1 / 120
Đô thị hóa, hiện đại hóa - Thách thức và cơ hội
với việc bảo tồn di sản văn hóa ở Việt Nam
Hiện đại hóa gắn liền với công cuộc công nghiệp hóa - yếu tố
căn bản biến xã hội tiểu nông thành xã hội hiện đại là một
quá trình mở, liên tục và không giới hạn, không mang tính
chất tĩnh, không là thành tựu "làm một lần xong ngay".
Hiện đại hóa, đô thị hóa là việc làm liên tiếp nhiều thế hệ,
mang nhiều diện mạo khác nhau, và cũng tạo ra những kết
quả khác nhau. Ðây là những thách thức lớn đối với công
cuộc bảo tồn văn hóa truyền thống.
Thách thức và cơ hội
Trong những thay đổi tiện nghi hơn về điều kiện sống, con
người trong xã hội hiện đại dễ chấp nhận sự thay thế các yếu tố
truyền thống bằng các nhân tố mới. Trước luồng gió hiện đại
hóa, đô thị hóa tốc độ cao với những sự hấp dẫn nhiều lúc không
cưỡng nổi, sự chống cự của các giá trị truyền thống dường như
trở nên yếu ớt, thậm chí bị lãng quên. Diện mạo xã hội thay đổi
nhanh thậm chí từng ngày, từng giờ. Những sản phẩm vật chất
của cộng đồng như các công trình xây dựng, các di tích lịch sử
văn hóa, khung cảnh làng xã, đô thị được hình thành qua cả một
thời gian dài của lịch sử có vẻ như có thể bị xóa bỏ rất nhanh
trong một thời gian ngắn, có thể coi là khoảnh khắc đối với lịch
sử.
2 / 120
Như vậy thách thức của hiện đại hóa, đô thị hóa đối với bảo tồn
di sản văn hóa là rất lớn. Tuy nhiên, cần bình tĩnh nhìn nhận,
phân tích một cách đầy đủ hơn về tác động của hiện đại hóa, đô
thị hóa. Trước hết, đô thị hóa có thể coi là nhu cầu tự nhiên, tất
yếu của sự phát triển kinh tế xã hội. Vấn đề là làm sao để quá
trình đô thị hóa diễn ra một cách hữu cơ với những cái đã có và
đang tồn tại để có thể cùng phát triển một cách bền vững. Thật
ra luồng gió của đô thị hóa có thể làm thay đổi nhanh diện mạo
của một khu vực nào đó, song nó không thể dễ dàng và nhanh
chóng làm đổi thay cách sống, cách nghĩ của cộng đồng nơi đó,
có nghĩa là đô thị hóa là nguy cơ tiềm ẩn công phá vào thành trì
của xã hội truyền thống nhưng không dễ hay đúng hơn là không
thể tác động đến mức làm thay đổi ngay được văn hóa truyền
thống.
Trước hết hiện đại hóa đã dẫn dắt xã hội vận hành theo một nền
kinh tế hiện đại do đó có khả năng tạo ra tư duy hiện đại. Hiện
đại hóa gắn liền với công nghiệp hóa tạo ra cơ sở vật chất, hạ
tầng xã hội tốt hơn. Hiện đại hóa tạo điều kiện cho những suy
nghĩ rộng mở, tự do hơn. Tất cả cái đó tạo điều kiện tốt và thuận
lợi để thực hiện mọi hoạt động xã hội trong đó có hoạt động bảo
3 / 120
tồn văn hóa truyền thống. Ðặc biệt, trong làn sóng hiện đại hóa
mà ngày nay cùng với nó là toàn cầu hóa, những giá trị truyền
thống, bản sắc vùng miền hay cộng đồng lại càng trở nên nổi bật
hơn. Trong các sản phẩm du lịch của các quốc gia khác nhau,
những vấn đề về phương tiện đi lại, tiện nghi ăn ở, dịch vụ đã
trở nên đồng nhất, nhưng cái khác biệt nổi lên của từng sản
phẩm là văn hóa đặc trưng của mỗi quốc gia, mỗi địa phương -
văn hóa truyền thống.
Thực tế ở Việt Nam
Ở Việt Nam có nhiều bài học về bảo tồn và phát huy giá trị lịch
sử, văn hóa truyền thống. Khu phố cổ Hội An với những giá trị
lịch sử, văn hóa đặc sắc đã từng là một thị xã hẻo lánh chẳng
mấy ai quan tâm, một vùng đất bị "bỏ quên", trở nên "hiu hắt"
mặc dù rất gần thành phố Ðà Nẵng sôi động, mới mẻ (sau chiến
tranh) và bãi biển Non Nước hấp dẫn mọi người. Vào những
năm 80 của thế kỷ trước nó được đánh thức bởi Tiểu ban hợp tác
Việt Nam - Ba Lan làm công tác bảo tồn trùng tu di tích. Từ đó
Hội An được quan tâm đặc biệt, đến năm 1999 được công nhận
là Di sản thế giới, nay trở thành điểm đến hấp dẫn đối với mọi
người từ khắp nơi trong và ngoài nước. Ðể được như ngày nay,
ngoài nỗ lực của chính quyền địa phương và hoạt động của các
nhà chuyên môn về bảo tồn di sản, vai trò của người dân sở tại
là hết sức quan trọng. Từng người Hội An hiểu rằng mảnh đất
của họ, ngôi nhà của họ được mọi người "đến với", cuộc sống
của họ được giàu lên là nhờ Hội An được biết đến là một di sản
thế giới, được quản lý và tổ chức các hoạt động theo hướng bảo
tồn và phát huy giá trị lịch sử văn hóa. Người Hội An đồng
thuận, ủng hộ, hồ hởi chấp hành các quy định của chính quyền
4 / 120
và chung sức cùng Nhà nước trong các chương trình bảo tồn và
phát triển.
Cố đô Huế là một trong những di sản đặc biệt ở miền trung Việt
Nam - di sản đầu tiên của Việt Nam được UNESCO đưa vào
danh sách di sản thế giới. Cái làm nên sự hấp dẫn riêng có của
thành phố này là hệ thống phong phú các di tích lịch sử, văn hóa
đậm đặc các giá trị truyền thống trong một khung cảnh môi
trường thiên nhiên hiền hòa bên bờ sông Hương thơ mộng. Trào
lưu hiện đại hóa, đô thị hóa cũng đã từng là những thách thức
đối với việc bảo tồn di sản ở Huế. Trong bối cảnh đó, việc lập và
phê duyệt quy hoạch tổng thể bảo tồn, phát huy giá trị di tích cố
đô Huế đã được thực hiện. Trong đó, chiến lược tổng thể và
những bước đi ngắn hạn và lâu dài đối với việc bảo tồn di tích
và giữ gìn khung cảnh thiên nhiên vốn có của Huế đã được xác
định. Thêm vào đó, cùng với sự phát triển của giao lưu quốc tế
5 / 120
trong bối cảnh hội nhập, hai năm một lần Festiaval Huế đã được
tổ chức để cộng đồng trong nước và quốc tế gặp gỡ, trao đổi,
chia sẻ những hoạt động văn hóa, nghệ thuật cả truyền thống và
hiện đại trên nền cảnh di sản văn hóa Huế.
Qua các thí dụ trên có thể rút ra được vấn đề quan trọng là trong
sự phát triển kinh tế xã hội, trước sức ép của hiện đại hóa, đô thị
hóa, nếu biết cách đánh thức giá trị truyền thống hay cũng có thể
gọi là "làm mới" giá trị truyền thống (tức là phát huy giá trị
truyền thống trong cuộc sống đương đại) và lấy cộng đồng cư
dân làm trung tâm, để họ trực tiếp tham gia vào công cuộc bảo
tồn thì chúng ta hoàn toàn có thể làm tốt công tác bảo tồn văn
hóa truyền thống trước những thách thức của hiện đại hóa.
Ngoài ra, có sự phối hợp tốt giữa các chuyên gia về bảo tồn với
các nhà quản lý xã hội địa phương; có cách thức để thế hệ trẻ
hiểu rõ về giá trị văn hóa truyền thống và tiếp cận với công tác
bảo tồn văn hóa truyền thống sẽ là những cách làm tốt và hiệu
quả.
Trong những ngày này, Hà Nội đang náo nức chào đón "cột
mốc" nghìn năm tuổi. Là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa
của cả nước, Hà Nội liên tục đổi thay và tất yếu phải chuyển
mình theo xu hướng hiện đại hóa, đô thị hóa. Trước những thách
thức của hiện đại hóa, đô thị hóa, việc bảo tồn văn hóa truyền
thống và di sản văn hóa trở nên hết sức quan trọng, đòi hỏi sự
thích ứng và có những bước đi phù hợp. Những vấn đề đã phân
tích ở trên sẽ là những bài học thực tế rất bổ ích đối với việc bảo
tồn di sản văn hóa ở Hà Nội trước sức ép của đô thị hóa. Nói
6 / 120
cách khác là cần hiểu rõ con đường đang đi trong quá trình vừa
bảo tồn di sản văn hóa vừa phát triển kinh tế xã hội.
Hiểu rõ con đường đang đi luôn tạo ra những bước tiến vững
chắc, tạo ra sự phát triển bền vững. Hiểu rõ con đường đang đi
luôn tạo cho ta niềm tin và bản lĩnh đối mặt với những thách
thức, nắm lấy cơ hội để hướng tới tương lai. Lịch sử tiếp tục
được viết nên với những trang giàu thông điệp của thời gian và
văn hóa truyền thống, giá trị truyền thống tiếp tục được lưu
truyền, tỏa sáng và trường tồn.
Lê Thanh Vinh
(Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích Việt Nam)
Theo báo Nhân dân
Tổng Giám đốc UNESCO thế giới: Thận trọng khi bảo tồn
di sản
Trong thời gian ngắn ngủi lưu lại Việt Nam sau khi trao
bằng công nhận Di sản văn hóa thế giới cho khu di tích
Hoàng thành Thăng Long, nữ tổng giám đốc đầu tiên của
UNESCO thế giới - bà Irina Bokova - đã có cuộc trò chuyện
cùng PV.
* Bà vừa trở về từ chuyến thăm vịnh Hạ Long - di sản thiên
nhiên thế giới. Qua chuyến đi này, bà đánh giá thế nào về
công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản ở Việt Nam?
Vịnh Hạ Long là một cảnh quan độc đáo và phi thường. Tôi tin
chính quyền địa phương làm việc chặt chẽ với Ban quản lý di
sản thế giới. Nhưng chúng tôi cũng thảo luận về các thách thức
phải đối mặt. Lượng du khách khổng lồ thể hiện sự thành công
7 / 120
của di sản ở phương diện tạo công ăn việc làm, thúc đẩy kinh tế
địa phương và nâng cao sự hiểu biết của người dân về di sản,
nhưng mặt khác cũng tạo ra nhiều vấn đề về môi trường.
Tôi nghĩ các bạn cũng nhận ra những thách thức đó. Về phía
UNESCO, chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ các bạn. Nói tóm lại, tôi
cho rằng thách thức lớn nhất là làm sao hòa hợp giữa mục tiêu
bảo tồn và hiện đại hóa.
* Trong cuộc họp hồi tháng 8 tại Brazil, thung lũng Elbe của
Dresden (Đức) đã chính thức bị loại khỏi danh sách di sản thế
giới. Bài học cho Việt Nam thông qua sự kiện đáng tiếc này là
gì, thưa bà?
Vấn đề với thung lũng Elbe không phải là thiếu vắng sự quản lý
hay quy hoạch, mà là ở cây cầu xây mới khiến cảnh quan bị thay
đổi. Thiết kế và xây dựng của cây cầu đó đã phá hỏng tính
nguyên vẹn của khu vực. Chúng tôi muốn các bạn thật thận
trọng khi bảo tồn các di sản. Điều đó không có nghĩa là
UNESCO phản đối sự hiện đại hóa, vấn đề là việc xây dựng mới
phải đảm bảo không phá hoại cảnh quan.
8 / 120
Cho dù các bạn định làm gì, lời khuyên của tôi là tham vấn với
Ủy ban Di sản thế giới. Như trường hợp cầu Bãi Cháy ở Hạ
Long. Ban đầu cũng có nhiều băn khoăn về ảnh hưởng của nó
nhưng tôi có thể thấy cây cầu rất hòa hợp với cảnh quan chung.
Tôi cho rằng Chính phủ Việt Nam đã đúng khi tham vấn trước
với Ủy ban Di sản thế giới về việc này.
* Bà từng nói lấy làm tiếc vì văn hóa không được đưa vào
thành một mục tiêu thiên niên kỷ. Xin bà cho biết tại sao và
theo bà, việc giữ gìn di sản văn hóa có ý nghĩa như thế nào
với tương lai của một quốc gia như VN?
Tôi nói điều đó nhiều lần bởi tôi tin văn hóa có mối liên hệ chặt
chẽ với phát triển. Chẳng hạn trong tăng trưởng kinh tế, văn hóa
góp phần tăng thu nhập. Ở Việt Nam du lịch dựa phần lớn vào
văn hóa. Tôi cũng được biết du lịch mang lại 5,5% GDP cho các
bạn. Các sự kiện, lễ hội văn hóa chiếm một tỉ lệ quan trọng trong
thu nhập của nền kinh tế.
Không những vậy, trong thế giới toàn cầu hóa chúng ta phải có
kiến thức và văn hóa làm nền tảng để hội nhập. Các bạn sẽ có
thêm cảm hứng và động lực để bước tới tương lai, khi biết mình
có trong tay những di sản văn hóa đáng tự hào.
Vì thế tôi tin bảo tồn văn hóa, kể cả văn hóa vật thể và phi vật
thể, là vô cùng quan trọng cho sự phát triển của mỗi đất nước.
Đa dạng văn hóa là yếu tố thiết yếu trong toàn cầu hóa, bởi nếu
không tất cả chúng ta sẽ trở nên đơn điệu. Bởi vậy trong kỳ họp
Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc vừa qua ở New York (Mỹ), chúng
tôi đã tổ chức buổi thảo luận quan trọng về mối liên hệ giữa văn
9 / 120
hóa và phát triển. Rất đáng mừng là lần đầu tiên, sau hàng tháng
trời thuyết phục và trình bày với các quốc gia khác nhau rằng
giữa văn hóa và phát triển có sự liên hệ mạnh mẽ, một đoạn
trong văn kiện của đại hội đồng đã được dành cho chủ đề này.
* Hiện nay khi VN vừa trở thành nước có thu nhập trung
bình, UNESCO có thay đổi cách tiếp cận và hỗ trợ với VN
không?
Đó cũng là một thách thức lớn đối với chúng tôi. Mục tiêu của
Liên Hiệp Quốc nói chung và UNESCO nói riêng là tăng
trưởng. Tuy nhiên, theo tôi, mục tiêu đó có tính hai mặt: tăng
trưởng kinh tế nhanh luôn tạo ra sự bất bình đẳng trong xã hội.
Điều thiết thực nhất mà chúng tôi có thể làm là hỗ trợ các nhóm
thiệt thòi tăng tính cạnh tranh trong thời đại hội nhập hiện nay.
Trong đó, giáo dục là một công cụ tuyệt vời để hỗ trợ những
người bị tụt lại phía sau, giúp họ hội nhập thành công, từ đó tạo
ra sự công bằng trong xã hội.
Chúng tôi đang làm điều đó ở nhiều nơi trên thế giới, những
nước có thu nhập thấp hoặc trung bình như Việt Nam, Brazil, Ấn
Độ Nếu với các nước lạc hậu chúng tôi hướng tới mục tiêu
“giáo dục cho tất cả” thì ở Việt Nam mục tiêu hướng đến là chất
lượng giáo dục. Tùy điều kiện và hoàn cảnh mỗi nước, sự hợp
tác sẽ có sự điều chỉnh.
Theo TT
Bảo tồn là lưu giữ, truyền dạy và chấp nhận
10 / 120
Bảo tồn "tĩnh" hay "động", lưu giữ nguyên trạng hay chấp
nhận biến thái hiện vẫn đang là những tranh luận và lựa
chọn giữa các nhà khoa học, giữa các địa phương và ngay
trong các cộng đồng dân cư đang sở hữu di sản văn hóa phi
vật thể. Trong khi đó, càng ngày các giá trị văn hóa phi vật
thể càng đối diện nhiều hơn với những nguy cơ mai một,
thậm chí, thất truyền. Nghiêng về góc nhìn đi đến sự thích
ứng với điều kiện xã hội hiện đại, GS.TS Ngô Ðức Thịnh, Ủy
viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, nguyên Viện trưởng
Viện Văn hóa Việt Nam, cho rằng: phải đi bằng cả "hai
chân", lưu giữ và truyền dạy.
PV: Thưa Giáo sư, các di sản văn hóa phi vật thể đang phải
chịu những tác động nặng nề từ chính sự phát triển của xã
hội hiện đại?
GS.TS Ngô Ðức Thịnh: Xã hội nào cũng thế, đều có những
bước ngoặt trong tiến trình phát triển. Xã hội Việt Nam, theo tôi,
lại đang trong bước chuyển đổi "kép": từ truyền thống sang hiện
đại, đồng thời, từ chủ nghĩa xã hội quan liêu bao cấp sang kinh
tế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, hiện thực hơn, nhân
văn hơn. Do vậy, tạo nên những biến đổi trên các phương diện
từ con người, kinh tế, xã hội trong sự chuyển đổi to lớn đó,
văn hóa tất yếu phải chuyển đổi để thích ứng. Văn hóa phi vật
thể, tuy cũng là kết quả của sáng tạo con người, nhưng khác với
văn hóa vật thể, những kết quả của sáng tạo ấy không được
khách thể hoá (nói theo từ chuyên môn, nghĩa là nó vẫn tiềm ẩn
ngay trong chính bản thân con người). Mà con người thì hữu hạn
và mong manh lắm. Trong nghiên cứu, chúng tôi hay nói điều
này: Có khi một con người nằm xuống, họ đã mang theo cả một
11 / 120
gia tài của dân tộc, quốc gia. Một điểm cần được lưu ý nữa khi
nhìn nhận về văn hóa Việt Nam, là chúng ta đang chịu tác động
của văn hóa phương Tây. Khác với phương Tây, khi họ chuyển
từ xã hội truyền thống sang xã hội hiện đại, thì vẫn là bước
chuyển từ "cái của tôi" sang "cái của tôi". Xã hội Việt Nam, với
bước chuyển từ xã hội nông nghiệp sang xã hội công nghiệp, là
bước chuyển từ cái đã có - của mình, sang một cái mới hoàn
toàn khác biệt - không phải của mình. Tất nhiên, khi tiếp nhận
vào Việt Nam thì các giá trị mới đó ít nhiều đã được "Việt Nam
hoá", nhưng dù sao thì đó vẫn là mô hình văn hóa có nguồn gốc
phương Tây. Sự nhiễu loạn về văn hóa, như nhiều người than
phiền, hiện có một phần nguyên nhân từ cách làm của chúng ta,
một phần, từ sự tất yếu của một giai đoạn xã hội chuyển đổi. Với
văn hóa phi vật thể, không thể tránh khỏi việc phai nhạt, mất đi
nhiều giá trị.
PV: Làm thế nào bảo tồn được các di sản của truyền thống,
khi mà, theo như giáo sư vừa nói: văn hóa phi vật thể tồn tại
trong chính con người, còn con người, lại rất mong manh ?
GS.TS Ngô Ðức Thịnh: Có một mệnh đề rất quan trọng là bảo
tồn văn hóa phi vật thể chính là bảo vệ những con người đang
lưu giữ các giá trị đó. Cần nhận thức rằng, việc mất đi của một
số giá trị văn hóa phi vật thể là quy luật tất yếu. Chúng ta, khi
nhận thức được, chỉ có thể bằng các hoạt động chủ quan, với
nhiều hình thức để cố gắng lưu giữ lại. Như kinh nghiệm một số
đồng nghiệp ở Trung Quốc trao đổi với tôi, họ nói rằng: Trong
quá trình hiện đại hóa thì việc mất đi các giá trị văn hoá phi vật
thể là điều đã được đoán trước, nên hiện họ đang cố gắng tư liệu
hóa đến mức có thể để lưu giữ lâu dài. Hiện họ có những bộ
12 / 120
sách mô tả lại một điệu múa, bài dân ca chi tiết đến mức họ tự
tin nói rằng, 1.000 năm nữa, căn cứ vào đó cũng có thể phục
dựng lại được. Cá nhân tôi cho rằng, họ có lý. Và trên thực tế,
tôi cũng đã nhận được nhiều lời yêu cầu giúp đỡ phục dựng lại
một số di sản văn hoá phi vật thể, nhưng tìm trong tư liệu lịch sử
thì hầu như không có. Thế nên, hiện tôi đưa ra hai phương pháp
bảo tồn văn hóa phi vật thể: một, phương pháp bảo tồn tĩnh:
quay phim, chụp ảnh, ghi chép để tư liệu hóa thật chi tiết (khi có
nhu cầu, thì căn cứ vào đó để phục dựng); hai, bảo tồn động:
đưa nó về với cộng đồng. Vì, cộng đồng chính là chủ thể của di
sản, không ai có thể thay thế họ. Tất nhiên, khi bảo tồn trong
cộng đồng thì nó sẽ biến đổi, nhưng "cái hồn" của di sản vẫn sẽ
được người dân lưu giữ. Còn cố níu giữ cái cũ, mà người dân
không chấp nhận, thì cũng không được. Có thể, qua quá trình
phát triển, nó sẽ gắn với một tâm thức khác. Vấn đề là ta phải
chủ động tạo điều kiện cho nó kế thừa, và nhập vào xã hội mới.
PV: Từ góc nhìn của một nhà khoa học, giáo sư đánh giá như
thế nào về mối quan hệ giữa văn hóa và du lịch, hiện nay?
GS.TS Ngô Ðức Thịnh: Bản chất của văn hóa và du lịch không
đối lập nhau. Cũng như hiện nay đang có câu chuyện về sự xung
đột giữa bảo tồn và phát triển. Về bản chất, hai vấn đề này
không phải là hai véc-tơ trái chiều, nhưng nhiều khi, do cách
làm chưa phù hợp, chúng ta đã biến nó thành như vậy. Liên quan
đến vấn đề này, tôi nhớ ông G. Côn-đô-mi-nát, tại cuộc hội thảo
khoa học dịp UNESCO công nhận Huế là di sản văn hóa thế
giới, đã nói: trong du lịch văn hóa, các bạn đang có một quan
điểm rất sai lầm, đó là: các bạn muốn để người nước ngoài
chúng tôi đến, nên các bạn cố gắng nghĩ xem chúng tôi cần cái
13 / 120
gì, và các bạn làm theo. Trong khi, để cho chúng tôi thích, thì
các bạn phải làm cái mà các bạn có, các bạn thích và với tất cả
tâm hồn, tình cảm của các bạn. Bởi, cái mà chúng tôi đi tìm
chính là bản sắc văn hóa, là nét độc đáo trong tâm hồn của người
Việt Nam. Tôi cho rằng, đó là một nhận xét hoàn toàn đúng. Vì
bản chất của văn hóa là nơi con người thể hiện bản sắc, tâm hồn,
tình cảm, khát vọng của mình. Chúng ta đang bỏ ra rất nhiều
tiền để phục dựng lại nhiều di sản diễn xướng, lễ hội, nhưng lại
trở thành một thứ sản phẩm sân khấu hóa. Ðiều đó rất nguy
hiểm, bởi các sản phẩm văn hóa đó, thực chất, rất trống rỗng.
Việc phục dựng và trả tiền cho nghệ nhân biểu diễn là bất khả
kháng, nhưng phải làm sao để những người biểu diễn đó hiểu
đây không phải chỉ thuần túy là một việc làm nhằm mục đích
tăng thêm thu nhập, mà còn là một sinh hoạt văn hóa, để họ có
thể thể hiện phần nào "cái hồn" của di sản đó. Ðể có thể gắn kết
hiệu quả việc bảo tồn văn hóa với hoạt động du lịch, theo tôi,
điều quan trọng nhất là phải xác định rõ: lợi ích (vật chất và tinh
thần) thuộc về ai? Khi người dân ý thức được giá trị, lợi ích của
việc mình làm, thì họ sẽ tự biết bảo vệ, và khi đó, di sản sẽ được
bảo tồn theo cách bền vững nhất.
PV: Liên quan đến một "câu chuyện" đang được xem là thời
sự của đời sống văn hóa: các di sản Việt Nam được UNESCO
công nhận, theo giáo sư, trong niềm vinh dự, và cơ hội lớn đó,
có tiềm ẩn những nguy cơ?
GS.TS Ngô Ðức Thịnh: Việc UNESCO công nhận các di sản
văn hóa Việt Nam (cả vật thể và phi vật thể) vào danh sách các
di sản văn hóa thế giới là niềm vinh dự lớn. Ðiều này đã tạo nên
một "xung" tác động lớn đến nhận thức xã hội về vấn đề bảo vệ
14 / 120
di sản. Việc cố gắng giới thiệu di sản của chúng ta để UNESCO
nhìn nhận và công nhận là việc khó, nhưng khó hơn vẫn là sau
khi được công nhận thì sự cam kết bảo vệ nó như thế nào. Cần
nhìn nhận rằng, việc bảo vệ di sản là nhiệm vụ của chúng ta,
chúng ta làm vì chính chúng ta, chứ không phải đơn thuần vì
mục tiêu được công nhận, hay những sức ép từ góc nhìn của các
chuyên gia, tổ chức quốc tế. Thêm nữa, nếu không tỉnh táo, thì
cái được sẽ rất ít, mà cái mất lại nhiều hơn, nhất là khi đưa văn
hóa vào du lịch. Chính ở đây, và trong giai đoạn này, sẽ thử
thách bản lĩnh của văn hóa, con người Việt Nam.
PV: Xin cảm ơn giáo sư.
Theo Nhân dân điện tử
Các tin đã đưa
Những thách thức bảo tồn di sản
Đại Đoàn Kết - 13 tháng trước
"Tuần Văn hóa và Phát triển” lần đầu tiên được tổ chức tại
Việt Nam sẽ khép lại vào chiều nay (9-3) với lễ ký kết dự án
hợp tác "Phát triển du lịch bền vững ở Di sản Thế giới Mỹ
Sơn”. Trong suốt tuần qua, các chuyên gia trong và ngoài
nước đã có dịp cùng ngồi lại bàn thảo về thực trạng bảo tồn
di sản ở Việt Nam hiện nay. Một trong những vấn đề được
nhiều chuyên gia đề cập chính là bài toán hóc búa giữa phát
triển và bảo tồn di sản.
Facebook Twitter 0 bình chọn Viết bình luận Lưu bài này
15 / 120
"Tuần Văn hóa và Phát triển” lần đầu tiên được tổ chức tại Việt
Nam sẽ khép lại vào chiều nay (9-3) với lễ ký kết dự án hợp tác
"Phát triển du lịch bền vững ở Di sản Thế giới Mỹ Sơn”. Trong
suốt tuần qua, các chuyên gia trong và ngoài nước đã có dịp
cùng ngồi lại bàn thảo về thực trạng bảo tồn di sản ở Việt Nam
hiện nay. Một trong những vấn đề được nhiều chuyên gia đề cập
chính là bài toán hóc búa giữa phát triển và bảo tồn di sản.
Di sản Thế giới Mỹ Sơn
Hiện đại hóa, đô thị hóa đã góp phần mang lại nhiều diện mạo
mới cho xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, quá
16 / 120
trình hiện đại hóa lại là những thách thức lớn đối với công cuộc
bảo tồn di sản văn hóa truyền thống. Trong khuôn khổ "Tuần
Văn hóa và Phát triển”, các nhà khoa học, các nhà quản lý đã
đưa ra những giải pháp, khuyến nghị cho việc bảo tồn và phát
huy di sản văn hóa tại Việt Nam một cách có hiệu quả nhất trong
quá trình hiện đại hóa, đóng góp vào quá trình xây dựng chiến
lược gắn văn hóa với sự phát triển bền vững.
Theo nhận định của nhóm nghiên cứu của UNESCO, ở Việt
Nam hiện nay "chưa có một hiểu biết chung về mối quan hệ
giữa bảo tồn, phát triển và hiện đại hóa. Thậm chí, một vài cơ
quan hữu quan xem việc bảo tồn di sản văn hóa như một sự đối
lập với quá trình hiện đại hóa”. Tuy nhiên, không phải lúc nào
việc bảo tồn di sản cũng đối lập với công cuộc đô thị hóa. Theo
nhà sử học Dương Trung Quốc: "có trường hợp những thay đổi
trong xã hội hiện đại đã tạo ra hiệu ứng rất tích cực trong việc
bảo tồn di sản, mà việc xây dựng cáp treo Yên Tử góp phần bảo
vệ cảnh quan môi trường tại đây là một ví dụ ”. Vì vậy, nhà sử
học Dương Trung Quốc cho rằng: chúng ta "cần bình tĩnh phân
tích để khắc phục những mâu thuẫn từ nhỏ đến lớn trong bài
toán bảo tồn - phát triển”.
17 / 120
Rước kiệu trong Lễ Giỗ tổ Hùng Vương
Sau quá trình nghiên cứu một số di sản ở Việt Nam, các nhà
khoa học đã nhận thấy ba nhóm vấn đề lớn ảnh hưởng đến việc
bảo tồn di sản văn hóa hiện nay, đó là: Quan điểm và phương
pháp bảo tồn văn hóa; Sự thay đổi kinh tế - xã hội và văn hóa và
Sự phát triển của kinh tế du lịch. Đa phần các nhà khoa học đều
thống nhất về quan điểm và phương pháp bảo tồn cần đảm bảo
tính đa dạng văn hóa, đảm bảo tính tổng thể của di sản văn hóa
và cần có sự tham gia của cộng đồng. Theo PGS Nguyễn Văn
Huy - chuyên gia về bảo tồn di sản văn hóa: những nhược điểm
trong công tác bảo tồn di sản của Việt Nam đã được các nhà
nghiên cứu văn hóa nhận thấy từ lâu và rất khó có thể giải quyết
triệt để. Bởi, việc bảo tồn di sản không chỉ của riêng ngành văn
hóa, mà còn liên quan tới nhiều ngành, trong đó, không thể
không nhắc đến vấn đề xung đột giữa bảo tồn di sản và sự phát
triển trong xã hội hiên đại.
18 / 120
Đề cập tới việc bảo tồn di sản, theo các chuyên gia: việc chia sẻ,
việc thụ hưởng các lợi ích từ di sản văn hóa cũng là một yếu tố
căn bản để duy trì và thúc đẩy sự tham gia chủ động của cộng
đồng và các bên liên quan vào bảo tồn và phát huy di sản văn
hóa. Muốn nhận được sự ủng hộ của cộng đồng, các cơ quan
quản lý, cần có những cơ chế đảm bảo việc chia sẻ một cách hợp
lý về lợi ích, đặc biệt là lợi ích kinh tế, giữa chủ nhân của di sản
với các bên liên quan. Ngoài ra, việc giáo dục cho thế hệ trẻ hiểu
rõ về giá trị văn hóa truyền thống cũng là một trong những việc
hữu ích giúp công tác bảo tồn văn hóa truyền thống đạt hiệu quả
tốt.
19 / 120
Hội Gióng
Trong khi nhiều người tỏ ra khá lo lắng về vấn đề đô thị hóa với
việc bảo tồn di sản văn hóa ở Việt Nam, KTS Lê Thành Vinh
(Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích Việt Nam) lại tỏ ra khá lạc
quan: Vấn đề quan trọng là trong sự phát triển kinh tế - xã hội,
trước sức ép của hiện đại hóa, đô thị hóa, nếu biết cách đánh
thức giá trị truyền thống hay cũng có thể gọi là "làm mới” giá trị
truyền thống (tức là phát huy giá trị truyền thống trong cuộc
sống đương đại) và lấy cộng đồng cư dân làm trung tâm, để họ
trực tiếp tham gia vào công cuộc bảo tồn thì chúng ta hoàn toàn
có thể làm tốt công tác bảo tồn văn hóa truyền thống trước
những thách thức của hiện đại hóa.
NGUYỄN LONG
Vai trò cộng đồng trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản
văn hóa Thăng Long – Hà Nội
12:50, 08 Tháng Mười 2012
(DSX)- “Vai trò cộng đồng trong bảo tồn và phát huy giá trị
di sản văn hóa Thăng Long – Hà Nội” là chủ đề của hội thảo
khoa học thực tiễn được tổ chức ngày 7/10
20 / 120
Hoàng Thành Thăng Long.
Nguồn:Đất Việt
Theo đó, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các đại biểu
tham dự hội thảo cho rằng, vai trò quản lý của các cấp
chính quyền là rất quan trọng nhưng ý thức bảo vệ của
cộng đồng, khách du lịch và dân cư nơi có di tích là vấn đề
cốt lõi để bảo tồn và phát huy những giá trị của di sản văn
hóa.
Hà Nội, thủ đô ngàn năm văn hiến có tới5.175 di tích lịch
sử, văn hóa trên địa bàn 29 quận, huyện, thị xã; có 1.165 di
tích được xếp hạng cấp quốc gia và trên 1.000 di tích được
xếp hạng cấp thành phố; trong đó, Di tích Hoàng Thành
Thăng Long còn được công nhận là Di sản văn hóa thế
giới. Đây vừa là thế mạnh, nhưng cũng là thách thức cho
thành phố trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị của
di sản. Hiện nay, do thời gian và ý thức cộng đồng nhiều
công trình đang bị xâm lấn và xuống cấp trầm trọng. Thời
gian gần đây, việc trùng tu, tôn tạo, tu bổ các di tích không
theo quy hoạch, không tuân theo các quy định của cơ quan
quản lý đã dẫn đến việc cải tạo thụt lùi, làm mất đi nét đẹp
nguyên bản của di tích như vụ việc Chùa Trăm Gian, chùa
Trầm ở Hà Nội, chùa Ngu Nhuế, đền Mẫu ở Hưng Yên.
Những vụ việc nêu trên đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh
21 / 120
trước sự thờ ơ của cộng đồng trong việc bảo tồn và phát
huy những giá trị văn hóa của di sản.
Du khách thăm Văn Miếu - Quốc Tử
Giám. Nguồn: internet
Trong khuôn khổ hội thảo, nhiều ý kiến thiết thực nhằm
phát huy vai trò cộng đồng trong hoạt động bảo tồn phát
huy giá trị di sản văn hóa đã được đưa ra bàn luận. Đối với
Hà Nội, Ông Lưu Minh Trị, Chủ tịch Hội di sản văn hóa
Thăng Long-Hà Nội, Trưởng Ban tổ chức hội thảo cho rằng
22 / 120
Di sản văn hóa truyền thống Thăng Long-Hà Nội gồm cả
hai loại hình đặc trưng gồm: văn hóa làng và văn hóa đô
thị. Văn hóa làng là đặc trưng của dân tộc Việt Nam. Hà
Nội là Kinh thành nên văn hóa đô thị rất đặc sắc.
Trước sự xuống cấp của di sản và xuống cấp trong lối sống
của một bộ phận không nhỏ giới trẻ trong thời đại ngày
nay, việc tuyên truyền, giáo dục và gắn kết lợi ích của cộng
đồng với di sản chính là giải pháp hợp lý cho đôi bên cùng
tìm được tiếng nói chung nhằm gìn giữ và phát huy những
giá trị di sản cho hiện tại và tương lai. Phó giáo sư, tiến sỹ
Đặng Văn Bài, đã nhấn mạnh cần hiểu rõ hơn vai trò của
cộng đồng, cần thay đổi phương thức tiếp cận từ truyền
thống sang hiện đại cho phù hợp với điều kiện thực tiễn của
xã hội. Sự bền vững của cộng đồng chủ yếu phụ thuộc vào
khả năng thiết lập sự cân bằng giữa lợi ích cá nhân, lợi ích
các nhóm xã hội và lợi ích cộng đồng…
Để tìm được tiếng nói chung đó, các sản phẩm du lịch văn
hóa sẽ là cầu nối gắn kết chặt chẽ giữa cộng đồng – du lịch
văn hóai sản. Thay vì “cất dấu” di tích, hay chờ đợi các
nguồn vốn tài trợ, du lịch văn hóa sẽ đưa các di sản vào
phục vụ cuộc sống, trước nhất là cuộc sống của cộng đồng
dân cư nơi có di sản, sau đó là toàn xã hội. Từ đó, các di
sản phải được bảo vệ, tôn tạo sẽ được đưa gần tới với cộng
đồng, những di tích khô cứng sẽ thành những di sản “sống”
được phục vụ và cống hiến cho cộng đồng, xã hội và nhận
được sự quan tâm, bảo vệ từ cộng đồng./.
BÀO TỒN DI SẢN VĂN HÓA Ở HÀ NỘI
23 / 120
Lưu truyền là bản năng tự nhiên của mọi sự sống. Lưu truyền vô
thức là sự đảm bảo cho tiến hóa. Lưu truyền hữu thức là sự đảm
bảo cho phát triển. Chính sự lưu truyền và phát triển đã kiến tạo
nên nền văn minh của loài người.
Ngàn vạn năm Con người lưu truyền giống nòi, tiếng nói, cách
sống, cách làm ra của cải, những ký ức và truyền thuyết về
những thời đã qua… Đến lúc nào đó, cái đầu và bộ nhớ không
còn đủ chứa chất những gì cần lưu truyền, con người bèn nhờ
cậy đến những mảnh giấy. Đó chính là phương thức lưu truyền
bằng văn tự.
Đình Chu Quyến sau khi được trùng tu (nguồn: Ashui.com)
24 / 120
Thời nay, trong xu hướng mở rộng những lãnh địa của cuộc
sống và trong xu hướng làm chủ đến tận cùng mọi tri thức, con
người vươn tới một hình thái lưu truyền quán xuyến hết thảy, -
đó là sự níu kéo lại, giành giật lấy những gì của cha ông để lại,
lẽ ra phải bị thời gian cuốn đi, để bảo tồn, để phát huy và trao
vào tay các thế hệ mai sau.
Hình thức lưu truyền ấy mệnh danh là Bảo tồn. Đối tượng của
bảo tồn là di sản văn hóa, bao gồm di sản văn hóa phi vật thể, di
sản văn hóa vật thể cùng di sản thiên nhiên.
Trong lịch sử, người ta lưu giữ những báu vật và kỷ vật. Ở thế
kỷ XIX và cho đến cách nay vài thập kỷ, người ta chú trọng bảo
vệ những tuyệt tác nghệ thuật, đặc biệt là các công trình kiến
trúc. Vài thập kỷ gần đây, khái niệm di sản văn hóa được mở
rộng không những sang địa hạt phi vật thể, mà còn bao hàm
những đối tượng không bắt buộc có niên đại xa xưa, không bắt
buộc là kiệt xuất, không bắt buộc phải đẹp và quý giá. Những
tiêu chí cơ bản được sử dụng trong đánh giá di sản là giá trị lịch
sử, giá trị văn hóa, khoa học, nghệ thuật v.v… Di tích và di sản
có thể là những thể loại âm nhạc dân gian hoặc sân khấu, những
cây cầu sắt xây dựng ở thế kỷ XIX, những dãy phố hay khu phố
cổ hoặc cũ… Có thể được liệt vào diện di sản những đối tượng
chưa hẳn có giá trị cho hôm nay, song chắc là sẽ có giá trị kiệt
xuất cho tương lai.
Bảo tồn di sản văn hóa trong sự đa dạng đang là một vấn đề
được quan tâm đặc biệt. Một khi sự đa dạng được đề cao, điều
đó có nghĩa là các thể loại và loại hình di sản khác nhau sẽ được
coi trọng, những di sản khiêm nhường của các dân tộc nhỏ và
của các tộc người sẽ được hưởng sự công bằng trong đánh giá.
Từ sự đa dạng của di sản văn hóa và của bản thân văn hóa, các
25 / 120
dân tộc, to và nhỏ, đều có thể hãnh diện bởi bản sắc riêng của
mình. Bản sắc là sản phẩm của sự lưu truyền và tiến hóa. Bản
sắc thúc đẩy tính đa dạng và ngược lại. Toàn cầu hóa kèm theo
sự đồng nhất hóa. Bản sắc của mỗi dân tộc, mỗi khu vực sẽ là
những đối trọng của nguy cơ phi tự nhiên này. Di sản văn hóa,
một khi được nhận biết và giữ gìn, sẽ là một trong những đảm
bảo cho sự khẳng định và bền vững của bản sắc. Chính vì vậy
mà bảo tồn ngày càng trở thành mối quan tâm của cộng đồng,
của các quốc gia. Nó không còn thuần túy là đối tượng của khoa
học, của văn hóa.
Song, bảo tồn di sản văn hóa với khái niệm mở rộng như ngày
nay cũng đang đặt ra nhiều vấn đề, nhiều câu hỏi cần được trả
lời, để nó thực sự mang tính khả thi.
Chẳng hạn, mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy. Giữa bảo tồn
và tôn tạo. Giữa bảo tồn và phát triển.
Bảo tồn đặt mục đích trước tiên và trên hết là sự giữ gìn nguyên
vẹn, không biến đổi và lâu dài, các di tích. Sự nguyên vẹn được
hiểu là việc duy trì tối đa các đặc điểm của di tích, tính nguyên
gốc và tính thời gian của nó, và đặc biệt, việc lưu giữ lại đầy đủ
những thông tin lịch sử mà nó hàm chứa. Di tích càng có niên
đại xa xưa, càng độc hiếm, thì càng phải bảo tồn triệt để. Các
văn tự cổ được lưu giữ trong những điều kiện không thể bị hủy
hoại, người ta khai thác chúng vào các mục đích khoa học, song
không ai tính đến chuyện biên tập lại hoặc chỉnh sửa chúng. Các
nhạc cụ cổ hoặc dân gian cũng đòi hỏi cách ứng xử tương tự, hễ
chúng được coi là đối tượng của bảo tồn.
Các di tích lịch sử và văn hóa ở dạng bất động sản, như Lam
Kinh ở Thanh Hóa, như tháp Chăm ở Mỹ Sơn, cần được giữ lại