Tải bản đầy đủ (.docx) (4 trang)

Văn học trung hoa thời tiên tần 2

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (49.33 KB, 4 trang )

Văn học Trung Hoa thời Tiên Tần
Kinh Thi
Từ đời Chu, người Trung Hoa đã đặt ra chức Thái sử quan để lượm thơ hay trong dân gian mà
biết về chính trị, phong tục và đời sống của dân tại mỗi nước. Khổng Tử sắp đặt lại tất cả được
305 bài, vừa ca dao ở thôn quê, vừa nhạc chương ở triều miếu, thành một bộ, sau gọi là Kinh
Thi, để dạy môn sinh. Những bài ấy làm trong đời Chu từ thế kỉ XII tới thế kỉ VI trước Tây lịch;
có thuyết cho rằng một số bài từ đời Thương.
Kinh Thi gồm ba phần: phong, nhã, tụng.
+ Phong tức quốc phong, là ca dao của dân gian các nước.
+ Nhã là những bài dùng trong những trường hợp quan trọng như khi thiên tử họp các vua chư
hầu, hoặc tế ở miếu đường.
+ Tụng gồm những bài ca khen các vua đời trước và dùng để hát ở miếu đường trong lúc tế tự.
Hai loại sau do văn nhân (tức giới quí tộc) sáng tác còn loại quốc phong của giới bình dân, mà lại
có giá trị nhất về văn học.
Về hình thức, quốc phong là những bài thường dài từ mười đến vài chục câu, mỗi câu bốn chữ,
xen vào ít câu năm hay sáu chữ, thỉnh thoảng có vần, nhiều chữ láy đi láy lại, du dương vì là bài
ca.
Nội dung dồi dào, nhiều vẻ. Có bài tả công lao cha mẹ, giọng thiết tha, như bài Lục Nga; có bài
phát biểu tư tưởng xã hội như Phạt Đàn oán bọn “quân tử” tức bọn trị dân, chẳng làm gì cả mà
sống sung sướng nhờ mồ hôi nước mắt của dân; có bài là lời than thở của người lính phải xa gia
đình, đi tìm cái chết không hiểu để làm gì, nhiều nhất mà cũng hay nhất là những bài xuân tình,
tả tình trai gái nhớ nhau như bài Quan Quan Thư Cưu; bài Tử Khâm mà hai câu cuối bất hủ:
Nhất nhật bất kiến, như tam nguyệt hề; lại có bài thiếu nữ trách cha mẹ và anh nghiêm khắc,
trách cả thiên hạ lắm lời nữa, không cho tình nhân của nàng gặp nàng (bài Thương Trọng Tử): sự
phản kháng của thanh niên, sự mâu thuẫn giữa thế hệ già và thế hệ trẻ đã có từ 3.000 năm trước
rồi, đâu phải mới đây.
Những bài đó lời giản dị, tự nhiên, cảm xúc thành thực tự đáy lòng phát ra, đậm đà mà tế nhị,
thời nào đọc cũng thấy thích.
Từ khi Khổng Tử dùng Kinh Thi để dạy môn sinh thì mỗi ngày kinh đó càng được trọng, ảnh
hưởng lớn đến đời sau, nó thành một nguồn thi hứng để thi nhân mượn đề mục, và lại là một kho
điển tích nữa. Nó đã thành bất hủ, đã được phương Tây khen và dịch ra.


Sở Từ
Trong khi ở phương Bắc có Kinh Thi thì ở phương Nam có Sở Từ. Sở Từ chính nghĩa là lời của


nước Sở, sau chỉ một lối văn có vần của Sở.
Kinh Thi chỉ là những bài ca ngắn, Sở Từ là những bài trường thiên, có khi dài vài trăm vài ngàn
chữ.
Kinh Thi dùng những câu có điệp tự, Sở Từ dùng những câu có đối.
Kinh Thi thuộc loại tả chân. Sở Từ thuộc loại lãng mạn.
Kinh Thi nói nhiều đến nhân sự, Sở Từ dùng nhiều thần thoại.
Kinh Thi phần nhiều là tác phẩm của bình dân, Sở Từ là tác phẩm của văn nhân.
Tác giả có danh nhất về Sở Từ là Khuất Nguyên.
Khuất Nguyên (343-277?) là người trong hoàng tộc nước Sở, học rộng, giỏi về chính trị, lại có
tài về văn chương, có lòng ái quốc nhiệt liệt. Ông giúp Sở Hoài vương được nhiều việc, sau bị
một quan đại phu ghen tài, gièm pha với vua, vua ghét ông, ông âu sầu viết thiên Li tao để tả nỗi
lòng. Hoài vương không nghe lời can của ông, bị Tần đánh thua rồi chết ở Tần; Tương vương nối
ngôi, bọn phản đối ông càng đắc chí, ông bị đày ra Giang Nam, thất chí, suốt ngày ca hát như
điên, làm bài phú Hoài Sa rồi ôm một phiến đá gieo mình xuống sông Mịch La.
Tác phẩm quan trọng nhất của ông là thiên Li Tao (nghĩa là xa vua mà buồn), một bài trường
thiên dài 370 câu, lời triền miên bi thảm, dùng phép tượng trưng, phép nhân cách hóa và dẫn rất
nhiều thần thoại. Tình cảm ông thay đổi kì dị: mới cười đó đã khóc, mới muốn đi xa rồi lại đổi ý,
đòi lên chầu Thượng Đế rồi lại muốn bói, muốn trở về cố hương, muốn tự tử. Thật là chân tình,
mỗi chữ là một tiếng thở dài, một giọt nước mắt, ít thấy văn nhân nào đau khổ, thác loạn đến bực
ấy.
Trong bài Thiên Vấn, giọng cũng lâm li cùng cực: ông hỏi trời luôn một hơi 172 câu. Sức tưởng
tượng của ông thật vô địch.
Ngoài Khuất Nguyên, còn Tống Ngọc, có tài miêu tả văn điêu luyện.
Sở Từ mở đường cho thể phú đời Hán, Kinh Thi là nguồn gốc của thơ năm chữ và bảy chữ các
đời sau.
Văn xuôi

Ở Trung Hoa cũng như ở các nước khác, văn xuất hiện sau thơ. Những bài thơ đầu tiên trong
Kinh Thi xuất hiện vào khoảng thế kỉ XII trước Tây lịch hoặc trước nữa, mà tác phẩm đầu tiên
bằng văn xuôi, bộ Thượng Thư xuất hiện vào khoảng thế kỉ VIII hoặc VII.
Tác phẩm sử học có trước tác phẩm triết học, nói cách khác là văn kí sự có trước văn luận thuyết;
về phương diện nghệ thuật thì những tác phẩm bất hủ đầu tiên là những tác phẩm triết học.
Kí sự
Về sử học, dân tộc Trung Hoa tiến sớm nhất, có thể có sử quan từ đời Thương, và chắc chắn là
đời Chu, nước nào cũng có sử quan rồi; Ấn Độ trái lại, triết học rất phát đạt mà không có một bộ


sử nào cả. Các sử quan của Trung Hoa có một truyền thống rất đẹp: chép đúng sự thực, dù là vua
hay tể tướng đương thời có những ngôn hành xấu xa thì cũng chép hết, không sợ chết. Như thời
Chiến Quốc, tể tướng nước Tề là Thôi Trữ giết vua. Một quan thái sử chép: “Thôi Trữ giết vua”,
bị Thôi đem chém. Em người đó lãnh chức Thái sử thay anh, cũng chép như vậy, cũng bị chém.
Nước láng giềng có một người hay việc ấy, sợ sau khi hai anh em ấy bị Thôi giết rồi, không còn
ai dám chép sự thật nữa, bèn qua xin làm chức Thái sử. Thôi thấy vậy, phải than và sợ những
quan thái sử.
Một vụ khác, cũng thời Chiến Quốc, một sử quan nước Tấn là Đổng Hồ chép: “Triệu Thuẫn giết
vua”. Triệu Thuẫn là một đại phu có đức, cãi: “Người khác giết vua trong lúc tôi xuất vong mà,
sao ông ghép tội tôi”. Đổng Hồ đáp: “Sao lúc về nước, ông không khảo tội thí quân của kẻ đó.
Như vậy là ông đồng mưu với kẻ giết vua, cũng như ông giết vua.”
Những trường hợp như vậy chắc chắn là hiếm, nhưng xét chung thì các sử quan Trung Hoa đa số
có đức, chức tuy nhỏ mà được trọng và các vua chúa không xen vào công việc của họ. Đường
Thái Tôn (thế kỉ VII sau Tây lịch) một hôm hỏi viên sử quan: “Khanh chép cả những lỗi lầm của
trẫm sao?”. Đáp: “Cái tốt cái xấu của bệ hạ, hạ thần đều có bổn phận chép hết để làm gương cho
hậu thế”. Lại hỏi: “Khanh cho trẫm xem khanh chép những gì về trẫm nào.”. Đáp: “Không có
ông vua nào đòi xem như vậy.”
Một chức vụ nữa tuy cũng không lớn nhưng rất được trọng, chức gián quan; một số gián quan
dám can bạo chúa mà không sợ chết, làm vẻ vang cho giới nho sĩ.
Đó là một nét văn minh của dân tộc Trung Hoa, một ảnh hưởng của Khổng học.

Trong thời Xuân Thú, ngoài bộ Thượng Thư ra, có bộ Xuân Thu của Khổng Tử. Ông dùng sử
biên niên của nước Lỗ tu chính lại theo ý ông, chỉ ghi những đại cương, lời rất khô khan, mục
đích là chính danh, định phận, ngụ ý bao biếm hơn là kí sự. Người tốt được ông khen, người xấu
bị ông chê, mà bị ông chê thì còn nhục hơn bị tội búa rìu nữa.
Bộ ấy được Tả Khâu Minh, đồng thời với Khổng Tử làm Thái sử ở Lỗ, phô diễn, phê bình cho
thêm rõ ràng, hứng thú, thành hai bộ sử khác: Tả Truyện chép theo biên niên và Quốc Ngữ chép
việc theo từng nước. Thuật miêu tả, tự sự trong Tả Truyện đã cao rồi.
Cuối thời Chiến Quốc có thêm bộ Chiến Quốc sách, tựa như có tính cách lịch sử (nhiều nhân vật
có thực, biến cố cũng vậy, nhưng việc chép không chắc đúng) mà sự thực thì có tính cách luân
thuyết, đúng hơn là biện thuyết. Bộ đó chép lại những kế hoạch, phương lược, chính sách của các
nhà cầm quyền và các chính khách trong thời Chiến Quốc. Chắc do nhiều người viết vì giá trị
nghệ thuật các bài không đều, người đời sau không lựa chọn gì cả, thu thập hết rồi sắp đặt theo
từng nước (như bộ Quốc Ngữ). Có nhiều sự cố li kì, hấp dẫn như tiểu thuyết; lời văn không khô
khan, lúc có giọng hùng biện, lúc có giọng phúng thích, thường khi cảm động, nhờ thuật tự sự,
và miêu tả đã đạt tới một mức cao. Có được mươi bài đáng gọi là bất hủ.
Luận thuyết
Bộ Luận Ngữ có thể xuất hiện sớm nhất, trong khoảng trăm năm sau khi Khổng Tử mất. Thời đó


phải khắc vào thẻ tre hoặc dùng một cây nhọn chấm vào sơn rồi viết lên thẻ tre, nên lời ghi chép
cần thật gọn. Các môn sinh của Khổng Tử chỉ chép lại lời của thầy để nhớ rồi truyền lại cho đời
sau, không giảng thêm gì cả, nên nhiều chỗ ta phải suy nghĩ mới tìm thấy mạch lạc tư tưởng;
cũng không ghi trong hoàn cảnh nào, Khổng Tử nói một câu nào đó, cho nên có nhiều bài, người
đời sau không nhất trí về cách giải thích.
Trong cả bộ chỉ được dăm ba bài dài mười lăm, hai mươi hàng, còn thì rất ngắn, vài ba hàng.
Những bài ngắn thường là cô đọng, thâm thúy như châm ngôn, mà những bài dài thì tự sự rất
linh động, mặc dầu là gọn, ý nghĩa hàm súc, và có khi bút pháp tinh diệu. Bài Tiên tiến 25 chép
lần Khổng Tử hỏi chí hướng của môn sinh rồi cuối cùng ông ước ao được hưởng cảnh nhàn,
cùng với đàn đồng tử đi tắm mát trên sông; bài Quí Thị 1 chép lời Khổng Tử mắng Nhiễm Hữu,
tự sự hành động, lời hùng hồn mà tư tưởng thâm thúy; bài Thuật Nhi 14 bắt đầu bằng câu: “Phu

tử có vị vua Vệ không? “, bút pháp rất mới mẻ, ba bài đó đều là những viên ngọc cả.
Bộ Luân Ngữ mở đầu cho thể “ngữ lục” thời sau.
Văn Mạnh tử không cô đọng bằng, nhưng rất hùng hồn, bừng bừng nhiệt huyết, lời thao thao bất
tuyệt, dùng nhiều thí dụ tài tình đập mạnh vào óc người nghe.
Đạo Đức Kinh còn cô đọng hơn Luận Ngữ nữa, thuộc thể cách ngôn, ý tưởng thâm thúy mà hình
ảnh mới mẻ, lời cân đối, đôi khi có vần, đọc rất hứng thú.
Nghệ thuật cao nhất nhưng có chỗ khó hiểu là bộ Trang Tử. Tài tưởng tượng của Trang ít ai
bằng, biến hóa một cách kì ảo, ông đặt ra được nhiều ngụ ngôn, vận dụng được nhiều cố sự trong
khi biện thuyết. Văn ông có tiết tấu, nhiều câu dùng phép biền ngẫu, lời luôn luôn bóng bảy, ảnh
hưởng đến đời sau. Cả trong thơ văn lẫn trong tiểu thuyết, hí kịch.
Tuân Tử đưa văn nghị luận lên mức cao: lời gọn mà sáng, bố cục chặt chẽ, phân tích khéo léo.
Hàn Phi cũng có tài, tập đại thành những sở trường của các nhà nghị luận thời Chiến Quốc: lí
luận xác đáng, chặt chẽ, dẫn chứng nhiều, dài mà không rườm, lời mạnh mẽ lại nhiều tình cảm.
Bộ Hàn Phi Tử có giá trị hơn bộ Le Prince của Machiavel (ở Ý - thế kỉ 15) cả về tư tưởng lẫn bút
pháp.
Nguồn: Sử Trung Quốc, Nguyễn Hiến Lê



×