Tải bản đầy đủ (.pdf) (94 trang)

Nghiên cứu test da trong hen phế quản trẻ em LUAN VAN THÚY CT(4) 2 2017

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.19 MB, 94 trang )

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
ĐẠI HỌC HUẾ
TRƢỜNG ĐẠI HỌC Y DƢỢC

BỘ Y TẾ

PHẠM THỊ THU THÚY

NGHIÊN CỨU TEST DA
TRONG HEN PHẾ QUẢN TRẺ EM
Chuyên ngành: NHI KHOA
Mã số: NT 62 72 16 55
60 72 01 35

LUẬN VĂN THẠC SĨ
CỦA BÁC SĨ NỘI TRÚ

Ngƣời hƣớng dẫn khoa học
PGS.TS.BS. BÙI BỈNH BẢO SƠN

HUẾ - 2017


Lời Cảm Ơn
Kết thúc chương trình Bác sĩ nội trú Nhi khoa và hoàn thành luận văn
này, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới:
Ban giám hiệu, Phòng đào tạo sau đại học, Bộ môn Nhi Trường Đại
học Y Dược Huế đã tạo điều kiện thuận lợi cho tôi trong quá trình học tập và
nghiên cứu.
Ban giám đốc Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế, Trung Tâm
Nhi Khoa Bệnh viện Trung Ương Huế, Khoa Sinh Lý Bệnh – Miễn Dịch


trường Đại học Y Dược Huế vì những kiến thức tôi đã học được trong quá
trình thực tập ở đây và đã tạo điều kiện cho tôi thu thập số liệu và thực hiện
luận văn này.
Các thầy, cô, anh, chị, em trong Bộ môn Nhi Trường Đại học Y Dược
Huế về sự hướng dẫn, chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm lâm sàng
quý báu cho tôi trong suốt quá trình học tập và làm việc.
Đặc biệt tôi xin chân thành cảm ơn đến thầy PGS.TS.BS. Bùi Bỉnh
Bảo Sơn, người luôn tận tình dìu dắt, giảng dạy chuyên môn, hướng dẫn và
khuyến khích tôi trong suốt quá trình theo học nội trú, nghiên cứu khoa học
và thực hiện luận văn này.
Xin gửi lời cảm ơn tới gia đình và các bệnh nhi đã cùng hợp tác để tôi
có thể hoàn thành luận văn.
Tôi xin dành những tình cảm và sự biết ơn sâu sắc nhất tới Cha - Mẹ,
tập thể Bác sĩ nội trú Nhi khoa và những người thân yêu luôn ở bên cạnh,
động viên, khuyến khích, giúp đỡ tôi trong suốt thời gian học tập.

Huế, ngày 10 tháng 10 năm 2017
Phạm Thị Thu Thúy


LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi.
Các số liệu, kết quả trong luận văn này là trung thực, chính xác
và chưa từng được ai công bố trong bất cứ công trình nào khác.
Tác giả

Phạm Thị Thu Thúy


MỤC LỤC

Trang
ĐẶT VẤN ĐỀ .................................................................................................. 1
Chƣơng 1 : TỔNG QUAN TÀI LIỆU ........................................................... 3
1.1. Một số đặc điểm về hen phế quản trẻ em................................................... 3
1.2. Dị nguyên và test da ................................................................................. 15
1.3. Tình hình nghiên cứu trong và ngoài nước .............................................. 21
Chƣơng 2: ĐỐI TƢỢNG VÀ PHƢƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU ............. 23
2.1. Đối tượng nghiên cứu............................................................................... 23
2.2 Phương pháp nghiên cứu ........................................................................... 24
Chƣơng 3: KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU ........................................................ 37
3.1. Đặc điểm chung của nhóm nghiên cứu .................................................... 37
3.2. Đặc điểm lâm sàng và kết quả test da trong hen phế quản ...................... 38
3.3. Sự liên quan giữa kết quả test da với một số đặc điểm lâm sàng hen
phế quản .......................................................................................................... 45
Chƣơng 4: BÀN LUẬN ................................................................................. 57
4.1. Đặc điểm chung của nhóm nghiên cứu .................................................... 57
4.2. Đặc điểm lâm sàng và kết quả test da trong hen phế quản ...................... 60
4.3. Mối liên quan giữa kết quả test da với một số đặc điểm lâm sàng của
bệnh nhi hen phế quản..................................................................................... 71
KẾT LUẬN .................................................................................................... 76
KIẾN NGHỊ .................................................................................................. 78
TÀI LIỆU THAM KHẢO
PHỤ LỤC


DANH MỤC CÁC TỪ VIẾT TẮT
TIẾNG VIỆT
DN

: Dị nguyên


ĐLH

: Độ lưu hành

HPQ

: Hen phế quản

TST

: Tần số thở

TIẾNG ANH
FEV1

: Force Expiratory Volume in 1 second
(Thể tích thở ra gắng sức trong giây đầu tiên)

FVC

: Forced vital capacity
(Thể tích thở ra tối đa)

GINA

: Global Initiative for Asthma
(Tổ chức phòng chống hen toàn cầu)

IgE


: Imunoglobulin E

IMCI

: Integrated management of childhood illnesses
(Chiến lược xử trí lồng ghép bệnh trẻ em)

LABA

: Long Acting Beta2 Agonist
(Đồng vận beta-2 tác dụng kéo dài)

SABA

: Short Acting Beta2 Agonist
(Đồng vận beta-2 tác dụng ngắn)

SRSA

: Slow Reacting Substance of Anaphylaxis
(Phản ứng chậm của phản ứng phản vệ)

WHO

: World Health Organization
(Tổ chức y tế thế giới)


1


ĐẶT VẤN ĐỀ
Hen phế quản (HPQ) là bệnh viêm mạn tính đường hô hấp, khá phổ biến
trong các bệnh đường hô hấp ở nước ta cũng như nhiều nước trên thế giới. Tỷ
lệ lưu hành hen ngày càng gia tăng trong những năm gần đây.
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), năm 2004 trên thế giới
có khoảng 300 triệu người mắc hen, ước tính đến năm 2025 con số này lên
đến 400 triệu người [61]. Năm 2002 cho thấy có khoảng 6,1 triệu trẻ em Hoa
Kỳ ở lứa tuổi này mắc hen phế quản [27].Và đến năm 2014 thì có 22648
nghìn người mắc bệnh hen phế quản trong đó trẻ em là 6109 nghìn người,
chiếm tỉ lệ 8,3%. Ở các nước Châu Á- Thái Bình Dương trong 20 năm qua
bệnh hen ở trẻ em đã tăng lên gấp 3-4 lần (giai đoạn 1984-1994) cụ thể :
Philippines từ 6% đến 18,8%; Indonesia từ 2,3% đến 9,8%; Nhật Bản 0,7-8%;
Malaysia 6,1-18%; Thái Lan 3,1-12%; Singapore 5-20% [3]. Tỷ lệ hiện mắc
thay đổi rất lớn ở các nước, thấp nhất ở Indonesia và Việt Nam, cao nhất ở
Thái Lan, Philipines và Singapore. Tỷ lệ hiện mắc ở thành thị cao hơn nông
thôn [27]. Tỉ lệ mắc hen phế quản trên thế giới nhóm 6-7 tuổi 9,4%; ở nhóm
13-14 tuổi là 12,6%; tại Việt Nam nhóm 6-7 tuổi 4,5% và nhóm 13-14 tuổi
5% [21].
Tiến bộ của khoa học kỹ thuật trong y học hiện nay đã giúp chúng ta
ngày càng hiểu sâu sắc hơn về bệnh nguyên, bệnh sinh, chẩn đoán và điều trị
hen. Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong do hen phế quản tăng nhanh chỉ sau ung thư,
vượt trên so với bệnh tim mạch. Tỷ lệ tử vong do hen phế quản ở trẻ em trên
toàn cầu dao động từ 0 đến 0,7/100 000 [35]. Chi phí trực tiếp và gián tiếp
cho việc điều trị hen lên đến hàng chục tỷ đô la mỗi năm, gây ảnh hưởng rõ
rệt đến đời sống xã hội, gia đình và người bệnh. Tuy nhiên, phần lớn người
bệnh hen có thể sống bình thường hoặc gần bình thường, các chi phí trên có
thể giảm một nửa và có thể ngăn ngừa được 85% các trường hợp tử vong do



2
hen nếu người bệnh được phát hiện, điều trị, quản lý và dự phòng đúng
hướng.
Bệnh nguyên của hen phế quản là một phức hợp các rối loạn về nhiều
mặt với những mức độ tham gia khác nhau [24], trong đó cơ chế bệnh sinh
miễn dịch có vai trò quan trọng nhất (2/3 hen ở trẻ em là hen dị ứng). Hen
phế quản dị ứng thường xảy ra ở trẻ em có tiền sử gia đình hay bản thân về
hen phế quản hay các bệnh lý dị ứng. Ở bệnh nhân hen phế quản ngoại sinh
có thể có nồng độ Immunogobulin E (IgE) toàn phần và IgE đặc hiệu trong
máu tăng, test da dương tính với dị nguyên và có thể điều trị giải mẫn cảm có
kết quả nếu dị ứng với các dị nguyên. Những dị ứng nguyên gây hen quan
trọng trong môi trường gồm: bụi nhà (chủ yếu dị ứng nguyên từ loài mạt bụi
nhà acariens), phấn hoa, lông súc vật (chó, mèo), nấm mốc, gián…[24]. Để
xác định được tính tăng mẫn cảm với các dị nguyên ở bệnh nhân hen phế
quản, có thể định lượng IgE đặc hiệu hoặc phương pháp test da với dị nguyên
nghi ngờ. Test da, định lượng IgE đặc hiệu trong huyết thanh có thể giúp xác
định các yếu tố nguy cơ, trên cơ sở xây dựng kế hoạch kiểm soát môi trường
cho bệnh nhân [23]. Và test dị ứng là một điều kiện quan trọng để nhận biết
sớm trẻ có nguy cơ cao phát triển bệnh dị ứng sau này và điều trị bao gồm:
tránh tiếp xúc dị nguyên, liệu pháp điều trị và giải mẫn cảm dị nguyên đặc
hiệu [50].
Hiện nay trên thế giới việc định lượng IgE toàn phần, IgE đặc hiệu, làm
test da được xem là những xét nghiệm thường quy và đã tiến hành giải mẫn
cảm thành công đối với một số dị nguyên dương tính ở bệnh nhân hen phế
quản. Xuất phát vì những lý do đó, chúng tôi thực hiện đề tài “Nghiên cứu
test da trong hen phế quản trẻ em”, nhằm hai mục tiêu sau:
1. Mô tả đặc điểm lâm sàng và kết quả test da trong hen phế quản trẻ em.
2. Tìm hiểu mối liên quan giữa kết quả test da với đặc điểm lâm sàng hen
phế quản trẻ em.



3

Chƣơng 1
TỔNG QUAN TÀI LIỆU

1.1. MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM VỀ HEN PHẾ QUẢN TRẺ EM
1.1.1 Vài nét về lịch sử nghiên cứu hen phế quản
Hen phế quản là một bệnh đã biết từ lâu đời nay. Cách đây khoảng 5000
năm, các nhà y học cổ đại Trung Quốc, Hy Lạp, Ai Cập đã nói đến bệnh hen.
Từ năm 2700 trước Công nguyên, người ta đã sử dụng ma hoàng (Ephdra) để
chữa cơn khó thở. Sau này Hippocrat (năm 400 trước công nguyên) đề xuất
và giải thích từ “Asthma”(thở vội vã) để mô tả một cơn khó thở kịch phát, có
biểu hiện khò khè. Đến thế kỷ thứ II sau Công nguyên, HPQ mới được
Aretanus mô tả chi tiết hơn. Ông cho rằng hen là bệnh mạn tính có chu kỳ, có
ảnh hưởng của thay đổi thời tiết và làm việc gắng sức.
Năm 1914, Widal đưa ra thuyết dị ứng về HPQ và đến năm 1932 mới có
Hội nghị lần thứ nhất về hen phế quản. Sau hội nghị này, nhiều tác giả đã
nghiên cứu sâu hơn về hen: tìm ra serotonin, vai trò của acetylcholin, nghiên
cứu các loại thuốc điều trị HPQ, thuốc kháng histamin... Từ năm 1962-1972,
các công trình nghiên cứu sâu hơn về cơ chế bệnh sinh như Burnet, Miller
Roitt nghiên cứu vai trò của tuyến ức, các tế bào T và B trong HPQ.
Từ 1985 đến nay, nhiều công trình nghiên cứu chứng minh rằng viêm
đóng vai trò quan trọng trong HPQ dẫn đến tình trạng co thắt phế quản, tăng
tính phản ứng phế quản và từ đó có một bước cải tiến trong việc phòng bệnh
và điều trị HPQ. Năm 1992, Chương trình khởi động toàn cầu Phòng chống
hen phế quản (Global Initiative for Asthma) gọi tắt là GINA ra đời nhằm mục
đích đề ra chiến lược quản lý, khống chế và kiểm soát bệnh hen. GINA là kết
quả của sự hợp tác giữa WHO và Viện quốc gia Tim - Phổi và Huyết học Hoa
Kỳ và chuyên gia nhiều nước trên thế giới, là cơ sở cho chương trình phòng



4
chống hen ở trên 100 nước. Từ đó đến nay việc khống chế hen phế quản có sự
tiến bộ vượt bậc và đã đạt được những hiệu quả quan trọng.
1.1.2. Định nghĩa hen phế quản
Theo Viện Quốc gia Tim Phổi – Huyết học Hoa Kỳ và Tổ chức Y tế thế
giới (NHLBI/WHO – GINA 2002) thì HPQ được định nghĩa như sau: “HPQ là
bệnh lý viêm mạn tính đường hô hấp với sự tham gia của nhiều tế bào và thành
phần tế bào. Viêm mạn tính gây tăng tính đáp ứng của đường thở dẫn đến những
cơn khò khè, khó thở, tức ngực và ho tái phát nhất là vào buổi tối hoặc sáng sớm.
Những đợt này thường có tắc nghẽn đường thở lan toả nhưng không hằng định.
Sự tắc nghẽn này thường tự hồi phục hoặc biến đi do điều trị”.
Định nghĩa của GINA (2016): Hen là một bệnh lý đa dạng, thường có
đặc điểm là viêm đường hô hấp mãn tính. Hen được định nghĩa bởi sự hiện
diện của các triệu chứng hô hấp như khò khè, khó thở, nặng ngực và ho, các
triệu chứng này thay đổi tùy thời điểm và về cường độ, cùng với sự giới hạn
luồng khí thở ra [46].
Tóm lại có 3 quá trình bệnh lý trong HPQ:
- Viêm mạn tính đường hô hấp.
- Co thắt cơ trơn thành phế quản.
- Gia tăng tính phản ứng đường thở.
1.1.3. Các yếu tố nguy cơ ảnh hƣởng đến sự hình thành và biểu hiện đến
hen phế quản
Các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sự hình thành và biểu hiện đến
HPQ bao gồm các yếu tố gây bệnh HPQ, các yếu tố khởi phát cơn hen,
hoặc cả hai. Yếu tố gây bệnh HPQ là các yếu tố chủ thể (chủ yếu là yếu tố
di truyền) và yếu tố khởi phát cơn hen thường là yếu tố môi trường. Tuy
nhiên cơ chế ảnh hưởng đến quá trình hình thành và biểu hiện HPQ rất
phức tạp và có tác động qua lại lẫn nhau [27], [28].



5
1.1.3.1. Yếu tố chủ thể
1.1.3.1.1. Yếu tố di truyền
HPQ có yếu tố di truyền nhưng yếu tố này khá phức tạp. Các dữ kiện
hiện nay cho thấy có nhiều gen liên quan đến cơ chế bệnh sinh của hen, và
các gen liên quan này khác nhau theo từng chủng tộc. Nghiên cứu các gen
liên quan đến sự hình thành HPQ tập trung vào 4 lĩnh vực chính: sản xuất các
IgE đặc hiệu với kháng nguyên (cơ địa dị ứng), biểu hiện tăng phản ứng
đường thở, hình thành các chất trung gian gây viêm (cytokines, chemokines,
yếu tố tăng trưởng) và xác định tỷ lệ đáp ứng miễn dịch qua Th1 và Th2.
Ngoài các gen gây bệnh, còn có các gen liên quan đến việc đáp ứng điều
trị hen. Các gen khác được lưu ý là gen thay đổi đáp ứng của cơ thể đối với
glucocorticosteroid, với thuốc ức chế leukotriene. Các dấu ấn di truyền quan
trọng này không chỉ là các yếu tố nguy cơ trong cơ chế bệnh sinh của HPQ
mà còn là những yếu tố quyết định đến việc đáp ứng điều trị [27], [30].
1.1.3.1.2. Béo phì
Béo phì cũng đã được chứng minh là một yếu tố nguy cơ của HPQ. Một
số chất trung gian như leptons có thể ảnh hưởng đến chức năng đường thở và
tăng nguy cơ hình thành HPQ [24].
1.1.3.1.3. Giới
Trẻ trai có nguy cơ cao bị HPQ so với trẻ gái. Trước tuổi 14, tỷ lệ hiện mắc
HPQ ở trẻ trai cao gần gấp đôi trẻ gái. Khi trẻ lớn dần, sự khác biệt giữa hai giới
hẹp dần, và ở người lớn, tỷ lệ hiện mắc HPQ ở nữ cao hơn nam [24], [28].
1.1.3.2. Yếu tố môi trường
1.1.3.2.1. Dị nguyên
Mặc dù người ta đã biết rõ dị nguyên trong nhà, ngoài ngõ có thể làm
khởi phát cơn hen, nhưng vai trò đặc hiệu của chúng trong việc hình thành
bệnh hen thế nào vẫn chưa rõ. Nghiên cứu thuần tập từ lúc sinh cho thấy dị

ứng với mạt bụi nhà, lông chó mèo, và nấm mốc Aspergillus là các yếu tố


6
nguy cơ độc lập gây triệu chứng giống hen ở trẻ em < 3 tuổi. Đối với một số
dị nguyên như mạt bụi nhà và gián, tỷ lệ dị ứng dường như có liên quan trực
tiếp với tiếp xúc. Tiếp xúc với gián đã được chứng minh là một nguyên nhân
dị ứng quan trọng, nhất là đối với nhà trong đô thị [27].
1.1.3.2.2. Nhiễm trùng
Trong thời kì nhũ nhi, có nhiều loại virus được biết có liên quan đến việc
khởi phát điển hình HPQ. Virus hợp bào hô hấp (RSV) và parainfluenza virus
có thể gây ra triệu chứng như viêm tiểu phế quản rất giống hen trẻ em. Mối liên
quan giữa cơ địa dị ứng và nhiễm virus khá phức tạp, trong đó cơ địa dị ứng có
thể ảnh hưởng đến đáp ứng của đường hô hấp dưới đối với nhiễm virus, rồi
nhiễm virus có thể ảnh hưởng đến sự hình thành dị ứng, và mối tương tác này
có thể xảy ra khi cơ thể tiếp xúc đồng thời với cả dị nguyên và virus [27], [28].
1.1.3.2.3. Khói thuốc lá
Hút thuốc lá làm giảm nhanh chức năng hô hấp ở bệnh nhân HPQ, tăng
mức độ nặng của hen, giảm đáp ứng glucocorticosteroids dạng hít và giảm
glucocorticosteroids toàn thân, giảm khả năng kiểm soát hen [28], [30].
1.1.3.2.4. Ô nhiễm không khí
Người ta vẫn còn tranh cãi về vai trò của ô nhiễm môi trường trong cơ
chế sinh bệnh HPQ. Trẻ em lớn lên trong môi trường không khí ô nhiễm sẽ có
chức năng hô hấp giảm, nhưng mối liên hệ giữa giảm chức năng hô hấp này
với quá trình hình thành HPQ vẫn chưa rõ. Sự xuất hiện các cơn hen cấp cũng
có liên quan với mức độ ô nhiễm không khí. Tuy nhiên, vai trò của các chất
gây ô nhiễm trong cơ chế hình thành HPQ vẫn chưa được xác định rõ [27].
1.1.3.2.5. Chế độ ăn
Vai trò của chế độ ăn, đặc biệt là sữa mẹ, trong mối liên hệ với quá trình
hình thành HPQ đã được nghiên cứu rất nhiều, và nhìn chung, các dữ kiện

đều cho thấy trẻ được nuôi bằng sữa bò hoặc sữa đậu nành bị khò khè trong
những năm tháng đầu đời nhiều hơn trẻ được bú sữa mẹ [28].


7
1.1.4. Cơ chế bệnh sinh
Hen là bệnh lý viêm đường thở, trong đó có nhiều tế bào và hóa chất
trung gian gây viêm tham gia, gây ra các biến đổi sinh lý giải phẫu bệnh đặc
trưng. Bằng cách nào chưa rõ, kiểu viêm như thế thường kết hợp với tăng
phản ứng đường thở và triệu chứng hen.
1.1.4.1. Viêm đường thở trong hen
Hình thái lâm sàng của HPQ rất đa dạng, với sự tham gia của nhiều loại
tế bào, nhưng viêm đường thở vẫn là đặc điểm hằng định. Quá trình viêm
đường thở trong HPQ kéo dài dai dẳng cho dù triệu chứng của HPQ diễn ra
từng đợt, và mối liên quan giữa mức độ nặng của HPQ và mức độ viêm
đường thở vẫn chưa được biết rõ. Ở hầu hết bệnh nhân, quá trình viêm tác
động đến toàn bộ đường thở gồm cả đường hô hấp trên và mũi nhưng hậu quả
sinh lý của quá trình viêm này lại thể hiện rõ nhất ở các phế quản kích thước
trung bình [27], [ 28].
1.1.4.2. Các tế bào viêm
Kiểu viêm đặc hiệu của các bệnh dị ứng cũng gặp trong HPQ với sự hoạt
hóa các dưỡng bào, tăng bạch cầu ái toan, tăng lympho T độc tế bào bất biến
với thụ thể tế bào T, tăng lympho T giúp đỡ, rồi chúng phóng thích các hóa
chất trung gian gây triệu chứng. Các tế bào cấu trúc đường thở cũng tiết ra các
hóa chất trung gian gây viêm, góp phần kéo dài quá trình viêm theo nhiều
cách khác nhau [27].
1.1.4.3. Các hóa chất trung gian gây viêm
Cho đến nay có hơn 100 chất trung gian gây viêm khác nhau được ghi
nhận là có liên quan đến hen và làm trung gian cho đáp ứng viêm tại đường
thở [28].

1.1.4.4. Các thay đổi cấu trúc đường thở
Ngoài đáp ứng viêm, còn có những thay đổi cấu trúc trong HPQ, thường
được mô tả là hiện tượng tái cấu trúc trong đường thở. Một số thay đổi liên


8
quan tới mức độ nặng của bệnh và có thể gây hẹp đường thở không hồi phục.
Những thay đổi này đại diện cho quá trình sửa chữa đáp ứng với viêm mạn
tính [27], [ 28].
1.1.5. Sinh lý bệnh học
Hẹp đường thở là hậu quả cuối cùng đưa đến các triệu chứng và các biến
đổi sinh lý hen. Các yếu tố góp phần vào tiến trình làm hẹp đường thở trong
hen gồm cơ trơn phế quản co thắt, chất dẫn truyền thần kinh, phù nề đường
thở, dày đường thở, tăng tiết nhầy.
Tăng phản ứng đường thở là bất thường chức năng đặc trưng của hen,
gây hẹp đường thở ở bệnh nhân hen khi tiếp xúc với một kích thích. Sau đó,
tình trạng hẹp đường thở này đưa đến giới hạn biến thiên lưu lượng khí và
xuất hiện triệu chứng từng cơn. Tăng phản ứng đường thở có liên quan đồng
thời đến quá trình viêm và sửa chữa đường thở, và có thể hồi phục một phần
với điều trị [27].
1.1.6. Triệu chứng lâm sàng
1.1.6.1. Triệu chứng hen phế quản ở trẻ < 5 tuổi
Triệu chứng lâm sàng điển hình của HPQ ở trẻ nhỏ bao gồm ho, khò
khè thì thở ra, nhưng không phải là dấu hiệu nguy hiểm [40]. Trong cơn
hen cấp, trẻ có biểu hiện thở gắng sức với co kéo gian sườn, co kéo trên và
dưới xương ức. Các dấu hiệu thực thể thường gặp khác rale rít thì thở ra,
rale ẩm. Ngoài cơn cấp, có thể không phát hiện được dấu hiệu thực thể nào
của HPQ [27], [ 28].
Vì thế ở trẻ nhỏ nếu lúc đến khám không có triệu chứng, việc chẩn đoán
hen phụ thuộc vào hỏi tiền sử, bệnh sử cẩn thận. Đặc biệt, những trẻ có các

triệu chứng đường hô hấp dưới như khò khè, ho hoặc thở gắng sức tái diễn
cần được xem xét đến khả năng bị HPQ. Trường hợp trẻ đến khám có biểu
hiện triệu chứng, chứng cứ thuyết phục ủng hộ cho chẩn đoán hen là trẻ đáp
ứng tốt với thuốc giãn phế quản [28].


9
1.1.6.2. Triệu chứng hen phế quản ở trẻ > 5 tuổi
Hầu hết bệnh nhân đều có từng đợt khò khè tái diễn. Trong một số ít
trường hợp, HPQ chỉ biểu hiện với ho và hụt hơi, và tỷ lệ HPQ chỉ có ho hoặc
ho là triệu chứng chính chiếm không quá 5%. Ngoài ra, trẻ lớn bị HPQ có thể
có biểu hiện tức ngực hay viêm phế quản. Thông thường triệu chứng của HPQ
thường nặng lên về đêm hoặc sáng sớm và nhẹ hơn vào ban ngày. Nếu tiền sử
cho thấy triệu chứng cải thiện với điều trị thuốc giãn phế quản thì đó là bằng
chứng gợi ý cho chẩn đoán HPQ [27].
Trẻ thường có tiền sử bản thân dị ứng và tiền sử gia đình bị HPQ
hoặc dị ứng.
Khám phổi thường phát hiện rale ẩm hoặc thông khí một bên phổi
giảm và những dấu hiệu này có thể mất đi hoặc thay đổi một phần khi
thay đổi tư thế hay ho.
1.1.7. Chẩn đoán hen phế quản trẻ em
1.1.7.1. Chẩn đoán hen phế quản ở trẻ em 5 tuổi và nhỏ hơn
Có thể khó chẩn đoán chắc chắn hen ở trẻ em 5 tuổi và nhỏ hơn, bởi vì
các triệu chứng hô hấp từng đợt như khò khè và ho cũng thường gặp ở trẻ
không hen, nhất là trẻ 0-2 tuổi. Hơn nữa, không thể đánh giá một cách thường
quy giới hạn luồng khí giới hạn trong nhóm tuổi này. Chẩn đoán hen ở trẻ em
5 tuổi và nhỏ hơn thường có thể dựa trên: kiểu triệu chứng khò khè, ho, khó
thở (biểu hiện điển hình bằng hạn chế vận động), và các triệu chứng về đêm
hoặc thức giấc), các yếu tố để phát sinh hen và đáp ứng điều trị đối với điều
trị với thuốc kiểm soát hen.

 Chẩn đoán HPQ ở trẻ em dưới 5 tuổi: [11], [18]
Thỏa mãn 5 tiêu chuẩn sau:
 Khò khè ± ho tái đi tái lại.
 Hội chứng tắc nghẽn đường thở: lâm sàng có rale rít, rale ngáy (± dao
động xung ký).


10
 Có đáp ứng thuốc giãn phế quản và/hoặc đáp ứng với điều trị thử (4-8
tuần) và xấu đi khi ngưng thuốc.
 Có tiền sử bản thân hay gia đình dị ứng ± có yếu tố khởi phát.
 Đã loại trừ các nguyên nhân gây khò khè khác.
1.1.7.2. Chẩn đoán hen phế quản ở trẻ em trên 5 tuổi [45]
Đặc điểm chẩn đoán

Tiêu chuẩn chẩn đoán hen phế quản

1. Bệnh sử các triệu chứng hô hấp có dao động
Khò khè, khó thở, nặng ngực và ho

 Thường nhiều hơn một triệu

Cách diễn tả có thể thay đổi giữa chứng hô hấp (ở người lớn, ho đơn
các nền văn hóa và theo tuổi, ví dụ: độc hiếm khi do hen).
trẻ em có thể được diễn tả là thở  Các triệu chứng xảy rất hay đổi
nặng.

theo thời gian và về cường độ.
 Các triệu chứng thường nặng hơn
về đêm hoặc lúc thức giấc.

 Các triệu chứng thường bị kích
phát bởi vận động, cười, dị nguyên,
khí lạnh.
 Các triệu chứng thường xuất hiện
hoặc trở nặng khi nhiễm virus.

2. Giới hạn luồng khí thở ra dao động được xác định
Dao động quá mức chức năng phổi Dao động càng lớn hoặc nhiều làn
được ghi nhận (một hoặc nhiều hơn dao động quá mức, chẩn đoán càng
các test dưới đây).

đáng tin cậy.

VÀ giới hạn luồng khí được ghi Ít nhất một lần trong quy trình chẩn
nhận.

đoán, khi FEV1 thấp, xác định rằng
FEV1/FVC giảm (bình thường trẻ
em > 0,9).


11
Tăng FEV1 > 12% dự đoán.
Hồi phục sau test giãn phế quản
dương tính (có khả năng dương tính
nhiều hơn nếu ngưng thuốc giãn phế
quản trước khi làm test: SABA ≥ 4
giờ, LABA ≥ 15 giờ) .

Dao động trung bình PEF ban ngày


Dao động quá mức trong khi đo hằng ngày > 13%.
PEF hai lần một ngày trong hai tuần

Giảm FEV1 > 12% dự đoán, hoặc

Test vận động dương tính.

PEF > 15%.
Dao động FEV1 > 12% hoặc > 15%

Chức năng phổi dao động quá mức giữa những lần khám (có thể bao
giữa những lần khám (ít tin cậy hơn) gồm nhiễm trùng hô hấp).
1.1.8. Chẩn đoán phân biệt hen phế quản
1.1.8.1. Chẩn đoán phân biệt hen phế quản ở trẻ em 5 tuổi và nhỏ hơn
Chẩn đoán xác định hen trong nhóm tuổi này là một thách thức. Đặc biệt
quan trọng ở nhóm tuổi này là xem xét và loại trừ các nguyên nhân khác, vốn có
thể dẫn đến các triệu chứng khò khè, ho, khó thở trước khi chẩn đoán hen.
 Viêm tiểu phế quản.
 Viêm mũi xoang.
 Dị vật đường thở.
 Các dị tật về giải phẫu bẩm sinh.
 Chèn ép phế quản do: u trung thất, hạch to, nang phế quản.
 Thâm nhiễm phổi tăng bạch cầu ái toan.
 Trào ngược dạ dày- thực quản hoặc hội chứng hít tái diễn, dò khí thực
quản.
 Suy giảm miễn dịch bẩm sinh [29].


12

1.1.8.2. Chẩn đoán phân biệt hen phế quản ở trẻ em trên 5 tuổi [27]
Ở trẻ em trên 5 tuổi, cần chẩn đoán phân biệt HPQ với các bệnh lý sau đây:
 Hội chứng tăng thông khí và những cơn sợ hãi.
 Tắc nghẽn đường hô hấp trên và dị vật đường thở.
 Rối loạn chức năng dây thanh.
 Các dạng bệnh phổi tắc nghẽn khác.
 Bệnh phổi không tắc nghẽn (ví dụ bệnh lí nhu mô phổi lan tỏa).
 Nguyên nhân không phải hô hấp (ví dụ suy tâm thất trái).
1.1.9. Phân loại và phân bậc hen phế quản
1.1.9.1. Phân loại theo nguyên nhân
 HPQ không dị ứng: có thể do các yếu tố sau [3]
 Yếu tố di truyền.
 Gắng sức.
 Thay đổi thời tiết, nhiệt độ, độ ẩm, biến động từ trường, áp suất
khí quyển.
 Rối loạn tâm thần nội tiết.
 Aspirin và thuốc chống viêm không corticoid.
 Cảm xúc mạnh.
 HPQ dị ứng: Có thể phân thành hai loại [3]
 HPQ dị ứng không nhiễm khuẩn
 Dị nguyên đường hô hấp (bụi nhà, bụi đường phố, bụi chăn nệm,
phấn hoa), lông súc vật (chó, mèo…), khói bếp, thuốc lá….
 Dị nguyên thức ăn: tôm, cua, cá, trứng…
 Thuốc (kháng sinh như penicillin, thuốc tẩy giun như piperazin…)
 HPQ dị ứng – nhiễm khuẩn: do các loại vi khuẩn, virus, nấm mốc.


13
1.1.9.2. Phân loại cơn hen cấp theo độ nặng
1.1.9.2.1. Phân loại mức độ nặng cơn hen cấp ở trẻ dưới 5 tuổi [11]

Nhẹ
- Tỉnh

Nặng

Trung bình
- Tỉnh

Nguy kịch

-Kích thích vật vã

- Lơ mơ

- Khó thở khi gắng -Khó thở rõ, thích - Khó thở liên tục, -Thở
sức, vẫn nằm được ngồi khi nằm
- Nói được cả câu

phải nằm đầu cao

chậm,

cơn ngừng thở

- Chỉ nói cụm từ - Nói từ từ
ngắn

-Thở nhanh,

- Thở nhanh, rút -Thở


không rút lõm

lõm lồng ngực

nhanh,

rút -Rì

lõm lồng ngực rõ

lồng ngực

rào

phế

nang

giảm

hoặc

không

nghe thấy
- SpO2 ≥ 95%

- SpO2: 92-95%


- SpO2 < 92%

-Tím tái, SpO2
< 92%

1.1.9.2.2. Phân loại mức độ nặng cơn hen cấp ở trẻ trên 5 tuổi [47]
Nhẹ/Trung bình

Nặng

Nguy kịch

-Nói từng cụm từ, thích ngồi hơn -Nói từng từ, ngồi chồm ra - Lơ mơ, lú
nằm, không kích thích

trước, kích thích

lẫn,

hoặc

-Tần số thở tăng

-Tần số thở > 30 lần/phút

ngực câm

-Không sử dụng cơ hô hấp phụ

-Sử dụng cơ hô hấp phụ


-Mạch 100-120 lần/phút

-Mạch > 120 lần/phút

-SO2 (khí trời) 90-95%

-SO2 (khí trời) < 90%

-PEF > 50% bình thường

-PEF > 50% bình thường


14
1.1.9.3. Đánh giá mức độ nặng bệnh hen
1.1.9.3.1. Đánh giá mức độ nặng bệnh hen ở trẻ dưới 5 tuổi [11]
Độ nặng
Triệu

Dai dẳng

Gián đoạn

Nhẹ

chứng ≤ 2 lần/tuần ≥

2


nhưng

ban ngày

Vừa

lần/tuần Hàng ngày

Nặng
Cả ngày

không

phải hàng ngày
Thức giấc về Không

1-2 lần/tháng

3-4 lần/tháng

> 1 lần/tuần

đêm
Dùng

thuốc < 2 lần/tuần >

2

lần/tuần Hằng ngày


cắt cơn để cải

nhưng

thiện

phải hàng ngày

triệu

không

Vài lần mỗi
ngày

chứng
Ảnh

hưởng Không

Đôi khi

Ảnh

hưởng Ảnh

hưởng

đến


hoạt

không thường thường xuyên

động

hàng

xuyên

ngày
1.1.9.3.2. Đánh giá mức độ nặng bệnh hen ở trẻ trên 5 tuổi [44]
 Gián đoạn
 Các triệu chứng ban ngày xảy ra < 1 lần/tuần
 Cơn hen cấp ngắn.
 Các triệu chứng ban đêm ≤ 2 lần/tháng.
 FEV1 hoặc PEF ≥ 80% so với lý thuyết.
 Dao động PEF hoặc FEV1 < 20%.
 Dai dẳng nhẹ
 Các triệu chứng ban ngày xảy ra > 1 lần/tuần nhưng < 1 lần/ngày.
 Các cơn hen cấp có thể ảnh hưởng đến hoạt động và giấc ngủ.


15
 Các triệu chứng ban đêm > 2 lần/tháng.
 FEV1 hoặc PEF ≥ 80% so với lý thuyết.
 Dao động PEF hoặc FEV1 < 20-30%.
 Dai dẳng vừa
 Các triệu chứng ban ngày xảy ra hằng ngày.

 Các cơn hen cấp ảnh hưởng đến hoạt động và giấc ngủ.
 Các triệu chứng ban đêm > 1 lần/tuần.
 Sử dụng thuốc đồng vận β2 tác dụng ngắn hít hằng ngày.
 FEV1 hay PEF 60-80% so với lý thuyết.
 Dao động PEF hoặc FEV1 > 30%.
 Dai dẳng nặng
 Các triệu chứng ban ngày xảy ra liên tục.
 Các cơn hen cấp xảy ra thường xuyên.
 Các triệu chứng ban đêm xảy ra thường xuyên.
 Hạn chế hoạt động thể lực.
 FEV1 hoặcPEF ≤ 60% so với lý thuyết.
 Dao động PEF hoặc FEV1 > 30%
1.2. DỊ NGUYÊN VÀ TEST DA
1.2.1. Dị nguyên
1.2.1.1. Dị nguyên ngoại sinh
Là những chất lạ chủ yếu có bản chất protein từ môi trường xâm nhập
vào cơ thể và có khả năng gây dị ứng [15].
 Dị nguyên môi trường
 Bụi nhà là hỗn hợp nhiều thành phần bao gồm: mẫu thức ăn thừa, bào tử
nấm, biểu bì (vẩy da), lông súc vật, xác côn trùng, vi khuẩn... và thành phần
quan trọng nhất là con mạt bụi nhà. Phân loại bệnh: mạt bụi nhà thuộc ngành tiết
túc (arthopode), thuộc lớp nhện (archnide), gồm nhiều họ trong đó 3 họ quan


16
trọng là Pyroglyphidae, Acaridae, Glycyphagidae. Họ Pyroglyphidae thường
chiếm khoảng 90% các loại mạt bụi nhà ở vùng ôn đới. Trong đó có 4 loài hay
gây bệnh là: Dermatophagoide pteronyssinus chiếm ưu thế vùng ôn đới (Bắc Âu,
Brazil, Tây Bắc Châu Phi), Dermatophagoide farina có nhiều ở vùng có mùa đông
khô kéo dài, Dermatophagoide microceras, Dermatophagoide euroglyphusmynei

[15]. Dị ứng mạt bụi nhà rất phổ biến và là nguyên nhân gây ra phản ứng dị ứng
như: hen, mề đay, viêm mũi [64].
 Phấn hoa: Phấn hoa thường có màu vàng, đôi khi màu tím hay màu
khác. Các hạt phấn dính liền nhau thành khối phấn như hoa lan, hoa thiên lý.
Hạt phấn có 2 nhân: nhân sinh trưởng và nhân sinh sản. Xung quanh hạt phấn
có 2 lớp màng: màng ngoài hóa catin, rắn, không thấm, tua tủa những cái như
gai mào, từng mảng có những chỗ trống gọi là lỗ nảy mầm. Kích thước của
hạt phấn thay đổi theo từng loại cây cỏ, trung bình 0,01-0,25mm. Phấn hoa
gây bệnh thường là loại hoa thụ phấn nhờ gió. Các dị nguyên phấn hoa là
nguyên nhân của nhiều hội chứng dị ứng trong mùa ra hoa, đặc biệt khi có
“mưa phấn hoa”. Đường hô hấp: viêm mũi dị ứng, hen phế quản, …mắt: viêm
kết mạc mùa xuân…[15].
 Nấm mốc: Nấm mốc bao gồm tất cả các loài vi nấm phát triển dưới hình
thức các sợi tế bào nhỏ gọi là vi nấm. Trong thiên nhiên có khoảng 8 vạn loại
nấm nhưng chỉ có hơn 1000 loại có khả năng gây dị ứng. Nấm có đính bào tử
màu sẫm có tính kháng nguyên mạnh, là nguyên nhân của nhiều phản ứng và
bệnh dị ứng như viêm mũi dị ứng, hen phế quản, dị ứng ở da…Đáng chú ý là các
nấm Penicilium, Aspergillus, Alternaria, Mucor, Rhisopus, Hermodendrum,
Candida. Bào tử nấm lẫn trong bụi đường phố, bay trong không khí quanh năm
nhưng mật độ khác nhau tùy theo từng loại nấm và từng mùa:
 Alternaria: là loại nấm rất thường gặp trong các mẫu không khí, thuộc
họ ascomycetes, thường gặp trong các đám lá mục, vỏ cây, hoặc mạt cưa hay
các vật dụng hỏng, rữa. Nấm này hay gây bệnh vào cuối mùa hè.


17
 Aspergillus: thuộc họ Ascomycetes, là loại nấm hay gặp trong các mẫu
không khí trong nhà, tồn tại trong các mẫu thức ăn hỏng, sống trong mọi điều
kiện nhiệt độ, rất phát triển khi độ ẩm cao. Nấm này hay gây bệnh phổi quá mẫn.
 Cladosporcium: Thường gặp trong các mẫu không khí ngoài nhà,

thường thấy trên các loài thực vật, thân gỗ, đống lá cây mục nát và ở phân
hữu cơ [15].
 Dị nguyên động vật: Các dị nguyên vật nuôi trong nhà được tách từ
phân, nước tiểu và vảy da của chúng [15].
 Dị nguyên từ lông mèo: protein dị nguyên chính là Fel d1 được tìm
thấy từ da, các chất tiết và nước tiểu, không có trong phân.
 Dị nguyên từ lông chó: hai loại protein dị nguyên quan trọng là Can
f1và Can f2 được chiết xuất từ lông và vảy da chó. Đặc điểm từ chó cũng
giống như mèo.
 Dị nguyên từ các loài gậm nhấm: tình trạng dị ứng với dị nguyên của
các loài gậm nhấm đã được biết đến từ rất lâu sau khi tiếp xúc với nước tiểu
của chúng [15].
 Dị nguyên gián: Ở một số nơi và một số dân tộc, sự nhạy cảm với dị
nguyên gián là nguyên nhân chung như sự nhạy cảm với bụi nhà, đặc biệt là
loại gián sống ở vùng khí hậu nhiệt đới [15]. Các nghiên cứu trong thời gian
gần đây chỉ ra rằng gián là một nguyên nhân quan trọng gây nên tình trạng dị
ứng. Những loài gián gây dị ứng hay gặp là : Periplaneta American (Mỹ),
Blatella Germanica (Đức), B.orientalis (Châu Á), P.autralasiae (Úc) [15]. Khi
gián chết cơ thể sẽ bị phân tách ra và tạo thành những hạt bụi nhỏ đó chính là
nguyên nhân gây nên dị ứng và các triệu chứng HPQ.
 Dị nguyên tiêu hóa: Dị ứng thức ăn là một phản ứng bất thường đối
với tác nhân gây ra bởi hệ thống miễn dịch của cơ thể. Các phản ứng dị ứng
đối với thức ăn có thể gây ra tử vong hay một số bệnh lý trầm trọng.


18
 Dị nguyên có nguồn gốc động vật: tôm, cua, cá, ốc, hến,…thịt gà, thịt
bò,…trứng gà, trứng vịt,… Các loại trứng gà, vịt, ngan có những kháng
nguyên chung. Hoạt chất của trứng là lòng trắng, ovomucoid trong lòng đỏ.
Sữa bò có nhiều thành phần khác nhau như β-lactoglobulin, α-lactoglobulin,

casein (α, β, δ), trong đó δ-lactoglobulin có tính kháng nguyên mạnh [15].
 Dị nguyên có nguồn gốc thực vật: các loại nấm ăn, họ lúa (bột mì, bột
gạo, khoai…), dầu các loại cây công nghiệp (dừa, lạc, hạnh nhân…), nhiều
rau quả…[15].
1.2.1.2. Dị nguyên nội sinh
Dị nguyên nội sinh là những dị nguyên hình thành ngay trong cơ thể.
Protein của cơ thể trong những điều kiện nhất định sẽ trở thành protein lạ đối
với cơ thể và có đầy đủ các đặc điểm của dị nguyên [15].
 Dị nguyên nội sinh tiên phát: là những tế bào và tố chức bình thường ở
những vị trí rất kín đáo, không có sự tiếp xúc với máu và hệ thống lympho
bào. Trong những điều kiện bệnh lý các tế bào và tố chức này đi vào máu, gặp
tế bào lympho lần đầu, trở thành tự dị nguyên.
 Dị nguyên nội sinh thứ phát [15]
 Dị nguyên nội sinh không nhiễm trùng: là những sản phẩm biến chất
của protein và tổ chức do tác động của nóng, lạnh, acid, base…
 Dị nguyên nội sinh nhiễm trùng: do sự kết hợp giữa tế bào và vi khuẩn
hay độc tố của chúng…dẫn đến hình thành những dị nguyên có phản ứng
chéo đối với tổ chức của bản thân cơ thể, hậu quả là phát sinh bệnh tự miễn.
1.2.2. Test da
 Nguyên lý: Là phương thức chủ yếu để làm giải phóng IgE ngay lập
tức [36]. Khi dị nguyên đặc hiệu được lẫy vào da, dị nguyên sẽ kết hợp với
kháng thể IgE trên bề mặt dưỡng bào ở tổ chức dưới da. Sự kết hợp này làm
dưỡng bào bị phân hủy, giải phóng ra một số hóa chất trung gian như
histamine, serotonin, chất tác dụng chậm của của phản vệ SRSA (Slow


19
Reacting Substance of Anaphylaxis)… gây phù nề, xung huyết, ban đỏ, sẩn
ngứa nơi thử test. Dựa vào mức độ sẩn và ban đỏ để đánh giá kết quả phản
ứng [58] .

 Chống chỉ định: [37]
 Tổn thương da lan rộng.
 Bệnh nhân bị bệnh da liễu nặng.
 Đang trong cơn dị ứng cấp tính.
 Sử dụng thuốc kháng histamine hoặc các thuốc khác có liên quan.
 Bệnh nhân có cơn hen phế quản nặng.
 Người bệnh có thai.
 Trẻ sơ sinh
 Người bệnh sử dụng thuốc ức chế beta,…
 Những yếu tố ảnh hưởng đến độ chính xác của kết quả: [37]
 Chất lượng dị nguyên (thời hạn, kỹ thuật bào chế, bảo quản).
 Kỹ thuật chính xác (không gây chảy máu, lẫy một hay nhiều lần…).
 Tuổi người được làm test (người cao tuổi đáp ứng bì giảm…)
 Một số thuốc làm ảnh hưởng đến độ chính xác của test: kháng
histamine, dopamine, thuốc chống trầm cảm,…
 Chú ý khi sử dụng các test da:
 Đối với những bệnh nhân hen phế quản có tiền sử dị ứng thì chỉ nên
thử 5-10 dị nguyên/lần thử và chỉ làm trên bề mặt một cánh tay, các dị nguyên
thử nên sử dụng với nhiều loại khác nhau, không nên sử dụng cùng một loại
dị nguyên [37].
 Đối với bệnh nhân: hướng dẫn để bệnh nhân hay người nhà có thể
nhân biết các triệu chứng của phản ứng phụ khi thử test, khuyến cáo bệnh
nhân nên đến ngay cơ sở y tế gần nhất nếu như phát hiện các triệu chứng của
phản ứng phụ sau khi về nhà.


20
 Chú ý về sử dụng thuốc: ngưng sử dụng trước khi làm test da, thuốc
kháng histamine nên ngừng dùng ít nhất 5 ngày, thuốc chống trầm cảm nên
ngưng dùng ít nhất 7 ngày [58].

 Đọc kết quả test da [58]
 Âm tính: không có sẩn hoặc có nhưng đường kính của nó nhỏ hơn sẩn
chứng âm tính. Và: không có ban đỏ hoặc đường kính nó nhỏ hơn ban đỏ
chứng âm tính.
 Dương tính mức độ 1+: có hay không có sẩn. Nếu có, đường kính của
nó phải bằng hay lớn hơn sẩn chứng âm tính. Và: đường kính ban đỏ phải lớn
hơn ban đỏ của chứng âm tính.
 Dương tính mức độ 2+: đường kính sẩn 5-7 mm và đường kính ban đỏ
> 10 mm.
 Dương tính mức độ 3+: đường kính sẩn 7-10 mm và đường kính ban
đỏ > 20 mm. Có thể có chân giả nhỏ và ngứa.
 Dương tính mức độ 4+: bất kỳ một phản ứng nào có đường kính sẩn
> 10 mm hoặc có chân giả rõ ràng. Và: đường kính ban đỏ có thể lớn hay
không lớn hơn 20 mm.
 Chú ý khi đọc kết quả: [58]
 Các bệnh nhân khác nhau có thể có sự phản ứng khác nhau với các
chất kích thích hóa học hay cơ học tác động lên trên da, nên việc sử dụng
chứng âm và chứng dương là một điều rất cần thiết trong khi làm test. Ngoài
ra, một chứng âm là rất cần thiết để đảm bảo rằng bệnh nhân không bị bệnh
về da mà phản ứng của test da đó đơn thuần là do sự nhạy cảm của cơ thể
bệnh nhân đối với các dị nguyên thử test. Và chứng dương là cần thiết để
chứng minh có sự phản ứng của cơ thể đối với histamine biểu hiện bằng các
triệu chứng trên da, loại trừ trường hợp âm tính giả do việc sử dụng thuốc hay
hóa chất khác.


×