Tải bản đầy đủ (.doc) (19 trang)

skkn thiết kế chuyên đề ngữ văn địa phương xứ thanh không gian nghệ thuật trong thơ nguyễn duy nhằm góp phần nâng cao chất lượng sinh hoạt tổ chuyên môn ở trường THPT

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (142.13 KB, 19 trang )

1. MỞ ĐẦU
1.1 Lí do chọn đề tài
Trong nhiều năm qua, công tác sinh hoạt tổ chuyên môn trong các trường phổ
thông đã được tổ chức thực hiện, duy trì thường xuyên và đạt được các mục tiêu
đặt ra. Sinh hoạt chuyên môn theo chuyên đề giúp cho giáo viên nâng cao được
trình độ tác nghiệp của bản thân, hình thành mối quan hệ đồng nghiệp tốt đẹp,
xây dựng môi trường học tập và tự học suốt đời. Từ đó góp phần không nhỏ vào
việc nâng cao chất lượng giáo dục.
Công tác tự học, tự bồi dưỡng có tầm quan trọng trong quá trình nâng cao
trình độ chuyên môn của mỗi cá nhân nói riêng và đội ngũ nói chung.Trong thực
tế nội dung sinh hoạt chuyên đề được lựa chọn đa dạng và phong phú từ các vấn
đề trong thực tế giảng dạy, trong quá trình bồi dưỡng thường xuyên. Giáo viên sẽ
chủ động phát hiện vấn đề, tự học, tự nghiên cứu để làm mới chính mình. Hợp
tác cùng đồng nghiệp góp phần làm phong phú nội dung sinh hoạt tổ chuyên
môn.
Kho tàng văn học xứ Thanh của chúng ta rất giàu có đã góp vào dòng chảy
của văn học dân tộc những tác phẩm sáng giá và nhiều tác giả tài năng. Trên thực
tế, sự hiểu biết của giáo viên về ngữ văn địa phương còn tản mạn. Đối với học
sinh thông qua hoạt động ngoài giờ lên lớp về ngữ văn địa phương cho thấy các
em chưa có sự quan tâm thỏa đáng về nội dung này, sự hiểu biết về văn học địa
phương thực sự còn rất khiêm tốn so với yêu cầu. Bên cạnh đó nội dung bối
dưỡng ngữ văn địa phương trong chương trình bồi dưỡng thường xuyên với
dung lượng 30 tiết đã trang bị kiến thức cho giáo viên ở mức độ thấy diện mà
chưa đi sâu vào thấy điểm như: vấn đề thi pháp sáng tác của các tác giả hoặc
nhiều góc độ khác trong tiếp nhận văn bản.
Không gian là một trong những đối tượng phản ánh của tác phẩm văn
học, là một phạm trù thẩm mĩ. Không có hình tượng nghệ thuật nào lại không
tồn tại trong không gian của chủ thể sáng tác. Không gian gắn với những quan
niệm nghệ thuật về con người, về thế giới chủ thể. Không gian còn là một yếu tố
quan trọng làm nền cho tác phẩm góp phần bộc lộ chủ đề.
Không gian nghệ thuật cũng được coi là một hịên tượng nghệ thuật.


Không gian nghệ thuật là sản phẩm của người nghệ sĩ sáng tạo nhằm biểu hiện
về con người, về thế giới, đồng thời thể hiện quan niệm nhân sinh. Không gian
nghệ thuật có mô hình ngôn ngữ riêng, vì nó thể hiện quan niệm về trật tự thế
giới, về sự lựa chọn trong quá trình sáng tạo của người nghệ sĩ.
Trong những năm tháng kháng chiến chống Mĩ xuất hiện lớp nhà thơ mặc
áo lính. Họ trưởng thành từ cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, trong số đó
có nhà thơ Nguyễn Duy. Nguyễn Duy là một nhà thơ tiêu biểu, một gương mặt
xuất sắc trong nền thơ ca hiện đại Việt Nam. Xuất hiện trên thi đàn từ những năm
bảy mươi của thế kỉ hai mươi, trong chặng đường trên ba mươi năm sáng tác.
Nguyễn Duy có nhiều đóng góp đáng kể cho nền thơ ca dân tộc: 12 tập thơ, 3 tập
bút ký, 1 tiểu thuyết. Ông đã từng được nhận giải nhất tuần báo văn nghệ 1973,
được tặng giải A về thơ của Hội Nhà Văn Việt Nam năm 1985, nhận giải
thưởng nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2007. Sự nghiệp thơ ca của ông kết
tinh những giá trị nhân văn cao đẹp.
1


Thơ Nguyễn Duy gắn bó máu thịt với nhân dân, đất nước. Trong chiến
tranh ông viết những vần thơ mang theo nhiệt huyết của một trái tim người lính.
Sau năm 1975, đất nước thống nhất, đặc biệt là sau những năm tám mươi - thời
kì đổi mới của đất nước, thơ ca lắng lại, có nhiều ngã rẽ, một số nghệ sĩ tìm đến
với những phong cách thơ hiện đại, siêu thực, tượng trưng… Nhưng Nguyễn
Duy vẫn giữ phong cách ổn định, anh vẫn viết về chiến tranh, quê hương, đất
nước, con người với nhiều tìm tòi sáng tạo. Nguyễn Duy đã trụ vững trong lòng
bạn đọc với một cá tính độc đáo.
Nguyễn Duy là một nhà thơ lớn của nền văn học dân tộc và quê hương xứ
Thanh. Hành trình sáng tạo của Nguyễn Duy đi từ truyền thống đến hiện đại và
mang đậm dấu ấn không gian. Vì những lí do nêu trên đã đưa người nghiên cứu
đề với đề tài: Thiết kế chuyên đề ngữ văn địa phương xứ Thanh: “ Không
gian nghệ thuật trong thơ Nguyễn Duy” góp phần nâng cao chất lượng sinh

hoạt tổ chuyên môn trong nhà trường THPT.
1.2. Mục đích nghiên cứu
Bằng việc thực hiện sáng kiến kinh nghiệm này, tôi nhằm đến mục đích sau:
- Làm rõ đặc điểm không gian mặt trận trong thơ Nguyễn Duy để từ đó đưa ra
một cách tiếp cận một vấn đề trong sáng tác văn học từ góc độ thi pháp học.
- Khảo sát và chỉ ra những điểm nỏi bật trong cách thức tổ chức từ ngữ biểu
hiện không gian của thơ Nguyễn Duy, thấy rõ phong cách nghệ thuật riêng của
Nguyễn Duy từ bình diện ngôn ngữ đã tạo nên sức hấp dẫn của thơ ông.
1.3. Đối tượng nghiên cứu
Sáng kiến kinh nghiệm hướng tới làm rõ đặc điểm không gian mặt trận trong
các sáng tác thơ của Nguyễn Duy. Từ đó ứng dụng trong quá trình giảng dạy bộ
môn Ngữ Văn ở trường THPT Hàm Rồng.
1.4. Phương pháp nghiên cứu
- Phương pháp thống kê – xử lý số liệu
Dùng để thống kê phân loại các từ ngữ thuộc trường nghĩa không gian trong
thơ Nguyễn Duy.
- Phương pháp miêu tả - phân tích diễn ngôn
Phương pháp miêu tả: dùng miêu tả để làm sáng tỏ đặc điểm các đơn vị từ
vựng biểu thị không gian về ngữ nghĩa và giá trị biểu trưng.
Với phương pháp phân tích diễn ngôn, SKKN phân tích nội dung các bài thơ
của Nguyễn Duy để thấy rõ sự biểu hiện của của không gian nghệ thuật, sự
chuyển hóa từ không gian thực sang không gian mang giá trị biểu trưng.
- Phương pháp điều tra, khảo sát thực tế, thu thập thông tin
Khảo sát thực tế trong công tác tự học, bồi dưỡng thường xuyên của giáo
viên trong tổ. Thực tế hoạt động ngoại khóa môn Ngữ văn, học tập làm văn của
học sinh… trong qúa trình thử nghiệm kết quả nghiên cứu.
1.5. Những điểm mới của sáng kiến kinh nghiệm
Sáng kiến kinh nghiệm này nối tiếp SKKN tôi đã nghiên cứu năm 2014 –
2015 đã đạt giải C cấp ngành. Ở SKKN trước tập trung nghiên cứu về không
gian làng quê. Điểm mới của SKKN lần này đi vào làm rõ đặc điểm không gian

mặt trận trong phần thơ viết về Đường nước của tác giả Nguyễn Duy.
2


2. NỘI DUNG
2.1.Cơ sở lí luận
Sinh hoạt chuyên môn là hoạt động thường xuyên của nhà trường và là một
trong những hình thức bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên, giúp
giáo viên chủ động lựa chọn nội dung, phương pháp dạy học cho phù hợp với
từng đối tượng học sinh của lớp, trường mình. Theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và
Đào tạo, sinh hoạt chuyên môn được tổ chức định kỳ 2 tuần/lần, nhằm: cập nhật
các thông báo, văn bản chỉ đạo bổ sung; Tổ chức học tập, kiến tập, dự giờ nâng
cao chất lượng dạy học theo các chuyên đề dựa trên nhu cầu của giáo viện ở
từng địa phương đã xác định trong kế hoạch năm học nhằm nâng cao chất lượng
dạy và học.
Trong sinh hoạt chuyên môn việc tổ chức các chuyên đề các cấp (trường,
phòng, tỉnh) có ý nghĩa quan trọng để nâng cao chất lượng đội ngũ và chất lượng
giờ dạy trên lớp.Trong nhiều năm qua các đơn vị trường học với sự chỉ đạo của
Hội đồng bộ môn các cấp, tổ trưởng chuyên môn các đơn vị trường học đã tổ
chức nhiều chuyên đề trong thời gian biên chế năm học. Về cơ bản các chuyên
đề đã thực sự giải quyết được nhiều khâu vướng mắc trong sách giáo khoa, trong
đổi mới phương pháp giảng dạy, ứng dụng CNTT làm thay đổi chất lượng giờ
dạy và từng bước góp phần nâng cao chất lượng giáo viên.
Mục tiêu của việc đẩy mạnh công tác sinh hoạt chuyên đề chuyên môn là
hướng việc hình thành một đội ngũ GV có năng lực tự học, tự bồi dưỡng, sáng
tạo, biết chia sẻ và hợp tác trong quá trình tác nghiệp. Sinh hoạt tổ chuyên môn
theo chuyên đề sẽ góp phần xây dựng tổ chuyên môn thành tổ chức học tập, tạo
động lực làm việc cho giáo viên, tăng khả năng làm việc nhóm trong tổ chuyên
môn, khuyến khích quá trình tự học, tự bồi dưỡng, tăng cường các hoạt động bồi
dưỡng định kì và giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho giáo viên.

2.2. Thực trạng vấn đề :
Kho tàng văn học xứ Thanh rất phong phú và đa dạng, xứ Thanh là miền
đất của thi ca, vùng đất có tố chất thi ca với sự đóng góp của các thế hệ nhà thơ
qua các thời kì khác nhau góp phần làm cho kho tàng thơ ca dân tộc thêm phong
phú giàu bản sắc. Văn xuôi trong dòng chảy đương đại ở tất cả các giai đoạn
phát triển đều có một lực lượng sáng tác hùng hậu và đạt được nhiều thành tựu
đã khẳng định được vị trí của mình trong nền văn xuôi cả nước.
Người giáo viên luôn phải nâng cao tầm nhận thức, làm mới mình bằng chính
quá trình tích lũy tri thức bộ môn mình giảng dạy nói riêng và tri thức nhân loại
nói chung. Đến với kho tàng văn học địa phương là thể hiện tình yêu, niềm tự
hào về giá trị tinh thần của quên hương mình.
Nội dung BDTX cấp THPT đã dành một thời lượng 30 tiết giới thiệu về
Ngữ văn địa phương xứ Thanh, đây là điểm tựa cho người nghiên cứu, giáo viên
có điều kiện tìm hiểu sâu hơn về các phương diện của văn học xứ Thanh.
3


Đối với giáo viên, tư liệu về Ngữ văn địa phương còn khiêm tốn chưa
hình thành được chuyên đề chuyên sâu để có điều kiện vận dụng tốt trong quá
trình giảng dạy. Trong công tác bồi dưỡng thường xuyên khi đề xuất những nội
dung khó có 70% giáo viên trong tổ đều có ý kiến cung cấp thêm tư liệu về phần
lí luận văn học, về thi pháp sáng tác.
Đối với học sinh, khi đọc - hiểu một văn bản ngoài chương trình các em
còn lúng túng, vận dụng không linh hoạt. Mặt khác hoạt động ngoài giờ lên lớp,
nhà trường tổ chức cho học sinh tìm hiểu về ngữ văn địa phương cho thấy các
em chưa có sự quan tâm và hiểu biết nhiều về nội dung này. Từ thực trạng nêu
trên, người nghiên cứu mạnh dạn đề xuất các giải pháp tổ chức thực hiện sau
đây.
2.3. Giải pháp và tổ chức thực hiện
2.3.1. Lập kế hoạch thiết kế chuyên đề

Bước 1: Người nghiên cứu hình thành ý tưởng từ chính những khó khăn trong
quá trình tự học, tự bồi dưỡng, quá trình hoạt động ngoại khóa cho học sinh về
ngữ văn địa phương xứ Thanh.
Bước 2: Người nghiên cứu chọn tên đề tài. Từ những khó khăn của giáo viên
và học sinh về ngữ văn địa phương xứ Thanh gợi mở cho người nghiên cứu lựa
chọn đề tài mang tên: “Không gian nghệ thuật trong thơ Nguyễn Duy”. Giới hạn
trong phạm vi nghiên cứu: tìm hiểu đặc điểm không gian mặt trận trong thơ
Nguyễn Duy.
Bước 3: Tiến hành nghiên cứu. Người nghiên cứu thông qua tổ chuyên môn
để tung ra vấn đề: Tìm hiểu đặc điểm không gian nghệ thuật trong thơ là hướng
tới nghiên cứu tác phẩm ở góc độ thi pháp sáng tác của một tác giả vừa giúp
chúng ta làm giàu kiến thức và hiểu được phương pháp sáng tác của một tác giả
đề vận dụng trong quá trình giảng dạy và tự bồi dưỡng. Qua việc nghiên cứu tiếp
cận tài liệu của bản thân và đồng nghiệp sẽ giúp hướng tới mục tiêu của chuyên
đề.
Bước 4: Xây dựng đề cương từ việc hình thành câu hỏi nghiên cứu của
chuyên đề đề thu thập thông tin, phân tích dữ liệu và dự kiến kết quả nghiên cứu.
- Không gian nghệ thuật trong thơ Nguyễn Duy có đặc điểm gì?
- Giáo viên tham gia chuyên đề có thêm một hướng tiếp cận các văn bản thơ của
Nguyễn Duy, hiểu sâu sắc tác phẩm của thi nhân ?
- Giáo viên tham gia chuyên đề vận dụng vào giải quyết những khó khăn trong
quá trình giảng dạy, hoạt động ngoại khóa và bồi dưỡng thường xuyên như thế
nào?
Từ những vấn đề đặt ra ở trên, người nghiên cứu và tổ hình thành đề cương
chi tiết và thu thập tài liệu . Tư liệu nghiên cứu là các văn bản thơ của Nguyễn
Duy (NXB Hội nhà văn, năm 2010). Đồng thời tìm hiểu các khái niệm liên quan
đến đề tài như: không gian, không gian nghệ thuật làm cơ sở lí luận.
2.3.2. Thiết kế hoàn chỉnh chuyên đề: “Không gian nghệ thuật trong thơ
Nguyễn Duy”
4



a. Hành trình sáng tạo của Nguyễn Duy
Nguyễn Duy tên thật là Nguyễn Duy Nhuệ, sinh tại xã Đông Vệ, thị xã Thanh
Hoá (nay là thành phố Thanh Hóa), tỉnh Thanh Hóa. Năm 1965 từng làm tiểu đội
trưởng tiểu đội dân quân trực chiến tại khu vực cầu Hàm Rồng. Năm 1966 ông nhập
ngũ, trở thành lính đường dây của bộ đội thông tin, tham gia chiến đấu nhiều nơi trên
các chiến trường đường 9 Nam Lào, Nam Lào, chiến trường miền Nam, biên giới
phía Bắc (1979). Sau đó ông giải ngũ, làm việc tại tuần báo văn nghệ Hội Nhà văn
Việt Nam và là trưởng đại diện tại phía Nam.
Năm 1973, ông đạt giải nhất cuộc thi thơ tuần báo Văn nghệ với chùm thơ:
Hơi ấm ổ rơm, Bầu trời vuông, Tre Việt Nam, trong tập Cát trắng. Ngoài thơ ông
còn viết tiểu thuyết, bút ký. Năm 1977 ông tuyên bố gác bút để chiêm nghiệm
bản thân rồi tập trung vào làm lịch thơ, in thơ trên các chất liệu tranh, tre, nứa, lá.
Nguyễn Duy được tặng giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2007.
Tác phẩm chính.
Thể loại thơ: Cát trắng (1973); Ánh trăng (1984); Đãi cát tìm vàng (1987); Mẹ
và em (1987); Bụi (1997).
Thể loại khác: Em Sóng (kịch thơ -1983 ); Khoảng cách (tiểu thuyết- 1986);
Nhìn ra bể rộng trời cao (bút ký- 1986).
Những đứa con tinh thần thi ca đã được đưa vào tuyển tập thơ Nguyễn
Duy( NXB Hội nhà văn, năm 2010). Tập thơ tuyển này của Nguyễn Duy được
cấu tứ gồm bốn phần:
Phần 1.
Đường làng (từ trang 9 đến 56)
Phần 2.
Đường nước (từ trang 59 đến 236)
Phần 3.
Đường xa (từ trang 239 đến 308)
Phần 4.

Đường về (từ trang 311 đến 393)
Hành trình sáng tạo thơ của Nguyễn Duy là cuộc hành trình từ truyền thống
đến hiện đại của một nhà thơ đương đại Nguyễn Duy: từ con Đường làng bé nhỏ,
anh đã tới con Đường lớn của đất nước để làm việc nước khi vận nước kêu gọi; và
trên con đường Thiên lý của Lịch sử, của thời đại ông phải làm những cuộc chinh
phục Đường xa để minh định chân lý, kiếm tìm những giá trị mới mang tầm nhân
loại; đoạn cuối của cuộc hành trình vạn dặm đó là anh tìm Đường về cội nguồn,
hoàn thiện nhận thức về cuộc đời [ tr. 3].
Sinh ra từ một làng quê nghèo, Nguyễn Duy làm thơ rất sớm, khi đang còn là
học sinh trường phổ thông trung học Lam Sơn, Thanh Hoá. Những bài thơ viết
về quê hương, với tuổi thơ trong sáng, với người bà, người mẹ, người cha và
cuộc sống lam lũ của người dân quê đã làm rung động tâm hồn bao thế hệ độc
giả.
Đất nước có chiến tranh, với Nguyễn Duy chiến tranh là đời sống, chiến đấu là
lẽ sống của mỗi con người. Nguyễn Duy đã có mặt trên những tuyến lửa, những
vần thơ về đề tài chiến tranh được ra đời bên chiến hào khói lửa. Nguyễn Duy
không tái hiện không khí hừng hực của cuộc chiến mà đi vào bộc lộ những vấn
đề sâu lắng trong tâm tư của người lính về chiến tranh.
Chiến tranh khép lại lời thơ vẫn sâu nặng tình đồng đội, quê hương, lời thơ
được chắt từ trái tim của người trẻ tuổi nguyện hiến dâng đời mình cho thơ, cho
quê hương, đất nước.
5


Trên con đường thiên lí vạn dặm - Đường xa: Dù ở đâu Tổ quốc vẫn trong
lòng…Thơ Nguyễn Duy đề cập đến những vấn đề mang tầm vóc nhân loại.
Nguyễn Duy thể hiện một cái nhìn khá toàn diện về cuộc chiến tranh, đồng thời
tác giả đi sâu khám phá về cuộc sống con người, cả một thế giới đời thường xô
bồ, ồn ào trong thời kỳ đổi mới. Thơ Nguyễn Duy trong giai đoạn này thể hiện
cái nhìn dữ dội hơn: Nếu trước đó là dự cảm thì bây giờ hiện thực phơi bày trước

mắt và trước hiện thực ấy tiếng thơ Nguyễn Duy mang tính triết lí sâu sắc. Thơ
Nguyễn Duy như đánh thức cõi tâm tình đang dần ngủ quên giữa bao bộn bề đời
thường.
Đường về thể hiện rõ quan niệm mĩ học về với cội nguồn, những vần thơ
trĩu nặng hồn quê, đã đánh thức được những gì sâu thẳm nhất trong tâm linh bạn
đọc. Nguyễn Duy đã tâm sự:
Đường về trên đồ thị thời gian của thơ tôi như một vòng luân hồi. Tôi đã thử
theo nhiều nẻo đường thơ mong đi tìm cho mình một giọng điệu lạ, lòng vòng mãi,
lại lần mò về chính cái điểm khởi đầu cuộc hành trình của mình, đó là thơ sáu
tám. Kế đó là đường về trên đồ thị không gian thơ tôi, lang bạt hết miền đất này
sang vùng trời nọ, rồi lại trở về với vũ trụ chính mình nơi có tất cả những gì gần
gũi, thân thuộc, máu thịt nhất của mình. Thêm nữa là sự trở về trong tâm linh, làm
thức dậy ký ức cùng những giá trị tinh thần đang rũ rượi ngủ mê hoặc đang chết
dần trong lòng mình [ tr.9].
Hành trình thơ Nguyễn Duy với hơn 40 năm vất vả, là vòng tuần hoàn
khép kín từ Đường làng; Đường nước; Đường xa; Đường về đều mang đến
cho người đọc những cảm xúc sâu lắng, bởi một điều giản dị là tác giả viết bằng
một tấm lòng chân thật, trải lòng mình với người, với đời.
Tuyển tập thơ Nguyễn Duy là kết tinh quá trình sáng tạo miệt mài của nhà
thơ thể hiện qua bốn phần Đường làng; Đường nước; Đường xa; Đường về.
Hành trình sáng tạo ấy đã mở ra cho các nhà nghiên cứu tìm hiểu về những giá
trị đặc sắc trong thế giới nghệ thuật thơ Nguyễn Duy.
b. Lí thuyết về không gian, không gian nghệ thuật.
* Khái niệm không gian
Ngay từ thời xa xưa, con người đã hiểu rằng bất kỳ khách thể vật chất nào
cũng chiếm một vị trí nhất định, ở vào một khung cảnh nhất định trong tương
quan về mặt kích thước so với khách thể khác. Các hình thức tồn tại như vậy gọi
là không gian. A.Ja Gurevich, Trong cuốn Các phạm trù văn hóa trung cổ đã
chỉ ra cách lý giải của người trung cổ về không gian: “Không gian được quan
niệm như một hình thức có khoảng trải đồng đều hình học, có ba chiều, có thể

phân cách thành những khoảng chiếu ứng được với nhau. Thời gian và không
gian có tính chất khách quan, những phẩm chất của chúng độc lập với chất liệu
được chứa chất trong chúng” [tr 30].
Trong lịch sử triết học, không gian (cùng với thời gian) là một phạm trù xuất
hiện sớm. Người ta từng tranh cãi xem không gian và thời gian có hiện thực
không hay đó là những trừu tượng đơn thuần chỉ tồn tại trong ý thức con người. Đối
lập với quan điểm của chủ nghĩa duy tâm phủ nhận tính khách quancủa không
gian, V. Lênin, trong cuốn “Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm- phê
phán” đã khẳng định: “Không gian và thời gian là những hình thức cơ bản của
6


mọi sự tồn tại (…). Vũ trụ là vật chất đang vận động chỉ có thể vận động theo
không gian và thời gian” (Lênin, chuyển dẫn từ RôđentanM, I- u-din, Từ điển
triết học, Nxb Sự thật, 1972, 237).
Nguyễn Như Ý và các tác giả trong Đại từ điển tiếng Việt định nghĩa:
“Không gian là hình thức tồn tại cơ bản của vật chất, trong đó các vật thể có độ
dài, độ lớn khác nhau” [ tr. 125].
Như vậy, không gian chính là hình thức tồn tại cơ bản của vật chất. Do đó
trong cuộc sống, nó là môi trường tồn tại của con người. Mỗi sự vật, hiện tượng
đều được xác định trong một không gian nhất định. Không có một dạng vật chất
nào tồn tại bên ngoài không gian. Ngược lại, nếu có một không gian ở ngoài vật
chất thì đó cũng chỉ là một sự trừu tượng vô nghĩa mà thôi.
* Không gian nghệ thuật
Mọi sự vật, hiện tượng đều được gắn với hệ tọa độ không gian - thời gian
xác định, nên những cảm nhận của con người về thế giới đều bắt nguồn từ sự đổi
thay của không gian, thời gian. Và chính sự thay đổi của không - thời gian, con
người nhận ra sự thay đổi trong chính mình.
Không gian nghệ thuật được xem là một hiện tượng nghệ thuật. Cũng như
thời gian nghệ thuật, không gian nghệ thuật là hình thức tồn tại của thế giới nghệ

thuật. Không có một hình tượng nghệ thuật nào lại không tồn tại trong một
không gian và thời gian nhất định. Không gian nghệ thuật là sản phẩm sáng tạo
của người nghệ sĩ nhằm biểu hiện về con người về thế giới đồng thời biểu hiện
quan niệm nhân sinh. Không gian nghệ thuật có mô hình ngôn ngữ riêng của
mình và nó thể hiện quan niệm về trật tự thế giới về lựa chọn của con người.
Theo tác giả Nguyễn Xuân Kính trong cuốn Thi pháp ca dao: “Thời gian
và không gian là những mặt hiện thực khách quan được phản ánh trong tác
phẩm tạo thành thế giới nghệ thuật của tác phẩm. Thời gian nghệ thuật, không
gian nghệ thuật một mặt thuộc phương diện đề tài, mặt khác thể hiện nguyên tắc
cơ bản của việc tác phẩm của từng tác giả, từng kiểu loại, từng hệ thống nghệ
thuật” [tr. 287].
Từ điển thuật ngữ văn học đã định nghĩa như sau:
Không gian nghệ thuật là hình thức bên trong của hình tượng nghệ thuật thể
hiện tính chỉnh thể của nó”, “ Sự miêu tả trần thuật trong nghệ thuật bao giờ
cũng xuất phát từ một điểm nhìn, diễn ra trong một trường nhất định, qua đó thế
giới cụ thể, cảm tính bộc lộ toàn bộ quảng tính của nó: cái này bên cạnh cái kia,
liên tục, cách quảng, tiếp nối, cao, thấp, xa, gần, rộng, dài, thành viễn cảnh
nghệ thuật [ tr. 162].
Trong giáo trình Dẫn luận thi pháp học, nhà nghiên cứu Trần Đình Sử
cho rằng, không gian nghệ thuật là :
Sản phẩm sáng tạo của nghệ sĩ nhằm biểu hiện con người và thể hiện quan
điểm nhất định về cuộc sống, không thể qui nó về không gian địa lí, không gian
vật lí hay vật chất” [tr. 89]. “Không gian nghệ thuật là mô hình không gian của
thế giới nghệ thuật và cũng là hình thức tồn tại của thế giới nghệ thuật”. Trong
thực tế “không có hình tượng nghệ thuật nào không có không gian, và bản thân
người kể chuyện hay nhà thơ trữ tình cũng nhìn sự vật trong một khoảng cách,
góc nhìn nhất định. Nhờ có điểm nhìn chủ thể mà không gian có chiều cao 7


thấp, rộng - hẹp, xa - gần, sâu - cạn... Có thể nói, không gian nghệ thuật là sáng

tạo của người nghệ sĩ nhằm biểu hiện con người và thể hiện một phương diện
nhất định của cuộc sống [ tr. 107-108].
Có thể thấy, không gian nghệ thuật là một dạng tồn tại đặc biệt, có quan
hệ mật thiết với không gian vật lí và không gian địa lí. Nhưng giữa hai kiểu
không gian này lại có những điểm khác biệt. Nếu như không gian địa lí, không
gian vật lí tồn tại một cách khách quan ngoài ý thức của con người thì không
gian nghệ thuật lại mang dấu ấn chủ quan của chủ thể sáng tạo đó là không gian
tinh thần của con người, là không gian sống mà con người cảm thấy. Hay nói
cách khác không gian nghệ thuật là sản phẩm sáng tạo của người nghệ sĩ nó gợi
lên trong trí tưởng tượng của chúng ta qua các tín hiệu ngôn từ và mang tính vận
động rõ nét.
Như vậy không gian nghệ thuật không chỉ mang tính chủ quan mà còn
mang tính tượng trưng, quan niệm. Nghĩa là chủ thể sáng tạo luôn tạo ra không
gian nghệ thuật để thể hiện một quan niệm nhất định của mình về thế giới và
cuộc sống con người. Không những vậy không gian nghệ thuật còn mang một
cấu trúc đặc biệt, nó gắn liền với điểm nhìn của con người trong tác phẩm văn
học.
c. Không gian mặt trận
* Cuộc sống chiến đấu của nhân dân trên những mặt trận
Không gian mặt trận xuất hiện trong thơ Nguyễn Duy gắn liền với cuộc
đời ngưới lính của thi nhân. Từ không gian Đường làng tác giả hoà mình vào
không gian xã hội - Đường nước gắn liền với những biến cố lịch sử của dân
tộc. Các địa danh mặt trận gắn liền với bước chân hành quân, với những mặt
trận Trường Sơn, Nghệ An, Quảng Trị, Đường Chín Nam Lào...
Không gian mặt trận được Nguyễn Duy đặc tả qua các hình ảnh hầm, bầu
trời vuông , hố bom, ấp chiến lược, đèo gắn với các sự vật, hiện tượng như: cát
trắng, trăng, sao, nắng, mưa, gió lào, con vắt, tiếng chim, rau dớn, rau
môn...Những cảnh vật này hòa quyện cùng với cuộc sống chiến đấu của người
lính trong những năm tháng chiến tranh ác liệt.
Không gian mặt trận trong thơ Nguyễn Duy ghi dấu sự huỷ diệt của chiến

tranh. Tố cáo tội ác của kẻ thù là mạch nguồn chung của các nhà thơ chống Mĩ.
Nguyễn Duy khắc hoạ không gian mặt trận với rừng, núi, đèo cao… nơi ghi dấu
tội ác chiến tranh khiến người đọc phải day dứt, xót xa, đau đớn. Sự tàn phá của
nó âm thầm, ghê gớm không có gì bù đắp và lấy lại được. Chiến tranh đã huỷ
hoại biết bao đời người con gái, đời người con trai:
Vài ba năm… bốn năm năm
em tôi bảy tám mùa xuân rừng già
sốt nhiều mai mái nước da
cái thời con gái đi qua cánh rừng
8


(Người con gái)
Đạn bom đã huỷ diệt bao sinh mệnh, cái chết còn rình rập nhiều phía bên
bờ chiến hào để lại những dang dở đau thương, hụt hẫng đến nhức nhối:
Gió đi giật cục bàng hoàng
mây đỉnh núi chít khăn tang giữa trời
bao người yêu đã chết rồi
còn đau chưa nói được lời yêu nhau
(Người đang yêu)
Những địa danh Trường Sơn, Quảng Trị, Gio Linh in đậm dấu ấn khốc
liệt của không gian mặt trận:
Khói ngòm suốt dải Trường Sơn
thép tuôn xuống đất đất tuôn lên trời
đất vụn tơi đá vụn tơi
vực sâu dần cạn ngọn đồi thấp đi
(Nắng)
Bom đạn đỏ một mùa hè Quảng Trị
cát trắng xèo từng giọt máu rơi
(Ám ảnh cát)

Sự khốc liệt của chiến tranh biến thành giấc mộng trắng đầy ám ảnh,
trong giấc mộng ấy nỗi đau đè nặng trong tâm khảm của người còn sống:
Đi từ trắng rợn cờ lau
xuôi miền cát trắng vẫn màu trắng thôi
Tuổi hai mươi trắng răng cười
trắng con đường Chín... bạn tôi không về
(Giấc mộng trắng)
Trong không gian mặt trận, con người Việt Nam toả sáng những vẻ đẹp
cao quý. Đó là những người lính chiến đấu và hi sinh thầm lặng để lại trong lòng
nhân dân bao cảm phục và xúc động rưng rưng. Bàn chân các anh đi vượt lên
trên gian khổ, làm nên bao kì tích trong cuộc chiến đấu:
Các anh hành quân xuyên qua giấc ngủ
để lại trên đường dấu chân đẫm sương
Già trẻ hỏi nhau lòng rưng rưng
các anh đi nửa đêm hay gà gáy
chỉ thấy dấu chân như lời chào ở lại
(Bàn chân người lính)
Đó là người cha bàn chân không nghỉ trên mặt trận chịu bao gian khổ, hi
sinh vì nền độc lập dân tộc:
Ở đây có những người cha
nửa đời Việt Bắc, nửa đời Trường Sơn
9


đã từng măng củ thay cơm
bây giờ rau dớn rau môn lại từng
(Một người cha)
Đó là tấm lòng của người mẹ nghèo dành cho các chiến sĩ đầy xúc động.
Tình cảm của mẹ được dành dụm, chắt chiu để sẻ chia cùng các con trong những
thời khắc gian khổ của chiến tranh:

Cửa nhà bom dội trắng tay
chỉ còn mấy bắp ngô này con ơi
con về giữa buổi nắng nôi
quà đồng chỉ có thế thôi gọi là
(Bát ngô đồng)
Trong không gian mặt trận của Nguyễn Duy có bức tranh thiên nhiên với
trăng, sao, hoa cỏ, dòng sông, cánh đồng… hoà quyện với cuộc sống chiến đấu
gian lao tạo nên vẻ đẹp trữ tình lãng mạn:
Quê hương đây sau trận đánh lấp ngày
có thảm suối chiều mát xanh tôi tắm
khi đàn chim sà vào kính ngắm
đầu súng đụng trời tung muôn giọt sao
(Chiều khâu đội)
Trong hoàn cảnh khắc nghiệt vẻ đẹp của thiên nhiên được vẽ nên đầy thơ
mộng tình tứ:
Bom rơi toang hoác một vùng
mẹt xanh khoảng trống cửa rừng hiện ra
nở bung hoa cải hoa cà
trời sao như chiếc bánh đa rắc vừng
(Sao)
Vầng trăng tri kỉ tô điểm không gian mặt trận, đem đến những phút giây
lãng mạn, êm đềm.Vẻ đẹp của thiên nhiên làm rung động tâm hồn người lính:
Ban ngày chiếc lá màu xanh
bóng đêm nhuộm chiếc lá thành màu đen
ô kìa đột ngột trăng lên
trăng, trời, trăng láng bạc lên là rừng
tiếng gì lảnh lót ngân rung
suối vàng suối bạc mông lung rót về
càng khuya khoắt càng tràn trề
bốn bề những gió, bốn bề những trăng.

(Trăng)

10


Ở không gian mặt trận, nỗi niềm của nhà thơ hướng về quê hương biết bao
xúc động. Những gì là truyền thống cội nguồn của quê hương trở thành nguồn
động lực thôi thúc trái tim người lính chiến đấu vì quê hương, đất nước:
Con cò bay lả bay la
theo câu quan họ bay ra chiến trường
nghe ai hát giữa núi non
mà hương đồng cứ rập rờn trong mây
(Khúc dân ca)
Chiến tranh tàn khốc, nhân dân ta phải chịu bao đau thương, mất mát,
hiện thực này được phản ánh nhiều trong thơ ca chống Mĩ. Nguyễn Duy không
mô tả nhiều về hiện thực chiến tranh. Là người lính lớn lên trong chiến tranh
cầm súng đi nhiều chiến trường, nhà thơ viết về chiến tranh trong sự suy ngẫm
bình thản mà lắng sâu. Nhà thơ nhìn thấy trong những hố bom huỷ diệt bạo tàn
của giặc Mĩ kia, trong đất đỏ thấm máu nhân dân là dòng nước xanh hiền hoà, là
mạch sống của nhân dân không ngừng tuôn chảy:
Bom đào đất đỏ đỏ au
chói chang trưa nắng một màu lửa nung
phễu bom sâu hoá giếng hồng
đất tuôn lặng lẽ một dòng nước xanh
quê mình đó phải không anh
đau thương mấy cũng ngọt lành bên trong
(Đất đỏ nước xanh)
* Bầu trời vuông - không gian tâm tưởng của người lính
Không gian mặt trận được Nguyễn Duy tạo dựng bằng ngôn ngữ giản dị, có
vẻ đẹp của thiên nhiên, vẻ đẹp của con người như những gì nó vốn tồn tại. Ý

nghĩa biểu trưng khi xây dựng không gian mặt trận thể hiện khá thi vị thể hiện
tâm hồn đầy suy tư nhưng rất đỗi lạc quan và lãng mạn.
Nếu Tố Hữu với hình ảnh con đường để khắc hoạ không gian mặt trận
rộng lớn khi Tổ quốc hào hùng ra trận, “đem vào thơ Việt Nam một không gian
xã hội sôi động với những biến cố lịch sử” [22; tr 184] thì Nguyễn Duy lại khắc
hoạ những mẫu không gian chỉ xuất hiện một lần, ít lặp lại nhưng để lại dấu ấn
không thể nào quên trong lòng người đọc đó là bầu trời vuông.
Bầu trời vuông biểu trưng về một thời chiến tranh gian khổ và sự bình
yên của tâm hồn người lính. Trong văn chương xưa nay mặt trời là tín hiệu được
sử dụng phổ biến, xuất hiện trong những biện pháp ẩn dụ so sánh mang lại ý
nghĩa thiêng liêng, lớn lao như kiểu: Người rực rỡ một mặt trời cách mạng/ còn
đế quốc là loài dơi hốt hoảng; hay Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ/ mặt trời chân
lí chói qua tim, để so sánh với tầm vóc lớn lao của Bác hay nói tới mặt trời cách
mạng - chân lí cách mạng.
11


Đến Nguyễn Duy, trong hành trình thơ thì trời, bầu trời có nhắc tới 15 lần
với nhiều nét nghĩa:
Trời là không gian cao rộng:
đầu súng cụng trời tung muôn giọt sao
(Chiều khẩu đội)
Nỗi đau còn lủng lẳng treo giữa trời
(Kính thưa Thị Kính)
Từ khi thi sĩ mập ù
trăng rằm xếp tóc đi tu giữa trời
(Chùm thơ thi sỹ)
Nghe mơ hồ tiếng bi bô
hình như con hỏi cha giờ ở đâu
ở nơi trời cao vực sâu

cha leo qua những cây cầu rủi may
(Lời ru trong bão)
Hoặc trời có ý nghĩa là cái lớn lao quyền phép:
Chia dư không đẹp vẫn không vơi
chia không hết đẹp ông trời lấy đi
(Nét và hình)
Cuộc thi dành cho những gì trời cho
(Hoa hậu vườn nhà ta)
Nghe đồn thi sĩ đi buôn
trời sao thoả thuận bán luôn bầu trời
(Thi sĩ B)
Có khi mặt trời là hiện tượng thiên nhiên ban phát cho con người, vạn vật
ánh sáng và sức ấm nóng: Trời hâp hấp, trở trời (Trở gió); Hình như đất dư
thừa mọi thứ/ hình như em chỉ thiếu thốn mặt trời.../ ta phù phép hoá thân ấm
nóng/ phủ làn da run rẩy đói mặt trời…( Tí tẹo Bắc Âu)
Như vậy trời, bầu trời được Nguyễn Duy nhắc lại trong thơ nhiều lần với
nhiều nét nghĩa thông dụng. Bầu trời vuông là một biến thể kết hợp với tính từ
miêu tả chỉ kích thước, xuất hiện chỉ ở trong một bài thơ không có sự lặp lại và
mang ý nghĩa biểu trưng riêng. Bầu trời vuông ấy đã khắc sâu vào tâm trí người
yêu thơ, để lại dấu ấn riêng biệt trên thi đàn Việt Nam, nói tới bầu trời vuông là
nghĩ ngay tới Nguyễn Duy.
Bầu trời vuông được sáng tạo từ chính điểm nhìn của nhà thơ - người lính,
nhà thơ khi nằm trên võng đối diện với mái tăng một vật dụng luôn đồng hành
cùng người lính trong những tháng ngày chiến đấu, nhìn bầu trời qua kẽ lá rừng
sự liên tưởng bất ngờ đã khai sinh hình tượng bầu trời vuông. Trong bài thơ
dựng lên hai thế giới không gian: không gian rộng lớn của mặt trận sôi sục bom
12


lửa chiến trường và không gian bầu trời vuông. Trong đó không gian bầu trời

vuông đem đến cho người đọc nhiều suy cảm. Không gian này được hình thành
bắt đầu từ sự liên tưởng mái tăng che mưa, nắng - bầu trời vuông. Sự liên tưởng
này hình thành một từ thơ lạ:
Thắng rồi trận đánh thọc sâu
lại về với mái tăng bầu trời vuông
sục sôi bom lửa chiến trường
tâm tư yên tĩnh cũng vuông một vùng
(Bầu trời vuông)
Hình ảnh mái tăng vốn rất quen thuộc trong cuộc đời người lính Trường Sơn.
Sự liên tưởng độc đáo, tinh tế của Nguyễn Duy đã nâng lên thành biểu tượng giàu ý
nghĩa biểu trưng. Bầu trời vuông chính là hình ảnh ghi lại dấu ấn của một thời bom
đạn chiến tranh ác liệt mà hào hùng của dân tộc. Từ hình ảnh bầu trời vuông đã
khái quát được không khí thời đại cả nước anh dũng, đau thương trong chiến tranh
nhưng cũng hết sức lạc quan tin tưởng vào ngày mai.
Bầu trời vuông - bầu trời tâm tưởng của người lính. Bầu trời vuông được
đặt trong thế đối sánh với bầu trời tròn, vừa có nét tương đồng vừa có nét khác
biệt:
Khoái nào bằng phút ngả lưng
mở trang thư dưới bóng rừng đung đưa
Trời tròn còn lúc mưa rơi
trời vuông vuông suốt bốn mùa nắng xanh
Mặt trời là trái tim anh
mặt trăng vành vạnh là tình của em
thức là ngày ngủ là đêm
nghiêng nghiêng hai mái hai miền quê xa
Màu xanh của mái tăng mang ý nghĩa biểu trưng cho sự bình yên, hi vọng
được biểu đạt bằng màu “nắng xanh” bốn mùa. Đây còn là màu sắc của quê
hương xứ sở, là màu bình yên giữa bom đạn ác liệt của kẻ thù. Bầu trời vuông
cũng có đủ mặt trời, mặt trăng, có ngày, có đêm và chính con người đã làm nên
bầu trời với giá trị tinh thần bất diệt. Không gian bầu trời vuông được dệt bằng

tình yêu quê hương, bằng tình cảm của trái tim anh và tình cảm của em, không
gian ấy bé nhỏ mà trữ tình, lãng mạn. Nó không chỉ là không gian của tình yêu
đôi lứa mà hội tụ tình yêu đất nước. Dưới mái tăng - bầu trời vuông ấy tâm tư
của người lính lắng lại trong khoảng khắc bình yên và cũng trong không gian ấy
tinh thần yêu quê hương đất nước của họ được nuôi dưỡng, được tiếp thêm sức
mạnh để vượt qua mọi gian nguy giành chiến thắng. Bầu trời vuông là bầu trời
tâm tưởng của người lính là không gian bình yên, là không gian của tình yêu
13


thương, là không gian nơi người lính hướng về. Tình cảm và vẻ đẹp của tâm hồn
người lính toả sáng dưới bầu trời vuông ấy, tình cảm hun đúc nên sức mạnh để
họ trường kì kháng chiến.
Bầu trời vuông luôn đồng hành với người lính trong chiến tranh: vuông vuông
chỉ một chút này/ mà che trọn vẹn ngàn ngày quân đi. Không gian ấy bao bọc, che
chở người lính trong những ngày tháng đấu tranh gian khổ, không gian khơi gợi
cảm xúc và nuôi dưỡng niềm tin, sức mạnh của con người trong cuộc chiến. Cái
nhỏ bé đã làm nên điều kì diệu đây là đặc điểm thường xuất hiện trong thơ Nguyễn
Duy. Bầu trời vuông đồng hành cùng với người lính trong chiến tranh, đồng hành
cùng bao thế hệ bạn đọc với ý nghĩa biểu trưng độc đáo được khai sinh từ sức sáng
tạo bay bổng của nhà thơ Nguyễn Duy.
* Không gian cát trắng biểu trưng cho sự khốc liệt và
đau thương trong chiến tranh
Trong không gian mặt trận, Nguyễn Duy đã nhiều lần nhắc lại không gian
cát trắng. Không gian này không chỉ biểu đạt sự khắc nghiệt của thiên nhiên mà
quan trọng hơn qua không gian này nhà thơ gửi tới người đọc thông điệp của ý
nghĩa biểu trưng về nỗi đau của nhân dân và sự khốc liệt của chiến tranh.
Trong thơ Nguyễn Duy không gian cát trắng gắn liền với địa danh Quảng
Trị, vùng đất đau thương trong lửa đạn. Không gian này được lặp lại trong nhiều
bài thơ, là sự ám ảnh về chiến tranh tàn khốc và nỗi đau chiến tranh còn hằn in

trong thiên nhiên và cuộc sống con người.
Bên tê Cửa Tùng mênh mông cát trắng
Bên ni Cửa Tùng cũng cát trắng mênh mông
Các từ bên ni, bên tê, sự lặp lại của từ mênh mông trong hai câu thơ làm cho
người đọc hình dung được không gian cát trắng trải dài vô tận, sự khắc nghiệt
của thiên nhiên bao bọc cuộc sống của con người, và càng khốc liệt hơn khi
chiến tranh tàn phá:
Sao cát trắng bên ni trắng lạnh trắng lùng
trắng đất, trắng tay, trắng một vùng đai trắng
ấp chiến lược như nấm mồ câm lặng
cát tím bầm lở loét vết giày đinh
mồ hôi chảy thấm vào trong cát
nước mắt chảy thấm vào trong cát
máu người chảy thấm vào trong cát
(Cát trắng)
Từ “trắng” được lặp lại nhiều lần tô đậm sự khắc nghiệt của thiên nhiên, thiên
nhiên cát trắng là nhân chứng ghi lại những vất vả, đau thương trong chiến tranh.
Điều này cho ta hiểu thêm tạo dựng không gian cát trắng nhà thơ đã tố cáo tội ác
của chiến tranh đang gieo rắc trên mảnh đất miền Trung Việt Nam:
14


Chiều nay tôi về biển Gio Linh
vốc nắm cát soi
cát ánh lên màu đỏ
(Cát trắng)
Bài thơ được sáng tác trong hoàn cảnh tác giả trở lại Gio Linh khi đất
nước đã hoà bình nhưng nỗi ám ảnh về chiến tranh không phôi pha theo thời
gian, nó vấn còn hiển hiện đâu đó trong góc tâm tư của nhà thơ khi trở lại chiến
trường xưa.

Trong bài Ám ảnh cát là nỗi ám ảnh về nỗi đau chiến tranh đè nặng lên
những số phận, các thế hệ người Việt Nam:
Một người mẹ bồng trái dưa trọc lốc
tóc xoã xô cát bạc dợn trên đầu
con hi sinh xác dạt vào bến nước
dân táng thờ linh miếu nhỏ bên đường
… gió rờn rợn một mùa hè ám ảnh
Cát trắng xèo từng giọt đỏ tươi
(Ám ảnh cát )
Không gian cát trắng mang ý nghĩa biểu trưng về những năm tháng chiến
tranh ác liệt nó có sức lay động tâm hồn bạn đọc. Không gian này gắn liền với
một vùng đất của khúc ruột miền Trung phải chịu nhiều đau thương mất mát
trong chiến tranh. Cát trắng nói với bạn đọc về sức sống bền bỉ, anh dũng, kiên
cường, về những mất mát đau thương của người dân Việt Nam trong kháng
chiến chống Mĩ.
* Không gian hầm biểu trưng cho tình cảm quân dân cao đẹp
Không gian hầm được nhắc đến với tần số xuất hiện là 10 lần trong nhiều
bài thơ. Không gian này một lần nữa cho thấy điểm rất thống nhất khi biểu thị
không gian của Nguyễn Duy, đó là không gian của sự bao bọc, che chở mang ý
nghĩa biểu trưng cho những gì thiêng liêng cao đẹp của tình quân dân trong
kháng chiến, không gian ghi dấu những xúc cảm, kỉ niệm về năm tháng không
thể nào quên.
Hầm chữ A không gian nhỏ bé mà ký thác ý nghĩa biểu trưng lớn lao,
thiêng liêng. Hầm chữ A mang bóng dáng kiến trúc nhà của dân tộc Việt Nam,
kiến trúc ấy in dấu ấn trong việc đào hầm tránh bom đạn trong cuộc chiến tranh
chống Mĩ:
Đường Thanh Hoá đường Nghệ An
tới đâu cũng gặp những gian hầm kèo
hứng bom đỡ đạn đã nhiều
vẫn lặng thinh với cỏ rêu bên đường

(Hầm chữ A)
15


Dấu ấn chiến tranh ác liệt được hiện diện từ chính không gian của những
căn hầm có bao cột kèo ấy. Nhưng không gian ấy được tạo dựng nên từ tình yêu
đất nước, từ khát vọng tự do độc lập, từ sự hi sinh bền bỉ của mỗi người dân
trong chiến tranh:
Thương ai dỡ những mái nghèo
dựng căn hầm vẫn dựng theo dáng nhà
nhà dân che nắng che mưa
chắn che cái chết cũng là nhà dân
Không gian ấy một đời không thể nào quên bởi lẽ nó gắn với những năm
tháng gian khổ nhất nhưng cũng oanh liệt nhất, nhưng hơn thế nữa đó là không
gian đẹp nhất, vững bền nhất không thể thay đổi theo năm tháng vì nó được
dựng nên từ lòng dân - chiếc mộc vững bền che ta trong những năm tháng chiến
tranh cam go nhất.
Không gian ấy còn là không gian kí thác những cảm xúc sâu lắng, dịu êm,
lãng mạn đầy nhung nhớ:
Nhớ em khi dựa vách hầm
Nghe em là tiếng thì thầm đất rung
(Nhớ)
Hương thơm, ánh sáng lan toả trong đất xua đi những gian khổ trong cuộc
sống chiến đấu, tô điểm không gian nhỏ bé và ở đó trời đất, hương thơm, con
người hoà quyện vào nhau:
… gió mang hương xuống hầm sâu với người
ơ hay trong đất có trời
thơm man mác ánh trăng soi nghách hầm
(Hương cau trong đất )
Ý nghĩa biểu trưng thể hiện trong các từ ngữ biểu thị không gian đã thể

hiện cách sử dụng và tổ chức ngôn ngữ của Nguyễn Duy để tạo nên dấu ấn riêng
trong thi đàn văn học Việt Nam.
Không gian mặt trận được Nguyễn Duy tạo dựng bằng ngôn ngữ giản dị,
có vẻ đẹp của thiên nhiên, vẻ đẹp của con người trong đau thương chiến tranh
như những gì nó vốn tồn tại.
2.3.3. Tổ chức báo cáo chuyên đề trước tổ chuyên môn và triển khai áp
dụng
- Người nghiên cứu báo cáo chuyên đề và ghi chép ý kiến đóng góp cuả giáo
viên trong tổ về chuyên đề

16


- Tiến hành thảo luận về vận dụng chuyên đề và cùng đi đến thống nhất sẽ vận
dụng những kết quả nghiên cứu trong quá trình giảng dạy, tổ chức hoạt động
ngoại khóa dành cho học sinh.
- Đối với quá trình tự học và nghiên cứu, tổ tiếp tục tìm hiểu về các mảng không
gian khác trong thế giới nghệ thuật thơ Nguyễn Duy như: Không gian đô thị,
không gian thiên nhiên-vũ trụ, không gian văn hóa tinh thần.
2.4. Hiệu quả
Trong quá trình áp dụng sáng kiến vào thực tiễn công tác đã có những hiệu
quả bước đầu đáng ghi nhận.
2.4.1. Đối với công tác sinh hoạt tổ chuyên môn theo chuyên đề.
- Những vướng mắc trong chương trình BDTX ngữ văn địa phương dần được
tháo gỡ. Giáo viên trong tổ đã cùng hợp tác trao đổi tài liệu, thảo luận cùng biên
soạn câu hỏi đọc - hiểu trong bài dạy đọc thêm như bài Đò Lèn trong chương
trình Ngữ văn 12, soạn câu hỏi làm bài kiểm tra 15 phút, câu hỏi cho đề thi
THPTQG gắn với một số văn bản thơ của Nguyễn Duy. (Minh chứng thể hiện
trong phần phụ lục)
- Từ đề tài này chúng tôi tiếp tục duy trì nghiên cứu về các mảng không gian

nghệ thuật khác trong thơ Nguyễn Duy đó là: Không gian đô thị, không gian
thiên nhiên-vũ trụ, không gian văn hóa tinh thần đối với giáo viên trong tổ, tạo
động lực tự học, tự nghiên cứu để phát huy hình thức sinh hoạt tổ chuyên môn
theo chuyên đề có hiệu quả.
2.4.2. Đối với công tác tổ chức ngoại khóa văn học địa phương cho học sinh.
- Tổ Ngữ văn phối hợp cùng với Đoàn trường, Ban hoạt động ngoài giờ lên lớp
của nhà trường tổ chức hoạt động ngoại khóa giới thiệu về cuộc đời và sự nghiệp
sáng tác của Nguyễn Duy đã nhận được sự quan tâm nhiệt tình của học sinh.
Qua hoạt động này hướng tới giáo dục các em niềm tự hào về giá trị của văn học
điạ phương xứ Thanh.
2.4.3. Đối với học sinh
Các em có kiến thức về ngữ văn địa phương phong phú hơn. Trong sổ tích
lũy văn học của các lớp theo tổ hợp các môn xã hội, học sinh đã tích lũy được
những câu thơ hay, những ý kiến phê bình văn học về tác giả và tác phẩm của
17


Nguyễn Duy từ hoạt động ngoại khóa và tự học. Các em tham gia ngoại khóa
một cách chủ động và tự tin thể hiện những gì mình hiểu biết về Ngữ văn địa
phương Thanh Hóa. Các em đã có kiến thức để so sánh trong quá trình làm văn
khi bàn luận về hình tượng người lính. ( Minh chứng phần phụ lục mục I).
3 – KẾT LUẬN, KIẾN NGHỊ
3.1. Kết luận
Thiết kế chuyên đề ngữ văn địa phương xứ Thanh và đi sâu vào nghiên cứu
đặc điểm không gian nghệ thuật trong thơ Nguyễn Duy đã góp phần nâng cao
chất lượng sinh hoạt tổ chuyên môn theo chuyên đề. Đồng thời tạo động lực cho
giáo viên cùng học tập nghiên cứu trên tinh thần cộng tác trong quá trình tự học
và giảng dạy. Sau cùng, tôi xin được gửi lời cảm ơn đến các bạn đồng nghiệp,
Ban giám hiệu trường THPT Hàm Rồng đã đóng góp ý kiến và tạo điều kiện
thuận lợi để tôi hoàn thành SKKN này.

Hy vọng những vấn đề về ngữ văn địa phương Thanh Hóa sẽ tiếp tục thu hút
sự quan tâm, chú ý của các quý thầy cô giáo.
3.2. Kiến nghị
a. Đối với giáo viên và tổ chuyên môn:
- Để thiết kế được chuyên đề ngữ văn địa phương xứ Thanh phục vụ cho
công tác sinh hoạt chuyên đề của tổ chuyên môn. Trước hết cần xác định được ý
tưởng gắn liền với những khó khăn trong quá trình giảng dạy và tự học của giáo
viên, quá trình học tập của học sinh.
- Khi nghiên cứu chuyên đề phải tập hợp giáo viên thành nhóm để xác định
điểm khó khăn và cách tháo gỡ theo hướng nào? Phải được sự cộng tác của giáo
viên trong tổ khi thực hiện.
- Xây dựng kế hoạch khoa học phù hợp và tranh thủ được nguồn lực của nhà
trường để được phê duyệt thực hiện.
b. Đối với nhà trường
Tạo điều kiện thuận lợi về thời gian, nguồn lực về kinh phí để giáo viên, tổ
chuyên môn thực hiện nghiên cứu và áp dụng chuyên đề.
c. Đối với Sở giáo dục
Sở giáo dục và đào tạo Thanh Hóa cần đưa SKKN lên trang web để giáo viên
cùng tham khảo, trao đổi nhằm hoàn thiện hơn về đề tài nghiên cứu và hướng áp
dụng vào thực tiễn giảng dạy.

18


XÁC NHẬN
CỦA THỦ TRƯỞNG ĐƠN VỊ

Thanh Hóa, ngày 15 tháng 5 năm 2018
Tôi xin cam đoan đây là SKKN của mình viết,
không sao chép nội dung của người khác.

Người viết

NGUYỄN THỊ DUNG

19



×