DIỄN VĂN ÔN LẠI TRUYỀN THỐNG NGÀY PHỤ NỮ VIỆT NAM
20-10 VÀ LỜI CHÚC NHÂN NGÀY 20-10
Kính thưa các đồng chí!
Thưa toàn thể chị em!
Trong không khí thi đua chào mừng ngày 20 tháng 10, kỷ niệm 86
năm ngày thành lập Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, hòa chung cùng với
niềm vui, niềm phấn khởi, tự hào của các tầng lớp phụ nữ; hôm nay,
Công Đoàn long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 86 năm ngày thành lập Hội
Liên hiệp phụ nữ Việt Nam (20/10/1930 - 20/10/2016). Thay mặt BCH
công đoàn, Ban nữ công, tôi xin gửi tới toàn thể các đồng chí , nhân viên
nữ, đồng thời qua các đồng chí nam gửi tới các bà, các mẹ, bạn gái,
người yêu, bà xã của các đồng chí lời chào mừng, lời chúc sức khỏe,
hạnh phúc và thành đạt!
Kính thưa các đồng chí!
Phụ nữ Việt Nam thời nào cũng vậy – Luôn mang trong mình những
phẩm chất cao quí mà Bác Hồ đã từng trao tặng “ Anh hùng – Bất khuất
– Trung hậu – Đảm đang”. Ở bất cứ cương vị nào, phụ nữ cũng phát huy
được vai trò, sức mạnh, sự khéo léo vốn có của mình. Họ là những
người chống giặc ngoại xâm kiên cường bất khuất, họ là những người
lao động cần cù, sáng tạo, thông minh, họ là những người gìn giữ giống
nòi và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, họ là những người sản sinh ra
những thế hệ anh hùng của một dân tộc anh hùng. Dưới chế độ phong
kiến và đế quốc, phụ nữ Việt Nam là lớp người bị áp bức, bóc lột, chịu
nhiều bất công nhất nên luôn có yêu cầu được giải phóng và sẵn sàng đi
theo cách mạng. Ngay từ những ngày đầu chống Pháp, phụ nữ Việt Nam
đã tham gia đông đảo vào phong trào Cần Vương, Đông Kinh Nghĩa
Thục, Đông Du, còn có nhiều phụ nữ nổi tiếng tham gia vào các tổ chức
tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam như: Hoàng Thị Ái, Thái Thị
Bôi, Tôn Thị Quế, Nguyễn Thị Minh Khai...
Từ năm 1927 những tổ chức quần chúng bắt đầu hình thành và thu hút
đông đảo tầng lớp phụ nữ Việt Nam như: Công Hội Đỏ, Nông Hội Đỏ,
các nhóm tương tế, tổ học nghề và các tổ chức có tính chất riêng của
giới nữ như:
- Năm 1927 nhóm các chị Nguyễn Thị Lưu, Nguyễn Thị Minh Lãng,
Nguyễn Thị Thủy là ba chị em ở làng Phật Tích (Bắc Ninh) tham gia
Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội, các chị tuyên truyền, xây dựng tổ
học nghề đăng ten và học chữ.
- Nhóm chị Thái Thị Bôi có các chị Lê Trung Lương, Nguyễn Thị Hồng,
Huỳnh Thuyên tham gia sinh hoạt ở trường nữ học Đồng Khánh.
- Năm 1928, nhóm chị Nguyễn Thị Minh Khai cùng Nguyễn Thị Phúc,
Nguyễn Thị An tham gia sinh hoạt hội đỏ của Tân Việt. Nhóm này liên
hệ với chị Xân, chị Thiu, chị Nhuận, chị Liên thành lập tờ Phụ nữ Giải
phóng ở Vinh.
- Năm 1930, trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, ở Nghệ An, Hà Tĩnh
có 12.946 chị tham gia phụ nữ giải phóng, cùng nhân dân đấu tranh
thành lập chính quyền Xô Viết ở trên 300 xã. Ngày 1/5/1930, đồng chí
Nguyễn Thị Thập đã tham gia lãnh đạo cuộc đấu tranh của hơn 4.000
nông dân ở hai huyện Châu Thành, Mỹ Tho, trong đó có hàng ngàn phụ
nữ tham gia.
- Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Đông Dương thành lập. Cương lĩnh
đầu tiên của Đảng đã ghi: "Nam nữ bình quyền". Đảng sớm nhận rõ, phụ
nữ Việt Nam là lực lượng quan trọng của cách mạng và đề ra nhiệm vụ:
Đảng phải giải phóng phụ nữ, gắn liền giải phóng dân tộc, giải phóng
giai cấp với giải phóng phụ nữ. Đảng đặt ra: Phụ nữ Việt Nam phải tham
gia các đoàn thể cách mạng (công hội, nông hội) và thành lập tổ chức
riêng cho phụ nữ để lôi cuốn các tầng lớp phụ nữ tham gia cách mạng.
Chính vì vậy mà ngày 20/10/1930, Hội Liên hiệp Phụ nữ chính thức
được thành lập. Sự kiện lịch sử này thể hiện sâu sắc quan điểm của Đảng
đối với vai trò của phụ nữ trong cách mạng, đối với tổ chức phụ nữ, đối
với sự nghiệp giải phóng phụ nữ.
Nhận biết và hiểu sâu sắc vai trò của phụ nữ nên ngay sau khi Đảng
ta ra đời (3/2/1930), ở mỗi giai đoạn lịch sử, Đảng ta đã tổ chức ra đoàn
thể phụ nữ với các tên gọi khác nhau và sau này là Hội LHPN Việt Nam,
lấy ngày 20/10/1930 là ngày thành lập Hội.
Trưởng thành trong phong trào đấu tranh cách mạng của dân tộc, phụ
nữ Việt Nam đã nêu biết bao tấm gương sáng ngời với những phẩm chất
cao quý về lòng trung thành với Tổ quốc, về tinh thần hy sinh dũng cảm,
quyết tâm bảo vệ Đảng, bảo vệ cách mạng. Lịch sử đấu tranh cách mạng
hào hùng của dân tộc luôn gắn liền với lịch sử phong trào phụ nữ
Việt Nam.
Phát huy truyền thống phụ nữ Việt Nam “Anh hùng, bất khuất, trung
hậu, đảm đang”, bước vào công cuộc đổi mới đất nước, dưới sự lãnh
đạo của Đảng, Hội LHPN Việt Nam đã xây dựng các phong trào thi
đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình
hạnh phúc” ;“Phụ nữ giỏi việc nước, đảm việc nhà” vv… đã có tác
dụng động viên, lôi cuốn đông đảo các tầng lớp phụ nữ tham gia. Nhiều
chị em đã trở thành những gương mặt tiêu biểu về lao động giỏi, lao
động sáng tạo, nhà khoa học, nhà quản lý, nhà giáo và thầy thuốc giỏi ...,
xứng đáng là phụ nữ Việt Nam “Năng động, sáng tạo, trung hậu, đảm
đang” trong thời kỳ đổi mới.
Kính thưa các đồng chí, thưa toàn thể chị em!
Đã có biết bao nhiêu bài thơ, bài văn, bản nhạc, bao tác phẩm nghệ
thuật ngợi ca vẻ đẹp hình thể, phẩm chất, trí tuệ, tâm hồn người phụ nữ.
Trong một ngày vui và ý nghĩa như thế này, thật thiếu sót nếu chúng ta
không bàn về phái đẹp, khám phá, cảm nhận những cái hay, góc khuất
của người phụ nữ trong nhiều cung bậc của cuộc sống. A-xờ-mít đã từng
nói: “Trước phái đẹp và âm nhạc, thời gian sẽ trở thành vô nghĩa”. Bởi
phụ nữ và âm nhạc luôn là khu vườn xinh đẹp, bình an, hấp dẫn và cao
quý. Thật vậy, tất cả mọi sự bí ẩn của thế giới này đều không thể sánh
nổi với sự bí ẩn của người phụ nữ. Sự bí ẩn của họ luôn cuốn hút, thôi
thúc cánh mày râu khám phá, chinh phục. Khi khám phá ra rồi, họ luôn
được san sẻ và cảm thấy nhỏ bé trước phụ nữ. Bởi “phụ nữ luôn sẵn
sàng hy sinh nếu bạn cho họ cơ hội, vì sở trường của họ là nhường
nhịn”. Vậy nên, nhà văn Văn Công Hùng đã phải tạ ơn vợ bằng những
vần thơ cháy bỏng:
“Có những lúc trốn xô bồ ta về tựa vào em
Như con tàu viễn dương thả neo bám vào đất mẹ
Cuộc đời lặng thầm, cuộc đời gào thét
Trở về bên em ta trở lại chính mình”.
Trong khi đó nhà thơ Hữu Thỉnh lại ví người tình, người phụ nữ như
là một nhân tố không thể thiếu trong cuộc sống này, nếu thiếu phụ nữ
mọi thứ đều lẻ loi. Dường như phụ nữ là nhạc trưởng của cuộc sống,
vắng họ thì cuộc sống không tồn tại, chỉ là đống hoang phế, điêu tàn:
“Anh xa em
Trăng cũng lẻ
Mặt trời cũng lẻ
Biển vẫn cậy mình dài rộng thế
Vắng cánh buồm một chút… đã cô đơn
Gió không phải là roi mà vách núi phải mòn
Em không phải là chiều mà nhuộm anh đến tím
Sóng chẳng đi đến đâu nếu không đưa em đến
Dù sóng đã làm anh
Nghiêng ngả
Vì em!”
Thưa toàn thể chị em, thưa các đồng chí!
Chúng ta rất tự hào về các mẹ, các chị, các em - những người phụ nữ
Việt Nam. Họ là hiện thân của “Tam tòng tứ đức”, là “Anh hùng, bất
khuất, trung hậu, đảm đang”, là những gương sáng “Giỏi việc nước, đảm
việc nhà”.
Nhằm tiếp tục phát huy những phẩm hạnh, truyền thống vẻ vang ấy, chị
em chúng ta cùng nhìn lại chặng đường chúng ta đã đi. Trong những
năm qua, chị em phụ nữ nhà trường luôn khẳng định được vai trò quan
trọng và có những đóng góp lớn lao cho sự phát triển vững mạnh và toàn
diện của nhà trường. Thật may mắn, Trường THCS Thụy Trình có 27/30
cán bộ giáo viên, nhân viên là nữ. Đồng chí Bí thư chi bộ, phó bí thư chi
bộ, Hai tổ trưởng chuyên môn, Bí thư đoàn TN, Tổng phụ trách, đều là
nữ giới. Các đồng chí luôn gìn giữ và phát huy phẩm chất đạo đức trong
sáng của nữ cán bộ, giáo viên ngành giáo dục: Sống giản dị, đoàn kết,
giúp đỡ nhau trong cuộc sống, trong công việc. Các chị là những tấm
gương vượt khó, giàu nghị lực, nhiều chị em đạt danh hiệu giỏi việc
trường, đảm việc nhà; Trong năm học 2015-2016 có 4 chị đạt danh hiệu
CSTĐ; 7 chị đạt giáo viên giỏi cấp Huyện. Để có được những kết quả đó
là cả một quá trình phấn đấu không biết mệt mỏi: Gánh nặng gia đình,
chăm sóc con cái, các chị vẫn khắc phục khó khăn hoàn thành tốt nhiệm
vụ, tinh thần trách nhiệm và nghị lực của các chị thật đáng trân trọng và
cảm phục.
Nếu để có được một thành công, nam giới chỉ cần cố gắng 100% thì phụ
nữ phải cố gắng bằng 200%. Là những người đàn ông của xã hội văn
minh, tiến bộ, có trách nhiệm, chúng tôi rất mong các đồng chí nam
công hãy luôn sát cánh bên chúng tôi để ủng hộ và đấu tranh đòi quyền
bình đẳng, vì sự tiến bộ của phụ nữ, vì sự tiến bộ và công bằng của nhân
loại!
Nhân ngày 20 tháng 10 hôm nay, tôi mong muốn chị em và các
đồng chí cùng nhìn lại, ngẫm lại hình tượng người phụ nữ Việt Nam. Để
trước hết chúng ta trân trọng, vinh danh họ; để chúng ta quan tâm, dành
thật nhiều tình cảm yêu thương tới họ; để chúng ta cùng nhau khẳng
định một điều:
“Giữa bao nhiêu mưa nắng đời thường
Phụ nữ vẫn là hoa, là thiên thần của đất
Dẫu ngày mai mặt trời có tắt
Hãy gọi tên ‘phụ nữ’ như ngọn đuốc của niềm tin”
Cuối cùng, tôi xin chúc các đồng chí dồi dào sức khỏe, hạnh phúc,
thành đạt. Chúc chị em luôn: Vui tươi, xinh đẹp, trẻ khỏe, yêu đời. Hãy
sống hết mình, cháy hết mình; biết yêu những gì mình đang có, hoàn
thiện những gì mình chưa có, khẳng định mình trong cuộc sống bằng
lòng chân thành, vị tha, thủy chung, trí tuệ và yêu thương.
Trân trọng cảm ơn sự quan tâm lắng nghe của các đồng chí và toàn thể
chị em!