Portrait - Các thủ thuật để có một tấm ảnh
đẹp khi chụp mọi người Phần 1
Ống kính tốt nhất để chụp ảnh chân dung
Không có nhiều kiểu chụp ảnh mà tiêu cự (focal length) lại nên được giữ cố
định khi bạn chụp. Thật may mắn chụp ảnh chân dung lại là một trong số này.
Phần lớn những nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp chụp ảnh chân dung với một ống
kính zoom nhỏ với chiều dài tiêu cự nằm trong khoảng 85-100mm. Trên thực tế,
các ống kính tele có tiêu cự nằm trong khoảng 85-100mm thường được gọi là ống
kính chân dung bởi vì chúng cho phép bạn chụp từ một khoảng cách tốt (3m đến
3.7m so với đối tượng, cho phép bạn và người được chụp có một khoảng cách dễ
thở nhưng bạn vẫn có thể điều chỉnh để hình người được chụp chiếm phần lớn
khung ảnh – fill the frame). Điều quan trọng hơn, chụp ảnh với tiêu cự từ 85mm
đến 100mm loại trừ hiệu ứng làm méo mó các chi tiết trên mặt mà các ống kính
góc rộng (wide-angle lenses) thường gặp, đồng thời cũng tránh được hiện tượng
hình ảnh bị nén lại khi bạn chụp với các ống kính tele (telephoto lenses). Một số
nhà nhiếp ảnh nói rằng độ dài tiêu cự 85mm là tuyệt vời nhất để có những tấm ảnh
chân dung hoàn hảo trong khi số khác lại cho là 100mm. Bạn có thể thử chụp với
cả 2 giá trị này và chọn cái bạn thích nhất bởi vì cả hai đều mang lại phối cảnh tốt
đối với ảnh chân dung (Ống zoom 28-105mm của cả Nikon và Canon là lựa chọn
cho ảnh chân dung bởi vì bạn có thể chọn tiêu cự 85mm, 100mm hay bất kì tiêu cự
nào nằm giữa 2 giá trị này). Một lý do khác nên lựa chọn những ống zoom nhỏ là
bạn sẽ không phải mang theo giá ba chân (tripod) và di chuyển máy ảnh (hoặc
người mẫu) mỗi lần bạn cần thay đổi phối cảnh để chụp. Vì vậy, mua một ống
zoom có chứa khoảng tiêu cự 85-100mm là một lựa chọn tốt đối với ảnh chân
dung.
Sử dụng độ mở ống kính (Aperture) nào
Đối với chụp ảnh chân dung, có nhiều lựa chọn về Aperture đã được tạo ra
sẵn cho bạn (giống như nên sử dụng ống kính nào với tiêu cự bao nhiêu). Vì vậy
bạn có thể tập trung vào những phần phức tạp hơn đối với chụp ảnh chân dung:
đảm bảo rằng bạn có một nguồn sáng tốt và nắm bắt được sự biểu cảm trên nét
mặt người mẫu. Bây giờ, khi bạn đã biết loại ống kính mình nên sử dụng thì cũng
có một giá trị aperture (f-stop) đặc biệt dường như làm việc tốt nhất với phần lớn
ảnh chân dung: f/11. Nó mang lại sự rõ nét cũng như độ sâu của khuôn mặt (đó
chẳng phải là tất cả những gì chúng ta cần với ảnh chân dung sao?), cho bạn cái
nhìn tổng quan đối với phần lớn ảnh chân dung (“phần lớn” bởi vì có một số lý do
nghệ thuật mà bạn phải sử dụng một giá trị aperture khác để thu về một hiệu ứng
đặc biệt. Tuy nhiên với đa phần tình huống khi bạn chụp ảnh chân dung, bạn chỉ
cần lấy aperture ở f/11 và để tâm đến các vấn đề khác như ánh sáng, sự biểu cảm
trên nét mặt..)
Sử dụng hậu cảnh đồng màu
Hậu cảnh (background) thực sự là một thách thức đối với ảnh chân dung
bởi vì nói chung chúng thường nằm cùng hướng, nơi người chụp muốn lưu lại nét
mặt, sự biểu cảm và cả linh hồn của người làm mẫu. Đó là lý do tại sao rất nhiều
nhà nhiếp ảnh lại chụp ảnh chân dung trên một hậu cảnh đơn giản nhất có thể.
Trong phòng chụp, tạo ra một hậu cảnh đồng màu không phải là lựa chọn tốn kém
vì chúng có thể được tạo ra từ giấy. Điều này hoàn toàn dễ hiểu khi mà một tấm
khổ lớn (53”x36”) có giá thành chỉ khoảng $25. Giá tiền đó hoàn toàn không tồi
để có một hậu cảnh tốt cho một phòng chụp chuyên nghiệp (bạn có thể dễ dàng
tìm chúng trong các cửa hàng máy ảnh). Một số nhà nhiếp ảnh chỉ buộc lại trong
khi số khác lại dán chúng vào tường; nhưng lựa chọn tốt nhất có lẽ là mua một cái
giá để giữ tấm nền đó lại (bạn có thể có một cái giá tươm tất với giá khoảng $70).
Bây giờ, vấn đề tiếp theo là bạn sẽ sử dụng màu gì? Đối với những người mới bắt
đầu, nên lựa chọn màu đen (để có những tấm ảnh chân dung ấn tượng) hoặc màu
trắng (cho các trường hợp còn lại). Một điều thú vị nữa về hậu cảnh đồng màu
trắng là nó luôn xuất hiện một hình mờ màu xám phía sau. Để hậu cảnh xuất hiện
hoàn toàn là màu trắng nhưng hình minh họa ở trên, bạn sẽ phải sử dụng một hoặc
nhiều nguồn sáng ở hậu cảnh nếu không ánh sáng từ đèn flash của bạn sẽ cho bạn
một hậu cảnh màu xám. Màu xám không phải là màu hậu cảnh tồi (trái lại nó rất
phổ biến) nhưng nếu bạn thực sự muốn màu trắng, hãy chắc chắn rằng bạn đã sắp
đặt một hoặc hai nguồn sáng ở phía sau chủ đề, hướng về hậu cảnh. Nếu bạn bạn
sử dụng hậu cảnh màu đen, bạn sẽ cần nhiều sáng hơn để làm nổi bật chủ đề (đặc
biệt nếu họ có tóc màu đen). Trong trường hợp này, hãy cố gắng để họ đứng ra xa
khỏi hậu cảnh.
Sử dụng hậu cảnh là tranh sơn dầu hay vải muslin
Tranh sơn dầu hay vải muslin không rẻ như là những cuộn giấy đồng màu
nhưng chúng cũng đủ rẻ nếu bạn cân nhắc đến việc sử dụng chúng như một hậu
cảnh mang tính trang trọng (một tấm tranh sơn dầu để làm hậu cảnh sẽ có giá
khoảng $120). Những hậu cảnh này cũng rất ít chi tiết. Bạn nên mua một cái (ít
nhất khi bắt đầu) thuộc dạng trung lập (phần lớn là màu xám hoặc màu nâu).