Tải bản đầy đủ (.docx) (8 trang)

Hệ thống nhân vật trong truyện Nôm bình dân

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (106 KB, 8 trang )

Truyện Nôm là một thể loại quan trọng của văn học Việt Nam, gồm hai bộ phận: truyện Nôm bác học (TNBH) và truyện Nôm bình
dân (TNBD).

TNBH từ lâu đã được khẳng định vị trí trong nền văn học dân tộc với giá trị vĩnh cửu của Truyện Kiều (Nguyễn Du) và những tác
phẩm nổi tiếng như Lục Vân Tiên (Nguyễn Đình Chiểu), Hoa tiên (Nguyễn Huy Tự-Nguyễn Thiện)… Ngoài giá trị văn học và ý
nghĩa xã hội, chúng còn có nhiều đóng góp về mặt ngôn ngữ: khai thác triệt để vốn từ và làm phong phú thêm kho tàng tiếng Việt.
Vì thế, chúng được nhiều nhà nghiên cứu văn học và ngôn ngữ quan tâm tìm hiểu.
Đến lượt mình, TNBD lại là bộ phận đặc biệt của truyện Nôm. TNBD ra đời trong bối cảnh xã hội nông thôn Việt Nam cuối thời kì
phong kiến, gắn chặt với con người nông thôn Việt Nam, thể hiện tư tưởng tình cảm của người bình dân một cách rõ ràng, sâu sắc.
Vì thế nhân vật TNBD đã trở thành đối tượng của một số công trình nghiên cứu. Nhìn chung những công trình ấy chú trọng vào hai
điểm: 1.Tập trung tìm hiểu những tác phẩm nói về tình yêu, hôn nhân và gia đình của hai nhân vật chính; 2.Phân tích các khía cạnh
ngoại hình, tư tưởng và cuộc đấu tranh của họ để bảo vệ hạnh phúc.
Trong bài viết ngắn này, chúng tôi nghiên cứu nhân vật TNBD theo đặc điểm tính cách; đồng thời mở rộng sang một số tác phẩm
nằm ngoài nhóm truyện nói về tình yêu, hôn nhân và gia đình của các nhân vật chính-nhóm này sẽ được xem là một bộ phận của
vấn đề đang xét.

Các tác phẩm tiêu biểu chúng tôi chọn sử dụng trong bài viết gồm: 1.Bà chúa Ba; 2.Liễu
Hạnh công chúa diễn âm (LHCCDA); 3.Lý Công (LC); 4.Phạm Tải Ngọc Hoa (PTNH); 5.Phương
Hoa (PH); 6.Tống Trân Cúc Hoa (TTCH); 7.Truyện Từ Thức.
Nhân vật trong các tác phẩm trên có thể tạm thời chia thành hai nhóm như sau:1. Nhân vật là các chàng trai cô gái kết duyên vợ
chồng; 2. Nhân vật là thần tiên hoặc sẽ trở thành thần tiên.
1. Nhân vật là các chàng trai cô gái kết duyên vợ chồng:
Nhóm truyện có loại nhân vật này gồm: Lý Công, Tống Trân Cúc Hoa, Phương Hoa, Phạm Tải Ngọc Hoa. Xét ở thời điểm hiện tại,
hai nhân vật chính thường là những người khác hẳn nhau về địa vị xã hội và một phần nào về tính cách. Đáng lưu ý là mặc dù địa
vị và tính cách trái ngược nhau nhưng họ lại có trái tim đồng cảm sâu sắc. Trong đó cô gái là người có nhiều điểm nổi bật hơn.
1.1.Nhân vật cô gái:
Các cô gái trong TNBD thường là công chúa hoặc tiểu thư lá ngọc cành vàng. Đặc điểm chung của họ là xinh đẹp về ngoại hình, tốt
đẹp về bản chất, đặc biệt là lòng thủy chung tuyệt đối. Chúng tôi chỉ xin nói về ba điểm: 1.Chủ động trong tình yêu và hôn nhân;
2.Đấu tranh bảo vệ cho hạnh phúc; 3.Lòng hiếu thảo.
Có lẽ đúng là phái đẹp nhạy cảm hơn nên họ phát hiện ra trước nhịp đập trái tim mình hoà điệu với chàng trai ngay từ những giây
phút đầu tiên. Dù biết người ấy nghèo khổ, đi ăn mày, các cô không chỉ giúp đỡ về vật chất mà trong lòng còn cảm nhận ngay được


mối duyên tiền định. Công chúa Bạch Hoa (LC) dù chưa một lần gặp mặt nhưng khi nghe Thị Hương kể về Lý Công:
Đầu thời đội nón cỏ may
Mặt võ mình gầy, cầm sách giờ lâu
Dưới đất có bốn rồng chầu
Kiệu vàng tán bạc trên đầu hào quang


nàng liền “động lòng thương”. Công chúa đích thân may áo gấm thêu hoa cho chàng. Nàng đã lấy lí do “giảng kinh sách” để cho
chàng vào cung “sớm vào thì tối lại ra”. Tuy nhiên, giữa hai người vẫn là một mối tình trong sáng. Chúng ta thấy, hành động của
công chúa thật táo bạo, nàng dám vượt qua rào cản Nho giáo đến với tình yêu. Nàng cũng là một người sáng suốt. Ý thức được
sắc đẹp của mình có thể làm Lý Công xao nhãng việc học nên dù hàng ngày vẫn “giảng kinh”, nàng nhất quyết không cho Lý Công
gặp mặt. Tình yêu của nàng mãnh liệt nhưng trong sáng, hành động của nàng táo bạo nhưng không quá đà.
Nàng Ngọc Hoa (PTNH) chưa nghe Phạm Tải kể hết gia cảnh của mình đã “tự nhiên chuyển động bời bời lòng hoa” và chính nàng
nói lời ước hẹn:
Nữa mai gặp hội long vân
Đôi ta sẽ được Tấn Tần cùng nhau
Nàng yêu Phạm Tải ngay cả trong mơ:
Có đêm giấc quế hồn mai
Thấy chàng quân tử xa chơi động đào
Nhưng nàng không để lòng ngây dại vì tình yêu. Nàng thật thông minh sắc sảo khi vừa đưa ra lời ước hẹn với Phạm Tải sau khi
chàng thi đỗ sẽ “Tấn Tần cùng nhau” vừa xem đó như là điều kiện khi nào Phạm Tải thi đỗ mới “được” cưới nàng làm vợ.
Phương Hoa (PH) và Cúc Hoa (TTCH) dường như bị ngoại cảnh chi phối nhiều hơn. Phương Hoa được cha mẹ hứa gả cho Cảnh
Yên vì hai gia đình có tình đồng hương, đồng liêu. Có phải là sự ép uổng? Không phải! Vừa nghe tiểu đồng báo tin, nàng đã “mừng
thay trong lòng”. Đến khi nàng liếc thấy một chàng trai “văn mạo giá nên anh hào” thì đem lòng cảm mến ngay. Cho nên, giả sử
không có việc hứa hôn ấy thì sự tình chắc chắn cũng diễn ra như trong tác phẩm. Còn Cúc Hoa về làm vợ Tống Trân do phút nóng
giận của cha nàng. Nhưng trước đó, khi thấy cảnh Tống Trân với “nét mặt hiền lành” tới nhà xin ăn, nàng đã “động lòng” mà sẵn
sàng giúp đỡ. Qua đó có thể thấy, dù ít nhiều bị ngoại cảnh chi phối, các cô vẫn là người mạnh dạn đến trước với người mình yêu.
Hầu như điều đầu tiên đập vào mắt các cô gái là nét mặt đẹp đẽ sáng sủa, phong tư “khác vời” của các chàng trai. Để rồi người mà
các nàng gặp gỡ, ưng ý ấy nhất định sẽ trở thành người bạn đời cùng trải qua bao ngọt bùi, đau khổ.
Hạnh phúc sẽ đến với những người yêu chân thành và chung thủy. Các cô gái ở đây yêu chân thành và chung thủy, thế nhưng

hạnh phúc của họ luôn bị thử thách trước bao biến cố cuộc đời. Họ phải gánh chịu mọi nỗi thống khổ, thậm chí cực hình. Từ những
biến cố đó mới thấy được hết bản lĩnh phi thường của họ. Bạch Hoa chỉ vì bị vua cha phát hiện đưa Lý Công vào cung mà phải
chịu “thả trôi giang hà” cùng Lý Công. Bè trôi đến nước Hung Nô, vua Hung Nô nghe tiếng có người con gái đẹp tuyện trần trôi dạt
đến nước mình bèn tìm tơi ép nàng làm vợ và hại Lý Công. Nàng cự tuyệt:
Lấy uy hãm hiếp còn chi tình nồng
Thác thì thiếp thác cho xong
Trọn đạo vợ chồng, vẹn nghĩa mẹ cha
Trong lúc dầu sôi lửa bỏng mà nàng vẫn còn đủ tỉnh táo khuyên giải: hôn nhân không có tình yêu mà dùng quyền lực bắt ép thì
không thể có hạnh phúc. Thế nhưng, cái đầu vua Hung Nô đã bị trái tim cuồng si chế ngự. Hắn thật dã man trừng phạt nàng bằng
cách “tóc dài cắt vắn”, “mũi tai cắt hết não nùng, chân tay cắt hết khôn mong giữ giàng” vì nàng là một người biết giữ vẹn nghĩa tào
khang! Phi thường thay, có lẽ do có sinh lực được tạo ra từ lòng chung thủy, nàng vẫn sống. Yên tâm rằng với thân hình xấu xa
như thế sẽ chẳng còn ai thèm để ý đến nàng, vua Hung Nô mới “sai chúng đem nàng bỏ chợ Thanh Dương”. Nàng phải sống cảnh
lê la ăn mày đến khi được tiên dùng đan dược hoàn lại hình hài dung nhan và Lý Công-lúc này đã đỗ Trạng-rước về làm vợ.
Ngọc Hoa lại tự nguyện chấp nhận mức cao nhất: tự vẫn theo chồng. Tên Biện Điền bắt ép nàng không được, đã dâng tượng nàng
cho tên vua tàn bạo và háo sắc Trang Vương hòng trả thù cho thỏa lòng ghen tức. Ngay lập tức, Trang vương bắt nàng tiến cung.


Ngọc Hoa đã dùng “kế hoãn binh” để thoát khỏi vòng kiềm toả. Nàng xin về quê chịu tang chồng. Sau ba năm tang chế, nàng đã tự
vẫn để giữ trọn lòng chung thủy. Hành động này làm chúng ta liên tưởng đến Thúy Kiều. Thúy Kiều sau mười lăm năm lưu lạc,
“thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần” đã quyết định nhảy xuống sông Tiền Đường tự vẫn nhằm xoá sạch trần ai trên xác thân nàng,
kể cả xoá bỏ xác thân nàng trên cõi trần ai. Đó là hành động của con người không chịu vấy bẩn. Phương Hoa với Thúy Kiều tình
cảnh tuy hai nhưng tâm hồn rất giống. Phương Hoa dám lấy cái chết để giữ tròn trinh tiết, cuộc đấu tranh ở đây đã đạt tới đỉnh
điểm. Nhưng như thế không có nghĩa là đã hết. Nếu sự việc kết thúc tại đây thì thật sự bi thảm, có lẽ cuộc sống sẽ là tấn bi kịch vì
con người không còn chỗ bám víu khi gặp hoạn nạn. Tác giả TNBD đã nhóm lên tia hi vọng cho con người bằng cách dẫn dắt Ngọc
Hoa thực hiện một hành động phi thường: kiện lên Diêm Vương đòi công lí. Đó là quyết tâm chống đối đến cùng cái ác, cái bất
công. Qua đó cho thấy sự khẳng định vai trò người phụ nữ trong xã hội cũ.
Phương Hoa lại có cách đấu tranh khác để bảo vệ hạnh phúc gia đình. Trong thời gian Cảnh Yên bị hàm oan do trò tiểu nhân của
tên Tào Trung úy, Phương Hoa không màng cực khổ, lặn lội đến kinh thành tìm mọi cách giúp đỡ chàng. Đến khi kinh thành mở
khoa thi, nàng giả trai lấy tên Cảnh Yên đi thi và đỗ tiến sĩ, từ đó mới minh oan được cho Cảnh Yên. Phương Hoa chưa chính thức
là vợ Cảnh Yên nhưng tấm lòng của nàng thật đáng khâm phục. Thân nàng liễu yếu đào tơ nhưng sức mạnh tình yêu đủ tạo cho

nàng một nghị lực phi thường. Nàng dám thân gái một mình vượt “đường hoè dặm liễu” tìm ý trung nhân. Táo bạo hơn là hành vi
giả danh thi hộ với mong muốn giải oan cho Cảnh Yên. Với việc làm này, Phương Hoa đã đặt hết niềm tin vào tài năng “phun châu
nhả ngọc” của mình vì có thi đỗ thì ước nguyện giải oan mới thực hiện được; đồng thời cũng đặt trọn niềm tin vào đấng minh quân,
vào công lí, vào sự chiến thắng của cái thiện trước cái ác.
Ngoài những đức tính trên, các cô gái trong TNBD còn là ngững người con hết mực hiếu thảo với cha mẹ ruột hoặc cha mẹ chồng.
Những trường hợp bị cha cấm đoán, bị bắt ép lấy người giàu sang, tuy các nàng cương quyết không thuận lòng nhưng vẫn không
hề lên tiếng oán trách cha mình. Bạch Hoa bị cha thả bè trôi sông, mười năm lưu lạc đất khách quê người, nhưng vẫn lo cho cha
tuổi già không còn ai bên cạnh chăm nom hầu hạ. Cúc Hoa bị cha hất hủi, gả bán cho người giàu có nhưng khi nghĩ rằng Tống
Trân đã chết, nàng đã vì chữ hiếu mà bằng lòng ưng thuận…
Trong TNBD, chữ hiếu cũng được đề cao nhưng không phải là chữ hiếu Nho giáo cứng nhắc. Chính các cô gái này đã đem đến
cho chữ hiếu Nho giáo một nội dung mới, cách áp dụng mới. Ở đây, khi không thể giữ chữ hiếu với người cha đoạn tình tuyệt nghĩa
thì các nàng hiếu thảo với cha mẹ chồng, xem đấy cũng là bổn phận. Đã rất mực chung thủy với chồng thì cũng rất mực hiếu thảo
với cha mẹ chồng. TNBD thực hiện xuyên suốt điều này. Nhiều người cam chịu cực khổ vừa nuôi chồng ăn học vừa thay chồng
phụng dưỡng mẹ chồng không mảy may sơ suất. Thậm chí có trường hợp xẻ thịt mình nướng cho mẹ chồng ăn qua cơn đói thập
tử nhất sinh.
Nhưng như thế không phải là các cô quên hẳn cha mẹ ruột của mình mà vẫn ngày đêm thương nhớ lo lắng cho cha mẹ. Và cuối
cùng, sau khi đã đấu tranh thành công cho hạnh phúc thì các cô lại trở về cùng cha mẹ ruột và đều được chấp nhận. Cách giải
quyết của tác giả bình dân tuy có vẻ dễ dãi nhưng đã tạo ra kết quả mĩ mãn phù hợp với tâm lí, ước mơ của mọi người.
Qua đó có thể thấy, nhân vật nữ trong TNBD là những cô gái vẹn toàn công, dung, ngôn, hạnh. Đó là những đức tính tốt đẹp được
đúc kết từ vô vàn các cô gái Việt Nam. Và đặc biệt là sự chủ động, mạnh dạn trong tình yêu, hôn nhân, chính vì thế người viết xin
gọi các cô là “người phụ nữ mới trong xã hội cũ”.

1.2.Nhân vật chàng trai:
Các chàng trai thường là những người mồ côi, con nhà nghèo khổ, hoặc con nhà quyền quý trong quá khứ nhưng gia đình lâm vào
cảnh đại nạn, cuộc sống hiện tại vô cùng khó khăn. Đặc điểm chung của các nhân vật nam là đều phải đi ăn xin; đồng thời đều là
những người hiếu học, có tài có chí. Đây chắc chắn là nguyên nhân để các chàng lọt vào cặp mắt xanh nhạy cảm của các nàng.
So với sự mạnh dạn chủ động của các cô gái thì các chàng có vẻ rụt rè, nhút nhát. Do thân phận của họ, miếng cơm manh áo còn
lo chưa đủ thì làm sao dám nghĩ chuyện trai gái vợ chồng, hơn nữa đây lại là những tiểu thư khuê các. Phạm Tải dù đã được Ngọc
Hoa mở lời ước hẹn, nhưng chàng:
Tạ từ chân bước trở ra ngại ngần



Nghĩ mình thời vận gian truân
Thờ ơ hoa nguyệt, ôn nhuần văn chương
Có lẽ trong lòng chàng cũng muốn lắm, thích lắm vì được người đẹp tỏ tình và tỏ lòng chung thủy. Nhưng vì mặc cảm chăng, mà
chàng “ngại ngần”? Chàng có thật tình “thờ ơ hoa nguyệt” để “ôn nhuần văn chương” không? Hay là để cố gắng lập công danh để
xứng đáng hơn với người đẹp. Thật ra, nói như thế chưa chắc đã đúng. Vì chàng trở thành chồng Ngọc Hoa khi vẫn còn hàn vi cơ
nhỡ. Vì trong suốt thời gian từ khi gặp gỡ tới khi trở thành vợ chồng, ngoài những lời kể lể về thân thế khi được người khác hỏi
đến, chàng không có lời nào nói lên ý nguyện của mình. TNBD ít khi để chàng trai nói lên điều đó.
Lý Công còn “tệ” hơn. Vừa nghe Thị Hương nói công chúa đòi mình vào cung gặp mặt, chàng đã “rụng rời” chân tay:
Nam nhân đâu dám gần người nữ nhi
Vào e người giết tôi đi
Sợ “gần người nữ nhi”, đó là cái tệ thứ nhất của chàng. Chưa biết chuyện gì sắp xảy ra đã “e người giết tôi đi”, đó là cái tệ thứ hai
của chàng. Lục Vân Tiên nhờ có hành động anh hùng giải cứu Nguyệt Nga nên lời nói “Khoan khoan ngồi đó chớ ra, nàng là phận
gái ta là phận trai” không làm giảm đi phong thái nam nhi. Còn Lý Công chưa hề có hành động gì chứng tỏ khí phách nam nhi của
mình, mà công chúa đã “nguyện cùng trời đất chứng tri, họ Lý có phải duyên kia ngãi này”. Điều này chỉ có thể giải thích do duyên
trời định.
Ngay cả khi được nhà gái đối đãi tử tế, các chàng cũng không thoát khỏi nỗi hoài nghi, sợ hãi. Phạm Công được gia đình Tướng
công “Chiếu hoa sửa soạn lầu tây, mời chàng Nho sĩ tới rày ngồi chơi”, chàng “ngơ ngác rụng rời”:
Phận mình đâu dám được ngồi chiếu hoa
Hay là người thử bụng ta
Mà đúng là Tướng công thử bụng chàng thật, ông thách cưới “xuyến vàng ba cặp”. Đáng lẽ Phạm Công biết điều đó, vì có lẽ nào
con gái đang tương tư đến độ “võ vàng” mà ông còn “làm cao” trong khi biết rõ chàng không có khả năng lo đủ. Vậy mà dường như
chàng không nhận ra:
Ấu đâu dám sánh liên hoa
Cú đâu dám đọ tiên nga mĩ miều
Nghĩ mình chút phận hẩm hiu
Bạc vàng chẳng có, tính chiều nào xong
Đã nghĩ mình là phận ấu, phận cú không xứng đáng với hoa sen, với tiên nga mà vẫn lo lắng không biết làm sao có đủ sính lễ để
cưới nàng làm vợ. Đó là tâm lý chung của những chàng trai đang yêu mà cảm thấy gia cảnh mình không bằng người yêu, lại còn bị

thách cưới.
Bản tính các chàng hay e ngại, rụt rè nhưng đó không phải là mặc cảm về số phận. Bằng cớ là bước qua những e ngại lúc đầu đó
thì các chàng đã đường đường chính chính bước vào ngưỡng cửa hôn nhân. Điều đáng nói là, tác giả TNBD dường như không để
ý đến vấn đề này. Nghĩa là chuyện quí tiện phú bần không phải là chuyện đáng nói trong hôn nhân đúng nghĩa. Sự sắp xếp như vậy
là một khía cạnh thẩm mĩ trong tâm lí người bình dân.
Xét đến cuộc đấu tranh bảo vệ hạnh phúc gia đình, phái mạnh cũng tỏ ra không “mạnh” bằng phái yếu. Trong khi Ngọc Hoa đang
tìm cách cự tuyệt Trang Vương, thà chấp nhận cái chết chứ không chịu làm người “bội phu” thì Phạm Tải lại tỏ ra yếu đuối, khuyên
vợ bằng những lời lẽ khó có thể chấp nhận:


Ví dù nàng có lòng thương
Xin nàng giữ lấy lửa hương sau này
Sắt cầm hoà hợp bấy nay
Thời nàng chịu chế cho đầy ba đông
Mãn tang khi ấy mặc lòng
Còn tang chớ có đèo bòng chẳng nên
Là chồng, chẳng lẽ Phạm Tải không thấu hiểu nỗi lòng người vợ đầu ấp tay gối. Có thể do sợ sau khi mình chết đi, Ngọc Hoa
không còn chỗ nương tựa nên Phạm Tải mới khuyên nàng như thế. Nhưng dù sao thì Phạm Tải đã thể hiện suy nghĩ không được
chín chắn. Nếu muốn Ngọc Hoa tìm một chỗ dựa sao không khuyên nàng chọn người đứng đắn mà lại là tên Trang Vương háo sắc
bạo tàn. Lại nữa, khi chết xuống âm phủ gặp Diêm Vương, Phạm Tải đã không nghĩ tới việc kiện Trang Vương. Mãi đến khi Ngọc
Hoa tự vẫn, nàng mới là người chủ động làm việc ấy. Giả sử, Ngọc Hoa không quyên sinh bảo toàn trinh tiết với chàng mà đồng ý
làm vợ Trang Vương, thử hỏi Phạm Tải có yên lòng ngậm cười nơi chín suối?
Lý Công là người thụ động nhất. Dù được công chúa chủ động đưa vào cung, nhưng khi công chúa bị bắt tội, với tư cách là đấng
nam nhi, chàng phải đứng ra nhận lãnh trách nhiệm, hay ít ra cũng có lời nào giải thích. Ngược lại, hầu như chàng hoàn toàn im
lặng. Chàng “ngoan ngoãn” chịu lưu đày cùng công chúa, ngoan ngoãn nghe theo sự sắp đặt của công chúa trong thời gian lưu
đày. Trên bước đường gian khổ ấy, chàng đã nhận ra:
Nàng đà chẳng khác nguyệt kia đêm rằm
Chẳng hao chẳng kém chẳng lầm
Có khi tỏ đến nghìn trăm tiếng đồn
. . . . Giết tôi tôi lại tình chung với nàng

Cuối cùng chàng Lý cũng nhận ra điều kì diệu ấy. Điều quan trọng nhất công chúa cần lúc này là “tấm lòng”, và chàng đã làm
được: giết tôi tôi lại tình chung với nàng!
Các chàng trai trong TNBD dù có rụt rè, nhút nhát như nữ nhi (không phải nữ nhi trong TNBD) thì điểm đáng khen là các chàng
luôn chung thủy với vợ. Dẫu có cưới hai ba vợ thì vợ nhỏ luôn được vợ lớn vui vẻ chấp nhận, và các chàng cũng luôn “làm trai hai
(ba) vợ phải thương cho đều”.
2. Nhân vật là thần tiên hoặc sẽ trở thành thần tiên:
Nhóm truyện có loại nhân vật này gồm: Bà chúa Ba, Liễu Hạnh công chúa diễn âm, Truyện Từ Thức…

kể lại chuyện tình yêu hôn nhân giữa Từ Thức và Giáng Hương nhưng chúng
tôi không xếp vào nhóm truyện thứ nhất. Vì hai lí do: 1.Giáng Hương là tiên nữ và thời
gian trong tác phẩm phần lớn diễn ra ở cõi tiên; 2.Chuyện tình giữa hai người không gặp
trở ngại nào ngoài việc Từ Thức trở về hạ giới một thời gian thăm phần mộ tổ tiên (Hai
điều này ngược với nhóm truyện thứ nhất).
Truyện Từ Thức

Gặp nhau trong lúc hai người dạo cảnh chùa, Từ Thức đã “cởi trao cẩm thạch, đổi thay xuyến vàng” chuộc lỗi cho Giáng Hương vì
nàng vô tình làm gãy một nhành hoa của chùa. Nhờ quy luật khắt khe của nhà chùa mà Từ Thức có cơ hội ra tay vì người đẹp. Đó


là nhân duyên giữa chàng và nàng. Thế nhưng đến tận lúc chia tay “trăng đã xế ngoài hàn khê” thì mối nhân duyên đó tưởng
chừng như vô vọng. Từ Thức ngỏ lời yêu cùng Giáng Hương:
Rằng: khi lửa cháy lan thềm
Dẫu gan sắt đá cũng mềm lọ ai
Đã yêu nhau dám tiếc lời
Miễn là khỏi lụy đến người hồng nhan
Giáng Hương xin “minh khắc dám đâu quên lòng” nhưng nàng chưa chấp nhận ngay tình yêu ấy:
Bây giờ chưa tiện gạn gùng
Dám xin nghĩa ấy để lòng mà thôi
Nàng có yêu vị ân nhân của mình hay không? Nếu Giáng Hương không yêu chàng thì khi nàng về cõi tiên, nàng sẽ không bao giờ
trở lại để gặp chàng. Từ Thức cũng không cách gì tìm gặp được nàng. Từ Thức chưa biết Giáng Hương là tiên nên không nghĩ

rằng tình yêu của mình có nguy cơ tuyệt vọng. Nếu ngược lại, Giáng Hương cũng yêu Từ Thức, nhưng vì là phận nữ nhi nên còn e
lệ, giữ kẽ, thì nàng có thừa cơ hội gặp lại người yêu. Chia tay nhau mà vẫn còn luyến tiếc. Từ Thức chưa được đáp trả lời yêu
đương nhiên luyến tiếc. Còn Giáng Hương chỉ xin “nghĩa ấy để lòng” nhưng chắc gì con tim nàng không xao động.
Từ Thức lạc vào cõi tiên, chàng thì vô tình nhưng cơ duyên chắc là hữu ý. Ai bảo không phải do thần tiên dẫn lối đưa đường. Cõi
tiên có qui luật của cõi tiên, người thường làm sao vào được. Nhưng khi chàng đến thì “Cửa hang sực mở thênh thênh”. Khi chàng
còn đương “Nửa mừng nửa sợ, nửa tin nửa ngờ” thì tiên đồng xuất hiện mời chàng vào trong, rõ ràng thần tiên đã biết chàng đến.
Tại đây, chàng đã gặp Giáng Hương, được biết nàng là tiên và “Tương tư chút đã lâu ngày” nên “Một mai cầm sắt thực là bén
duyên”.
Nàng tiên ở đây biết yêu, đó là một tình cảm thường tình. Yêu mà biết tìm lời thoái thác, tạo cảm giác nhớ nhung da diết nơi người
mình yêu, cũng rất thường tình. Yêu đến độ tương tư, lại cũng là một lẽ hết sức thường tình. Nàng tiên ở đây không ai khác chính
là con người của trần tục với những tình cảm hết sức trần tục. Nàng chẳng khác gì Cúc Hoa (Phạm Công Cúc Hoa), Mị Nương
(Trương Chi) trong truyện Nôm, Lâm Đại Ngọc (Hồng lâumộng) trong tiểu thuyết Trung Quốc.
Chúa Ba (Bà chúa Ba) là con gái thứ ba của Trang Vương-một vị vua độc đoán, tàn bạo. Thông thường các nàng công chúa trong
TNBD đều biết yêu, chủ động yêu và yêu say đắm. Nhưng chúa Ba thì “Không trang điểm, chẳng chơi bời, ăn chay niệm Phật, nói
lời từ bi”, nàng không hề màng đến chuyện vợ chồng:
Phu thê là đạo cương thường
Trăm năm chung được chén vàng mãi ru!
Nghĩ ra nên cũng buồn rầu
Sao bằng mượn cảnh mà tu lấy mình
Trong thâm tâm nàng luôn nghĩ đến việc “hộ nước hộ dân”, mà trước tiên là phải làm sao để giảm bớt tội lỗi do cha mình gây nên.
Nàng quyết tâm quy y Phật pháp. Trải qua bao khổ nhọc: “một ngày trăm việc” ở chùa; cha “truyền lực sĩ đem đi gia hình” vì không
nghe lời khuyên bảo… và sau khi “độ trì chúng sinh”, giải thoát cho những người đang bị tù rạc khảo tra nơi địa ngục, nàng đã
được Phật Tổ phong làm Phật Kim Đồng. Sau khi hi sinh cả hai tai hai mắt trị bệnh cho Trang Vương và hoá cải Trang Vương “bỏ
tà theo chánh”, Phật Kim Đồng lại được Ngọc Hoàng sắc phong lên ngôi Phật Bà. Bà Chúa Ba chính là Phật Bà nghìn tay nghìn
mắt, là bậc Đại Từ Đại Bi Cứu Khổ Cứu Nạn.


Chúa Ba đại diện cho tấm lòng nhân hậu của con người Việt Nam. Bà sẵn sàng từ bỏ cung vàng điện ngọc, sẵn sàng chịu mọi đau
khổ, nhục hình vì mục tiêu cao cả: thành Phật để cứu độ chúng sinh.
Trong nhóm truyện này có lẽ LHCCDA gần với loại chí dị hơn cả. Chúa Liễu vốn là tiên, vì làm rơi chén ngọc nên bị đày xuống trần

gian làm con gái nhà họ Trần. Sau khi mãn hạn lưu đày, hồn trở về thượng giới nhưng vì nhớ cha mẹ và lo “Mẹ cha ái ngại nhớ
trông” nên đã xin Thượng Đế trở xuống trần gian. Đó là mục đích tốt. Nhưng từ đó, hồn chúa Liễu lẫn khuất ở cõi trần, thường hiện
hình người đi khắp nơi đùa cợt, phá phách mọi người đến nỗi nhà vua phải sai phù thủy làm phép tiêu trừ. Đó là những hành động
không thể chấp nhận được. Rất có thể tác giả diễn âm dựa vào một cốt truyện cổ hay một phong tục nào đó trong dân gian nhưng
không để ý lắm đến nguyên do chúa Liễu trở lại cõi trần. Vì thế mà có sự trái ngược như vậy. Chỉ cần thay đổi nguyên do hoặc
không cần có nguyên do gì cả thì cốt truyện sẽ dễ chấp nhận hơn.
TNBD miêu tả loài vật và thần tiên dường như không có ranh giới phân biệt với người. Người-thần tiên, thần tiên-người thường
xuyên chuyển hoá cho nhau. Con người có thể giao tiếp với thần tiên, có thể lên thiên đàng, xuống địa ngục. Thần tiên có thể tự do
đi lại nơi cõi trần. TNBD chịu nhiều ảnh hưởng truyện cổ dân gian nên thường xuyên xuất hiện nhân vật thần tiên, thậm chí nhân
vật là động vật (thông thường là dạng nhân vật phụ). Nhưng loài vật dù sao cũng gần gũi với con người. Còn thần tiên chỉ tồn tại
trong trí tưởng tượng. Vậy mà người xưa xem thần tiên giống con người cả về ngoại hình và tư tưởng. Khác chăng là có phép
thuật thần thông. Nhưng con người nhiều khi cũng có phép thuật nữa đấy.
Đặc biệt sự chuyển hoá trong cách miêu tả con người và thần tiên là rất rõ. Miêu tả người thì đẹp tựa thần tiên:
Hây hây ngọc đúc tựa người thần tiên

… Nhác trông cứ tưởng là tiên non bồng
(Tả Bạch Hoa)
Thần tiên thì được thổi vào sức sống tình cảm, hành động giống con người:
Dường còn khép nép rụt tè
Mai e tuyết sớm, liễu e gió chiều
(Tả Giáng Hương)
Có thể vì không biết thần tiên có hình dạng như thế nào nên ngay từ đầu người ta đã miêu tả “họ” giống “mình”. Mà đã giống con
người thì cũng có tâm hồn như con người, biết thương biết ghét, có ác có thiện… Đa số thần tiên trong TNBD là thương thiện ghét
ác, thường ra tay cứu giúp người hiền và trừng trị kẻ xấu. Đó phải chăng cũng chính là lời khuyên của tác giả TNBD với mọi người:
ở hiền thì mới gặp lành.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.Nhiều soạn giả, Kho tàng truyện Nôm khuyết danh (2 tập), Văn học, 2000.
2.Đặng Thanh Lê, Nhân vật phụ nữ qua một số truyện Nôm, TCVH số 2-3, 1968.
3.Lê Văn Lực, Lí tưởng thẩm mĩ trong một số truyện thơ bình dân thế kỉ XVIII đầu XIX, Luận văn cao học ngành Ngữ văn, ĐHSP,

TPHCM, 1995.
4.Trần Đình Sử, Mấy vấn đề thi pháp văn học trung đại Việt Nam, Giáo dục, Hà Nội, 1999.


Nguồn: Tạp chí Khoa học Xã hội, số 10 năm 2005



×