Tải bản đầy đủ (.docx) (5 trang)

Đặc điểm không gian trong chí phèo

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (60.55 KB, 5 trang )

Đặc điểm không gian - thời gian nghệ thuật trong truyện
“Chí Phèo” của Nam Cao trên bình diện thi pháp học
A. MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
Nam Cao là một nhà văn hiện thực lớn, một nhà nhân đạo chủ nghĩa lớn tiêu biểu nhất thế kỉ
XX. Sáng tác của ông đã vượt qua được sự thử thách khắc nghiệt của thời gian. Thời gian càng
lùi xa, tác phẩm của Nam Cao càng bộc lộ ý nghĩa hiện thực sâu sắc, tư tưởng nhân đạo cao cả
và vẻ đẹp nghệ thuật điêu luyện, độc đáo.
Nhắc đến Nam Cao, ta không thể không nhắc đến kiệt tác nghệ thuật “Chí Phèo”. Chỉ là một
truyện ngắn, lại là truyện ngắn sáng tác sớm về đề tài nông dân nhưng “Chí Phèo” thực sự là sự
tổng hợp, sự kết tinh của ngòi bút Nam Cao về đề tài này. Nếu như Nam Cao có thể được coi là
“nhà văn của nông dân”- cùng với Ngô Tất Tố - thì trước hết vì ông có “Chí Phèo”. Hơn sáu
mươi năm kể từ khi “Chí Phèo” ra đời, trong giới nghiên cứu, phê bình văn học đã có rất nhiều
bài viết tập trung khai thác tác phẩm ở khía cạnh nội dung, tư tưởng. Tuy nhiên, nếu phân tích
truyện ngắn này từ góc độ thi pháp học, ta sẽ phát hiện được nhiều điều thú vị về hình tượng
nghệ thuật nhất là trên phương diện không gian - thời gian nghệ thuật. Không gian - thời gian
trong “Chí Phèo” khi đi vào nghệ thuật được soi rọi bằng tư tưởng, tình cảm, được nhào nặn và
tái tạo trở thành một hiện tượng nghệ thuật độc đáo thấm đẫm cá tính sáng tạo của nhà văn. Cảm
quan về thời gian và không gian gắn liền với cảm quan về con người và cuộc đời, gắn bó với mơ
ước và lí tưởng của tác giả. Đó cũng chính là lí do tôi chọn đề tài: “Phân tích đặc điểm không
gian – thời gian nghệ thuật trong truyện “Chí Phèo” của Nam Cao” trên bình diện thi pháp học.
2. Lịch sử nghiên cứu vần đề
Hơn nửa thế kỉ qua, đã có nhiều công trình nghiên cứu công phu, nghiêm túc về Nam Cao. Mở
đầu là cuốn “Nghĩ tiếp về Nam Cao” do NXB Hội Nhà văn ấn hành năm 1992. Tiếp theo là cuốn
“Nam Cao, đời văn, tác phẩm” của GS. Hà Minh Đức (NXB Văn học, 1997) và cuốn “Nam Cao,
phác thảo sự nghiệp và chân dung” của GS. Phong Lê ( NXB Khoa học xã hội, 1997). Đây là
những công trình khoa học toàn diện và hệ thống của những chuyên gia hàng đầu đã gần bốn
mươi năm đầu tư với di sản văn học phong phú và đặc sắc của Nam Cao.
Ngoài ra, còn có những bài viết hoặc ý kiến phát biểu ở các hội thảo về Nam Cao của các nhà
nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh, Nguyễn Văn Hạnh, Nguyễn Hoành Khung, Trần Đình Sử, Lại
Nguyên Ân, Trần Đăng Xuyền…


Giới nghiên cứu, phê bình hiện đại nghiên cứu Nam Cao trên nhiều cách tiếp cận mới về phong
cách, thi pháp, ngôn ngữ…Tuy nhiên, phương diện thời gian và không gian nghệ thuật trong
sáng tác Nam Cao nói chung và trong tác phẩm “Chí Phèo” nói riêng chưa được chú ý và xem
xét một cách kĩ lưỡng. Trên cơ sở tiếp thu những bài viết, công trình của các nhà nghiên cứu, tôi
mạnh dạn đi sâu tìm hiểu đề tài này. Hi vọng rằng, đây cũng sẽ là những kiến thức bổ ích cho
những ai yêu và muốn tìm hiểu về Nam Cao cũng như kiệt tác “Chí Phèo” của ông.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của đề tài là đặc điểm không gian - thời gian nghệ thuật trong truyện “Chí
Phèo” của Nam Cao trên bình diện thi pháp học.
Phạm vi nghiên cứu của đề tài là văn bản tác phẩm “Chí Phèo” trong cuốn “Tuyển tập Nam
Cao”, 2005, NXB Văn học.
4. Phương pháp nghiên cứu


Việc nghiên cứu đề tài này được tiến hành bằng những phương pháp sau:
- Phương pháp nghiên cứu tác giả, tác phẩm
- Phương pháp thống kê
- Phương pháp phân tích
- Phương pháp tổng hợp và nâng cao vấn đề
5. Giới thuyết thuật ngữ
Theo Lê Bá Hán, 2009, “Từ điển thuật ngữ văn học”, NXB Giáo dục:
* Không gian nghệ thuật:
Là hình thức bên trong của hình tượng nghệ thuật thể hiện tính chỉnh thể của nó. Sự miêu tả, trần
thuật trong nghệ thuật bao giờ cũng xuất phát từ một điểm nhìn, diễn ra trong trường nhìn nhất
định (…). Không gian nghệ thuật gắn với cảm thụ về không gian nên mang tính chủ quan. Ngoài
không gian vật thể có không gian tâm tưởng. Do vậy, nó có tính độc lập tương đối, không qui
được vào không gian địa lý.
* Thời gian nghệ thuật:
Là hình thức nội tại của hình tượng nghệ thuật. Cũng như không gian nghệ thuật, sự miêu tả, trần
thuật trong nghệ thuật bao giờ cũng xuất phát từ một điểm nhìn nhất định trong thời gian. Khác

với thời gian khách quan, thời gian nghệ thuật có thể đảo ngược, quay về quá khứ, có thể bay
vượt đến tương lai xa xôi, có thể dồn nén một khoảng thời gian dài trong chốc lát, lại có thể kéo
dài cái chốc lát thành vô tận. Nó được đo bằng nhiều thước đo khác nhau, bằng sự lặp lại đều đặn
của các hiện tượng đời sống được ý thức: sự sống, cái chết, gặp gỡ, chia tay, mùa này, mùa
khác…tạo nên nhịp điệu trong tác phẩm.
6. Cấu trúc đề tài
Ở đề tài này của tôi ngoài phần mở đầu và phần kết luận còn có 3 ý lớn của phần nội dung như:
1. Thời gian nghệ thuật trong truyện “Chí Phèo” – Nam Cao
1.1. Độ dài thời gian
1.2. Chiều hướng, trật tự thời gian
1.3. Nhịp điệu, sự vận động của thời gian
2. Không gian nghệ thuật trong truyện “Chí Phèo” – Nam Cao
2.1. Không gian làng Vũ Đại
2.2. Không gian túp lều ven sông
2.3. Không gian đêm trăng
3. Sự kết hợp giữa không gian – thời gian nghệ thuật trong “Chí Phèo” – Nam Cao
B. NỘI DUNG
1. Thời gian nghệ thuật trong truyện “Chí Phèo” – Nam Cao
1.1. Độ dài thời gian
Thời gian trần thuật trong truyện “Chí Phèo” được gói gọn trong khoảng thời gian sáu ngày từ
buổi chiều vừa đi vừa chửi “cũng như chiều nay hắn chửi” và “năm ngày chẵn” ở bên Thị Nở
đến buổi sáng giết Bá Kiến rồi tự sát. Đây cũng chính là khoảng thời gian ý thức về tuổi tác, về
nhân tính vốn âm ỉ bấy lâu trong con người Chí Phèo bỗng dưng trỗi dậy. Ước mơ ngày xưa hiện
về. Và hơn bao giờ hết, lúc này Chí Phèo thèm lương thiện, khát khao được làm người lương
thiện. Thế nhưng, khi ánh sáng lương tri còn sót lại vừa lóe lên thì chỉ trong thời gian ngắn ngủi
đã bị dập tắt phũ phàng. Sức tố cáo của tác phẩm nhờ vậy trở nên thật mạnh mẽ.
1.2. Chiều hướng, trật tự thời gian
1.2.1. Thời gian đa chiều
Một trong những sở trường của Nam Cao là lối kết cấu văn bản thoạt nhìn rất tự do, phóng túng
nhưng kì thực hết sức chặt chẽ. Văn bản truyện “ Chí Phèo” được tổ chức theo nguyên tắc gián



đoạn về thời gian. Chính sự gián đoạn này cho ta cảm giác về một lối kể tự nhiên, phóng túng rất
hiện đại.
Truyện “Chí Phèo” chủ yếu kể về những điều đang diễn ra (gắn với thì hiện tại). Cách mở đoạn
thường gắn với sự định vị thời gian: “Thì năm nay lại nảy ra Chí Phèo…”, “Bây giờ thì hắn đã
thành người không tuổi rồi…”, “Hắn cứ chửi như chiều nay hắn chửi…”, “Bây giờ thì chúng ngủ
bên nhau…”, “Nhưng bây giờ thì hắn tỉnh…”. Toàn bộ cuộc đời Chí Phèo được kể trong câu
chuyện này nhưng trong quá trình thuật lại câu chuyện, trình tự thời gian luôn luôn được thay đổi
rất linh hoạt với sự đan xen giữa hiện tại, quá khứ, tương lai. Tuy nhiên, sự đảo lộn trật tự thời
gian tuyến tính trong truyện “Chí Phèo” không hề phá vỡ tính liền mạch của câu chuyện. Ngược
lại nó còn có tác dụng gia tăng tính tuần tự, tính nối kết chặt chẽ của các tình tiết nghệ thuật.
Chẳng hạn đoạn mở truyện tả tiếng chửi của Chí Phèo được khép lại bằng câu: “A ha! Phải đấy
hắn cứ thế mà chửi (…) Có mà trời biết! Hắn không biết, cả làng Vũ Đại cũng không ai biết…”.
Cả đoạn văn tiếp theo là thời gian quá khứ với câu chuyện “ anh thả ống lươn” đã nhặt được Chí
Phèo như thế nào. Như vậy, rất tự nhiên, câu chuyện quá khứ – tuổi ấu thơ của Chí Phèo đã trả
lời lập tức những câu hỏi vừa buông ra ngay cuối đoạn văn trước đó. Bất cứ giữa hai đoạn văn kể
về những thời điểm khác nhau nào trong tác phẩm, ta cũng dễ dàng tìm ra mối liên hệ rất logic
như trên.
Từ quá khứ xa thuở ấu thơ, Nam Cao kể tiếp đến quá khứ gần của Chí “năm hai mươi tuổi – hắn
làm canh điền cho ông lí Kiến” rồi Chí “phải đi tù”, “hắn đi biệt đến bảy, tám năm, rồi một hôm,
hắn lại lù lù ở đâu lần về”.
Câu chuyện quá khứ khép lại, nhà văn khéo léo đưa người đọc trở về với cuộc sống hiện tại của
Chí. Nam Cao chú ý đặc biệt tới thời gian hiện tại, một cái thời gian hiện tại không bị chìm đi
trong quá khứ, cũng không bị mờ đi vì ảo ảnh của tương lai mà hiện ra rõ ràng hơn, cụ thể hơn,
sinh động hơn, sâu sắc hơn vì mang theo cả cái chiều dài và bề sâu thăm thẳm của quá khứ, hiện
tại và tương lai cộng lại. Hiện tại như gợi lại những hình ảnh của quá khứ. Đoạn kết tác phẩm
“Chí Phèo”, khi nghe tin Chí Phèo chết, Thị Nở nhìn nhanh xuống bụng, trong óc thị thoáng hiện
ra cái lò gạch cũ bỏ không, xa nhà cửa và vắng người qua lại. Ở đây, hiện tại, quá khứ soi sáng
cho nhau, tạo nên sự cộng hưởng về cảm xúc và ấn tượng cho người đọc.

Theo dõi câu chuyện ta thấy, cuộc đời của Chí Phèo không được trình bày một cách rành mạch,
cụ thể về mặt thời gian. Điều này tưởng như vô lý nhưng lại rất hợp lý vì bản thân Chí Phèo cũng
không ý thức được rành mạch về tuổi tác của mình: “ Bởi vì ngay đến cái thẻ có biên tuổi hắn
cũng không có…Hắn nhớ mang máng rằng có lần hắn hai mươi, rồi hắn đi ở tù, rồi hình như hắn
hăm nhăm không biết có đúng không? ” Nói về thời gian, Nam Cao đã cố tình làm sai trật tự
niên biểu bằng cách dùng những từ “mang máng, hình như, hay là…” đều rất mơ hồ, khó xác
định. Đây chính là dụng ý nghệ thuật của tác giả bởi suốt cuộc đời Chí là một cuộc vật lộn rối
rắm cố tìm lối thoát. Chí Phèo như mắc vào một tấm lưới, càng cố giãy càng vướng như Nguyễn
Du từng nói: “Gỡ ra rồi lại buộc vào như chơi” (Truyện Kiều).
1.2.2. Thời gian hồi tưởng – tâm tưởng
Trong nhiều tác phẩm của mình Nam Cao đã sử dụng phạm trù “hồi tưởng” như là một yếu tố
của thời gian nghệ thuật. Như ta đã biết, hồi tưởng thường xuất hiện trong quá trình sáng tạo tác
phẩm theo quy luật tương phản hoặc theo nguyên tắc liên tưởng. Trong thế giới nghệ thuật của
Nam Cao, hồi tưởng hiện ra từ từ, không cố ý, ngỡ như vô tình thậm chí ngay cả khi nhà văn chủ
tâm đi vào thế giới hồi tưởng của nhân vật. Nó tạo ra khả năng đối chiếu giữa quá khứ và hiện
tại, có thể nhìn thấy những viễn cảnh, những chu tuyến của tương lai.
Chí Phèo đối diện với cảnh sống hiện tại, cảnh vật ngày hôm nay như khêu gợi kỷ niệm của ngày
qua. Mơ ước xưa hiện về: “ Hình như có một thời hắn đã ao ước có một gia đình nho nhỏ. Chồng


cuốc mướn cày thuê. Vợ dệt vải.” Tất cả chỉ làm tăng thêm nỗi buồn chán, khổ đau, nước mắt.
Thời gian như là người bạn đường của sự khổ đau. Có thể nói, trong nhiều sáng tác của Nam
Cao, nhân vật vô hình chủ yếu là thời gian đã mất. Hầu như trong mỗi tác phẩm của ông đều tồn
tại “nhân vật” vô hình này hoặc là hàm ý sự có mặt của nó. Với tư cách là nhà văn hiện thực,
Nam Cao ý thức sâu sắc được tính không đảo ngược của thời gian. Nhiều nhân vật thuộc những
tầng lớp xã hội khác nhau của ông đều nhìn thấy thời gian trôi đi một cách tàn nhẫn. Họ suy
ngẫm về thời gian với sự xúc động, với niềm nuối tiếc, với tình cảm đắng cay của sự mất mát
không gì bù đắp nỗi. Đối với Chí Phèo, thời gian không chỉ tàn phá nhân hình mà còn hủy hoại
cả nhân tính và tâm hồn con người: “Cái mặt hắn không trẻ cũng không già; nó không còn phải
là mặt người: nó là mặt một con vật lạ”. Những cơn say vô tận, những việc “ ức hiếp, phá phách,

đâm chém., mưu hại, người ta giao cho hắn làm” là chính cuộc đời hắn; cuộc đời mà “hắn cũng
chả biết đã dài bao nhiêu năm rồi”. Hắn đã mất ý thức về thời gian. Nhưng sau lần gặp Thị Nở,
tình cảm tự nhiên và sự săn sóc tận tình của người đàn bà tội nghiệp này đã góp phần đánh thức
ý thức về nhân phẩm và cùng với nó là ý thức về thời gian của Chí Phèo: “Tỉnh dậy hắn thấy hắn
già mà vẫn còn cô độc. Buồn thay cho đời!”.
1.3. Nhịp điệu, sự vận động của thời gian
Trong truyện “Chí Phèo”, nhịp điệu thời gian có khi chậm lại bởi những đoạn suy tư và hồi
tưởng của Chí về thời quá khứ. Nhưng cũng có khi thời gian lại vận động rất nhanh. Từ hồi mới
đi tù về “hồi ấy hắn mới đâu hăm bảy hay hăm tám…” vậy mà “bây giờ thì hắn đã thành người
không tuổi rồi. Ba mươi tám hay ba mươi chín? Bốn mươi hay ngoài bốn mươi?”. Thời gian trôi
đi vun vút cũng để lại trên mặt Chí không biết bao nhiêu vết sẹo “nó vằn dọc, vằn ngang, không
thứ tự, biết bao nhiêu là sẹo. Vết những mảnh chai của bao nhiêu lần ăn vạ, kêu làng, bao nhiêu
lần, hắn nhớ là làm sao nổi?”. Trước bước đi quá nhanh của thời gian, Chí bàng hoàng, thảng
thốt: “Có lý nào như thế được? Hắn đã già rồi hay sao? Ngoài bốn mươi tuổi đầu…”.
Như vậy, sự vận động của thời gian ở đây cho ta thấy được quá trình tha hóa về nhân tính lẫn
nhân hình diến ra ở nhân vật Chí Phèo hết sức nhanh chóng.
2. Không gian nghệ thuật trong truyện “Chí Phèo” – Nam Cao
2.1. Không gian làng Vũ Đại
Khác với nhiều truyện ngắn cùng đề tài của tác giả, “Chí Phèo” có phạm vi hiện thực được phản
ánh trải ra trên cả bề rộng không gian (một làng quê). Có thể nói, làng Vũ Đại trong truyện chính
là hình ảnh thu nhỏ của xã hội phong kiến nông thôn Việt Nam đương thời. Vị trí “ xa phủ, xa
tỉnh” chính là điều kiện tốt để bọn cường hào hoành hành, thống trị, áp bức, đè nén nhân dân.
Chẳng phải vì đất làng Vũ Đại có cái thế “quần ngư tranh thực” như lời ông thầy địa lí nào đó
nói “hồi năm nọ” nên bọn cường hào làng này chia thành năm bè bảy cánh đối nghịch nhau, mà
chính là do bọn chúng “chỉ là một đàn cá tranh mồi” , “mồi thì ngon đấy, nhưng mà năm bè bảy
mối, bè nào cũng muốn ăn. Ngoài mặt thì tử tế với nhau nhưng trong bụng lúc nào cũng muốn
cho nhau lụn bại để cưỡi lên đầu lên cổ ”. Nhà nghiên cứu Nguyễn Hoành Khung nhận xét: “
Không khí truyện “Chí Phèo” tuy không sôi sục náo động như trong “Tắt Đèn” nhưng là bầu
không khí có tích địện trước lúc giông bão”.
Có thể nói, không khí oi nồng, ngột ngạt đã bao trùm lên toàn bộ thiên truyện và bao trùm lên cả

làng Vũ Đại. Không gian làng Vũ Đại đã thể hiện rõ giá trị hiện thực sâu sắc của tác phẩm.
2.2. Không gian túp lều ven sông
Túp lều ven sông – tài sản duy nhất của Chí Phèo được miêu tả với không gian: “ẩm thấp” và
ánh sáng “ hơi lờ mờ”. “Ở đâu người ta thấy chiều lúc xế trưa và gặp đêm khi bên ngoài vẫn
sáng”. Túp lều ấy “Ở gần một con sông con, nước lặng và trong, khắp bãi trồng toàn dâu, gió đưa
đẩy những thân mềm oặt ẹo, cuộn theo nhau thành làn”. Khu vườn nhà hắn có một lối đi nhỏ ra


sông “trước kia, cả xóm vẫn dùng cái ngõ ấy để ra sông tắm giặt hay kín nước. Nhưng từ khi hắn
đến người ta thôi dần, tìm một lối đi khác xa hơn”. Như vậy, không gian sống của Chí Phèo đã
hoàn toàn bị cô lập, bị tách ra hẳn không gian sống của loài người. Không gian ấy thật đẹp, thật
lãng mạn: “những đêm trăng (…) cái vườn phẳng ngổn ngang những bóng chuối đen đen như
những cái áo nhuộm vắt tung trên bãi” nhưng cũng có gì đó lạnh lẽo, rợn ngợp bởi thiếu vắng hơi
thở của sự sống con người.
2.3. Không gian đêm trăng
Không gian đêm trăng nơi bờ sông gần nhà Chí Phèo được Nam Cao miêu tả thật hữu tình với:
“Những tàu chuối đen nằm ngửa, ưỡn cong cong lên hứng lấy trăng xanh rời rợi như là ướt nước,
thỉnh thoảng bị gió lay lạy giãy lên đành đạch như là hứng tình”. “Trăng tỏa trên sông và sông
gợn biết bao nhiêu gợn vàng”.
Khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, tuyệt thơ mộng thường được dùng làm bối cảnh cho các mối
tình lãng mạn. Vậy mà ở đây, Nam Cao đã để Chí Phèo gặp Thị Nở - người đàn bà “ngẩn ngơ, dở
hơi, xấu xí” dưới thiên nhiên vô tư, trong trẻo đầy thi vị ấy. Phải chăng, đây chính là tấm lòng
nhân đạo cao cả của nhà văn. Nam Cao đã dành cho cuộc gặp gỡ của đôi trai gái “ khốn khổ”
những trang văn thấm đẫm chất thơ. Thì ra, trong mắt ông, những con người bị cả xã hội loài
người xa lánh, hắt hủi vẫn có thể đến được với nhau và cuộc gặp gỡ giữa họ vẫn đầy lãng mạn
thi vị như bao lứa đôi khác.
3. Sự kết hợp giữa không gian và thời gian nghệ thuật trong “Chí Phèo”
Không gian và thời gian nghệ thuật trong truyện “Chí Phèo” nhiều khi lẫn vào nhau, chuyển hóa
lẫn nhau. Hình ảnh không gian: “Cái lò gạch bỏ không” xuất hiện ở đầu truyện hoàn toàn trùng
khít với thời gian Chí Phèo ra đời “trần truồng và xám ngắt trong một cái váy đụp”. Sự kết hợp,

chuyển hóa này một lần nữa được lặp lại ở cuối truyện tạo nên kết cấu vòng tròn luẩn quẩn góp
phần thể hiện rõ qui luật tàn bạo của xã hội phong kiến đương thời. Nếu xã hội ấy còn tồn tại
những kẻ cường hào, thống trị kiểu Bá kiến và Lí Cường và chúng còn ra sức áp bức, bóc lột
thậm tệ thì vẫn còn những người dân lành bị đẩy vào con đường lưu manh, tha hóa như Chí
Phèo.
C. KẾT LUẬN
Là một nghệ sĩ bậc thầy, Nam Cao đã sử dụng linh hoạt các yếu tố thời gian và không gian trong
truyện ngắn “Chí Phèo”. Không gian và thời gian nghệ thuật ở đây luôn được mở ra nhiều chiều
nhờ những hồi tưởng, ước mơ và suy tưởng của nhân vật. Câu chuyện về cuộc đời Chí Phèo từ
thời hiện tại có thể quay về quá khứ hoặc hướng tới tương lai, thậm chí có khi xáo trộn cả không
gian với thời gian. Điều đó làm cho truyện “Chí Phèo” nói riêng và sáng tác của Nam Cao nói
chung mới thoạt nhìn bề ngoài tưởng như rất phóng túng, tùy tiện nhưng thực ra lại rất chặt chẽ.
Nó cho thấy sự buông bắt rất nhịp nhàng của tác giả.



×