Tải bản đầy đủ (.doc) (20 trang)

tiểu luận cao họcvai trò của dư luận xã hội

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (95.95 KB, 20 trang )

MỞ ĐẦU
1. Định nghĩa Dư luận xã hội
Dư luận xã hội (hay công luận) là một hiện tượng đời sống xã hội
quen thuộc mà mỗi cá nhân, tổ chức (bao gồm cả quốc gia), trong cuộc
sống hàng ngày, thường phải quan tâm và tính toán đến. Những người theo
học ở Liên-xô (cũ) thường sử dụng thuật ngữ “dư luận xã hội” (dịch trực
tiếp từ thuật ngữ tiếng Nga). Những người biết tiếng Anh thường sử dụng
thuật ngữ “công luận” (dịch từ thuật ngữ tiếng Anh: “public opinion”).
Phần đông các nhà nghiên cứu dư luận xã hội Liên Xô (cũ) định
nghĩa dư luận xã hội là sự phán xét, đánh giá của các giai cấp, tầng lớp,
cộng đồng xã hội đối với các vấn đề mà họ quan tâm. Ví dụ, theo B. K.
Paderin: “Dư luận xã hội là tổng thể các ý kiến, trong đó chủ yếu là các ý
kiến thể hiện sự phán xét đánh giá, sự nhận định (bằng lời hoặc không bằng
lời), phản ánh ý nghĩa của các thực tế, quá trình, hiện tượng, sự kiện đối với
các tập thể, giai cấp, xã hội nói chung và thái độ công khai hoặc che đậy
của các nhóm xã hội lớn nhỏ đối với các vấn đề của cuộc sống xã hội có
động chạm đến các lợi ích chung của họ”.
Nhiều nhà nghiên cứu Mỹ cũng nêu ra định nghĩa tương tự. Ví dụ
“Công luận là sự phán xét đánh giá của các cộng đồng xã hội đối với các
vấn đề có tầm quan trọng, được hình thành sau khi có sự tranh luận công
khai” (Young, 1923). Nhà nghiên cứu Mỹ khác lại định nghĩa: “Công luận
là kết quả tổng hợp các ý kiến trả lời của mọi người đối với các câu hỏi
nhất định, dưới điều kiện của cuộc phỏng vấn” (Warner, 1939). Có những
định nghĩa rất đơn giản, nhưng rất phổ biến trong giới nghiên cứu Mỹ:
“Công luận là các tập hợp ý kiến cá nhân ở bất kỳ nơi đâu mà chúng ta có
thể tìm được” (Childs, 1956).
Về mặt ngôn ngữ, không có cơ sở để nói rằng dư luận xã hội là ý
kiến của đa số. Thuật ngữ “xã hội” không đồng nhất với thuật ngữ “đa số”.


Có thể lấy ví dụ: Không ai cho rằng đã gọi là tổ chức xã hội thì phải là tổ


chức của đa số; đã gọi là chính sách xã hội thì phải là chính sách đối
với đa số...
Về mặt lý luận, cũng không có cơ sở nào để coi trọng dư luận của đa
số hơn dư luận của thiểu số, đến mức phải loại bỏ dư luận của thiểu số ra
khỏi phạm trù “dư luận xã hội”. Ví dụ dưới góc độ về khả năng phản ánh
chân lý, dư luận của đa số không phải khi nào cũng đúng, dư luận của thiểu
số, không nhất thiết khi nào cũng sai. Thực tế cho thấy, trước các vấn đề
mới, dư luận của thiểu số, nhiều khi, đúng hơn dư luận của đa số. Giữa dư
luận của đa số và dư luận của thiểu số cũng không có một hàng rào ngăn
cách không thể vượt qua được. Dư luận ngày hôm nay là thiểu số, ngày mai
có thể trở thành đa số hoặc ngược lại, dư luận ngày hôm nay là đa số, ngày
mai có thể chỉ còn là thiểu số.
Về mặt thực tiễn, quan điểm coi dư luận xã hội chỉ là ý kiến của đa
số lại càng không thể chấp nhận được. Chúng ta đang phát triển nền kinh tế
thị trường định hướng XHCN và thực hiện chủ trương “Đại đoàn kết toàn
dân tộc”. Tiếng nói của mọi thành phần kinh tế, mọi tầng lớp, nhóm xã hội
đều cần được coi trọng cho dù thành phần kinh tế, tầng lớp, nhóm xã hội đó
chỉ là thiểu số trong xã hội. Mặt khác, nếu dư luận xã hội chỉ là ý kiến của
đa số không thôi, thì cần gì phải thành lập các cơ quan làm công tác nắm
bắt dư luận xã hội bởi vì ý kiến của đa số là cái mà người dân bình thường
cũng có thể dễ dàng nắm được, huống hồ là lãnh đạo. Báo cáo tình hình dư
luận xã hội của một số địa phương chưa được lãnh đạo coi trọng, có phần
chính là do mới chỉ phản ánh được ý kiến của đa số. Những báo cáo phiến
diện, không phản ánh được đầy đủ các luồng ý kiến khác nhau trong xã hội
trước một vấn đề, sự kiện, hiện tượng nào đó, không những ít có giá trị cho
sự chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền, ngược lại, có khi còn có hại,
nhất là trong trường hợp vấn đề, sự kiện, hiện tượng là cái mới, bởi lẽ, đối

2



với cái mới, dư luận của đa số lúc đầu thường không đúng, thường có tính
“bảo thủ”.
Đa số các nhà nghiên cứu khẳng định, dư luận xã hội không chỉ là
các phát ngôn thể hiện sự phán xét đánh giá mà còn là các phát ngôn thể
hiện tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị, lời khuyên can... của công
chúng.
Về khả năng phản ánh chân lý, lẽ phải của dư luận xã hội, cũng có
những quan niệm khác nhau. Có ý kiến cho rằng dư luận xã hội chịu ảnh
hưởng nặng nề của các thành kiến, định kiến cho nên nó không có khả năng
phản ánh chân lý, lẽ phải. Có ý kiến lại “sùng bái” dư luận của đa số, theo
họ, dư luận của đa số bao giờ cũng đúng, dư luận của thiểu số bao giờ cũng
sai. Tất cả các quan niệm trên đều sai. Dư luận xã hội không phải là các kết
luận khoa học, nhưng ít nhiều đều có khả năng phản ánh chân lý, lẽ phải.
Dư luận xã hội có thể đúng nhiều, đúng ít. Dù có đúng đến mấy thì dư luận
xã hội vẫn có những hạn chế, không nên tuyệt đối hoá khả năng nhận thức
của dư luận xã hội. Dù có sai đến mấy, trong dư luận xã hội cũng có những
hạt nhân hợp lý, không thể coi thường, bỏ qua. Chân lý của dư luận xã hội
không phụ thuộc vào tính chất phổ biến của nó. Không phải lúc nào dư luận
của đa số cũng đúng, dư luận của thiểu số cũng sai. Cái mới, lúc đầu,
thường chỉ có một số người nhận thấy và do đó dễ bị đa số phản đối.
Về đối tượng của dư luận xã hội, đa số các nhà nghiên cứu cho rằng
đó là các hiện tượng, sự kiện, quá trình xã hội có tính thời sự, cập nhật trình
độ hiểu biết của công chúng, được công chúng quan tâm. Ví dụ: Những vấn
đề khoa học trừu tượng liên quan đến tương lai xa xôi của loài người sẽ khó
trở thành đối tượng phán xét của dư luận xã hội, trong khi đó những vấn đề
cụ thể, dễ hiểu có liên quan trực tiếp đến lợi ích của công chúng, được công
chúng rất quan tâm như vấn đề giá cả, thiên tai, lũ lụt, vệ sinh môi trường...
luôn luôn là đối tượng phán xét của dư luận xã hội.


3


Đối với câu hỏi: Dư luận xã hội là tập hợp các ý kiến cá nhân, có
tính tự phát hay là một dạng thức ý kiến tập thể, có tính tổ chức? Cũng có
những quan niệm khác nhau. Có người khẳng định vế thứ nhất, có người
khẳng định vế thứ hai. Sự vô lý của quan niệm coi dư luận xã hội là một
dạng thức ý kiến tập thể, có tính tổ chức là rất rõ. Ý kiến chung của một tổ
chức là chính kiến của tổ chức đó chứ không phải là dư luận xã hội của các
thành viên trong tổ chức (không thể gọi chính kiến của Hội Nông dân, Hội
Phụ nữ hay Hội Cầu lông… là dư luận xã hội). Chỉ có các luồng ý kiến
được hình thành theo con đường tự phát mới được gọi là dư luận xã hội.
Tuy nhiên ở đây cần phải làm rõ một ý: Dư luận xã hội không phải là một
phép cộng thuần tuý, không phải là “bao gạo”, gồm các “hạt gạo” ý kiến cá
nhân rời rạc, không có mối quan hệ gì với nhau. Dư luận xã hội là các
luồng ý kiến cá nhân, tự phát, nhưng có mối quan hệ hữu cơ với nhau, cộng
hưởng với nhau. Nói cách khác, đó là một chỉnh thể tinh thần xã hội, thể
hiện nhận thức, tình cảm, ý chí của các lực lượng xã hội nhất định.
Dư luận xã hội là hiện tượng đời sống xã hội phức tạp, nên khó có
thể lột tả hết trong một vài dòng định nghĩa ngắn gọn. Theo Lênin, đối với
những sự vật phức tạp, có nhiều góc nhiều cạnh, mọi định nghĩa đều phiến
diện. Tuy nhiên, dù có phiến diện đến đâu, định nghĩa cũng không mất đi
mặt khẳng định, vai trò quan trọng, sự cần thiết của nó đối với hoạt động
nhận thức cũng như hoạt động thực tiễn của con người: Đó là những chỉ
dẫn sơ bộ, những nét phác thảo ban đầu, không có nó, chúng ta không thể
tiếp tục đi sâu hơn vào bản chất của sự vật cũng như không thể đưa ra đuợc
những phương hướng hành động cụ thể nào cả.
Vì lẽ đó, chúng ta có thể định nghĩa rất ngắn gọn về dư luận xã hội
như sau: Dư luận xã hội là tập hợp các luồng ý kiến cá nhân trước các vấn
đề, sự kiện, hiện tượng có tính thời sự. Tuy nhiên, cần phải lưu ý đến các

nội hàm sau đây của định nghĩa này:
1) Mỗi luồng ý kiến là một tập hợp các ý kiến cá nhân giống nhau;
4


2) Dư luận xã hội có thể bao gồm nhiều luồng ý kiến khác nhau,
thậm chí đối lập nhau;
3) Luồng ý kiến có thể rộng (tuyệt đại đa số, đa số, nhiều ý kiến)
hoặc hẹp (một số ý kiến);
4) Dư luận xã hội là tập hợp các ý kiến cá nhân, tự phát, chứ không
phải là ý kiến của một tổ chức, được hình thành theo con đường tổ chức
(hội nghị, hội thảo…);
5) Dư luận xã hội không phải là một phép cộng các ý kiến cá nhân,
tự phát mà là một chỉnh thể tinh thần xã hội, thể hiện nhận thức, tình cảm, ý
chí của các lực lượng xã hội nhất định;
6) Chỉ có những sự kiện, hiện tượng, vấn đề xã hội có tính thời sự
(động chạm đến lợi ích, các mối quan tâm hiện có của nhiều người) mới có
khả năng tạo ra dư luận xã hội./.
2. Vai trò của dư luận xã hội
Dư luận xã hội có ý nghĩa quan trọng trong quản lý nhà nước, đặc
biệt là trong công tác vận động quần chúng. Nắm được dư luận xã hội
nhằm tham mưu cho Đảng, Nhà nước đề ra những chủ trương, chính sách
cụ thể trong từng thời điểm nhất định. Bởi vì trong đời sống xã hội đòi hỏi
chúng ta phải hiểu sâu sắc nhu cầu và lợi ích của quần chúng. Nắm dư luận
xã hội là một trong những hình thức tốt nhất để thu thập thông tin, phản
ảnh những tâm tư, nguyện vọng cũng như những suy nghĩ và cảm xúc của
các tầng lớp nhân dân trong xã hội. Đồng thời, giúp những người làm công
tác vận động quần chúng nắm bắt kịp thời thực trạng cũng như diễn biến tư
tưởng của các nhóm người trong xã hội khác nhau. Đây là những nguồn
thông tin quý giá giúp ta khắc phục được bệnh quan liêu, xa rời quần

chúng, xa rời thực tiễn, khắc phục bệnh duy ý chí trong lãnh đạo, quản lý.

5


Điều hòa các mối quan hệ xã hội ngay cả khi xã hội chưa phân chia
thành các giai cấp. Trong xã hội có giai cấp, giai cấp thống trị luôn luôn tìm
cách sử dụng dư luận xã hội phục vụ của giai cấp mình.
Dư luận xã hội điều hòa cả hành vi xã hội. Trên cơ sở phán xét, đánh
giá các sự kiện, hiện tượng, dư luận xã hội nêu ra các chuẩn mực xã hội,
hướng dẫn những việc nên làm, nên tránh. Nó làm cho các truyền thống,
phong tục đã hình thành phát huy ảnh hưởng của mình trong xã hội.
Dư luận xã hội một khi đã được hình thành thì nó tác động vào ý
thức con người, chi phối ý thức cá nhân. Giáo dục con người nhiều khi
mạnh hơn cả biện pháp hành chính. Về phương diện này, dư luận xã hội có
thể động viên, khuyến khích hoặc phê phán, công kích những biểu hiện đạo
đức hoặc hành cá nhân, của nhóm người trong xã hội, phòng ngừa các hành
vi phạm pháp, nó buộc từng cá nhana phải thu mình vào lễ nghi, phong tục.
Dư luận xã hội giám sát các hoạt động của các tổ chức xã hội, các
nhóm dân cư và từng cá nhân. Dư luận xã hội đưa ra sự phán xét, đánh giá.
Cố vấn cho các tổ chức, cho cơ quan chức năng giải quyết các vấn đề
có liên quan đên cộng đồng.
Dư luận xã hội có vai trò to lớn trong đời sống xã hội nên việc
nghiên cứu nó có ý nghĩa quan trong trong việc phát huy quyền làm chủ tập
thể của nhân dân lao động, mở rộng xã hội chủ nghĩa, tăng cường mối quan
hệ giữa Đảng, Nhà nước và quốc chúng.

3. Phân biệt dư luận và tin đồn
Tin đồn là một hiện tượng tâm lý xã hôị, giống với dư luận xã hội ở
hình thức thể hiện nhưng khác về bản chất


3.1 Giống nhau

6


Về hình thức thể hiện, tin đồn và dư luận xã hội có một số điểm giống
nhau:
Tin đồn và dư luận xã hội đều là những kết cấu tinh thần, tâm lý đặc
trưng cho những nhóm xã hội nhất định. Trong cấu trúc của chúng đều có
cả thành phần trí tuệ lẫn cảm xúc và ý chí. Tuy nhiên, trong tin đồn yếu tố
cảm xúc nổi lên hàng đầu, yếu tố lý trí ít.
Cả hai dường như có chung nguồn gốc. Từ một sự việc, sự kiện ban
đầu có liên quan đến lợi ích, cảm xúc của một số người, được tổ chức lại
theo những quy luật tâm lý xã hội nhất định. Các yếu tố như nhu cầu, lợi
ích của cá nhân, nhóm xã hội, giai cấp đều chi phối rất mạnh quá trình hình
thành dư luận xã hội và tin đồn.
Dư luận xã hội và tin đồn đều lan truyền tranh và dễ biến dạng. Trên
thực tế, có một số tin đồn được trở thành dư luận xã hội, nếu như tin đồn đó
là những sự kiện có thật và đụng chạm đến lợi ích, hoặc sự quan tâm của
nhiều người.

3.2 Khác nhau
Dư luận xã hội dễ bị nhầm lẫn với tin đồn. Tuy vậy, chúng có những sự
khác nhau rất cơ bản:
-

1) Tin đồn là lời truyền miệng không chắc chắn, không có nguồn gốc
xác thực. Tin đồn khởi phát trong những trường hợp không có tổ
chức khi người ta cần đến tin tức, nhưng không có đường lối đáng tin

cậy.

Chính vì vậy, điểm mạnh của tin đồn là nó xuất hiện khi có vấn đề thời sự,
dư luận quan tâm nhưng chưa có phát ngôn chính thức từ cơ quan đáng tin
cậy. Mang tính quy luật, tin đồn thường ăn theo các sự kiện thời sự nóng
bỏng, được dư luận đặc biệt chú ý ở nhiều phương diện: chính trị, khoa

7


học, công nghệ, các vấn đề kinh tế - xã hội… Những kẻ gieo rắc tin đồn
dựa vào thời điểm nhạy cảm để tung tin nhảm. Khi Nhật Bản xảy ra động
đất gây thiệt hại vô cùng lớn, hàng loạt tin đồn ăn theo làm cả châu Á lao
đao: tin đồn mưa axit, mây phóng xạ, núi lửa phun trào, sóng thần bất ngờ
tại nhiều bờ biển… Tại Việt Nam, tin đồn nóng bỏng tính thời sự cũng đã
có tiền lệ. Năm 2010, tại mỗi thời điểm khác nhau đều rộ lên những tin đồn
nguy hiểm: tin đồn "dự báo sập cầu", tin đồn thực phẩm chứa chất gây ung
thư, tin đồn đổi tiền… Năm 2011, nhiều tin đồn lan rộng như: ăn cá rô đầu
vuông sẽ bị ung thư; tin đồn nước mưa có chứa axít; tin đồn tăng giá xăng,
phát hành tiền mệnh giá lớn… Do tính thời sự nóng bỏng (gồm tính thời sự
thế giới và thời sự trong nước) đã hút lượng người quan tâm vô cùng lớn,
nó cũng gây tò mò đặc biệt với người tiếp nhận tin đồn, bất luận độ tuổi,
giới tính, vùng miền. Trước đây, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, tin đồn
thất thiệt chỉ dễ lây lan ở vùng lạc hậu, người dân nhận thức kém. Nhưng
ngày nay, qua hàng loạt tin đồn nóng bỏng cho thấy, tin đồn thậm chí còn
gây sốt mạnh ở vùng đô thị, làm chính những người có nhận thức cũng dễ
rơi vào tâm lý hoang mang không rõ thực hư.
-

2) Tin đồn có tốc độ lây lan nhanh chóng. Tin đồn loang càng xa thì

càng có nhiều biến thái, do nó không ngừng được thêm thắt. Lúc ban
đầu, dư luận xã hội thường rất phân tán, nhưng sau đó, thông qua sự
trao đổi, tranh luận, tính thống nhất của dư luận xã hội thường tăng
lên:

Trước kia, tin đồn chủ yếu qua truyền miệng, thường chỉ lây lan
trong phạm vi hẹp làng xã, vùng miền. Do tính truyền miệng, tốc độ tán
phát cũng chậm. Tin đồn hay xuyên tạc và sai vì nhận thức hẹp trong
trường hợp đầy tình cảm. Tin đồn trở nên sai lạc nhiều vì truyền khẩu dễ bị
sai lầm. Ngay cả khi thiếu sót những yếu tố tình cảm, những tin tức thực sự
8


càng ngày càng trở nên ngắn và giản dị hơn, “một đồn mười, mười đồn
trăm”, tin đồn lây lan nhanh như cấp số nhân. Khi được truyền từ người
này qua người khác, những chi tiết bị xuyên tạc theo khuynh hướng cá
nhân và văn hóa.
Công nghệ số đang làm điên đảo tin đồn, không phải “một đồn mười,
mười đồn trăm như trước” mà ngay lập tức có thể “một đồn hàng nghìn,
nghìn đồn hàng triệu”. Ví dụ như sau sự kiện động đất lịch sử tại Nhật Bản,
chỉ có một đêm, tin đồn mưa axít đã ào ạt tấn công toàn châu lục, bất luận
ranh giới địa lý và thể chế xã hội của quốc gia, vùng miền. Tin nhắn qua
chat, điện thoại với nội dung cảnh báo mọi người không nên ra ngoài khi
trời mưa vì đó là mưa axít phát sinh từ sự cố hạt nhân tại Nhật Bản lan
truyền khắp nơi, có cả Việt Nam. Kiểu tán phát bằng chat, điện thoại khiến
kể cả người không mấy quan tâm, không tò mò cũng bị tấn công bằng
phương thức tung tin nhắn tự động. Hàng loạt máy điện thoại trong buổi
sáng nhận được vô số tin nhắn "cảnh báo nguy hiểm", và phương thức này
cùng với truyền miệng, nó nhanh chóng tạo thành "bão tin đồn".
-


3) Nguồn thông tin: nguồn thông tin của tin đồn bao giờ cũng xuất
phát từ người khác (tôi nghe người này nói, người kia nói); nguồn
thông tin của dư luận xã hội lại xuất phát từ chính là bản thân người
phát ngôn
Tin đồn được lan truyền qua các kênh không chính thống, cơ bản là

truyền miệng.
Dư luận xã hội xuất hiện từ thông tin đã được đăng tải trên các
phương tiện thông tin đại chúng, là thông tin chính thức.
Người Mĩ đã từng nói: “Sẽ không tin bất cứ điều gì nếu điều đó chưa
xuất hiện trên truyền hình”.
Để gây dựng cơ sở và tạo độ tin cậy cho tin đồn, người tung tin đồn
cố gán ghép cái gọi là cơ sở khoa học, gắn với các dấu mốc, sự kiện có thật.
9


Chính sự thật giả hỗn hợp này đã tạo tin đồn có "móng" bám trụ.
Chẳng hạn, khi tung tin đồn về mưa axít, đoạn tin được nhồi nặn như sau:
"Một nhà máy hạt nhân tại Fukumi, Nhật đã phát nổ lúc 4h30' sáng nay.
Nếu ngày mai hoặc ngày kia trời mưa, đừng ra khỏi nhà. Nếu bạn đang ở
ngoài, hãy đảm bảo rằng bạn được bảo vệ khỏi những giọt mưa. Đấy là
mưa axít. Đừng để nó rơi vào người bạn. Bạn có thể bị bỏng, rụng tóc và bị
ung thư. Xin hãy chuyển thông điệp này cho mọi người và giữ an toàn,
nhắc nhở những người quen của bạn". Tin đồn xuất phát từ Philippines và
đã lan truyền với tốc độ chóng mặt khắp châu Á, trong đó có cả Việt Nam.
Thời điểm đó, không ít người đã lo lắng, thông báo cho con em mình
không được ra ngoài trời khi phát hiện có mưa. Đọc đoạn tin trên, có thể
thấy, kẻ tung tin đồn đã khéo léo gán ghép những sự kiện nóng bỏng có thật
để cài chuyện huyễn hoặc. Sự kiện nóng bỏng có thật là sự cố nhà máy điện

hạt nhân ở Nhật, đúng cả về thời gian và địa điểm. Vì vậy, khi nó được cài
đoạn mưa axít, hiển nhiên độ tin cậy tăng lên. Hơn nữa, cách truyền tin
dưới dạng nhắc nhở, khuyến cáo chứ không phải đe dọa khiến người nhận
tin cảm nhận đây là tin hữu ích: đừng để mưa rơi vào người bạn!
Tại Việt Nam, những kiểu tin đồn "cài khoa học" hoặc cố tình gán
cho người có uy tín như nhà khoa học. VD tin đồn về mây phóng xạ, kẻ
tung tin đã chụp mũ nguồn tin từ nhà khoa học, Giáo sư Phạm Duy Hiển.
Nhiều người đã nhận được tin nhắn qua hệ thống chat hoặc email của một
người xưng là cháu của Giáo sư Phạm Duy Hiển, Phó Viện trưởng Viện
Nghiên cứu năng lượng hạt nhân, nói rằng: "Mây phóng xạ từ Nhật đã vào
Việt Nam với mức độ nhiễm rất cao, gần tới mức ảnh hưởng tới con người,
Chính phủ chưa công bố ngay vì sợ mọi người hoang mang và viện cần tiến
hành thêm một vài xét nghiệm". Giáo sư Phạm Duy Hiển sau đó đã bác bỏ
tin đồn chụp mũ, bịa đặt này.
Ở lĩnh vực tài chính, tiền tệ, chúng ta cũng từng chứng kiến những
tin đồn nguy hiểm như: tin đồn cho rằng ngân hàng sắp đổi tiền, sắp phát
10


hành những tờ tiền mệnh giá khủng như 1 triệu đồng, 2 triệu đồng, tin đồn
giám đốc một ngân hàng bị bắt… Những tin này lấy lý do lạm phát đang ở
mức cao, những tờ tiền mệnh giá hiện hành đã tỏ ra nhỏ bé nên phải in ấn
tiền mệnh giá lớn hơn. Gần đây, khi Nhà nước có chủ trương đưa việc kinh
doanh vàng miếng trên thị trường tự do vào khuôn khổ quản lý nhằm đảm
bảo an toàn cho thị trường này và quyền, lợi ích hợp pháp của người dân
thì trên mạng xã hội đã tán phát tin đồn: Nhà nước cấm người dân mua bán,
cất giữ vàng. Việc tung tin như vậy khiến một số người không rõ thực hư lo
lắng.

4) Tin đồn thường có tính “thất thiệt” (mặc dù có những tin đồn về

cơ bản là sự thật), trong khi đó, dư luận xã hội phản ánh trung thực về suy
nghĩ, tình cảm, thái độ của chủ thể.
Tin đồn gây không khí căng thẳng và khủng hoảng. Bằng phương
tiện tin đồn, người ta có thể truyền bá sự xúc động từ người này đến người
khác, từ địa phương này đến địa phương khác, đất nước này đến đất nước
khác.
Sự truyền cảm thâu hẹp phạm vi nhận thức và làm giảm bớt khả
năng phê phán.
Trong thời kỳ khủng hoảng, sự nhận thức luôn luôn đã chọn lọc lại
cần phải chọn lọc hơn. Nhà tâm lý học Mỹ P.Allport đã đưa ra công thức:
Cường độ tin đồn = Tính hấp dẫn + Tính không xác định.
Công thức này cho ta hiểu cơ chế biến đổi của tin đồn. Tuy nhiên,
giữa dư luận xã hội và tin đồn không có sự ngăn cách không vượt qua
được. Tin đồn có thể làm nảy sinh dư luận xã hội khi trên cơ sở tin đồn
người ta đưa ra những phán xét đánh giá bày tỏ thái độ của mình. Tin đồn
thường xuất hiện khi người ta thiếu (hoặc thừa) thông tin.

11


Muốn hướng dẫn hay cải chính tin đồn cần làm mất tính hấp dẫn và
tính không xác định của nó bằng cách đưa tin đầy đủ, công khai và có tính
định hướng về sự việc, sự kiện.

4. Hậu quả nguy hiểm của tin đồn thất thiệt, bịa đặt
Tin đồn thất thiệt, bịa đặt vừa tác động đến tâm lý, gây căng thẳng
trong nhân dân, nhất là những tin đồn ở thời điểm nhạy cảm, gắn sự kiện
làm rúng động thế giới như động đất, sóng thần ở Nhật Bản vừa qua. Dư
âm của vấn đề này tác động tâm lý rất mạnh khiến gần đây một số khu nhà
dân ở Hà Nội có dấu hiệu rung lắc nhẹ do các công ty xây dựng lân cận

khoan nhồi bê tông, nhưng nhiều người cũng tỏ ra hoảng sợ cho rằng động
đất. Tin đồn mưa axít, mây phóng xạ đã khiến nhiều người bỏ bê công việc,
học hành, không dám ra đường. Tin đồn ngân hàng đổi tiền khiến nhiều
người tìm cách mua vàng tích trữ và lo lắng lạm phát. Tin đồn sập cầu
khiến nhiều người không dám qua cầu, họ cũng tìm cách ngăn chặn con em
mình đi qua cầu. Tin đồn ăn bưởi, ăn hạt dưa, trứng, ớt, ăn cá rô đầu vuông
bị ung thư cũng làm nhiều người tẩy chay thực phẩm…
Tác động xã hội còn kéo theo nhiều hệ lụy, ảnh hưởng trực tiếp đến
cuộc sống người dân: lao động bị đình trệ, đứt nghẽn các hoạt động hành
chính, kinh tế. Nhà sản xuất cũng bị tấn công mạnh, thậm chí nhiều doanh
nghiệp rơi vào phá sản vì hàng hóa ế đọng, không thể tiêu thụ, trong khi
người dân điêu đứng (như tin đồn trứng gà giả, thực phẩm chứa chất gây
ung thư). Khi xã hội rộ lên tin đồn trứng gà làm bằng nhựa trông như thật
trà trộn trên thị trường, hậu quả là hàng vạn hộ dân nuôi gà không thể bán
được trứng, thua lỗ nặng nề.

12


Hay tin đồn ăn bưởi bị ung thư ở đồng bằng sông Cửu Long cũng
khiến người trồng bưởi ở đây nợ nần ngân hàng chồng chất vì bưởi đến
mùa không ai mua. Về mặt an ninh, tin đồn có thể gây bất ổn định, tạo ra
tâm lý lo lắng. Tại thủ đô Manila của Philippines, nơi khởi nguồn tin đồn
mưa axít khiến toàn bộ số thuốc Betadine tại các hiệu thuốc bị vét sạch,
một trường đại học phải tạm ngừng giảng dạy do lo lắng.
5. Định hướng dư luận xã hội

Rõ ràng, tin đồn ngày nay là một dạng chiến tranh tâm lý rất nguy
hiểm. Nó cũng không giới hạn phòng tránh trong một quốc gia, một vùng,
lãnh thổ. Cần thấy rằng, các thế lực thù địch và những đối tượng xấu lại coi

đây là thứ "vũ khí" lợi hại để tấn công, hòng gây nhiễu loạn an ninh xã hội.
Bản thân nhà báo cần làm tốt vai trò định hướng dư luận xã hội của mình
để loại bỏ tin đồn thất thiệt.
Định hướng dư luận sử dụng các nguồn thông tin chính thống tác
động đến cá nhân, nhóm và cộng đồng làm thay đổi nhận thức, thái độ của
họ, tạo ra sự nhất trí và đồng thuận thực hiện thắng lợi các mục tiêu,
phương hướng đề ra, định hướng dư luận có phạm vi tác động ở 3 cấp độ:
Cấp độ cá nhân, cấp độ nhóm xã hội và cấp độ cộng đồng. xã hội. Tuy
nhiên sự phân biệt này chỉ mang tính tương đối.
a) Định hướng ở cấp độ cá nhân là việc thông qua những phương
pháp mang tính tuyên truyền, giáo dục, vận động, thuyết phục tác động đến
cá nhân làm thay đổi thái độ, nhận thức của họ theo hướng có lợi cho tập
thể. Cá nhân vừa là chủ thể mang ý kiến,vừa là chủ thể nhận thức và phản
ánh vào dư luận xã hội quan điểm, thái độ, phán xét của họ về những sự
kiện xuất hiện liên quan đến trực tiếp hoặc gián tiêp đến lợi ích mà họ được
hưởng. Cá nhân thường gắn mình với các nhóm xã hội và mang đặc trưng
của các nhóm xã hội đó vì vậy so với một nhóm xã hội nhất định cá nhân

13


vừa có điểm chung của nhóm đó vừa có điểm riêng đặc trưng của nhóm xã
hội khác, ngoài ra cá nhân còn có những đặc trưng riêng có của mình.
Việc cung cấp thông tin, cơ sở chứng cứ, lý lẽ phù hợp với nhận thức
của chủ thể có vai trò hết hức quan trọng trong quá trình chuyển đổi trạng
thái nhận thức: từ không hiểu đến hiểu, từ chưa nhận thức rõ đến nhận thức
rất rõ, từ phản đối đến tán thành …hoặc quá trình chuyển đổi trạng thái tâm
lý : từ ghét đến yêu, từ không chấp nhận đến chấp nhận, từ không thích đến
rất thích…Trên thực tế các cá nhân có thể hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích
của tập thể, của cộng đồng nếu như họ được giác ngộ và ý thức rõ ràng về

sự hy sinh đó…Ngược lại khi chưa có sự giác ngộ và ý thức rõ ràng về mục
đích rất dễ dẫn đến sự chống đối bằng mọi giá. Định hướng ở cấp độ cá
nhân cần phải chú ý đến mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể đặc biệt là các
quan hệ về lợi ích
b) Cấp độ định hướng nhóm xã hội.
Các cá nhân luôn được gắn với một nhóm nhất định, chịu sự tác
động, ràng buộc bởi các quy tắc, chuẩn mực của nhóm và tuân thủ các
quyết định của nhóm xã hội đó. Có nhiều tiêu chí để xác định một nhóm xã
hội, các ngành khoa học khác nhau tiếp cân dựa vào những đặc trưng cơ
bản, trên cơ sở tính bền vững và tính tính tương đối đồng nhất của các cá
nhân mà người ta có thể xác định những nhóm xã hội khác nhau ví dụ trong
xã hội học có nhóm quy chiếu (nhóm thực, nhóm tượng trưng), nhóm sơ
cấp, nhóm thứ cấp… Việc lựa chọn các tiêu chí xác định nhóm luôn phụ
thuộc vào mục đích và tính chất của vấn đề cần nghiên cứu…
Khi định hướng dư luận trong nhóm xã hội thì việc thông qua những
người có uy tín, địa vị cao trong nhóm có vai trò hết sức quan trọng. Ví dụ
bí thư đoàn thanh niên định hướng dư luận cho đoàn viên, chủ tịch HPN
định hướng dư luận cho hội viên, chủ tịch công đoàn định hướng DLXH
cho công nhân…Những người đứng đầu tổ chức, đơn vị thường có vai trò
định hướng rất rõ đối với các thành viên thuộc tổ chức của mình vì vậy việc
14


trang bị cho người định hướng những thông tin có định hướng rõ ràng,
chính xác, đầy đủ ý nghĩa về nội dung một thông điệp nào đó đặc biệt trong
lĩnh vực tư tưởng là rất quan trọng.
Bên cạnh đó cũng cần đánh giá đúng mức mối quan hệ giữa những
thành viên với thiết chế nhóm vì mỗi thành viên có thể tham gia vào nhiều
nhóm trong cùng một thời điểm, những nhóm có lợi ích cơ bản và chủ yếu
thường được ưu tiên tham gia nhiều hơn và nhiệt tình hơn trong kế hoạch

hoạt động của cá nhân so với những nhóm khác.
c) Cấp độ định hướng cộng đồng (xã hội)
Định hướng cộng đồng có phạm vi tác động rộng hơn định hướng
nhóm xã hội, là hoạt động định hướng mang tính chất liên nhóm, các thông
điệp đưa vào quá trình định hướng thường mang lợi ích chung của cộng
đồng, vì một mục đích chung liên quan đến cộng đồng. Phương tiện chủ
đạo tham gia vào quá trình định hướng cộng đồng thường là báo chí và các
phương tiện truyền thông đại chúng, đây cũng là những phương tiện phổ
biến có sức lan toả nhanh, có tác động trên diện rộng và trực tiếp đến các
nhóm đối tượng khác nhau. Trong điều kiện hiện nay, sự phát triển đa dạng
của các loại hình truyền thông đại chúng, các loại ấn phẩm, xuất bản phẩm
đang tạo ra những điều kiện rất thuận lợi cho công tác định hướng dư luận
xã hội, những nội dung cần định hướng được chuyển tải dễ dàng hơn, dưới
nhiều hình thức phong phú hơn nhưng bên cạnh đó cũng tạo ra những khó
khăn nhất định đặc biệt trong công tác quản lý, giám sát hoạt động của quá
trình truyền thông vì nếu sản phẩm truyền thông mang nội dung định
hướng dư luận tốt sẽ tạo ra sự đồng thuận, nhất trí cao trong các tầng lớp
nhân dân thực hiện thắng lợi chủ trương đường lối của Đảng, chính sách,
pháp luật của nhà nước.
Ngược lại nếu nội dung các sản phẩm truyền thông không mang tính
định hướng rõ ràng hoặc tính định hướng về tư tưởng, về giá trị không cao
sẽ có thể phản tác dụng việc định hướng dư luận thậm chí tạo ra những tâm
15


trạng hoang mang, lo lắng trong dư luận xã hội vì vậy việc giám sát hoạt
động truyền thông đang là vấn đề hết sức quan trọng hiện nay.
d. Nâng cao hiệu quả của công tác định hướng dư luận xã hội
Hiệu quả của việc định hướng dư luận xã hội phụ thuộc vào việc
nhóm định hướng nắm bắt và làm chủ dư luận xã hội, chủ động đến các sự

kiện xã hội và dự báo được xu thế phát triển của các sự kiện xã hội đó (bao
gồm các sự kiện xã hội đã, đang và sẽ nảy sinh). Vì vậy nhiệm vụ đánh giá
đúng đắn cường độ, phạm vi tác động của các sự kiện xã hội đến các nhóm
lợi ích có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với công tác định hướng dư luận,
nó giúp cho nhóm định hướng đưa ra những phương pháp định hướng phù
hợp và có hiệu quả cao.
Công tác tuyên giáo và công tác định hướng dư luận xã hội ở nước ta
hiện nay đang có nhiều thuận lợi thể hiện ở chỗ bầu không khí dân chủ mở
rộng ngày càng được nâng cao, sự đồng lòng, nhất trí trong các tầng lớp
nhân dân đối với các chủ trương, đường lối của đảng, chính sách pháp luật
của nhà nước được thể hiện rất rõ nét, những thành tựu tăng trưởng và phát
triển kinh tế – xã hội, giáo dục, y tế, ngoại giao, khoa học kỹ thuật đang tạo
ra những động lực mới cho sự phát triển toàn diện, vai trò của các tổ chức
chính trị – xã hội, các tổ chức đoàn thể quan trọng hơn, có uy tín ngày càng
cao trong đời sống nhân dân. Báo chí, các phương tiện truyền thông đại
chúng, các ấn phẩm, xuất bản phẩm ngày càng đa dạng, phong phú tạo điều
kiện chủ động thông tin cho mọi người dân trong quá trình học tập, lao
động và sản xuất.
Bên cạnh đó công tác định hướng dư luận xã hội trong giai đoạn hiện
nay cũng gặp không ít những khó khăn, đặc biệt dưới sự tác động của kinh
tế thị trường, lối sống cá nhân ích kỉ, vụ lợi xuất hiện và đang len lỏi, thâm
nhập vào các cá nhân, các nhóm xã hội. Sự phân tán về tư tưởng có dấu
hiệu gia tăng, sự phân hoá về mức sống, về quan điểm, tư tưởng trong các
16


nhóm xã hội, các giai tầng xã hội đang là nguyên nhân tạo ra sự khác biệt
trong nội bộ các nhóm, các tổ chức xã hội.
Xét dưới góc độ của công tác tuyên giáo, việc sử dụng đội ngũ công
tác viên, thông tin viên, tuyên truyền viên, báo cáo viên và những người có

uy tín trong cộng đồng trong những năm qua đã đạt được những kết quả rất
quan trọng song vẫn còn nhiều điểm hạn chế về cơ chế đào tạo, bồi dưỡng
nghiệp vụ chuyên môn, bản lĩnh chính trị; về chất lượng và hiệu quả của
công tác thông tin tuyên truyền; về trình độ, năng lực và kinh nghiệm trong
quá trình nắm bắt, phản ánh, định hướng các luồng dư luận xã hội cũng
đang là những vấn đề cần xem xét, đối mới cho phù hợp với thực tiễn hơn.
Trong công tác tuyên giáo hiện nay, việc nâng cao hiệu quả công tác
thông tin, định hướng dư luận xã hội là rất quan trọng và cần thiết. Để làm
được điều đó,công tác định hướng dư luận cần phải chú trọng đến những
vấn đề sau:
Thứ nhất: Lãnh đạo các tổ chức, đơn vị trước hết phải nắm bắt kịp
thời các sự kiện, hiện tượng mang tính thời sự liên quan đến tổ chức, đơn vị
mình, các sự kiện, hiện tương liên quan đến lợi ích của giai cấp, quốc gia
dân tộc cũng như nắm bắt và làm chủ được dư luận xã hội về sự kiện, hiện
tượng đó để làm cơ sở cho việc định hướng dư luận xã hội.
Thứ hai: Đánh giá khách quan hệ quả và sự tác động của báo chí, các
phương tiện truyền thông đại chúng đối với các nhóm công chúng và dự
báo được những phát sinh từ hệ quả tác động của báo chí. Những tình
huống có thể phát sinh bao gồm cả những phản ánh tích cực hay phản ánh
tiêu cực, đồng thuận hay không đồng thuận, ủng hộ hay phản đối … về một
nôi dung thông tin nào đó được cung cấp đến công chúng .
Thứ 3: Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, nắm bắt dư luận xã hội, trong
đó việc nghiên cứu cần phải làm rõ tính quy luật và những nhân tố ảnh
hưởng đến quá trình phát sinh các luồng ý kiến khác nhau cũng như cơ sở
khoa học để đánh giá, phán xét một luồng ý kiến nào đó, nâng cao vai trò
17


chức năng dự báo, chức năng phản biện xã hội trong các nghiên cứu dư
luận xã hội. Việc nắm bắt dư luận xã hội cần tuân thủ chặt chẽ các khâu,

các công đoạn, các yêu cầu kỹ thuật và phương pháp nghiên cứu đảm bảo
tính khách quan và khoa học trong quá trình thu thập thông tin.
Thứ 4: Định hướng dư luận xã hội cũng là việc minh bạch hoá các
nguồn thông tin, hạn chế nhận thức sai lệch và loại bỏ tin đồn thất thiệt
trong xã hội. Điều này cũng đòi hỏi đội ngũ công tác viên, thông tin viên,
tuyên truyền viên, báo cáo viên và những người có uy tín trong cộng đồng
phải có năng lực nhất định trong việc phân tích đánh giá, phán xét các sự
kiện xã hội, phân biệt rõ giữa DLXH và tin đồn cũng như những tác động
tiêu cực của tin đồn trong đời sống xã hội. Nâng cao khả năng dự báo, tham
mưu trong quá trình nghiên cứu nắm bắt dư luận xã hội./.

18


Kết luận
Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, cả hệ thống chính trị (Đảng,
Nhà nước, Mặt trận và các đoàn thể) hết sức coi trọng dư luận xã hội vì mọi
hoạt động của Đảng, Nhà nước và Mặt trận, các đoàn thể đều xuất phát từ
lợi ích của nhân dân lao động và của cả dân tộc. Qua dư luận xã hội để nắm
bắt được tâm trạng của nhân dân, hiểu được nguyện vọng, lợi ích của họ để
đề ra chủ trương, chính sách phù hợp - “Giữ chặt mối liên hệ với dân chúng
và luôn lắng nghe ý kiến dân chúng. Đó là nền tảng lực lượng của đoàn thể
và nhờ đó mà đoàn thể thắng lợi” (Hồ Chí Minh).
Tóm lại, những người làm công tác vận động quần chúng ở bất cứ
thời điểm nào muốn làm tốt vai trò, trách nhiệm của mình đều phải quan
tâm đến dư luận xã hội. Trong mọi điều kiện, hoàn cảnh khác nhau, dư luận
xã hội đều có ảnh hưởng quan trọng đến đời sống của cá nhân và của cộng
đồng, đến kết quả của quá trình phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc
phòng của địa phương và đất nước. Trong xã hội ta hiện nay, việc tìm hiểu
và nắm bắt dư luận xã hội đã trở thành điều kiện quan trọng đảm bảo công

tác lãnh đạo và quản lý đạt được hiệu quả ngày càng cao hơn.

19


Tài liệu tham khảo

1.

Cơ sở lý luận báo chí, PGS.TS Tạ Ngọc Tấn, NXB Chính
trị Quốc gia, 2005.\

2.

Tạp chí Tuyên giáo, tháng 2 năm 2008

3.

Bài viết của Th.S Nguyễn Mậu Việt Hưng – Viện Nghiên
cứu Dư luận Xã hội, Vài nét về hoạt động định hướng Dư
luận xã hội.

4.

Bài báo “Tin đồn thất thiệt, bịa đặt – Nhận diện và xử lý,
Báo CAND tháng 05/2011

5.

Tài liệu về nghiên cứu tin đồn – Vietstem.com


20



×