Bài thơ gây chấn động dư luận và đêm trước đổi mới”:
Tuổi trẻ chúng tôi vẫn tự hào
Những trang sử vẻ vang dân tộc
Chúng tôi được học
Được thử thách nhiều trong chiến tranh
Chúng tôi nghĩ:
Nguyễn Huệ - Quang Trung
Lứa tuổi hai mươi lập nên nhiều chiến công hiển hách.
Lẽ nào tuổi trẻ hôm nay thua thiệt
Có học hành, lại phải sống cầu an
Phải thu mình, xin hai chữ “bình yên”
***
“Bài thơ gây chấn động dư luận và đêm trước đổi mới”:
Sau khi đọc loạt bài “ Từ bài thơ gây chấn động dư luận đến đêm trước đổi mới ” đăng trên báo Tiền
phong, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã gặp tác giả bài thơ "Mùa xuân nhớ bác".
Cách đây chừng một tuần, báo Tiền phong nhận được điện thoại của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả
Phiêu. Ông nói rằng sau khi đọc loạt bài “Từ bài thơ gây chấn động dư luận đến đêm trước đổi mới”
đăng trên báo Tiền phong thấy nhiều vấn đề bài thơ nêu lên từ năm 1986 mà đến nay vẫn còn nguyên
tính thời sự. Và cuộc gặp thân mật giữa chị Phạm Thị Xuân Khải - tác giả bài thơ - và nguyên Tổng
Bí thư Lê Khả Phiêu đã thành hiện thực.
- Trông thủ trưởng trẻ quá - Vừa nhìn thấy nguyên Tổng Bí thư, chị Xuân Khải chào như vậy.
Nguyên Tổng Bí thư cười thân mật: “Mình đã 76 tuổi rồi. Tham gia cách mạng từ kháng chiến chống
Pháp, chống Mỹ, rồi chinh chiến ở biên giới Tây Nam. Năm 1990 mới về Bộ Quốc phòng, năm 1991
vào Trung ương...”.
Những vấn đề mà bài thơ “Mùa xuân nhớ Bác” của chị Xuân Khải viết cách đây 20 năm đã dẫn dắt
mọi người vào ngay câu chuyện một cách rất tự nhiên.
“Ngày ấy mình ở biên giới Tây Nam nên chưa được đọc bài thơ. Vừa rồi, vào dịp trước Đại hội
Đảng, báo Tiền phong có đăng loạt bài xung quanh bài thơ. Bài thơ đăng vào dịp 26/3/1986, thời
điểm trước khi diễn ra Đại hội Đảng VI, Đại hội bắt đầu công cuộc đổi mới đất nước, là việc làm
dũng cảm và rất có ý nghĩa - nguyên Tổng Bí thư nói - Nay báo Tiền phong đăng lại loạt bài về dư
luận thời điểm đăng bài thơ đó vào trước dịp Đại hội X, cũng là việc làm rất có ý nghĩa.
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu
và chị Xuân Khải. Ảnh: Phạm Yên
Báo Tiền phong là tờ báo nhạy bén với những thông tin vừa mang tính giáo dục, vừa có tính đấu
tranh, góp phần vào việc xây dựng đất nước nói chung và xây dựng Đảng, xây dựng bộ máy Nhà
nước trong sạch, vững mạnh nói riêng. Như thế là tờ báo đã biết vì lợi ích của Đảng, của đất nước,
thấy việc gì đúng với chân lý thì cần phải làm.
Từng giữ cương vị người lãnh đạo cao nhất của Đảng, ông tâm sự rằng bên cạnh những thành tựu vĩ
đại của đất nước sau 20 năm đổi mới, hiện nay một số vấn đề đang đặt ra với Đảng ta là không thể
coi nhẹ, trong đó nổi lên một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái về đạo đức,
lối sống; tệ nạn xã hội có chiều hướng phức tạp.
“Vụ PMU 18 ở Bộ GT-VT là ví dụ điển hình, tham nhũng, sa đọa đến mức báo động. Và không ai
dám chắc là sẽ không còn những vụ việc như thế” - ông nói.
Vì thế, nhiều vấn đề mà bài thơ “Mùa xuân nhớ Bác” đề cập vẫn còn nguyên tính thời sự. Dừng lời,
nhìn sang chị Xuân Khải, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu hỏi: “Bài thơ nói thẳng, nói thật như thế
chắc lúc báo đăng chị phải chịu nhiều sức ép, phải thua thiệt nhiều, những việc này báo đăng nhưng
chắc cũng chưa hết?”.
Chị Xuân Khải nhỏ nhẹ thưa: “Đúng thế, những việc đó, tôi mới chỉ nói cho phóng viên báo một
phần. Nhưng hôm nay, được ra đây, được gặp các anh tôi thấy rất mừng”.
“Nhưng nhìn toàn cục thì cái được của bài thơ cho đến ngày hôm nay vẫn lớn hơn, đúng thế không,
dù vào thời điểm đăng báo có người đã đòi treo cổ chị. Vì thế, tôi thấy cần phải gặp chị, gặp báo Tiền
phong” - Nguyên Tổng Bí thư tiếp lời.
...Nguyên Tổng Bí thư cất tiếng đọc một đoạn thơ khá dài trong bài “Mùa xuân nhớ Bác” của chị
Xuân Khải...
...Tuổi trẻ chúng tôi tha thiết
Được Đảng chăm lo
Được cống hiến cho quê hương nhiều nhất
Nhưng tuổi trẻ chúng tôi
Không ít người đang lỡ thì, mai một.
Theo năm tháng cuộc đời
Ngoảnh lại nhìn, mình chưa làm được bao nhiêu
Bởi một lẽ chịu hẹp hòi, ích kỷ
Thanh niên chúng tôi thường nghĩ:
Bỏ công gieo cấy, ai quên gặt mùa màng
Mỗi vụ gieo trồng
Có phải đâu là lép cả?
Tuổi trẻ chúng tôi vẫn tự hào
Những trang sử vẻ vang dân tộc
Chúng tôi được học
Được thử thách nhiều trong chiến tranh
Chúng tôi nghĩ:
Nguyễn Huệ - Quang Trung
Lứa tuổi hai mươi lập nên nhiều chiến công hiển hách.
Lẽ nào tuổi trẻ hôm nay thua thiệt
Có học hành, lại phải sống cầu an
Phải thu mình, xin hai chữ “bình yên”
Bởi lẽ đấu tranh – tránh đâu cho được?
Đồng chí không bằng đồng tiền
Bằng lòng vẫn hơn bằng cấp
Có ai thấu chăng
Và ai phải sửa?
Ông trầm ngâm ít phút rồi nói rõ từng từ: “Đảng phải sửa, phải
có cơ chế, có biện pháp để sửa chữa để thực sự là đạo đức, là
văn minh như Bác Hồ mong muốn. Một Đảng có 76 năm tuổi, có một truyền thống hào hùng, vĩ đại
như thế không có lý gì lại để suy giảm lòng tin nơi dân”.
Rồi ông kể, vừa rồi, vào thăm Đại tướng Chu Huy Mân đang trị bệnh ở Viện 108. Đại tướng đã
chuyển cho ông một văn bản bày tỏ những suy nghĩ về Đảng của Đại tướng, đọc rất cảm động.
Trong văn bản đó, Đại tướng có nói rằng chỉ trong khoá IX đã có tới 4 vạn đảng viên bị xử lý kỷ luật
với các mức độ khác nhau. “Như thế là đến mức độ nghiêm trọng rồi. Ai trong chúng ta cũng phải
suy nghĩ xem tại sao lại có nhiều đảng viên suy thoái đạo đức, phẩm chất như vậy; tại sao người dân
giảm lòng tin vào Đảng mặc dù người ta vẫn yêu Đảng, yêu chế độ” - nguyên Tổng Bí thư phân tích.
Ông tâm sự thêm rằng việc này trong nội bộ Đảng đã thấy, chứ không phải chỉ riêng các đồng chí lão
thành cách mạng như ông băn khoăn, lo lắng. Ông cũng kể lại rằng, khi gặp các đồng chí trong Bộ
Chính trị, ông nói rằng việc quan trọng nhất cần làm là Đảng phải đánh giá lại mình bằng cách nhìn
thẳng vào sự thật để rồi có các biện pháp giải quyết, khắc phục triệt để.
Nguyên Tổng Bí thư cũng tỏ ra lo lắng trước việc nhiều người trong thế hệ trẻ hiện nay vẫn chưa
vượt qua được điều mà chị Xuân Khải đã nhận định từ 20 năm trước “Lẽ nào tuổi trẻ hôm nay thua
thiệt - Có học hành phải sống cầu an”.
Ông cho rằng câu thơ này nói rất đúng thực trạng của không ít người trẻ tuổi hiện nay. Ông nói thêm:
“Cầu an thì lý tưởng sẽ phai nhạt, sẽ thui chột, tự làm mất đi sự sáng tạo của mình. Mặt khác, sự hẹp
hòi, ích kỷ tuy có đỡ đi nhưng vẫn còn không ít”.
Nguyên Tổng Bí thư kể trong những lần trao đổi với nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, cả hai ông cùng
rất tâm đắc với quan điểm tài nguyên thiên nhiên bao giờ cũng có hạn, khai thác mãi rồi cũng sẽ hết
nhưng sự sáng tạo của con người là vô hạn. Như thế mà nhiều người trẻ tuổi có tâm lý cầu an để mất
đi sự sáng tạo của mình thì quả là đáng tiếc, đáng lo - ông lý giải - điều này do cả bản thân những
người đó và do cả cơ chế.
Ông nói với chị Xuân Khải: “Bác Tô (cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng - PV) đã nói với chị rằng Trung
ương đã thấu và Trung ương sẽ sửa. Nhưng bây giờ việc này vẫn còn phải sửa, bởi vì nhiều người trẻ
tuổi, được đào tạo nhưng nhiều khi vẫn chưa được tuyển dụng, chưa tạo điều kiện để họ phát huy
sáng tạo, xây dựng cuộc sống cho bản thân và cống hiến cho đất nước”.
...Rồi ông đọc tiếp một đoạn thơ nữa trong bài thơ:
Mỗi xuân về con càng thêm nhớ Bác
Lòng vẫn thầm mơ ước
Bác Hồ được sống đến hôm nay
Làm nắng mặt trời xua tan hết mây
Trừ những thói đời làm dân oán trách
Có mắt giả mù, có tai giả điếc
Thích nghe nịnh hót, ghét bỏ lời trung
Trấn áp đấu tranh, dập vùi khốn khổ
Cùng chí hướng sao bầy mưu chia rẽ?
Bài thơ "Mùa xuân nhớ Bác"
Tham quyền cố vị
Sợ trẻ hơn già
Quên mất lời người xưa:
“Con hơn cha là nhà có phúc”
Thời buổi này,
Không thiếu người xông pha thuở trước
Nay say sưa trong cảnh giàu sang
Thoái hóa, bê tha khi dân nước gian nan?
Không phân tích trực tiếp đoạn thơ này, nguyên Tổng Bí thư kể lại câu chuyện có vị Đại tá tên Lý ở
tỉnh Quảng Nam đi khiếu kiện và tố cáo tham nhũng trong suốt một thời gian dài. Đến gặp ông, vị đại
tá già kể lại đã phải đi nhiều nơi, gõ cửa nhiều nơi, nhưng chẳng ai thèm ngó ngàng.
Một bác xe ôm biết chuyện, lại thấy ông già chẳng giàu có, nên đã chở đi không lấy tiền. Và trên
đường đi, người chạy xe ôm đã nói thế này: “Ông ơi, ông đi làm gì, gõ cửa làm gì... Nhiều người họ
có còn là cộng sản nữa đâu!”.
Sau khi trình bày nội dung khiếu kiện và tố cáo tham nhũng, vị đại tá già đã kể câu chuyện và tâm sự
của người chạy xe ôm cho ông nghe. Quá nặng lòng trước việc này, ông đã đem câu chuyện của vị
đại tá kể lại cho đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Nghe xong câu chuyện, người học trò trung thành của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Đại tướng Võ Nguyên
Giáp - đã rơi nước mắt. Không chỉ vậy, ông còn đem câu chuyện này kể lại cho “các anh ấy”- tức là
một số ủy viên Bộ Chính trị hiện nay và ông hỏi: “Người ta nói thế thì chúng ta suy nghĩ gì, chúng ta
có đau xót không, có thấy tủi thân không?”...
Gần hai tiếng đồng hồ đã trôi qua, những người khách của cuộc gặp gỡ mặc dù vẫn rất thích nghe ông
nói chuyện và nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu vẫn đang say sưa nói về những điều về dân, về
Đảng mà ông đã thấy, đã và đang suy nghĩ nhưng khách của nguyên Tổng Bí thư đành phải lên tiếng
xin phép để ông còn có thời gian nghỉ trưa.
Nguyên Tổng Bí thư khép lại cuộc gặp bằng mấy lời chân thành: “Nhìn lại mười năm trước đổi mới,
cả một dân tộc đang khí thế hừng hực lại lâm vào khủng hoảng. Lỗi này không thể nói là của dân
được mà phần quan trọng là ở sự lãnh đạo của Đảng, của Nhà nước.
Sau đó, nhờ tổng kết thực tiễn đúng đắn đã thấy không đổi mới là nguy hiểm và công cuộc đổi mới
đã đem lại sự vươn mình lớn lao của dân tộc...
Bây giờ trước những vấn đề như thế thì không ai khác là Đảng và Nhà nước chúng ta phải ra sức sửa
chữa, khắc phục bởi vì những người cộng sản mà không thấy được những vấn đề đang đặt ra cho
mình thì không chấp nhận được”.
Tiễn khách ra cửa, chúng tôi nghe rõ tiếng nguyên Tổng Bí thư dặn dò chị Xuân Khải: “Nếu còn thời
gian ở Hà Nội, chị nên vào thăm Đại tướng Chu Huy Mân. Khi nói chuyện với tôi, Đại tướng cũng
rất thích bài thơ của chị”.
Nhóm PV Thời sự
Việt Báo // (Theo_Tien_Phong)