KHÁI QUÁT VỀ CUỘC ĐẤU TRANH GIÀNH ĐỘC LẬP DÂN TỘC
Ở ĐÔNG NAM Á (1945 – 1975)
Trong mười năm đầu sau chiến tranh (1945 – 1954), làn sóng đấu tranh giải phóng
dân tộc đang dâng cao và lan rộng khắp khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, kết quả của
cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc ở mỗi nước rất khác nhau. Trong số các quốc gia ở
Đông Nam Á, trong tháng 8 – 1945 chỉ có Việt Nam và Inđônêxia đã chớp được thời cơ,
giành chính quyền, đưa đất nước trở thành những quốc gia có chủ quyền, đón tiếp quân
Đồng minh vào giải giáp quân Nhật. Nhưng con đường đi đến độc lập dân tộc của hai
nước nêu trên cũng không giống nhau. Ở Inđônêxia, những người lãnh đạo phong trào
độc lập dân tộc không chủ trương giành độc lập dân tộc bằng con đường khởi nghĩa vũ
trang, mà trông chờ vào khả năng được trao trả độc lập từ tay Nhật. Tháng 9 – 1944,
Nhật Bản hứa sẽ trao trả độc lập cho Inđônêxia vào một thời điểm thích hợp. Tuy nhiên,
thất bại của phát xít Đức ở châu Âu đã khiến chính phủ Nhật phải đưa ra một thời điểm
cụ thể để thực hiện lời hứa trước áp lực đấu tranh của nhân dân Inđônêxia. Ngày 11 – 5
– 1945, Chính phủ Nhật tuyên bố sẽ trao trả độc lập cho Inđônêxia vào ngày 1 – 1 –
1946. Đầu tháng 8 – 1945, Ban chuẩn bị độc lập toàn Inđônêxia đã được thành lập với
sự tham dự của đại diện tất cả các vùng của quốc đảo rộng lớn này. Tuy nhiên, những
diễn biến hết sức nhanh chóng của Chiến tranh thế giới thứ hai và thất bại của quân đội
Nhật ở Viễn Đông, đã làm thay đổi tình hình. Ngay sau khi phát xít Nhật đầu hàng vô
điều kiện quân Đồng minh, một nhóm trí thức học sinh, sinh viên yêu nước đã chủ
trương Inđônêxia phải tự đứng lên tuyên bố độc lập, không chờ đợi việc nhận độc lập từ
tay người Nhật. Trước khí thế cách mạng của quần chúng, sáng ngày 17 – 8 – 1945 lãnh
tụ Đảng Quốc dân Xucácnô đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập lịch sử. Nước Cộng hòa
Inđônêxia ra đời trong bối cảnh đó.
Ở Lào, sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, ngày 23 – 8 – 1945, nhân dân
Lào nổi dậy thành lập chính quyền cách mạng ở nhiều địa phương. Ngày 12 – 10 –
1945, nhân dân thủ đô Viêng Chăn khởi nghĩa giành chính quyền. Chính phủ Lào ra mắt
quốc dân và trịnh trọng tuyên bố trước thế giới nền độc lập của Lào.
Ở các nước Đông Nam Á khác, các lực lượng yêu nước và quân đội vũ trang đã
chiến đấu kiên cường, phối hợp với quân Đồng minh chống phát xít Nhật. Tuy vậy, thời
1
cơ giành độc lập ở các nước này đã bị bỏ lỡ. Các nước thực dân đều lần lượt quay trở lại
và áp đặt nền thống trị ở các thuộc địa của mình.
Ở Philíppin, từ tháng 9 – 1944 quân đội Mĩ bắt đầu tấn công quân Nhật với sự hỗ
trợ của lực lượng du kích Hukbalahap (Quân đội nhân dân chống Nhật). Sau khi đánh
bại quân Nhật, Mĩ tiêu diệt lực lượng kháng chiến Hukbalahap, ngăn chặn xu thế phát
triển của cách mạng Philíppin. Tháng 2 – 1945 Philíppin trở lại thời kì tự trị trực thuộc
Mĩ. Tháng 7 – 1946, Mĩ tuyên bố trao trả độc lập cho Philíppin. Trở thành một nước
cộng hòa độc lập, nhưng trên thực tế Philíppin phải phụ thuộc vào Mĩ về nhiều mặt bằng
những hiệp ước, thỏa thuận do người Mĩ soạn thảo.
Ở Mã Lai, thực dân Anh tái chiếm và thiết lập lại nền thống trị thực dân ở thuộc
địa có vị trí quan trọng này từ tháng 12 – 1945. Bằng việc thực hiện chính sách hai mặt
truyền thống đối với các thuộc địa, thực dân Anh tiến hành đàn áp bằng vũ lực đồng
thời thực hiện chính sách chia rẽ cộng đồng, loại trừ lực lượng cánh tả trong phong trào
dân tộc, tiếp tục duy trì nền thống trị thực dân ở Mã Lai trong hơn 10 năm sau chiến
tranh.
Ở Miến Điện, sau khi quay trở lại Miến Điện tháng 12 – 1945, trước sự lớn mạnh
của Liên minh tự do nhân dân chống phát xít, thực dân Anh đã không dùng vũ lực mà
thực hiện chính sách chia rẽ, làm suy yếu lực lượng dân tộc. Trước làn sóng đấu tranh
mạnh mẽ của nhân dân Miến Điện, thực dân Anh phải kí kết Hiệp ước Anh – Miến,
công nhận nền độc lập của Miến Điện tháng 10 – 1947. Tuy nhiên, chính sách chia rẽ
lực lượng dân tộc của thực dân Anh cũng để lại những khó khăn, phức tạp nan giải cho
sự phát triển của Miến Điện những năm tiếp theo.
Như vậy, ngoài ba quốc gia (Inđônêxia, Việt Nam, Lào) đã tiến hành cách mạng
giành chính quyền và tuyên bố độc lập ngay sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết
thúc, ở khu vực Đông Nam Á còn có hai quốc gia là Philíppin và Miến Điện được trao
trả độc lập trong thập niên 40. Chính vì vậy trong những năm tiếp theo, cuộc đấu tranh
giành độc lập dân tộc ở Đông Nam Á vẫn tiếp diễn dưới những hình thức và mục tiêu
đấu tranh khác nhau. Các nước chưa được trao trả độc lập (Mã Lai, Xinhgapo, Brunây)
tiếp tục cuộc đấu tranh kết hợp với thương thuyết hòa bình để giành độc lập dân tộc.
Nhân dân Inđônêxia tiếp tục cuộc đấu tranh đòi thực dân Hà Lan phải công nhận nền
độc lập và chủ quyền của mình về kinh tế, chính trị và ngoại giao.
2
Trong bối cảnh đó, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam
và hai nước Lào, Campuchia trên bán đảo Đông Dương là cuộc chiến đấu quyết liệt nhất
trong lịch sử đấu tranh giành độc lập, tự do của các nước Đông Nam Á lúc bấy giờ. Với
sự trợ giúp của Mĩ, thực dân Pháp phát động một cuộc chiến tranh xâm lược quy mô
lớn, đặt Việt Nam trong một vòng vây khép kín của chủ nghĩa đế quốc, nhằm tiêu diệt
nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á. Sau 8 năm lao vào cuộc
chiến tranh đẫm máu, thực dân Pháp cuối cùng đã phải tìm “lối thoát danh dự” ra khỏi
cuộc chiến bằng hy vọng ở một thắng lợi quân sự để tạo thế trong đàm phán. Điện Biên
Phủ trở thành sự lựa chọn cuối cùng của thực dân Pháp ở Đông Dương. Điện Biên Phủ
là tập đoàn cứ điểm mạnh nhất, có số quân đông nhất, được trang bị phương tiện chiến
đấu hiện đại, đầy đủ nhất, có thời gian chuẩn bị bố trí phòng thủ dài ngày nhất… trong
hệ thống thuộc địa của thực dân Pháp. Chính vì vậy, thất bại của Điện Biên Phủ không
phải chỉ là thất bại của những cố gắng cuối cùng của thực dân Pháp sau bao năm gây
chiến tranh ở Việt Nam, mà còn là sự kiện mở đầu cho sự cáo chung của chủ nghĩa thực
dân cũ trên thế giới. Thực dân Pháp chẳng những phải mất Đông Dương mà phải thay
đổi chính sách dùng vũ lực để đàn áp các dân tộc thuộc địa. Tình hình đó cũng buộc các
nước đế quốc khác như Anh, Hà Lan, Mĩ phải điều chỉnh lại chiến lược của mình đối
với các nước thuộc địa và phụ thuộc. Đối với nhân dân các nước Đông Nam Á, Điện
Biên Phủ là trận đánh lớn nhất trong lịch sử quân sự ở khu vực, đồng thời chứng minh
khả năng chiến thắng của một dân tộc thuộc địa đối với âm mưu dùng vũ lực thực hiện
tham vọng xâm lược của chủ nghĩa thực dân. Điện Biên Phủ đã trở thành một cái mốc
quan trọng trong lịch sử đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, giành độc lập dân tộc ở
Đông Nam Á.
Trong 20 năm tiếp theo (1954 – 1975), các nước Đông Nam Á (trừ Brunây) đã
hoàn thành sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Trên bán đảo Mã Lai, cuộc đấu tranh của các tầng lớp quần chúng nhân dân chống
lại sự thống trị của thực dân Anh, kết hợp với những cuộc đàm phán hòa bình đã buộc
Chính phủ Anh phải tuyên bố trao trả độc lập cho Malaixia. Ngày 31 – 8 – 1957, Liên
bang Malaya tuyên bố độc lập với 11 bang thuộc bán đảo Malacca, đánh dấu sự kết thúc
gần 200 năm thống trị của thực dân Anh.
Ở Xinhgapo, trước sức ép của phong trào đấu tranh của nhân dân và kết quả của
những cuộc thương thuyết với chính quyền thực dân, ngày 3 – 6/ – 1959 Chính phủ Anh
3
tuyên bố trao trả quyền “quốc gia tự trị” cho Xinhgapo. Xinhgapo trở thành quốc gia tự
trị nằm trong khối Liên hiệp Anh.
Ở Brunây, năm 1959 thực dân Anh công bố hiến pháp riêng cho đất nước này. Tuy
nhiên, Brunây vẫn lệ thuộc hoàn toàn vào Anh về chính trị và kinh tế. Do áp lực đấu
tranh của nhân dân Brunây và dư luận quốc tế, năm 1971 chính phủ Anh tuyên bố công
nhận nền độc lập của Brunây, nhưng trên thực tế vẫn giữ nguyên nền thống trị ở quốc
gia này. Phải đến tháng 1/1984 Brunây mới trở thành một quốc gia độc lập.
Tình hình ở khu vực bán đảo Đông Dương lại diễn ra hoàn toàn khác. Sau khi
Hiệp định Giơnevơ về Đông Dương được kí kết, Mĩ trực tiếp can thiệp vào khu vực này
thông qua Tổ chức hiệp ước Đông Nam Á (SEATO). Mĩ áp đặt chủ nghĩa thực dân mới
ở miền Nam Việt Nam, xây dựng miền Nam thành căn cứ quân sự, âm mưu chia cắt lâu
dài Việt Nam nhằm ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản tràn xuống Đông Nam Á. Trong bối
cảnh căng thẳng của cuộc chiến tranh lạnh đang bao trùm toàn thế giới, Việt Nam trở
thành nơi đụng đầu lịch sử giữa hai lực lượng đối địch nhau trên thế giới. Đối với nhân
dân Việt Nam, cuộc kháng chiến chống Mĩ là sự nối tiếp cuộc chiến tranh giữ nước vĩ
đại, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Trong cuộc chiến tranh này, với những
khoản chi phí khổng lồ, nước Mĩ với 5 đời Tổng thống và 4 kế hoạch chiến lược thực
dân mới đã huy động lúc cao nhất tới 55 vạn quân viễn chinh, lôi kéo 5 nước chư hầu
(trong đó có một số nước Đông Nam Á) trực tiếp chiến đấu và làm nòng cốt cho hơn 1
triệu quân ngụy ở miền Nam Việt Nam. Sau hơn 20 năm chiến đấu, cuộc kháng chiến
chống Mĩ của dân tộc Việt Nam đã giành thắng lợi, “như một biểu tượng sáng ngời về
sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử
thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỉ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế
to lớn và có tính thời đại sâu sắc”. Thắng lợi của cách mạng Việt Nam đã tạo điều kiện
thuận lợi cho thắng lợi của cách mạng Lào và Campuchia. Ngày 17 – 4 – 1975, thủ đô
Phnôm Pênh được giải phóng. Ngày 2 – 12 – 1975, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân
Lào được thành lập. Cuộc chiến tranh Đông Dương kết thúc đã mở ra một thời kì mới
trong lịch sử Đông Nam Á.
Như vậy, thực tế lịch sử cho thấy, để giành lại độc lập dân tộc, nhân dân các nước
Đông Nam Á đều phải trải qua cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ vì các cường quốc thực
dân không dễ dàng từ bỏ thuộc địa của mình. Cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do diễn ra
dưới những hình thức khác nhau, tùy thuộc vào điều kiện lịch sử cụ thể của từng nước
4
và tác động của những nhân tố bên trong cũng như bên ngoài khu vực. Đặc biệt là
những tác động của chiến tranh lạnh, trật tự thế giới hai cực và ý đồ chiến lược của các
nước lớn đã ảnh hưởng sâu sắc đến tình hình khu vực và cuộc đấu tranh giành độc lập
của các dân tộc ở Đông Nam Á.
Cuộc đấu tranh giành lại chủ quyền thực sự và đầy đủ còn tiếp diễn trong nhiều
năm sau khi tuyên bố độc lập.
(Trích dẫn theo: Lương Ninh (Chủ biên) (2005),
Lịch sử Đông Nam Á, NXB Giáo dục, tr 412 – 418.)
5