Tải bản đầy đủ (.doc) (27 trang)

Những biểu hiện của chủ nghĩa tượng trưng, siêu thực trong thơ việt nam hiện đại tt

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (155.13 KB, 27 trang )

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN

VŨ THỊ LAN ANH

NHỮNG BIỂU HIỆN CỦA CHỦ NGHĨA TƯỢNG TRƯNG,
SIÊU THỰC TRONG THƠ VIỆT NAM HIỆN ĐẠI

Chuyên ngành: Lí luận văn học
Mã số:
62 22 01 20

TÓM TẮT LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HỌC

Hà Nội – 2018


Công trình được hoàn thành tại:
Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn
Đại học Quốc gia Hà Nội

Người hướng dẫn khoa học:
PGS.TS Trần Khánh Thành

Phản biện: . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .. . . . . . . . .
Phản biện: . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .. . . . . . . . .
Phản biện: . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .. . . . . . . . .

Luận án sẽ được bảo vệ trước Hội đồng chấm luận án tiến sĩ cấp cơ
sở họp tại . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .. . . . .
vào hồi


giờ
ngày
tháng
năm 2018

Có thể tìm hiểu luận án tại:
- Thư viện Quốc gia Việt Nam
- Trung tâm Thông tin - Thư viện, Đại học Quốc gia Hà Nội


MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Ở phương Tây cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX hình thành
chủ nghĩa tượng trưng và siêu thực với hệ thống quan niệm và những
nguyên tắc sáng tạo mang tầm ảnh hưởng lớn lao, thúc đẩy thơ ca
phát triển. Trong tầm ảnh hưởng của quy luật giao lưu, tiếp nhận các
trường phái, trào lưu văn học, có thể khẳng định thơ hiện đại Việt
Nam có dấu ấn của chủ nghĩa này. Từ sau năm 1936 với phong trào
Thơ mới, bắt đầu là khuynh hướng tượng trưng sau đó là siêu thực du
nhập vào nước ta và từ đó vận động, trải qua nhiều thăng trầm cùng
dòng chảy văn học dân tộc. Có thể nói trong một bối cảnh rộng mở,
cùng với tiền đề là chủ nghĩa hiện đại đang có sự bứt phá, thậm chí là
có tính toàn cầu hóa thì khuynh hướng tượng trưng, siêu thực đã in
đậm dấu ấn trong bút pháp, tư tưởng, nguyên tắc sáng tạo của nhiều
tác giả.Bởi vậy đứng trước những vấn đề khoa học hấp dẫn đó chúng
tôi tập trung vào “Những biểu hiện của chủ nghĩa tượng trưng, siêu
thực trong thơ Việt Nam hiện đại” làm đề tài luận án. Đây là đề tài có
ý nghĩa thiết thực đối với nghiên cứu và giảng dạy văn học Việt Nam
trong bối cảnh hiện nay.
2. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu: Những ảnh hưởng của chủ nghĩa siêu
thực Việt Nam thông qua những biểu hiện cụ thể đến thơ hiện đại
Việt Nam.
Phạm vi nghiên cứu: Thơ Việt Nam hiện đại (từ 1932 đến
nay) và chỉ nghiên cứu những tác giả tiêu biểu, có tính đại diện cao.
3. Mục đích nghiên cứu
Luận án làm rõ những biểu hiện đặc trưng cho thấy ảnh
hưởng của chủ nghĩa tượng trưng, siêu thực đối với thơ Việt Nam
hiện đại để làm rõ vai trò, đóng góp và hạn chế của khuynh hướng
1


này trong thơ Việt Nam hiện đại, so sánh mức độ ảnh hưởng giữa các
giai đoạn, đồng thời khẳng định sự cần thiết phải nghiên cứu, tìm
hiểu những ảnh hưởng của khuynh hướng tượng trưng, siêu thực đến
thơ hiện đại Việt Nam trong nghiên cứu và giảng dạy văn học Việt
Nam hiện nay.
4. Phương pháp nghiên cứu
Các phương pháp chính được sử dụng trong luận án: Phương
pháp lịch sử; phương pháp nghiên cứu tâm lí học sáng tạo; phương
pháp so sánh; phương pháp loại hình; phương pháp nghiên cứu
trường hợp (case study); phương pháp nghiên cứu liên văn bản.
5. Đóng góp mới của luận án
Luận án có những đóng góp mới sau: Nghiên cứu và chỉ ra
những biểu hiện cho thấy ảnh hưởng của chủ nghĩa tượng trưng, siêu
thực đến thơ Việt Nam hiện đại qua các giai đoạn: 1932 – 1945, góp
phần làm rõ diện mạo thơ Việt Nam trong tiến trình văn học nước
nhà, khẳng định vị thế của văn học Việt Nam trong dòng chảy văn
học thế giới; ứng dụng lý thuyết về tượng trưng siêu thực, loại hình học,
lý thuyết nghiên cứu trường hợp để tìm hiểu những hiện tượng điển

hình.
6. Cấu trúc luận án
Chương 1. Tổng quan về vấn đề nghiên cứu
Chương 2. Sự tiếp nhận chủ nghĩa tượng trưng, siêu thực
trong phong trào Thơ mới (1932 – 1945)
Chương 3. Những biểu hiện của chủ nghĩa tượng trưng, siêu
thực trong thơ Việt Nam giai đoạn 1945 – 1975
Chương 4. Những dấu ấn của chủ nghĩa tượng trưng, siêu
thực trong thơ Việt Nam sau 1975

2


NỘI DUNG
CHƯƠNG 1. TỔNG QUAN VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU
1.1. Giới thuyết về chủ nghĩa tượng trưng, siêu thực
1.1.1. Chủ nghĩa tượng trưng
Luận giải về chủ nghĩa tượng trưng, các nhà nghiên cứu có
nhiều cách tiếp cận khác nhau. Tuy nhiên, dù xuất phát từ cách tiếp cận
nào thì những nội dung chính được các nhà nghiên cứu quan tâm đến
cũng tập trung vào khái niệm “tượng trưng”, sự ra đời của chủ nghĩa
tượng trưng và cơ sở triết học của chủ nghĩa tượng trưng. Trong luận án
này, tượng trưng được hiểu với nội hàm là một phương diện đặc thù
của sáng tạo nghệ thuật, nó trở thành phương thức khái quát đời
sống, nghiêng về tính chất ổn định và đa nghĩa. Quan niệm thẩm mỹ
của chủ nghĩa tượng trưng dựa trên tư tưởng triết mỹ của Emmanuel
Kant, Athur Schopenhauer, thuyết thần cảm của Đức, quan niệm
“nghệ thuật vị nghệ thuật” của Théophile Gautier và phái “thuần văn
học” của Edgar Allan Poe. Tác giả Jean Moréas đưa ra bảy nguyên
tắc hoạt động của thơ tượng trưng là: biểu trưng cho sự vật tự nó và

các ý niệm nằm ngoài giới hạn của sự tri giác cảm tính; vươn tới bản
chất lý tưởng siêu thời gian của thế giới, cái vẻ đẹp siêu nghiệm; bác
bỏ lý tưởng thẩm mỹ: nghệ thuật vị nghệ thuật; phản ứng lại phái Thi
Sơn.
1.1.2.Chủ nghĩa siêu thực
Đây là một trào lưu văn học xuất hiện vào những năm 20 của thế
kỷ XX tại Pháp. Năm 1924, André Breton công bố Tuyên ngôn chủ nghĩa
siêu thực, khẳng định cơ sở phương pháp sáng tạo của chủ nghĩa siêu thực
là sự tác động thuần túy nhằm mục đích thể hiện bằng lời nói, hoặc chữ
viết, hoặc bằng bất kỳ phương tiện nào khác hoạt động hiện thực của tư
tưởng. Các tư tưởng được tự do bộc lộ, không phải chịu kỳ một sự kiểm
soát nào của lý trí hay của những thành kiến đạo đức và thẩm mỹ” .
3


1.2.3. Hướng nghiên cứu về những biểu hiện của chủ nghĩa tượng
trưng, siêu thực đối với thơ Việt Nam qua các giai đoạn từ góc
nhìn so sánh
Các bài nghiên cứu trong hướng này thường phân chia thơ
Việt Nam thành các giai đoạn và nghiên cứu ảnh hưởng của tượng
trưng, siêu thực với từng giai đoạn. Theo đó, ba giai đoạn được xác
định phổ biến nhất là: Thơ mới (1932-1945), giai đoạn 1945 -1975 và
giai đoạn sau 1975. Trong khi đánh giá về ảnh hưởng của thi phái này
các công trình nghiên cứu không đi theo một hướng thuần nhất nhất
định mà có nhiều luồng ý kiến khác nhau, thậm chí ngược chiều.
1.2.4. Nghiên cứu về tượng trưng, siêu thực ảnh hưởng đến quá
trình sáng tác của một số tác giả thơ hiện đại tiêu biểu
Các tác giả tiêu biểu được đề cập đến trong ảnh hưởng của
tượng trưng siêu thực chủ yếu là các tác giả trong phong trào thơ mới
như: Hàn Mặc Tử, Bích Khê, Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương, Xuân

Diệu, giai đoạn sau là Hoàng Cầm, Vi Thùy Linh, Mai Văn Phấn…
* Tóm lại qua tổng quan vấn đề nghiên cứu, chúng tôi nhận
thấy rằng, ở mức độ khác nhau, các nhà nghiên cứu đều đồng thuận
rằng tuy ở Việt Nam không có chủ nghĩa siêu thực, tượng trưng
nhưng những ảnh hưởng của siêu thực, tượng trưng đến các nhà thơ
Việt Nam là không thể phủ nhận.

4


CHƯƠNG 2. SỰ TIẾP NHẬN CHỦ NGHĨA TƯỢNG TRƯNG,
SIÊU THỰC TRONG
PHONG TRÀO THƠ MỚI
2.1. Phong trào Thơ mới trong hành trình phát triển tư duy nghệ
thuật
Thơ mới khởi phát từ những phản ứng với thơ cũ đã lạc điệu
vào đầu thế kỷ XX, sau đó đậm đặc khuynh hướng lãng mạn, khai
phá địa hạt tượng trưng và manh nha yếu tố siêu thực. Ở Việt Nam,
bằng sự nhạy cảm trước thực tiễn xã hội, thế giới quan của họ cũng
xuất hiện tâm lí phản ứng với môi trường xã hội, dễ sa vào thoát ly
hiện thực. Mặt khác, chủ nghĩa tượng trưng và siêu thực đi sâu vào
khám phá tiềm thức, vô thức, đối lập với sự kể lể, giãi bày và chán
ghét lối sống tầm thường, toan tính, nhỏ nhen, vì thế những yếu tố
này cũng nhanh chóng được tiếp thu trong phong trào Thơ mới. Có
thể nói rằng các thi sĩ Thơ mới đã gặp gỡ tư tưởng phản lí trí của
phương Tây, có xu hướng khai thác vùng thẩm mĩ tâm linh sâu thẳm
của con người, thức dậy những năng lực tiềm ẩn trong cảm thụ về
vạn vật và con người. Điều đáng nói ở đây là việc tiếp nhận những
đặc trưng của chủ nghĩa tượng trưng, siêu thực phương Tây của các
tác giả Thơ mới không mang tính chất cứng nhắc một chiều mà nó

hoàn toàn tự nhiên, vừa xuất phát từ nhu cầu cách tân thơ Việt vừa
chạm vào những yếu tố tiềm ẩn, nôi sinh sẵn có trong tinh thần
phương Đông.
2.2. Những biểu hiện của chủ nghĩa tượng trưng trong Thơ mới
2.2.1. Sự tương hợp, tương giao trong cảm nhận về thế giới
Các nhà thơ của phong trào Thơ mới thể hiện sự tương giao
giữa các giác quan và hướng tới khả năng tương hợp giữa các đối
tượng của chúng như: âm thanh, màu sắc, hương thơm, ánh sáng hòa
hợp trong một thực thể. Cũng nhờ đó đối tượng phản ánh hiện lên
5


nhiều chiều, đa sắc thái và quá trình tri giác nghệ thuật trở nên hấp
dẫn. Thực sự chủ nghĩa tượng trưng với chủ thuyết tương giao không
hề mơ hồ, thiếu căn cứ hay chỉ là những cố gắng tâm linh mà nó thực
sự là một thực tiễn khoa học hỗ trợ con người khắc phục được sự đơn
điệu và phiến diện trong việc nhìn nhận, khám phá đời sống.
2.2.2.Sử dụng biểu tượng trong Thơ mới
Biểu tượng nghệ thuật có thế mạnh ở sức gợi liên tưởng sâu xa
đồng thời khơi dậy nên những cái mơ hồ trừu tượng hay nói đúng hơn
nó hiện hữu tính đa trị, đa nghĩa, mang đến khả năng biểu đạt những
liên hệ trong chiều sâu đối tượng mà sự tả thực thuần túy không thực
hiện được.Trong Thơ mới đậm đặc những biểu tượng thiên nhiên.
Thiên nhiên, vũ trụ, thế giới là cõi rộng lớn vô biên và trường cửu
nhưng cũng chính là khách thể gần gũi luôn bao bọc, che chở cho con
người nương náu. Biểu tượng thiên nhiên được đúc kết sớm nhất
trong nhận thức của nhân loại, tuy nhiên với mỗi thời đại, mỗi dân
tộc, trong những môi trường văn hóa vận động, phát triển khác nhau
những biểu tượng ấy lại có sự thay đổi, biến thể phù hợp. Để hình
dung về thế giới, con người tìm ra mối tương thông giữa ba tầng bậc

không gian là cõi thượng giới (thiên đàng), cõi trần gian và địa phủ
(địa ngục). Sáng tạo nghệ thuật hay phạm vi khuôn hẹp hơn là sáng
tác thơ ca hay bất cứ một loại hình nào, cũng phải hướng tới vấn đề
minh định về con người. Sự khác biệt và giá trị của thơ tượng trưng
là ở khía cạnh khám phá và trình hiện con người với tinh chất nguyên
sơ, bản năng, không bị kiềm tỏa hay uốn nắn bởi luân lý, đạo đức.
2.2.3. Nhạc tính trong Thơ mới
Trên cơ sở nối tiếp truyền thống “thi trung hữu nhạc” của
phương Đông và tận dụng lợi thế của tiếng Việt là thứ ngôn ngữ giàu
thanh điệu, cùng với việc tiếp nhận quan niệm thẩm mĩ của thi phái
tượng trưng Pháp, các thi sĩ Thơ mới đã thực sự phổ vào thơ những
6


cung đàn mới mẻ, hiện đại. Âm nhạc của thơ tượng trưng không cứng
nhắc, vô hồn, “trống rỗng” mà luônlinh động, tiềm ẩn khả năng khơi
gợi, tạo sinh nghĩa. Nó góp phần khải thị thế giới bí ẩn, thống nhất,
tương giao và thể hiện những rung động sâu thẳm trong hồn người.
2.3. Những biểu hiện của chủ nghĩa siêu thực trong Thơ mới
Về thực tiễn sáng tạo của các nhà thơ đã chứng minh rằng ở
giai đoạn này siêu thực và thậm chí cả tượng trưng cũng không tồn
tại như một chủ nghĩa, trào lưu rộng lớn mà chỉ có dấu ấn của khuynh
hướng sáng tác tượng trưng, siêu thực mà thôi. Các nhà thơ của
trường thơ Loạn như Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Bích Khê và sau
này nhóm Dạ Đài với tên tuổi Trần Dần, Trần Mai Châu, Vũ Hoàng
Chương, Vũ Hoàng Địch, Đinh Hùng; Xuân Thu Nhã Tập có Đoàn
Phú Tứ, Nguyễn Xuân Sanh đây đó trong sáng tác của họ thấp thoáng
sắc thái siêu thực. Điển hình nhất cho cách khai thác yếu tố siêu thực
có lẽ là trường hợp Hàn Mặc Tử.
2.3.1. Khám phá hiện thực tuyệt đối bằng giấc mơ

Giấc mơ là một trong những miền đến mong ước mà các tác
giả siêu thực hướng đến. Hiện thực hiện hữu trong thế giới của các
nhà thơ chỉ là hiện thực khiếm khuyết, là hiện thực mà họ muốn chối
bỏ để đi tìm một hiện thực khác toàn bích hơn. Giấc mơ trong sáng
tác của các tác giả Thơ mới có dấu ấn siêu thực là một thế giới thực
tại của chiêm bao. Nó không phải sản phẩm của trí tưởng tượng mà là
sản phẩm của hoạt động vô thức, tiếng nói của những ẩn ức, ám ảnh
vốn bị đè nén bên trong mà chưa có dịp để bùng phát. Nó không đối
lập với thực tại mà chính là thực tại ở chiều sâu và xa hơn.Nó là một
thế giới đa diện trùng phức chứ không phải thế giới phẳng như thơ
lãng mạn gợi ra. Điều đặc biệt là, trong thế giới mộng mị ấy, nhân vật
trữ tình hay “tôi” cũng ở trong trạng thái vô thức, mê sảng. Dường
như sự nguyên phiến bị phá vỡ thành những thực thể li hợp bất định.
7


Khoảnh khắc làm thơ các nhà thơ là người của cõi mộng - là một
thực thực khác hội tụ của những khao khát lớn lao nhất – là con
người thực theo đúng nguyện vọng của họ. Nó là sự nhập thân tuyệt
đối của nhà thơ vào cõi mộng mị. Trạng thái ấy được Đinh Hùng,
Chế Lan Viên và đặc biệt là Hàn Mặc Tử nói đến nhiều trong sáng
tác
2.3.2. Khám phá siêu thực bằng trực giác
Các nhà thơ đề cao trực giác và cho rằng thi sĩ hòa nhập tuyệt
đối, trở thành những siêu nhân của cuộc đời như: khách lạ, người mơ,
người say, người điên. Họ tiềm ẩn những năng lượng bất thường và
báo hiệu những bùng nổ phá cách trong thơ, sáng tạo trong trạng thái
điên loạn như những kẻ lên đồng, nhập thần. Nó là những trạng
thái “điên”, “mơ”, “say” được đẩy đến tột cùng – sáng tạo nằm
ngoài hành lang kiểm duyệt của ý thức. Từ 1936 đến 1945, Thơ mới

đã hình thành những quan niệm thực sự đứt gãy so với thơ lãng mạn giai
đoạn trước, thể hiện trong quan niệm của Trường thơ Loạn, nhóm Xuân
Thu Nhã Tập, nhóm Dạ Đài. Có thể tìm thấy những điểm gần gũi với tư
duy và phương pháp sáng tác thơ siêu thực trong các bài thơ văn xuôi
của Hàn Mặc Tử (Quan niệm thơ, Chơi giữa mùa trăng, Chiêm bao và
sự thật,…), tựa tập Thơ điên và tựa tập Điêu tàn do chính hai tác giả
Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên tự viết, tuyên ngôn Thơ của Xuân Thu Nhã
Tập và Tuyên ngôn tượng trưng của Dạ Đài.
2.3.3. Phương thức tạo hình độc đáo của các nhà thơ siêu thực
Có nhiều phương thức được các nhà thơ mới dùng để tạo
hình: sử dụng những nét chấm phá, tạo hình thiên về cảm xúc…
Trong đó, cách thức tạo hình phổ biến nhất là đặt những hình ảnh vốn
rất xa nhau lại cạnh nhau để tạo nên những “va đập chói lòa của
hình ảnh”. Những va đập này sẽ giúp nhà thơ bổ sung hoặc sáng tạo
ra những lớp ngữ nghĩa mới cho hình ảnh. Ta thấy sự kết hợp hình
8


ảnh theo lối siêu thực trên nhiều cấp độ, không dễ cảm nhận, chẳng
hạn cách tạo tác “nhạc trầm mi”, “hồn xanh ngát”, “trái xuân sa”,
“vai suối tươi”, “ngàn mày tràng giang”, “vây tóc mưa” … trong
thơ Nguyễn Xuân Sanh. Xuân Thu Nhã Tập đã chớm chạm
đến “ngôi đền” siêu thực bằng cách cắt dán lắp ghép để tạo nên
những hình ảnh lạ lẫm.
* Mức độ ảnh hưởng của chủ nghĩa tượng trưng, siêu thực
giai đoạn này tuy chưa mạnh mẽ nhưng lại có ý nghĩa quyết định đối
với sự lên ngôi của khuynh hướng này trong thơ ca hiện đại Việt
Nam những giai đoạn tiếp theo. Nó khẳng định sự bứt phá mạnh mẽ
của các nhà thơ để thoát ly khỏi những khuôn mẫu, quy ước, ước lệ
trong thơ ca giai đoạn trước. Điều đó lý giải vì sao nhắc đến tượng

trưng, siêu thực trong văn học Việt Nam, Thơ mới luôn luôn được đặt
ở vị trí ưu tiên và được quan tâm nhiều nhất.

9


CHƯƠNG 3. NHỮNG BIỂU HIỆN CỦA CHỦ NGHĨA TƯỢNG
TRƯNG, SIÊU THỰC TRONG THƠ VIỆT NAM GIAI ĐOẠN
1945 – 1975
Giai đoạn 1945-1975 là giai đoạn hoàng kim của thơ ca
kháng chiến. Thơ ca tượng trưng, siêu thực trong giai đoạn này chỉ
tồn tại một cách âm thầm và mạnh mẽ trong sáng tác của một số nhà
thơ do hoàn cảnh lịch sử.Trong bối cảnh đó, chúng tôi tìm đến ảnh
hưởng của những tác giả điển hình trong thơ ca Việt Nam cho tượng
trưng, siêu thực.
3.1. Bối cảnh thơ khu vực miền Bắc giai đoạn 1945 - 1975
Thực sự giai đoạn này không có tác giả nào rẽ vào địa hạt
tượng trưng, siêu thực nhưng xét ở phương diện ảnh hưởng một cách
tự nhiên yếu tố này không mất đi hoàn toàn mà vẫn âm thầm tồn tại
trong một số sáng tác, trong đó chúng tôi nhận thấy rõ nhất đối với
các trường hợp tác giả Trần Dần và Hoàng Cầm. Hai tác giả trên
cũng là những nghệ sĩ tiên phong của thơ kháng chiến, nhưng trong
sáng tác của họ đã xuất hiện những biểu hiện tượng trưng, siêu thực
vì nhiều lí do khác nhau.
3.2. Những biểu hiện của khuynh hướng tượng trưng, siêu thực
trong thơ Trần Dần
3.2.1. Ngôn từ thơ giàu sức gợi cảm và nhạc tính
Tác giả đưa ngôn từ vượt thoát ra khỏi chức năng giao tiếp
thông thường, triệt tiêu dần ý nghĩa tiêu dùng đưa ngôn ngữ trở về
với chính bản thể thuần khiết của nó. Chữ trở thành trung tâm phát

sinh nghĩa trong mối liên hệ tuyến tính với các đơn vị ngôn từ lân
cận. Thơ Trần Dần, ngay từ buổi đầu đã lựa chọn con đường độc đáo,
nhà thơ ứng xử với chữ thật khác lạ, muốn khám phá và đào sâu đến
tận cùng năng lực của nó, đưa chữ bứt phá lên khỏi những quy chuẩn
thông thường. Chữ cựa quậy như một sinh thể đang phập phồng
10


sống, mà trạng thái sống nào cũng bạo liệt, khắc khoải ít xuất hiện sự
bằng phẳng, nhàn nhạt.Với quan điểm thực hành âm thanh trên ngôn
từ, thơ Trần Dần không chỉ ấn tượng bởi tính chất thị giác mà còn
mang tiết tấu mới lạ, giao hòa giữa âm và nghĩa, bám sát vần điệu dồi
dào của tiếng Việt, đưa yếu tố láy mô phỏng nhiều âm thanh nghe rất
lạ tai.
3.2.2. Thơ Trần Dần sử dụng biểu tượng đầy ám ảnh
Thơ Trần Dần hay xuất hiện những hình ảnh mang tính chất
liên thông, kết chuỗi tạo nên nhiều ám gợi thân phận, mật độ dày nhất
có lẽ là biểu tượng không gian.Biểu tượng phố bộc lộ rõ nhất cái tôi
của Trần Dần, nó không bao giờ tĩnh tại mà luôn vận động trong
trạng thái chất vấn, hoài nghi, đối thoại với chính mình và với cuộc
đời.
3.3. Những biểu hiện của khuynh hướng tượng trưng, siêu thực
trong thơ Hoàng Cầm
3.3.1 Lối viết tự động
Lối viết tự động (automatic writing) là khái niệm quan trọng
của chủ nghĩa siêu thực. Mục đích của nó là giải thoát khỏi sự ràng
buộc của ý thức, khai phá nguồn vô thức phi logic, đầy tính trực giác,
chủ nghĩa siêu thực đề xướng tư tưởng mĩ học phản lí tính, phản đối
quyết liệt chủ nghĩa hiện thực.Cốt lõi của phương pháp sáng tác tự
động trong thơ Hoàng Cầm là nhà thơ ghi lại lập tức từ ngữ, hình

ảnh, dòng ý tưởng chợt xuất hiện trong đầu, tác phẩm nhiều khi được
sáng tạo trong trạng thái nửa thức nửa tỉnh, thậm chí như “nhập
đồng”, người viết bị ngòi bút thôi miên không thể kiểm soát. Có được
điều ấy là do kết quả của vô thức, kiểu ghi chép này đưa thơ trở về
bản thể nguyên sơ, thuần khiết nhất, bởi thế ranh giới hay – không
hay trong nghệ thuật bị xóa nhòa mà chỉ còn duy nhất sự chân thật.
Đặc điểm này phù hợp với tư duy nghệ thuật thơ Hoàng Cầm, ông
11


làm thơ không theo một chủ định nào nhiều khi cảm hứng đến từ một
rung cảm, một hoài niệm hay một nỗi niềm nào đấy.
3.3.2. Giải mã những giấc mơ
Trong thực tại cuộc sống, con người còn phải chịu nhiều ràng
buộc, thậm chí sự đè nén đến mức độ nhiều khi không được sống thật
với chính mình nhưng trong giấc mơ – thế giới vô thức, lí trí không
tham gia kiểm soát, con người sống thật nhất và mượn giấc mơ để
giải tỏa những ẩn ức hay ham muốn thầm kín của mình. Không gian,
thời gian trong thơ Hoàng Cầm thuộc về một giấc mơ lịch sử, những
dấu ấn về buổi hồng hoang như thời Kinh Dương Vương, Lạc Long
Quân và Âu Cơ. Ông kiến tạo nên những hình tượng phi logic, ranh
giới hiện thực và ảo diệu hoàn toàn mờ nhòe đi. Đi tìm lời giải đáp
cho cõi mơ Hoàng Cầm cũng chính là hành trình luận giải về ẩn ức
cá nhân theo lí thuyết của S.Freud về mặc cảm Oedipe. Trong khát
khao giải tỏa những ẩn ức của thời thơ ấu, thi sĩ không ít lần thể hiện
tình cảm gắn bó thiết tha với người mẹ, người chị.
3.3.3. Phương pháp tạo hình
Hoàng Cầm ưa cách sắp đặt, kết nối những hình ảnh tưởng
chừng như rời rạc, khác xa nhau tạo thành hiệu ứng thẩm mĩ. Thực
chất đây cũng là hệ quả của giấc mơ, bởi trong cơn mơ người ta

không thể kiểm soát được, chuỗi hình ảnh đứt nối liên tiếp thật khó
để tìm sự liên kết. Với đặc trưng này thơ Hoàng Cầm càng gần hơn
với thi pháp của chủ nghĩa siêu thực.
3.3.4. Thơ Hoàng Cầm mở ra tính chất tương giao và những liên
tưởng bất ngờ
Với Hoàng Cầm, hình tượng nghệ thuật trong thơ không phải
chỉ là tri thức khách quan mà nó là kết quả của những rung cảm thẩm
mĩ. Thơ Hoàng Cầm là loại ngôn từ giản dị, mộc mạc nhưng cũng
tròn đầy cả âm và nghĩa, chứa đựng một năng lượng tư duy thẩm mỹ
12


rất lớn, sự tương ứng của các giác quan được phát huy mạnh mẽ.Tính
chất tượng trưng trong thơ Hoàng Cầm thực chất được soi chiếu từ
góc độ mà trước hết sự tương giao của vạn vật, sự tương ứng của các
giác quan được phát huy mạnh mẽ. Trong cảm quan nghệ thuật của
Hoàng Cầm, những biểu hiện của khuynh hướng tượng trưng khá tự
nhiên, nhà thơ không có ý định lựa chọn hay đào sâu như một thủ
pháp chính thống mà bản thân ngôn từ, hình tượng đã tự nó liên kết
với những sợi dây thần kinh cảm giác của con người.
3.3.5. Những sáng tạo về nhạc tính
Thơ Hoàng Cầm giàu nhạc điệu, vừa thể nghiệm nhiều cách
tân nghệ thuật mang giá trị thẩm mĩ cao vừa gần gũi, thân quen bởi
những thi liệu hay cốt cách văn hóa dân gian khỏe khoắn. Dấu ấn
tượng trưng không quá đậm đặc mà có nhiều biến tấu phù hợp với
một điệu hồn Kinh Bắc.Tiết tấu trong câu thơ được kết hợp bằng thanh
điệu bằng trắc đan xen tinh tế.Một điểm thú vị nữa là Hoàng Cầm rất
ưa chuộng thể thơ tự do, đa số các bài thơ được kiến tạo theo hình
thức này.
3.4. Bối cảnh văn học miền Nam giai đoạn 1954 - 1975

Văn học miền Nam sau năm 1954 đã đạt được một số thành
tựu đáng kể và kết tinh những đặc điểm sau: văn học phát triển nối
tiếp thời tiền chiến mà không có sự đứt gãy, văn học mang tính liên
thông với thế giới, mang tính nhân bản và nhân văn, đồng thời văn
học có sự khai phóng, đa sắc và đa dạng với nhiều xu hướng khác
nhau cùng tồn tại.Trong bức tranh chung của văn học hiện đại, chặng
đường văn học miền Nam có những đóng góp quan trọng. Nó song
hành cùng những trào lưu tư tưởng tiến bộ, giàu giá trị nhân văn, đi
vào soi rọi con người trong nhiều suy tư, dằn vặt, khủng hoảng, tìm
kiếm, không thiếu đi những giây phút thức tỉnh, bừng ngộ trong cõi
tâm lĩnh hay khi ý thức về bản thể. Trong diện mạo chung đầy tính
13


phức tạp đó, thơ giã từ nhiều khuôn khổ chật hẹp từ thời thơ tiền
chiến để xây dựng nên một không khí khác lạ. Về khuynh hướng
tượng trưng, siêu thực trong thơ, ở khu vực miền Nam nhìn chung
khá lan tỏa. Nhiều cây bút như Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương,
Thanh Tâm Tuyền, Bùi Giáng, Cung Trầm Tưởng, Nguyên Sa,
Nguyễn Tất Nhiên, Nhã Ca, Trần Dạ Từ,... cũng xuất hiện các đặc
trưng thi pháp của thi phái này. Tuy nhiên bằng những tiền đề về hệ
thống lí thuyết tượng trưng, siêu thực như đã đề cập trong phần khái
luận, chúng tôi đi sâu tìm hiểu hai gương mặt đại tiêu biểu nhất là
Thanh Tâm Tuyền và Bùi Giáng.
3.5. Thơ Thanh Tâm Tuyền trong ảnh hưởng của chủ nghĩa
tượng trưng, siêu thực
3.5.1. Những biểu hiện của chủ nghĩa tượng trưng trong thơ Thanh Tâm
Tuyền
Trong thơ Thanh Tâm Tuyền hằn in nhiều bức tranh đời sống
xám xịt, thô tháp. Nó hiện diện một bộ mặt đô thị như là dấu ấn của

không gian văn hóa xô bồ với, cũng là thế giới máy móc, cơ giới đầy
đầy ngột ngạt mà con người muốn quay lưng để trốn tránh. Bên cạnh
đó còn xuất hiện biểu tượng hình ảnh thân thể con người với mật độ
dày đặc, điều này khẳng định rằng vấn đề nhà thơ quan tâm chính là
nhân dạng người như một biểu hiện cho thân phận. Như vậy, có thể
khẳng định rằng thơ Thanh Tâm Tuyền cũng có dấu ấn chủ nghĩa
tượng trưng mặc dù ngay từ đầu nhà thơ không hề chủ quyết, nhưng
hệ thống thi ảnh đặc trưng cho vùng thẩm mĩ của nhà thơ xuất hiện
một cách có ý thức. Những biểu tượng đó dồi dào, phong phú vừa
dựa trên ý nghĩa hiện thực nhưng lại giàu tính biểu niệm, kí thác
những dằn vặt, giằng xé trong tư tưởng nhà thơ.
3.5.2. Những biểu hiện của yếu tố siêu thực trong thơ Thanh Tâm
Tuyền
14


Phá vỡ sự chèn ép của lý trí, kết nối cùng vô thức, Thanh
Tâm Tuyền đưa chúng ta đi thẳng vào thế giới mộng mị, siêu thực.
Thường trong giấc mơ, lí trí mất đi quyền kiểm soát, nên tâm hồn dễ
rơi vào trạng thái hoảng loạn, đến mức thành ra mê sảng. Thơ Thanh
Tâm Tuyền không chỉ giàu ấn tượng hội họa mà còn chứng tỏ một
khả năng khác của thi ca, là nhạc tính. Nhà thơ chủ trương tự do hóa
thơ, không sử dụng các yếu tố vần, nhịp truyền thống mà khai phá
chiều sâu nội tại âm nhạc trong thơ. Nhiều khi tác giả nới lỏng áp lực
âm luật, thậm chí phá vỡ luật hài thanh quen thuộc, đưa vào nhiều từ
ngữ dữ dội, bạo liệt làm khuấy động lên sự dằn vặt, khắc khoải. Thơ
Thanh Tâm Tuyền trĩu nặng cảm thức về thân phận con người cô độc,
lạc lõng bị vây bủa trong một xã hội đầy nghiệt ngã.
3.6. Bùi Giáng với những ảnh hưởng của chủ nghĩa tượng
trưng, siêu thực

3.6.1. Hệ thống thi ảnh biểu tượng trong Bùi Giáng
Bùi Giáng làm thơ để khôi phục lại tiếng nói ban sơ của loài
người, ông muốn biến ngôn ngữ - ký hiệu trở lại thành ngôn ngữ - sự
vật, mà biểu tượng đầu tiên gây ấn tượng trinh nguyên nhất là mùa
xuân.Xuân không dừng lại ở cảm thức một mùa trong năm hay
khoảnh khắc thời gian, xuân trong thơ Bùi Giáng mang ý niệm về sự
vô tận, nó biểu hiện về lẽ khởi thủy khơi dòng sự sống, tác giả gọi đó
là Nguyên Xuân (Lá Hoa Cồn). Còn hình tượngcon người trong thơ
của ôngcũng hiện hữu trong dáng vẻ sơ khai để khẳng định những
khoảnh khắc ban sơ ấy rất giá trị bởi khi đó con người sống ngây thơ,
hồn nhiên, không vướng vào vòng tục lụy.
3.6.2. Dòng chảy siêu thực trong thơ Bùi Giáng
Bùi Giáng làm thơ tự nhiên như sự sống vậy, ông không cần
nhọc nhằn “phu chữ” hay uốn nắn “thôi xao” mà thơ tuôn ra dào dạt,
bất tận. Ngôn ngữ thơ ông hoàn toàn mang tính chất tự trị, vấn đề
15


nghĩa không còn giá trị bởi lẽ thơ tiệm cận vào hư vô. Dòng chảy của
suy niệm đồng hành cùng ngòi bút, từ ngữ vận chuyển không ngừng
nghỉ, chữ này vừa xuất hiện thì chữ khác đã dào tuôn thay thế.Ngôn
từ.
*Với sự lựa chọn hướng đi từ nghiên cứu điển hình, chúng
tôi đặc biệt tâp trung vào thơ Trần Dần, Hoàng Cầm, Thanh Tâm
Tuyền, Bùi Giáng. Những biểu hiện siêu thực, tượng trưng như ngôn
ngữ giàu sức gợi cảm, nhạc tính, biểu tượng đầy ám ảnh, lối viết tự
động, những giấc mơ chứa đầy mật mã, các thủ pháp tạo hình, tính
tương giao và những sáng tạo bất ngờ, tính nhạc… không phải là
những miền riêng có của họ mà là còn có tiếng nói đồng điệu với
nhiều tác giả khác cùng thời.


16


CHƯƠNG 4: NHỮNG DẤU ẤN CỦA CHỦ NGHĨA TƯỢNG
TRƯNG
SIÊU THỰC TRONG THƠ VIỆT NAM SAU 1975
4.1. Phác thảo diện mạo thơ Việt Nam từ sau 1975
Sau 1975, môi trường văn thơ Việt Nam cho phép các nhà
thơ được tiếp thu và thể nghiệm sự đổi mới một cách linh hoạt và tự
do hơn, vận động mạnh mẽ về tư duy, đặc biệt là tư duy tượng trưng
– siêu thực. Các nhà thơ hình thành được một mô hình nhận thức –
sáng tạo mới mang dấu ấn của tượng trưng, siêu thực. Sự kết hợp hài
hòa giữa hai yếu tố này trong thơ ca giai đoạn sau 1975 đã tạo nên
những giá trị đáng kể, khẳng định giá trị của thơ ca Việt Nam hiện
đại.
4.2. Dấu ấn của chủ nghĩa tượng trưng trong thơ Việt Nam từ sau
1975
4.2.1. Dấu ấn của chủ nghĩa tượng trưng trong cảm hứng và tư duy
nghệ thuật
Sự tương giao diễn ra trên nhiều cấp độ nhau, từ đơn giản đến
phức tạp, từ đơn chiều đến đa chiều, từ phạm vi hẹp đến phạm vi rộng.
Sự khác biệt trong tương giao của thơ sau 1975 và giai đoạn trước đó
là ở phạm vi và cấp độ: sau 1975 tương giao là mở rộng giới hạn giao
tiếp của con người với vũ trụ, vũ trụ, thế giới bên ngoài và chính bản
thân họ. Với sự tương giao, phần lớn nội dung thơ được gửi gắm vào
biểu tượng. Biểu tượng thể hiện “khải thị” thế giới. Biểu tượng của
thơ Việt Nam giai đoạn sau 1975 có sự phân biệt với những giai đoạn
trước. Nghĩa của biểu tượng không rập khuôn, máy móc theo kiểu
“biểu tượng trong khuôn khổ, có nhiều lớp nghĩa mới, mang dấu ấn

của thời đại do hoàn cảnh và trải nghiệm của cá nhân nhà văn. So với
giai đoạn sau 1945 trước 1975, trường nghĩa của biểu tượng được tự
do hơn và giới hạn trong những khuôn khổ hạn định của thi ca chính
17


thống.
4.2.2. Dấu ấn tượng trưng trong ngôn từ và nhạc điệu
Dấu ấn đặc trưng nhất của tượng trưng trong thơ ca sau 1975
là sự cách tân thể hiện qua tính nhạc độc đáo, phong phú, tăng độ mở,
độ nhòe mở của ngôn ngữ thơ. Cùng với tính nhạc, ngôn ngữ thơ
giàu tính gợi bằng hình ảnh, thanh điệu cũng là điểm nổi bật của thơ
ca tượng trưng thời kỳ này. Sự kết hợp giữa các thanh bằng, trắc
mang đến những cú chuyển mình cho thơ. Ngôn ngữ có mật mã
riêng, được lạ hóa so với ngôn ngữ đời thường. Nếu như các thi sĩ
trong thơ Mới đi tìm sự lạ hóa bằng những chân trời xa lạ thoát ly
hiện thực hoặc học tập phương Tây thì các tác giả sau 1975 lại tìm
những biểu tượng mới, lạ hóa ngay trên chính nguồn tư liệu cũ. Đó là
những biểu tượng cũ nhưng được cấp thêm ngữ nghĩa mới bằng lối ví
von, so sánh hoặc ẩn dụ có sự bứt phá mạnh mẽ và quyết liệt bởi tính
hệ thống.
4.3. Dấu ấn của chủ nghĩa siêu thực
4.3.1. Dấu ấn siêu thực trong cảm thức nghệ thuật
So với các giai đoạn trước đó, ở giai đoạn này, siêu thực thể
hiện ở trật tự cao hơn, toát lên chiều sâu của thế giới tinh thần, tư
tưởng của con người. Hình tượng thơ mang tính đậm tính mộng mị,
ẩn dụ.Tính ngẫu nhiên, phi lí của thơ siêu thực chính là kết quả của
tính tự do trong sáng tạo tạo ra một trật tự mới cho thơ Việt Nam giai
đoạn này. Sự mới lạ được tạo ra từ kĩ thuật đặt cạnh nhau những thực
thể xa lạ, thậm chí đối lập để tạo ra một cái phi logic so với tư duy

thông thường nhưng lại hợp lý với tư duy tâm thức của con người.
4.3.2. Dấu ấn siêu thực trong cấu trúc văn bản ngôn từ
Ở thơ siêu thực, ngôn ngữ thơ giàu nhạc tính, trữ tình.Nỗ lực
lạ hóa cấu trúc thơ cũng là một trong những thành công của các tác
giả. Các câu thơ được tách ra đứt gãy, một câu thơ được tách ra làm
18


nhiều dòng khiến độc giả phải dừng lại để theo dõi và thể nghiệm.Đó
cũng chính là dòng tâm tư của tác giả. Hầu như trong thơ Vi Thuỳ
Linh hay thơ của Phan Huyền Thư, Bình Nguyên Trang ta không còn bắt
gặp các thể thơ đã từng được sử dụng rất nhiều trong lịch sử thơ ca như:
lục bát, thơ bảy chữ… Thơ của họ là thơ tự do, có nhiều phá cách đột
ngột. Họ luôn tự thiết kế ý tưởng do đó họ tự thiết kế thể thơ, câu thơ,
cấu trúc bài thơ cho phù hợp với ý tưởng ấy.Ngôn ngữ thơ khác
thường, tràn ngập mộng mị,lạ hoá các ẩn dụ biểu tượng, sử dụng yếu
tố tôn giáo huyền thoại để xây dựng các phương thức biểu đạt mới
mẻ, độc đáo như: bóng tối mới tinh, lưỡi mưa, thế kỉ hoan lạc và đau
đớn, mặt trời cuồng, mùa thu non…Đó là những biểu tượng được
hình thành bằng trí tưởng tượng, bởi những kinh nghiệm từ vô thức,
vì vậy khó có thể khuôn chúng vào một ý niệm duy nhất. Với những
hình ảnh, từ ngữ đó nhà thơ đã phục sinh chữ, đưa chữ thoát khỏi
thân phận của những kí hiệu đã bị ép khô về ý nghĩa, khiến chữ trở
nên ám gợi, lấp lửng mơ hồ.
Thơ sau 1975 còn cho thấy sự bứt phá mạnh mẽ để kiến tạo
nên những thể loại mới so với thơ truyền thống trước đó. Trong đó,
thơ tự do và thơ văn xuôi là hai thể thơ được các nhà thơ ưa dùng.
Thơ tự do không giới hạn các nhà thơ về vần điệu, câu chữ, tổ chức,
bố cục , lại có thể phát huy ý tưởng bằng cách rút ngắn hay kéo dài,
dung lượng, mở rộng bài thơ…tùy theo mục đích của tác giả.


*Có thể khẳng định rằng, sự đổi mới của các nhà thơ sau
1975 xuất phát từ những đổi mới, cách tân trong tư duy thơ. Từ cái
“tôi” hướng ngoại, cái “ta” đại chúng, thơ ca giai đoạn này chuyển
sang cái “tôi” hướng nội tâm linh. Đặc biệt, chuẩn mực đánh giá lấy
thước đo là giá trị thẩm mỹ mang đến những cách tân mạnh mẽ trong
hình thức thơ. Tất cả các quan niệm về việc sử dụng cấu trúc, ngôn
ngữ, hình ảnh, biểu tượng, thể loại thơ đều được đổi mới, linh hoạt và
19


được “lạ hóa” trong các thi phẩm. Đặc biệt, dấu ấn tượng trưng, siêu
thực trong giai đoạn này thể hiện thống nhất và rõ nét từ tư duy thơ
(quan niệm, tư tưởng…) đến nội dung và nghệ thuật thơ. Tất cả
những điều trên tạo ra kết cấu thơ là kết cấu mở cho thơ tượng trưng,
siêu thực sau 1975. Thơ không phải là cấu trúc tĩnh mà mang tính
động, đặc biệt là về ngữ nghĩa. Lớp nghĩa bóng ẩn sâu thể hiện nội
dung sau từng câu, từng chữ là bến bờ mà các tác giả hướng độc giả
tới.

20


KẾT LUẬN
1. Chủ nghĩa tượng trưng, siêu thực trong thơ Pháp có sức
lan tỏa và tác động đến thơ hiện đại Việt Nam là một quá trình nhiều
thăng trầm và chứa đựng nhiều vỉa tầng sâu sắc. Có lẽ vì thế, mà các
nhà nghiên cứu cũng dành nhiều công sức vào việc tìm hiểu tầm ảnh
hưởng của tượng trưng, siêu thực đến thơ hiện đại Việt Nam. Tuy
nhiên, các công trình nghiên cứu mới chỉ tập trung chủ yếu vào giai

đoạn Thơ mới 1932 – 1945 với một số tác giả tiêu biểu mà chưa đề
cập nhiều đến những giai đoạn và các tác giả khác, đặc biệt và giai
đoạn sau 1975 một cách hệ thống. Những công trình nghiên cứu và
so sánh ảnh hưởng của chủ nghĩa tượng trưng siêu thực đến văn học
Việt Nam qua các thời kỳ cũng vẫn còn lẻ tẻ.
2. Thơ mới 1932 – 1945 được nhắc đến như đóa hoa lạ của
vườn văn Việt với các tên tuổi như Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan
Viên, Hàn Mặc Tử, Bích Khê, Đinh Hùng …đánh dấu sự bứt phá của
thi ca sau một thời gian dài bị bó buộc vào những khuôn mẫu của thi
ca truyền thống. Thơ mới tuy chưa định hình rõ khuynh hướng tượng
trưng, siêu thực trong văn học nhưng đã mang đến cho độc giả những
trải nghiệm mới mẻ. Với sự sáng tạo ngôn từ nghệ thuật đậm mà sắc
chủ quan, chan chứa cảm xúc cá nhân và đầy cá tính, Thơ mới đã thể
hiện sự khao khát về một thế giới khác, không có xô bồ và nhiễu
nhương của cuộc sống hiện đại. Đó có thể là miền ký ức huy hoàng
trong thơ Thế Lữ, có thể là miền xuân trong thơ Xuân Diệu hay khao
khát muốn lên cung trăng của Tản Đà. Có lẽ vì là những nhà thơ tiên
phong mở đường cho sự bứt phá, cách tân của thơ ca Việt Nam nên
các nhà Thơ mới được nhắc đến nhiều trong các công trình nghiên
cứu về văn học Việt Nam, trong đó có khuynh hướng tượng trưng,
siêu thực. Điều đó dẫn đến hiện trạng các nghiên cứu bỏ quên một số
“khoảng trống” trong nghiên cứu về ảnh hưởng của khuynh hướng
21


tượng trưng, siêu thực đến văn học Việt Nam trong những giai đoạn
khác, đặc biệt là giai đoạn sau 1975.
3. Giai đoạn 1945 – 1975, thi ca tượng trưng, siêu thực Việt
Nam tạm lắng ở bề nổi mà đi vào tồn tại một cách âm thầm lặng lẽ.
Nếu như Thơ mới có sự tiệm cận với khuynh hướng tượng trưng, siêu

thực nhưng vẫn kết nối chặt chẽ với khuynh hướng lãng mạn thì thơ
ca giai đoạn này nhất là ở khu vực miền Bắc các nhà thơ gần như đã
rời bỏ hẳn tượng trưng, siêu thực, chỉ thấy một số dấu ấn trong thơ
Trần Dần, Hoàng Cầm. Đáng trân trọng là những gương mặt tiêu biểu
của khuynh hướng này đồng thời cũng là những nghệ sĩ tiên phong
trên mặt trận thơ ca kháng chiến. Vượt qua ranh giới chia cắt hai
miền, ở mảnh đất phương Nam, trong một bối cảnh đặc biệt khuynh
hướng tượng trưng, siêu thực vẫn tiếp tục dòng chảy của nó, thậm chí
còn thêm những sắc thái như hiện sinh, trực giác, phân tâm học trong
thơ Thanh Tâm Tuyền, Bùi Giáng, Quách Thoại, Nguyễn Đức Sơn,
Nguyên Sa, .... Thời điểm này, các nhà thơ và các nhà nghiên cứu đều
không bàn nhiều về khuynh hướng tượng trưng, siêu thực nhưng họ
vẫn âm thầm, trăn trở sáng tác để chờ đợi đến một ngày thống nhất
để có thể khoác áo mới cho khuynh hướng này và độc giả sẵn sàng
đón nhận.
4. Xuất phát từ những cách tân, đổi mới thống nhất từ tư duy
thơ cho đến nội dung và nghệ thuật, sau năm 1975, khuynh hướng
tượng trưng, siêu thực trở lại mạnh mẽ và nở rộ từ sau năm 1975.
Nếu như “tôi” của thơ lãng mạn 1932 – 1945 chỉ mơ hồ giữa hai bờ
ảo vọng, hứng lấy từng giọt thời gian để sống vội, sống gấp thì “tôi”
trong thơ tượng trưng, siêu thực sau 1975 mạnh mẽ hướng về thế giới
tâm linh, vô thức, phi logic để tìm đến một thế giới siêu thực. Kế
thừa những kỹ thuật về ghép nghĩa và chuyển nghĩa từ giai đoạn thơ
Mới, sau năm 1975, thơ ca Việt Nam đã sáng tạo và bổ sung thêm
22


những lớp nghĩa mới cho câu từ, hình ảnh. Thơ tự do và văn xuôi lên
ngôi mạnh mẽ. Giá trị thẩm mỹ được xem là trung tâm điểm của sáng
tác văn học. Với cấu trúc động cùng sự cách tân táo bạo của nghệ

thuật thơ, qua sự thể hiện của cái “tôi” táo bạo và cô đơn đến cùng
kiệt, các nhà thơ thể hiện khát khao hướng đến một thế giới hiện thực
đằng sau hiện thực hiện hữu.
5. Du nhập vào Việt Nam và quyện hòa với thơ ca Phương
Đông, tượng trưng, siêu thực Pháp đã khẳng định được vị thế của
mình trên thi đàn thơ ca Việt Nam. Tư duy thơ Việt được thể nghiệm
và trải lòng với quan niệm mới mẻ về cái “tôi” tâm linh, vô thức. Cái
“tôi” đó được thể hiện qua cả thể thơ truyền thống nhưng được thổi
vào những luồng sinh khí mới, cả thể thơ hiện đại với những bước
cách tân vô cùng mới mẻ. Tuy không trở thành một chủ nghĩa như
trong văn học ở Pháp nhưng tượng trưng, siêu thực cũng là một
khuynh hướng tiêu biểu trong dòng chảy thơ ca Việt Nam.
6. Tuy đã đạt được đến những thời điểm huy hoàng và ghi
dấu mạnh mẽ vào trong lòng độc giả Việt Nam nhưng khuynh hướng
tượng trưng, siêu thực Pháp vẫn có những tồn tại nhất định. Điều đó
thể hiện ở xu thế rất “kén” độc giả. Không phải độc giả nào cũng có
thể đọc, hiểu và cảm nhận được thơ ca của khuynh hướng này.
Dường như chỉ có những độc giả có một vốn hiểu biết nhất định về
tượng trưng siêu thực cộng với khả năng cảm nhận thơ ca của dòng
văn học này mới có thể tiếp nhận được các thi phẩm trong khuynh
hướng này. Với những độc giả có thể tiếp thu được, quá trình tiếp thu
cũng cần phải rất công phu vì lớp nghĩa ẩn sau lớp ngôn từ nghệ thuật
thường đa nghĩa và hướng đến những nghĩa siêu thực. Sân chơi trí
tuệ của ngôn ngữ tượng trưng, siêu thực một mặt giúp người đọc bứt
phá khỏi những khuôn mẫu thông thường nhưng một mặt sẽ loại ra
những người chơi không đủ khả năng thẩm thấu và vô tình loại cả
23



×