Tải bản đầy đủ (.docx) (6 trang)

QUỐC dân đại hội tân TRÀO THÁNG tám năm 1945

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (107 KB, 6 trang )

QUỐC DÂN ĐẠI HỘI TÂN TRÀO
THÁNG TÁM NĂM 1945)
Đại hội đại biểu quốc dân (Đại hội Quốc dân Tân Trào) diễn ra trong hai ngày
16, 17/8/1945 tại đình Tân Trào, thôn Tân Lập, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên
Quang. Đây là Đại hội mang tầm vóc lịch sử của một Quốc hội, một cơ quan quyền
lực nhà nước lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Để hiểu rõ hơn về Đại hội Quốc dân Tân Trào (tháng 8 năm 1945), nhóm
chúng em xin lần lượt đi vào tìm hiểu lần lượt hoàn cảnh, nội dung, cũng như kết
quả và ý nghĩa của Đại hội. Trong lúc trình bày, không khỏi mắc phải những thiếu
sót nhất định, rất mong thầy cô góp ý, bổ sung để bài làm được hoàn thiện hơn.
Nhóm xin chân thành cảm ơn !

1. Hoàn cảnh diễn ra Đại hội Quốc dân Tân Trào
1.1. Tình hình thế giới
Đầu năm 1945, chiến tranh thế giới thứ 2 bước vào giai đoạn kết thúc. Ở châu
Âu, Hồng quân Liên Xô tiến vào Béc-lin (9/5/1945), chủ nghĩa phát-xít Đức bị tiêu
diệt. Ở châu Á, quân Nhật liên tiếp chịu các đòn tấn công của liên quân Mỹ - Anh,


dần trở nên rệu rã, suy yếu, các thành phố tại Nhật Bản bị uy hiếp, đánh phá. Cục
diện chiến tranh đang chuyển biến có lợi cho các lực lượng chống phát xít, cho
phong trào giải phóng dân tộc.
Ngày 8/8/1945, theo thỏa thuận tại Hội nghị Ianta (từ ngày 4 – 11/2/1945 tại
Liên Xô), Hồng quân Liên Xô tấn công đạo quân Quan Đông tinh nhuệ và hùng
mạnh, sau một tuần lễ, gần 1 triệu quân Nhật ở Mãn Châu (Đông bắc Trung Quốc)
bị phá tan. Ngày 6 và ngày 9/8/1945, Mỹ thả 2 quả bom nguyên tử hủy diệt
Hirosima và Nagaxaki làm hàng vạn người thiệt mạng. Ngày 14/8/1945, Nhật Bản
chấp nhận đầu hàng Đồng minh không điều kiện, chiến tranh thế giới thứ 2 kết
thúc.
1.2. Tình hình trong nước
Tháng 10/1944, nhận thấy thời cơ giải phóng dân tộc sắp đến , Hồ Chí Minh


đã gửi thư cho quốc dân đồng bào, thông báo chủ trương triệu tập Đại hội đại biểu
quốc dân để thành lập “một cơ cấu đại biểu cho sự chân thành đoàn kết và hành
động nhất trí của toàn thể quốc dân… do một cuộc toàn dân đại biểu Đại hội gồm
tất cả các đảng phái cách mệnh và các đoàn thể ái quốc trong nước bầu cử ra. Một
cơ cấu như thế mới đủ lực lượng và oai tín, trong thì lãnh đạo công việc cứu quốc,
kiến quốc, ngoài thì giao thiệp với các hữu bang”[1].
Giữa năm 1945, cao trào kháng Nhật cứu nước đang diễn ra sôi nổi, cơ hội
ngàn năm có một cho nhân dân ta giải phóng dân tộc đang đến gần. Toàn quốc
đang mong đợi một Chính phủ lâm thời cách mạng của nước Việt Nam độc lập.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị phải gấp rút triệu tập Đại hội đại biểu quốc dân để
thành lập Chính phủ lâm thời cách mạng của nước Việt Nam, chậm trễ là bỏ lỡ
nhiều cơ hội thuận lợi.
Ngày 13/8/1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào quyết định
phát động Tổng khởi nghĩa trong cả nước, giành lấy chính quyền trước khi quân
Đông minh vào Đông Dương và ngay đêm hôm đó, Uỷ ban chỉ huy lâm thời Khu
giải phóng đã hạ mệnh lệnh khởi nghĩa. Uỷ ban khởi nghĩa cũng đã ra Quân lệnh
số 1. Quân lệnh viết: “Giờ tổng khởi nghĩa đã đánh! Cơ hội có một cho quân, dân
Việt Nam vùng dậy giành lấy quyền độc lập của nước nhà!... chúng ta phải hành
động cho nhanh, với một tinh thần vô cùng quả cảm, vô cùng thận trọng!... Cuộc
thắng lợi hoàn toàn nhất định sẽ về ta”[2].
Sau khi biết tin Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng Đồng minh, quân Nhật ở Đông
Dương hoàn toàn bị tê liệt, Chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim và tay sai thân Nhật
hoang mang, rệu rã. Thời cơ có một không hai để giải phóng dân tộc đã chín muồi.
Trước tình hình vô cùng khẩn trương đó, chiều ngày 16/8/1945, Đại hội Đại
biểu Quốc dân được triệu tập và chính thức khai mạc tại đình Tân Trào (huyện Sơn
Dương, tỉnh Tuyên Quang).
2. Nội dung của Đại hội Quốc dân Tân Trào


Đại hội Quốc dân Tân Trào diễn ra trong hai ngày 16 – 17/8/1945 tại đình Tân

Trào, thôn Tân Lập, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Tham dự Đại hội có
hơn 60 đại biểu đại diện cho cả 3 miền Bắc – Trung – Nam, đại diện cho các đảng
phái chính trị, các đoàn thể cứu quốc, các dân tộc, tôn giáo và một số kiều bào ta ở
nước ngoài (Thái Lan và Lào).
Tại Đại hội, Trường Chinh – Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương đã đọc
bản báo cáo, trong đó nhấn mạnh hai vấn đề lớn: Tổng khởi nghĩa và bầu Uỷ ban
dân tộc giải phóng. Đảng Cộng sản Đông Dương chủ trương lãnh đạo quần chúng
nhân dân nổi dậy tước vũ khí của Nhật trước khi quân Đồng minh vào Đông
Dương, giành lấy chính quyền từ tay Nhật, lật đổ bọn bù nhìn tay sai của Nhật,
đứng địa vị cầm quyền mà tiếp đón quân Đồng minh vào giải giáp quân Nhật trên
đất Đông Dương. Đại hội đã nghe Hoàng Quốc Việt báo cáo về phong trào Công
nhân, Trần Đức Thịnh về Nông dân, Nguyễn Đình Thi về Văn hoá, Hoàng Đạo
Thuý về Hướng đạo, v.v… Trên cơ sở đó, Đại hội đã tán thành chủ trương Tổng
khởi nghĩa của Đảng Cộng sản Đông Dương và Tổng bộ Việt Minh; đồng thời nhất
trí thông qua 10 chính sách của Việt Minh, bao gồm:
“1. Giành lấy chính quyền, xây dựng một nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà
trên nền tảng hoàn toàn độc lập.
2. Võ trang nhân dân. Phát triển quân Giải phóng Việt Nam.
3. Tịch thu tài sản của giặc nước và của Việt gian, tuỳ từng trường hợp sung
công làm của quốc gia hay chia cho dân nghèo.
4. Bỏ các thứ thuế do Pháp, Nhật đặt ra; đặt một thứ thuế công bằng và nhẹ.
5. Ban bố những quyền của dân cho dân.
- Nhân quyền.
- Tài quyền (quyền sở hữu).
- Dân quyền: Quyền phổ thông đầu phiếu, quyền tự do dân chủ (tự do tín
ngưỡng, tự do tư tưởng, ngôn luận, hội họp, đi lại), dân tộc bình quyền, nam nữ
bình quyền.
6. Chia lại ruộng công cho công bằng, giảm địa tô, giảm lợi tức, hoãn nợ, cứu
tế nạn dân.
7. Ban bố Luật lao động; ngày làm 8 giờ, định lương tối thiểu, đặt xã hội bảo

hiểm.
8. Xây dựng nền kinh tế quốc dân, phát triển nông nghiệp. Mở Quốc gia ngân
hàng.
9. Xây dựng nền quốc dân giáo dục; chống nạn mù chữ, phổ thông và cưỡng
bách giáo dục đến bậc sơ cấp. Kiến thiết nền văn hoá mới.
10. Thân thiện và giao hảo với các nước Đồng minh và các nước nhược tiểu
dân tộc để giành lấy sự đồng tình và sức ủng hộ của họ”[3].
Đại hội đã quyết định thành lập Uỷ ban dân tộc giải phóng Việt Nam do Hồ
Chí Minh làm Chủ tịch, Trần Huy Liệu làm Phó Chủ tịch và các Uỷ viên là:


Nguyễn Lương Bằng, Đặng Xuân Khu, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Dương
Đức Hiền, Chu Văn Tấn, Nguyễn Văn Xuân, Cù Huy Cận, Nguyễn Đình Thi, Lê
Văn Hiến, Nguyễn Chí Thanh, Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Hữu Đang. Thường
trực của Uỷ ban gồm: Hồ Chí Minh, Trần Huy Liệu, Phạm Văn Đồng, Nguyễn
Lương Bằng, Dương Đức Hiền.
Đồng thời, Đại hội cũng quy định Quốc kỳ là lá cờ đỏ có ngôi sao vàng 5
cánh ở giữa, Quốc ca là bài “Tiến quân ca”. Ngày 17/8/1945, Đại hội bế mạc trong
không khí tổng khởi nghĩa sôi sục. Lệnh khởi nghĩa đã truyền đi từ hôm 13/8/1945.
Các đại biểu phải khẩn trương trở về địa phương lãnh đạo nhân dân nổi dậy giành
chính quyền theo ba nguyên tắc: tập trung, thống nhất, kịp thời. Thì giờ rất cấp
bách. Phải hành động cho kịp thời cơ: “Không phải Nhật bại là nước ta tự nhiên
được độc lập: Nhiều sự gay go trở ngại sẽ gây ra. Chúng ta phải khôn khéo và kiên
quyết. Khôn khéo để tránh những sự không lợi cho ta. Kiên quyết để giành cho
được nền hoàn toàn độc lập... Một dân tộc quyết tâm và nhất trí đòi quyền độc lập
thì nhất định được độc lập. Chúng ta sẽ thắng lợi”[4].
Trong buổi bế mạc thay mặt Uỷ ban dân tộc giải phóng Việt Nam, Chủ tịch
Hồ Chí Minh đã đọc lời tuyên thệ: “Chúng tôi là những người được Quốc dân đại
biểu bầu vào Ủy ban dân tộc giải phóng để lãnh đạo cuộc cách mạng của nhân dân.
Trước lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc, chúng tôi nguyện kiên quyết lãnh đạo nhân

dân tiến lên, ra sức chiến đấu chống quân thù, giành lại độc lập cho Tổ quốc. Dù
phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, không lùi bước”[5].
Trước giờ phút đấu tranh quyết liệt và khẩn trương, Hồ Chí Minh, Chủ tịch
Uỷ ban dân tộc giải phóng đã gửi thư kêu gọi quốc dân, trong đó có đoạn viết:
“...Hỡi đồng bào yêu quí!
Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy
đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta.
Nhiều dân tộc bị áp bức trên thế giới đang ganh nhau tiến bước giành quyền
độc lập. Chúng ta không thể chậm trễ.
Tiến lên! Tiến lên! Dưới lá cờ Việt Minh, đồng bào hãy dũng cảm tiến lên!”[6].
3. Kết quả và Ý nghĩa của Đại hội Quốc dân Tân Trào
3.1. Kết quả
Đại hội đã thông qua quyết sách chuyển xoay vận nước bằng Tổng khởi
nghĩa, xoá bỏ chế độ cũ, thi hành 10 chính sách của Việt Minh, đặt cơ sở mang tính
pháp lý cách mạng đầu tiên cho một chế độ mới của dân, do dân và vì dân sắp ra
đời.
Thực hiện nghị quyết tổng khởi nghĩa giành chính quyền của Quốc dân Đại
hội và của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước, triệu người như một nhất tề
nổi dậy với ý chí dù có hy sinh đến đâu, dù có đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng
phải giành cho được chính quyền trong toàn quốc.


Cuộc Tổng khởi nghĩa đã nhanh chóng giành được thắng lợi, tiêu biểu là các
cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội (19/8), Huế (23/8), Sài Gòn (25/8). Chính quyền trong
cả nước đã thuộc về nhân dân. Vua Bảo Đại xin thoái vị để “được làm dân tự do
của một nước độc lập” (30/8).
Với thắng lợi của cuộc cách mạng tháng Tám, nhân dân ta đã đập tan xiềng
xích nô lệ của thực dân Pháp, Nhật; đã lật nhào chế độ quân chủ chuyên chế. Ngày
2/9/1945, tại vườn hoa Ba Đình, trước cuộc mít tinh của hàng chục vạn đồng bào
Thủ đô, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời trịnh trọng đọc bản

Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố với quốc dân và thế giới: Nước Việt Nam Dân chủ
Cộng hoà ra đời. Một kỷ nguyên mới trong lịch sử tiến hoá của dân tộc Việt Nam
đã được mở ra – Kỷ nguyên Độc lập, Tự do.
3.2. Ý nghĩa
Đại hội quốc dân ở Tân Trào được coi như một “Hội nghị Diên Hồng” của
cách mạng Việt Nam. Qua đó, tinh thần đoàn kết đồng lòng của dân tộc ta được thể
hiện một cách sáng rõ hơn bao giờ hết. Mặt trận Việt Minh đã quy tụ một cách
nhanh chóng tất cả những người yêu nước cách mạng, có mong muốn tham gia vào
sự nghiệp giải phóng đất nước. Đại hội thể hiện sự đồng lòng của cả nước với
chính sách của Mặt trận Việt Minh và của Đảng.
Đại hội Quốc dân Tân Trào là Đại hội mang tầm vóc lịch sử của một Quốc
hội, là sự kiện đánh dấu bước ngoặt trong lịch sử cách mạng Việt Nam, phát động
khởi nghĩa giành chính quyền một cách nhanh nhất, khẩn trương nhất, để cả đất
nước Việt Nam đứng lên tự làm chủ vận mệnh mình, đất nước mình. Thắng lợi của
Đại hội thể hiện sự sáng tạo độc đáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc vận
dụng và thực thi từng bước tư tưởng dân quyền ngay trong tiến trình đấu tranh
giành quyền độc lập dân tộc bằng hình thức tổ chức Quốc dân Đại hội.
C. LỜI KẾT
Năm 2015, gần 70 năm đã trôi qua nhưng Quốc dân Đại hội Tân Trào mãi là
mốc son chói lọi được ghi vào lịch sử vẻ vang của dân tộc và có giá trị vĩnh hằng
như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định khi nói về sự kiện này:
“Vừa đây Việt Minh lại triệu tập “Việt Nam quốc dân đại biểu Đại hội”, cử ra
Uỷ ban dân tộc giải phóng Việt Nam để lãnh đạo toàn quốc nhân dân kiên quyết
đấu tranh kỳ cho nước được độc lập.
Đó là một tiến bộ rất lớn trong lịch sử tranh đấu giải phóng của dân tộc ta từ
ngót một thế kỷ nay.
Đó là một điều khiến cho đồng bào ta phấn khởi và riêng tôi hết sức vui
mừng”[7].
Thắng lợi của Đại hội Quốc dân và thành công của cuộc tổng khởi nghĩa
tháng Tám đã đưa đất nước bước sang trang mới. Một dân tộc trong gần một thế kỷ

chìm trong nô lệ tối tăm, nay đã “Rũ bùn đứng dậy chói lòa”.


DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Giáo trình đường lối cách mạng của Đảng
Cộng sản Việt Nam, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2009.
2. Hội đồng biên soạn giáo trình quốc gia các môn khoa học Mác-Lênin, tư tưởng Hồ
Chí Minh,Giáo trình lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb. CTQG, Hà
Nội, 2004.
3. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Giáo trình lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam,
Nxb. CTQG, Hà Nội, 2005.
4. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình lịch sử Đảng Cộng sản Việt
Nam (hệ Trung cấp), Nxb. CAND, Hà Nội, 2001.
5. Nguyễn Đức Chiến và Đỗ Quang Ân (chủ biên), 70 câu hỏi và gợi ý trả lời
lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb. ĐHQG Hà Nội, 2000.
6. Hồ Chí Minh, Toàn tập, xuất bản lần thứ hai, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội,
2002, tập 3.
7. Đảng Cộng sản Việt Nam – Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 7,Nxb. CTQG, Hà
Nội, 2000, tr.559.
8. Một số trang web:
-
-
-



×