Tải bản đầy đủ (.pdf) (91 trang)

Tội gây rối trật tự công cộng theo pháp luật hình sự việt nam từ thực tiễn tỉnh quảng ngãi

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.79 MB, 91 trang )

VIỆN HÀN LÂM
KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI

DƯƠNG MINH HIỀN

TỘI GÂY RỐI TRẬT TỰ CÔNG CỘNG THEO PHÁP
LUẬT HÌNH SỰ VIỆT NAM TỪ THỰC TIỄN
TỈNH QUẢNG NGÃI

LUẬN VĂN THẠC SĨ LUẬT HỌC

HÀ NỘI – năm 2018


VIỆN HÀN LÂM
KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI

DƯƠNG MINH HIỀN

TỘI GÂY RỐI TRẬT TỰ CÔNG CỘNG THEO PHÁP
LUẬT HÌNH SỰ VIỆT NAM TỪ THỰC TIỄN
TỈNH QUẢNG NGÃI
Chuyên ngành: Luật hình sự và tố tụng hình sự
Mã số: 838.01.04

LUẬN VĂN THẠC SĨ LUẬT HỌC

NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC
GS.TS. NGUYỄN NGỌC ANH



HÀ NỘI – năm 2018


LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các số liệu, kết
quả trong luận văn là trung thực và chưa từng được công bố trong bất kỳ công trình
nào khác.
Tác giả luận văn

DƯƠNG MINH HIỀN


MỤC LỤC

MỞ ĐẦU ....................................................................................................................1
CHƯƠNG 1. MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG VỀ TỘI GÂY RỐI TRẬT TỰ CÔNG
CỘNG THEO PHÁP LUẬT HÌNH SỰ VIỆT NAM ..............................................7
1.1. An toàn công cộng, trật tự công cộng với tư cách là khách thể quan trọng được
luật hình sự Việt Nam bảo vệ ......................................................................................7
1.2. Khái niệm và phân biệt tội gây rối trật tự công cộng với một số tội phạm khác
trong luật hình sự Việt Nam ......................................................................................15
1.3. Khái quát lịch sử hình thành và phát triển của luật hình sự Việt Nam từ khi ban
hành Bộ luật hình sự năm 1985 đến khi ban hành Bộ luật hình sự năm 2015 về tội
gây rối trật tự công cộng ...........................................................................................27
CHƯƠNG 2. TỘI GÂY RỐI TRẬT TỰ CÔNG CỘNG THEO QUY ĐỊNH BỘ
LUẬT HÌNH SỰ VÀ THỰC TIỄN XÉT XỬ TỘI GÂY RỐI TRẬT TỰ CÔNG
CỘNG TẠI TỈNH QUẢNG NGÃI .......................................................................35
2.1. Thực trạng các quy định có liên quan của Bộ luật hình sự Việt Nam hiện
hành về tội gây rối trật tự công cộng ........................................................................35

2.2. Tình hình và kết quả xét xử tội gây rối trật tự công cộng của ngành Tòa án tỉnh
Quảng Ngãi ...............................................................................................................44
2.3. Một số tồn tại, vướng mắc trong hoạt động xét xử tội gây rối trật tự công cộng
của ngành Tòa án tỉnh Quảng Ngãi ...........................................................................53
2.4. Nguyên nhân của tồn tại, vướng mắc trong hoạt động xét xử tội gây rối trật tự
công cộng của ngành Tòa án tỉnh Quảng Ngãi..........................................................59
CHƯƠNG 3. MỘT SỐ GIẢI PHÁP TIẾP TỤC HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT
VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ XÉT XỬ TỘI GÂY RỐI TRẬT TỰ CÔNG
CỘNG Ở TỈNH QUẢNG NGÃI ............................................................................62
3.1. Sự cần thiết và ý nghĩa của việc tiếp tục hoàn thiện các quy định của bộ luật
hình sự Việt Nam về tội gây rối trật tự công cộng ...................................................62


3.2. Hoàn thiện các quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm
2017) về tội gây rối trật tự công cộng ......................................................................64
3.3. Những giải pháp nâng cao hiệu quả xét xử tội gây rối trật tự công cộng ..........67
KẾT LUẬN ..............................................................................................................79
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO


DANH MỤC CÁC BẢNG
Số hiệu

Tên bảng

Trang

Tổng số vụ án hình sự, số bị cáo đã xét xử và tổng số vụ, số bị

49


bảng
2.1

cáo đã xét xử về tội gây rối trật tự công cộng trong 5 năm
(2013 - 2017)
2.2

Tổng số vụ, số bị cáo bị đưa ra xét xử về tội gây rối trật tự

49

công cộng trong 5 năm (2013 - 2017)
2.3

Tổng số vụ án, số bị cáo bị đưa ra xét xử về tội gây rối trật tự

50

công cộng trong tương quan với các tội xâm phạm an toàn
công cộng, trật tự công cộng trong 5 năm (2013 - 2017)
2.4

Phân tích đặc điểm nhân thân của các bị cáo đưa ra xét xử về
tội gây rối trật tự công cộng trong 5 năm (2013 - 2017)

51


DANH MỤC CÁC BIỂU ĐỒ

Số hiệu

Tên biểu đồ

Trang

Biểu đồ thể hiện tình hình hoạt động xét xử các vụ án hình sự

44

biểu đồ
2.1.

của ngành Tòa án tỉnh Quảng Ngãi thời gian từ 2013 - 2017
2.2.

Biểu đồ thể hiện tình hình xét xử các vụ án gây rối trật tự

45

công cộng của ngành Tòa án tỉnh Quảng Ngãi thời gian từ
2013 - 2017
2.3.

Biểu đồ thể hiện tỉ lệ xét xử các vụ án gây rối trật tự công

46

cộng và vụ án hình sự của ngành Tòa án tỉnh Quảng Ngãi
thời gian từ 2013 - 2017

2.4.

Biểu đồ thể hiện tỉ lệ bị cáo xét xử các vụ án gây rối trật tự
công cộng và số bị cáo đưa ra xét xử vụ án hình sự của
ngành Tòa án tỉnh Quảng Ngãi thời gian từ 2013 - 2017

46


MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Đất nước ta đang trong thời kỳ hội nhập và đổi mới; đời sống xã hội ngày càng
phát triển, khoa học kỹ thuật công nghệ làm đổi thay mọi mặt của cuộc sống. Tuy nhiên,
bên cạnh những mặt tích cực đã đạt được, chúng ta cũng đối mặt với không ít những khó
khăn, đạo đức xã hội ngày càng xuống cấp, ô nhiễm môi trường tăng cao, an toàn trật tự
xã hội bị xâm hại, tình hình tội phạm ngày càng gia tăng, trong đó có tội phạm gây rối
trật tự công cộng làm ảnh hưởng không ít đến tình hình an ninh, xã hội chung của đất
nước, đặc biệt là sự gia tăng của các loại tội phạm ở các thành phố lớn như: Hà Nội,
Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và một số tỉnh, thành khác
trong đó có tỉnh Quảng Ngãi.
Theo số liệu thống kê của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ngãi từ năm 2013 đến
năm 2017, ở tỉnh Quảng Ngãi có tổng số vụ vi phạm pháp luật hình sự là 2.213, trong đó
các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng là 415 vụ, chiếm 18.75% tổng số
vụ án hình sự đưa ra xét xử. Bên cạnh đó, dưới góc độ thực tiễn xét xử cho thấy số vụ án
về tội gây rối trật tự công cộng ngày càng gia tăng, trong 5 năm từ 2013 - 2017 tổng số
vụ án về tội gây rối trật tự công cộng đưa ra xét xử là 36 vụ và 164 bị cáo; giữa các
năm có sự khác nhau về số vụ nhưng số bị cáo ngày càng gia tăng với quy mô, mức độ
ngày càng nghiêm trọng [43].
Hiện nay, tội phạm nói chung, các tội xâm phạm an toàn công cộng,
trật tự công cộng nói riêng và đặc biệt là tội gây rối trật tự công cộng tại các thành phố,

khu đô thị, thị xã lớn đang là vấn đề nhức nhối của toàn xã hội, tuy loại tội phạm này
không có tính nguy hiểm cao so với các loại tội phạm khác nhưng nó có tính phổ biến,
đa dạng hình thức và có ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình an ninh trật tự, an toàn xã
hội tạo dư luận xấu trong xã hội và gây hoang mang trong quần chúng nhân dân. Tội
phạm này thể hiện ở chỗ hành vi gây rối trật tự công cộng xâm phạm nghiêm trọng các
quan hệ xã hội trong lĩnh vực công cộng, gây tổn hại đến các quyền và lợi ích hợp pháp
của nhà nước và công dân, hành vi này được thực hiện công khai và thường ở những

1


nơi đông người, biểu hiện ý thức coi thường kỷ cương xã hội, pháp luật của Nhà nước.
Hình thức biểu hiện của hành vi gây rối thường là hành hung, đánh lộn, đập phá, gây
lộn xộn ở nơi đông người, tụ tập đi xe máy tốc độ cao, lạng lách, đánh võng, gây huyên
náo đường phố... và ngày càng có xu hướng gia tăng, kèm theo đó là các hành vi hủy
hoại tài sản, chống người thi hành công vụ, cố ý gây thương tích, thậm chí là giết
người, v.v…
Vì vậy, để làm sáng tỏ các dấu hiệu pháp lý của tội gây rối trật tự công
cộng, phân biệt tội gây rối trật tự công cộng với một số tội phạm khác, phân
tích lịch sử hình thành và phát triển của luật hình sự Việt Nam về tội gây rối trật tự công
cộng, đánh giá thực tiễn xét xử loại tội phạm này ở tỉnh Quảng Ngãi trong thời gian vừa
qua (2013-2017), trên cơ sở đó, chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong thực tiễn, lý luận và
các nguyên nhân cơ bản, qua đó bước đầu tìm giải pháp hoàn thiện trên phương diện lập
pháp hình sự và giải pháp về mặt thực tiễn để góp phần phòng, chống tội phạm này, bảo
đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội có ý nghĩa chính trị - pháp lý và lý luận - thực tiễn
quan trọng. Đó còn là lý do để tác giả lựa chọn đề tài: "Tội gây rối trật tự công cộng theo
pháp luật hình sự Việt Nam từ thực tiễn tỉnh Quảng Ngãi " làm đề tài luận văn của mình.
2. Tình hình nghiên cứu đề tài
Thời gian qua ở nước ta đã có một số công trình nghiên cứu, phân tích về
các tội xâm phạm trật tự công cộng nói chung và tội phạm gây rối trật tự công

cộng nói riêng đã được công bố như:
- GS.TS. Đỗ Ngọc Quang, Chương XIX - Các tội xâm phạm an toàn
công cộng, trật tự công cộng, Trong sách: "Giáo trình Luật hình sự Việt Nam
(Phần các tội phạm)", do GS.TSKH. Lê Cảm chủ biên, Nxb Đại học Quốc gia Hà
Nội, 2003.
- GS.TS. Võ Khánh Vinh, Chương X - Các tội xâm phạm an toàn công
cộng, trật tự công cộng, Trong sách: "Giáo trình Luật hình sự Việt Nam (Phần các
tội phạm)", do GS.TS. Võ Khánh Vinh chủ biên, Nxb Công an nhân dân, Hà
Nội, 2001.
- GS.TS. Nguyễn Ngọc Hòa, Chương XXV - Các tội xâm phạm an toàn công

2


cộng, trật tự công cộng, Trong sách: "Giáo trình Luật hình sự Việt Nam", (Tập
II), do GS.TS. Nguyễn Ngọc Hòa chủ biên, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 2010.
- TS. Phạm Văn Beo, Bài 10 - Các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự
công cộng, Trong sách: "Luật hình sự Việt Nam" (Quyển 2 - Phần các tội phạm),
Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010.
- TS. Trương Quang Vinh, Bình luận các điều 241 đến 256, Trong sách:
"Bình luận khoa học Bộ luật hình sự Việt Nam năm 1999" (tái bản có sửa chữa,
bổ sung), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008.
- TS. Trần Minh Hưởng (chủ birn), TS. Đỗ Đức Hồng Hà, TS. Trịnh Tiến
Việt và tập thể tác giả, Chương XIX - Các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự
công cộng, Trong sách: "Tìm hiểu Bộ luật hình sự Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa
Việt Nam và những văn bản hướng dẫn thi hành", Nxb Lao động, Hà Nội, 2010.
- TS. Trần Minh Hưởng, Các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công
cộng, trật tự quản lý hành chính, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2002.
- TS. Nguyễn Đức Mai, Chương XIX - Các tội xâm phạm an toàn công cộng,
trật tự công cộng, Trong sách: "Bình luận khoa học Bộ luật hình sự Việt Nam

năm 1999", Tập thể tác giả, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 2001.
- ThS. Đinh Văn Quế, Bình luận khoa học chuyýn sku Bộ luật hình sự -Phần
các tội phạm, Tập VI - Các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng,
Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 2005; v.v…
Ngoài ra còn có, Luận văn thạc sĩ luật học của Phan Vũ Linh, năm 2011 về
“Phòng ngừa tội phạm gây rối trật tự công cộng trên địa bàn thành phố Cần Thơ”;
luận văn thạc sĩ của Trần Long Nhi, năm 2015 về “Pháp luật hình sự Việt Nam về
tội gây rối trật tự công cộng và thực tiễn xét xử trên địa bàn Đồng Tháp”; các sách
chuyên khảo, tham khảo, bình luận và giáo trình đại học; các bài viết khác liên quan
đến đề tài này được đăng trên các tạp chí của ngành Tòa án, Viện kiểm sát nhân
dân, Công an nhân dân…
Các công trình, đề tài nghiên cứu khoa học nói trên đều đề cập đến từng
khía cạnh của tội gây rối trật tự công cộng nhưng ở các góc độ, phạm vi, địa bàn

3


khác nhau. Trong khi đó, tình hình tội phạm nói chung và tội gây rối trật tự công
cộng nói riêng đang có chiều hướng gia tăng tại địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Tuy
nhiên, chưa có công trình nghiên cứu khoa học nào về tội gây rối trật tự công cộng
trên khía cạnh pháp luật hình sự Việt Nam từ thực tiễn địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.
Do vậy, việc nghiên cứu đề tài luận văn của học viên không trùng lặp với các công
trình đã công bố.
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
3.1. Mục đích nghiên cứu
Mục đích cơ bản của luận văn là trên cơ sở nghiên cứu một số vấn đề lý luận
và thực tiễn áp dụng pháp luật hình sự và thực trạng của tội gây rối trật tự công
cộng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, qua đó đề xuất các giải pháp góp phần hoàn
thiện pháp luật hình sự quy định về tội gây rối trật tự công cộng và nâng cao hiệu
quả xét xử loại tội này ở địa bàn nghiên cứu.

3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
Để đạt những mục đích trên, trong quá trình thực hiện luận văn tác giả đặt ra
cho mình các nhiệm vụ sau đây:
- Làm rõ các dấu hiệu pháp lý hình sự của tội “Gây rối trật tự công cộng”
theo Điều 318 BLHS năm 2015;
- Phân tích làm sáng tỏ tình hình, đặc điểm, tính chất, mức độ nguy hiểm của
tội phạm gây rối trật tự công cộng và chỉ ra những vướng mắc, hạn chế trong việc áp
dụng pháp luật đối với loại tội phạm này tại tỉnh Quảng Ngãi từ thực tiễn hoạt động
xét xử (theo Điều 245 của Bộ luật hình sự năm 1999);
- Đề xuất các giải pháp góp phần hoàn thiện pháp luật hình sự về tội gây rối
trật tự công cộng và nâng cao hiệu quả xét xử loại tội này.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
4.1. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của Luận văn gồm các vấn đề lý luận và thực tiễn
pháp lý về tội gây rối trật tự công cộng theo Luật hình sự Việt Nam.
4.2. Phạm vi nghiên cứu
Luận văn nghiên cứu các vấn đề có liên quan tới hành vi gây rối trật tự công

4


cộng theo Bộ luật hình sự năm 2015, thực tiễn áp dụng trên địa bàn tỉnh Quảng
Ngãi, giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2017 thì theo Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa
đổi, bổ sung năm 2009)
5. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu
5.1. Phương pháp luận
Luận văn được nghiên cứu trên cơ sở quan điểm và phương pháp luận của
Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và hệ thống các quan điểm của
Đảng và Nhà nước ta về phòng chống tội phạm.
5.2. Phương pháp nghiên cứu

Để hoàn thành việc nghiên cứu, tác giả sử dụng các phương pháp nghiên cứu
khoa học như: Lịch sử; phân tích, tổng hợp; thống kê; so sánh; diễn giải... để làm
sáng tỏ những vấn đề nghiên cứu.
6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận văn
6.1. Ý nghĩa lý luận
Luận văn là công trình nghiên cứu vấn đề áp dụng pháp luật hình sự trong
hoạt động tố tụng của các cơ quan tiến hành tố tụng. Những kết quả nghiên cứu góp
phần bổ sung và phát triển lý luận phục vụ yêu cầu thực tiễn của việc không ngừng
nâng cao chất lượng áp dụng pháp luật trong hoạt động tố tụng của các cơ quan tư
pháp trong công cuộc cải cách tư pháp hiện nay.
6.2. Ý nghĩa thực tiễn
Luận văn có thể sử dụng là tài liệu phục vụ cho công tác nghiên cứu, giảng
dạy hoặc làm tài liệu tham khảo cho các bộ môn Luật hình sự, Luật tố tụng hình sự,
tội phạm học… Mặt khác, nội dung luận văn cũng có thể góp phần xây dựng kỹ
năng nghề nghiệp của những người tiến hành tố tụng trong việc áp dụng pháp luật
trước yêu cầu mới của tình hình hiện nay.
7. Cơ cấu của luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận, phụ lục và tài liệu tham khảo, luận văn được
kết cấu thành 3 chương:

5


Chương 1. Một số vấn đề chung về tội gây rối trật tự công cộng theo pháp
luật hình sự Việt Nam.
Chương 2. Tội gây rối trật tự công cộng theo quy định Bộ luật hình sự và
thực tiễn xét xử tại tỉnh Quảng Ngãi.
Chương 3. Một số giải pháp tiếp tục hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu
quả xét xử tội gây rối trật tự công cộng ở tỉnh Quảng Ngãi.


6


CHƯƠNG 1
MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG VỀ TỘI GÂY RỐI TRẬT TỰ
CÔNG CỘNG THEO PHÁP LUẬT HÌNH SỰ VIỆT NAM
1.1. An toàn công cộng, trật tự công cộng với tư cách là khách thể quan
trọng được luật hình sự Việt Nam bảo vệ
1.1.1. Khái niệm an toàn công cộng, trật tự công cộng và các tội xâm phạm
an toàn công cộng, trật tự công cộng
Khái niệm an toàn công cộng, trật tự công cộng
Công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm và những hành vi vi phạm pháp
luật nhằm giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội luôn là đòi hỏi cấp
bách trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã
hội chủ nghĩa. Với tư cách là khách thể quan trọng được luật hình sự bảo vệ, đòi hỏi
phải làm rõ hai phạm trù "an toàn công cộng" và "trật tự công cộng" và các tội xâm
phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng.
Trong một số tài liệu, từ điển, bài viết, thuật ngữ “trật tự an toàn xã hội”
được hiểu một cách phổ biến là sự hoạt động ổn định hài hòa của các thành phần xã
hội trong cơ cấu xã hội; trật tự xã hội nhằm duy trì sự phát triển xã hội và cơ chế
bảo đảm tính trật tự xã hội là các thiết chế xã hội. Trật tự xã hội biểu hiện tính tổ
chức của đời sống xã hội, tính chuẩn mực của các hành động xã hội. Nhờ trật tự xã
hội mà hệ thống xã hội đạt được sự ổn định, cho phép nó hoạt động một cách có
hiệu quả dưới sự tác động của các yếu tố bên trong và bên ngoài. Cũng có tác giả
tách thuật ngữ “trật tự an toàn” thành hai vấn đề riêng biệt là “trật tự” và “an toàn”.
Chẳng hạn: “trật tự là tình trạng ổn định, có thứ bậc trên dưới, trước sau... An toàn
là yên ổn trọn vẹn, yên ổn hẳn, không sợ tai nạn”
Trật tự xã hội còn được hiểu là: Trạng thái xã hội có trật tự được hình thành
và điều chỉnh bởi các quy tắc, quy phạm nhất định ở những nơi công cộng mà mọi
người phải tuân theo. Trật tự xã hội là một mặt của trật tự an toàn xã hội và có nội

dung bao gồm những quy định chung về trật tự, vệ sinh, văn hóa; sự tuân thủ những
quy định của pháp luật và phong tục, tập quán, sinh hoạt được mọi người thừa nhận;
tình trạng yên ổn, có trật tự, tôn trọng lẫn nhau trong lao động, sinh hoạt, nghỉ ngơi
của mọi người.

7


Như vậy, nói đến trật tự an toàn xã hội là nói đến tình trạng (trạng thái) ổn
định, có trật tự, kỷ cương của xã hội. Trật tự, kỷ cương đó được xác lập trên cơ sở
các quy tắc xử sự chung do Nhà nước ban hành (được gọi là những quy phạm pháp
luật) và những giá trị xã hội, chuẩn mực đạo đức truyền thống được mọi người
trong xã hội thừa nhận, tôn trọng, tuân thủ và nhờ đó mà mọi người có được cuộc
sống yên ổn. Nói cách khác: Trật tự an toàn xã hội là trạng thái xã hội có trật tự, kỷ
cương, trong đó mọi người có cuộc sống yên ổn trên cơ sở các quy phạm pháp luật
và chuẩn mực đạo đức, pháp lý xác định. Công tác đảm bảo trật tự an toàn xã hội là
giữ gìn trạng thái bình yên, an toàn, có trật tư, kỷ cương của xã hội, là phòng ngừa,
phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh chống tội phạm, tệ nạn và các hành vi vi phạm pháp
luật có ảnh hưởng đến trạng thái đó.
Theo từ điển tiếng Việt thì ‘‘an toàn" được hiểu: "Yên ổn hoàn toàn không
nguy hiểm" [50, tr.26], còn "công cộng" được hiểu là "chung cho hoặc thuộc về
mọi người" [50, tr.345]. Do vậy, "an toàn công cộng" có thể hiểu là trạng thái ổn
định, hoàn toàn không có nguy hiểm đối với mọi người xung quanh hoặc an toàn xã
hội đối với mọi người.
Theo Từ điển Luật học thì trật tự công cộng là: Trạng thái ổn định, có tổ
chức, có kỷ luật ở nơi công cộng. Những nơi phục vụ lợi ích công cộng như đường
phố, quảng trường, công viên, bệnh viện, nhà hát, rạp chiếu bóng, bãi biển, khu nghỉ
mát... được tổ chức sắp xếp ngăn nắp, các quy ước chung được mọi người tôn trọng,
thực hiện nghiêm chỉnh. Quy tắc bắt buộc phải tuân theo để bảo vệ lợi ích chung
của xã hội, thể hiện toàn bộ yêu cầu cơ bản của xã hội về các mặt chính trị, kinh

tế, văn hóa, xã hội... [49, tr.809].
Như vậy, xét riêng trong lĩnh vực chung của xã hội, an toàn công cộng, trật
tự công cộng được coi là điều kiện bảo đảm cho mọi công dân có cơ hội tồn tại,
phát triển và sử dụng tốt năng lực, cống hiến của mình để xây dựng một xã hội văn
minh, dân chủ, giàu đẹp, có cuộc sống ấm no, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc. Cho
nên, dưới bất kỳ hình thức nào, bằng cách này hay cách khác, việc giữ gìn và bảo vệ
an toàn công cộng, trật tự công cộng không những là một trong những nhiệm vụ

8


quan trọng trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam
xã hội chủ nghĩa của Nhà nước, mà đến lượt mình, Nhà nước lại đòi hỏi tất cả các
cơ quan, tổ chức và mọi công dân phải tuân thủ một cách nghiêm túc pháp luật và
các quy tắc của cuộc sống xã hội xã hội chủ nghĩa. Cho nên, dưới góc độ pháp lý,
tất cả các hành vi xâm phạm "an toàn công cộng, trật tự công cộng" đều gây nên
những thiệt hại nhất định cho cuộc sống bình thường của công dân cần thiết phải bị
xử lý, tùy theo tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi vi phạm mà áp dụng
hình thức xử lý khác nhau từ xử phạt hành chính đến xử lý hình sự [44, tr.13].
Có thể khẳng định, ngay từ khi giành được chính quyền, bên cạnh việc bảo
vệ thành quả cách mạng, Đảng và Nhà nước ta cũng quan tâm đến việc bảo vệ an
toàn công cộng, trật tự công cộng không chỉ bằng việc ban hành hàng loạt các văn
bản có liên quan đến lĩnh vực này, mà còn có những biện pháp thiết thực để đưa các
văn bản đó vào thực tiễn cuộc sống. Hiến pháp năm 2013 đã quy định: "Công dân
có nghĩa vụ tuân theo Hiến pháp và pháp luật; tham gia bảo vệ an ninh quốc gia, trật
tự, an toàn xã hội và chấp hành những quy tắc sinh hoạt công cộng” (Điều 46) Nói
một cách khác, tôn trọng và bảo vệ "an toàn công cộng, trật tự công cộng là một
trong những thước đo, tiêu chí để đánh giá sự ổn định của xã hội, đánh giá sức
mạnh của các cơ quan bảo vệ pháp luật, khả năng quản lý của các cơ quan, tổ chức,
đồng thời nó cũng đánh giá được ý thức pháp luật, văn minh pháp lý của công dân"

[31, tr. 439].
Để bảo vệ "an toàn công cộng, trật tự công cộng" với tư cách là khách
thể quan trọng được luật hình sự xác lập và bảo vệ, Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa
đổi, bổ sung năm 2017) đã xếp nhóm tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công
cộng tại Chương XXI: "Các tội xâm phạm an toàn, trật tự công cộng" với các nhóm
quan hệ xã hội được luật hình sự xác lập và bảo vệ như xâm phạm an toàn giao
thông, lĩnh vực công nghệ thông tin, viễn thông, xâm phạm an toàn công cộng, xâm
phạm trật tự công cộng. Quá trình áp dụng pháp luật cho thấy, các tội phạm được
quy định ở chương này có các khách thể khác nhau, có những quy định, quy tắc bảo
đảm an toàn, trật tự trong cuộc sống của mọi công dân riêng và chiếm số lượng lớn
nhất so với các loại tội phạm ở các chương khác.
9


Khái niệm các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng
Nhằm từng bước nâng cao nhận thức của toàn xã hội về trách nhiệm đấu tranh
phòng, chống tội phạm; tạo lập cơ chế phối hợp đồng bộ, phát huy được sức mạnh
tổng hợp của hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân tham gia phòng, chống tội
phạm; từng bước kiềm chế sự gia tăng của các loại tội phạm, làm giảm một số loại tội
phạm nghiêm trọng; giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, góp phần
quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; trong quản lý hành
chính nhà nước Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến việc bảo vệ an toàn công
cộng, trật tự công cộng. Điều đó được chứng minh bởi việc không chỉ bằng việc ban
hành hàng loạt các văn bản có liên quan đến lĩnh vực này, mà còn có những biện
pháp thiết thực để đưa các văn bản đó vào thực tiễn cuộc sống.
Theo quy định của Bộ luật hình sự hiện hành, tội phạm là hành vi nguy hiểm
cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm
hình sự thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất,
toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, văn hóa, quốc
phòng, an ninh; trật tự, an toàn xã hội; quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức; xâm

phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tự do, tài sản, các quyền, lợi ích hợp
pháp khác của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội
chủ nghĩa [37, tr.6].
An toàn công cộng, trật tự công cộng được coi là điều kiện bảo đảm cho mọi
công dân có cơ hội tồn tại, phát triển và sử dụng tốt năng lực, cống hiến của mình
để xây dựng một xã hội văn minh, dân chủ, giàu đẹp, có cuộc sống ấm no, bình
đẳng, tiến bộ và hạnh phúc. Các hành vi xâm phạm "an toàn công cộng, trật tự công
cộng" đều gây nên những thiệt hại nhất định cho cuộc sống bình thường của công
dân và cần thiết phải bị xử lý, tùy theo tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi
vi phạm mà áp dụng hình thức xử lý khác nhau từ xử phạt hành chính đến xử lý
hình sự.
Dưới góc độ khoa học, khái niệm "các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật
tự công cộng" có nhiều quan điểm khác nhau. Có tác giả quan niệm: “Các tội xâm

10


phạm an toàn, trật tự công cộng là những hành vi nguy hiểm cho xã hội, được quy
định tại Chương XXI của Bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự
thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm đến an toàn công cộng, trật tự công
cộng, gây ra những thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe của nhân dân, gây thiệt hại
đến tài sản của Nhà nước và của cá nhân” [51,tr.401]. Quan điểm này nêu tương
đối đầy đủ nội dung, nhưng trong dấu hiệu chủ thể của nhóm tội phạm này còn chưa
nêu dấu hiệu "đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự", vì đây là một dấu hiệu hoàn toàn
khác với dấu hiệu "có năng lực trách nhiệm hình sự".
Cũng có quan niệm khác như: “Các tội xâm phạm an toàn, trật tự công cộng
là những hành vi nguy hiểm cho xã hội, có lỗi, xâm phạm vào những quy định của
nhà nước về an toàn, trật tự công cộng trong các lĩnh vực giao thông vận tải, phòng
cháy chữa cháy, tin học, lao động sản xuất, quản lý vũ khí, phương tiện, công cụ hỗ
trợ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ và trong những lĩnh vực khác của trật tự xã

hội gây nên những thiệt hại về tính mạng, tổn hại đến sức khỏe, tài sản của Nhà
nước và của công dân” [29, tr.494]. Quan điểm này có nhân tố hợp lý là đã phân
loại đầy đủ và chi tiết từng nhóm tội xâm phạm đến các lĩnh vực khác nhau liên
quan đến an toàn công cộng, trật tự công cộng, tuy nhiên lại chưa thấy nêu dấu hiệu
chủ thể của nhóm tội phạm này trong khái niệm đã nêu.
Theo chúng tôi: “Các tội xâm phạm an toàn, trật tự công cộng là những hành
vi nguy hiểm cho xã hội, có lỗi, do người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự thực
hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm vào những quy định của Nhà nước về an
toàn công cộng, trật tự công cộng, gây ra những thiệt hại về tài sản của Nhà nước,
của tổ chức, thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản của công dân, xâm phạm đến
hoạt động bình thường ở những nơi công cộng” [22, tr.439]. Quan điểm này nêu
tương đối đầy đủ nội dung, trong đó nhấn mạnh thêm việc các hành vi xâm phạm
đến cả "hoạt động bình thường ở những nơi công cộng, nhưng trong dấu hiệu chủ
thể của nhóm tội phạm này còn chưa nêu dấu hiệu "đủ tuổi chịu trách nhiệm hình
sự" như quan điểm đã nêu trên, vì đây là một dấu hiệu hoàn toàn khác với dấu hiệu
"có năng lực trách nhiệm hình sự".

11


Mặc dù, về khái niệm "các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công
cộng" trong khoa học pháp lý có nhiều quan điểm khác nhau, song tựu chung lại
tổng hợp các quan điểm đó vẫn thống nhất trong việc nêu ra bản chất pháp lý của
nhóm tội phạm này. Dưới góc độ khoa học Luật hình sự, các tội xâm phạm an toàn
công cộng, trật tự công cộng bao gồm các quy phạm pháp luật hình sự, quy định
những hành vi nguy hiểm cho xã hội, do những người có đủ năng lực trách nhiệm
hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm
phạm vào các quy định của Nhà nước về an toàn công cộng, trật tự công cộng, gây
ra những thiệt hại về tài sản của Nhà nước, của tổ chức, thiệt hại về tính mạng, sức
khỏe, tài sản của công dân, đồng thời còn xâm phạm đến hoạt động bình thường, ổn

định xã hội ở những nơi công cộng.
Từ khái niệm trên, có thể đưa ra một số đặc trưng cơ bản của nhóm tội này
như sau:
- Các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng là những hành vi nguy
hiểm cho xã hội xâm phạm các quy định của Nhà nước về an toàn công cộng, trật tự
công cộng, gây ra những thiệt hại về tài sản của Nhà nước, của tổ chức, thiệt hại về tính
mạng, sức khỏe, tài sản của công dân, đồng thời còn xâm phạm đến hoạt động bình
thường, ổn định xã hội ở những nơi công cộng.
- Các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng là những hành vi nguy
hiểm cho xã hội do những người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu
trách nhiệm hình sự thực hiện.
- Các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng được những người
có đủ năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự thực hiện
một cách cố ý hoặc vô ý, không có mục đích chống chính quyền nhân dân.
1.1.2. Phân loại các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng
Phân loại tội phạm đúng không chỉ là một trong những căn cứ quan trọng
để phân hóa trách nhiệm hình sự và hình phạt, cũng như áp dụng chính xác một
loạt chế định khác của Phần chung Luật hình sự (như miễn trách nhiệm hình sự,
miễn hình phạt, án treo, xác định tái phạm…), mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho
việc xác định chính xác và khoa học các chế tài pháp lý hình sự trong Phần riêng
của nó [12, tr. 316].

12


Trong khi đó, việc phân loại các tội phạm cụ thể - các tội xâm phạm an
toàn công cộng, trật tự công cộng nhằm làm rõ khách thể của tội phạm xâm hại
đến quan hệ xã hội nào được luật hình sự bảo vệ, tính chất và mức độ nguy hiểm
cho xã hội của hành vi phạm tội, hình thức lỗi của từng loại tội phạm, cũng như các
chế tài pháp lý được áp dụng. Qua nghiên cứu cho thấy, về cơ bản các nhà khoa học

đều căn cứ vào sự phân loại các nhóm tội phạm theo Bộ luật hình sự năm 2015
(sửa đổi, bổ sung năm 2017) (từng nhóm quan hệ xã hội mà một nhóm tội phạm
xâm phạm đến) để thống nhất chia thành các tội xâm phạm an toàn công cộng,
trật tự công cộng thành 04 nhóm chính như sau:
Nhóm thứ nhất: Các tội xâm phạm an toàn giao thông. Nhóm tội
phạm này bao gồm các hành vi phạm tội đa dạng trên các lĩnh vực về xâm
phạm đến các quy định về giao thông vận tải bao gồm 26 tội trên các loại hình giao
thông như đường sắt, đường bộ, đường thủy, đường không, hàng hải. Việc quy
định những vấn đề này nhằm bảo đảm an toàn tài sản của Nhà nước, của tổ chức,
an toàn về tính mạng, sức khỏe và tài sản của công dân, bảo đảm sự bình yên, ổn
định của xã hội khi tham gia giao thông (từ Điều 260 đến Điều 285, Bộ luật hình sự
năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)).
Nhóm thứ hai: Nhóm các tội trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng
viễn thông bao gồm các hành vi, nhóm hành vi liên quan đến an ninh mạng, an
toàn viễn thông và các hoạt động xâm phạm đến các hoạt động liên quan đến
thiết bị điện tử, tin học. Nhóm tội này bao gồm 09 tội (từ Điều 286 đến Điều
294) như: Tội sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho công cụ, thiết bị, phần
mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật; tội phát tán chương trình tin học
gây hại cho hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện
tử; tội cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn
thông, phương tiện điện tử; tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy
tính, mạng viễn thông; tội xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn
thông hoặc phương tiện điện tử của người khác; tội sử dụng mạng máy tính,
mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản; tội

13


thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài
khoản ngân hàng; tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng

viễn thông; tội sử dụng trái phép tần số vô tuyến điện dành riêng cho mục đích
cấp cứu, an toàn, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, quốc phòng, an ninh; tội cố ý gây
nhiễu có hại.
Nhóm thứ ba: Các tội xâm phạm khác xâm phạm an toàn công cộng. Nhóm tội
phạm này cũng khá đa dạng và xâm phạm đến các quan hệ xã hội liên quan đến
lĩnh vực trật tự công cộng, về an toàn vệ sinh lao động, sử dụng người lao động; về an
toàn trong xây dựng; về khủng bố, bắt cóc; cướp biển, phá hủy công trình, phương tiện
quốc gia, chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ
khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự; chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng,
mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ; chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng,
mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, công cụ hỗ
trợ và các vũ khí khác có tính năng tác dụng tương tự; sản xuất, tàng trữ, vận chuyển,
sử dụng, phát tán, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân;
vi phạm quy định về quản lý chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân; sản xuất, tàng trữ, vận
chuyển, sử dụng hoặc mua bán trái phép chất cháy, chất độc; vi phạm quy định về
phòng cháy, chữa cháy; vi phạm quy định về an toàn vận hành công trình điện; vi
phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán
thuốc hoặc dịch vụ y tế khác; phá thai trái phép; vi phạm quy định về vệ sinh an toàn
thực phẩm... bao gồm 25 Điều (từ Điều 294 đến Điều 318, Bộ luật hình sự 2015 (sửa
đổi, bổ sung năm 2017)).
Nhóm thứ tư: Nhóm các tội khác xâm phạm trật tự công cộng. Nhóm này bao
gồm 11 điều (từ Điều 318 đến Điều 329, Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi , bổ sung
năm 2017)) với các tội xâm hại đến trật tự công cộng như: gây rối trật tự công cộng;
xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt; hành nghề mê tín, dị đoan; đánh bạc; tổ chức đánh
bạc hoặc gá bạc; chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có; rửa
tiền; dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người dưới 18 tuổi phạm pháp; truyền bá văn
hóa phẩm đồi trụy; chứa, môi giới mại dâm; mua dâm người dưới 18 tuổi.

14



Tóm lại, căn cứ vào các quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ
sung năm 2017) thì các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng được
chia thành 4 nhóm. Tuy nhiên, dưới góc độ khoa học luật hình sự, căn cứ vào
khách thể trực tiếp bị tội phạm xâm phạm đến (có thể là an toàn công cộng, trật tự
công cộng, có thể cả tính mạng, sức khỏe, tài sản của công dân hay tài sản của tổ
chức, của Nhà nước, sự ổn định, bình yên của đời sống xã hội; xâm phạm đến trật
tự chung của xã hội, vi phạm nếp sống văn minh, quy tắc của cuộc sống xã hội chủ
nghĩa, làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường, ổn định của những nơi công cộng.
Do đó, việc làm sáng tỏ khái niệm, các dấu hiệu pháp lý hình sự và phân biệt tội gây
rối trật tự công cộng với các tội phạm khác có ý nghĩa lý luận và thực tiễn quan
trọng, qua đó nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này
trong xã hội, cũng như góp phần định tội danh chính xác và đúng đắn hành vi
phạm tội trên thực tế của các cơ quan bảo vệ pháp luật và Tòa án.
1.2. Khái niệm và phân biệt tội gây rối trật tự công cộng với một số tội
phạm khác trong luật hình sự Việt Nam
1.2.1. Khái niệm tội gây rối trật tự công cộng
Trước khi đưa ra được khái niệm về tội gây rối trật tự công cộng, cần xuất
phát từ cái chung nhất đó là khái niệm tội phạm. Theo quy định tại Điều 8 Bộ luật
hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) “Tội phạm là hành vi nguy hiểm
cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm
hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm
độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ
chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội,
quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích
hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã
hội chủ nghĩa mà theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình sự.” [9, tr. 51].
Khái niệm tội phạm là một trong những khái niệm cơ bản nhất của pháp
luật hình sự, có ý nghĩa là cơ sở thống nhất cho việc xác định những tội phạm cụ
thể trong phần các tội phạm cụ thể của Bộ luật hình sự.


15


Có nhiều quan điểm về khái niệm tội gây rối trật tự công cộng: “Gây rối trật
tự công cộng là nhóm các hành vi xâm phạm trật tự công cộng được Nhà nước bảo
vệ bằng quy định điều luật trong pháp luật hình sự và đáng bị trừng phạt theo những
quy định của điều luật này, là những hành vi làm phá vỡ sự ổn định của trật tự công
cộng, vi phạm pháp luật, văn hóa, chuẩn mực xã hội, phong tục tập quán đảm bảo
trật tự công cộng làm cản trở hoạt động bình thường, tuần tự của mọi người tại
không gian công cộng” [9, tr.25]. Hay "Gây rối trật tự công cộng là hành vi làm
náo loạn trật tự nơi công cộng" [2, tr.13]; "Tội gây rối trật tự công cộng xâm hại
đến trật tự chung, vi phạm quy tắc, nếp sống văn minh cũng như cản trở hoạt động
bình thường của những người khác nơi công cộng" [8, tr. 649]...
Từ các khái niệm trên, tác giả nêu ra định nghĩa về tội gây rối trật tự công
cộng như sau: Tội gây rối trật tự công cộng là hành vi hò hét, làm
náo động, phá phách, hành hung người khác hoặc có hành vi khác làm rối loạn
các hoạt động ở những nơi công cộng, gây thiệt hại cho trật tự an toàn công cộng
do người có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự thực
hiện, gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc
đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Từ khái niệm nêu trên, có thể đưa ra các đặc trưng cơ bản của tội gây rối
trật tự công cộng như sau:
Một là, tội gây rối trật tự công cộng nằm trong nhóm tội xâm phạm đến an
toàn công cộng, đến các quy tắc đi lại, làm việc, sinh hoạt, vui chơi, trực tiếp xâm
phạm trật tự công cộng, nếp sống văn minh, quy tắc sống xã hội chủ nghĩa, ảnh
hưởng đến hoạt động bình thường của mọi người ở nơi công cộng, làm nhiệm vụ
bảo vệ trật tự công cộng. Trong nhiều trường hợp hành vi gây rối trật tự công cộng
còn đe dọa đến tài sản của Nhà nước, tổ chức, công dân; đến tính mạng, sức khỏe,
danh dự, nhân phẩm của công dân. Do đó, để có an toàn, trật tự công cộng - một

trạng thái xã hội lành mạnh, ổn định, có tổ chức, có kỷ luật đòi hỏi Nhà nước, các
cơ quan, tổ chức và mỗi thành viên trong xã hội phải có trách nhiệm xây dựng,
thực hiện và bảo vệ các quy tắc của trật tự sinh hoạt chung trên các lĩnh vực của

16


đời sống xã hội. Đi ngược lại điều này là xâm phạm đến an toàn công cộng, trật tự
công cộng và bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Hai là, tội gây rối trật tự công cộng là hành vi hò hét, làm náo động, phá
phách, hành hung người khác hoặc có hành vi khác làm rối loạn các hoạt động ở
những nơi công cộng, gây thiệt hại cho trật tự an toàn công cộng, gây hậu quả
nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về
tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Ba là, tội gây rối trật tự công cộng do người có đủ năng lực trách nhiệm
hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự thực hiện một cách có lỗi với hình
thức cố ý trực tiếp. Người thực hiện tội gây rối trật tự công cộng không có mục
đích chống chính quyền nhân dân.
Đối với tội gây rối trật tự công cộng được quy định tại Điều 318 Bộ luật
hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) bao gồm các cấu thành cụ thể:
Thứ nhất, hành vi gây rối trật tự công cộng là hành vi xâm phạm đến an
toàn công cộng, đến các quy tắc đi lại, làm việc, sinh hoạt, vui chơi của mọi người
nơi công cộng, làm trở ngại hoạt động của các nhân viên bảo vệ nơi công cộng. Là
hành vi làm phá vỡ các quy tắc, quy phạm đã được đặt ra tại nơi công cộng có tính
bắt buộc mọi người phải tuân theo, không tuân thủ các quy định chung về trật tự,
vệ sinh, văn hóa, pháp luật, thuần phong mỹ tục, tập quán, sinh hoạt được mọi
người thừa nhận, xâm phạm đến tình trạng yên ổn, có trật tự, tôn trọng lẫn nhau
trong sinh hoạt và nghỉ ngơi của cộng đồng tại nơi công cộng. Ở dạng hành vi này,
có thể thực hiện hành vi dưới hai dạng hành động. Hành vi gây rối trật tự công
cộng được thể hiện dưới dạng hành động như tập trung đông người ở nơi công

cộng gây náo động làm mất trật tự công cộng; đuổi đánh nhau, hò hét gây náo
động ở nơi công cộng; đập phá các công trình ở nơi công cộng, đập phá các tài sản
trong các quán ăn, quán giải khái có đông người, vv…
Thứ hai, hành vi gây rối gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã
hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội
này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. Như vậy, hành vi gây rối phải đáp
ứng các yêu cầu sau thì mới được coi là tội phạm:

17


- Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Ảnh hưởng xấu là
ảnh hưởng tiêu cực, làm mất an toàn, mất trật tự, gây ồn ào, náo loạn, làm ảnh
hưởng đến sinh hoạt hay hoạt động chung nơi công cộng...
- Hành vi này không chỉ gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội
đã được các cơ quan có thẩm quyền tiến hành phạt hành chính về hành vi gây rối, hay
đã bị kết án mà chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
1.2.2. Phân biệt tội gây rối trật tự công cộng với một số tội phạm khác
Tội gây rối trật tự công cộng xâm phạm đến trật tự, an toàn xã hội,
hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, làm rối loạn các hoạt
động ở những nơi công cộng, gây thiệt hại nghiêm trọng cho trật tự an toàn công
cộng. Tuy nhiên trên thực tế có một số tội vẫn hay bị nhầm lẫn với tội này khiến
cho việc định tội danh và xác định đúng cấu thành tội phạm gặp không ít khó khăn.
Thực tiễn xét xử cho thấy, việc làm sáng tỏ các dấu hiệu pháp lý của tội phạm này
với một số tội phạm khác có liên quan để định tội danh đúng, xử lý đúng người,
đúng pháp luật không phải trường hợp nào cũng dễ dàng.
Thứ nhất, phân biệt tội gây rối trật tự công cộng với tội phá rối an ninh
Theo quy định của Điều 118 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung
năm 2017), tội phá rối an ninh được hiểu là hành vi nhằm chống chính quyền
nhân dân mà kích động, lôi kéo, tụ tập nhiều người phá rối an ninh, chống người

thi hành công vụ, cản trở hoạt động của cơ quan, tổ chức, do người có năng lực
trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý.
Khách thể của tội phạm này là an ninh đối nội, trật tự an toàn xã hội, còn có thể là
sức khỏe, tự do thân thể của con người, hoạt động bình thường của cơ quan nhà
nước, tổ chức xã hội. Ngoài ra, mặt chủ quan của tội phạm này được thực hiện do
cố ý, người phạm tội có mục đích nhằm chống chính quyền nhân dân. Đây là dấu
hiệu bắt buộc để phân biệt tội phá rối an ninh với tội gây rối trật tự công cộng.
Như vậy, so sánh với tội gây rối trật tự công cộng cho thấy những điểm
giống nhau như sau: Khách thể chung của các tội phạm này đều xâm phạm các
quy định của Nhà nước về trật tự xã hội, an toàn xã hội, hoạt động bình thường,
ổn định của cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội. Hành vi khách quan đều là những
hành vi gây rối, chống đối, cản trở. Ngoài ra, chủ thể của các tội phạm này là
18


×