PHÒNG GIÁO DỤC THỊ XÃ BÀ RỊA
TRƯỜNG TIỂU HỌC NGUYỄN THANH ĐẰNG
----------
THAM LUẬN
ĐỀ TÀI:
Người viết: TRỊNH THỊ MỸ NGỌC
THÁNG 10 NĂM 2007
ĐỀ TÀI THAM LUẬN
DẠY HỌC THEO NHÓM ĐỐI TƯỢNG HỌC SINH
I. PHẦN MỞ ĐẦU
Chúng ta đều biết rằng quá trình dạy học gồm hai hoạt động có quan hệ hữu cơ:
-Hoạt động dạy của giáo viên.
-Hoạt động học của học sinh.
Cả hai hoạt động này đều được tiến hành nhằm thực hiện mục đích giáo dục.
Trong quá trình dạy học, điểm tập trung là bản thân người học, tức là hoạt động dạy
học cần dựa trên nhu cầu, hứng thú, thói quen và năng lực của người học mà trong một
lớp học bao giờ cũng có đủ các nhóm đối tượng học sinh: giỏi, khá, trung bình, yếu (và
có thể có đối tượng là học sinh khuyết tật học hoà nhập cộng đồng). Do đó nhu cầu,
hứng thú, thói quen và năng lực của từng nhóm đối tượng học sinh là hoàn toàn khác
nhau.
Vậy chúng ta cần làm gì để giúp các em có được thái độ đúng và nắm được những
kiến thức kĩ năng kĩ xảo, phát huy đầy đủ nhất năng lực của mình ?
II. NỘI DUNG
1) Điều căn bản nhất là giáo viên tổ chức các hoạt động, tạo cơ hội và hướng dẫn các
em tham gia tích cực, chủ động vào quá trình học tập, giúp các em thu nhận kiến thức kĩ
năng một cách sâu sắc bằng chính nội lực của bản thân.
Như vậy, khi đưa ra các hoạt động học tập với nhiều hình thức (như làm việc cá
nhân; làm việc theo nhóm, lớp) đòi hỏi các yêu cầu, nhiệm vụ đối với mỗi nhóm đối
tượng học sinh có mức độ khác nhau nhằm đáp ứng trình độ khác nhau của mỗi nhóm.
Thông thường nên giao nhiệm vụ ở 3 mức:
-Khá cho nhóm học sinh khá, giỏi.
-Vừa phải cho nhóm học sinh trung bình.
-Dễ cho nhóm học sinh yếu.
Hoặc:
-Những yêu cầu đơn giản cho nhóm học sinh trung bình, yếu.
-Những yêu cầu phức tạp hơn cho nhóm học sinh khá, giỏi.
Tuy nhiên, cũng lưu ý rằng không phải lúc nào các hoạt động học tập cũng nhắm vào
việc giao các nhiệm vụ, yêu cầu khác nhau cho các đối tượng học sinh. Trong các hoạt
động chung với cả lớp, các hoạt động tương tác giữa học sinh với học sinh, các em có
thể học tập lẫn nhau, cùng giúp nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
2) Tâm lí giáo viên thường dựa vào nhóm đối tượng học sinh khá, giỏi để tiến hành các
hoạt động dạy học trên lớp (như thế tiết dạy sẽ thuận lợi, nhanh chóng) mà không quan
tâm đến đối tượng học sinh trung bình, yếu. Điều đó làm cho các em đã yếu càng yếu
hơn, dẫn đến tình trạng các em không cố gắng vươn lên trong học tập, tiếp thu kiến thức
một cách miễn cưỡng. Hoặc chú trọng quá nhiều vào việc rèn học sinh yếu mà quên đi
đối tượng học sinh khá, giỏi làm cho các em không hứng thú tiếp thu bài, gây tâm lí
nhàm chán, chủ quan, không tập trung vào giờ học, mất khả năng tư duy.
Điều này tuyệt đối nên tránh.
3) Khi kiểm tra, đánh giá giáo viên cần đòi hỏi cao ở nhóm đối tượng học sinh khá,
giỏi; đúng chuẩn đối với học sinh trung bình, yếu; nếu có nâng yêu cầu cũng chỉ nên ở
mức khuyến khích học sinh.
Việc đưa ra yêu cầu, tiếp nhận thông tin hay kiểm tra đánh giá học sinh, thái độ giáo
viên cũng cần đúng mực: khen, tuyên dương khi các em khá giỏi làm tốt; khuyến khích,
động viên nhóm đối tượng trung bình-yếu.
Đặc biệt, khi nêu một câu hỏi, giao một bài tập có thể đối với học sinh khá, giỏi các
em tự làm bài mà không cần hướng dẫn thêm nhưng đối với học sinh trung bình- trung
bình yếu đừng cắt ngang khi các em ấp úng, giáo viên có thể gợi ý bằng một số câu hỏi
nhỏ.
4) Đối với học sinh khuyết tật, giáo viên cần thực hiện theo quyết định 23/ BGD&ĐT
về Giáo dục trẻ khuyết tật học hoà nhập cộng đồng.
III. TIẾT DẠY MINH HOẠ
Môn: tập đọc- Bài: Kì diệu rừng xanh - Lớp 5.
• Các hoạt động học tập:
-Luyện đọc
-Tìm hiểu bài
-Rèn đọc diễn cảm
• Các phương pháp:
-Đàm thoại
-Giảng giải
-Quan sát
-Hoạt động nhóm
• Yêu cầu tiết học đối với các nhóm đối tượng:
-Trung bình, yếu:
+Đọc đúng, trôi chảy, rõ chữ, bước đầu biết đọc diễn cảm.
+Hiểu bài, nắm ý chính.
-Khá, giỏi:
+Đọc đúng, diễn cảm.
+Hiểu bài, cảm thụ được cái hay, cái đẹp của bài, biết liên hệ thực tiễn.
• Cụ thể
-Luyện đọc:
Giáo viên luyện đọc theo đối tượng, có chú ý hướng dẫn đọc đúng đối với học sinh
trung bình- yếu khi đọc nối tiếp cũng như đọc nhóm đôi. Nhóm học sinh khá, giỏi luôn
đòi hỏi ở mức cao: diễn cảm. Điều đó cũng thể hiện cả ở phần nhận xét của giáo viên.
-Những câu hỏi gợi ý cho từng nhóm đối tượng khi tiến hành thảo luận (GV gợi ý đối
với nhóm HS TB-Y).
Câu hỏi 1:
Những cây nấm rừng đã khiến tác giả có những liên tưởng thú vị gì?
Gợi ý: Tác giả thấy vạt nấm rừng, mỗi chiếc nấm … nghĩ đến hình ảnh gì khác?
Tác giả nghĩ mình là gì khi đứng trước những hình ảnh đó?
Nhờ những liên tưởng ấy mà cảnh vật đẹp thêm như thế nào?
Gợi ý: Trong sự liên tưởng của tác giả có những hình ảnh nào? Những hình ảnh đó em
thường thấy ở đâu? Nó đem lại vẻ đẹp gì cho cảnh rừng?
-Trong nhóm lớn, các đối tượng học sinh hoạt động tương tác, cùng giúp nhau hoàn
thành nhiệm vụ được giao.
Thảo luận trả lời câu hỏi 3.
IV. PHẦN CUỐI
Như vậy để vừa có thể phát triển lực lượng mũi nhọn vừa đảm bảo không để học
sinh yếu đứng bên lề tiết học, giáo viên cần quan tâm đến các nhóm đối tượng học sinh
trong lớp mình bằng cách thiết kế các hoạt động học tập phù hợp cho các nhóm đối
tường học sinh, hướng dẫn các em tham gia để giúp các em có thái độ đúng và nắm
được kiến thức kĩ năng kĩ xảo, phát huy đầy đủ năng lực của bản thân.
Trên đây cũng chỉ là ý kiến chủ quan của chúng tôi, rất mong nhận được những ý
kiến đóng góp để tham luận được đầy đủ và chính xác hơn.
----&----