái sư Trần Thủ Độ đã trả lời: ''Đầu tôi
chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo".
Giặc đóng ở Thǎng Long, trong một toà thành trống, đã khốn đốn vì thiếu lương thực.
Chúng cố đánh ra xung quanh để cướp lương thực, nhưng ở đâu cũng gặp sức chống trả
mãnh liệt của nhân dân. Vì vậy mà chỉ sau 9 ngày, chúng đã vô cùng hốt hoảng. Đó chính
là thời cơ để quân ta phản công. Ngày 29-l-1258, Vua Trần Thái Tông đã đem binh thuyền
ngược sông Hồng tiến về Thǎng Long. Quân địch bị đánh bật khỏi Kinh thành, theo đường
cũ, chạy về Vân Nam. Trên đường tháo chạy, chúng còn bị quân dân các dân tộc thiểu số ở
miền núi tập kích, đánh cho tan tác.
Sau lần thất bại đó, bọn vua chúa Mông Cổ vướng vào cuộc nội chiến (1259 -1264) và
cuộc chiến tranh với Tống (1267-1279) nên chưa thể tiếp tục ngay cuộc chiến tranh xâm
lược Việt Nam. Mãi đến nǎm 1279, nhà Tống mất, toàn bộ đất Trung Quốc đǎ nằm dưới
ách thống trị của nhà Nguyên, vua Nguyên là Hốt Tất Liệt (Quibilai) mới chuẩn bị xâm
lược nước ta bằng quân sự. Sau khi không thể khuất phục được Đại Việt bằng những sứ bộ
ngoại giao, cuối nǎm 1284, đạo quân Nguyên Mông do Thoát Hoan (Toan), con trai Hốt
Tất Liệt, và A Lý Hải Nha (Ariquaya) chỉ huy, đã lên đường, bắt đầu cuộc chiến tranh xâm
lược Đại Việt lần thứ hai.


Lần này, ngoài cánh quân lớn của Thoát Hoan đánh vào mặt Lạng Sơn, Vua Nguyên còn
sai Nạp Tốc Lạt Đinh (Nasirud Din) đem một cánh quân từ Vân Nam đánh vào mặt Tuyên
Quang, và ra lệnh cho Toa Đô (Sogatu) đem đạo quân còn đóng ở Bắc Chǎmpa, đánh vào
mặt Nam của Đại Việt.
Sau một vài trận đánh chặn giặc ở mặt Lạng Sơn và Tuyên Quang, trong tháng 2/1285,
quân ta lại rút lui và lần nữa bỏ trống Thǎng Long, kéo về mạn Thiên Trường và Trường
Yên (Ninh Bình). Và để tránh cái thế bị kẹp vào giữa các gọng kìm của giặc, đại quân và
Triều đình chờ cho cánh quân của ba Đô tiến đến Trường Yên (Ninh Bình) thì rút vào
Thanh Hoá. Trong khi một bộ phận lớn quân chủ lực rút, thì khắp nơi, quân địa phương và
dân binh các lộ, phối hợp với các cánh quân nhỏ của Triều đình để lại đã không ngừng tập
kích, tấn công vào quân địch ở vùng bị chiếm đóng. Kế hoạch ''vườn không nhà trống"
được toàn dân thực hiện. Giặc đóng quân phân tán, thiếu lương thực, có nguy cơ bị tiêu
diệt. Mùa hè đến, lại giáng lên đầu chúng những tai hoạ mới. Sử Nguyên chép: "Bệnh dịch
hoành hành... Nước lụt dâng to, ngập ướt doanh trại... ". Thời cơ phản công của quân ta đã
tới. Tháng 5/1285, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn dẫn đại quân tiến ra Bắc. Kế hoạch
diệt địch như sau: Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải và một số tướng lĩnh được giao
nhiệm vụ diệt địch trên phòng tuyến sông Hồng, còn Hưng Đạo Vương, đem quân vòng
qua vùng Hải Đông, tiến lên Vạn Kiếp, chặn đường tháo chạy của địch. Cục diện chiến
tranh xảy ra đúng như dự liệu: cuối tháng 5-1285, Trần Quang Khải cùng với Trần Nhật
Duật, Trần Quốc Toản đã đánh tan giặc ở Tây Kết, Hàm Tử, Chương Dương, rồi tiến lên
giải phóng Thǎng Long. Thoát Hoan hoảng hốt, rút khỏi Thǎng Long, chạy về phía Vạn
Kiếp. Đến đây, bọn giặc lọt vào trận địa mai phục của Trần Hưng Đạo, chúng bị thương
vong rất nhiều. Đám tàn quân hoảng loạn cố mở đường máu tháo chạy. Nhưng đến biên
giới Lạng Sơn, chúng lại bị quân ta chặn đánh. Thoát Hoan phải chui vào ống đồng rồi bắt
quân lính khiêng chạy về nước. Viên đại tướng Lý Hằng đi đoạn hậu, bị tên độc trúng đầu
gối, về đến Tư Minh thì chết.
Trong khi cánh quân Thoát Hoan chạy về phía Lạng Sơn thì cánh quân Nạp Tốc Lạt Đinh
tìm đường tẩu thoát về Vân Nam, cũng bị quân dân ta tập kích, đánh cho tơi bời. Không
biết Thoát Hoan đã bỏ chạy, Toa Đô kéo ra Bắc, theo sông Hồng định về Thǎng Long,
nhưng đến Tây Kết thì bị quân ta chặn đánh. Toa Đô bị chém. Thế là cuộc chiến tranh xâm

lược của Nguyên Mông lần thứ hai hoàn toàn thất bại.
Ngay sau thất bại năm 1258, Hốt Tất Liệt đǎ ra lệnh chuẩn bị một cuộc chiến tranh xâm
lược mới. Nhưng phải đến cuối nǎm 1287, các đạo quân viễn chinh mới có thể lên đường.
Một đạo do Thoát Hoan và áo Lỗ Xích (Agurucxi) chỉ huy tiến vào Lạng Sơn. Một đạo
khác, do ái Lỗ (Airuq) cầm đầu, từ Vân Nam đánh vào Tuyên Quang. Lần này, không còn
cánh quân phía Nam, nhưng Vua Nguyên lại phái thêm một cánh thuỷ quân, sai ô Mã Nhi
(Omar) chỉ huy, hộ tống đoàn thuyền tải lương của Trương Vǎn Hổ vào Đại Việt theo
đường biển.
Tháng 12/1287, khi đoàn thuyền chiến của ô Mã Nhi tiến vào vùng biển An Bang (Quảng
Ninh), Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư đem thuỷ quân chặn đánh, nhưng không cản
được giặc. ô Mã Nhi cho binh thuyền tiến thẳng vào cửa sông Bạch Đằng, không chú ý đến
đoàn thuyền lương nặng nề chậm chạp ở sau. Mãi đến tháng 1/1288, đoàn thuyền lương
của giặc mới tiến đến vùng đảo Vân Đồn. Trần Khánh Dư lại đem quân tập kích. Trương
Vǎn Hổ chống đỡ không nổi, đổ cả lương thực xuống biển, trèo lên một chiếc thuyền nhỏ,
trốn về Quỳnh Châu (Hải Nam). Bấy giờ, Thoát Hoan cũng đã tiến vào Lạng Sơn, hội quân
với cánh quân thủy của ô Mã Nhi ở Vạn Kiếp. Thoát Hoan dừng lại ở đây gần một tháng,
xây dựng Vạn Kiếp thành một cǎn cứ vững chắc, mãi đến cuối tháng 1/1288 mới chia quân
tiến về Thǎng Long.
Lần thứ ba, quân dân nhà Trần lại bỏ ngỏ Thǎng Long. Quân Nguyên vào Thǎng Long
ngày 2/2/1288. Ngay sau đó, Thoát Hoan vội sai ô Mã Nhi đem chiến thuyền ra biển đón
thuyền lương của Trương Vǎn Hổ. Nhưng thuyền còn đâu nữa. Không có lương thực, đạo
quân Thoát Hoan đóng ở Thǎng Long lâm vào tình thế khốn quẫn.Thoát Hoan phải ra lệnh
rút quân về Vạn Kiếp. Trên đường rút về Vạn Kiếp, giặc bị quân ta chặn đánh ở cửa Ba
Sông, vùng Phả Lại. Kéo về đóng ở Vạn Kiếp, đạo quân xâm lược vẫn bị quân ta tập kích
ngày đêm. Trước nguy cơ bị tiêu diệt, bọn tướng Nguyên đã nói với Thoát Hoan: ''ở Giao
Chỉ, không có thành trì để giữ, không có lương thực đủ ǎn, mà thuyền lương của bọn
Trương Vǎn Hổ lại không đến. Vả lại khí trời đã nóng nực, lương hết, quân mệt, không lấy
gì để chống đỡ lâu được, làm hổ thẹn cho triều đình, nên bảo toàn quân mà về thì hơn"
Trước tình hình đó, Thoát Hoan quyết định rút quân về nước theo hai đường: cánh quân bộ
rút qua vùng Lạng Sơn, còn cánh quân thuỷ sẽ rút ra biển theo sông Bạch Đằng.

Kế hoạch rút lui của giặc không nằm ngoài dự liệu của Trần Hưng Đạo. ông đã bố trí chặn
giặc ở vùng biên giới và chuẩn bị cho một trận quyết chiến lớn trên sông Bạch Đằng. Từ
tháng 3, quân sĩ và nhân dân đã đẵn gỗ lim, gỗ táu ở rừng về đẽo nhọn, đóng xuống lòng
sông, làm thành những bãi cọc lớn. Thuỷ quân và bộ binh ta đã phục sẵn trong các nhánh
sông và các khu rừng rậm ven sông Bạch Đằng, chờ ngày tiêu diệt địch.
Sáng ngày 9/4/1288, đoàn thuyền chiến của ô Mã Nhi tiến vào sông Bạch Đằng. Khi đoàn
thuyền giặc lọt vào trận địa mai phục của ta thì từ các nhánh sông, các thuyền nhẹ của ta
lao ra, đánh tạt vào sườn giặc, dồn chúng vào các bãi cọc. Giặc định áp thuyền sát bờ, đổ
quân chiếm lấy núi cao để yểm hộ cho đoàn thuyền rút, nhưng bị bộ binh ta đánh hắt
xuống. Một trận kịch chiến ác liệt đã xảy ra. Nước triều xuống gấp, thuyền giặc to nặng,
lao nhanh theo dòng nước, vướng cọc, tan vỡ rất nhiều. Cho đến giờ dậu (5-7 giờ tối), toàn
bộ đạo quân thuỷ của giặc bị tiêu diệt. ô Mã Nhi bị bắt sống. Lần thứ ba trong lịch sử giữ
nước của dân tộc, dòng Bạch Đằng lại ghi thêm một chiến công oanh liệt. Trong khi đó,
đạo quân của Thoát Hoan cũng khốn đốn rút chạy ra biên giới. Sau khi bị phục kích ở cửa
ải Nội Bàng, chúng bỏ con đường ra ải Khâu Cấp, vòng theo đường Đan Ba (Đình Lập),
chạy tạt ra biên giới. Nhưng ở đây, chúng cũng bị quân ta chặn đánh, tướng giặc là A Bát
Xích (Abaci) bị trúng tên. Mãi đến ngày 19/4/1288, đám tàn quân của Thoát Hoan mới về
đến Tư Minh.
Chiến thắng Bạch Đằng oanh liệt đã chôn vùi vĩnh viễn mộng xâm lược của Hốt Tất Liệt.
Vài nét về kết quả và nghệ thuật quân sự trận Bạch Đằng (9/4/1288)
Trong trận này, 8 vạn thuỷ quân và 400 thuyền chiến của địch đã bị ta tiêu diệt. Nghệ thuật
quân sự của quân dân thời Trần là phối hợp chặt chẽ giữa quân đội nhà vua (chủ lực) và
dân binh địa phương. Trong tác chiến đã sử dụng hình thức phục kích để tiêu diệt địch. Về
chiến lược, chiến thuật: chọn đạo quân thuỷ của địch làm đối tượng tiến công, tiêu diệt
trước và chủ yếu; đó là một quyết tâm rất chính xác vì so với đạo bộ binh chủ lực, thì số
lượng đạo quân thủy ít hơn, không giỏi chiến đấu bằng và phải tốn nhiều công sức xây
dựng.
Quãng sông Bạch Đằng, nơi được chọn làm địa điểm tác chiến là một khu vực hiểm yếu có
đủ những điều kiện cần thiết, đáp ứng được yêu cầu bố trí một trận mai phục trên sông với
quy mô lớn.

Tuy vậy, muốn khai thác triệt để những điều kiện thuận lợi trên, còn cần phải có một nghệ
thuật tác chiến rất cao, như tìm cách cô lập hoàn toàn đạo quân thuỷ của ô Mã Nhi với đạo
bộ binh chủ lực của Thoát Hoan, tách rời đạo kỵ binh đi yểm hộ và dần dần điều động đạo
quân thuỷ này từng bước lọt vào đúng trận địa mai phục, theo đúng thời gian đã được xác
định. Bởi vậy, đạo thuỷ quân địch dù đông tới 8 vạn tên, được đề phòng rất cẩn mật, nhưng
vẫn gặp nhiều bất ngờ, lúng túng buộc phải bị động đối phó từ đầu đến cuối, và kết qủa là
bị tiêu diệt hoàn toàn. Chiến thắng Bạch Đằng còn là kết quả của sự phối hợp tác chiến có
hiệu quả cao giữa thuỷ quân và bộ binh, giữa quân chủ lực với các đội dân binh, giữa các
lực lượng tham chiến về thời gian và không gian.
Thế là trong vòng ba mươi nǎm, quân dân ta đã ba lần đánh thắng giặc Nguyên Mông, đội
quân xâm lược mạnh nhất và hung hãn nhất của thời đó, bảo vệ quyền độc lập tự chủ của
đất nước, góp phần bảo vệ nền độc lập của các nước Đông Nam á.
Sức mạnh để làm nên chiến thắng là khối đoàn kết toàn dân như Trần Hưng Đạo đã nói, đó
là ''vua tôi đồng lòng, anh em hoà thuận, nước nhà chung sức". Chính nhờ khối đoàn kết đó
mà một cuộc chiến tranh nhân dân, ''cả nước đánh giặc ", "trǎm họ là binh", mới có thể
thực hiện. Và sau cùng, nguyên nhân sâu xa hơn của chiến thắng là sự ổn định kinh tế - xã
hội thời Trần, được tạo ra từ đường lối "lấy dân làm gốc".
Nói đến những chiến công chống xâm lược thời Trần, chúng ta không thể không nhớ tới
câu nói tuyệt vời của Trần Hưng đạo: ''Khoan thư sức dân làm kế sâu rễ bền gốc, đó là
thượng sách giữ nước''.
(Xem tiếp kỳ sau)
SƯU TẦM

×