Tải bản đầy đủ (.docx) (9 trang)

ĐỘNG và TĨNH TRONG cấu TRÚC TRUYỆN NGẮN JAMES JOYCE

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (93.89 KB, 9 trang )

ĐỘNG VÀ TĨNH TRONG CẤU TRÚC TRUYỆN NGẮN
JAMES JOYCE
Thứ năm, 04 Tháng 8 2011 23:46 Quản trị viên

LÊ TỪ
HIỂN - LÊ MINH KHA

1. Khi nghiên cứu về Ngữ pháp của truyện kể : Truyện Mười ngày, Tzvetan Todorov đã
hết sức lưu ý đến cấu trúc tình tiết trong một truyện kể . Theo ông, "các đoạn trong một
truyện kể sẽ có hai kiểu: những đoạn tả một trạng thái (cân bằng hay mất cân bằng) và
những đoạn tả bước chuyển từ một trạng thái này sang một trạng thái khác. Kiểu thứ nhất
tương đối tĩnh và có thể nói là lặp đi lặp lại: cùng một loại hành động có thể lặp lại vô
cùng vô tận. Kiểu thứ hai, bù lại, sẽ có tính chất động và về nguyên tắc, chỉ diễn ra một
lần mà thôi"(1).
Có thể nói, mối quan hệ tương liên - hoán chuyển giữa các thành phần động và tĩnh, lặp
lại và không lặp lại sẽ góp phần tạo nên nhịp điệu và cấu trúc trần thuật cho tác phẩm tự
sự. Đó là sự hòa kết giữa trạng thái và bước chuyển để cùng dựng xây một chỉnh thể nghệ
thuật sống động.
Với James Joyce (1882 – 1941) – nhà văn người Ireland, bậc thầy của kỹ thuật dòng ý
thức, việc sử dụng, phối hợp các thành phần động và tĩnh trong cấu trúc tác phẩm, là điều
luôn khiến ông dụng công, để "chỉ xuất bản không gì ngoài những kiệt tác" (2). 15 truyện


ngắn của James Joyce, tập hợp trong Người Dublin (Dubliners), giản dị như những bài
thơ bằng văn xuôi. Tuy không nặng yếu tố tự thuật như Chân dung một nghệ sĩ thời trẻ
(A Portrait of the Artist as a Young Man), không miên man trôi chảy tâm tư như Ulysses,
trò chơi ngôn ngữ cũng không đẩy đến cực đoan như Finnegans Wake... nhưng các truyện
ngắn của Joyce luôn hấp dẫn trong mối quan hệ động và tĩnh, trong kiểu cấu trúc nội tại
đặc trưng. Qua đó, giúp ta cảm nhận tài năng nghệ thuật cũng như chiều sâu quan niệm,
tư tưởng của người nghệ sĩ.
2. Đối với tác phẩm tự sự, các thành phần động thường được hiện lên qua các biến cố,


các sự kiện bước ngoặt có ý nghĩa đối với tâm tư, số phận của nhân vật và của cả thiên
truyện. Các thành phần tĩnh náu mình trong những đoạn miêu tả, giới thiệu, phân tích tâm
trạng nhân vật, các đoạn độc thoại – đối thoại, trữ tình ngoại đề... Cấu trúc tình tiết trong
tác phẩm bao giờ cũng là sự đan xen giữa các thành phần, tạo mạch liên kết, biến chuyển
của cốt truyện, tiến trình trần thuật.
Trong truyện ngắn của James Joyce, mối quan hệ giữa các thành phần động và tĩnh, gắn
liền với hai thuật ngữ do chính ông đặt ra (khi nói về tập truyện Người Dublin), đấy cũng
là hai chủ đề chính, hai tính chất văn chương tiêu biểu trong tác phẩm: paralysis (sự tê
liệt) và epiphany (sự bừng ngộ). Đó là hai trạng thái tâm hồn của nhân vật trong các
truyện ngắn, nhưng đồng thời, cũng là điểm tựa cho việc cấu trúc, tạo dựng mô hình tác
phẩm. Động và tĩnh, trạng thái tê liệt và sự bừng ngộ hòa điệu, góp phần hình thành kiểu
cấu trúc truyện ngắn của Joyce.
2.1. Bức tranh thế giới được tái hiện trong các truyện ngắn của James Joyce thuộc về một
Dublin với đủ hạng người. Đấy là một thế giới tràn ngập sắc màu với nhiều giai tầng, vị
trí, nghề nghiệp khác nhau. Họ có thể là vị linh mục, nhân viên ngân hàng, người vận
động bầu cử, giáo viên, nhạc công hay người chủ quán trọ... Nhưng đúng như nhận xét
của Eric Bulson, điểm chung của hầu hết nhân vật trong Người Dublin là "dường như họ
bị mắc kẹt trong tấm lưới vô tận của nỗi tuyệt vọng. Thậm chí, khi họ muốn thoát ra,
những người Dublin của Joyce cũng không thể nào làm được" (3).


Trong một bức thư gửi cho Grant Richards - ông chủ nhà xuất bản người Anh, James
Joyce giải thích việc ông lựa chọn Dublin làm bối cảnh cho các truyện ngắn của mình:
"Tôi chọn Dublin làm địa điểm, vì thành phố ấy, với tôi, dường như là trung tâm của sự tê
liệt"(4). Trạng thái tê liệt (paralysis) là chủ đề, đồng thời, là kiểu hình nội tâm nhân vật
xuyên suốt qua các truyện ngắn, nó trở thành từ khóa để chiếm lĩnh, giải mã thế giới nghệ
thuật của Người Dublin. Theo William York Tindall, "sự tê liệt của Người Dublin thuộc
về đạo đức, trí tuệ và tinh thần"(5). Và có lẽ, chính trạng thái tê liệt ấy đã kiến tạo nên
thành phần tĩnh – những trang viết về thế giới nội tâm phức tạp, đầy uẩn khúc của nhân
vật.

Có thể nhận thấy sự tê liệt đó ngay từ những truyện ngắn đầu tiên. Chủ đề sự tê liệt đã
được đề cập qua cái chết của cha James Flynn (Chị em), qua trạng thái xúc cảm của cậu
bé giữa hội chợ từ thiện (Araby), của Eveline trên bến tàu (Eveline), và bàng bạc trong
nhiều tác phẩm khác ... Thiên truyện Eveline đẹp và buồn như một hơi thở nhẹ. Truyện
mở ra bằng hình ảnh Eveline ngồi bên cửa sổ, "ngắm bóng tối lấn dần trên đại lộ" (6). Cô
nghĩ về tuổi thơ, về ngôi nhà của mình, rồi việc sẽ cùng Frank – người cô yêu trốn sang
Buenos Aires. Eveline băn khoăn, không biết việc rời xa gia đình và quê hương có phải là
lựa chọn đúng đắn. Khoảnh khắc trên bến tàu, giữa đám đông đang chen lấn, xô đẩy, cô
thay đổi quyết định, để Frank ra đi một mình. Cô ở lại, giữ lời hứa chăm lo cho gia đình
với người mẹ đã khuất. Giữa bến tàu, "ánh mắt cô dành cho anh không có chút biểu hiện
nào của tình yêu hay lời tiễn biệt, hay sự nhận ra"(7).
Những khoảnh khắc tâm trạng góp phần làm nên cái tĩnh tại của hành động truyện. Vì lẽ
tập trung vào thế giới nội tâm, đặc biệt là trạng thái tê liệt của nhân vật, nên truyện ngắn
của James Joyce thiên về "kiểu hành động được chỉ ra ở những vận động bên trong" (8).
Việc xem nhẹ biến cố bên ngoài khiến truyện ngắn của Joyce thường "không hề có điểm
kịch tính"(9). Điều đó tạo nên nét riêng trong việc tạo lập cấu trúc cốt truyện cho Người
Dublin: kiểu cốt truyện hướng về bản thể, xem cái "tiểu vũ trụ" mênh mông của hồn
người là đối tượng cho mọi suy tư, chiêm ngắm.


Ngay cả phần kết các truyện cũng biểu hiện cho trạng thái tĩnh tại, với sự lặng im của hồn
người. Hàng loạt các truyện ngắn của Joyce được khép lại trong màn đêm hoặc sự im
lặng. Truyện Araby khép lại khi "nhìn vào bóng tối, tôi thấy tôi như một tạo vật bị phù
hoa dẫn dắt và chế nhạo; rồi đôi mắt tôi bừng lên giận dữ và đau khổ" (10). Trong Một
trường hợp đau lòng, sau cái chết của bà Sinico, tâm hồn ông James Duffy sống lại
những cảm xúc ngày xưa và nỗi âu lo hiện tại. Phần cuối truyện, khi màn đêm buông
xuống: "Ông lắng nghe lần nữa: yên tĩnh tuyệt đối. Ông cảm thấy mình thật cô đơn"... (11).
Tuy nhiên, đấy là những cái kết mở, nên cái tĩnh lại khơi nguồn cho cái động, mở ra trong
tâm trí người đọc biết bao nhiêu điều. Nhìn kỹ, các truyện ngắn trong Người Dublin đều
kết thúc dở dang, lưng chừng, dành nhiều khoảng trống cho sự liên tưởng của người đọc.

Truyện Chị em kể về những suy tư của một cậu bé trước cái chết của cha James Flynn.
Cùng với dì, cậu đi đến ngôi nhà tang, nhìn vào xác chết trong quan tài và nói chuyện với
những người chị em của linh mục. Những người phụ nữ ấy trao đổi về sự ra đi của cha
James Flynn và thái độ khác thường của ông trong thời gian gần đây. Truyện mở đầu
bằng cái chết của cha James Flynn và kết thúc bằng một giả định: "... Rồi sau đó, tất
nhiên, khi họ nhìn thấy thế, điều này khiến họ nghĩ rằng có điều gì không ổn với ông
ấy..."(12). Dấu ba chấm khép lại câu chuyện bỏ lửng, nhà nghiên cứu Garry Leonard có nói
vui: Lần đầu đọc truyện Chị em, ông nghĩ rằng bản in Người Dublin mình đang cầm trên
tay "có điều gì đó không bình thường" (13). Vì truyện ngắn kết thúc lưng chừng và tạo cảm
giác mơ hồ. Có điều gì không ổn với cha James Flynn? Tại sao ông lại ngồi một mình
trong phòng xưng tội? Ông già Cotter muốn nói điều gì? Cậu bé trong truyện căng óc để
tìm hiểu những câu nói dở dang đó. Và người đọc, đến lượt mình, phải tìm cách giải mã
tác phẩm từ những khoảng trống, những điều ngập ngừng, chưa nói hết.
Thành phần tĩnh trong truyện ngắn James Joyce có thể được tìm thấy trong những mô tả
của ông về các con phố, đại lộ, hàng quán... của một Dublin "'thân thương, bẩn thỉu",
những đối thoại đơn điệu, nhàm chán giữa các nhân vật. Nhưng không đâu tập trung bằng
nhịp sống quẩn quanh, bế tắc và sự tê liệt của hồn người Dublin, qua những dòng phân
tích nội tâm. Giọng điệu của nhà văn khách quan, lạnh lùng khi dựng xây Dublin như


trung tâm của sự tê liệt. Đó vừa là chủ đề, vừa là tiền đề cho thành phần tĩnh – những
trang miêu tả nội tâm xuất sắc của James Joyce trong các thiên truyện. Một Doran sám
hối trong ý thức tội lỗi (Nhà trọ), một James Duffy trầm lắng khi đối diện với cái hư vô
của kiếp người (Một trường hợp đau lòng), hay anh chàng Gabriel ở truyện Người chết,
sau những giọt nước mắt thức nhận về cuộc đời và chính bản thân anh, "hồn anh lắng dần
khi anh nghe tuyết rơi nhẹ khắp vũ trụ và khẽ rơi mãi, như thể sự rơi xuống cho kết thúc
cuối cùng của chúng, lên tất cả người sống lẫn người chết"(14)...
2.2. Bên một thế giới tù túng, ngột ngạt của trạng thái tê liệt tinh thần, có một thế giới của
những bừng ngộ. Bên những thành phần tĩnh diễn tả trạng thái có thành phần động gắn
liền với bước chuyển nội tâm. Có thể xem Người Dublin – tập truyện ngắn của James

Joyce là cuốn sách của sự bừng ngộ (epiphany). Hẳn vì thế, nên trong những công trình
nghiên cứu về Người Dublin, các nhà nghiên cứu rất quan tâm đến thuật ngữ "bừng ngộ".
Vì đây là thuật ngữ do chính Joyce sử dụng để nói về lối viết của mình trong những áng
văn xuôi thời kỳ đầu. Theo George O'Brien, bừng ngộ là trạng thái "bóc trần cái ẩn giấu,
dù nó cao quý hay tẻ nhạt"(15). Còn William York Tindall lại cho rằng, bừng ngộ là "sự
biểu lộ tinh thần trong khoảnh khắc"(16).
Dù có thể diễn đạt theo nhiều cách, nhưng chung quy lại, sự bừng ngộ luôn gắn liền với
nhận thức tự thân của nhân vật. Đó là một nhận thức đạt đến chiều sâu và diễn ra trong
khoảnh khắc. Song, đó là cái khoảnh khắc quan trọng, quý giá, cái khoảnh khắc biến
chuyển gợi lên biết bao nhiêu điều, góp phần dựng xây "kết cấu vẫy gọi" cho tác phẩm.
Giữa một Dublin vô vị, nhạt nhẽo, xã hội đầy những định kiến giả dối, các nhân vật trong
tập truyện nhận thức rõ bản chất của nó. Truyện Người chết dựng nên một bữa tiệc
thường niên với bao trò rởm đời. Bữa tiệc ấy là hình bóng xã hội Ireland thu nhỏ. Mang
tâm hồn nhạy cảm, tinh tế, Gabriel cảm nhận được tất cả cái nhốn nháo, nhặng xị của nó.
Lòng anh khao khát vượt thoát khỏi nơi đây, để kiếm tìm một cuộc sống khác. Cũng nhận
thức về đời, nhưng đối với Jimmy trong truyện Sau cuộc đua, đời là một canh bạc mà anh
luôn nhận phần thất bại. Sau ván bài với những người ngoại quốc, "anh biết anh sẽ hối


hận vào sáng mai, nhưng hiện giờ, anh sung sướng nghỉ ngơi, sung sướng trong trạng thái
u mê, che khuất sự điên cuồng của anh. Anh chống khuỷu tay lên bàn và lấy tay ôm đầu,
đếm những nhịp đập trên thái dương. Cửa cabin mở ra và anh thấy người bạn Hungary
đang đứng trong tia sáng mờ :
- Trời sáng rồi, thưa các ngài !"(17)
Không chỉ Gabriel, Jimmy bừng ngộ, các truyện ngắn của Joyce còn tạo dựng bóng hình
của bao nhân vật khác, trong khoảnh khắc tâm hồn được soi sáng, như cậu bé trong
truyện Araby, rồi Eveline, Little Chandler, Farrington... Nếu nhân vật xưng tôi trong
truyện Chị em bừng ngộ về bản chất của tôn giáo và nhà thờ, sau cái chết của cha Flynn,
thì cậu bé trong Araby lại nhận chân được tính hư ảo, phù phiếm của cuộc đời, cô gái
Eveline ý thức về sự bất lực của bản thân và hiểu rằng: chẳng có nơi chốn nào để cô quên

đi nỗi đau và kiếm tìm hạnh phúc...
Nhìn chung, sự bừng ngộ của nhân vật thường diễn ra trên hai phương diện: nhận thức về
đời và ý thức về mình. Trong đó, ý thức về mình là vấn đề cốt lõi. Ý thức về mình gắn
liền với sự bừng tỉnh của cái tôi – cái tôi như một cá thể tự do, hiện sinh, không nô lệ.
Chúng ta thấy, nhân vật Little Chandler trong Đám mây nhỏ, sau cuộc gặp với Gallaher,
đã bừng ngộ về những khát vọng của mình, anh dự định sẽ rời nhà để thực hiện mơ ước.
Anh chàng Gabriel, sau khi nghe câu chuyện tình của Gretta, sống dậy ý thức về thân
phận. Anh biết nỗi thống khổ của mình, trái tim anh chưa khi nào có được tình yêu thật
sự: "Anh nghĩ về cô, người nằm cạnh anh, làm thế nào khóa kín trong tim mình suốt bao
năm hình ảnh đôi mắt của người tình, khi anh ta nói với cô rằng anh ra không muốn sống
nữa. Nước mắt đẫm tràn đôi mắt Gabriel. Chính anh chưa từng cảm nhận như thế đối với
bất kỳ người phụ nữ nào, nhưng anh biết rằng, cảm giác như thế chính là tình yêu" (18).
Bừng ngộ là một khoảnh khắc, nhưng đã được chuyển hóa thành vĩnh hằng trong truyện
ngắn của James Joyce. Những thành phần động dựng xây mô hình, cấu trúc trần thuật của
truyện ngắn. Sự bừng ngộ ấy không chỉ tồn tại trong nhận thức của nhân vật mà còn là sự


bừng ngộ của cái tôi tác giả. Hơn thế nữa, đó cũng là sự bừng ngộ trong tâm hồn người
đọc. Trạng thái bừng ngộ, do đó, trở thành cây cầu nối kết giữa tác giả - tác phẩm – người
đọc. Có thể đồng ý với Garry Leonard khi ông cho rằng: " Sự bừng ngộ sâu sắc nhất
không diễn ra trong những truyện ngắn chúng ta đọc ở Người Dublin, mà ngay trong bản
thân ta – những người đọc tác phẩm"(19).
2.3. Như vậy, đâu là mối quan hệ, sự biến chuyển giữa các thành phần động và tĩnh trong
truyện ngắn James Joyce ?
Có thể nhìn thấy tương quan ấy khi khảo sát các truyện ngắn. Trạng thái tê liệt của hồn
người bàng bạc xuyên suốt các tác phẩm; Eveline, Farrington, Jimmy, Gabriel... là những
hiện thân cho kiếp sống mòn, mở và khép các thiên truyện trong tâm trạng bơ vơ, lạc
lõng, cô liêu. Sự bừng ngộ của nhân vật bao giờ cũng diễn ra ở phần cuối tác phẩm,
nhưng sự bừng ngộ ấy không đưa đến giải thoát, không làm cho vơi niềm đau. Trái lại,
khoảnh khắc bừng ngộ khiến cho tâm hồn nhân vật thêm đau đáu, xót xa. Nó như một

que diêm, sáng bừng trong khoảnh khắc, trước khi màn đêm trở lại. Đúng như nhận xét
của Kim Allen Gleed, "tất cả các nhân vật chính trong Người Dublin đều trải nghiệm sự
bừng ngộ, nhưng trái với điều ta có thể đợi chờ, những lóe sáng không đem đến cho họ sự
mãn nguyện, ngược lại càng khiến họ thất vọng và lo âu"(20).
Cái động làm nổi bật cái tĩnh, khắc sâu thêm trạng thái quẩn quanh, bế tắc của kiếp
người. Cấu trúc luân phiên tĩnh – động – tĩnh tưởng chừng nương theo mô hình của một
truyện kể lý tưởng, "bắt đầu bằng một tình thế ổn định mà một sức mạnh nào đó sẽ làm
biến loạn. Điều này đưa tới một tình trạng mất cân bằng; nhờ tác động của một sức mạnh
theo chiều hướng ngược lại, sự cân bằng được tái lập; sự cân bằng thứ hai giống như sự
cân bằng đầu tiên nhưng hai trạng thái không bao giờ đồng nhất" (21). Tuy nhiên, với
truyện ngắn của James Joyce, cái tĩnh sau thời khắc động luôn bỏ ngỏ. Nhân vật bừng
ngộ và tác phẩm dường như dừng ngay ở đó, nhà văn không nói gì thêm. Cuộc sống của
các nhân vật tiếp diễn ra sao, số phận của họ như thế nào, người đọc phải tự viết tiếp.


Đấy là phẩm tính hiện đại của truyện ngắn James Joyce, trong tính lưỡng phân, ngập
ngừng, trong cái "hiền minh của sự lưỡng lự" như Milan Kundera đã từng đề cập.
3. Và như thế, tương liên giữa tĩnh và động, trạng thái tê liệt và sự bừng ngộ, không
những góp phần kiến tạo mạch truyện, cấu trúc tác phẩm mà còn khắc họa bức chân dung
tinh thần của nhân vật, của tác giả, của con người đầu thế kỷ XX nói chung. Đấy là kiểu
nhân vật nước đôi giữa một thế giới vắng bóng hình Thượng đế, nơi "Chúa đã chết" và
con người cô liêu giữa những phân thân, chọn lựa. Song, dường như có một lực đẩy từ
bên ngoài, lẫn lực hút tự bên trong khiến các nhân vật của Joyce luôn mãi ngập ngừng
trước cảnh cửa của hai thế giới : thế giới động và thế giới tĩnh tại, thế giới tự do và thế
giới tù hãm. Khổ đau trước thế giới tù hãm nhưng không thể vượt thoát, mơ ước đến thế
giới tự do nhưng không đủ sức sang. Phải chăng, đó là thân phận chung của những kiếp
người Trước cửa pháp luật, như hình ảnh trong một truyện ngắn của Franz Kafka (1883 –
1924)...
Các thành phần tĩnh và động trong truyện ngắn của James Joyce còn góp phần khắc họa
dòng chảy của thời gian, nhịp điệu của cuộc đời. Chủ âm trong các truyện ngắn là giai

điệu trầm, buồn; những biến âm xuất hiện và trôi đi rất nhanh, để lại bao khoảng lặng,
lắng sâu trong trái tim người đọc. Các truyện ngắn làm nổi rõ một Dublin tù đọng, cũng
như cảm nhận của nhà nghệ sĩ trước xã hội đương thời, như chính lời James Joyce thú
nhận "Không có cuộc sống ở đây – không có sự tự nhiên và tính chân thật. Người sống
với nhau trong cùng một mái nhà suốt cả cuộc đời, và cho đến phút cuối, họ vẫn cứ cách
xa nhau như trước"(22). Tuy nhiên, cần thấy rằng, tâm hồn của Joyce chưa bao giờ nguội
lạnh trước cuộc đời. Viết về những cái xấu, những cái tầm thường của Dublin và người
Dublin chính là cách James Joyce thức tỉnh mọi người. Thông qua các truyện ngắn, đặc
biệt là phần kết, ông muốn trao cho họ "cái nhìn xác thực về bản thân họ" (good look at
themselves) trong "chiếc gương soi sáng bóng" (nicely polished looking-glass). Cách ông
kết thúc truyện trong nỗi buồn, trong sự tuyệt vọng phản chiếu cái nhìn của ông về cuộc
sống. Nhưng đó là một kết thúc mở, câu chuyện vẫn còn tiếp diễn, và người ta có quyền
lựa chọn để sống tốt hơn khi ngắm mình trong các truyện ngắn của Joyce.


Như vậy, mối quan hệ giữa các thành phần động và tĩnh trong cấu trúc truyện ngắn của
James Joyce cho ta thấy tài năng nghệ thuật và chiều sâu tư tưởng của người nghệ sĩ.
Không bất ngờ trong cái kết đảo như truyện ngắn O.Henry, không ẩn sâu để rồi lóe sáng
huyền thoại như truyện của Kafka, không kiệm lời mà dồn nén trong lối viết "điện tín"
kiểu Hemingway... truyện ngắn của James Joyce bình dị như những khoảnh khắc thoáng
qua của cuộc đời, mà mỗi lần nhìn, lại càng thấy mới.



×