Tải bản đầy đủ (.docx) (3 trang)

Tản mạn về thể thơ lục bát

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (76.98 KB, 3 trang )

Tản mạn về thể thơ lục bát
CHỦ NHẬT, 28 THÁNG 9 2014 11:35

VNTN - Trên thế giới chỉ duy nhất người Việt Nam làm thơ bằng thể lục bát. Có thể nói thơ lục bát là “đặc
sản” của thi ca Việt Nam. Tiếc là cho đến nay vẫn chưa biết ai là người đầu tiên sáng tạo ra thể thơ tuyệt
vời này để vinh danh. Ngay cả thời điểm ra đời cũng chưa xác định được.
So sánh với các thể thơ khác, lục bát có mấy điểm đáng chú ý sau đây:
Lục bát là thể thơ được sử dụng rộng rãi nhất
Các tác giả dân gian sử dụng thể thơ lục bát để sáng tác thơ ca, hò vè. Lục bát được dùng để làm lời
cho các làn điệu dân ca quan họ Kinh Bắc (Bắc Giang, Bắc Ninh), dân ca Nghệ Tĩnh, dân ca Bình Trị
Thiên… các bài ca vọng cổ ở Nam Bộ, hò Huế, hò sông Mã, hò khoan Lệ Thủy, hò đưa linh ở những
vùng quê ven biển miền Trung… Lục bát còn dùng để sáng tác một số truyện thơ dân gian. Số lượng các
bài vè sáng tác theo thể lục bát không phải là ít. Đặc biệt là ca dao! Có tới hơn 95% bài ca dao được
sưu tầm trong kho tàng ca dao Việt Nam được làm theo thể lục bát.
Trong văn học viết, các tác giả Nguyễn Du, Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Đình Chiểu… dùng thể thơ lục bát
để sáng tác: Truyện Kiều, Truyện Hoa Tiên, Lục Vân Tiên… Sau này, Tản Đà, Nguyễn Bính… còn sử
dụng thể thơ lục bát để viết những bài thơ trường thiên.
Trong các sinh hoạt văn hóa làng xã ngày xưa cũng như ngày nay, lục bát được sử dụng khá nhiều.
Ngay cả trong các bài diễn văn, phát biểu, dẫn chương trình… người ta thỉnh thoảng chen vào vài câu
lục bát cho thêm phần tươi mát, sinh động, hấp dẫn.
Có thể khẳng định không có thể thơ nào được sử dụng rộng rãi trong đời sống, trong văn chương như
thể lục bát. Nếu tính riêng về số câu, số bài thì chắc chắn lục bát đạt con số kỉ lục.

Lễ hội Thơ Lục bát do website lucbat.com khởi xướng
đã thu hút đông đảo người yêu thơ lục bát tham gia
Ảnh từ website lucbat.com
Lục bát được sử dụng linh hoạt nhất trong các thể thơ cách luật
Lục bát hết sức linh hoạt trong việc sử dụng số chữ trong câu, số câu trong bài; linh hoạt trong việc ngắt
nhịp, gieo vần, sử dụng luật bằng trắc…
Câu ca dao sau đây là một ví dụ điển hình:
Có thương thì thương


cho chắc
Bằng trục trặc thì
trục trặc cho luôn
Đừng như con thỏ nọ
đứng đầu truông
Khi vui dỡn bóng,
khi buồn dỡn trăng


Câu đầu và câu cuối không có gì phải bàn. Câu 2 và câu 3 có những điểm hơi khác biệt với những câu
lục bát thông thường. Lục bát thông thường tối kị hạ thanh trắc ở chữ thứ hai trong cả câu lục lẫn câu
bát. Ở bài ca dao trên, tác giả dân gian đã dùng từ láy “trục trặc” (đều là thanh trắc) đặt vào chữ thứ 2 và
thứ 3, nên thoạt nghe đã thấy “trục trặc”. Cách ngắt nhịp cũng khác lạ. Lục bát thông thường chủ yếu
ngắt nhịp chẵn (2-2, 2-4, 4-4 hoặc 4-2), cũng có một số câu ngắt nhịp 3-3 hoặc 3-3-2. Ở đây, tác giả dân
gian ngắt theo nhịp 1-2-1-2-2. Cách ngắt nhịp liên tục cùng với việc hạ thanh trắc ở chữ thứ 2 đã góp
phần thể hiện sự không suôn sẻ của mối tình này. Ở câu 3, tác giả cố ý đưa thêm 2 chữ (con, nọ) mà vẫn
không bị “sái”. Có người gọi những bài thêm vào một vài chữ trong câu kiểu này là “lục bát biến thể”.
Thực chất nó vẫn là lục bát, chẳng biến thành thể thơ nào khác. Gọi những bài lục bát thêm chữ là lục
bát “đặc biệt” có vẻ phù hợp hơn.
Cách gieo vần của thể lục bát cũng khá linh hoạt. Ngoài cách gieo vần thông thường, còn có cách gieo
vần ở chữ thứ 4 câu bát: Con cò mà đi ăn đêm/ Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao (ca dao)… Thậm
chí, có câu lục bát không vần vẫn được chấp nhận (tất nhiên là rất hi hữu). Chẳng hạn bài ca dao khá nổi
tiếng sau đây: Trong đầm gì đẹp bằng sen/ Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng/ Nhị vàng bông trắng lá
xanh/ Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn (chữ “vàng” ở cuối câu bát không vần với chữ “xanh” ở cuối
câu lục tiếp theo).
Lục bát có bài chỉ hai câu (Hỡi cô tát nước bên đàng/ Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi), có bài dài hàng
trăm câu (Lỡ bước sang ngang - Nguyễn Bính), cũng có những truyện thơ hàng nghìn câu (Truyện Kiều,
Lục Vân Tiên…).
Chính nhờ sự linh hoạt trong cách ngắt nhịp, gieo vần, trong việc sử dụng luật bằng trắc, trong cách thêm
chữ trong câu, số câu trong bài… mà những người làm thơ lục bát thiện nghệ như Nguyễn Du, Nguyễn

Bính, Tố Hữu, Nguyên Sa, Bùi Giáng… có điều kiện tung tẩy, biến hóa, góp phần làm cho thơ lục bát
tránh được sự khuôn sáo, nhàm chán. Đó cũng là cơ sở khá thuận lợi cho một số nhà thơ hiện nay như
Nguyễn Duy, Đồng Đức Bốn, Lê Đình Cánh… đã và đang làm mới thể thơ truyền thống này.
Lục bát là thể thơ mang đậm bản sắc dân tộc nhất
Từ thuở nằm nôi, người Việt Nam đã được tắm mình trong nhịp điệu của thơ lục bát. Những bài ca dao
mà các bà mẹ lựa chọn để ru con phần lớn là những bài lục bát có nhịp chẵn, vừa du dương vừa uyển
chuyển, dễ dàng đưa đứa trẻ vào giấc ngủ êm đềm: Chiều chiều ông Đội đi câu/ Cái be, cái chén, cái
bầu sau lưng; Mẹ già như chuối ba hương/ Như xôi nếp một, như đường mía lau; Gió đưa cây cải về
trời/ Rau răm ở lại, chịu lời đắng cay… Phải chăng vì thế mà phần lớn người Việt Nam khi trưởng thành
thường thích nghe những giai điệu nhẹ nhàng, sâu lắng hơn là những giai điệu mạnh mẽ, xô bồ?
Người Việt Nam vừa “nhân hậu” lại “đa tình, đa mang” (Lâm Thị Mỹ Dạ) có lẽ một phần cũng nhờ được
nuôi dưỡng bằng thơ lục bát. Có ai nhân hậu bằng người phụ nữ lấy phải người chồng không ra gì, vẫn
nói với người mình yêu rằng: Anh nói em cũng nghe anh/ Bát cơm lỡ đã chan canh mất rồi/ Nuốt vào
đắng lắm anh ơi/ Nhả ra thì để tội trời ai mang… Cái chất đa tình của các chàng trai Việt phần nào được
bộc lộ qua những câu ca dao: Hỡi cô tát nước bên đàng/ Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi; Hỡi cô cắt cỏ
bên sông/ Có muốn ăn nhãn thì lồng sang đây/ Sang đây, anh nắm cổ tay/ Anh hỏi câu này có lấy anh
không?… Tình cảm thủy chung son sắt của người Việt được thể hiện qua những câu nhắn gửi nhẹ
nhàng, tha thiết: Rủ nhau xuống bể mò cua/ Đem về hái quả mơ chua trên rừng/ Ai ơi chua ngọt đã từng/
Non xanh, nước bạc xin đừng quên nhau… Cốt cách người Việt Nam cũng phần nào được thể hiện qua
mấy câu ca dao sau đây: Trong đầm gì đẹp bằng sen/ Lá xanh bông trắng, lại chen nhị vàng/ Nhị vàng
bông trắng lá xanh/ Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn. Hàng trăm, hàng nghìn câu lục bát của ca dao,
của Nguyễn Du, Tản Đà, Huy Cận, Nguyễn Bính, Tố Hữu, Nguyễn Duy, Trần Đăng Khoa, Đồng Đức Bốn,
Lê Đình Cánh, Nguyên Sa, Bùi Giáng… đã đi vào tâm thức của người Việt Nam, góp phần nuôi dưỡng
tâm hồn, cốt cách người dân Việt. Những ai muốn tìm hiểu bản sắc, tâm hồn, cốt cách của người Việt
Nam thì xin hãy đến với thơ lục bát.
Lục bát là thể thơ có sức sống lâu bền nhất
Trong quá trình hình thành và phát triển, cho đến nay lục bát đã trải qua 3 thử thách lớn.
Thử thách thứ nhất là khi thể song thất lục bát ra đời. Song thất lục bát rất được các tác giả ưa dùng
trong suốt thời kì văn học trung đại. Thể thơ này phát triển mạnh vào thế kỉ 18 cho đến tận đầu thế kỉ 20.
Nhiều tác phẩm tiêu biểu của văn học Việt Nam đã sử dụng thể thơ này như bản dịch Chinh phụ ngâm

(Đoàn Thị Điểm), Ai tư vãn (Lê Ngọc Hân), Văn tế thập loại chúng sinh (Nguyễn Du), Cung oán ngâm
khúc (Nguyễn Gia Thiều), Tự tình khúc (Cao Bá Nhạ), bản dịch Tỳ Bà Hành (Phan Huy Thực)… Với sự
thắng thế của thơ song thất lục bát, tưởng chừng thể thơ lục bát sẽ bị mai một dần. Nhưng không! Lục
bát vẫn “cạnh tranh quyết liệt” và đồng hành cùng song thất lục bát với các tác phẩm Truyện Kiều
(Nguyễn Du), Truyện Hoa Tiên (Nguyễn Huy Tự), Lục Vân Tiên (Nguyễn Đình Chiểu)… Lục bát vẫn có


mặt trong thơ Nguyễn Công Trứ, Trần Tế Xương, Tản Đà… Các tác giả dân gian vẫn tiếp tục sáng tác ca
dao, hò, vè, truyện thơ bằng thể lục bát.
Thử thách thứ hai là kể từ khi thơ tự do xuất hiện ở xứ ta vào giai đoạn 1930-1945. Với nhiều lợi thế, thể
thơ tự do dần dần chiếm lĩnh thi đàn. Các thể thơ truyền thống như thất ngôn bát cú, song thất lục bát bị
lép vế hoàn toàn. Chỉ có thơ lục bát là không chịu lùi bước. Các nhà thơ trong phong trào Thơ Mới như
Huy Cận, Trần Huyền Trân, Lưu Trọng Lư… đã phát hiện khả năng kỳ diệu của thơ lục bát nên quyết
không từ bỏ thể thơ này. Thơ lục bát tiếp tục “cạnh tranh quyết liệt” và đồng hành với thơ tự do. Phải nói
người có công lớn nhất để lục bát vượt qua thử thách giai đoạn này chính là nhà thơ Nguyễn Bính.
Những bài thơ như Lỡ bước sang ngang, Tương tư, Người hàng xóm… của ông đã mang lại vị thế đáng
kể cho thơ lục bát trên thi đàn thời ấy.
Thử thách thứ ba là giai đoạn từ 1990 đến nay (2014), khi mà chủ trương đổi mới văn học được nhiều
người hưởng ứng; khi mà các trào lưu hiện đại, hậu hiện đại, siêu thực, tân hình thức… đang được một
số người ưa chuộng, cổ súy; khi mà thơ song thất lục bát hầu như vắng bóng, thơ thất ngôn bát cú chỉ
còn được các cụ hưu trí sáng tác để cùng nhau xướng họa, thù tạc… thì thơ lục bát vẫn “bám trụ” một
cách vững chắc. Số người viết và chất lượng thơ lục bát ngày càng tăng. Thơ lục bát vẫn được đăng tải
thường xuyên trên nhiều tờ báo và tạp chí văn nghệ từ Trung ương đến địa phương.
Phía trước còn nhiều chông gai, thử thách, nhưng với những ưu thế của mình, chắc chắn lục bát sẽ
trường tồn cùng năm tháng. Hàng nghìn câu lục bát hay trong ca dao, trong Truyện Kiều, trong thơ
Nguyễn Bính, Tố Hữu, Huy Cận, Nguyễn Duy, Trần Đăng Khoa, Nguyên Sa, Bùi Giáng, Đồng Đức Bốn,
Lê Đình Cánh… đã được thời gian sàng lọc, đã được bao nhiêu thế hệ độc giả ghi nhớ là bằng chứng
hùng hồn khẳng định sức sống kỳ diệu của thơ lục bát Việt Nam!
Mai Văn Hoan




×