Tải bản đầy đủ (.doc) (6 trang)

Nghệ thuật xây dựng nhân vật phụ nữ từ truyện Nôm bình dân đến truyện kiều.

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (162.9 KB, 6 trang )

Nghệ thuật xây dựng nhân vật phụ nữ từ truyện Nôm bình dân
đến truyện kiều
PGS.TS. Nguyễn Thị Chiến
Sự xuất hiện hàng loạt truyện thơ Nôm thế kỷ XVII – XVIII (được giới nghiên cứu chia thành
truyện Nôm bình dân và truyện Nôm bác học) mà đỉnh cao là Truyện Kiều đã góp phần tạo nên
diện mạo mới cho văn học dân tộc. Thành công đặc biệt của truyện thơ Nôm là nghệ thuật thể
hiện con người “ở cấp độ nhân vật văn học… với chân dung ngoại hình, ngôn ngữ, tâm lý, tính
cách, số phận riêng, con người đều có tính tạo hình ở chừng mực nào đó”

Hình tượng trung tâm của truyện thơ Nôm, kể cả Truyện
Kiều là người phụ nữ mà nét đẹp của họ được khắc hoạ
không chỉ ở “Công, dung, ngôn, hạnh” mà còn ở trí tuệ, ở
bản lĩnh và sự tự ý thức về giá trị của giới mình. Điều đó
thể hiện sự chuyển hướng của văn học trung đại: hướng
vào cuộc sống hiện thực và hướng vào cái đẹp của cuộc
sống.

Nhìn vào góc độ đó, Truyện Kiều là thành tựu của sự phát
triển đạt tới đỉnh cao của Truyện Nôm, vì thế không tách
khỏi sự phát triển của tư duy nghệthuật trong không gian
văn hoá thời trung đại, đặt biệt tính từ điểu khởi đầu là
Truyện Nôm bình dân . Truyện Kiều thực sự là bước đột
phá mạnh mẽ, táo bạo, tạo nên sự phát triển về chất lượng
trong nghệ thuật phản ánh và xây dựng con người chủ yếu
là người phụ nữ. Chúng ta thử phân tích bước đột phá đó từ
truyện Nôm đến Truyện Kiều.

1. Về Truyện Nôm bình dân.

Xuất phát từ quan niệm coi văn chương là nêu gương đạo đức và bài học răn đời, truyện Nôm
bình dân tập trung thể hiện người phụ nữ với phẩm chất lý tưởng về sắc đẹp, đức hạnh. Cái đẹp


của hình tượng biểu hiện ở mặt đạo đức, ở sự thống nhất của cái chân, cái thiện, cái mỹ trong
chính phẩm chất lý tưởng của họ. Vì vậy nghệ thuật thể hiện con người của loại truyện này chủ
yếu thông qua miêu tả hành động, sự kiện và ngôn ngữ đối thoại.

Về cơ bản, kết cấu nghệ thuật truyện Nôm bình dân rất gần với khuôn dạng truyện cổ tích theo
mô típ: chàng nho sĩ nghèo lấy được vợ nhân hậu giàu có, được vợ nuôi ăn học thành tài. Sau đó
người chồng bị vua ép lấy công chúa hoặc vợ bị bọn cường quyền ức hiếp, ép duyên nhưng vẫn
một lòng chung thuỷ với nhau. Đó là truyện Phạm Tải Ngọc Hoa, Phạm Công Cúc Hoa, Tóng
Trân Cúc Hoa… Cũng có loại truyện kết cấu như vậy nhưng tình tiết truyện có khác nhau như
các tác phẩm Phương Hoa, Hoàng Trừu, Quan Âm Thị Kính… Nhìn chung, truyện Nôm bình
dân đều có một kết cấu chung ‘Hội ngộ – Tai biến - Đoàn tụ”. Để dẫn dắt cốt truyện theo trình
tự đó, truyện Nôm bình dân lấy hành động sự kiện, không phân tích các trạng thái nội tâm gắn
liền với hành động đó. Để thể hiện tình yêu với Phạm Tải, hành động của Ngọc Hoa là đem tiền
của giúp Phạm Tải. Còn để tỏ thái độ chống đối vua Trang Vương, hành động của Ngọc Hoa là
tự làm xấu dung nhan của mình. Nhằm chứng minh đức hạnh kiên trinh của Ngọc Hoa khi
Phạm Tải chết, tác giải miêu tả Ngọc Hoa để tang chồng bằng cách ngồi cạnh quan tài ba năm.
Sau ba năm, Ngọc Hoa tự tử chết theo. Đó là đỉnh điểm của hành động, sự thể hiện tính cách
nhân vật lý tưởng của tác giả.

Đứng sau và gắn liền với hành động đó, Truyện nôm bình dân không phân tích nội tâm nhân
vật. Có thể coi đây là một “khoảng trống” trong nghệ thuật thể hiện con người của truyện Nôm
bình dân. ở loại truyện này chỉ thấy một mối quan hệ gồm hai yếu tố tương ứng với nhau. Đó là
hành động và phẩm chất mà không có các yếu tố khác đáng ra rất cần có là ngoại hình – tâm lý
– hành động – phẩm chất.

Sự đối lập tuyệt đối giữa thiện và ác cũng chính là xung đột giữa hành động, sự việc mang tính
thiện và hành động, sự việc mang tính ác, là biểu hiện đăc trưng, định tính của cách thể hiện
nhân vật trong Truyện Nôm bình dân. Xung đột thiện - ác gắn liền với kiểu tư duy nghê thuật đã
có tác động sâu sắc đến quá trình xây dựng nhân vật của loại truyện này. Nhân vật Ngọc Hoa
trong cuộc đấu tranh quyết liệt với thế lực ác – vua Trang Vương, tạm thời thất bại nhưng sự

bền bỉ quyết tâm chống lại bạo lực vẫn tiếp diễn ở “tuyền đài” là lời tố cáo sâu sắc chế độ
phong kiến, là tiếng kêu bảo vệ đạo đức, nhân phẩm như chưa từng có trong văn chương bác
học trước đó. Các nhân vật phụ nữ khác của truyện Nôm như Thoại Khanh (Thoại Khanh Châu
Tuấn), Bạch Hoa (Lý Công), Cúc Hoa (Tống Trân Cúc Hoa).v.v… cũng phải trải qua gian truân
khổ ải mới đạt đến hạnh phúc – cái hạnh phúc có được bao giờ cũng là sự vượt khỏi những quy
tắc đạo đức Khổng giáo, bao giờ cũng là sự dấn thân giành lại quyền sống cho mình.

Như vậy, việc thể hiện nhân vật phụ nữ trong truyện Nôm bình dân luôn có những đặc điểm và
phẩm chất tương đồng nhau, khó phân biệt, nhân vật chưa đạt tới “cá tính” mà mới chỉ dừng lại
ở “loại tính”. Điều này do xuất phát từ một quan niệm thẩm mỹ truyền thống: cái đẹp là cái đạo
đức, phản ánh một phương thức thể hiện con người, một kiểu tư duy nghệ thuật bắt nguồn từ
truyện cổ dân gian.

2. Về bước đột phá trong xây dựng nhân vật
Thuý Kiều của Truyện Kiều.

Phải khẳng định rằng những thành công trong nghệ
thuật thể hiện con người của Truyện Kiều thể hiện
bước phát triển của quan niệm và tư duy văn học
thời kỳ này: Khẳng định con người đặc biệt là
người phụ nữ, ngoài phẩm hạnh còn là tài, trước hết
là tài hoa, tài sắc. ở nhân vật Kiều tài tình còn gắn
bó với số phận, với cuộc đời, với những vấn đề xã
hội. Tài sắc của Kiều không được coi trọng, bị chi
phối, bị vùi dập bởi lực lượng tàn phá tài sắc và
được Nguyễn Du cho là “mệnh”.

Bước đột phá của Nguyễn Du trong nghệ thuật thể
hiện nhân vạt bắt đầu từ việc miêu tả ngoại hình
Thuý Kiều. Nguyễn Du đã sử dụng hình tượng thiên nhiên như một công cụ để tô đậm vẻ đẹp

ngoại hình Thuý Kiều là ‘làn tthu thuỷ”, “nét xuân sơn”, “hoa”, “liễu’… Nhưng điều quan trọng
luôn là, yếu tố thiên nhiên được Nguyễn Du sử dụng rất có hiệu quả trong nghệ thuật miêu tả
nội tâm nhân vật, thế giới tâm trạng tình yêu đôi lứa thật tài hoa và điêu luyện.

Trong việc miêu tả mối tình Kim Trọng – Thuý Kiều, Nguyễn Du luôn sử dụng yếu tố thiên
nhiên như một thủ pháp nghệ thuật để khám phá và biểu đạt những rung cảm tinh tế nhất, bởi
tình yêu từ trong bản chất đã làm một thứ ngôn ngữ riêng “không lời” bắt nguồn từ thế giới tinh
thần sâu xa và thuần khiết nhất. Sau lần đầu tiên gặp chàng Kim mà “tình trong như đã”, tâm
trạng xao xuyến của Kiều được miêu tả hoàn toàn bằng yếu tố thiên nhiên như một nhân vật thứ
ba nói hộ tâm trạng Thuý Kiều. Kiều tưởng nhớ đến buổi “kỳ ngộ” với Kim Trọng trong khung
cảnh” gương nga chênh chếch dòm song”, với cành liễu trĩu nặng sương đêm “hải đường lả
ngọn đông lân’. Rồi đến những day dứt thầm lặng của Kiều khi nàng ngơ ngác, cô đơn trong
một xã hội đầy cạm bẫy, xa lạ và đáng sợ…, đều được Nguyễn Du bộc bạch qua những vần thơ
về thiên nhiên. Các nhà nghiên cứu đã nói đến phong cảnh ở Lầu Ngưng Bích, một bức tranh
thiên nhiên toàn mỹ, đồng thời cũng là bức hoạ hài hoà sắc màu hiện ra như nhìn thấy được của
một thế giới nội tâm trong sáng, dịu dàng nhưng tràn ngập nỗi buồn và mong manh hy vọng “
Thuyền ai thấp thóng cánh buồm xa xa”. Sau mười lăm năm lưu lạc, thân xác rã rời, trước khi
gửi mình theo dòng nước, Kiều chơi vơi, cô quạnh trong cảm xúc đau đớn “nỗi lòng biết ngỏ
cùng ai”, thiên nhiên lại xuất hiện “ Mảnh trăng đã gác non đoài” như cùng Kiều san vợi nỗi u
phiền, tuyệt vọng.

Có thể nói rằng với Thuý kiều, thiên nhiên không chỉ góp phần khắc hoạ ngoại hình mà còn gắn
bó với nhân vật trong mọi trạng thái cảm xúc vui buồn và đời sống nội tâm. Thiên nhiên ấy
không bao giờ lặp lại mà luôn biến hoá như sự biến đổi tinh tế, nhiều vẻ của tâm trạng Thuý
Kiều. Khung cảnh thiên nhiên vào một ngày xuân, một buổi sáng thanh bình, êm ả “ Cỏ non
xanh tận chân trời’ chứa chan cảm xúc và tâm trạng hồn nhiên, vô tư của người phụ nữ trẻ trung
xinh đẹp, thì cuối ngày, khi bóng nắng đã “tà tà”, tâm trạng Kiều lại như “chùng” xuống khi gặp
ngôi mộ “vắng tang hương khói” của một người phụ nữ “ nổi danh tài sắc một thì’ chợt se lòng
bởi cảm giác liên tưởng bâng khuâng “ thấy người nằm đó biết sau thế nào’. Nhưng khi Kim
Trọng vừa xuất hiện với hoà sắc thanh khiết “cỏ pha màu áo nhuộm non da trời’, cảm xúc bồng

bột, ấm áp xâm chiếm cõi lòng và thiên nhiên cũng bừng lên ánh sáng của “cây quỳnh cảnh
dao”, ánh sáng của tình yêu và niềm hy vọng.

Nguyễn Du đã miêu tả nhân vật Thuý Kiều qua nhiều lần phải chia ly với gia đình, chị em,
người yêu, đều có hình ảnh thiên nhiên hiu hắt cô quạnh, hoặc “gió dục mây vần” như chính
tâm trạng nàng. Chia tay với Kim Trọng khi tình yêu đang độ nồng nàn tha thiết nhất, thiên
nhiên cũng như chia với nàng nỗi buồn nhớ đến héo hon “Hoa trôi dạt thẳm, liễu xơ xác vàng”.
Khi từ biệt gia đình để đi theo mã Giám Sinh, phong cảnh cũng hãi hùng, u ám “mây kéo tối
rầm” “đen rầm ngàn mây”.
Những hình ảnh thiên nhiên có khi lặp lại nhưng bao giờ cũng nhằm biểu hiện thế giới tinh thần
gắn với nhu cầu bộc lộ nội tâm và thế giới tâm hồn Thuý Kiều. Rõ ràng, yếu tố thiên nhiên được
khai thác triệt để nhằm khắc họa tính cách nhân vật phụ nữ chính diện. Thiên nhiên trong
Truyện Kiều được thể hiện không chỉ là cái nền đơn giản cho câu chuyện mà nó đã trở thành
một yếu tố cấu thành trong tư duy nghệ thuật của Nguyễn Du khi khắc hoạ những phẩm chất,
tâm hồn, tình cảm, tinh thần của người phụ nữ tài sắc. Đây là nét nổi bật và thành công nhất
trong bút pháp miêu tả nhân vật của Nguyễn Du. Theo Lê Đình Kỵ: “ở Truyện Kiều, những loan
phượng, uyên ương, yến anh, mây mưa, hoa nguyệt, trúc mai… đã vượt qua tính cách tu tù mà
đi và tư duy nghệ thuật” .
Khác biệt với tác giả truyện Nôm bình dân chỉ ‘đứng ngoài”, khách quan miêu tả nhân vật.
Nguyễn Du luôn bộc lộ thái độ với từng loại nhân vật, đặc biệt với người phụ nữ tài sắc như
Thuý Kiều. Trải bao thăng trầm đau khổ trong mười lăm năm lưu lạc, nhưng khi gặp tai hoạ, lập
tức Nguyễn Du “có mặt’ để bênh vực, an ủi nàng. Từ đoạn “dừng chân, đầu tiên, khi Kiều cực
lòng phải chung chạ với Mã Giám Sinh, Nguyễn Du cay đắng thốt lên: Tiếc thay một đoá trà
my/ Con ong đã tỏ đường đi lối về . Đến khi bị Sở Khanh lừa, Nguyễn Du đã căm phẫn: Tiếc
thay trong giá trắng ngần/ Đến phong trần cũng phong trần như ai. Rồi khi Kiều rơi vào lầu
xanh, Nguyễn Du đã tỏ sự đau đớn, tủi cực như chính Kiều vậy: Xót nàng chút phận thuyền
quyên/ Cành hoa đem bán vào thuyền lái buôn. Đến lúc Kiều tự tử ở sông Tiền Đường, nỗi đau
của Nguyễn Du dành cho số phận nàng đã lên đến tột cùng:
Thương thay cũng một kiếp người
Hại thay mang lấy sắc tài làm chi…

Nhưng từ “xót thay”, “thương thay”, “hại thay” xuất hiện nhiều lần trong nhiều hoàn cảnh khác
nhau nhưng đều mang nặng tình cảm sâu xa của Nguyễn Du dành cho nhân vật ông yêu mến.
Ngôn ngữ tác giả còn thể hiện trong sự lý giải và phân tích tâm lý nhân vật, khắc hoạ sâu sắc
bản chất nhân vật Thuý Kiều. Có những đoạn tác phẩm được coi như “ màn kịch tâm lý” (Hoài
Thanh). Màn kịch gồm ba nhân vật: Hoạn Thư, Thúc Sinh và Kiều. Chỉ tám mươi câu thơ ở
đoạn này nhưng cuộc gặp gỡ đầy tính kịch của ba nhân vật được “mổ xẻ” một cách cụ thể, tinh
tế mà chủ yếu chỉ có ngôn ngữ tác giả. Qua từng câu thơ, từng từ, các nhân vật được chạm khắc
tới mức tinh xảo. Hãy quan sát sắc diện của Kiều khi được Hoạn Thư gọi ra hầu rượu: từ dáng
đi ngại ngùng của “phận con hầu”, từ tâm trạng kinh ngạc, bàng hoàng, đến sững sờ khi nhận ra
Thúc Sinh là chồng Hoạn Thư, lại là ‘người chủ” của nàng. Kiều đã nhận ra một sự thực khủng
khiếp đang đè nặng lên hoàn cảnh vô cùng éo le, nhận ra dã tâm, sự nham hiểm của Hoạn Thư,
người đàn bà đang cầm trong tay vận mệnh bản thân nàng: “Bề ngoài thơn thớt nói cười mà
trong nham hiểm giết người không dao”. Đó là ý nghĩ của Thuý Kiều nhưng lại được Nguyễn
Du diễn tả bằng chính ngôn ngữ tác giả. Nỗi niềm bi đát nhất, nỗi cay cực nhất của Thuý Kiều
lúc này như hằn lên, sôi sục trong từng câu thơ Nguyễn Du. Trái tim nàng đang nhức nhối, nỗi
lòng đang ê chề vì tủi hổ nhưng vẻ ngoài vẫn phải phục tùng: Cúi đầu nép xuống sân mai một
chiều… Việc Kiều nhận thức sâu sắc về thân phận, về hoàn cảnh, về thực tại đã tạo nên sự
thống nhất biện chứng in đậm tính bi kịch giữa nội tâm và hành động của Thuý Kiều. Trong tám
chục câu thơ của màn kịch, đã có sáu mươi chín câu là ngôn ngữ tác giả. Thuý Kiều hoàn toàn
im lặng vậy mà trong tâm hồn dịu dàng của nàng là xung đột, là bão tố như đang gào thét, là nỗi
đau và hận thù trào dâng, đang muốn bứt ra bằng mọi giá. Ta khó mà phân biệt ở đây nàng Kiều
đang đau khổ hay chính trái tim nhà thơ đang rỉ máu.
Có thể thấy về đặc điểm ngôn ngữ tác giả, cái mới của Truyện Kiều so với truyện Nôm khác là
vận dụng ngôn ngữ tác giả để bộc lộ thái độ nhằm phân biệt nhân vật và phân tích tâm lý nhân
vật. Vì vậy, hình tượng nhân vật Truyện Kiều có giá trị khái quát và chiều sâu tâm lý, mang sắc
thái riêng biệt.
Nhằm tạo nên tính đa dạng và chiều sâu của tính cách nhân vật Thuý Kiều, Nguyễn Du đã sử
dụng nghệ thuật mang tính, tổng hợp, đan xen và tác động lẫn nhau của các yếu tố ngoại hình,
nội tâm, hành động và sự kiện. Đây là một tìm tòi mới trong phương pháp xây dựng nhân vật
của nguyễn Du như nhiều nhà nghiên cứu đã phân tích, nhưng chủ yếu mới nói đến các yếu tố

trên như là một phương thức độc lập mà dường như chưa chú ý nhiều đến sự tác động tương hỗ
giữa chúng với nhau.
Nếu như việc miêu tả ngoại hình nhân vật ít nhiều còn đứng tách biệt để nhằm giới thiệu nhân
vật thì những biện pháp như miêu tả nội tâm, dẫn dắt hành động, sự kiện, sử dụng ngôn ngữ đối
thoại, đặc biệt là ngôn ngữ độc thoại đã được Nguyễn Du sử dụng một cách tổng hợp để soi rọi
và khắc hoạ tính cách nhân vật, từ đó dẫn tới hiệu quả nghệ thuật tổng hợp. Chẳng hạn, đoạn
khi sắp phải rẽ sang một bước ngoặt biết chắc chắn sẽ oan khổ, Thuý kiều không sao bình tâm
được: “Một mình nàng ngọn đèn khuya / áo đầm giọt lệ tóc se mái sầu. Thuý Kiều tự bộ bạch
nỗi lòng với chính mình, thương nhớ Kim Trọng, xót xa cho mối tình vừa mới bắt đầu đã dở
dang. Công trình kể biết mấy mươi/ vì ta khăng khít cho người dở dang. Càng về khuya, Kiều
càng không ngủ được: Dẫu trong trắng đĩa/ lệ tràn thấm khăn… Rồi đến khi Kiều thổn thức cậy
em “chắp mối tơ thừa”, đã trao lại cho Thuý Vân cả tình yêu và lời uỷ thác tin cậy: Giao loan
chắp mối tơ thừa mặc em. Kiều đã nghĩ đến thân phận mai sau của mình, nghĩ đến khi mình là
“cô hồn” lang thang nơi đất khách quê người, tâm trạng vật vã, khắc khoải đến tột đỉnh và ngất
đi.
Nghệ thuật khắc hoạ nhân vật của Nguyễn Du là sự kết hợp một cách nhuần nhuyễn, điêu luyện
các yếu tố sự kiện (kiều bán mình) và bộc lộ nội tâm (độc thoại)… cái tinh tường của Nguyễn
Du là thể hiện ngôn ngữ đối thoại nhưng cũng đồng thời như ngôn ngữ độc thoại, nói với Thuý
Vân mà như nói với chính Kiều. Sự tổng hợp đến tuyệt vời các yếu tố trên đã tạo cho Nguyễn
Du đạt được những thành công đặc biệt khi xây dựng nhân vật Thuý Kiều – Theo Trần Đình Sử.
“Trong cấu trúc nhân vật Truyện Kiều, thế giới bên trong chiếm ưu thế so với biểu hiện hành
động bên ngoài, gương mặt bên trong cụ thể hơn gương mặt bên ngoài. Lời nói bên trong (độc
thoại nội tâm, ngôn ngữ trực tiếp) chân thật và sinh động hơn lời đối đáp bên ngoài. Cảnh và vật
bên ngoài có xu hướng nội tâm hoá, đối thoại bên ngoài có xu hướng độc thoại hoá… Đó
chính là cái mới, là bước phát triển thực sự của tư duy nghệ thuật trong văn học trung đại Việt
Nam.
Từ một số đặc điểm nghệ thuật thể hiện con người ở cấp độ nhân vật văn học – Cụ thể là nhân
vật phụ nữ - Từ Truyện Nôm bình dân đến Truyện Kiều có thể thấy quan niệm và sự thể hiện về
con người trong Truyện Nôm bình dân thường bắt nguồn từ truyện cổ dân gian. Mỗi truyện đều
nhằm biểu hiện khát vọng đạo lý, đức hạnh, hiếu nghĩa của những người phụ nữ bình dân,

không có ý định miêu tả và phân tích những tình yêu cụ thể với quá trình chuyển biến nội tâm
phức tạp và chỉ đề cập đến chữ hiếu – tiết – nghĩa vốn thuộc những vấn đề đạo đức gia đình. Đó
cũng là vẻ đẹp mà Truyện Nôm bình dân muốn thể hiện. Với Truyện Kiều, cái đẹp được quan
niệm trước hết là tình cảm thực trong tình yêu tự do, khát vọng thực về hạnh phúc của con
người trong xã hội. Nhân vật Thuý Kiều được khắc hoạ đa dạng và tinh tế trước hết là người
của tình yêu tự do, tình yêu đó không mâu thuẫn với đạo đức nhân dân, với hiếu, tiết, nghĩa,
đức hạnh vốn từ lâu đã được “Việt Hoá’ như một giá trị đạo đức dân tộc. Đó là một bước tiến
mới trong quan niệm thẩm mỹ của văn học trung đại được thể hiện qua nghệ thuật xây dựng
nhân vật phụ nữ, đặc biệt thành công ở Truyện Kiều của Nguyễn Du./.

×