Tải bản đầy đủ (.pdf) (93 trang)

Tác động của hiệp định đối tác xuyên thái bình dương (TPP) đối với pháp luật lao động việt nam và xu hướng hoàn thiện

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (678.7 KB, 93 trang )

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

BỘ TƯ PHÁP

TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT HÀ NỘI
---------------------------

ĐÀO THU TRANG

TÁC ĐỘNG CỦA HIỆP ĐỊNH ĐỐI TÁC XUYÊN THÁI
BÌNH DƯƠNG (TPP) ĐỐI VỚI PHÁP LUẬT LAO ĐỘNG
VIỆT NAM VÀ XU HƯỚNG HOÀN THIỆN

LUẬN VĂN THẠC SĨ LUẬT HỌC

HÀ NỘI - NĂM 2016
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

BỘ TƯ PHÁP


TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT HÀ NỘI

ĐÀO THU TRANG

TÁC ĐỘNG CỦA HIỆP ĐỊNH ĐỐI TÁC XUYÊN THÁI BÌNH DƯƠNG
(TPP) ĐỐI VỚI PHÁP LUẬT LAO ĐỘNG VIỆT NAM VÀ XU HƯỚNG
HOÀN THIỆN

LUẬN VĂN THẠC SĨ LUẬT HỌC
Chuyên ngành: Luật Kinh tế


Mã số: 60380107

Người hướng dẫn khoa học: TS. Nguyễn Hiền Phương

HÀ NỘI - NĂM 2016


LỜI CẢM ƠN
Trong suốt quá trình học tập và hoàn thành luận văn này, bên cạnh sự
nỗ lực của bản thân, tôi đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ, động viên và
hướng dẫn của các thầy cô giáo, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp trong suốt
khóa học cũng như thời gian nghiên cứu đề tài luận văn.
Với lòng kính trọng và biết ơn sâu sắc, tôi xin gửi lời cảm ơn chân
thành đến Tiến sĩ Nguyễn Hiền Phương – cô giáo kính mến đã hết lòng giúp
đỡ, tận tình hướng dẫn, chỉ bảo và tạo mọi điều kiện cho tôi trong suốt quá
trình thực hiện nghiên cứu Luận văn của mình.
Đồng thời, tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành và sâu sắc tới Ban giám
hiệu, toàn thể quý thầy cô, cán bộ trong Phòng Đào tạo, Khoa Sau đại học,
Khoa Pháp luật kinh tế và cán bộ Thư viện trường Đại học Luật Hà Nội đã
tạo mọi điều kiện thuận lợi cho tôi trong suốt quá trình học tập, nghiên cứu
và hoàn thành luận văn thạc sĩ.
Tôi cũng xin gửi lời cảm ơn chân thành đến gia đình, bạn bè, đồng
nghiệp đã luôn ở cạnh động viên và giúp đỡ tôi trong quá trình học tập và
thực hiện đề tài nghiên cứu của mình.
Cuối cùng, tôi xin chân thành cảm ơn các thầy cô trong hội đồng chấm
luận văn đã cho tôi những đóng góp quý báu để hoàn chỉnh luận văn này.

Hà Nội, ngày

tháng


năm 2016

Tác giả

Đào Thu Trang


LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan rằng đây là công trình nghiên cứu của tôi, có sự hỗ
trợ từ Giáo viên hướng dẫn là TS. Nguyễn Hiền Phương. Các nội dung
nghiên cứu và kết quả trong đề tài này là trung thực. Những số liệu phục vụ
cho việc phân tích, nhận xét, đánh giá được chính tác giả thu thập từ các
nguồn khác nhau có ghi rõ trong phần tài liệu tham khảo. Ngoài ra, đề tài
còn sử dụng một số nhận xét, đánh giá cũng như số liệu của các tác giả, cơ
quan tổ chức khác và cũng thể hiện trong phần tài liệu tham khảo. Nếu phát
hiện có bất cứ sự gian lận nào, tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm trước hội
đồng cũng như kết quả luận văn của mình.

Hà Nội, ngày

tháng

năm 2016

Tác giả

Đào Thu Trang



MỤC LỤC
PHẦN MỞ ĐẦU

1

CHƯƠNG I.
HIỆP ĐỊNH ĐỐI TÁC XUYÊN THÁI BÌNH DƯƠNG
VÀ NHỮNG CAM KẾT VỀ LAO ĐỘNG 6
1.1.

Sơ lược về sự hình thành và mục tiêu của các quốc gia khi tham gia
vào TPP 6

1.2.

Nội dung cam kết về lao động trong TPP 18

1.3.

Mức độ cam kết và đảm bảo thực hiện

25

CHƯƠNG II.
RÀ SOÁT CÁC QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT LAO
ĐỘNG VIỆT NAM VÀ YÊU CẦU HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT LAO
ĐỘNG KHI VIỆT NAM THAM GIA VÀO TPP
29
2.1.


Thực trạng pháp luật lao động Việt Nam 29

2.2.

Tác động của việc tham gia vào TPP đối với pháp luật lao động Việt
Nam
36

2.3.

Những nội dung cần điều chỉnh trong pháp luật lao động khi Việt
Nam tham gia vào TPP
39

CHƯƠNG III.
MỘT SỐ KIẾN NGHỊ NHẰM HOÀN THIỆN QUY
ĐỊNH PHÁP LUẬT LAO ĐỘNG TRONG BỐI CẢNH VIỆT NAM
THAM GIA VÀO TPP 55
3.1.

Những khó khăn của Việt Nam trong việc hoàn thiện các quy định
pháp luật lao động hiện hành
55

3.2.

Một số kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật lao động hiện
hành đảm bảo cho Việt Nam tham gia vào TPP 62

3.2.


Tổ chức thực hiện các cam kết của Việt Nam trong TPP

KẾT LUẬN

71
77

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO........................................................78


DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT

TPP

:

The Trans-Pacific Partnership – Hiệp định Đối tác
xuyên Thái Bình Dương

ILO

:

International Labour Organization – Tổ chức Lao
động Quốc tế

FTA

:


Free Trade Agreement – Hiệp định thương mại tự do

NĐ - CP

:

Nghị định – Chính phủ


PHẦN MỞ ĐẦU
1.

Tính cấp thiết của việc nghiên cứu đề tài

Xu thế hội nhập kinh tế toàn cầu bằng việc tích cực tham gia các hiệp
định thương mại tự do khu vực và song phương đang không ngừng lan rộng
khắp khu vưc Châu Á – Thái Bình Dương. Việt Nam cũng không nằm ngoài
xu thế đó khi trong những năm gần đây, Việt Nam đã và đang tham gia vào
tiến trình đàm phán và ký kết nhiều hiệp định thương mại với nhiều đối tác
khác nhau mà gần đây nhất có thể kể đến Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình
Dương (TPP). Được coi là Hiệp định thương mại tự do kiểu mẫu của thế kỉ
21, TPP có phạm vi rộng, bao phủ toàn diện, cam kết mở cửa trên 20 lĩnh vực
khác nhau với phạm vi và mức độ cam kết sâu rộng hơn so với các Hiệp định
thương mại tự do (FTA) thông thường mà Việt Nam đã tham gia. Bên cạnh
những vấn đề truyền thống như thương mại hàng hoá, thương mại dịch vụ
như các FTA khác, TPP còn yêu cầu các nước cam kết trên nhiều lĩnh vực
mới như mua sắm chính phủ, lao động, môi trường, đầu tư, doanh nghiệp nhà
nước... Đối với Việt Nam, trong số các FTA mà Việt Nam đã tham gia, TPP
là FTA đầu tiên có chương riêng về lao động với các điều khoản về lao động

chặt chẽ nhất so với tất cả các FTA có nội dung về lao động trước đó. Ngoài
ra, có thể nói cam kết về lao động và quan hệ lao động trong TPP là cam kết
mang tính điều kiện ở mức cao nhất với nhiều yêu cầu khắt khe về sửa đổi
pháp luật và thực tiễn.
Sau khi kết thúc quá trình ký kết, Việt Nam sẽ có một khoảng thời gian
chuẩn bị là khoảng 2 năm để hoàn thiện các quy định của pháp luật trước khi
trình Quốc hội các nước phê chuẩn để hiệp định có hiệu lực. Do vậy, việc
chuẩn bị thật tốt để đảm bảo tính chủ động của Việt Nam trong quá trình thực
hiện những cam kết này có vai trò đặc biệt quan trọng trong bối cảnh Việt
Nam đang chuẩn bị tích cực trong việc hoàn thiện và điều chỉnh các quy định


pháp luật cho tương thích với các tiêu chuẩn lao động quốc tế cũng như các
cam kết của Việt Nam trong TPP để TPP có thể sớm được phê chuẩn và có
hiệu lực trong năm 2018.
Xuất phát từ những lý do nêu trên, đề tài “Tác động của Hiệp định đối
tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đối với pháp luật lao động Việt Nam và xu
hướng hoàn thiện” được thực hiện với mong muốn góp phần đề ra những giải
pháp để triển khai các cam kết về lao động và điều chỉnh quan hệ lao động
của Việt Nam khi tham gia vào TPP. Trên cơ sở phân tích làm rõ sự tác động
của các cam kết trong TPP đến việc điều chỉnh các quy định tương ứng của
pháp luật và thực tiễn pháp luật lao động hiện nay của Việt Nam, luận văn đề
xuất những kiến nghị và giải pháp nhằm hoàn thiện quy định của pháp luật
hiện hành.
2.

Tình hình nghiên cứu đề tài

Hiệp định TPP được đánh giá là một hiệp định thương mại tự do thế hệ
mới mang lại nhiều lợi ích to lớn cho các quốc gia khi tham gia. Đây cũng là

lần đầu tiên có một hiệp định giành hẳn một chương riêng để quy định về vấn
đề lao động và cũng là một trong những hiệp định có cam kết về lao động
được đánh giá ở mức độ sâu và rộng nhất từ trước đến giờ. Đứng trước bối
cảnh Việt Nam đang tích cực chuẩn bị cho việc tham gia vào TPP, đã có rất
nhiều đề tài nghiên cứu cũng như bài viết liên quan đến vấn đề này như:
“Nghiên cứu triển khai nội dung lao động và quan hệ lao động trong Hiệp
định đối tác xuyên Thái Bình Dương và các hiệp định tự do thương mại khác
mà Việt Nam tham gia” của Trung tâm hỗ trợ phát triển Quan hệ lao động
CIRD (2015); “Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và tác động
tới Việt Nam” của tác giả Nguyễn Anh Tuấn (2015); “Hiệp định đối tác
xuyên Thái Bình Dương – TPP và vấn đề tham gia của Việt Nam” của tác giả
Hoàng Văn Châu (2014)…


Tuy nhiên, TPP là một hiệp định mới, bên cạnh đó, Việt Nam hiện vẫn
đang trong quá trình hoàn thiện các quy định pháp luật để chuẩn bị cho việc
thông qua và có hiệu lực của TPP. Vì vậy, việc tiến hành nghiên cứu các để
đánh giá các quy định và đưa ra được kiến nghị góp phần hoàn thiện hệ thống
pháp luật lao động Việt Nam cho tương thích với cam kết về lao động trong
TPP được xem là một công việc có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh hiện
nay.
3.

Đối tượng nghiên cứu, phạm vi nghiên cứu của luận văn

Đối tượng nghiên cứu: đối tượng nghiên cứu của luận văn được xác
định là các quy định pháp luật về lao động hiện hành của Việt Nam và nội
dung cam kết về lao động của Việt Nam trong TPP. Kể từ đó phân tích sự tác
động của TPP vào nội dung pháp luật lao động Việt Nam và đưa ra được
những điều chỉnh cần thiết.

Phạm vi nghiên cứu: Hiệp định TPP không tạo ra tiêu chuẩn lao động
mới mà xuất phát từ những tiêu chuẩn lao động của ILO. Vì vậy, luận văn tập
trung vào rà soát các nội dung cam kết về lao động của Việt Nam trong TPP,
các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản của ILO và các quy định pháp luật lao
động của Việt Nam hiện hành để đánh giá sự tương thích của các cam kết lao
động của Việt Nam trong TPP với thực trạng pháp luật lao động của Việt
Nam, từ đó đưa ra phương hướng thích hợp đối với việc hoàn thiện pháp luật
lao động Viêt Nam khi hội nhập quốc tế.
4.

Mục tiêu nghiên cứu của luận văn
Trên cơ sở nghiên cứu các cam kết về lao động trong hiệp định TPP,

luận văn sẽ phân tích sự tương thích giữa quy định của pháp luật lao động
Việt Nam hiện hành với các tiêu chuẩn lao động quốc tế của ILO và cam kết
về lao động của Việt Nam trong TPP, từ đó, đề xuất ra một số khuyến nghị


cho Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam đang gấp rút hoàn thiện hệ thống
pháp luật lao động để chuẩn bị cho việc tham gia vào TPP.
5.

Phương pháp nghiên cứu áp dụng để thực hiện luận văn
Trên nền tảng phương pháp luận duy vật biện chứng và duy vật lịch sử.

luận văn còn sử dụng kết hợp nhiều phương pháp nghiên cứu cụ thể như:
- Phương pháp tổng hợp, lịch sử và diễn giải được sử dụng trong Chương
1 khi nghiên cứu để đưa những vấn đề cơ bản nhất và cái nhìn tổng quan về
các cam kết về lao động của Việt Nam trong TPP.
- Phương pháp phân tích, đối chiếu, quy nạp, diễn giải được sử dụng ở

Chương 2 để nghiên cứu thực trạng pháp luật Việt Nam và đối chiếu với các
cam kết về lao động mà Việt Nam phải thực hiện khi tham gia vào TPP từ đó
rút ra được những nội dung pháp luật cần điều chỉnh.
- Phương pháp bình luận, tổng hợp, quy nạp được sử dụng ở Chương 3
khi đề cập đến một số giải pháp hoàn thiện pháp luật cho tương thích với cam
kết về lao động của Việt Nam trong TPP.
6.

Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của luận văn
Trong bối cảnh Việt Nam đang gấp rút chuẩn bị cho việc hoàn thiện

các quy định pháp luật lao động hiện hành để TPP sớm được thông qua và có
hiệu lực. Luận văn đã có một số những đóng góp trên cả mặt lý luận và thực
tiễn như sau:
- Luận văn đã tập hợp và hệ thống hóa những vấn đề cơ bản về
lịch sử hình thành và phát triển của hiệp định TPP cũng như khái quát
được các cam kết về lao động của Việt Nam trong TPP, thông qua đó
tạo tiền đề cho việc phân tích sự tương thích của các cam kết này với
thực trạng pháp luật lao động hiện hành của Việt Nam.


- Luận văn đã tổng hợp, thống kê được các quy định của pháp luật
về thực trạng pháp luật lao động của Việt Nam, trên cơ sở đó chỉ ra
được những điểm tương thích cũng như chưa tương thích mà pháp luật
cần sửa đổi để phù hợp với các cam kết về lao động của Việt Nam
trong TPP; đồng thời khẳng định sự cần thiết của việc điều chỉnh các
quy định pháp luật lao động của Việt Nam khi tham gia vào hiệp định
TPP.
- Luận văn đã đề xuất những định hướng và giải pháp hoàn thiện
các quy định pháp luật lao động của Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam

đang tiến hành việc tham gia vào TPP để hiệp định TPP sớm được
thông qua và có hiệu lực với Việt Nam.
7.

Kết cấu của luận văn

Bố cục của luận văn được xây dựng phù hợp với mục đích, nhiệm vụ
và phạm vi nghiên cứu. Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu
tham khảo, bố cục của luận văn gồm ba chương:
Chương 1: Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và những cam
kết về lao động.
Chương 2: Rà soát các quy định pháp luật lao động Việt Nam và yêu cầu
hoàn thiện pháp luật lao động khi Việt Nam tham gia vào TPP.
Chương 3: Một số kiến nghị nhằm hoàn thiện quy định pháp luật lao động
trong bối cảnh Việt Nam tham gia vào TPP.


CHƯƠNG I.


HIỆP ĐỊNH ĐỐI TÁC XUYÊN THÁI BÌNH DƯƠNG VÀ NHỮNG
CAM KẾT VỀ LAO ĐỘNG
1.1.

Sơ lược về sự hình thành và mục tiêu của các quốc gia khi tham gia
vào TPP

1.1.1. Sơ lược về sự hình thành TPP
Tư tưởng tự do kinh tế, đặc biệt tự do thương mại đã được rất nhiều nhà
kinh tế học từ cổ điển tới hiện đại ủng hộ, tiêu biểu như Fransois Quesnay

người Pháp; Adam Smith, David Ricardo người Anh và S.Sismondi người
Pháp…bởi nó mang lại lợi ích kinh tế - xã hội rất to lớn cho các quốc gia.
Trong quá trình tham gia tự do thương mại, các quốc gia không thể “chơi”
một mình, không “tự nguyện” giảm các rào cản thương mại mà phải thỏa
thuận cùng nhau cắt giảm các rào cản thương mại, tạo điều kiện cho nhau
cùng phát triển tự do thương mại. Quá trình thúc đẩy tự do hóa thương mại
này dẫn đến việc thành lập các Hiệp định thương mại tự do (FTA)1.
Cho tới nay đã có rất nhiều các tổ chức và quốc gia khác nhau đưa ra
các khái niệm về FTA cho riêng mình. Điều này thể hiện những quan điểm
khác nhau về FTA cũng như sự phát triển đa dạng của các quốc gia. Trong số
các khái niệm về FTA đã được đưa ra thì đa số các nước và các tổ chức trên
thế giới chấp thuận một số khái niệm sau:
Hiệp ước chung về thuế quan và thương mại (GATT) tại Khoản 8b
Điều XXIV ghi rõ: “Khu vực thương mại tự do được hiểu là một nhóm gồm
hai hoặc nhiều các lãnh thổ thuế quan. Trong đó, thuế và các quy định mang
tính hạn chế về thương mại (ngoại trừ, trong chừng mực cần thiết, các hạn
chế được phép theo quy định của các Điều XI, XII, XIII, XIV, XV và XX) sẽ bị
dỡ bỏ đối với phần lớn các sản phẩm có xuất xứ từ các lãnh thổ đó và được
trao đổi thương mại giữa các lãnh thổ lập thành khu vực thương mại tự do”2.
1 Nguyễn Thành Long (2010), Đàm phàn Hiệp định thương mại tự do giữa Singapore và Hoa Kỳ - bài học
kinh nghiệm đối với Việt Nam, Luận văn Thạc sĩ kinh tế, Trường Đại học Ngoại thương, Hà Nội, tr. 5
2 Uỷ Ban quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế (2003), Các Văn kiện cơ bản của Tổ chức Thương mại thế giới,
Nbx Hồng Đức, Hà Nội, tr. 918


Theo trang web chính thức của Chính phủ Hoa Kỳ về FTA: “FTA là sự
đàm phán giữa hai hay nhiều quốc gia nhằm cắt giảm tất cả các hàng rào
thuế quan và phi thuế quan đối với thương mại giữa các thị trường của các
nước thành viên. Mỗi quốc gia vẫn có thể áp dụng các rào cản thuế và rào
cản thương mại khác đối với các quốc gia không tham gia ký kết hiệp định”3.

Tóm lại, chúng ta có thể thấy các khái niệm trên đều hàm chứa một nội
dung cốt lõi xuyên suốt là: “FTA là một thỏa thuận giữa hai hay nhiều quốc
gia hoặc vùng lãnh thổ nhằm mục đích tự do hóa thương mại về một hoặc một
số nhóm mặt hàng nào đó bằng việc cắt giảm thuế quan, tạo lập các quy định
tạo thuận lợi cho việc trao đổi hàng hóa, dịch vụ và di chuyển vốn giữa các
quốc gia thành viên”. Ngày nay, FTA không chỉ giới hạn trong việc thực hiện
tự do hóa thương mại hàng hóa, dịch vụ mà còn cả xúc tiến và tự do hoá đầu
tư, hợp tác chuyển giao công nghệ, thuận lợi hóa thủ tục hải quan, xây dựng
năng lực và nhiều nội dung mới khác như lao động, môi trường; các FTA đã
cho thấy những ưu thế vượt trội của mình, trở thành một xu hướng đang phát
triển rất mạnh mẽ trong những năm gần đây.
Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) là
một Hiệp định thương mại tự do có xuất phát điểm từ Hiệp định hợp tác kinh
tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (P4). Bắt đầu từ năm 2005, trong
khuôn khổ của các diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương
(APEC), có 4 nước là Singapore, New Zealand, Bruney và Chile đã họp với
nhau, đi đến một quyết định thành lập một hiệp định thương mại tự do giữa 4
nước này với ý tưởng là xây dựng một hiệp định FTA cho cả khu vực Châu Á
– Thái Bình Dương với mong muốn kết nối, ủng hộ và thúc đẩy lẫn nhau
trong tiến trình tự do hóa thương mại để thực hiện hóa ý tưởng về khu vực
mậu dịch tự do Châu Á – Thái Bình Dương của APEC.

3 truy cập ngày 23/07/2016


Hiệp định P4 có phạm vi điều chỉnh rộng, bao gồm cả hàng hóa, dịch
vụ, vệ sinh an toàn thực phẩm, rào cản kỹ thuật, chính sách cạnh tranh, sở hữu
trí tuệ, mua sắm chính phủ và minh bạch hóa, hợp tác về môi trường và hợp
tác về lao động. Điểm nổi bật nhất của P4 là tự do hóa rất mạnh về hàng hóa,
thuế nhập khẩu được xóa bỏ hoàn toàn và phần lớn là xóa bỏ ngay từ khi P4

có hiệu lực, đây là một tham vọng rất lớn cho cả 21 quốc gia thành viên
APEC. Tuy nhiên ở thời điểm đó, những nước có cùng quan điểm thành lập
một FTA chung là không nhiều, các nước thành viên của P4 chủ yếu là những
nước có hệ thống chính sách thương mại rất tự do, cởi mở. Tuy nhiên, 4 nước
này quá nhỏ, vai trò về kinh tế và chính trị không lớn, cho nên đã không thu
hút được sự quan tâm của các nước khác, kể cả các nước thành viên APEC.
Vì vậy, hiệp định P4 mặc dù đã được kí nhưng không gây ra tiếng vang lớn
trong khu vực cũng như trên thế giới. Dấu mốc phát triển lớn của hiệp định
bắt đầu từ năm 2008, khi Hoa Kỳ đổi mới cách thức tiếp cận, hội nhập và
đánh dấu sự chuyển hướng chính trị của Hoa Kỳ đối với khu vực Châu Á –
Thái Bình Dương bằng việc quyết định tham gia vào Hiệp định P4 vào quý 3
năm 20084.
Việc Hoa Kỳ, một thị trường kinh tế lớn và phát triển nhất thế giới
tham gia vào P4 đã tạo ra sự thay đổi hoàn toàn đối với hình ảnh của P4. Đây
là cơ hội rất lớn cho những quốc gia thành viên của hiệp định có thể hợp tác
cũng như tăng cường phát triển kinh tế đối với Hoa Kỳ. Sự ảnh hưởng của
Hoa Kỳ đối với P4 còn thể hiện ở việc sau khi Hoa Kỳ tham gia vào hiệp định
thì tại hội nghị APEC được tổ chức tại Peru năm 2008, Úc và Peru cũng đã
quyết định tham gia vào P4 nâng tổng số thành viên của P4 tại thời điểm đó
lên 7 quốc gia. Lúc này, đàm phán mở rộng P4 đã được đặt tên lại là đàm
phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương hay còn gọi là TPP5.
4Hoàng Văn Châu (2014), Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương – TPP và vấn đề tham gia của Việt
Nam, Nxb Bách Khoa, Hà Nội, tr. 21
5Xem thêm: Ngô Chung Khanh (2012), “Cập nhật tình hình đàm phán TPP của Việt Nam – Những vấn đề
chung”, tại địa chỉ ngày truy cập 15/07/2016


Sau khi Úc và Peru tham gia vào hiệp định, đầu năm 2009, Việt Nam
đã nhận được thư mời tham gia TPP. Đến năm 2010, Malaysia cũng bày tỏ
mong muốn tham gia TPP. Quá trình để đồng ý cho Malaysia gia nhập TPP

diễn ra rất nhanh, vì khi đó chưa có quy trình áp dụng riêng cho thành viên
mới muốn tham gia TPP mà đơn giản chỉ là quy trình tham vấn giữa các quốc
gia thành viên TPP. Đến tháng 9 năm 2010, Malaysia đã được đồng ý tham
gia TPP. Đến tháng 10 năm 2010 tại Hội nghị thượng đỉnh APEC, Chủ tịch
nước Nguyễn Minh Triết đã thông báo Việt Nam sẽ chính thức tham gia hiệp
định TPP. Tại Hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo TPP cũng được tổ
chức bên lề Hội nghị cấp cao APEC tại Yokohama, Tổng thống Obama đã
chính thức chào mừng Việt Nam và Malaysia tham gia TPP. Như vậy đến
cuối năm 2010, Việt Nam cùng với Malaysia đã trở thành hai thành viên
chính thức mới của TPP, nâng số thành viên của TPP lên 9 thành viên.
Kể từ khi TPP mở rộng thành viên, một số quốc gia khác cũng đã thể
hiện sự quan tâm đối với hiệp định này tiêu biểu là Canada, Mexico tham gia
năm 2012, Nhật Bản tham gia năm 2013 sau khi đạt được sự đồng thuận của
các 9 quốc gia đã tham gia đàm phán TPP. Như vậy, tính đến tháng 4 năm
2014, TPP đã có 12 nước chính thức tham gia đàm phán với phạm vi cam kết
rộng lớn bao gồm hầu hết các lĩnh vực có liên quan tới thương mại, trong đó
có nhiều lĩnh vực mới như môi trường, lao động, các vấn đề xuyên suốt liên
quan đến thương mại như chuỗi cung ứng, doanh nghiệp vừa và nhỏ6… TPP
được kỳ vọng sẽ trở thành một khuôn khổ thương mại toàn diện, có chất
lượng cao, mang lại lợi ích nhiều nhất cho tất cả những quốc gia đang và sẽ
tham gia hiệp định và sẽ trở thành khuôn mẫu cho các hiệp định thế kỷ 21.
1.1.2. Mục tiêu của các quốc gia khi tham gia vào TPP
Các quốc gia tham gia vào TPP mong muốn tạo ra được một khung khổ
mới cho tự do hóa thương mại, đầu tư và nếu có thể thì sẽ biến TPP thành hạt
6 Nguyễn Anh Tuấn (2015), Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và tác động tới Việt Nam, Nxb
Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội, tr.31


nhân để hình thành Khu vực Thương mại tự do chung cho toàn khu vực Châu
Á - Thái Bình Dương (FTAAP). Bên cạnh đó, các quốc gia khi tham gia vào

TPP đều có chung mục tiêu là cùng nhau tạo ra một mô hình mới về hội nhập
và hợp tác kinh tế khu vực, tạo thuận lợi hơn nữa cho dòng chảy thương mại
và đầu tư, cụ thể:
Một là, đi đường ngắn nhất để đạt lợi ích cao nhất. Hiện nay, trong xu
hướng hội nhập và thiết lập quan hệ kinh tế quốc tế, việc hình thành quá nhiều
các FTA song phương lại dẫn đến khó khăn cho doanh nghiệp khi tận dụng
ưu đãi do quy định của các FTA quá khác nhau. Cùng với đó, các quốc gia
cũng sẽ không khai thác được đầu vào từ các quốc gia khác không tham gia
các hiệp định song phương. Chính vì vậy, nếu chuyển sang cách tiếp cận mới
là ký FTA với nhiều quốc gia cùng một lúc thì lợi ích kinh tế đạt được sẽ lớn
hơn. Đây cũng chính là xu hướng mới trong quan hệ thương mại quốc tế.
Hai là, chuyển trọng tâm từ tiến trình đa phương sang khu vực và trong
chừng mực nào đó, sử dụng tiến triển trong đàm phán khu vực để tác động
ngược trở lại đàm phán đa phương. Cụ thể, do vòng đàm phán Doha của Tổ
chức Thương mại Thế giới (WTO) đang gặp nhiều bế tắc nên nếu các quốc
gia thành công trong việc tham gia và đặt ra những chuẩn mực mới cho TPP,
sau đó mở rộng TPP ra toàn khu vực Châu Á - Thái Bình Dương thì các quy
định mới này sẽ thúc đẩy tích cực tới tiến triển đàm phán đa phương của
WTO.
Ba là, tạo thế cân bằng chiến lược vì TPP hướng đến việc thiết lập quan
hệ kinh tế cân bằng trong khu vực, tránh việc quá phụ thuộc vào một thị
trường cụ thể. Các quốc gia thành viên của TPP sẽ cùng nhau xây dựng một
khu khu vực tự do thương mại lớn, xuyên lục địa để cùng nắm bắt cơ hội khai
thác chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Với các quốc gia chưa có quan hệ
FTA với Hoa Kỳ như Nhật Bản, Malaysia và Việt Nam thì động lực lớn nhất
là thông qua TPP để thiết lập FTA với Hoa Kỳ và khai thác thị trường rộng
lớn này. Tương ứng với đó, Châu Á cũng được coi là thị trường đặc biệt quan


trọng đối với Hoa Kỳ, theo đánh giá của Cơ quan đại diện thương mại Hoa

Kỳ, khu vực châu Á – Thái Bình Dương là chìa khóa thúc đẩy kinh tế toàn
cầu, chiếm tới gần 60% GDP toàn cầu và khoảng 50% thương mại quốc tế.
Việc gia nhập đàm phán TPP thể hiện quyết tâm cao của Hoa Kỳ trong việc
tiếp cận hoàn toàn vào thị trường rộng lớn và đầy tiềm năng này7.
Bốn là, mở rộng thị trường lao động và nâng cao chất lượng của người
lao động. Khi tham gia vào TPP, việc tự do hóa thương mại và đầu tư cũng
luôn dẫn đến tăng nhu cầu lao động kéo theo đó là mức linh hoạt của thị
trường lao động sẽ tăng lên8. Các hạn chế về chuyển dịch trong thị trường lao
động sẽ bị gỡ bỏ, quá trình tự do hóa thị trường lao động không chỉ mở ra
thêm nhiều cơ hội việc làm cho người lao động của các quốc gia thành viên
TPP mà còn là cơ hội đối với lực lượng lao động có chất lượng cao khi được
tự do di chuyển trong khu vực. Hơn thế nữa, người lao động của các quốc gia
thành viên sẽ được tiếp cận trực tiếp với nền sản xuất hiện đại, với trình độ và
kinh nghiệm quản lý, điều hành sản xuất, kinh doanh tiên tiến của thế giới,
qua đó trình độ, kỹ năng, tác phong lao động, kiến thức tổ chức, quản lý của
người lao động cũng sẽ được nâng lên.
Cụ thể hơn, bên cạnh các mục tiêu chung mà mọi quốc gia hướng tới
nêu trên, việc tham gia vào TPP của Việt Nam còn có nhiều mục tiêu khác
như thúc đẩy việc hoàn thiện nhanh hơn thể chế kinh tế thị trường, cơ cấu lại
nền kinh tế, cơ cấu lại lực lượng lao động, chuyển đổi mô hình tăng trưởng
kinh tế và hoàn thiện hệ thống pháp luật hiện hành về thương mại, đầu tư, đấu
thầu, sở hữu trí tuệ, lao động…cho phù hợp với yêu cầu nội tại của nền kinh
tế cũng như ngày càng tiệm cần hơn với yêu cầu của pháp luật quốc tế. Riêng
trong lĩnh vực lao động, tham gia vào TPP là cơ hội để Việt Nam hoàn thiện
7 Xem thêm: Thu Hằng (2016), “Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương – Cơ hội thành trái ngọt”, Báo
điện tử của Bộ Công thương, tại địa chỉ: ngày truy
cập 19/7/2016
8 Xem thêm: Trần Quang Chiến (2015), “Lao động, việc làm: thuận lợi và thách thức sau khi TPP có hiệu
lực”, tại địa chỉ: ngày truy cập 19/7/2016



hệ thống pháp luật về lao động bên cạnh đó, đảm bảo hơn nữa quyền lợi của
người lao động theo tiêu chuẩn lao động quốc tế. Xét cho cùng, phát triển
nguồn nhân lực luôn là mục tiêu cuối cùng và cũng là động lực mạnh nhất của
mọi quá trình phát triển kinh tế - xã hội quốc gia và quốc tế.
1.1.3. Việt Nam và việc tham gia vào TPP
-

Vai trò của Việt Nam trong TPP
Theo đánh giá chung của các nước thì việc Việt Nam tham gia TPP có

ý nghĩa quan trọng đối với thành công chung của TPP vì các lý do dưới đây:
Thứ nhất, Việt Nam có thể đem lại cơ hội về mở cửa thị trường đáng
kể, đem lại giá trị gia tăng tương đối lớn cho một số nước TPP chưa có quan
hệ FTA với Việt Nam. Kể cả với Australia, Nhật Bản, Chile, New Zealand và
Singapore – những nước đã có FTA với nước ta, việc Việt Nam vào TPP vẫn
mang lại nhiều lợi ích, đặc biệt là trong những lĩnh vực mà Việt Nam chưa có
nhiều cam kết với họ, ví dụ như dịch vụ và đầu tư. Ngoài ra, với lợi thể dân số
đáng kể, dân số Việt Nam đang ở thế “cơ cấu dân số vàng”, nền kinh tế phát
triển năng động và hứa hẹn trở thành thị trường có sức mua lớn. Việt Nam là
điểm đến được doanh nghiệp các nước trong khu vực Châu Á – Thái Bình
Dương quan tâm.
Thứ hai, Việt Nam đang có vai trò ngày càng nổi bật trong khu vực và
trên thế giới, trong những năm vừa qua, Việt Nam đã chứng tỏ mình là một
quốc gia năng động, nghiêm túc trong việc thực thi cam kết quốc tế, có môi
trường chính trị ổn định và đang có vai trò ngày càng quan trọng trong khu
vực, hứa hẹn sẽ trở thành một đối tác quan trọng trong hiện tại và tương lai9.
Việc Việt Nam tham gia TPP sẽ giúp tăng thêm ảnh hưởng của TPP ở
khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đặc biệt trong bối cảnh số quốc gia thể
9 Xem thêm: Trần Quốc Khánh (2015), “Vì sao Việt Nam được mời tham gia TPP”, tại địa chỉ:

ngày truy cập:
22/6/2016


hiện sự quan tâm việc gia nhập TPP đang gia tăng, bao gồm cả Hàn Quốc,
vùng lãnh thổ Đài Loan, Indonesia, Thái Lan, Philippines, Colombia, Costa
Rica và nhiều quốc gia khác10. Việt Nam là nước đang phát triển ở trình độ
thấp, do vậy, việc Việt Nam có thể tham gia thành công vào TPP sẽ là bằng
chứng thuyết phục các nước có trình độ phát triển kinh tế chưa cao cũng như
các nước có nền kinh tế đang phát triển cùng tham gia vào TPP. Đây là yếu tố
quan trọng để TPP có thể được mở rộng trong tương lai và trở thành Hiệp
định FTA của toàn khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Cục diện thế giới đang có những biến đổi nhanh chóng, trong đó khu
vực Châu Á – Thái Bình Dương là một trong những trọng tâm triển khai
chính sách đối ngoại của nhiều cường quốc. Đồng thời, cùng với sự trì trệ của
đàm phán theo kênh đa phương trong WTO, xu hướng ký kết các thỏa thuận
thương mại tự do với với quy mô lớn, thậm chí rất lớn, ngày càng phát triển.
Trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, hiện đang có 2 hiệp định với quy
mô rất lớn đang được đàm phán là TPP và Hiệp định Đối tác Toàn diện Khu
vực hay còn được gọi là RCEP. RCEP là Hiệp định giữa ASEAN và 6 nước
đối tác gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Oxtraylia và Niu Dilân đang đàm phán cũng có ý đồ xây dựng tập hợp lực lượng mới, mang tính
chiến lược, nhưng với tiêu chuẩn thấp hơn so với TPP.
TPP là hiệp định có tiêu chuẩn cao nhưng nhìn chung đa số các nước
tham gia đàm phán đều có cơ cấu kinh tế mang tính bổ sung với kinh tế Việt
Nam và là các thị trường Việt Nam duy trì xuất siêu với kim ngạch lớn.
Ngược lại, RCEP có tiêu chuẩn thấp hơn nhưng nhiều nước tham gia lại có cơ
cấu kinh tế cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam, tuy nhiên, do chúng ta đã có
FTA trong khung khổ đa phương và song phương với tất cả các nước tham
gia RCEP nên dự kiến mức độ cạnh tranh sẽ không gia tăng. Ngược lại, Việt
10 Phạm Chi Lan (2011) trả lời giao lưu trong Diễn đàn kinh tế Việt Nam, “Cuộc chơi” chủ động của Việt

Nam trong hội nhập”, tại địa chỉ: ngày truy cập: 28/6/2016


Nam sẽ có nhiều cơ hội hơn để tận dụng sản phẩm đầu vào từ các nước này để
xuất khẩu tới các thị trường quan trọng khác, trong đó có các quốc gia thành
viên TPP. Việc Việt Nam cùng một số nước ASEAN và Nhật Bản tham gia cả
2 hiệp định lớn đang được đàm phán trong khu vực Châu Á – Thái Bình
Dương thể hiện tinh thần chủ động của Việt Nam trong đa dạng hóa các mối
quan hệ và cân bằng lợi ích với các đối tác lớn11.
-

Quá trình tham gia TPP của Việt Nam
Từ năm 2006, qua nhiều kênh, Singapore đã rất tích cực mời Việt Nam

tham gia P4. Trước những cân nhắc cả về khía cạnh kinh tế và chính trị, Việt
Nam chưa nhận lời mời này của Singapore. Cho đến khi P4 chuyển thành
TPP vào cuối năm 2008, với việc Mỹ quyết định tham gia TPP và trước khi
tuyên bố tham gia TPP, Mỹ cũng đã mời Việt Nam cùng tham gia hiệp định
này. Việt Nam đã cân nhắc lại việc tham gia hay không tham gia TPP12.
Cùng thời gian này, trong quá trình nghiên cứu, nhận thấy tầm ảnh
hưởng tích cực và sâu rộng của TPP đến sự phát triển của kinh tế cũng như
hội nhập quốc tế, Việt Nam ngày càng thể hiện sự quan tâm đối với TPP. Tuy
nhiên, xét thấy đây là một Hiệp định có tiêu chuẩn cao và khá nhiều nội dung
nhạy cảm so với điều kiện của đất nước, nên chủ trương của ta là, một mặt sẽ
tiếp cận thận trọng, đi từng bước, có đánh giá, phân tích nhưng mặt khác cũng
phải nhạy bén, quyết định kịp thời để không bị bỏ lỡ cơ hội vì tham gia ngay
từ đầu để có quyền đàm phán hình thành ra các quy tắc của TPP, bảo đảm các
lợi ích của ta. Còn nếu tham gia sau khi Hiệp định đã được ký kết thì ta không
được quyền đàm phán nữa mà chỉ có nghĩa vụ phải chấp nhận. Vì vậy, bước
đầu ta mới chỉ tuyên bố tham gia với tư cách “quan sát viên đặc biệt” một

11 Xem thêm: Võ Chí Thành (2015), “RCEP và TPP - cơ hội nào cho Việt Nam”, tại địa chỉ:
ngày truy cập:
28/6/2016
12Xem thêm: Dự án EU – Việt Nam MUTRAP III (2012), “Giới thiệu chung về Hiệp định TPP”, tại địa chỉ:
ngày truy cập:
29/6/2016


dạng “thành viên liên kết”, được đàm phán như các thành viên khác nhưng
chưa phải cam kết nghĩa vụ gì.
Đến cuối năm 2010, sau 2 năm làm quan sát viên và làm rõ được nhiều
vấn đề mà ta quan tâm trong quá trình đàm phán, ta đã chính thức tham gia
TPP với tư cách thành viên đầy đủ. Sau khi tham gia 3 phiên đàm phán TPP
với tư cách “thành viên liên kết”, tháng 11 năm 2010, Việt Nam đã chính thức
tham gia vào quá trình đàm phán TPP với tư cách thành viên chính thức13.
Sau hơn 5 năm đàm phán với hơn 30 phiên làm việc ở cấp kỹ thuật và
hơn 10 cuộc đàm phán ở cấp Bộ trưởng, các nước TPP đã chính thức kết thúc
đàm phán Hiệp định vào ngày 05 tháng 10 năm 2015 tại Hội nghị Bộ trưởng
tại Át-lan-ta, Hoa Kỳ. Ngày 04 tháng 02 năm 2016, Bộ trưởng phụ trách
thương mại của 12 nước tham gia TPP gồm Oxtraylia, Bruney, Canada, Chile,
Nhật Bản, Malayxia, Mehico, NiuDilân, Peru, Singapore, Hoa Kỳ và Việt
Nam đã tham dự Lễ ký kết để xác thực lời văn Hiệp định TPP tại Auckland,
NiuDilân. Sau khi ký chính thức, các quốc gia thành viên sẽ tiến hành thủ tục
phê chuẩn hiệp định theo quy định của pháp luật nước mình. Được sự ủy
quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng
đã thay mặt Chính phủ Việt Nam ký xác thực lời văn hiệp định TPP và 35
thỏa thuận song phương trong các lĩnh vực liên quan đến dịch vụ tài chính,
dệt may, nông nghiệp, sở hữu trí tuệ… mà Việt Nam đã thống nhất với một số
nước TPP. Các thỏa thuận song phương này sẽ có hiệu lực cùng thời điểm với
TPP14.

Liên quan đến điều kiện để TPP được thông qua và có hiệu lực, theo
quy định của TPP, có 3 cách để TPP có thể có hiệu lực, cụ thể:

13 Xem thêm: Nguyễn Anh Tuấn (2015), Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và tác động tới
Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội, tr.20-22
14 Ký xác thực lời văn Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, tại địa chỉ: , ngày
truy cập: 29/6/2016


Cách thứ nhất: TPP sẽ có hiệu lực sau 60 ngày kể từ ngày mà tất cả các
nước thành viên TPP thông báo cho New Zealand nước đóng vai trò Cơ quan
Lưu chiểu của hiệp định về việc đã hoàn tất các thủ tục pháp lý, phê chuẩn nội
bộ của mình.
Cách thứ hai: Nếu trong vòng 02 năm kể từ ngày TPP được ký kết mà
hiệp định chưa thể có hiệu lực theo Cách thứ nhất nhưng có ít nhất 06 nước
thành viên chiếm ít nhất 85% tổng GDP của khu vực tính theo số liệu chính
thức của IMF năm 2013, tức là ít nhất phải bao gồm Hoa Kỳ và Nhật Bản,
thông báo đã hoàn tất các thủ tục pháp lý nội bộ, thì hiệp định sẽ có hiệu lực
sau 60 ngày kể từ khi kết thúc thời hạn 2 năm đó. Hoa Kỳ và Nhật Bản là hai
nước có GDP lớn nhất trong TPP, chiếm lần lượt là 60,27% và 17,68% năm
2013, vì vậy, nếu không có hai nước này thì ngưỡng 85% sẽ không thể đáp
ứng được, đồng nghĩa với việc TPP muốn có hiệu lực trong trường hợp này sẽ
không thể thiếu một trong hai nước nêu trên.
Cách thứ ba: Nếu cả hai trường hợp trên không xảy ra, thì Hiệp định sẽ
có hiệu lực sau 60 ngày kể từ bất kỳ thời điểm có ít nhất 06 nước thành viên
chiếm ít nhất 85% tổng GDP của khu vực thông báo hoàn tất thủ tục pháp lý
nội bộ15.
Đối với các trường hợp TPP có hiệu lực theo Cách thứ hai hoặc Cách
thứ ba, TPP chỉ có hiệu lực với các nước đã hoàn tất quá trình phê chuẩn và
thông qua nội bộ tại thời điểm đó. Các nước thành viên còn lại nếu muốn hiệp

định có hiệu lực với mình sẽ phải thông báo với các nước đã thông qua về
việc mình đã hoàn thành các thủ tục phê chuẩn nội bộ và ý định muốn trở
thành một thành viên của hiệp định. Trong vòng 30 ngày kể từ khi nhận được
thông báo, Hội đồng Đối tác Xuyên Thái Bình Dương bao gồm đại diện các
nước thành viên đã phê chuẩn TPP sẽ quyết định xem TPP có hiệu lực với
15 Trung tâm WTO và hội nhập – VCCI (2016), “Bước tiếp nhịp TPP”, tại địa chỉ:
ngày truy cập: 30/6/2016


nước thông báo đó không. Nói cách khác, TPP sẽ tự động có hiệu lực với các
nước phê chuẩn TPP “đợt đầu”, còn với các nước TPP còn lại, TPP sẽ chỉ có
hiệu lực với họ khi được các nước phê chuẩn “đợt đầu” đồng ý.
Theo dự báo, thời gian để các quốc gia thành viên hoàn tất các bước rà
soát pháp lý, ký kết và đặc biệt là phê chuẩn theo các thủ tục nội bộ có thể kéo
dài từ 18 đến 24 tháng. Nếu việc thực hiện các công việc trên diễn ra thuận
lợi, dự kiến TPP có thể sẽ có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2018, vì vậy,
Việt Nam hiện đang rất chủ động và tích cực trong việc chuẩn bị cho việc phê
chuẩn TPP. Phê chuẩn TPP sớm có ý nghĩa quan trọng không chỉ trong việc
thúc đẩy hoàn thiện hệ thống pháp luật trong nước mà còn tạo cho các doanh
nghiệp, người dân và toàn bộ xã hội có đủ thời gian để chuẩn bị và chủ động
tham gia khi hiệp định được ký kết.
Tại Hội nghị Trung ương lần thứ 14 diễn ra từ ngày 11 đến ngày 13
tháng 01 năm 2016, Ban Chấp hành Trung ương khoá XI đã thông qua nghị
quyết cho phép Chính phủ ký và giao Chính phủ trình Quốc hội phê chuẩn
theo quy định của pháp luật. Tháng 5 năm 2016, Văn phòng Chính phủ vừa
có thông báo về việc trình Quốc hội phê chuẩn TPP vào kỳ họp thứ nhất,
Quốc hội khóa XIV tháng 7 năm 2016. Tờ trình phê chuẩn TPP theo quy định
của Hiến pháp 2013 và Luật Điều ước quốc tế 2016 sẽ do Bộ Công thương
chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan soạn thảo, hoàn thiện trình ký
Thủ tướng Chính phủ, sau đó, tờ trình này sẽ được Chủ tịch nước xem xét,

quyết định trình Quốc hội phê chuẩn. Liên quan đến việc báo cáo rà soát sơ
bộ pháp luật của Bộ Tư pháp và danh mục các văn bản quy phạm pháp luật
kiến nghị sửa đổi, bổ sung, ban hành mới phù hợp với lộ trình và yêu cầu của
hiệp định, Chính phủ đã thông qua nội dung báo cáo này, tuy nhiên vẫn yêu
cầu Bộ Tư pháp tiếp tục rà soát để đảm bảo thực thi TPP và tiếp tục báo cáo
Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 12 năm 201616.


Tóm lại, cần phải hiểu rõ TPP có thể sẽ không đồng loạt có hiệu lực ở
tất cả các nước thành viên. Trong trường hợp Việt Nam có thể hoàn tất các
thủ tục pháp lý và phê chuẩn nội bộ của mình theo yêu cầu của TPP trong đợt
đầu, TPP sẽ có hiệu lực tự động với Việt Nam và Việt Nam sẽ có nhiều ưu thế
hơn so với các nước được phê chuẩn sau. Trong trường hợp không thể điều
chỉnh kịp thời, Việt Nam có thể sẽ phải chờ ý kiến đồng ý của các nước TPP
để thông qua hiệp định, tuy nhiên, việc phải chờ ý kiến chấp thuận của các
nước khác là rất rủi ro khi các nước với lợi thế của mình sẽ đòi hỏi thêm các
nhượng bộ khác ngoài các cam kết đã đưa ra trong đàm phán trước khi chấp
thuận, gây khó khăn cho Việt Nam khi tham gia vào TPP. Chính vì vậy, các
doanh nghiệp Việt Nam, người dân cùng toàn bộ xã hội cần phối hợp chặt chẽ
với các cơ quan có thẩm quyền trong việc rà soát, hoàn thiện quy định pháp
luật và thực hiện các thủ tục cần thiết để Việt Nam có thể là một trong các
thành viên thuộc nhóm nước TPP có hiệu lực đợt đầu.
1.2.

Nội dung cam kết về lao động trong TPP

1.2.1. Cam kết về lao động trong TPP
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, vấn đề bảo đảm quyền lợi và điều kiện
lao động cơ bản của người lao động ngày càng được coi trọng trên cơ sở coi
người lao động là người trực tiếp làm ra các sản phẩm, dịch vụ trong thương

mại quốc tế. Vì vậy, tuân thủ tiêu chuẩn lao động quốc tế là nội dung không
thể thiếu trong các FTA và trở thành một xu thế trong những năm gần đây
trên thế giới. Ngoài ra, việc đưa nội dung về lao động vào các FTA còn có
mục đích bảo đảm môi trường cạnh tranh công bằng giữa các bên trong quan
hệ thương mại, một nước duy trì tiêu chuẩn lao động thấp, tiền lương và các
điều kiện lao động không được xác lập trên cơ sở thương lượng được cho là
sẽ có chi phí sản xuất thấp hơn so với nước thực hiện những tiêu chuẩn cao
16 Chuẩn bị trình Quốc hội phê chuẩn Hiệp định TPP (2016), tại địa chỉ:
ngày
truy cập: 5/7/2016


×