Tải bản đầy đủ (.doc) (8 trang)

QUY TRÌNH THIẾT KẾ BÀI GIẢNG THEO PHƯƠNG PHÁP THẢO LUẬN NHÓM NHẰM NÂNG CAO HIỆU QUẢ TRONG GIẢNG DẠY MÔN HỌC NHỮNG NGUYÊN LÍ CƠ BẢN CỦA CHỦ NGHĨA MÁC LÊNIN

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (106.56 KB, 8 trang )

QUY TRÌNH THIẾT KẾ BÀI GIẢNG THEO PHƯƠNG PHÁP THẢO LUẬN NHÓM
NHẰM NÂNG CAO HIỆU QUẢ TRONG GIẢNG DẠY MÔN HỌC
NHỮNG NGUYÊN LÍ CƠ BẢN CỦA CHỦ NGHĨA MÁC- LÊNIN
Đào Thị Thuý
Trường Đại học Hà Tĩnh
Email:
Ngày nhận bài:5/12/2017
Ngày nhận bản sửa:11/12/2017
Ngày nhận đăng:15/12/2017
Tóm tắt
Trong bài viết này, tác giả đi sâu nghiên cứu và làm rõ vai trò của phương pháp thảo
luận nhóm, trên cơ sở đó tiến hành xây dựng một quy trình thiết kế và thực hiện bài giảng trên
lớp với bốn bước và ba giai đoạn. Trong mỗi bước, mỗi giai đoạn đều có cả hoạt động của
giảng viên và sinh viên. Trong đó giảng viên với vai trò là người hướng dẫn, sinh viên là
người chủ động tham gia trực tiếp, từ đó lĩnh hội tri thức một cách tích cực, sáng tạo trong
quá trình học tập bộ môn.
Từ khóa: Thiết kế bài giảng, thảo luận nhóm, nguyên lí cơ bản của chủ nghĩa Mác Lênin.
The lesson designed by the team discussion method to ensure efficiency in
elementary school teachers the basic principles of the society
Abstract
In this article, the author in-depth study and clarification of the role of group discussion
method, on which to build a process design and implementation of lectures in the classroom
with four steps and three stages . At each stage, both the faculty and the student body work. In
that instructor as a facilitator, students are active participants directly, from which to acquire
knowledge actively, creatively in the course of study subjects.
Keywords: Lecture design, group discussion, basic principles of Marxism - Leninism.
1. Đặt vấn đề
Thảo luận nhóm là một phương pháp dạy học tích cực, với phương pháp này giảng viên
đóng vai trò là người đưa ra các tình huống có vấn đề để sinh viên trao đổi bàn bạc, đồng thời
giảng viên cũng là người tổ chức, điều khiển, giúp sinh viên biết tìm tòi, khám phá kiến thức
một cách chủ động, tích cực nội dung bài giảng, qua đó sinh viên phát huy được tinh thần tự


giác, rèn luyện nếp tư duy sáng tạo, độc lập trong suy nghĩ, biết đào sâu, mở rộng kiến thức
mới, biến tri thức đã học từ sách vở thành tri thức của riêng mình và vận dụng nó vào giải
quyết những vấn đề trong đời sống thực tiễn. Trong bài viết này, tác giả sẽ phân tích và vận
dung phương pháp thảo luận nhóm vào giảng dạy môn học Những nguyên lí cơ bản của Chủ
nghĩa Mác - Lênin cho sinh viên đại học, cao đẳng.
1


2. Nội dung
2.1. Khái niệm phương pháp thảo luận nhóm và vai trò của
phương pháp thảo luận nhóm
2.1.1. Khái niệm phương pháp thảo luận nhóm
Trong cuốn Giáo dục đại học phương pháp dạy và học, tác giả Lê Đức Ngọc cho rằng:
“Thảo luận nhóm là một sự trao đổi ý tưởng, quan điểm, nhận thức giữa các học viên, để làm
rõ và làm giàu sự hiểu biết các nội dung phù hợp với hoạt động đào tạo” [4, Tr 43].
Tác giả Phan Trọng Ngọ bàn tới vấn đề thảo luận nhóm trong cuốn Dạy học và phương
pháp dạy học trong nhà trường. Trong cuốn sách này, ông đã đề cập đến nhiều phương pháp
dạy và học trong nhà trường hiện nay, trong đó có nêu lên khái niệm thảo luận nhóm. Theo tác
giả, “thảo luận nhóm là phương pháp trong đó nhóm lớn (lớp học) được chia thành các nhóm
nhỏ để tất cả các thành viên trong lớp đều được làm việc và thảo luận về một chủ đề cụ thể và
đưa ra ý kiến chung của nhóm mình về vấn đề đó” [5, Tr 223].
Như vậy, về mặt lý luận dạy học có nhiều cách lý giải, định nghĩa và cách gọi khác nhau
về một phương pháp thảo luận nhóm. Nhưng tựu chung lại, các hình thức dạy học này đều
xuất phát từ cơ sở triết học, tâm lý học và lý luận dạy học có sự tương tác thầy và trò thông
qua hình thức nhóm để bàn bạc, trao đổi, tranh luận để tìm ra tri thức, chân lý của khoa học
mà người học đang hướng tới. Trong bài viết này, chúng ta có thể hiểu rằng phương pháp
thảo luận nhóm là một phương pháp dạy học, trong đó lớp học được chia thành các nhóm
nhỏ để sinh viên trong nhóm tích cực, chủ động thảo luận những vấn đề cụ thể của bài học
dưới sự điều khiển của giảng viên.
2.1.2. Vai trò của phương pháp thảo luận nhóm trong giảng dạy và học tập của giảng

viên và sinh viên
Thảo luận tại nhóm là nơi cụ thể hoá những yêu cầu chung, những chuẩn mực tổng quát
của người dạy cho phù hợp với yêu cầu cá nhân để người học hiểu, dễ nhớ, dễ định hướng
hành vi hàng ngày mà vẫn giữ được cái chung, cái tổng quát. Nhóm còn là nơi cụ thể hoá
hành động hay là nơi diễn ra quá trình xã hội hoá đời sống cá nhân.
Tham gia thảo luận nhóm tạo điều kiện cho người học so sánh, đối chiếu với người khác
để điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp với yêu cầu nhận thức và yêu cầu xã hội. Thảo
luận nhóm còn là một cách tốt nhất để hợp tác, hiểu biết lẫn nhau, kích thích tư duy của người
học; giải phóng năng lực cá nhân và tự do hoạt động. Suy nghĩ của người này lại là liệu pháp
kích thích tư duy của người khác, cho nên dạy học theo phương pháp thảo luận có thể xuất
hiện những ý hay, những biện pháp, giải pháp thông minh, sáng tạo của người học, có thể huy
động trí tuệ tập thể và trí tuệ cộng đồng.
Thông qua thảo luận nhóm, trao đổi, tranh luận sẽ hạn chế được tính chất chủ quan,
phiến diện, truyền thụ một chiều của người dạy. Tâm lý học đã chứng minh “biểu nhận thức”
trong đó kết quả ghi nhớ và tái hiện nhiều nhất là 90% tri thức còn lại khi con người trực tiếp
hoạt động (nghe- nói- làm) chứ không phải là chịu sự tác động (nghe một chiều).

2


Giảng dạy và học tập bằng phương pháp thảo luận nhóm sẽ mang lại hiệu quả tích cực,
vì thông qua thảo luận, hợp tác nhóm đã tạo nên mối quan hệ tương tác giữa thầy và trò, giữa
trò và trò, tạo nên sự bình đẳng giữa các thành viên trong lớp và tạo nên môi trường học tập
an toàn, qua đó hình thành ở sinh viên (SV) những phẩm chất của người lao động mới.
2.2. Quy trình thiết kế và thực hiện bài giảng trên lớp theo phương pháp thảo luận
nhóm trong giảng dạy môn học Những nguyên lí cơ bản của Chủ nghĩa Mác - Lênin
2.2.1. Quy trình thiết kế bài giảng theo phương pháp thảo luận nhóm
Thiết kế bài giảng là một khâu quan trọng trong quá trình giảng dạy. Để thiết kế được
bài giảng, trước hết giảng viên (GV) phải nghiên cứu kỹ chương trình, giáo trình, tìm nguồn
tài liệu tham khảo cùng với nó là xác định mục đích, yêu cầu bài học, lựa chọn kiến thức cơ

bản, phương pháp và phương tiện dạy học, thiết kế các hoạt động dạy học theo trình tự lôgic
của bài giảng. Thiết kế bài giảng môn học Những nguyên lí cơ bản của Chủ nghĩa Mác –
Lênin phải bao gồm cả việc dự kiến các tình huống sư phạm xảy ra trong quá trình giảng bài
để có cách ứng xử cho phù hợp của giảng viên. Quá trình thiết kế bài giảng theo phương pháp
thảo luận nhóm được tiến hành theo bước sau:
Bước 1. Xây dựng cấu trúc bài giảng
Việc xây dựng cấu trúc một bài giảng cụ thể đòi hỏi phải căn cứ vào mục tiêu, nội dung
dạy học, phương tiện dạy học, v.v.. Tuy nhiên, theo yêu cầu chung, bài giảng môn học Những
nguyên lí cơ bản của Chủ nghĩa Mác – Lê nin được cấu trúc như sau:
- Mở đầu bài giảng. Ở phần mở đầu bài giảng, GV thường đưa ra các tình huống, các
câu hỏi để kích thích tư duy, tạo ra nhu cầu nhận thức của SV, làm cho họ quan tâm, chú ý và
tích cực tham gia vào chủ đề bài giảng. GV cần làm cho SV nắm được tổng thể cấu trúc bài
giảng, các nội dung bài giảng cần nghiên cứu để từ đó xác định nhiệm vụ học tập của mình.
- Nội dung bài giảng. Đây là phần quan trọng nhất của bài giảng. Ở phần này, dưới sự
hướng dẫn của GV, SV tiến hành thực hiện các nhiệm vụ học tập nhằm chiếm lĩnh tri thức.
Trong phần nội dung bài giảng, các vấn đề nghiên cứu cơ bản được giảng viên thiết kế, sắp
xếp theo một trình tự lôgíc nhằm giúp sinh viên giải quyết tốt nhiệm vụ học tập.
- Tổng kết bài giảng. Phần này, GV đưa ra một số câu hỏi trắc nghiệm khách quan, yêu
cầu SV giải quyết nhằm mục đích giúp SV nắm vững nội dung bài giảng. GV đánh giá, nhận
xét toàn bộ quá trình giải quyết nhiệm vụ học tập và kết quả tiếp thu bài giảng của SV, đồng
thời đưa ra những gợi ý để SV tiếp tục nghiên cứu.
Bước 2. Lựa chọn kiến thức cơ bản, trọng tâm của bài giảng
Thiết kế bài giảng theo phương pháp thảo luận nhóm trong giảng dạy môn học Những
nguyên lí cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin, yêu cầu GV phải phân loại, sắp xếp nội dung tri
thức từng phần, chú trọng những kiến thức cơ bản, trọng tâm nhất của bài giảng. Để lựa chọn
được những kiến thức cơ bản, trọng tâm nhất của bài giảng, cần bám sát mục tiêu, yêu cầu của
bài giảng, nắm chắc và phân tích kỹ toàn bộ hệ thống tri thức của bài giảng để xác định tri
thức SV cần phải biết, nên biết và có thể biết.

3



Những kiến thức SV cần phải biết là những kiến thức nền tảng của môn học và việc nắm
vững những kiến thức đó là cơ sở để nắm vững nội dung môn học một cách sâu sắc và hệ
thống. Trong môn học Những nguyên lí cơ bản của Chủ nghĩa Mác - Lênin, kiến thức SV phải
biết đó là hệ thống các khái niệm, phạm trù, nguyên lý, quy luật. SV cần nắm vững những
kiến thức này và từ đó sẽ chiếm lĩnh toàn bộ tri thức môn học.
Những kiến thức SV nên biết là những kiến thức nảy sinh từ việc nghiên cứu các khái
niệm, phạm trù, nguyên lý, quy luật. Thông qua tìm hiểu, nghiên cứu các kiến thức này, SV sẽ
hiểu đầy đủ, sâu sắc hơn nội dung bài giảng, đồng thời rèn luyện khả năng vận dụng lý luận
vào việc giải quyết những vấn đề thực tiễn cuộc sống; giúp SV hiểu được những giá trị khoa
học và thực tiễn của môn học, từ đó có thái độ nghiêm túc, tích cực trong học tập.
Học tập môn học Những nguyên lí cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin không chỉ dừng
lại ở việc nắm vững hệ thống khái niệm, phạm trù, nguyên lý, quy luật của môn học mà phải
biết vận dụng các kiến thức đó vào tìm hiểu, giải quyết những vấn đề của thực tiễn cuộc sống,
đồng thời phải có bước tiến xa hơn nữa là tham gia tìm kiếm kiến thức mới trong nghiên cứu
về tự nhiên, xã hội và tư duy, để từng bước làm chủ bản thân và xã hội.
Bước 3. Lựa chọn phương pháp, phương tiện và tài liệu giảng dạy
Việc lựa chọn phương pháp, phương tiện và tài liệu cho bài giảng là khâu rất quan trọng,
nó là trung tâm của việc đổi mới phương pháp dạy học là yếu tố quyết định hiệu quả của bài
giảng. Việc thiết kế bài giảng theo phương pháp thảo luận nhóm trong giảng dạy môn học
Những nguyên lí cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin nhằm phát huy tính tích cực của sinh
viên được khẳng định theo hướng kết hợp linh hoạt với các phương pháp dạy học tích cực
khác như: thảo luận lớp, vấn đáp, nêu vấn đề... Lựa chọn phương pháp phải luôn bám sát mục
tiêu, nội dung và đặc điểm của đối tượng trong quá trình dạy học.
Với việc sử dụng phương tiện dạy học hiện đại, GV có thể truyền tải đến SV những tri
thức triết học dưới dạng các hình ảnh, sơ đồ, mô hình sẽ làm cho bài giảng trở nên sinh động,
tạo được sự hứng thú và kích thích được khả năng tư duy và tính tích cực học tập của SV, làm
tăng hiệu quả của quá trình dạy học.
Với tài liệu giảng dạy, ngoài giáo trình, gồm các tài liệu, sách tham khảo về các lĩnh vực

khoa học có liên quan môn học, các tài liệu cho nghiên cứu chuyên môn, các tài liệu cập nhật
thông tin, tư liệu cho dạy học như tranh ảnh, băng hình, sơ đồ, mô hình hoá tri thức, do GV
thiết kế và sưu tầm. Việc tích cực sử dụng các tài liệu và tư liệu trong quá trình giảng dạy sẽ
làm cho bài giảng trở nên sinh động, phong phú, hấp dẫn và mang lại hiệu quả cao.
Bước 4. Tiến trình hoạt động giảng dạy
Hoạt động 1. Kiểm tra bài cũ và chuẩn bị bài mới. Mục đích của hoạt động này là nhằm
đánh giá kết quả nhận thức bài học trước đó của SV, để nắm bắt thông tin phản hồi, rèn luyện
thói quen tự giác và thái độ tích cực trong học tập đồng thời chuẩn bị tâm thế chủ động tiếp
thu tri thức mới của người học. Hoạt động kiểm tra bài cũ và chuẩn bị bài mới cần được thực
hiện thường xuyên và liên tục vì nó là cơ sở để liên kết tri thức đã biết và tri thức chưa biết
làm cho quá trình tiếp thu tri thức được diễn ra liên tục và thuận lợi. Tuy nhiên hoạt động này

4


không nhất thiết phải diễn ra ở đầu bài giảng mà GV có thể thực hiện một cách linh hoạt trong
suốt tiến trình giảng bài mới.
Hoạt động 2. Giới thiệu chủ đề bài mới. Giảng viên giới thiệu chủ đề bài mới bằng
những câu hỏi nhận thức hoặc các tình huống có vấn đề hay các hình ảnh trực quan. Mục đích
của hoạt động này nhằm định hướng tư duy tập trung sự chú ý của người học vào chủ đề bài
giảng, khơi dậy khả năng khát vọng tìm tòi nhận thức của người học, nhằm khái quát mục tiêu
của bài học mà người học cần phải thực hiện và nhận thức được nó trong bài giảng.
Hoạt động 3. Dạy bài mới . Hoạt động này có vai trò rất quan trọng và có ý nghĩa quyết
định đến hiệu quả bài giảng, để hoạt động dạy bài mới đạt được những mục tiêu đặt ra thì việc
thiết kế đầy đủ, chi tiết các hoạt động của người dạy và người học cũng như dự kiến các tình
huống có thể xảy ra trong quá trình thảo luận và hướng giải quyết một cách linh hoạt. Do đó
trong quá trình thiết kế các hoạt động giảng dạy, GV cần chú ý dành thời gian cho thiết kế hoạt
động dạy bài mới, trong việc sử dụng phương pháp thảo luận nhóm cần phải phát huy tính tích
cực học tập của SV để SV có thể tự trang bị cho mình những tri thức chuyên sâu, hình thành kỹ
năng, thái độ và hành vi hợp quy luật thông qua hệ thống tri thức cơ bản của môn học.

Hoạt động 4. Củng cố, luyện tập. Đây một hoạt động không thể thiếu của quá trình
giảng dạy. Mục đích của hoạt động này là nhằm khái quát toàn bộ nội dung tri thức bài giảng
thành một hệ thống có mối liên hệ nội tại giúp người học có cơ sở để nắm được những nội
dung cơ bản của bài giảng một cách vững chắc nhất, qua đó giúp GV có được những thông tin
phản hồi từ phía SV để điều chỉnh hoạt động của mình để giúp SV tự giác tiếp tục nghiên cứu
và phát triển tri thức bài giảng có hiệu quả nhất.
Hoạt động 5. Hoạt động hướng dẫn học tập ở nhà. Hoạt động này có ý nghĩa rất quan
trọng đối với SV trong quá trình tích luỹ tri thức, hình thành kỹ năng thái độ tích cực, tự giác
học tập của SV. Tuy nhiên để hoạt động học tập ở nhà đạt hiệu quả đòi hỏi GV cần có sự
hướng dẫn vấn đề học tập và phương pháp thực hiện, kết quả cần đạt được. Đây là một hoạt
động học tập quan trọng đòi hỏi GV cần có sự động viên khích lệ, kiểm tra đánh giá kết quả
chính xác để thúc đẩy người học thực hiện một cách nghiêm túc, tích cực và có hiệu quả.
Hoạt động 6. Hoạt động nối tiếp. Đây là hoạt động GV phải tiến hành sau khi kết thúc
bài học, GV yêu cầu SV về nhà trả lời các câu hỏi có sẵn trong giáo trình, hoặc là những câu
hỏi GV cho SV để các em tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện, hoặc có thể GV yêu cầu SV về
nghiên cứu, soạn trước bài tiếp theo trong giáo trình và hướng dẫn SV tìm tài liệu tham khảo
cho giờ học tiếp theo.
Như vậy, trong thiết kế bài giảng bằng phương pháp thảo luận nhóm, GV phải đưa ra kế
hoạch cụ thể cho bài giảng, xác định rõ mục tiêu, nội dung trọng tâm của bài giảng để phân bổ
thời gian cho hợp lý. Trong quá trình thiết kế bài giảng, GV cần chuẩn bị kỹ nội dung, dự kiến
các tình huống có thể xảy ra trên lớp khi sinh viên tiến hành thảo luận. GV là người đóng vai
trò trọng tài để SV tiến hành trao đổi, nhận xét nhằm kích thích sự khám phá tri thức môn học
của bản thân.
2.2.2. Quy trình thực hiện bài giảng trên lớp theo phương pháp thảo luận nhóm trong
giảng dạy môn học Những nguyên lí cơ bản của Chủ nghĩa Mác - Lênin
5


Giai đoạn 1. Lên kế hoạch thảo luận nhóm
Kế hoạch thảo luận nhóm có vai trò rất quan trọng, ảnh hưởng đến toàn bộ kết quả giảng

dạy. Ở giai đoạn này, nếu được chuẩn bị tốt sẽ đảm bảo cho hoạt động của GVvà SVcó mục
đích rõ ràng, tạo được không khí thuận lợi, cởi mở cho hoạt động giảng dạy và hoạt động học
tập. Đối với giảng viên, dựa vào mục đích, yêu cầu, nội dung trong từng chương, từng phần
của môn và lên kế hoạch giảng dạy. Kế hoạch chuẩn bị thảo luận của GV trong giai đoạn này
bao gồm ba bước: Bước 1: Xác định mục tiêu bài học. Bước 2: Xây dựng, thiết kế nội dung
bài học theo chủ đề. Bước 3: Lựa chọn các phương pháp, phương tiện dạy học cho phù hợp
với nội dung bài học. Để thảo luận đạt được kết quả cao ở giai đoạn này, đối với sinh viên
cũng phải tuân theo ba bước sau. Bước 1: Xác định nhiệm vụ của bài học. Bước 2: Trên cơ sở
hướng dẫn của GV, SV phải tự nghiên cứu nội dung bài học, đọc trước giáo trình, các tài liệu
tham khảo liên quan đến nội dung bài học. Bước 3: Xác định phương pháp học tập phù hợp.
Trong quá trình học tập, SV có thể sử dụng các phương pháp học tập khác nhau, nhưng trong
quá trình thảo luận nhóm để mang lại hiệu quả, SV cần sử dụng phương pháp tự học, tự
nghiên cứu, trong đó phương pháp thảo luận nhóm là chủ đạo.
Giai đoạn 2. Tổ chức thảo luận nhóm
Thứ nhất, hoạt động của giảng viên. Bước 1: Thành lập nhóm, giao nhiệm vụ cho mỗi
nhóm. Trên cơ sở thiết kế nội dung của bài học, giảng viên căn cứ vào nhiệm vụ học tập để
phân chia lớp thành các nhóm tương ứng, phù hợp và giao nhiệm vụ cụ thể cho các nhóm tiến
hành học tập. Để có hiệu quả cao trong qua trình thảo luận GV nên phân chia mỗi nhóm
không dưới 6 SV và không quá 8 SV. Sau khi giao nhiệm vụ cụ thể cho các nhóm, GV phải
giúp SV hiểu bản chất nội dung của nhiệm vụ học tập. Để SV hiểu rõ nhiệm vụ học tập được
giao, GV cần chuẩn bị phiếu học tập đã có sẵn nội dung nhiệm vụ học tập, nếu không có
phiếu học tập thì GV cần trình chiếu nội dung lên màn hình hoặc phải viết nội dung lên bảng,
sau đó phải hỏi lại xem tất cả SV đã hiểu rõ nhiệm vụ học tập của nhóm mình chưa. Bước 2:
Tổ chức thảo luận theo cặp (nhóm rì rầm). Sau khi nhận được sự phân công của GV nội dung
nhiệm vụ học tập, SV tiến hành nghiên cứu theo cá nhân, sau đó tiến hành trao đổi, bàn bạc
với bạn cùng nhóm của mình. Ở giai đoạn này GV cần phải thực hiện các thao tác như:
Thường xuyên theo dõi, quan sát thái độ SV trong các nhóm tiến hành thảo luận, đồng thời
hướng dẫn SV cách khai thác và xử lý thông tin một cách có hiệu quả. Bước 3: Tổ chức thảo
luận trong nhóm: Trên cơ sở sinh viên đã trao đổi, bàn bạc theo cặp nhóm, các em đưa ý
tưởng của mình trình bày trước nhóm để các thành viên trong nhóm góp ý, bổ sung và đánh giá

nội dung bài học mà cá nhân đã nghiên cứu, qua đó giúp SV tự tin, mạnh dạn hơn trong quá
trình thảo luận. Trong giai đoạn này GV cần phải định hướng hoạt động của nhóm và điều khiển
hoạt động của nhóm như: chỉ dẫn ngắn, quy định thời gian tiến hành thảo luận, đưa ra các câu
hỏi kích thích tư duy nhằm thúc đẩy hoạt động của nhóm và sự tác động qua lại giữa các nhóm
để nắm bắt tình hình thảo luận của các nhóm đồng thời luôn khích lệ, động viên tinh thần thảo
luận của SV. Bước 4: Tổ chức thảo luận giữa các nhóm và khẳng định nội dung học tập. Ở giai
đoạn này GV yêu cầu SV (có thể là cá nhân hoặc đại diện nhóm trình bày kết quả thảo luận, các
nhóm còn lại đóng góp, bổ sung kiến thức để hoàn thiện nội dung học tập. Sau khi đại diện
6


nhóm lên trình bày kết quả và nhận được sự đóng góp bổ sung ý kiến từ các nhóm, GVphải
tổng hợp, khái quát những nội dung cơ bản của bài học và khẳng định nội dung học tập đã được
thống nhất xây dựng thông qua quá trình thảo luận nhóm. Bước 5: Trọng tài cố vấn kết luận nội
dung tri thức một cách chính xác, khoa học. Ở giai đoạn này GV đóng vai trò là người trọng tài
cố vấn để đánh giá kết quả học tập của SV, chỉ ra những vấn đề đã đạt được, những vấn đề chưa
đạt được của từng nhóm, đồng thời GV xác định tri thức quan trọng, khoa học trong nội dung
bài học để giúp SV khắc sâu được kiến thức bài học.
Thứ hai, hoạt động của sinh viên. Bước 1: Gia nhập nhóm, tiếp nhận nhiệm vụ học tập
và tự nghiên cứu. Được sự phân chia của GV, SV phải tích cực hình thành nhóm học tập, tiến
hành tiếp nhận nội dung mà GV giao cho để cá nhân tiến hành nghiên cứu, tìm tòi xác định
trọng tâm kiến thức, lập dàn ý trình bày kết quả trước nhóm, lớp. Bước 2: Tăng cường sự hợp
tác giữa các SV cùng bàn. SV cùng bàn sau khi nhận nhiệm vụ học tập, phải tiến hành trao
đổi, lắng nghe ý kiến của bạn và tiếp nhận, bổ sung và sửa chữa nội dung mà bản thân đã tự
nghiên cứu và tìm tòi. Bước 3: Hợp tác với SV trong nhóm. Sau khi tiến hành nghiên cứu cá
nhân, SV đã tạo ra được kết quả học tập thông qua trao đổi từng cặp thì ở bước này SV tham
gia hợp tác với các SV khác cùng nhóm mình nhằm mục đích: thứ nhất, trình bày kết quả thảo
luận theo cặp mà bản thân đã có được; thứ hai, đưa ra ý kiến nhận xét, đánh giá kết quả
nghiên cứu; thứ ba, khai thác thêm thông tin để sữa chữa, bổ sung đáp án nhằm hoàn thiện sản
phẩm của nhóm mình. Bước 4: Tham gia thảo luận lớp. Bước này nhóm trưởng thay mặt

nhóm trình bày kết quả thảo luận của nhóm mình, có thể trình bày dưới hình thức nói, viết
hoặc kết hợp cả hai. Các thành viên khác lắng nghe, điều chỉnh, sửa chữa sai sót, bổ sung bài
học mà tập thể lớp đã thống nhất thông qua thảo luận. Bước 5: Hợp tác với GV và tự kiểm tra
đánh giá. Sau khi hướng dẫn SV thảo luận, trao đổi, tranh luận những vấn đề liên quan tới nội
dung bài học và nghe đại diện các nhóm trình bày, GV tổ chức SV cả lớp góp ý kiến bổ sung.
Trên cơ sở đó, GV tổng kết các ý kiến, làm rõ những vấn đề còn khúc mắc, chưa thống nhất
trong SV. SV theo dõi sự phân tích, đánh giá, kết luận của GV và tự điều chỉnh, bổ sung kiến
thức cho mình.
Giai đoạn 3. Tổng kết nội dung thảo luận
Mục đích chính của giai đoạn này là giúp SV củng cố và hệ thống hoá kiến thức, kĩ năng
cơ bản. Đồng thời vận dụng những kiến thức để giải quyết những vấn đề của thực tiễn cuộc
sống, qua đó SV sẽ rút ra được những bài học bổ ích, những kinh nghiệm quý báu cho bản
thân trong quá trình học tập. Ở giai đoạn này, cả GV và SV thực hiện các hoạt động của mình
theo các bước sau:
Thứ nhất, hoạt động của giảng viên. Bước 1: Hệ thống hóa kiến thức, kĩ năng; Bước 2:
Nêu nhiệm vụ tiếp theo, hoặc nhiệm vụ của bài học mới. Trên cơ sở bài vừa học, dựa vào nội
dung bài học tiếp theo, giảng viên đưa ra những yêu cầu, nhiệm vụ cho các cá nhân hoặc cả
nhóm tự nghiên cứu, tìm các tài liệu tham khảo có liên quan để chuẩn bị cho bài học mới.
Thứ hai, hoạt động của sinh viên. Bước 1: Củng cố kiến thức, kĩ năng. Bước 2: Nhận
nhiệm vụ học tập tiếp theo. Sau khi nhận nhiệm vụ học tập, SV thực hiện các yêu cầu cơ bản

7


như: tìm kiếm và tự đọc, tự nghiên cứu giáo trình, tài liệu tham khảo và chuẩn bị nội dung
thảo luận.
3. Kết luận
Thiết kế bài giảng theo phương pháp thảo luận nhóm trong giảng dạy môn học Những
nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác- Lênin đã có một quy trình thể hiện đầy đủ các giai
đoạn, các bước lên lớp của từng tiết, từng chương. Trong mỗi bước, mỗi giai đoạn đều có cả

hoạt động của giảng GV và SV, các hoạt động luôn có mối quan hệ biện chứng tác động qua
lại lẫn nhau, trong đó giảng viên với vai trò là người hướng dẫn, điều khiển, còn sinh viên với
vai trò là người tích cực, chủ động chiếm lĩnh tri thức môn học qua thảo luận. Tuy nhiên trong
quá trình giảng dạy tuỳ vào điều kiện cụ thể của lớp học, đối tượng SV chúng ta có thể bỏ qua
một giai đoạn nào đó để kết hợp với các phương pháp khác mà vẫn không làm mất đi tính
lôgic của quy trình dạy học./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Bộ Giáo dục và Đào tạo (2011), Giáo trình Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa MácLênin, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia.
Ngô Thị Thu Dung (2011), Mô hình tổ chức học theo nhóm trong giờ lên lớp, Tạp chí Giáo
dục, số 3, (Tr 21, 22).
Trần Duy Hưng (1998), Quy trình thảo luận nhóm trong dạy học hướng vào người học, Tạp
chí nghiên cứu Giáo dục số 10, (Tr 16,17)
Lê Đức Ngọc (2005), Giáo dục đại học phương pháp dạy và học, Nhà xuất bản Đại học Quốc
gia Hà Nội.
Phan Trọng Ngọ (2005), Dạy học và phương pháp dạy học trong nhà trường, Nhà xuất bản
Đại học sư phạm.
Đào Thị Thuý, “Vận dụng phương pháp thảo luận nhóm trong giảng dạy môn học Những
nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác- Lênin (phần một) nhằm phát huy tính tích cực của
sinh viên ở Trường Đại học Hà Tĩnh”, Luận văn thạc sĩ, Đại học Vinh, 2010.

8



×