Tải bản đầy đủ (.docx) (10 trang)

Chứng minh rằng nghị quyết của tổ chức quốc tế liên chính phủ là nguồn bổ trợ quan trọng góp phần hình thành hoặc giải thích, làm sáng tỏ các quy phạm pháp luật quốc tế

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (108.39 KB, 10 trang )

A. MỞ ĐẦU
Trong đời sống quốc tế hiện nay, bên cạnh quốc gia- chủ thể đầu tiên và cơ bản của
Luật quốc tế, thì sự xuất hiện và phát triển của các tổ chức quốc tế liên chính phủ ngày
càng đóng vai trò quan trọng là trung tâm phối hợp hành động nhằm bảo vệ lợi ích về
chính trị, kinh tế, văn hóa,…của các thành viên. Khi tiến hành các hoạt động chức
năng, tổ chức quốc tế liên chính phủ thường thông qua các nghị quyết, quyết định.
Không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong việc hoạt động của tổ chức; thể hiện mục đích,
tôn chỉ của tổ chức; các nghị quyết còn là nguồn bổ trợ quan trọng góp phần hình
thành hoặc giải thích, làm sáng tỏ các quy phạm pháp luật quốc tế. Để tìm hiểu vấn đề
này, trong bài tập học kì, em xin lựa chọn đề tài: “Chứng minh rằng nghị quyết của
tổ chức quốc tế liên chính phủ là nguồn bổ trợ quan trọng góp phần hình thành
hoặc giải thích, làm sáng tỏ các quy phạm pháp luật quốc tế”.
B. NỘI DUNG
I.
MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN.
1. Quy phạm pháp luật quốc tế.
Quy phạm pháp luật quốc tế là thành tố nhỏ nhất trong hệ thống cấu trúc của Luật
Quốc tế; được hiểu là quy tắc xử sự, được tạo bởi sự thỏa thuận của các chủ thể Luật
Quốc tế và có giá trị ràng buộc các chủ thể đó đối với các quyền, nghĩa vụ hay trách
nhiệm pháp lý quốc tế khi tham gia quan hệ pháp luật quốc tế.
Quy phạm pháp luật quốc tế được chia thành quy phạm điều ước và quy phạm tập
quán (dựa vào cách thức hình thành và hình thức biểu hiện của quy phạm):
- Quy phạm điều ước (quy phạm thành văn): là quy phạm được ghi nhận trong điều
ước quốc tế do quốc gia và các chủ thể khác của Luật Quốc tế thỏa thuận xây dựng
nên trên cơ sở tự nguyện và bình đẳng, thông qua đấu tranh và thương lượng nhằm ấn
định, thay đổi hay chấm dứt quyền và nghĩa vụ giữa các chủ thể trong quan hệ quốc tế.
- Quy phạm tập quán (quy phạm bất thành văn): là quy tắc xử sự chung hình thành
trong thực tiễn sinh hoạt quốc tế được các chủ thể của Luật quốc tế thừa nhận là quy
phạm có giá trị pháp lý bắt buộc. Chúng có thể được ghi nhận trong các phán quyết
của tòa án, cơ quan trọng tài, nghị quyết của tổ chức quốc tế, thậm chí có cả trong các
văn bản đơn phương của các quốc gia.


2. Tổ chức quốc tế liên chính phủ
Tổ chức quốc tế liên chính phủ là thực thể liên kết chủ yếu các quốc gia độc lập có
chủ quyền, được thành lập và hoạt động trên cơ sở điều ước quốc tế, phù hợp với Luật
Quốc tế hiện đại, có quyền năng chủ thể riêng biệt và hệ thống cơ cấu tổ chức phù hợp
để thực hiện các quyền năng đó theo đúng mục đích và tôn chỉ của tổ chức.
3. Phương tiện bổ trợ nguồn của Luật Quốc tế
Nguồn bổ trợ (hay phương tiện bổ trợ nguồn của Luật Quốc tế) là loại nguồn không
trực tiếp chứa đựng các quy phạm pháp luật quốc tế, hầu như chỉ có tính chất khuyến
nghị đối với các chủ thể luật quốc tế. Nguồn bổ trợ đóng vai trò là phương tiện bổ trợ
nguồn cơ bản, là nguồn gốc hình thành nguồn cơ bản. Thông qua các phương tiện này,
1


người ta xây dựng các quy phạm pháp luật quốc tế một cách nhanh chóng. Nguồn bổ
trợ có vai trò trong việc giải thích, hướng dẫn áp dụng pháp luật quốc tế trong từng
trường hợp cụ thể.
4. Nghị quyết của tổ chức quốc tế liên chính phủ
Theo điều 38 Quy chế tòa án Công lý quốc tế, luật quốc tế bao gồm các loại nguồn
sau: điều ước quốc tế, tập quán quốc tế, nguyên tắc chung của luật, các án lệ và các
học thuyết của các luật gia nổi tiếng.
Tuy nhiên “danh mục truyền thống những nguồn của Luật Quốc tế ở điều 38 đảm
bảo sự kiểm soát của quố gia đối với những gì được coi là luật nhưng là một sự phản
ánh không đầy đủ hiện thực của lập pháp quốc tế đương đại. Nhiều hình thức lập
pháp quan trọng khác đã được xây dựng, ví dụ thông qua nghị quyết của các tổ chức
quốc tế như Đại hội đồng Liên hợp quốc, thực tiễn hoạt động của các tổ chức quốc tế
và các bản quy tắc ứng xử quốc tế…”.1
Thực vậy, nguồn của Luật Quốc tế hiện nay không chỉ giới hạn trong điều 38 Quy
chế tòa án công lý quốc tế mà đã được bổ sung và áp dụng trong việc xét xử các tranh
chấp; trong đó, nghị quyết của tổ chức quốc tế liên chính phủ cũng được coi là nguồn
bổ trợ của Luật Quốc tế.

Thông thường, các tổ chức quốc tế liên chính phủ ban hành hai loại nghị quyết:
-. Nghị quyết mang tính bắt buộc đối với các quốc gia thành viên. Các nghị quyết này
thường liên quan đến các vấn đề về cơ cấu tổ chức, nghĩa vụ đóng góp tài chính của
các quốc gia thành viên…
-. Nghị quyết mang tính khuyến nghị không có giá trị pháp lý bắt buộc đối với các
quốc gia thành viên. Nghị quyết này nêu quan điểm (định hướng, chủ trương, biện
pháp) của tổ chức quốc tế về một vấn đề nào đó của đời sống quốc tế và đề nghị các
quốc gia thành viên xem xét.
Tuy nhiên, chỉ có nghị quyết mang tính khuyến nghị mới là nguồn bổ trợ quan trong
của luật quốc tế góp phần hình thành hoặc giải thích, làm sáng tỏ các quy phạm pháp
luật quốc tế. Hiện nay, số lượng các tập quán quốc tế và điều ước quốc tế được hình
thành bằng con đường này ngày càng gia tăng làm cho quá trình xây dựng quy phạm
pháp luật quốc tế được rút ngắn lại.
II.

CHỨNG MINH NGHỊ QUYẾT CỦA TỔ CHỨC QUỐC TẾ LIÊN
CHÍNH PHỦ LÀ NGUỒN BỔ TRỢ QUAN TRỌNG GÓP PHẦN
HÌNH THÀNH HOẶC GIẢI THÍCH, LÀM SÁNG TỎ CÁC QUY
PHẠM PHÁP LUẬT QUỐC TẾ.

1. Hình thành các quy phạm pháp luật quốc tế.
a. Quy phạm điều ước.

1 “Các giới hạn của Luật quốc tế và cách tiếp cận bình đẳng giới”- H. Charlesworth và C.Chinkin

2


Mặc dù chỉ có vai trò là phương tiện bổ trợ nguồn Luật Quốc tế, nhưng nhiều nghị
quyết của các tổ chức quốc tế liên chính phủ chứa đựng nhiều yếu tố của luật, thể hiện

rõ cam kết của các quốc gia và được nhiều quốc gia tôn trọng. Từ đó, các văn bản này
có thể nhanh chóng được phát triển thành các điều ước quốc tế.
Ví dụ 1:
Nghị quyết số 3452 (XXX) ngày 9/12/1975 thông qua Tuyên bố về bảo vệ mọi
người khỏi tra tấn và các hình thức đối xử hay trừng phạt tàn ác, vô nhân đạo hay hạ
nhục khác là cơ sở góp phần hình thành các quy phạm trong Công ước chống tra tấn và
các hình thức trừng phạt hay đối xử tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ nhục 1984. Các quy
định của Nghị quyết được nội luật hóa thành một số quy phạm trong Công ước. Công
ước là sự mở rộng các quy định trong Nghị quyết
Trên cơ sở định nghĩa tra tấn trong Nghị quyết, Công ước đã đưa ra một
khái niệm hoàn chỉnh, đầy đủ về hành vi tra tấn- đó là hành vi cố ý gây đau đớn hoặc
khổ đau nghiêm trọng về thể xác hay tinh thần cho một người… hay với sự xúi giục,
đồng tình hay ưng thuận của một công chức2.
Mặt khác, Nghị quyết 3452 quy định hành vi tra tấn đó phải được mỗi nhà
nước quy định là hành vi tội phạm theo luật sự của nước mình 3. Và vì vậy, mỗi nước
cần có biện pháp hữu hiệu để ngăn ngừa việc tra tấn hoặc đối xử hay trừng phạt một
cách tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ nhục khác được thực hiện trong phạm vi thẩm quyền
của mình4. Những quy định này đã được cụ thể hóa tại điều 2 và điều 4 Công ước.
Ngoài ra, Công ước còn nội luật hóa các quy định về quyền khiếu nại của cá
nhân khi họ bị tra tấn; nghĩa vụ của các cơ quan có thẩm quyền ở mỗi quốc gia thành
viên phải tiến hành điều tra khẩn trương, kịp thời về hành vi tra tấn đó;… 5
Ví dụ 2:
Nghị quyết 217A (III) của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua Tuyên ngôn đã
xác định một cách toàn diện các quyền và tự do cơ bản của con người cần tôn trọng.
Chính vì vậy, Nghị quyết đã có uy tín rộng rãi và được viện dẫn nhiều trong quan hệ
quốc tế. Trên cơ sở Nghị quyết, nhiều quy phạm điều ước được hình thành trong Công
ước về các quyền dân sự, chính trị 1966 (điều 6 về quyền sống, điều 7 về quyền không
2 Điều 1 Công ước chống tra tấn và các hình thức trừng phạt hay đối xử tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ nhục - CAT,
1984
3 Điều 7 Tuyên bố về bảo vệ mọi người khỏi tra tấn và các hình thức đối xử hay trừng phạt tàn ác, vô nhân đạo hay

hạ nhục khác, 1975
4 Điều 4 Tuyên bố về bảo vệ mọi người khỏi tra tấn và các hình thức đối xử hay trừng phạt tàn ác, vô nhân đạo hay
hạ nhục khác, 1975
5 Điều 12 và điều 13 Công ước chống tra tấn và các hình thức trừng phạt hay đối xử tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ
nhục - CAT, 1984

3


bị tra tấn, điều 8 quyền không bị bắt làm nô lệ, điều 12 quyền cư trú,…) và Công ước
về các quyền kinh tế, xã hội 1966 (điều 13 quyền học tập, điều 11, điều 15,…)
b. Quy phạm tập quán.

Nghị quyết của tổ chức quốc tế liên chính phủ mang tính chất khuyến nghị thường
nêu quan điểm của tổ chức về một vấn đề nào đó, đề nghị các quốc gia xem xét. Khi
thấy những khuyến nghị này là phù hợp, có thể vận dụng để giải quyết các vấn đề diễn
ra trong quan hệ quốc tế, các quốc gia sẽ áp dụng hoặc hoạt động theo quy phạm đó
như các quy phạm được thừa nhận trong các điều ước quốc tế. Và việc áp dụng lặp đi
lặp lại những quy phạm khuyến nghị trong nghị quyết tổ chức liên chính phủ sẽ hình
thành nên những quy tắc xử sự chung, thống nhất trong đời sống sinh hoạt quốc tế
được các chủ thể Luật Quốc tế (chủ yếu là các quốc gia) thừa nhận là quy phạm có giá
trị pháp lý bắt buộc. Việc áp dụng lặp đi lặp lại, luật Quốc tế không quy định là bao
nhiêu lần, chỉ cần các quốc gia áp dụng lặp đi lặp lại và thống nhất trên thực tế quy tắc
xử sự đó thì quy phạm tập quán được hình thành.
Thông thường, nghị quyết của tổ chức quốc tế liên chính phủ trong lĩnh vực duy
trì hòa bình và an ninh quốc tế, bảo vệ chủ quyền quốc gia góp phần hình thành nên số
lượng nhiều quy phạm tập quán.
Ví dụ:
Luật Quốc tế không cấm các hành vi sử dụng vũ lực một cách hợp pháp khi quốc
gia thực hiện quyền tự vệ chính đáng khi có sự tấn công vũ trang của quốc gia khác

theo Điều 51 Hiến chương Liên hợp quốc. Như vậy, những hành vi nào của một quốc
gia được coi là tấn công vũ trang để từ đó các quốc gia khác thực hiện quyền tự vệ
chính đáng? Về vấn đề này, Hiến chương Liên hợp quốc chưa đưa ra một khái niệm
nào về hành vi “tấn công vũ trang”.
Để làm rõ quy phạm điều ước tại điều 51 Hiến chương Liên hợp quốc, Nghị
quyết 3314 của Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 14/12/1974 đã đưa ra khái niệm về
định nghĩa xâm lược. Theo đó xâm lược là “việc một nước sử dụng lực lượng vũ trang
tấn công, vi phạm đến chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ hoặc nền độc lập chính trị của
một nước khác hoặc dưới bất kì hình thức nào khác”. Nghị quyết đặt ra một danh sách
không giới hạn những hành vi bị coi là xâm lược như: Các cuộc xâm lược hoặc tấn
công của lực lượng vũ trang của một quốc gia trên lãnh thổ của một quốc gia khác,
hoặc bất kỳ chiếm đóng quân sự, tuy nhiên tạm thời, kết quả từ cuộc xâm lược hoặc
tấn công như vậy, hoặc bất kỳ sáp nhập vào sử dụng vũ lực trên lãnh thổ của một quốc
gia khác hoặc một phần của chúng; ném bom của lực lượng vũ trang của một quốc gia
đối với lãnh thổ của một quốc gia khác hoặc sử dụng bất kỳ loại vũ khí của một quốc

4


gia đối với lãnh thổ của quốc gia khác; phong tỏa các cảng hoặc bờ biển của một quốc
gia của các lực lượng vũ trang của một quốc gia khác;…6
Trên thực tế, quan điểm “xâm lược” của Đại hội đồng Liên hợp quốc đã được
các quốc gia áp dụng nhiều lần và được thừa nhận là luật. Một quốc gia tiến hành tấn
công quốc gia khác bằng việc sử dụng lực lượng vũ trang đe dọa tới chủ quyền, toàn
vẹn lãnh thổ,…của quốc gia đó dưới các hình thức đã được liệt kê trong Nghị quyết
3314 của Đại hội đồng Liên hợp quốc được coi là hành vi xâm lược. Khi đó, quốc gia
bị tấn công có thể thực hiện quyền tự vệ chính đáng sao cho quyền tự vệ tương xứng
với các hành vi tấn công.
Việc các quốc gia thừa nhận và áp dụng nhiều lần quy phạm mang tính khuyến
nghị trong Nghị quyết 3314 đã thể hiện sự thừa nhận hiệu lực quốc tế của Nghị quyết.

Chừng nào Nghị quyết này chưa phải là điều ước quốc tế thì việc các quốc gia áp dụng
theo những chuẩn mực đó là sự thừa nhận quy phạm tập quán quốc tế mới hình thànhquy phạm tập quán về xâm lược.
2. Giải thích, làm sáng tỏ quy phạm pháp luật quốc tế.

Không chỉ có vai trò góp phần hình thành quy phạm điều ước và quy phạm tập
quán, nghị quyết của tổ chức quốc tế liên chính phủ còn góp phần giải thích, làm sáng
tỏ các quy phạm pháp luật quốc tế.
a. Quy phạm điều ước.

Quy phạm điều ước thể hiện trong các điều ước quốc tế thường mang tính chất
chung chung. Để cụ thể hóa, làm cho quá trình áp dụng trên thực tế được dễ dàng, đại
hội đồng liên hợp quốc sẽ ban hành nghị quyết của tổ chức mình để giải thích, làm
sáng tỏ quy phạm điều ước.
Ví dụ 1:
Khoản 4 điều 2 Hiến chương Liên hợp quốc quy định: “Tất cả các thành viên từ
bỏ việc đe dọa hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế nhằm chống lại sự toàn vẹn
lãnh thổ hay nền độc lập chính trị của bất kỳ quốc gia nào, hoặc bằng cách khác trái
với những Mục đích của Liên hợp quốc”.
Với quy định trên đây, Hiến chương Liên hợp quốc mới chỉ dừng lại ở việc đưa
ra tên gọi của nguyên tắc cấm dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực trong quan hệ
quốc tế, còn việc giải thích định nghĩa như thế nào là “vũ lực” và “đe dọa dùng vũ
lực” trong quan hệ quốc tế lại phụ thuộc vào cách hiểu của mỗi quốc gia. Việc giải

6 Điều 3 Nghị quyết 3314

5


thích khác nhau dẫn đến việc áp dụng trên thực tế khác nhau giữa các quốc gia, vì vậy
yêu cầu cần phải có sự giải thích thống nhất nguyên tắc này trong cộng đồng quốc tế.

Để giải thích rõ quy phạm “từ bỏ việc đe dọa hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ
quốc tế nhằm…”, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã ban hành Nghị quyết 2625 ngày
24/10/1970. Theo đó, việc từ bỏ việc đe dọa hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế
là viêc các quốc gia từ bỏ việc sử dụng hoặc đe dọa sử dụng lực lượng vũ trang để
chống lại chủ quyền, độc lập quốc gia khác, sử dụng sức mạnh hay đe dọa dùng sức
mạnh phi vũ trang trong quan hệ quốc tế.
Việc từ bỏ sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực bao gồm các nội dung
sau: -. Cấm xâm chiếm lãnh thổ quốc gia khác trái với các quy định của Luật Quốc
tế;
-. Cấm các hành vi trấn áp bằng vũ lực;
-. Không được cho các quốc gia khác sử dụng lãnh thổ nước mình để tiến hành
chiến tranh xâm lược chống quốc gia thứ ba;
-. Không tổ chức, xúi giục, giúp đỡ hay tham gia vào nội chiến hay các hành vi
khủng bố tại quốc gia khác;
-. Không tổ chức hoặc khuyến khích việc tổ chức các băng nhóm vũ trang, lực
lượng vũ trang phi chính quy, lính đánh thuê để đột nhập vào lãnh thổ quốc gia khác.
Nhờ có Nghị quyết này đã làm sáng tỏ quy phạm điều ước tại khoản 4 điều 2 Hiến
chương Liên hợp quốc góp phần giúp các nước hiểu rõ hành vi dùng vũ lực hoặc đe
dọa dùng vũ lực để tránh không vi phạm nguyên tắc cấm dùng vũ lực hoặc đe dọa
dùng vũ lực.
Ví dụ 2:
Công ước về kết hôn tự nguyện, tuổi kết hôn tối thiểu và việc đăng ký kết hôn
năm 1962 đã xóa bỏ một số tập quán, luật lệ và hủ tục liên quan đến hôn nhân và gia
đình không phù hợp với những nguyên tắc quy định tại Hiến chương Liên hợp quốc và
Tuyên ngôn toàn hế giới về quyền con người cần được xóa bỏ. Theo đó, điều 4 công
ước quy định một cuộc hôn nhân được coi là trái pháp luật nếu không có sự đồng ý
hoàn toàn tự nguyện của cả hai bên, việc này tỏ ý chí hai bên phải được khai báo đầy
đủ và được công nhận theo quyết định của cơ quan chức năng có thẩm quyền. Ngoài
ra, một cuộc hôn nhân không trái pháp luật là khi cá nhân đạt độ tuổi tối thiểu theo quy
định của luật các quốc gia thành viên (điều 2 công ước).


6


Để làm sáng tỏ quy phạm trên trong Công ước, Đại hội đồng liên hợp quốc đã ban
hành Nghị quyết 2018 (XX) ngày 1/11/1965 khuyến nghị về đồng ý kết hôn, độ tuổi
kết hôn tối thiểu và việc đăng kí kết hôn:
Thứ nhất, “sự đồng ý hòa toàn tự nguyện của hai bên khi kết hôn...” trong Công
ước đã được giải thích trong Nghị quyết là “cá nhân mỗi bên tự biểu đạt, sau khi đã
công bố trong một khoảng thời gian phù hợp”7.
Thứ hai, độ tuổi tối thiểu kết hôn trong Công ước được làm sáng tỏ trong Nghị
quyết là “không thể dưới 15 tuổi trong bất cứ trường hợp nào, không hôn nhân nào là
hợp pháp nếu người kết hôn nằm dưới độ tuổi này”.8
b. Quy phạm tập quán

Một số quy phạm tập quán đến nay vẫn được nhiều quốc gia viện dẫn, áp dụng trong
các quan hệ của đời sống quốc tế như tập quán không giết sứ thần, tự do biển cả,…Để
giải thích, làm sáng tỏ những quy phạm tập quán này, đại hội đồng liên hợp quốc đã
ban hành Nghị quyết của tổ chức mình.
Ví dụ:
Nguyên tắc tự do biển cả dù được pháp điển hóa trở thành nguyên tắc cơ bản của
Công ước Luật Biển 1982 nhưng nó vẫn tồn tại với tư cách một quy phạm tập quán
quốc tế.
Tự do biển cả được hiểu là trong biển cả tất cả các quốc gia đều được hưởng quyền
tự do nghiên cứu, sử dụng, khai thác; không một quốc gia nào được áp đặt chủ quyền
của mình lên bất kỳ vùng nào của biển cả.
Để giải thích quy phạm tập quán này áp dụng trong Vùng (đáy biển và lòng đất
dưới đáy biển bên ngoài ranh giới thẩm quyền tài phán quốc gia), đại hội đồng Liên
hợp quốc đã thông qua Nghị quyết 2749 (XXV) ngày 17 tháng 12 năm 1970 tuyên bố
về những nguyên tắc điều hành đáy biển và đại dương cũng như lòng đất dưới chúng ở

ngoài ranh giới thẩm quyền tài phán quốc gia.
Theo đó, tự do biển cả trong Vùng được giải thích là việc không một quốc gia, một
thể nhân hoặc pháp nhân nào được chiếm hữu, áp đặt chủ quyền trên bất kì phần nào
của Vùng. Các quốc gia có biển hay không có biển đều được tự do khai thác, sử dụng
tài nguyên thiên nhiên của Vùng vào những mục đích hoàn bình, loại bỏ hoàn toàn
việc xây dựng Vùng vào bất kì mục đích quân sự nào.

7 Nguyên tắc 1 Nghị quyết 2018 (XX)
8 Nguyên tắc 2 Nghị quyết 2018 (XX)

7


Các quốc gia được tự do khai thác và quản lý Vùng nhưng việc tự do khai thác và
sử dụng ấy phải vì lợi ích của toàn thể nhân loại, của mọi quốc gia và phù hợp với
pháp luật quốc tế. Việc tự do khai thá và sử dụng Vùng phải tôn trọng các quyền lợi
chính đáng của các quốc gia ven biển, tuân thủ tập quán quốc tế và điều ước quốc tế có
liên quan.
Như vậy, nhờ sự giải thích rõ ràng, cụ thể quy phạm tập quán tự do biển cả trong
Vùng sẽ giúp cho việc áp dụng của các quốc gia được trở nên dễ dàng.
III.

ĐÁNH GIÁ.

Quy phạm điều ước là quy phạm được ghi nhận trong điều ước quốc tế nên có thể
hình thành từ sự thỏa thuận của các chủ thể Luật Quốc tế,…Quy phạm tập quán có thể
hình thành từ chính quy phạm điều ước, thực tiễn thực hiện hành vi pháp lý của các
chủ thể Luật quốc tế,…Tuy nhiên, thật thiếu sót khi điều 38 Quy chế pháp lý Tòa án
Công lý Quốc tế lại không quy định nghị quyết của tổ chức quốc tế liên chính phủ là
phương tiện bổ trợ nguồn Luật Quốc tế. Nhưng khi nghiên cứu lý luận và trên thực

tiễn, không thể phủ nhận vai trò của Nghị quyết các tổ chức quốc tế liên chính phủ
trong việc hình thành quy phạm pháp luật quốc tế. Đối với quy phạm điều ước, là tiền
đề hình thành nên các điều ước quốc tế hay trở thành một cách ứng xử trong quan hệ
pháp luật quốc tế, từ đó dần dần hình thành nên quy phạm tập quán.
Không chỉ có ý nghĩa trong quá trình hình thành, các nghị quyết của tổ chức quốc
tế liên chính phủ còn góp phần quan trọng giải thích, làm sáng tỏ các quy phạm pháp
luật quốc tế. Để làm rõ một quy phạm pháp luật quốc tế, giúp các chủ thể vận dụng dễ
dàng trong việc giải quyết các vấn đề của đời sống quốc tế, tổ chức quốc tế liên chính
phủ thường ban hành Nghị quyết mang tính khuyến nghị của tổ chức mình để các quốc
gia xem xét.
Với vai trò quan trọng của mình, thiết nghĩ cần có quy định cụ thể ghi nhận Nghị
quyết của tổ chức quốc tế liên chính phủ là nguồn bổ trợ của luật quốc tế.

C. KẾT LUẬN

Qua việc tìm hiểu các Nghị quyết của tổ chức quốc tế liên chính phủ, nghiên cứu
lý luận về nguồn bổ trợ của Luật Quốc tế có thể thấy vai trò quan trọng của các Nghị
quyết. Mặc dù là nguồn bổ trợ, nhưng nó có vai trò quan trọng góp phần hình thành
hoặc giải thích, làm sáng tỏ các quy phạm pháp luật quốc tế.

8


DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Giáo trình luật quốc tế- trường Đại học Luật Hà Nội
2. Giáo trình luật quốc tế
3. Tuyên bố 1970
4. Hiến chương Liên hợp quốc
5. Nghị quyết 3314 về định nghĩa xâm lược

6.

7.

Công ước chống tra tấn và các hình thức trừng phạt hay đối xử tàn ác, vô nhân
đạo hoặc hạ nhục - CAT, 1984
Tuyên bố về bảo vệ mọi người khỏi tra tấn và các hình thức đối xử hay trừng
phạt tàn ác, vô nhân đạo hay hạ nhục khác, 1975

8. Luật biển quốc tế hiện đại- TS. Lê Mai Anh, NXB Lao động- xã hội
9. Luật quốc tế lý luận và thực tiễn- TS. Trần Văn Thắng, Th.S Lê Mai Anh, NXB

Giáo dục

9


MỤC LỤC

10



×