Tải bản đầy đủ (.pdf) (57 trang)

THỬ NGHIỆM BỔ SUNG CHẾ PHẨM NẤM MEN CEL – CON 5 TRONG THỨC ĂN HEO THỊT VÀ HEO NÁI NUÔI CON

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (538.96 KB, 57 trang )

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC NÔNG LÂM TP.HCM

LUẬN VĂN TỐT NGHIỆP

THỬ NGHIỆM BỔ SUNG CHẾ PHẨM NẤM MEN
CEL – CON 5 TRONG THỨC ĂN HEO THỊT VÀ
HEO NÁI NUÔI CON

Sinh viên thực hiện : TRẦN TIẾN ĐẠI
Ngành
: Chăn nuôi
Khóa
: 2005 – 2009
Lớp
: DH05CN

09/2009


THỬ NGHIỆM BỔ SUNG CHẾ PHẨM NẤM MEN CEL – CON 5
TRONG KHẨU PHẦN THỨC ĂN HEO THỊT VÀ HEO NÁI
NUÔI CON

Tác giả

TRẦN TIẾN ĐẠI

Khóa luận được đệ trình để đáp ứng yêu cầu
cấp bằng Kỹ sư ngành Chăn Nuôi


Giáo viên hướng dẫn

Th.S. LÊ MINH HỒNG ANH
TS. DƯƠNG DUY ĐỒNG

Tháng 09/2009
i


LỜI CẢM TẠ
U Kính dâng lòng biết ơn lên
Ba má, anh chị em trong gia đình đã tận tụy lo lắng, giúp đỡ để tôi có được
ngày hôm nay.
U Xin chân thành cảm ơn đến
Ban giám hiệu trường Đại Học Nông Lâm TP.HCM, Ban Chủ Nhiệm cùng toàn
thể quý thầy cô khoa Chăn Nuôi - Thú Y đã giúp đỡ, truyền đạt những kiến thức và
kinh nghiệm quý báu cho tôi trong suốt quá trình học tập tại trường.
Th.S. Lê Minh Hồng Anh, TS. Dương Duy Đồng đã tận tình chỉ bảo, hướng
dẫn và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho tôi hoàn thành khoá luận này.
Ban quản lý trại thực tập khoa Chăn Nuôi Thú Y trường Đại Học Nông Lâm,
thầy Nguyễn Văn Hiệp, thầy Đoàn Trần Vĩnh Khánh và anh chị em công nhân trong
trại đã giúp đỡ tôi trong thời gian thực tập tốt nghiệp.
Các bạn lớp Chăn Nuôi 31, Chăn Nuôi 32, Chăn Nuôi 33, Thức Ăn 33, Dược Y
33 đã động viên giúp đỡ và chia sẻ cùng tôi những vui buồn, khó khăn trong thời gian
học tập tại trường cũng như trong suốt quá trình thực tập tốt nghiệp.
Chân thành cảm ơn!
Trần Tiến Đại

ii



TÓM TẮT LUẬN VĂN
Đề tài: “ Thử nghiệm bổ sung chế phẩm nấm men CEL – CON 5 trong
thức ăn heo thịt và heo nái nuôi con” được tiến hành tại trại thực nghiệm khoa Chăn
Nuôi - Thú Y Trường đại học Nông Lâm TP.HCM từ 23/02/09 đến 13/07/09.
Thí nghiệm trên 32 heo thịt thuộc nhóm giống D(YL) có trọng lượng ban đầu
khoảng 23 kg cho đến xuất chuồng và 8 nái sinh sản thuộc nhóm giống YL đang ở lứa
đẻ 4 và 5 được bắt đầu lúc 3 tuần trước sinh và kết thúc lúc nái lên giống lại. Trên heo
thịt bố trí 2 lô, 4 lần lặp lại, 4 heo cho 1 lần lặp lại. Lô I (đối chứng) sử dụng khẩu
phần thức ăn căn bản, lô II (thí nghiệm) sử dụng khẩu phần thức ăn căn bản có bổ sung
CEL – CON 5 với lượng 1 kg/tấn. Thí nghiệm trên heo nái được bố trí cũng gồm 2 lô,
mỗi lô 4 nái. Lô I (đối chứng) sử dụng khẩu phần thức ăn căn bản. Lô II (thí nghiệm)
sử dụng khẩu phần thức ăn căn bản có bổ sung CEL – CON 5 với lượng 1,5 kg/tấn.
Bổ sung chế phẩm CEL – CON 5 vào khẩu phần cho kết quả:
Trên heo thịt: tăng trọng tuyệt đối thấp hơn lô đối chứng 3,28 %; Thức ăn tiêu
thụ thấp hơn lô chứng 3,87 %; Hệ số chuyển biến thức ăn thấp hơn lô đối chứng 1,66
%; Tỉ lệ ngày con tiêu chảy thấp hơn lô đối chứng, lần lượt là 6,59% ở lô đối chứng và
4,98 % ở lô thí nghiệm; Chi phí thức ăn cho mỗi kg tăng trọng ở giai đoạn 1 và 2 (20
kg – 70 kg) thấp hơn lô đối chứng, đem lại hiệu quả kinh tế (15953,57đ và 15465,41đ
so với 16100,45đ và 15556,18đ ở lô đối chứng).
Trên heo nái: tỉ lệ sơ sinh sống cao hơn lô đối chứng (86,35 % so với 92,87 %);
Trọng lượng bình quân sơ sinh cao hơn lô đối chứng 0,09 kg/con (P > 0,05); Tỉ lệ chọn
nuôi cao hơn lô đối chứng (91,87 % so với 96,43 %); Tỉ lệ nuôi sống đến cai sữa thấp
hơn lô đối chứng, cụ thể là 94,44 % ở lô đối chứng và 91,48 % ở lô thí nghiệm; Trọng
lượng bình quân cai sữa cao hơn lô đối chứng 0,23 kg/con (P > 0,05); Thời gian lên
giống lại bình quân giảm 2,25 ngày so với lô đối chứng; Tỉ lệ hao mòn nái, lượng thức
ăn nái tiêu thụ trong thời gian nuôi con tương đương nhau; và chi phí để sản xuất ra
mỗi kg heo con ở lô thí nghiệm (15199,45đ) thấp hơn ở lô đối chứng (15253,22đ),
hiệu quả kinh tế cải thiện được 0,35 %.


iii


MỤC LỤC
Trang
Chương 1: MỞ ĐẦU .....................................................................................................1
1.1. Đặt vấn đề............................................................................................................1
1.2. Mục đích và yêu cầu............................................................................................2
1.2.1. Mục đích ........................................................................................................2
1.2.2. Yêu cầu ..........................................................................................................2
Chương 2: TỔNG QUAN .............................................................................................3
2.1. Đặc điểm sinh lý tiêu hóa heo thịt .......................................................................3
2.2. Đặc điểm heo nái .................................................................................................4
2.3. Đặc điểm heo con theo mẹ ..................................................................................5
2.4. Đặc điểm chung – thành phần hóa học tế bào nấm men .....................................6
2.3.1. Đặc điểm chung.............................................................................................6
2.3.2. Thành phần hóa học.......................................................................................6
2.3.3. Vai trò của nấm men......................................................................................7
2.5. Một số đặc điểm chung về enzyme .....................................................................8
2.5.1. Khái niệm ......................................................................................................8
2.5.2. Nguyên lý hoạt động của enzyme .................................................................8
2.5.3. Các trường hợp sử dụng enzyme tiêu hóa có hiệu quả .................................8
2.6. Giới thiệu về chế phẩm........................................................................................9
2.6.1. Giới thiệu về chế phẩm của công ty Western Yeast......................................9
2.6.2. Đặc điểm của CEL- CON 5...........................................................................9
2.6.3 Tình hình nghiên cứu, sử dụng chế phẩm trên thị trường ............................11
2.7. Tổng quan về trại heo ........................................................................................12
2.7.1. Sơ lược về trại.............................................................................................12
2.7.2. Bố trí chuồng nuôi .....................................................................................13
2.7.3. Giống heo, thức ăn và nước uống................................................................14

2.7.4. Quy trình vệ sinh thú y và phòng bệnh cho heo..........................................14
2.7.4.1. Vệ sinh thú y..........................................................................................14
2.7.4.2. Quy trình tiêm phòng heo......................................................................16
iv


Chương 3: NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP THÍ NGHIỆM ...............................17
3.1. Thời gian và địa điểm........................................................................................17
3.2. Đối tượng và cách bố trí thí nghiệm..................................................................17
3.3. Điều kiện thí nghiệm .........................................................................................18
3.4. Thức ăn thí nghiệm............................................................................................19
3.5. Chỉ tiêu và phương pháp theo dõi .....................................................................21
3.5.1. Trên heo thịt
3.5.1.1. Trọng lượng bình quân của heo................................................................21
3.5.1.2. Tăng trọng tuyệt đối .................................................................................21
3.5.1.3. Thức ăn tiêu thụ........................................................................................22
3.5.1.4. Hệ số chuyển biến thức ăn (HSCBTĂ) ....................................................22
3.5.1.5. Tỉ lệ ngày heo tiêu chảy............................................................................22
3.5.1.6. Tỉ lệ chết và loại thải ................................................................................23
3.5.1.7. Hiệu quả kinh tế........................................................................................23
3.5.2. Trên heo nái và heo con
3.5.2.1. Tỉ lệ heo con sơ sinh còn sống/ổ ..............................................................23
3.5.2.2. Trọng lượng bình quân heo sơ sinh..........................................................23
3.5.2.3. Tỉ lệ chọn nuôi..........................................................................................23
3.5.2.4 Tỉ lệ nuôi sống đến cai sữa ........................................................................23
3.5.2.5. Trọng lượng heo con cai sữa bình quân ...................................................23
3.5.2.6. Tỉ lệ hao mòn nái......................................................................................24
3.5.2.7. Lượng thức ăn nái tiêu thụ trong thời gian nái nuôi con..........................24
3.5.2.8. Tỉ lệ đậu thai.............................................................................................24
3.5.2.9. Hiệu quả kinh tế.......................................................................................24

3.6. Xử lý số liệu .....................................................................................................25
Chương 4. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN..................................................................26
4.1. Các chỉ tiêu theo dõi trên heo thịt...........................................................................26
4.1.1. Khả năng tăng trọng .......................................................................................26
4.1.1.1. Trọng lượng bình quân .............................................................................26
4.1.1.2. Tăng trọng tuyệt đối .................................................................................27
4.1.2. Lượng thức ăn tiêu thụ ...................................................................................28
v


4.1.3. Hệ số chuyển biến thức ăn..............................................................................30
4.1.4. Tỉ lệ ngày con tiêu chảy..................................................................................33
4.1.5. Tỉ lệ chết và loại thải ......................................................................................33
4.1.6. Hiệu quả kinh tế..............................................................................................34
4.2. Các chỉ tiêu theo dõi trên heo nái và heo con.........................................................35
4.2.1. Tỉ lệ heo sơ sinh còn sống ..............................................................................36
4.2.2. Trọng lượng toàn ổ sơ sinh và trọng lượng bình quân sơ sinh.......................37
4.2.3. Tỉ lệ chọn nuôi................................................................................................37
4.2.4. Tỉ lệ nuôi sống đến cai sữa .............................................................................37
4.11. Trọng lượng bình quân cai sữa........................................................................38
4.2.5. Tỉ lệ hao mòn nái............................................................................................38
4.2.6. Lượng thức ăn nái tiêu thụ trọng thời gian nuôi con......................................38
4.2.7. Thời gian lên giống lại bình quân...................................................................39
4.2.8. Tỉ lệ đậu thai...................................................................................................39
4.2.9. Hiệu quả kinh tế..............................................................................................39
Chương 5: KẾT LUẬN VÀ ĐỀ NGHỊ ......................................................................41
5.1. Kết luận..............................................................................................................41
5.1.1. Trên heo thịt ................................................................................................41
5.1.2. Trên heo nái .................................................................................................41
5.2. Đề nghị ..............................................................................................................41

TÀI LIỆU THAM KHẢO .............................................................................................42
PHỤ LỤC ......................................................................................................................43

vi


DANH SÁCH CÁC BẢNG
Bảng 2.1: Ảnh hưởng của số heo con/lứa đến sản lượng sữa của heo nái......................4
Bảng 2.2: Các enzyme trong chế phẩm và chức năng ....................................................9
Bảng 2.3: Qui trình tiêm phòng của trại ........................................................................15
Bảng 3.1: Bố trí thí nghiệm trên heo thịt.......................................................................17
Bảng 3.2: Bố trí thí nghiệm trên heo nái .......................................................................17
Bảng 3.3: Thành phần nguyên liệu và dinh dưỡng trong thức ăn của nái mang thai....18
Bảng 3.4: Thành phần nguyên liệu và dinh dưỡng trong thức ăn của nái nuôi con......19
Bảng 3.5: Công thức thức ăn của heo thịt .....................................................................19
Bảng 3.6: Thành phần dưỡng chất thức ăn của heo thịt ................................................20
Bảng 4.1: Trọng lượng bình quân của heo qua các giai đoạn ......................................25
Bảng 4.2: Tăng trọng tuyệt đối của heo qua các giai đoạn...........................................26
Bảng 4.3: Lượng thức ăn tiêu thụ của heo qua các giai đoạn........................................27
Bảng 4.4: Hệ số chuyển biến thức ăn của heo qua các giai đoạn..................................29
Bảng 4.5: Tỉ lệ (%) ngày con tiêu chảy của heo thí nghiệm qua các giai đoạn ............32
Bảng 4.6: Tỉ lệ chết và loại thải của heo .......................................................................32
Bảng 4.7: Đơn giá thức ăn hỗn hợp...............................................................................33
Bảng 4.8: Bảng chi phí thức ăn cho mỗi kg tăng trọng.................................................33
Bảng 4.9: Tỉ lệ heo sơ sinh còn sống............................................................................35
Bảng 4.10: Trọng lượng toàn ổ sơ sinh và trọng lượng bình quân sơ sinh ...................35
Bảng 4.11: Tỉ lệ chọn nuôi ............................................................................................36
Bảng 4.12: Tỉ lệ nuôi sống đến cai sữa .........................................................................36
Bảng 4.13: Trọng lượng cai sữa bình quân ...................................................................37
Bảng 4.14: Tỉ lệ hao mòn nái ........................................................................................37

Bảng 4.15: Lượng thức ăn nái tiêu thụ trong thời gian nái nuôi con ............................37
Bảng 4.16: Thời gian lên giống lại bình quân ...............................................................38
Bảng 4.17: Tỉ lệ đậu thai ...............................................................................................38
Bảng 4.18: Đơn giá thức ăn hỗn hợp.............................................................................38
Bảng 4.19: Đơn giá tổng chi phí thuốc thú y ................................................................39
Bảng 4.20: Chi phí để sản xuất ra mỗi kg heo con........................................................39

vii


DANH SÁCH CÁC BIỂU ĐỒ
Biểu đồ 4.1: Tăng trọng tuyệt đối của heo qua các giai đoạn ......................................27
Biểu đồ 4.1: Lượng thức ăn tiêu thụ của heo qua các giai đoạn ..................................29
Biểu đồ 4.1: Hệ số chuyển biến thức ăn của heo qua các giai đoạn.............................31

viii


DANH MỤC CÁC TỪ VIẾT TẮT
HSCBTĂ

: Hệ số chuyển biến thức ăn

KgTĂ/kgTT

: Kg thức ăn/Kg tăng trọng

TĂTT

: thức ăn tiêu thụ


TLBQ

: Trọng lượng bình quân

TT

: Tăng trọng

TTTĐ

: Tăng trọng tuyệt đối

TN

: Thí nghiệm

ĐC

: Đối chứng

DF (degree of freedom)

: độ tự do

SS (sum of freedom)

: Tổng bình phương

MS (mean square)


: Trung bình bình phương

ix


Chương 1
MỞ ĐẦU
1.1. Đặt vấn đề
Trong ngành chăn nuôi ở Việt Nam, chăn nuôi heo chiếm vị trí quan trọng
hàng đầu. Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển của các ngành sản
xuất trong cả nước, ngành chăn nuôi heo đang phát triển nhanh cả về qui mô chăn
nuôi lẫn trình độ chăn nuôi. Tổng đàn heo trên cả nước năm 2008 hiện khoảng
25,58 triệu con, trong đó đàn heo nái 3,76 triệu con, đàn heo thịt 21,82 triệu con
(theo cục chăn nuôi, 2008).
Sự phát triển nhanh chóng của ngành chăn nuôi heo đã kéo theo nhiều vấn
đề trong phương thức chăn nuôi, cách thức quản lý, chuồng trại, con giống, dinh
dưỡng…đòi hỏi các nhà chăn nuôi phải giải quyết nếu muốn đạt hiệu quả kinh tế.
Đồng thời, để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng thì sản phẩm
thịt heo làm ra phải an toàn. Để đạt được những mục tiêu đó, phải rút ngắn thời
gian chăn nuôi, cải thiện về công tác giống, quản lý, hạn chế sử dụng kháng sinh
và quan trọng hơn cả là phải đảm bảo khẩu phần đầy đủ dinh dưỡng giúp tiêu hóa
hấp thu dưỡng chất tốt nhất.
Một nghiên cứu của ngành vi sinh đó là ứng dụng nấm men để giúp làm
tăng tỉ lệ tiêu hóa thức ăn, thay thế kháng sinh trong việc ổn định hệ vi sinh đường
ruột theo hướng có lợi giúp giảm tỉ lệ bệnh, cải thiện năng suất trên heo. CEL –
CON 5 là sản phẩm từ nấm men Saccharomyces ceravisiae. Một số thí nghiệm bổ
sung chế phẩm CEL – CON 5 vào khẩu phần thức ăn heo giúp cải thiện về tăng
trọng trên heo thịt, giảm tỉ lệ tiêu chảy, cải thiện năng suất trên heo nái. Tuy nhiên,
thí nghiệm chỉ thực hiện đối với thức ăn dạng bột, còn việc bổ sung chế phẩm vào

thức ăn ép viên vẫn chưa được thực hiện.
Từ thực tiễn trên, được sự đồng ý của bộ môn Dinh Dưỡng Gia Súc, Khoa
Chăn Nuôi - Thú Y trường Đại Học Nông Lâm Thành Phố Hồ Chí Minh – trại heo
thực tập Khoa Chăn Nuôi - Thú Y trường Đại Học Nông Lâm, cùng với sự hướng
1


dẫn của ThS. Lê Minh Hồng Anh và TS. Dương Duy Đồng, chúng tôi thực hiện đề
tài: “ Thử nghiệm bổ sung chế phẩm nấm men CEL – CON 5 trong thức ăn
heo thịt và heo nái nuôi con”.
1.2. Mục đích và yêu cầu
1.2.1. Mục đích
Đánh giá hiệu quả của việc bổ sung chế phẩm nấm men CEL – CON 5 vào
khẩu phần thức ăn heo thịt (20 kg – xuất chuồng) và heo nái (giai đoạn 3 tuần
trước khi sinh cho đến khi phối giống lại).
1.2.2. Yêu cầu
Đối với heo thịt: theo dõi các chỉ tiêu về tăng trọng, lượng thức ăn tiêu thụ,
hệ số chuyển biến thức ăn, tỉ lệ ngày heo tiêu chảy và đánh giá sơ bộ hiệu quả kinh
tế.
Đối với heo nái: theo dõi một số chỉ tiêu về sinh sản, sức khỏe trên heo nái
và sinh trưởng trên heo con.

2


Chương 2
TỔNG QUAN
2.1. Đặc điểm sinh lý tiêu hóa heo thịt
Sau giai đoạn cai sữa, heo chuyển xuống nuôi thịt có trọng lượng khoảng 10
– 15 kg. Thời gian nuôi thịt khoảng 3,5 – 4 tháng để có thể đạt trọng lượng xuất

chuồng từ 90 – 100 kg. Đây là trọng lượng xuất chuồng hợp lý nhất vì lúc này
phẩm chất thịt ngon nhất. Nếu nuôi kéo dài thêm thì hiệu quả thức ăn giảm, heo có
xu hướng tích lũy nhiều mỡ không có lợi.
Trong thời gian nuôi thịt có thể chia ra làm hai giai đoạn:
Giai đoạn 1
Khoảng hai tháng đầu, đây là thời kỳ cơ thể phát triển khung xương, hệ cơ,
hệ thần kinh. Ở lứa tuổi này heo lớn rất nhanh, do đó cần nhiều protein, khoáng
chất, sinh tố để phát triển chiều dài và chiều cao. Kết thúc giai đoạn này heo có thể
đạt trọng lượng 50 – 60 kg.
Thiếu dưỡng chất trong giai đoạn này sẽ làm cho khung xương, hệ cơ kém
phát triển, heo trở nên ngắn đòn, ít thịt vì bắp cơ nhỏ, sự tích lũy mỡ ở giai đoạn
sau nhiều hơn. Trái lại, nếu dư thừa dưỡng chất sẽ làm tăng chi phí, dư protein sẽ
bị đào thải dưới dạng urê, heo dễ bị viêm khớp, tích lũy mỡ sớm. Dư khoáng chất
nhất là canxi – phospho gây hậu quả cho sự cốt hóa xương, một số khoáng vi
lượng dư thừa cũng sẽ trở nên độc.
Giai đoạn 2
Khoảng hai tháng cuối, đây là thời kỳ heo tích lũy mỡ vào các xớ cơ, các
mô liên kết, con thú nảy nở theo chiều ngang, mập ra. Giai đoạn này heo cần nhiều
glucid, lipid hơn, nhưng nhu cầu protein, khoáng chất, sinh tố thì ít hơn kết thúc
giai đoạn 1. Giai đoạn này heo có thể đạt trọng lượng 90 – 100 kg.
Dư thừa dưỡng chất lúc này heo trở nên gầy, bắp cơ dai, không ngon, thiếu
những hương vị cần thiết, thịt có màu nhợt nhạt không hấp dẫn người tiêu dùng
(Võ Văn Ninh, 2003).
3


2.2. Đặc điểm của heo nái
Khả năng đồng hóa của nái mang thai cao nhờ estrogen của nhau thai tác
động. Nếu cho ăn tự do thì nái sẽ ăn gấp 3 lần nhu cầu duy trì trong khi nhu cầu
của nái mang thai chỉ gấp 1,5 lần so với nhu cầu duy trì. Trong thời gian này, heo

nái cần có đủ năng lượng và dưỡng chất để tiết sữa sau này.
Vào giai đoạn 90 – 110 ngày của thai kỳ, nên tăng khẩu phần năng lượng
cho nái để đáp ứng sự phát triển của bào thai. Tuy nhiên, chỉ cần tăng ở mức vừa
phải (2,5 - 3 kg/ngày) vì khẩu phần năng lượng cao hơn sẽ làm cho nái mập mỡ, đẻ
khó và nái sẽ ăn ít cũng như giảm trọng lượng nhiều trong lúc nuôi con.
Trong 10 ngày trước khi đẻ, lượng thức ăn cung cấp cho nái thường giảm
để giới hạn những xáo trộn khi sinh (đẻ khó, viêm đường sinh dục, viêm vú) mặc
dù bào thai vẫn ở giai đoạn phát triển nhanh (Trần Thị Dân, 2006).
Theo Nguyễn Ngọc Tuân và Trần Thị Dân (1997), trong thời gian nái nuôi
con cần cung cấp đủ dưỡng chất cho việc tạo sữa và ngăn ngừa hao hụt trọng
lượng cũng như thể trọng của nái. Trong thời gian này, mức giảm trọng tối đa có
thể chấp nhận là 20 % trọng lượng cơ thể. Theo Võ Văn Ninh (2003), nái nuôi con
trong tháng đầu thường giảm trọng khoảng 10 % trọng lượng cơ thể, thức ăn xấu
có thể làm nái giảm trọng nhiều hơn và làm nái chậm động dục trở lại sau cai sữa.
Lượng sữa heo nái tăng dần và đạt đỉnh cao lúc vào khoảng 3 tuần sau khi
sinh, nên thường sau 3 tuần thì nái dễ bị giảm cân hơn những tuần trước đó. Theo
Nguyễn Ngọc Tuân và Trần Thị Dân (1997), khả năng tiết sữa của heo nái phụ
thuộc nhiều yếu tố như giống, cá thể, lứa đẻ, thời gian trong 1 chu kỳ tiết sữa, thể
trọng của nái, dinh dưỡng, chăm sóc nuôi dưỡng…
Ví dụ: Ở heo, số con bình quân là 4,8 con thì lượng sữa bình quân cho một
con heo bú đến 8 tuần tuổi là 15 kg. Khi số heo con bình quân tăng lên 12,4 con thì
lượng sữa bình quân cho một heo con bú giảm xuống còn 12 kg, nhưng tổng lượng
sữa thì tăng (theo Lê Văn Thọ và Đàm Văn Tiện, 1992).
Mức năng lượng cung cấp cho nái phụ thuộc vào sức sản xuât sữa, thể trọng
của nái, trọng lượng có thể mất trong thời gian nuôi con. Sau khi đẻ, giới hạn
lượng thức ăn và tăng dần cho đến khi ăn tự do từ ngày thứ 4. Heo nái nuôi con
nên ăn ít nhất 5 kg/ngày với 3100 kcal ME/kg thức ăn, 16 % protein, 0,6 % lysin,
4



0,7 % canxi, 0,6 % phospho và đủ sinh tố cũng như các dưỡng chất khác. Tuy
nhiên, lượng thức ăn nái tiêu thụ thường thấp hơn do các yếu tố ảnh hưởng đến sự
ngon miệng của nái như thức ăn có chất lượng thấp, thời tiết nóng, nái ăn nhiều ở
giai đoạn mang thai bình quân 3 kg/ngày. Vì thế, để nái ăn được nhiều cần cung
cấp thức ăn có chất lượng mùi vị thơm ngon, cho ăn nhiều lần trong ngày (3 – 4
lần) và cho ăn vào các thời điểm mát trong ngày (trước 9 giờ và sau 16 giờ), tạo
tiểu khí hậu chuồng nuôi thoáng và mát, cung cấp đầy đủ nước sạch và mát.
2.3. Đặc điểm heo con theo mẹ
Lúc còn trong bụng mẹ, heo con phụ thuộc tất cả vào mẹ. Sau khi được sinh
ra, heo con phải chịu hoàn toàn các tác động bởi yếu tố bên ngoài. Heo con mới đẻ
có các điểm yếu như: điều hòa thân nhiệt kém, dự trữ năng lượng trong cơ thể rất
ít, hệ thống enzyme, hệ thống miễn dịch chưa hoàn chỉnh và thiếu sắt nghiêm
trọng.
Lúc mới sinh, thân nhiệt heo con đạt 38,5 – 39 0C, lượng mỡ dự trữ rất thấp
từ 1 – 2 % và thiếu mỡ nâu, lượng glycogen dự trữ khoảng 30 – 38 g/kg trọng
lượng (Trần Thị Dân, 2003). Do heo con mất nhiệt nhanh, cơ thể heo con bị lạnh,
hoạt động của các bộ máy chức năng trong cơ thể bị rối loạn. Vì thế, heo con cần
được ủ ấm và nếu có điều kiện cho heo con uống thêm nước.
Hai nguồn năng lượng chính lúc sinh và sau khi sinh là năng lượng dự trữ
trong cơ thể và năng lượng từ sữa đầu (Trần Thị Dân, 2003). Việc cho heo con bú
sữa đầu rất quan trọng. Theo Trần Thị Dân và Dương Nguyên Khang (2006), sữa
đầu được tiết trong 2 – 3 ngày sau sinh, có nhiều protein, chất béo, khoáng và
vitamin. Lượng protein cao trong sữa đầu do sự vận chuyển kháng thể từ máu vào
sữa. Hàm lượng kháng thể khoảng 130 g/lít trong tổng số lượng protein 180 g/lít
của lần vắt đầu tiên sau sinh. Theo Trần Thị Dân (2003), sự hấp thu kháng thể xảy
ra tối đa ở giai đoạn 4 – 12 giờ sau sinh. Kháng thể có thể được phát hiện trong
máu heo con vào 3 giờ sau khi sinh. Khoảng 48 giờ sau khi sinh, ruột không còn
hấp thu kháng thể. Heo con không bú trong vòng 24 giờ sau khi sinh có thể kéo dài
khả năng hấp thu kháng thể; tuy nhiên, vi sinh vật có hại cũng tăng khả năng xâm
nhập từ đường ruột vào máu.


5


2.4. Đặc điểm chung – thành phần hóa học tế bào nấm men
2.4.1. Đặc điểm chung
Nấm men là tên chung để chỉ những nhóm nấm có cấu tạo đơn bào, sinh sản
bằng cách nảy chồi và không có diệp lục tố. Chúng không sử dụng được năng
lượng mặt trời. Vì vậy, nguồn dinh dưỡng chính của nấm men là carbohydrate.
Nấm men phân bố rộng rãi trong tự nhiên: đất, nước, không khí...
Nấm men sinh sản nhanh chóng. Sinh khối của chúng giàu protein,
vitamin…và các chất có giá trị dinh dưỡng khác. Vì thế, nấm men được sử dụng
rộng rãi trong công nghệ chế biến thức ăn bổ sung cho người và gia súc.
Giống Saccharomyces có 41 loài. Chúng nẩy chồi nhiều phía, không khuẩn
ty, tế bào hình cầu hoặc elip, có khả năng lên men mạnh.
2.4.2. Thành phần hóa học
Thành phần hóa học của nấm men phụ thuộc vào chủng nhân giống. Sau
đây là một số thành phần cơ bản của nấm men và vai trò của chúng:
- Nước: chiếm khoảng 75 % khối lượng chung.
- Carbohydrate: chủ yếu là glycogen (C6H10O5)n, đây là chất dự trữ của tế
bào nấm men.
- Protein của nấm men tương đương protein động vật, protein trung bình
khoảng 50 % (tính theo chất khô) và khoảng 45 % protein hoàn chỉnh. Trong thành
phần các protein có đủ các axit amin và đặc biệt có 8 – 9 axit amin thiết yếu không
thay thế.
- Chất béo: trong tế bào nấm men có các axit oleic, linoleic, palmitic. Trong
chất béo chứa tới 30 – 40 % phosphatit.
- Chất khoáng: chiếm từ 5 – 11 %, đóng vai trò quan trọng trong hoạt động
của tế bào nấm men, đặc biệt là phospho.
+ Phospho (P): thường ở dạng liên kết hữu cơ và có trong thành phần của

phosphatid, nucleoprotein cũng như axit nucleic.
+ Lưu huỳnh (S): có trong thành phần protein dạng –SH hoặc –S-S-. S và
sắt (Fe) đều tham gia phản ứng oxy hóa khử.

6


+ Fe và các chất vô cơ khác cũng như Zn, Mn, Cu, Mg… là những chất
không thể thiếu đối với các enzyme oxy hóa như oxydase, catalase, peroxydase.
+ Magiê (Mg) làm hoạt hóa phosphotase trong quá trình lên men.
+ Ca giúp loại bỏ các chất độc thải ra khi lên men, đồng thời giúp tổng hợp
protein, làm tăng quá trình oxy hóa, có tác dụng tạo thành một số vitamin.
- Vitamin: đảm bảo cho sự sống của nấm men, tế bào của nấm men chứa
hầu hết các loại vitamin, đặc biệt là vitamin nhóm B.
2.4.3. Vai trò của nấm men
Nấm men có khả năng lên men rượu trong điều kiện hô hấp yếm khí để tạo
thành rượu, khí CO2. Vì vậy, nấm men được sử dụng rộng rãi trong công nghiệp
sản xuất cồn, rượu, bia, nước giải khát lên men. Một số loại nấm men có chứa hàm
lượng lớn lipid hay enzyme cũng được dùng trong sản xuất thịt nhân tạo và các
loại enzyme khác nhau.
Nấm men là thực phẩm giàu protein. Sản xuất sinh khối nấm men là tạo
nguồn thức ăn giàu protein, vitamin và một số chất khác bổ sung cho người và
động vật. Nguồn protein thu từ sinh khối nấm men có giá trị kinh tế cao do nấm
men phát triển rất nhanh. Để tăng khối lượng cơ thể, gà con cần 200 giờ, heo con
cần 600 giờ, bê nghé cần 1550 giờ, trong khi đó nấm men cần 1 – 2 giờ, vi khuẩn
cần 20 – 60 phút, tảo cần từ 2 – 6 giờ, nấm sợi cần 4 – 12 giờ (Nguyễn Lân Dũng,
1998).
Sự tích lũy protein của nấm men cao hơn nhiều so với các động vật nuôi
cho protein như heo, gà, bò đến vài nghìn lần và gấp vài trăm lần so với cây đậu và
cây ngũ cốc.

Tế bào nấm men được tổ hợp trong thức ăn gia súc thì giá trị dinh dưỡng
của thức ăn sẽ được nâng cao. Ví dụ, 1 kg nấm men thức ăn gia súc cho bò sữa ăn
sẽ làm tăng từ 6 – 7 lít sữa hoặc cho gà mái ăn 1 kg nấm men sẽ tăng từ 2,2 – 2,9
kg thịt và khả năng đẻ trứng tăng 20 % - 40 %. Đối với heo giống, có thêm nấm
men trong thức ăn giúp khả năng sinh tinh dịch tăng, sức đề kháng của tinh trùng
tăng và do đó khả năng thụ thai cao, heo thịt cho tăng trọng hơn đối chứng 8 % –
10 % và giảm chi phí thức ăn (Trần Minh Tâm, 2000).

7


2.5. Một số đặc điểm chung về enzyme
2.5.1. Khái niệm
Enzyme là chất xúc tác sinh học, có bản chất là protein. Enzyme có mặt
trong tế bào của tất cả sinh vật, không những xúc tác trong cơ thể sống mà còn xúc
tác cho cả phản ứng ngoài tế bào (Nguyễn Phước Nhuận và ctv, 2000).
Các enzyme là những protein, thường không bền dưới tác động của nhiệt
độ cao (trên 60 0C). Xu hướng chăn nuôi công nghiệp, nhất là gia cầm sử dụng
thức ăn dập viên (pellet) cần xử lý thức ăn ở nhiệt độ 90 – 100 0C sẽ phá hủy hoàn
toàn hoạt tính của enzyme khi trộn vào thức ăn trước khi dập viên (Dương Thanh
Liêm và ctv, 2006).
Enzyme có độ hoạt tính cao ở nhiệt độ 30 oC – 50 oC, và mỗi enzyme có
nhiệt độ tối ưu khác nhau. Nhiệt độ tối ưu của enzyme có nguồn gốc động vật
thường là 40-50 oC, nhiệt độ tối ưu cho enzyme có nguồn gốc thực vật là 50-60 oC.
2.5.2. Nguyên lý hoạt động của enzyme
Trong quá trình sống của động vật, chúng lấy thức ăn và tiêu hóa thức ăn rất
khoa học, nếu ta bổ sung enzyme tiêu hóa cho thú trong khi thú có khả năng sản
sinh ra enzyme, đó cũng không phải là điều tốt hoàn toàn vì làm như vậy sẽ có sự
thoái hóa các tuyến sản xuất enzyme của cơ thể động vật. Điều này nói lên chúng
ta phải cần thận trọng khi sử dụng enzyme nhân tạo để tiêu hóa thức ăn giúp cho

thú (Dương Thanh Liêm và ctv, 2006).
2.5.3 Những trường hợp sử dụng enzyme tiêu hóa thức ăn có hiệu quả
Các enzyme tiêu hóa nhân tạo phải có khả năng hoạt động tốt trong ống tiêu
hóa với môi trường pH thay đổi theo từng giai đoạn của ống tiêu hóa.
Sử dụng enzyme tiêu hóa bổ sung vào thức ăn cho thú ở những giai đoạn
mà cơ thể không có khả năng tiết đủ enzyme tiêu hóa thức ăn. Những trường hợp
đó có thể là :
- Thay đổi đột ngột thức ăn về công thức hay nguyên liệu làm cho cơ thể
thú không có khả năng tổng hợp và phân tiết kịp do không có sẵn enzyme trong
các tuyến tiêu hóa.
- Do cơ thể thú non chỉ có sẵn enzyme thích hợp cho tiêu hóa sữa, mà ta lại
tập cho thú ăn quá sớm với thức ăn mới. Điều này thấy rõ nhất trên heo con tập ăn.
8


+ Do trong thức ăn có những chất mà cơ thể thú không có enzyme tiêu hóa.
Ví dụ : cellulose, pectin, hemicellulose, glucan... Trong những trường hợp này nếu
ta đưa enzyme nhân tạo có khả năng tiêu hóa chúng sẽ làm tăng khả năng lợi dụng
của thức ăn rất nhiều (Dương Thanh Liêm và ctv, 2006).
2.6. Giới thiệu về chế phẩm (theo dẫn liệu công ty Western Yeast)
2.6.1. Giới thiệu về chế phẩm nấm men của công ty Western Yeast
Chế phẩm nấm men của công ty Western Yeast là một dạng men sống
(active), một chất bổ sung tự nhiên vào thức ăn nhằm nâng cao giá trị dinh dưỡng
cho thức ăn của động vật. Nó bao gồm những tế bào men sống và những môi
trường mà trong đó chúng được phát triển, sau đó được sấy khô một cách hợp lý
để duy trì hoạt động lên men của tế bào.
Chế phẩm nấm men của công ty Western Yeast chuyển tinh bột và xơ của
ngũ cốc, protein khó hòa tan hay không tiêu hóa ở mức độ nhiều hay ít thành dạng
dễ tiêu hóa và kết quả là giải phóng được một lượng năng lượng rất lớn từ thức ăn.
Men phân cắt tinh bột ở dạng khó phân cắt trở thành dạng đường dễ tiêu hóa. Nó

giúp cho sự đồng hóa các vitamin tổng hợp được bổ sung vào trong thức ăn trở
thành nguồn vitamin tự nhiên dồi dào. Đồng thời nó cũng tham gia vào việc phân
cắt các chất khoáng của quá trình đồng hóa.
Công ty Western Yeast có nhiều chế phẩm có nguồn gốc từ nấm men (2X2-2-5, ROYAAL – LAC, 2X-2-2-5 PLUS, CEL – CON, CEL – CON 5, CEL –
CON 5 PAL, LACTO CEL – CON, DI-DAN). Sau đây chúng tôi sẽ cung cấp các
thông tin rõ hơn về chế phẩm thí nghiệm CEL – CON 5 qua phần 2.6.2.
2.6.2. Đặc điểm của chế phẩm CEL – CON 5
Chế phẩm bao gồm các tế bào nấm men Saccharomyces cerevisiae được
nuôi cấy trên các môi trường dinh dưỡng như cao ngô, khô dầu bắp, nước chiết
nấm men, nước mật đường mía, nước chiết lúa mạch. Những tế bào nấm men sống
được phát triển một cách hoàn chỉnh, enzyme của chúng được dự trữ trong môi
trường phát triển vì vậy cung cấp enzyme hoạt động mạnh cho tiêu hóa protein,
đường và xơ.
Chế phẩm cho hiệu quả cao và từng lượng nhỏ sản phẩm đều được đi qua
một quá trình lên men ẩm và hydrat hóa dưới nhiệt độ thấp để bảo quản tất cả các
9


enzyme. Sau đây là một vài enzyme tiêu hóa và chức năng của chúng với những
chất dinh dưỡng khác nhau được sử dụng trong thức ăn:
Bảng 2.1: Các enzyme trong chế phẩm và chức năng
Enzyme

Chức năng

Endotryptase

Tiêu hóa protein

Zymase


Tiêu hóa tinh bột

Invertase

Tiêu hóa đường

Carboxylase

Oxy hóa

Catalase

Giải phóng oxygen

Rennet

Làm đông vón sữa

Lactic ferments

Hoạt động trên canxi và phospho

Lipase

Tiêu hóa mỡ

Maltase

Tiêu hóa chất xơ


Diatase

Tiêu hóa chất xơ

Oxydase

Oxy hóa

Emulsin

Phân cắt glucoids

Trehalase

Biến đổi đường sữa

Các enzyme này hoạt động phối hợp với hệ enzyme trong đường tiêu hóa
vật nuôi để thủy phân tinh bột, protein, lipid và chất xơ trong thức ăn, nhờ đó giúp
vật nuôi tăng cường khả năng tiêu hóa và hấp thu triệt để dưỡng chất trong thức ăn
hơn, giảm tiêu tốn thức ăn, giảm sử dụng kháng sinh, tăng trọng nhanh, rút ngắn
thời gian nuôi.
- Tác dụng của CEL – CON 5 trên heo
+ Tăng trọng tốt, giảm tỉ lệ tiêu chảy
+ Tăng tính ngon miệng
+ Tận dụng thức ăn tối đa
+ Giảm mức thải phân
+ Hỗ trợ cho việc kiểm soát mùi chuồng trại
- Thành phần dưỡng chất – liều sử dụng CEL – CON 5


10


Thành phần dinh dưỡng trong 1 gram chế phẩm gồm:
+ Protein thô (tối đa) 18%
+ Lipid thô (tối đa) 3%
+ Xơ thô (tối thiểu) 5%
+ Tế bào men sống 5.109
Liều dùng:
+ Heo sau cai sữa đến 20 kg: 1,3 kg/tấn
+ Heo thịt: 1,0 kg/tấn
+ Nái nuôi con, nái mang thai: 1,5 kg/tấn
2.6.3. Tình hình nghiên cứu, sử dụng chế phẩm trên thị trường
Hà Mỹ Xuyên (2008), bổ sung chế phẩm CEL – CON 5 trong khẩu phần
đến sự sinh trưởng của heo thịt giai đoạn từ 60 ngày tuổi đến xuất chuồng cho kết
quả: trọng lượng bình quân cải thiện 1,71 %, tăng trọng tuyệt đối cải thiện được
5,9 %, hệ số chuyển biến thức ăn cải thiện được 3,8 %, hiệu quả kinh tế cải thiện
được 3,8 %.
Phạm Thanh An (2007), khi bổ sung chế phẩm Biolas vào khẩu phần heo
thịt 65 ngày tuổi đến xuất chuồng cho kết quả: tăng trọng tuyệt đối lô thí nghiệm
và lô đối chứng lần lượt là 622,07 g/con/ngày, 590,12 g/con/ngày, hệ số chuyển
biến thức ăn của lô thí nghiệm và lô đối chứng lần lượt là 2,39 kgTĂ/kgTT, 2,58
kgTĂ/kgTT.
Lâm Thanh Hưng (2006), bổ sung chế phẩm sinh học BET – ANIMAL trên
heo thịt giai đoạn 60 ngày tuổi đến xuất chuồng cho kết quả: trọng lượng bình
quân lúc xuất chuồng của lô đối chứng và lô thí nghiệm lần lượt là 87,27 kg/con
(lô ĐC), 88,48 kg/con (lô TN bổ sung chế phẩm với lượng 40 ml/10 kg thức ăn),
90,4 kg/con (lô TN bổ sung chế phẩm với liều 60 ml/kg thức ăn), hệ số chuyển
biến thức ăn của lô đối chứng và lô thí nghiệm lần lượt là 2,9 kgTĂ/kgTT, 2,7
kgTĂ/kgTT, 2,69 kgTĂ/kgTT.

Võ Thị Thúy Diễm (2001), bổ sung chế phẩm nấm men Diamond V trên
heo nái chửa kỳ II đến lúc cai sữa và trên heo con theo mẹ mang lại kết quả: số con
sơ sinh sống ở lô thí nghiệm cao hơn lô đối chứng 2,75 con/ổ, trọng lượng toàn ổ

11


cai sữa cao hơn lô đối chứng 3,825 kg/ổ, trọng lượng toàn ổ cai sữa cao hơn 5,2
kg/ổ.
Nguyễn Nhật Trường (2008), khảo sát ảnh hưởng việc bổ sung chế phẩm
CEL – CON 5 trong thức ăn heo nái nuôi con lên sự sinh trưởng của heo con sơ
sinh đến cai sữa cho kết quả: trọng lượng bình quân sơ sinh ở lô thí nghiệm (bổ
sung CEL – CON 5 với luợng 1,3 kg/tấn thức ăn) cao hơn lô đối chứng (1,66
kg/con so với 1,59 kg/con), cải thiện được tỉ lệ nuôi sống đến cai sữa so với lô đối
chứng (94,67 % so với 90,92 %), trọng luợng bình quân cai sữa ở lô thí nghiệm
cao hơn lô đối chứng (5,82 kg/con so với 6,77 kg/con), hiệu quả kinh tế cải thiện
đuợc 0,17%.
2.7. Tổng quan về trại heo
2.7.1. Sơ lược về trại
- Lịch sử hình thành
Trại heo thực nghiệm của khoa Chăn Nuôi - Thú Y bắt đầu xây dựng ngày
18/04/2005 và hoàn thành vào ngày 18/07/2005, ngày tiếp nhận trại từ trường là
ngày 22/04/2006. Đây là một trại thực nghiệm có quy mô vừa.
- Vị trí
Trại thực nghiệm của khoa Chăn Nuôi - Thú Y nằm trong khuôn viên
trường Đại Học Nông Lâm TP.HCM, cách quốc lộ 1A khoảng 1 km về hướng
Tây Bắc.
Trại heo có tổng diện tích toàn trại là 15052m2. Trong đó diện tích chuồng
nuôi heo thịt là 385 m2, trại heo giống 412 m2 .
- Mục đích của trại

Cơ sở chuồng trại sẽ phục vụ cho việc thực tập các môn chuyên ngành, rèn
nghề, thực tập tốt nghiệp, triển khai các đề tài nghiên cứu cho giáo viên và sinh
viên khoa Chăn Nuôi - Thú Y.
Tạo điều kiện thực hành, tiếp cận các kỹ thuật và phương tiện mới, nâng
cao kỹ thuật chuyên môn cho sinh viên. Và tạo địa bàn cho sinh viên thực hiện các
thí nghiệm, nghiên cứu khoa học.

12


Tạo điều kiện về cơ sở vật chất giúp nâng cao chất lượng thực tập và rèn
nghề, tạo điều kiện cho sinh viên tiếp cận với các kỹ thuật và phương tiện mới và
tạo địa bàn cho sinh viên thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học.
- Cơ cấu tổ chức của trại
Trại có hai cán bộ quản lý trại dưới sự chỉ đạo của Ban Chủ Nhiệm khoa
Chăn Nuôi - Thú y và hai công nhân.
- Cơ cấu đàn
Tính đến ngày 13/07/2009 tổng đàn heo của trại heo thực nghiệm khoa
Chăn Nuôi - Thú Y là 200 con bao gồm:
Nái sinh sản

: 23 con.

Đực làm việc

: 2 con.

Heo thịt

: 132 con.


Heo con cai sữa

: 43 con.

2.7.2. Bố trí chuồng nuôi
- Dãy nhà nuôi heo thịt, heo đực giống và heo nái khô
Khu heo thịt: gồm 2 dãy, mỗi dãy có ba ô chuồng, kích thước một ô là 5 x 6
m2. Mỗi ô chuồng có gắn 1 máng ăn bán tự động loại hộc tròn dung tích 70 - 80 lít
và 2 núm uống tự động.
Khu heo đực giống: có 2 dãy được bố trí ở chính giữa gồm 10 ô chuồng,
dãy bên trái có 6 ô chuồng, dãy bên phải có 4 ô chuồng, kích thước một ô là 2,2 x
2,4 m2, mỗi ô chuồng có gắn một máng ăn bằng nhựa và một núm uống tự động.
Khu nái khô: gồm 20 ô chuồng cá thể, kích thước mỗi ô là 2,2 x 0,65 m2
được bố trí ở cuối dãy, mỗi ô chuồng có gắn một máng ăn bằng thép và một núm
uống tự động.
- Dãy nhà nuôi heo nái mang thai, nái nuôi con và heo con cai sữa
Khu nái mang thai: được bố trí ở đầu dãy nhà, chia làm 4 dãy, mỗi dãy có
12 ô chuồng cá thể. Diện tích một ô là 2,2 x 0,5 m2. Mỗi chuồng có gắn một máng
ăn bằng thép và một núm uống tự động.
Khu nái nuôi con: gồm 12 ô chuồng, được bố trí ở giữa dãy nhà, kích thước
mỗi ô là 2,4 x 1,8 m2. Một ô chuồng có 3 ngăn, ngăn giữa cho heo nái còn hai bên
dành cho heo con. Sàn được làm bằng nhựa, ở ngăn dành cho heo mẹ thì sàn được
13


lót bằng một miếng xi măng và có một máng ăn bằng thép, một núm uống tự động.
Ở các ngăn dành cho heo con được bố trí núm uống tự động, máng ăn nhỏ bằng sắt
để heo con tập ăn và hệ thống đèn úm để sưởi ấm cho heo con.
Khu heo con cai sữa: gồm 8 ô chuồng được bố trí ở cuối dãy, diện tích một

ô là 2x1,2m2. Cứ hai ô chuồng thì có gắn một máng ăn và hai núm uống tự động.
2.7.3. Giống heo, thức ăn và nước uống
- Giống
Các heo nái ở trại là heo lai hai máu Yorkshire và Landrace được mua từ
trại Kim Long, tỉnh Bình Dương.
Heo đực giống của trại là giống Yorkshire và Duroc thuần.
Các heo thịt đang nuôi trong trại là heo lai giữa các giống Yorkshire,
Landrace, Pietrain và Duroc.
- Thức ăn
Thức ăn cho heo nái và heo thịt là thức ăn hỗn hợp dạng bột hoặc dạng
viên được mua từ công ty sản suất thức ăn Hoàng Long và Cargill.
- Nước uống
Nước uống được bơm lên từ giếng và dự trữ ở bể lớn. Từ bể này nước được
phân bố đến các chuồng bằng hệ thống ống dẫn, heo được uống tự do bằng núm
uống tự động.
2.7.4. Quy trình vệ sinh thú y và phòng bệnh cho heo
2.7.4.1. Vệ sinh thú y
- Quy định về việc sát trùng định kỳ
+ Khi vào trại, công nhân, sinh viên thực tập và khách tham quan phải mang
ủng và đi qua hố sát trùng nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh trong trại.
+ Thay mới các hố sát trùng ở mỗi đầu trại, khu vực văn phòng mỗi tuần
một lần.
+ Tất cả các xe khi vào cổng phải đựơc phun dung dịch thuốc sát trùng.
+ Các dãy chuồng heo: phun thuốc sát trùng vào đàn heo và xung quanh các
dãy chuồng (trong khoảng cách 2 m) định kỳ 1 lần trong tuần.
+ Đường đi chính trong khu vực chăn nuôi, đường lùa heo: phun thuốc sát
trùng định kỳ 2 lần trong tuần vào buổi sáng.
14



+ Các dụng cụ chăn nuôi như xe đẩy thức ăn, chổi, ủng…phải được cọ rửa
sạch sẽ sau đó phun dung dịch thuốc sát trùng định kỳ 1 lần trong tuần.
- Quy định về sát trùng chuồng sau mỗi lứa heo
Sau mỗi lần bán hoặc chuyển heo thì phải vệ sinh sát trùng chuồng. Thời
gian sát trùng và phơi chuồng ít nhất là 3 ngày và đựơc thực hiện qua các bước
sau:
+ Tẩy rửa sạch sẽ các chất hữu cơ như phân, thức ăn…bám trên thành
chuồng, nền chuồng rồi để khô chuồng mới tiến hành phun thuốc.
+ Phun thuốc sát trùng lần 1: sử dụng NaOH 2 % hoặc dung dịch thuốc sát
trùng, phơi chuồng 1 ngày.
+ Rửa lại bằng nước sạch, để khô.
+ Phun thuốc sát trùng lần 2: nước vôi 20 %, phơi chuồng 2 ngày.
+ Rửa lại bằng nước sạch trước khi cho heo vào nuôi.
- Sát trùng dụng cụ chăn nuôi
Tất cả bao bố sưởi ấm cho heo con (kể cả bao mới nhận) đều được giặt
sạch, sau đó phun thuốc sát trùng và phơi khô trước khi sử dụng.
Tất cả dao, kéo, kiềm bấm răng, ống chích và kim tiêm được sát trùng bằng
nước sôi.

15


×