Tải bản đầy đủ (.doc) (8 trang)

Bao ton Di sản văn hóa hà nôi hiện nay

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (74.96 KB, 8 trang )

BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN VĂN HÓA
TRONG SỰ PHÁT TRIỂN DU LỊCH HÀ NỘI
Th.S Trần Thị Minh Huệ
Th.S Đỗ Hải Yến
Khoa Xã hội và Nhân văn - Trường CĐSP Trung ương
1. Thực trạng bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa tại Hà Nội
Nằm trong khu vực đồng bằng sông Hồng, một vùng đất có bề dày văn
hóa truyền thống, nơi có nhiều tiềm năng và nguồn lực thiên nhiên cũng như
nguồn lực con người, Hà Nội giữ một vai trò, một vị trí xứng đáng trong việc
phát triển du lịch. Trải qua những biến đổi lịch sử, những thăng trầm trong đời
sống xã hội, Hà Nội là vùng đất có nhiều giá trị văn hóa và nhân văn. Dựa trên
những giá trị văn hóa ấy, tiềm năng du lịch văn hóa của Hà Nội đã có một điểm
tựa bền vững nhằm đưa ngành du lịch phát triển. Để phát triển du lịch văn hóa,
công việc hàng đầu là bảo tồn các giá trị di sản văn hóa.
Công tác quản lý di sản văn hoá: là trung tâm văn hóa của cả nước, Hà
Nội lại sở hữu một hệ thống các di sản văn hóa lớn. Việc quản lý hệ thống di sản
này được giao trực tiếp cho ngành văn hóa Hà Nội mà cơ quan chủ quản là Ban
quản lý di tích danh thắng với nhiều phòng ban chức năng khác nhau. Ở các địa
phương lại có các cán bộ chuyên trách quản lý di sản văn hóa tại phòng văn hóa,
quận, huyện… Một số di tích trọng điểm còn thành lập các Ban quản lý riêng trực
thuộc UBND thành phố. Các cơ quan quản lý văn hóa này có đội ngũ cán bộ đông
đảo và nhiều kinh nghiệm. Hàng năm, các cán bộ quản lý thường xuyên được tập
huấn nghiệp vụ. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ còn được bổ sung thường xuyên từ
những sinh viên tốt nghiệp tại các trường đào tạo nghiệp vụ về văn hóa.
Tuy nhiên công tác quản lý còn một số tồn tại. Do các di tích được phân
bố trên một diện rộng nên công tác quản lý bị phân tán với nhiều cấp nhiều
ngành. Một số di tích còn thuộc quyền quản lý của các cá nhân doanh nghiệp
đặc biệt như các di tích là nhà thờ danh nhân hiện đang dưới sự quản lý của các
dòng họ hay như các di tích cách mạng kháng chiến hiện đang thuộc sự quản lý
của các cơ quan ngoài ngành văn hóa…



* Với di sản văn hóa vật thể:
Hà Nội đã lập hồ sơ khoa học cho hàng trăm di tích. Số lượng các di tích
được xếp hạng luôn đứng đầu cả nước. Ngay trong đợt xếp hạng đầu tiên vào
năm 1962, Hà Nội đã có 13 di tích và Hà Tây (cũ) có 7 di tích được xếp hạng
cấp quốc gia. Tổng số di tích được xếp hạng cấp quốc gia theo con số thống kê
chưa đầy đủ tính đến tháng 7 năm 2008 là 806 di tích. Số lượng các di tích còn
ngày môt tăng lên do công tác điều tra nghiên cứu được triển khai thường xuyên
kỹ lưỡng. Qua hệ thống các di sản văn hóa vật thể có thể thấy Hà Nội có lượng
di tích phong phú đa dạng nhiều di tích mang tầm cỡ quốc gia và quốc tế.
Nhiều di tích được đầu tư kinh phí ngân sách tu bổ nâng cấp, việc tu bổ
tôn tạo các di tích này được tiến hành theo quy định của luật di sản văn hóa,
được lập thành các dự án và được các cấp có thẩm quyền phê duyệt theo một
quy trình khoa học đảm bảo giữ gìn tối đa các yếu tố nguyên gốc của di tích. Nổi
bật nhất là việc trùng tu đình Chu Quyến từ năm 2007- 2010 với những kỹ thuật
trùng tu hiện đại. Dự án trùng tu đình Chu Quyến đã được giải thưởng quốc tế
về bảo tồn di sản kiến trúc châu Á- Thái Bình Dương năm 2010. Bên cạnh
những di tích được Trung ương và thành phố quản lý đầu tư và tu bổ lớn, các
quận huyện xã thậm chí một số cơ quan doanh nghiệp trường học cũng tổ chức
nghiên cứu đầu tư (tuy có hạn hẹp) để tu bổ các di tích tại địa phương.
Bên cạnh việc bảo tồn, các cấp quản lý di sản cũng chú ý tới việc phát huy
giá trị các di tích. Nhiều di tích được bổ sung cán bộ thuyết minh chuyên trách.
Một số di tích được viết tài liệu hoặc tờ gấp nhằm mục đích tuyên truyền sâu
rộng trong nhân dân. Một số di tích quan trọng còn có phần trưng bày bổ sung
nhằm tăng tính hấp dẫn và tạo điều kiện thuận lợi cho khách thăm quan khi tìm
hiểu di tích.
Một số tồn tại trong quản lý và bảo tồn di sản văn hóa vật thể có thể nhận
thấy như: do chưa thống nhất được việc quản lý, nhiều di tích bị tác động rất lớn
của xã hội nên phần lớn không giữ được nguyên vẹn như ban đầu và đang biến
dạng. Rất nhiều di tích bị sử dụng sai mục đích (đặc biệt là các di tích thuộc các

cơ quan doanh nghiệp quản lý như Nhà khách Chính phủ, lăng Hoàng Cao


Khải…). Một số di tích nằm trong tình trạng tranh chấp đất đai, bị thu hẹp về
diện tích (như nhà thờ danh nhân Nguyễn Văn Siêu…). Thậm chí có di tích
không còn tồn tại ở dạng di tích mà chỉ còn được ghi trong sách hay tồn tại trong
ký ức của người dân (như nhà số 8 Lê Thái Tổ nơi ký hiệp ước Sơ bộ ngày
06/03/1946).
Việc quản lý trông coi di tích cũng chưa thật đầy đủ. Phần lớn các di tích
không có người thường trực hàng ngày. Việc vệ sinh môi trường trong di tích
chưa tốt, nhiều biển kỷ niệm di tích bị hư hỏng, phai mờ không được thay thế.
Trên thực tế, những di tích lớn có ý nghĩa trọng điểm, có giá trị khai thác kinh tế
cao thường được đầu tư quản lý tốt hơn. Rất nhiều di tích ở trong tình trạng bị
bỏ quên, đặc biệt là các di tích cách mạng kháng chiến. Trường hợp di tích lăng
Hoàng Cao Khải là một ví dụ, được xếp hạng ngay từ đợt đầu năm 1962 nhưng
ngày nay lăng bị biến dạng, bị xâm chiếm do không được quản lý (không hệ
thống bảo vệ, không biển báo).
Công tác đầu tư tu bổ nâng cấp di tích cũng có nhiều bất cập. Nhiều di
tích được tu bổ sơ sài, thiếu đồng bộ, diễn ra trong thời gian dài. Nhiều di tích
lại diễn ra quá trình tu sửa tùy tiện thay đổi công năng thực tế công trình, thậm
chí trong nội thất di tích do ảnh hưởng của những đòi hỏi cao hơn của con người
trước sự biến đổi của kỹ thuật xây dựng, của những yêu cầu thẩm mỹ mới đã
làm cho di tích trở nên chắp vá hay lai căng một cách kệch cỡm (điều này rất dễ
nhận thấy tại các ngôi chùa khi được bê tông hóa).
* Với di sản văn hóa phi vật thể:
Hệ thống di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn Hà Nội vô cùng phong
phú và đa dạng. Nhưng khác với việc bảo tồn các di sản văn hóa vật thể, công
tác bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể gặp nhiều khó khăn hơn. Ngay trong công
tác quản lý, nếu như các di tích có một cơ quan quản lý về mặt nhà nước là Ban
quản lý di tích và danh thắng thành phố thì các di sản văn hóa phi vật thể lại

không được như vậy. Cán bộ quản lý văn hóa đặc biệt là ngành bảo tồn văn hóa
gần như không có chuyên gia hiểu biết trên một số lĩnh vực di sản phi vật thể.
Nguyên nhân là do di sản phi vật thể thuộc nhiều loại hình đòi hỏi phải có


chuyên gia riêng cho từng loại hình như: nghệ thuật, nghề truyền thống… Bản
thân trong loại hình nghệ thuật cũng có nhiều loại hình nhỏ hơn như chèo, ca trù,
hát xẩm… mà việc nắm bắt hiểu biết giá trị các loại hình này đòi hỏi cán bộ văn
hóa phải được đào tạo rất kỹ. Chính vì vậy, việc quản lý các di sản văn hóa nghệ
thuật thường do các đoàn nghệ thuật thực hiện. Việc quản lý di sản văn hóa
thuộc một số loại hình khác như nghề truyền thống, ẩm thực dân gian… gần như
được thả nổi.
Một khó khăn nữa trong công tác bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể là
trong một thời gian dài, do những quan niệm chưa đúng về giá trị các di sản nên
rất nhiều di sản bị mai một, bị tìm cách làm cho xóa bỏ. Hát ca trù từng bị coi là
tàn dư của lối sống trụy lạc dưới chế độ thực dân phong kiến, hát chầu văn bị coi
là mê tín dị đoan. Hát xẩm lại bị coi là phương tiện kiếm sống của những người
ăn xin nên bị khinh rẻ.
Những khó khăn về mặt kinh tế trong một thời gian dài lịch sử đất nước
cũng góp phần làm mai một những di sản phi vật thể đặc biệt là các nghề thủ
công truyền thống. Rất nhiều lò gốm, lò đúc đồng, xưởng dệt được hợp tác hóa
làm ăn trong cơ chế tập trung bao cấp, chỉ chú ý sản xuất các đồ dùng phục vụ
nhu cầu cuộc sống thường nhật, xem nhẹ yếu tố sáng tạo nghệ thuật. Sự phát
triển về mặt khoa học kỹ thuật trong thời đại ngày nay đã tác động không nhỏ
đến kỹ thuật làm nghề thủ công truyền thống. Nhiều sản phẩm được sản xuất
nhanh hơn, đẹp hơn, nhiều hơn đã thay thế cho các sản phẩm thủ công trên thị
trường tiêu dùng. Chính vì vậy nhiều kỹ thuật nghề, bí quyết nghề đã bị mai một
thậm chí mất hẳn.
Trong cuộc sống hiện đại, những giá trị thẩm mỹ mới, những yêu cầu thỏa
mãn các nhu cầu vui chơi giải trí mới tác động không nhỏ đến các giá trị văn hóa

phi vật thể khác. Những bức tranh sơn dầu hay sơn mài hiện đại dần thay thế
cho những bức tranh Hàng Trống truyền thống, những đồ pha lê nhập ngoại, đồ
gỗ hiện đại dần chiếm chỗ cửa các sản phẩm gốm sứ, hàng mây tre đan cổ
truyền. Sau những giờ lao động mệt nhọc người ta không còn dành thời gian
thưởng thức các nghệ thuật dân gian truyền thống mà thay vào đó người ta đến


các sàn nhẩy, các rạp hát… đã làm cho các loại hình nghệ thuật dân gian bị thu
hẹp về số lượng khách thưởng thức.
Một số giá trị văn hóa phi vật thể lại gắn liền với các yếu tố văn hóa vật
thể. Sự thu hẹp và biến đổi của văn hóa vật thể cũng kéo theo sự thay đổi văn
hóa phi vật thể. Các di tích đình, đền, chùa bị thu hẹp làm cho không gian trình
diễn lễ hội dân gian cũng bị thu hẹp theo. Những đám rước hội không còn được
đông đúc nhộn nhịp như xưa do sự thu hẹp của những sân đình, đền, của những
con đường làng. Những chiếu chèo hay những loại hình nghệ thuật trình diễn
trong lễ hội cũng đang mất dần người xem bởi những trò cờ bạc đang ngày càng
thu hút mọi người lao vào một cuộc đỏ đen may rủi. Lễ hội dân gian truyền
thống cũng bị tác động từ cuộc sống hiện đại khi những người dân địa phương
vốn là những người tham gia chính cho lễ hội đã trở nên bận hơn trong việc mưu
sinh. Lễ hội dân gian còn bị thay đổi về nội dung. Những người tham gia lễ hội
xưa kia đến để thể hiệ lòng thành kính tổ tiên, tình đoàn kết làng xóm. Ngày nay,
người ta đến lễ hội mang nhiều tâm tư, cầu xin lợi lộc cá nhân…
Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, nhận thức được giá trị của các di sản văn
hóa phi vật thể, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách nhằm khôi phục và
phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể làm cho công tác bảo tồn các di
sản này đã có nhiều kết quả bước đầu. Một số làng nghề cổ truyền được khôi
phục và phát triển trở lại. Một số loại hình nghệ thuật bước đầu được các nhà
khoa học nghiên cứu, các đoàn nghệ thuật tổ chức trình diễn (như việc sân khấu
hóa nghệ thuật hát chầu văn).
2. Một số giải pháp bảo tồn giá trị các di sản văn hóa

Di sản văn hóa là bằng chứng sống động về lịch sử đấu tranh kiên cường
dũng cảm và sự hy sinh to lớn của dân tộc trong cuộc đấu tranh dựng nước và
giữ nước. Di sản văn hóa phản ánh một đời sống tinh thần phong phú đa dạng
của nhân dân Hà Nội. Thông qua hệ thống các di sản văn hóa, các thế hệ mai sau
sẽ tự hào về truyền thống lịch sử văn hóa và tiếp nối xây dựng Hà Nội trở thành
thủ đô anh hùng và thành phố hòa bình. Nhận thức được như vậy, công tác bảo
tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa có tầm quan trọng hơn bao giờ hết.


Nhóm giải pháp chung cho việc bảo tồn di sản văn hoá:
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, đầu tư trí tuệ và
công sức cùng với việc phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị đối với
công tác bảo tồn, tu bổ và phát huy giá trị, công tác giáo dục truyền thống.
- Nâng cao trách nhiệm, phối kết hợp đồng bộ các lực lượng, đầu tư cần
thiết và có phương pháp trong công tác bảo tồn. Công việc này đòi hỏi sự tham
gia của nhiều ngành trong đó nhiệm vụ hàng đầu thuộc về ngành Văn hóa thông
tin, giáo dục đào tạo, du lịch, tài chính, các đoàn thể chính trị… Công tác bảo
tồn còn nhiều khó khăn trước mắt đòi hỏi công việc phải được tiến hành một
cách lâu dài cẩn trọng, tuân thủ đúng luật di sản văn hóa trong khi hệ thống di
sản tại Hà Nội vô cùng phong phú và đa dạng. Vì vậy phải xác định và lựa chọn
các di tích tiêu biểu trên từng địa phương hay từng loại hình tiêu biểu, qua đó
phân loại để tập trung đầu tư tu bổ và bảo tồn có hiệu quả.
Quán triệt tinh thần bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa trong nền kinh
tế thị trường phải theo định hướng XHCN. Bảo tồn các giá trị văn hóa không
phải chỉ có ý nghĩa văn hóa mà còn có những lý do kinh tế nhưng không được
chạy theo những giá trị lợi nhuận.
Bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa của Hà Nội phải đặt trong
hệ thống di sản văn hóa cả vùng đồng bằng Bắc Bộ và cả nước. Di sản văn hóa
của Hà Nội trên thực tế không tách rời vùng văn hóa châu thổ sông Hồng, một
số loại hình di sản lại có phạm vi ảnh hưởng rộng lớn như các loại hình nghệ

thuật múa rối nước, hát ca trù, hát chèo… Một số loại hình di sản của Hà Nội lại
có ý nghĩa biểu tượng đối với cả nước như Văn miếu Quốc tử giám là biểu
tượng của truyền thống giáo dục Việt Nam…
Nhóm giải pháp chuyên sâu cho các hoạt động bảo tồn bao gồm: tiếp tục
tiến hành tổng kiểm kê, phân loại các loại hình di sản đang có và tiếp tục sưu
tầm các di sản văn hóa còn chưa được biết đến, lập hồ sơ khoa học đầy đủ về
các di sản đó theo tiêu chí đã quy định của Luật di sản văn hóa và bộ Văn hóa
thể thao và du lịch. Hà Nội đang trong quá trình hiện đại hóa, đô thị hóa nhanh


chóng làm mất dần đi các dấu tích vật chất hiện hữu và các nhân chứng sống, vì
vậy công việc này phải được tiến hành sớm.
Đối với các loại hình di sản văn hóa phi vật thể cần phải được vật thể hóa.
Đây là cách để tiến hành điều tra, sưu tầm, ghi chép về những kỹ năng, kỹ thuật,
nghệ thuật, những tri thức do các nghệ nhân sử dụng trong quá trình diễn xướng
các loại hình nghệ thuật dân gian hay chế tác các loại hình thủ công truyền
thống. Công việc vật thể hóa này được sử dụng các loại máy móc thiết bị
phương tiên ghi âm ghi hình hiện đại nhằm giúp chúng ta lưu giữ và tái hiện tốt
hơn.
Xây dựng, quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa căn cứ
vào kết quả của việc kiểm kê phân loại. Công việc bảo tồn còn phải đảm bảo
tính nguyên gốc, giá trị lịch sử, cách thể hiện sinh động và tạo cảnh quan môi
trường hấp dẫn. Thực hiện tốt việc này phải kết hợp nghiên cứu, sưu tầm về nội
dung các sự kiện hiện vật có liên quan đến không gian thời gian của di tích và
tiến hành trưng bày các hiện vật đó. Kết hợp nghiên cứu cảnh quan môi trường
để tạo cho di tích một không gian phù hợp tăng cường sự hấp dẫn nhằm lôi cuốn
sự chú ý của khách tham quan.
Trong hệ thống di sản văn hóa Hà Nội có rất nhiều di sản đang dưới sự sở
hữu hay quản lý trực tiếp của các cá nhân hay các tổ chức cơ quan ngoài ngành
văn hóa. Do vậy cần phải có một cơ chế quản lý hợp lý, phương thức bảo tồn

phù hợp và phải được xã hội hóa công tác bảo tồn.
Tăng cường đầu tư ngân sách cho việc bảo tồn phát huy giá trị di sản văn
hóa. Việc đầu tư cũng phải được xây dựng trên một cơ chế chính sách về ngân
sách, tài chính và đưa ra những chế định chặt chẽ, phân minh kể cả đối tượng
đầu và tỉ lệ phân phối đầu tư. Đối tượng được đầu tư phải được tiến hành trên ba
khâu công tác sau: hoạt động nghiên cứu điền dã khảo sát, xây dựng hồ sơ - hoạt
động bảo tồn tu bổ - hoạt động phát huy giá trị di sản.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong nhân dân về ý nghĩa và giá trị của
các di sản văn hóa. Tổ chức khai thác phát huy giá trị di sản trước hết phải nhằm
vào thế hệ trẻ. Ngành giáo dục đào tạo cũng như Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cần


có kế hoạch trong từng năm tổ chức cho học sinh thăm quan, sinh hoạt ngoại
khóa, tổ chức gắn việc dậy học với việc giới thiệu các giá trị di sản văn hóa của
Hà Nội.
Đổi mới tổ chức và hoạt động của ngành văn hóa trong việc bảo tồn và
phát huy giá trị các di sản văn hóa. Lựa chọn các biện pháp và hình thức phù
hợp cho các loại hình di sản khác nhau nhưng cũng gắn việc bảo tồn di sản văn
hóa vật thể với di sản văn hóa phi vật thể. Xử lý tốt quan hệ giữa quy hoạch,
phát triển đô thị với bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa.



×