Giá trị nghệ thuật trống đồng Đông Sơn – Mô hình cho sáng tạo quà
lưu niệm mang bản sắc văn hóa xứ Thanh
Nguyễn Hồng Thúy
Trống đồng Đông Sơn là tên một loại trống tiêu biểu cho Văn hóa Đông
Sơn của người Việt cổ. Nhiều chiếc trống loại này với quy mô đồ sộ, hình dáng
cân đối, hài hoà đã thể hiện một trình độ rất cao về kỹ năng và nghệ thuật, đặc
biệt là những hoa văn phong phú được khắc họa, miêu tả chân thật sinh hoạt của
con người thời kỳ dựng nước mà người ta vẫn cho là chìm trong đám mây mù
của truyền thuyết Việt Nam. Trong quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học đã
tím thấy giá trị nghệ thuật của trống đồng, đây là hướng mở cho trống đồng
Đông Sơn “sống” lại trong cuộc sống đương đại thông qua du lịch.
Công dụng của trống:
- Trong lễ mai táng các quan lang Mường và các ngày hội hè của người
Mường tỉnh Hòa Bình.
- Trong cuộc tế "thần sấm" của người Lê ở đảo Hải Nam, Trung Quốc
- Theo bài dân ca H'Mông "Hồng thuỷ hoành lưu" thì trống đồng đã cứu
sống tổ tiên người H'Mông trong thời kỳ có nạn lụt lớn
- Trống được diễn tấu với dàn nhạc trong vương triều phong kiến thời nhà
Hậu Lê, được ghi ở trong sách "Cương mục"
- Trống đồng đã được sử dụng trong quân đội thời nhà Trần theo một bài thơ
của Trần Phu, sứ thần nhà Nguyên tại nước Đại Việt thuở ấy.
- Trống biến thành vật chôn theo người chết như ở khu mộ táng Đông Sơn,
tỉnh Thanh Hóa.
Nhìn chung chức năng chủ yếu của trống đồng vẫn là chức năng của một
nhạc khí. Đánh vào vành 1-3 được nốt Si giáng; ở vành 4-5 được nốt Mi và Fa;
ở vành 7 cũng được nốt Si giáng. Từ vành 9 trở ra lại trở lại nốt Mi (theo kết
quả ghi âm của Cao Xuân Hạo)
Trống Đồng còn tượng trưng cho quyền lực của các vị thủ lĩnh ngày xưa.
Các vị vua thưởng cho các tù trưởng người dân tộc những chiếc trống đồng.
Điều đó thể hiện uy quyền của nhà nước đối với các vùng tự trị, tự do tương
đối. Theo Hậu Hán thư (một cuốn chính sử của Trung Quốc), Mã Viện, tướng
nhà Hán đã dập tắt cuộc nổi dậy của Hai Bà Trưng vào khoảng năm 40-43, đã
thu và nấu chảy trống đồng của các thủ lĩnh địa phương. Điều đó cũng cho thấy
ý nghĩa chính trị của trống đồng Đông Sơn ngày nay.
Đặc điểm cuả trống:
- Giữa mặt trống là hình ngôi sao, phần nhiều là sao 12 cánh, xen giữa
các cánh sao là họa tiết lông công hoặc những đường vạch chéo có hình tam
giác lồng vào nhau.
- Bao quanh các ngôi sao có hình người, vật, động vật và hoa văn hình
học. Hoa văn hình học thường thấy là: đường chấm nhỏ, vành chỉ trơn, vòng
tròn chấm giữa tiếp tuyến, vòng tròn đồng tâm chấm giữa có tiếp tuyến, hoa văn
hình chữ S gẫy khúc, hoa văn răng cưa và vạch ngắn song song
- Thân trống thường có hình thuyền, hình vũ sĩ, hình một số chim, thú
thông thường thì chỉ có hoa văn hình học.m
- Quai trống thường làm theo hình dây thừng bện.
Quan niệm tôn giáo
- Việc gắn hình ngôi sao ở trung tâm mặt trống là biểu tượng của tục thờ
thần Mặt Trời.
- Những người hóa trang lông chim trên trống đồng thể hiện vật tổ của cư
dân bấy giờ là loài chim.
- Từ những cảnh sinh hoạt trên trống đồng, nhiều nhà nghiên cứu đã cho
rằng đó là "lễ khánh thành trống đồng", "lễ chiêu hồn", "đám tang" hoặc "lễ cầu
mùa"...
Trang phục
Quần áo được tả trên trống có các loại như: áo hai vạt ngắn, áo hai vạt
dài, váy, khố...Họ đội nhiều loại mũ, tết các kiểu tóc khác nhau.
Kiến trúc
Dựa theo những hình khắc trên trống đồng thấy có 2 loại hình kiến trúc
là nhà sàn mái cong và nhà sàn mái tròn. Nhà có 2 cột chống ở phía đầu nhà,
hai đầu và ở giữa có kê thang để lên sàn. Nhà mái tròn thường có một người
(hoặc không có người) đứng giữa cửa, hai bên của có chắn phên. Nhà mái tròn
có thể liên quan đến tín ngưỡng và tạm gọi là "nhà thờ". Còn những ngôi nhà có
mái cong như hình thuyền lại có nhiều người có thể liên hệ rằng đó là "nhà ở".
Hai góc mái có những đường hồi hoa văn trang trí. Có thể nói nhà sàn là loại
hình kiến trúc chủ yếu của người Lạc Việt.
Tượng trang trí
Có tượng hình chó trên mặt trống nhỏ Đông Sơn, tượng cóc trên mặt các
trống nhóm C. Hình tượng còn rất sơ lược nhưng nếu so sánh với thời đại hậu
kỳ đồ đá mới có nghệ thuật vẫn chỉ là dạng hoa văn minh họa, thì chúng ta mới
thấy bước tiến bộ về mặt nghệ thuật cũng như về kỹ thuật điêu khắc ở thời đại
đồ đồng.
Vũ nghệ
Trên trống đồng, những người múa thường được phục trang bằng những
bộ quần áo như: mũ lông chim cao hoặc mặt nạ, tay đôi tkhi cầm vũ khí. Mỗi
tốp người múa thường có từ 3,4 hoặc 6 đến 7 người. Trong tốp này có người
thổi khèn còn những người còn lại biểu hiện theo một động tác thống nhất,
chuyển động từ trái sang phải, người sau nối tiếp người trước một quãng đều
đặn, tất cả điều hành vòng quanh ngôi sao (mặt trời).
Âm nhạc
Theo hình khắc trên trống đồng thì thấy có hai loại nhạc khí được sử
dụng bấy giờ làkhèn và trống. Có hai cách sử dụng trống:
Trống một người biểu diễn như hình người cầm trống trong nhà hay trên
thuyền để giữ nhịp.
Trống diễn tấu trong một dàn trống. Người đánh trống ngồi hoặc đứng
trên sàn, cầm gậy dài đánh theo chiều đứng. Trống được đặt trên những chiếc
giá sát đất. Kiểu đánh này vẫn được nhìn thấy hiện nay ở những ngày hội của
đồng bào Mường ở các tỉnh Hoà Bình.
Nghệ thuật tạo hình
Nghệ thuật trống đồng khá độc đáo, đặc trưng bởi kỹ thuật khắc chạm
trên khuôn tạo ra những hình ảnh khắc chìm chủ yếu trên mặt trống, còn trên
thân trống thì là hình khắc hơi nổi. Nghệ nhân đã xây dựng hình ảnh trong
những bố cục tròn trên mặt trống và ô chữ nhật trên thân trống, bên trong loại
bố cục này thì hình ảnh được sắp xếp rất cân đối. Hình ảnh con người luôn
được diễn tả theo tư thế động: múa, giã gạo, đánh trống, bơi chải...Về mặt bố
cục, tất cả người, động vật đều diễu hành quanh ngôi sao giữa mặt trống. Đặc
biệt, phần tạo hình ở đây hơi giống kiểu tạo hình Ai Cập. Ví dụ: tốp người múa
trên mặt trống có ngực hướng thẳng về phía khán giả, chân và đầu theo lối nhìn
nghiêng. Còn trong hình chim bay thì thân cánh và đuôi được tả theo hình nhìn
từ trên xuống, còn đầu thì theo lối nhìn nghiêng.
N.H.T