Tải bản đầy đủ (.pdf) (11 trang)

Tài liệu TƯ DUY BẢN SẮC VĂN HÓA HUẾ TRONG SÁNG TÁC MỸ THUẬT potx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (147.42 KB, 11 trang )





TƯ DUY BẢN SẮC VĂN HÓA HUẾ
TRONG SÁNG TÁC MỸ THUẬT


Văn hóa là tổng hợp mọi giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra trong
quá trình cải tạo thiên nhiên. Văn là đẹp tươi. Hóa là biến đổi. Văn hóa là tùy theo
trình độ của con người mà có sự biến đổi theo xu hướng đẹp tươi. Văn hóa là
những gì tồn tại theo thời gian, được thể hiện qua những biểu hiện sống hàng ngày
của một dân tộc, quốc gia hay cộng đồng. Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội,
là thước đo trình độ phát triển của một dân tộc. Những tác phẩm mỹ thuật được
sáng tạo và trưng bày thông qua chất liệu vật chất cụ thể, nhưng bản thân chúng
đồng thời là văn hóa tinh thần của thời đại và khi nó có giá trị đi vào lịch sử mỹ
thuật sẽ trở thành di sản văn hóa vật thể.
Cấu trúc bản sắc văn hóa Huế được thể hiện ở mối quan hệ giữa danh và thực
(nặng về danh tiếng, xem nhẹ thực chất), giữa hình thức và nội dung (chú trọng
hình thức, thiếu quan tâm nội dung), giữa thực tại và tương lai (chỉ thấy trước mắt
sẵn sàng đối phó với thực tại, ít nghĩ đến tương lai bỏ qua phòng ngừa). Như vậy,
cấu trúc bản sắc văn hóa Huế, chứa đựng các mặt mâu thuẫn. Các mặt này can
thiệp vào nhau, ức chế và cản trở lẫn nhau, dung hòa với nhau, không cho phép
phát triển đến các trạng thái cực đoan để duy trì các mối quan hệ ổn định đặc biệt
và do đó, không thể tạo nên một bước nhảy văn hóa để tiến lên làm thay đổi căn
bản cơ cấu của cộng đồng. Những điều nói trên cũng giải thích được lý do vì sao
trong tiến trình lịch sử phát triển Huế thời đại Tự Đức không chấp nhận những đầu
óc canh tân, bản lĩnh Nguyễn Trường Tộ. Nhìn chung, sự thay đổi trong thể chế xã
hội thường diễn ra một cách từ từ, chậm chạp. Người Huế không chấp nhận từ cực
đoan này đến cực đoan khác. Thời bao cấp, mỹ thuật Huế có phong cách hiện thực
xã hội chủ nghĩa không thể chấp nhận một họa sĩ có phong cách phi hiện thực là


điều đương nhiên. Khi mỹ thuật phi hiện thực hấp dẫn người Huế, thì gần như mỹ
thuật hiện thực bị bỏ rơi. Tìm cách thiết lập mối quan hệ mới trong cấu trúc bản
sắc văn hóa để tiến tới một nền văn minh dựa vững chắc vào những truyền thống
tốt đẹp vốn tạo thành bản sắc văn hóa Huế là điều thế hệ các tác giả mỹ thuật Huế
cần phải đối mặt. Trong sáng tác, các tác phẩm mỹ thuật Huế không có cái mạnh
mẽ của người Nam bộ, cũng thiếu cái chắc chắn của dân miền Bắc. Dương Đình
Sang với những tác phẩm của mình, bàng bạc màu sương khói Huế, là thế giới của
mộng tưởng nhiều ẩn dụ, là sự liên kết giữa khoảng không và vật chất. ẩn dưới
những hình tượng nghệ thuật là phận người, những trải nghiệm cuộc đời trên nền
xanh sâu thẳm của sông Hương, của tiếng vọng âm thanh vách đá thời gian dẫn
chúng ta đi vào không gian thuần khiết và mãnh liệt, thơ mộng và chân thật. Lê
Quý Long bay bổng trong áng văn lời thơ tuổi học trò. Màu tím trong âm sắc Huế
của công Huyền Tôn nữ Tuyết Mai vừa kín đáo vừa nồng ấm. Ngọc Anh với tác
phẩm điêu khắc đá Sóng ngầm tham dự trại sáng tác điêu khắc quốc tế tại Huế lần
thứ nhất năm 1998 vừa thâm trầm vừa dữ dội đầy khát vọng theo cách của người
Huế.
Cuộc sống đa dạng của cộng đồng được biểu hiện trên bề mặt của xã hội, còn văn
hóa có cấu trúc tiềm ẩn dưới bề mặt đó, nằm ở tầng sâu trong tiềm thức của con
người, hình thành nên các quy tắc hướng dẫn tư duy, điều chỉnh hành vi ứng xử và
phương thức hành động cũng như sự lựa chọn các thang bậc giá trị trong xã hội.
Như vậy, cấu trúc văn hóa là cái tiềm ẩn và vô thức, không dễ nhận ra và rất khó
mô tả, được hình thành một cách có phân hóa hướng vào các mục đích khác nhau
và được tạo nên bởi các ý niệm khi tiếp xúc với những cái xa lạ. Có ba ý niệm cơ
bản trong cấu trúc văn hóa Huế: ý niệm tâm linh, ý niệm ứng xử và ý niệm thẩm
mỹ. ý thức sâu sắc được cấu trúc bản sắc văn hóa Huế, người sáng tác mỹ thuật ở
Huế mới mong có được sự đột phá vươn lên từ các trường phái mỹ thuật hiện nay.
Chính vì vậy, tư duy sáng tạo trên cơ sở của những tỷ lệ vàng Ngọ môn, không
gian trầm mặc của phong cảnh Huế, dáng thiếu nữ mỏng manh trong sương khói
mờ ảo, tím Huế, ngũ sắc Huế hoặc gam màu huyền ảo mộng mơ mà nhiều tác giả
đã tạo ra bản sắc văn hóa Huế rất đặc sắc trong các tác phẩm mỹ thuật.

Bản sắc văn hóa Huế - tiềm năng và là thế mạnh của người Huế - mà mỗi ngày
những người sáng tác mỹ thuật có bản sắc văn hóa Huế thường phải chú ý trong
hoạt động sáng tạo của mình. Bản sắc văn hóa Huế là cái cốt lõi, đặc trưng riêng có
của người Huế trong lịch sử tồn tại và phát triển. Nó thể hiện trong tất cả các lĩnh
vực của đời sống cộng đồng. Khái niệm bản sắc Huế của tác phẩm có hai quan hệ
cơ bản: quan hệ bên ngoài là dấu hiệu hình thức của tác phẩm mà tác giả sử dụng
và quan hệ bên trong chỉ dấu hiệu của kinh nghiệm sống phong phú của tác giả.
Khi nói đến bản sắc văn hóa Huế, chúng ta cũng không thể quy tất cả về văn hóa
dân gian Huế. Văn hóa dân gian là “văn hóa gốc”, “văn hóa mẹ”, tức văn hóa khởi
nguồn, sản sinh và nuôi dưỡng các hình thức phát triển cao sau này, như văn hóa
chuyên nghiệp, bác học, cung đình. Văn hóa dân gian Huế còn là văn hóa của quần
chúng lao động Huế, mang tính bản địa, tính nội sinh cao. Tất cả các nhân tố kể
trên, khiến cho văn hóa dân gian Huế hàm chứa và thể hiện tính bản sắc cao của
văn hóa vùng miền. Nếu cho rằng văn hóa dân gian chứa đựng và thể hiện bản sắc
văn hóa dân tộc, thì trong sáng tác mỹ thuật, yếu tố dân gian phải được tiềm ẩn
trong giá trị của tác phẩm mỹ thuật. Cho dù đời sống mỹ thuật hiện nay, các tác giả
không tiếp tục làm tranh Sình, đục tượng đá lăng mộ, sử dụng các mô típ phù điêu
trong trang trí kiến trúc, nhưng tinh thần của nó phải được phảng phất trong các
sáng tác mỹ thuật đương đại. Cho dù nhiều tác giả cố tình đưa vào tác phẩm của
mình những họa tiết tranh dân gian Sình, nội dung hình tượng mỹ thuật truyền
thống Huế thì tác phẩm của mình không vì thế mà có bản sắc văn hóa Huế. Bản sắc
văn hóa Huế là tổng thể các giá trị đặc trưng bản chất của văn hóa Huế, được hình
thành, tồn tại và phát triển suốt quá trình lịch sử lâu dài của Huế; các giá trị đặc
trưng ấy ở “tầng nền” mang tính bền vững, trừu tượng và tiềm ẩn. Do vậy, muốn
nhận biết nó, phải thông qua vô vàn các sắc thái văn hóa, với tư cách là sự biểu
hiện của bản sắc văn hóa ấy. Nếu bản sắc văn hóa là cái gì trừu tượng, tiềm ẩn, bền
vững, thì các sắc thái biểu hiện của nó thường cụ thể trong một bố cục tác phẩm
mỹ thuật nào đó. Từ quan niệm chung như vậy, chúng ta có thể xem xét các tác
phẩm nghệ thuật vô cùng phong phú và đa dạng của sắc thái biểu cảm. Trăng thiên
cổ của Bửu Chỉ với cây đàn lãng tử, chân dung Trịnh Công Sơn người con của Huế

bồng bềnh trôi trong không gian hoài niệm mang nỗi ám ảnh thời gian, phần đời bị
bóng tối khuất lấp, sự tĩnh lặng được phơi bày tiếc nuối một người bạn, một nhạc sĩ
tri kỷ.
Văn hoá đương đại Huế phải được dựa trên nền văn hóa truyền thống Huế. Văn
hóa truyền thống Huế kết hợp nhuần nhuyễn với văn hóa đương đại Huế tạo ra một
bản sắc riêng của Huế đi cùng thời đại. Bản sắc văn hóa Huế biểu hiện tập trung ở
những người nghệ sĩ lớn, các tác giả thành danh của Huế là những người có khả
năng làm xuất hiện bản sắc dân tộc. Những giá trị văn hóa phổ quát của toàn cầu
hóa, trong thực tế nhiều năm qua, nhất là sau thời kỳ đổi mới, mở cửa, giao lưu
quốc tế đã không chỉ làm cho nền văn hóa Huế phong phú thêm, hiện đại và tiên
tiến thêm mà còn bổ sung, điều chỉnh một số nét của các giá trị văn hóa truyền
thống Huế cho phù hợp hơn với thời đại và nồng đậm thêm tinh hoa bản sắc văn
hóa Huế. Tuy vậy, các tác phẩm của các tác giả Vĩnh Phối, Dương Đình San,
Hoàng Đăng Nhuận, Lâm Triết, Đinh Cường, Đặng Mậu Tựu, Nguyễn Duy Linh,
Ngô Tâm, Lê Văn Nhường, Đỗ Kỳ Hoàng, Nguyễn Đức Huy có mang bản sắc
văn hóa Huế không, còn cả vấn đề cần tranh cãi. Những người yêu Huế cũng mong
muốn một hội thảo có sự tham gia của nhiều nhà Huế học để khẳng định bản sắc
văn hóa Huế là gì ? Những yếu tố nào xác định bản sắc văn hóa Huế ? Tác phẩm
mỹ thuật có bản sắc văn hóa Huế có những dấu ấn gì ? Nếu trong tác phẩm mỹ
thuật có dấu ấn của phong cảnh Huế, tranh sình, kiến trúc Nguyễn có chắc chắn
làm cho tác phẩm mang bản sắc Huế không ? Bản sắc văn hóa Huế là toàn bộ
những hoạt động sáng tạo, giá trị của người Huế về mặt sản xuất vật chất và tinh
thần trong quá trình lịch sử từ những sản phẩm sáng tạo nghệ thuật đến những
phong tục tập quán, lối sống và tín ngưỡng. Để giữ gìn bản sắc văn hóa Huế những
người sáng tác mỹ thuật cần thường xuyên có tư duy bản sắc văn hóa Huế trong
mỗi thai nghén sáng tạo của mình.
Một giải pháp đáng quan tâm có lẽ là chỉ có giao lưu, trao đổi, hợp tác với văn
nghệ ngoài Huế ta mới tìm được cho mình bản sắc văn hóa cá nhân. Kiến trúc nhà
rường, điêu khắc triều Nguyễn, tranh dân gian làng Sình chứa đựng bản sắc Huế
vì từng là bằng chứng của lịch sử. Gần đây thì cái áo dài, cái nón lá của Huế trở

thành mối quan tâm của nhiều du khách nước ngoài. Có thể nói, năm 2007, cùng
với việc chủ động đẩy mạnh hội nhập kinh tế thế giới, Đảng và Nhà nước ta rất
quan tâm đến việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xác định văn hóa là
động lực, là mục tiêu của phát triển, là nền tảng tinh thần của xã hội. Trong mọi
thời đại, người sáng tạo mỹ thuật càng sâu sắc và độc đáo bao nhiêu thì càng đạt
tính dân tộc đậm đà bản sắc bấy nhiêu.
Xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc là đường lối văn hóa của Đảng,
thậm chí nhiều lúc những người quản lý mỹ thuật còn muốn cụ thể hóa vào phương
pháp sáng tác của mỗi tác giả, tác phẩm. Thực tế chứng minh rằng rất hiếm hoi tác
giả có đủ vốn văn hóa để có thể hóa thân trong tác phẩm của mình. Để minh chứng
cho sự cần thiết của tư duy bản sắc văn hóa dân tộc trong sáng tác mỹ thuật, điều
tiên quyết là tác giả phải có đời sống nội tâm hòa cùng nhịp đập trái tim dân tộc ấy.
Tác phẩm đó phải hội đủ những điều kiện các giá trị. Một tác phẩm được tung ra
thị trường nghệ thuật trong nước và thế giới không chỉ đơn thuần mang đặc thù của
quốc gia đó mà còn mang nét truyền thống dân tộc địa phương để khẳng định đó là
bản sắc của mình. Điều khẳng định phải được tồn tại với thời gian. Khi các tác giả
xác định được nhân cách sáng tạo của mình thì tác phẩm được khẳng định trên sân
nhà cũng như trên trường nghệ thuật quốc tế. Lúc đó sẽ thấy bản sắc văn hóa dân
tộc trong sáng tác xuất hiện. Tuy vậy, trong đời sống sáng tác mỹ thuật hiện nay,
nhiều tác giả bị các trường phái mỹ thuật đương đại chi phối, vốn văn hóa dân tộc
không được tích lũy để có thể hóa thân trong tác phẩm. Một thực tế rất đáng ngạc
nhiên là nhiều chục năm nay, trong đời sống sáng tác, các tác giả đều rất quan tâm
đến bản sắc văn hóa dân tộc và rất hăng hái khi bàn đến bản sắc văn hóa dân tộc,
nhưng khi sáng tác thì sắc thái bản sắc dân tộc cần có để hóa thân trên tác phẩm
mỹ thuật gần như nhường chỗ cho những xúc cảm cá nhân chi phối do tác động
trực tiếp của thị trường mỹ thuật mang nhiều màu sắc kinh tế thị trường nhiều hơn
sự tìm tòi sáng tạo nghệ thuật.
Nhà nghiên cứu văn học Vương Trí Nhàn đã chỉ ra cho chúng ta thấy, chúng ta hay
tự ngợi khen bản thân mình. Khi người nước ngoài có chút khen ngợi xã giao với
chúng ta là lập tức trích dẫn sôi nổi để đưa lên các phương tiện truyền thông, còn

đối mặt với sự chỉ trích hay phê phán là lập tức chúng ta không bằng lòng. Người
Việt Nam nói chung, người Huế nói riêng cũng thế. Liệu cách hành xử như vậy có
làm cho chúng ta tiến bộ lên không, hay lại nuôi dưỡng tâm lý thỏa mãn không
chịu phấn đấu. Bởi vậy, nhìn thẳng vào sự thật để tự biết mình là ai, ở vị trí nào
trong xã hội là điều quan trọng, nếu thật sự biết mình, biết người, biết điểm mạnh
để phát huy, biết điểm yếu để khắc phục thì mới là cách hay để chúng ta tiến bộ.
Bản sắc văn hóa vùng miền nằm trong chiến lược đa dạng văn hóa toàn cầu là khái
niệm được các nhà văn hóa học và các nhà hoạt động văn hóa quốc tế nêu ra, được
Liên Hiệp quốc ủng hộ. Nó là sản phẩm hậu hiện đại đề cao yếu tố địa phương, bản
địa. Với mỗi tác giả nó bao gồm lối sống, môi trường đào tạo, môi trường sáng tác,
phong cách sáng tác, hoạt động sáng tác, phương pháp sáng tác Với các chính
phủ là các chính sách biện pháp bảo vệ di sản, bảo hộ tác phẩm Bản sắc văn hóa
Huế có lẽ là những đặc điểm tính cách, phẩm chất đã cố kết trong lịch sử, qua lịch
sử cụ thể được đúc kết và khái quát hóa để khơi dậy hay triệt tiêu đi trước nhu cầu
tiến hóa, phát triển của đương thời. Thường những đặc điểm này không hoặc khó
được định lượng mà chỉ “chung chung” song lại có giá trị như một “thương hiệu”
và rất có hiệu quả khi cần phân biệt những giá trị sáng tạo với các nền văn hóa
khác.
Chính vì tư duy người Huế mang đặc tính của nền văn minh lúa nước nên được
chuyển hóa rất linh hoạt. Nhiều tư tưởng nước ngoài du nhập vào Huế cũng được
Huế hóa. Người Huế có tư duy mềm dẻo, có thể thích nghi với mọi hoàn cảnh, rất
thực tiễn, nhanh chóng hội nhập vào thế giới. Các nền mỹ thuật du nhập vào Huế
cũng sẽ mang bản sắc văn hóa Huế, điều đó sẽ đặt ra yêu cầu, mãi mãi chúng ta
bằng lòng với tư duy biến cái của họ thành cái của mình hay đi tìm những con
đường mới của sáng tạo mỹ thuật. Trả lời câu hỏi đó là trách nhiệm của những
người quản lý, những người sáng tác mỹ thuật. Dù theo con đường nào, nền mỹ
thuật Huế cũng phải giầu bản sắc văn hóa Huế. Nhìn lại hoạt động sáng tác mỹ
thuật những năm qua, kể cả những tác phẩm được giải của thành phố Huế, chúng ta
dễ dàng nhận thấy số tác phẩm có bản sắc Huế không nhiều.


×