Tải bản đầy đủ (.docx) (4 trang)

BẠCH cư dị

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (62.75 KB, 4 trang )

BẠCH CƯ DỊ - ĐỈNH CAO VĂN CHƯƠNG CỔ TRUNG HOA

Đời nhà Đường ở Trung Quốc kéo dài từ năm 618 đến năm 907. Đó là một thời kỳ
mặc dù vẫn phải trải qua chinh chiến liên miên, nhưng kinh tế đã có nhiều mặt
phồn thịnh. Đó cũng là mấy trăm năm sức mạnh của nông dân được phát khởi
mạnh mẽ và mâu thuẫn giữa nông dân với các tầng lớp phong kiến quý tộc được
bộc lộ sâu sắc. Những tiền đề kinh tế - chính trị ấy đã khiến cho thượng tầng kiến
trúc xã hội được phát triển rực rỡ.
Riêng ở lĩnh vực văn chương, thời nhà Đường đã đóng góp cho Trung Hoa và nhân
loại các trường phái, phong cách thật đặc sắc, mà nổi bật từ đó là những thiên tài như
Đỗ Phủ, Lý Bạch, Bạch Cư Dị, Vương Duy… và những tác gia lừng danh khác như:
Vương Tích, Trần Tử Ngang, Cao Thích, Sầm Tham, Mạnh Hạo Nhiên…
Bạch Cư Dị tự là Lạc Thiện. Ông sinh năm 772 trong một gia đình quan lại nhỏ ở huyện
Tân Trịnh, tỉnh Hà Nam.
Vào các năm 784 - 786, do loạn lạc, gia đình ông chuyển về vùng Việt Trung thuộc tỉnh
Chiết Giang. Việc phải chứng kiến những nỗi oan khổ điêu đứng mà dân lành phải chịu
ngay từ thời niên thiếu đã ghi một dấu ấn, tạo ra một ảnh hưởng lớn trong cuộc đời và
trong sáng tác của nhà thơ.
Không biết vì ly loạn hay vì gia cảnh mà so với bạn bè đương thời, Bạch Cư Dị đỗ đạt
hơi muộn. Mãi tới năm 30 tuổi, tức là năm 802, dưới triều Đường Đức Tông, ông mới
đỗ tiến sĩ. Từ đó, ông bước vào chính trường, trải qua nhiều chức bậc ở triều đình và ở
cả các vùng xa ngái, lên đến hàng đại phu.
Nhưng Bạch Cư Dị không phải là một ông quan được đồng liêu sủng ái, phần lớn là vì
ông từng dâng sớ tâu với vua xin thay đổi chính sự, có lúc, lại chỉ trích cả sai lầm của
vua Đường Hiếu Tông. Những hành động quả cảm ấy của ông đã khiến vua nổi giận,
"bọn nắm quyền hành phải co tay", "bọn võ quan phải nghiến răng".


Năm 815, tể tướng của triều đình là Vũ Nguyên Hành bị viên tiết độ sứ Bình Lư là Lý
Sư Đạo lập mưu giết chết, Bạch Cư Dị lại dâng sớ "xin mau mau bắt giặc, rửa nhục cho
nước". Bọn gian thần không nghe, mà còn cắt chức của ông, đưa ông đi làm tư mã ở


Giang Châu.
Năm 820, dưới triều Đường Mục Tông, Bạch Cư Dị được triệu về Trường An, những
tưởng từ đây xuôi chèo mát mái, ai ngờ, thấy cảnh quan tướng xâu xé quyền lực, vua
thì say mê tửu sắc, ông dâng sớ xin chấn chỉnh công việc ba trấn ở Hà Bắc, không
được vua chấp nhận, ông tự ý rời kinh đô. Ít lâu sau ông được cử làm thái thú ở Hàng
Châu. Khác với lần ở Giang Châu, vì buồn chán, Bạch Cư Dị dựng nhà tranh bên chùa
Đông Lâm dưới núi Hương Lô để tu Tiên học Phật, lần này, tại Hàng Châu, trước cảnh
dân tình khổ sở, vua quan tệ bạc, ông lại hối thúc quân lính đắp đê ngăn lũ, làm đường
xá đi lại, và đưa nước hồ Tiền Đường về tưới cho hàng ngàn mẫu ruộng của dân.
Nhờ có tư tưởng thân dân, có việc làm cụ thể giúp dân ở những nơi mình trấn nhậm,
nên Bạch Cư Dị dẫu có bị vua không yêu, bọn quan lại không thích, nhưng muôn dân
lại quý trọng, biết ơn, chả thế mà thơ ông làm ra, đâu đâu từ Trường An đến Giang Tây
ba bốn ngàn dặm, phàm là trường học, chùa chiền, quán trọ, đò sông… từ kẻ sĩ đến
thứ dân, từ tăng ni đến thiếu nữ, thiếu phụ ai ai cũng ngâm vịnh. Nhà thơ Nguyên Chẩn
cùng thời từng cảm kích ghi nhận thơ Bạch Cư Dị là "Từ xưa đến nay, chưa ai có thơ
được lưu truyền như thế".
Tìm đọc sáng tác và lý luận thơ ca của Bạch Cư Dị, người đời sau cũng có thể cắt
nghĩa, lý giải thêm được sức sống của thơ ông, đó là:
1. Thơ Bạch Cư Dị luôn luôn hướng tới một mục tiêu cụ thể, là phơi bày thực trạng xã
hội, nhất là ở phần oan khổ lưu li của dân lành, để cho vua và quan lại biết, mà tu sửa
mình, mà thay đổi chính sự. Đương nhiên, đó là tiếng thơ nói cho nỗi lòng của bách
tính trong cảnh nhiễu nhương. Chẳng hạn đây là cảnh nam nhân phải đi lính:
Xóm bắc thôn nam khóc não nề
Lìa cha lìa mẹ biệt thê nhi
Rằng hai lần dẹp quân man rợ
Nghìn vạn người đi chẳng một về
hoặc đây là tiếng kêu ai oán cho thân phận người phụ nữ:
Sinh ra chớ làm thân con gái
Sướng khổ trong đời phó mặc người
Quán triệt tư tưởng kêu oan cho dân và trách cứ, phê phán triều đình, vua quan sống

xa xỉ, áp bức, cướp bóc của dân, Bạch Cư Dị đã viết nên tác phẩm "Trường hận ca"
lừng danh. Bài thơ dài này mượn chuyện tình của Đường Huyền Tông với Dương Quý
Phi, với nghệ thuật trữ tình nồng đượm miêu tả tinh tế đã không chỉ kể chuyện mà còn
gián tiếp nêu lên một chân lý: trong một xã hội còn có cảnh tranh quyền đoạt lợi đẫm


máu, thì đến vua cũng chẳng được toại nguyện, người đẹp nghiêng nước nghiêng
thành thì chỉ càng thêm oan khổ mà thôi! Phần nữa, cũng là vì vua thì hoang dâm,
người đẹp thì ỷ thế vua mà kiêu căng quá!
Có thể nói rằng nếu không có một cuộc đời gian truân, hẳn là Bạch Cư Dị khó mà cảm
thông với muôn sự éo le của mỗi số phận. Và nhiều khi, đọc thơ ông, ta còn thấy rõ cả
tâm sự của ông khi ông kể và tả về người khác. Bài "Tỳ bà hành" là một ví dụ. Trong
bài thơ dài này, khi thuật lại hành trạng đáng thương của người kỹ nữ, Bạch Cư Dị
cũng đã giãi bày nỗi phiền muộn xót xa cho chính thân phận mình là người có tâm đức,
tài năng mà bị bọn quyền thế gạt bỏ. Sức mạnh lên án, tố cáo thực trạng vô nhân đạo
của xã hội phong kiến trong sáng tác thơ ca Bạch Cư Dị chính là ở đó.
Như thế, Bạch Cư Dị đã trở thành chủ soái của dòng thơ ca Tân nhạc phủ, luôn nêu
chủ nghĩa hiện thực, lấy việc mô tả nỗi buồn đau của con người làm đề tài chính yếu,
chẳng hạn như ở bài "Đông dạ văn trùng" (Đêm đông nghe tiếng côn trùng), ông viết:
Tiếng trùng đông não hơn thu
Người ngây thơ mấy nghe ru cũng sầu
Ta già, nghe chẳng sao đâu
Tuổi xanh nghe, khéo bạc đầu như chơi!
(Hoàng Tạo dịch)
2. Không chỉ đạt được thành tựu đáng nể phục trong sáng tác, Bạch Cư Dị còn được
đương thời và hậu thế suy tôn là một nhà lý luận văn học có nhiều luận điểm sáng giá.
Một trong những vẫn đề lý luận văn học mà Bạch Cư Dị chú ý tìm hiểu, đúc kết, là mối
quan hệ giữa hiện thực cuộc sống và đề tài, chủ đề tư tưởng của thơ ca. Coi hiện thực
là nguồn gốc của tư tưởng tình cảm con người, là ngọn nguồn của thơ ca, ông viết:
"Đại phàm con người ta đã cảm xúc trước sự vật, thì tất có cơ rung động trong tình

cảm, rồi nổi hứng lên ngâm nga mà thành thơ ca vậy". Mặt khác, ông cũng cho rằng nói như ngày nay, văn chương là một tấm gương phản chiếu thời đại, đại thể: "Nghe
bài ca tụng vua sáng tôi hiền, thì biết đời Ngu thịnh trị, nghe bài ca của năm anh em
sông Lạc, thì biết chính sự nhà Hạ suy đồi".
Quan hệ tương hỗ giữa hiện thực với đời sống là thế, vậy sinh ra thơ ca là để làm gì?
Bạch Cư Dị cho là "để bổ khuyết cho nền chính trị". Đề cao giá trị nhận thức, giáo huấn
của thơ ca, Bạch Cư Dị viết: "Để xúc động trong người, không gì sớm hơn tình cảm,
không gì bắt đầu bằng lời nói, không gì thiết tha bằng âm thanh, không gì sâu sắc bằng
tư tưởng". Và trong buổi đất nước còn u mê, dân tình còn tăm tối, khốn khổ, ông cho
rằng: "Muốn khai thông những chỗ bế tắc để thấu suốt tình cảm của nhân dân, thì trước
hết đòi hỏi thơ ca tinh thần châm biếm".


Bên cạnh sự khái quát như trên, con người lý luận trong Bạch Cư Dị cũng có sự liên
thông tự nhiên với con người sáng tác trong ông. Trò chuyện với nhà thơ Nguyên
Chẩn, Bạch Cư Dị viết: "Chí của tôi ở chỗ kiêm tế, hành động ở chỗ độc thiện giữ đến
cùng chí nguyện và hành động đó, ấy là đạo sống của tôi, trình bày rõ bằng lời, đó là
thơ. Thơ phúng dụ, tức là thơ diễn đạt cái chí kiêm tế; thơ nhàn thích, tức là thơ diễn
đạt cái nghĩa độc thiện. Cho nên, người xem thơ tôi, có thể biết được cái đạo của tôi
vậy”.
Hãy đọc thêm một đoạn nữa trong "Thư gửi Nguyên Chẩn" của Bạch Cư Dị, ta sẽ hiểu
rõ hơn thơ ca và hành trạng của ông:
"Từ khi làm quan ở triều đình, tuổi ngày càng cao, xem xét công việc ngày càng nhiều,
mỗi lần nói chuyện với ai tôi đều hỏi nhiều về tình hình thời sự, mỗi lần đọc sử sách tôi
đều truy tìm cái lẽ trị đời, từ đó mới biết rằng sáng tác văn chương cần phải vì thời thế,
làm thơ cần phải vì sự việc. Bấy giờ nhà vua mới lên ngôi, trướng phủ còn có những
người chính trực, nhiều lần hạ chiếu thăm hỏi những nỗi cực khổ của dân chúng.
Ngày ấy tôi được đề bạt làm hàn lâm học sĩ nhưng thân phận vẫn là gián quan, hàng
tháng lãnh nhận giấy để viết sớ tâu can gián. Ngoài khải tấu ra, còn những gì có thể
chữa bệnh cứu người, bổ cứu những thiếu sót của nền chính trị đương thời mà khó nói
rõ ra thì tôi đều đưa ra ngâm vịnh, mong dần dà được bề trên nghe theo. Trước là để

mở rộng tai mắt bề trên, giúp bề trên trị vì đất nước; sau là để báo đền ơn vua, làm tròn
chức trách gián quan; cuối cùng là để thực hiện chí nguyện bình sinh… "(Nguyễn Khắc
Phi dịch).
Ngày nay, chúng ta có thể suy ngẫm được rất nhiều về thành tựu to lớn và nhân cách
phi phàm của Bạch Cư Dị từ lời tự bạch trên đây của ông



Tài liệu bạn tìm kiếm đã sẵn sàng tải về

Tải bản đầy đủ ngay
×