Tải bản đầy đủ (.pdf) (14 trang)

Chuyên đề nghiên cứu: PHÁP LUẬT VỀ GIÁO DỤC THỂ CHẤT VÀ THỂ THAO TRONG NHÀ TRƯỜNG - THỰC TRẠNG VÀ KIẾN NGHỊ

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (491.03 KB, 14 trang )

ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
VIỆN NGHIÊN CỨU LẬP PHÁP
TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU KHOA HỌC LẬP PHÁP

Chuyên đề nghiên cứu:
PHÁP LUẬT VỀ GIÁO DỤC THỂ CHẤT VÀ THỂ THAO
TRONG NHÀ TRƯỜNG - THỰC TRẠNG VÀ KIẾN NGHỊ
(Phục vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến
về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao)

Hà Nội, tháng 10 năm 2017


MỤC LỤC
ĐẶT VẤN ĐỀ ................................................................................................... 2
NỘI DUNG ....................................................................................................... 3
1. Khái niệm, vai trò của giáo dục thể chất và thể thao trong nhà trường ......... 3
2. Thực trạng quy định của pháp luật về giáo dục thể chất và thể thao trong
nhà trường .......................................................................................................... 4
3. Một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật về giáo dục thể chất và thể thao trong
nhà trường .......................................................................................................... 8
KẾT LUẬN ..................................................................................................... 12
TÀI LIỆU THAM KHẢO ............................................................................... 13

1


ĐẶT VẤN ĐỀ
Giáo dục thể chất (GDTC) và hoạt động thể thao trong nhà trường là bộ
phận quan trọng của phong trào thể dục, thể thao (TDTT) nhằm bảo đảm mục
tiêu nâng cao sức khoẻ, phát triển thể lực, tầm vóc và kỹ năng vận động cơ bản,


góp phần hình thành nhân cách và giáo dục toàn diện về đức, trí, thể, mỹ cho
học sinh, sinh viên, đồng thời góp phần phát hiện năng khiếu, đào tạo tài năng
thể thao cho đất nước. Tuy nhiên, những năm qua, công tác GDTC trong nhà
trường chưa được quan tâm đúng mức, hệ thống các cơ sở, sân bãi phục vụ
GDTC và thể thao nhà trường còn thiếu thốn, lạc hậu, không chỉ trong các
trường phổ thông, mà cả trong các trường đại học, cao đẳng. Nội dung môn học
thể dục trong chương trình chính khóa chậm đổi mới, chưa thực sự tạo được sự
hứng thú cho học sinh, sinh viên, thiếu quy định cụ thể về chuẩn giáo viên,
giảng viên TDTT, tiêu chuẩn cơ sở vật chất TDTT, trang thiết bị trong nhà
trường, trách nhiệm của ngành giáo dục và đào tạo, trách nhiệm của nhà trường
trong việc đảm bảo các hoạt động thể chất và thi đấu thể thao trong các cấp học
chưa được quy định rõ ràng, cụ thể...
Để phục vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội
trong quá trình xem xét, thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của
Luật Thể dục, thể thao, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban thường vụ
Quốc hội xin giới thiệu chuyên đề “Pháp luật về giáo dục thể chất và thể thao
trong nhà trường – Thực trạng và kiến nghị”.

2


NỘI DUNG
1. Khái niệm, vai trò của giáo dục thể chất và thể thao trong nhà
trường
Theo Từ điển Khoa học Thể dục thể thao1, GDTC và thể thao trong nhà
trường là loại hình hoạt động giáo dục văn hóa có kế hoạch, có tổ chức, lấy
phương tiện cơ bản là vận động thân thể để phát triển toàn diện thể chất và
tinh thần, nâng cao ý thức rèn luyện thân thể suốt đời, hình thành thói quen,
hứng thú và kỹ năng vận động cho học sinh.
Còn theo Luật Thể dục, thể thao năm 2006, GDTC là môn học chính khoá

thuộc chương trình giáo dục nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng vận động cơ bản
cho người học thông qua các bài tập và trò chơi vận động, góp phần thực hiện
mục tiêu giáo dục toàn diện. Hoạt động thể thao trong nhà trường là hoạt động
tự nguyện của người học được tổ chức theo phương thức ngoại khoá phù hợp
với sở thích, giới tính, lứa tuổi và sức khoẻ nhằm tạo điều kiện cho người học
thực hiện quyền vui chơi, giải trí, phát triển năng khiếu thể thao2.
GDTC và thể thao trong nhà trường bao gồm giảng dạy thể dục chính
khóa bắt buộc (gồm thể dục trước giờ học và giữa giờ học) và hoạt động thể
thao ngoại khóa.
Các khái niệm trên về GDTC và thể thao trong nhà trường cho thấy:
GDTC và thể thao là một bộ phận của giáo dục trong nhà trường và hoạt động
này có vai trò rất quan trọng, đó là: tăng cường sức khỏe tinh thần và thể chất
cho học sinh; bồi dưỡng tri thức, kỹ năng, thói quen vận động thân thể cho học
sinh; giáo dục đạo đức, ý chí, tính kỷ luật, ý thức giành thắng lợi cho học sinh;
góp phần đào tạo tài năng thể thao, là nguồn lực của thể thao chuyên nghiệp và
thể thao thành tích cao, cơ sở của TDTT ở mọi quốc gia; tạo cơ sở để phát
triển thể lực, tầm vóc; hạn chế rủi ro gây ra do thiếu kỹ năng sống.
Với vai trò nêu trên, mọi quốc gia trên thế giới đều coi trọng GDTC và
1
2

Học viện thể dục, thể thao Hồng Kông, NXB Giáo dục đại học, 2010
Điều 20, Luật Thể dục, thể thao năm 2006

3


thể thao trường học như một quy luật phát triển giáo dục và phát triển TDTT.
2. Thực trạng quy định của pháp luật về giáo dục thể chất và thể thao
trong nhà trường

Hoạt động GDTC và thể thao trong nhà trường được quy định tại Mục 2,
Luật Thể dục, thể thao năm 2006 với 7 điều (từ Điều 20 đến Điều 26) với các
nội dung: khái niệm GDTC và hoạt động thể thao trong nhà trường (Điều 20);
trách nhiệm của Nhà nước (Điều 21), nhà trường (Điều 22), đoàn thanh niên, các
tổ chức xã hội- nghề nghiệp về thể thao trong GDTC và thể thao trong nhà
trường (Điều 26); quyền và nghĩa vụ của giáo viên, giảng viên TDTT (Điều 23)
và của người học (Điều 24); thi đấu thể thao trong nhà trường (Điều 25); đất đai
dành cho TDTT (Điều 65).
Để hướng dẫn thi hành Luật Thể dục, thể thao năm 2006, ngày 26 tháng 6
năm 2007, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 112/2007/NĐ-CP quy định chi
tiết một số điều của Luật. Nhưng Nghị định 112 chỉ dành duy nhất một Điều 7
cụ thể hóa nội dung GDTC và thể thao trong nhà trường, và điều này cũng chỉ
quy định rất ngắn gọn về:
(i) Trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc phối hợp với Ủy
ban Thể dục thể thao xây dựng chương trình, chuẩn mực quốc gia về môn học
GDTC, thể thao trong nhà trường và các cơ sở giáo dục khác thuộc hệ thống
giáo dục quốc dân phù hợp với từng bậc học, cấp học;
(ii) Trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc phối hợp với Ủy
ban Thể dục thể thao, Bộ Nội vụ ban hành tiêu chuẩn về giáo viên, giảng viên
TDTT; xây dựng định mức biên chế giáo viên, giảng viên TDTT đối với từng
cấp học, bậc học, đáp ứng định hướng, nhu cầu phát triển thể lực và tầm vóc của
học sinh trong nhà trường và các cơ sở giáo dục khác thuộc hệ thống giáo dục
quốc dân phù hợp với từng bậc học, cấp học;
(iii) Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo,
nhà trường và các cơ sở giáo dục khác thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

4


Ngày 31 tháng 01 năm 2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số

11/2015/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2015. Có thể xem đây là
văn bản quy định cụ thể nhất về GDTC và thể thao trong nhà trường với các nội
dung: chương trình môn học GDTC; giáo viên, giảng viên TDTT; hoạt động thể
thao và thi đấu thể thao; tài chính và cơ sở vật chất phục vụ GDTC và hoạt động
thể thao trong nhà trường; xã hội hóa GDTC và hoạt động thể thao trong nhà
trường.
Hiện tại, để huy động nguồn đóng góp từ xã hội hóa cho hoạt động TDTT
trong nhà trường từ nguồn vốn nước ngoài, Chính phủ đang xây dựng dự thảo
Nghị định quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục,
đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm để ghi nhận những ý kiến chia sẻ, đóng
góp và kiến nghị của các cơ quan, tổ chức, nhà trường.
Như vậy, có thể thấy đến thời điểm này, các văn bản pháp luật quy định
về GDTC và thể thao trong nhà trường cơ bản được ban hành khá đầy đủ.
GDTC và thể thao trong nhà trường đã được Nhà nước ta xác định là nhiệm vụ
quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước; đầu tư cho GDTC
và thể thao trường học là đầu tư cho sự phát triển của quốc gia; thường xuyên
chăm lo công tác GDTC và thể thao trường học là trách nhiệm chung của Nhà
nước, các cấp chính quyền, các đoàn thể và toàn xã hội.
Tuy nhiên, đi sâu nghiên cứu hệ thống quy định pháp luật về GDTC và
TDTT trong nhà trường và so sánh với hiệu quả GDTC và TDTT nhà trường
trong thực tế cho thấy quy định của pháp luật về nội dung này vẫn còn một số
hạn chế, bất cập như:
Thứ nhất, cơ sở vật chất phục vụ GDTC và hoạt động thể thao là điều kiện
trước tiên để đảm bảo hiệu quả của hoạt động GDTC và thể thao trong nhà
trường. Cơ sở vật chất phục vụ GDTC và hoạt động thể thao trong nhà trường
bao gồm: Sân, bãi tập, nhà tập luyện đa năng, phòng tập, bể bơi, các trang thiết
bị và các điều kiện bảo đảm an toàn3. Trước đây, Thông tư liên tịch
3

Khoản 2, Điều 6, Nghị định 11/2015/NĐ-CP


5


18/2011/TTLT-BGDĐT-BYT ngày 28 tháng 4 năm 20114 quy định diện tích
sân chơi, sân tập phải dành từ 40% - 50% so với tổng diện tích của nhà trường.
Thông tư này hết hiệu lực từ ngày 30 tháng 6 năm 2016, được thay thế bởi
Thông tư liên tịch số 13/2016/TTLT-BYT-BGDĐT5 song không có nội dung về
diện tích sân chơi, sân tập. Đến ngày 21 tháng 4 năm 2017, Chính phủ ban hành
Nghị định số 46/2017/NĐ-CP6 điều chỉnh việc thành lập, cho phép thành lập,
sáp nhập, chia, tách, giải thể, cho phép hoạt động giáo dục đối với các cơ sở giáo
dục và tổ chức, cá nhân đầu tư trong lĩnh vực giáo dục, trong đó có 12 điều quy
định điều kiện để thành lập và hoạt động của nhà trường các cấp 7. Theo Nghị
định, cơ sở vật chất cho hoạt động GDTC và thể thao trong nhà trường được quy
định là một phần gắn liền trong khối công trình của nhà trường. Tuy nhiên, đối
với các cơ sở giáo dục và tổ chức, cá nhân đã được cho phép hoạt động; các cơ
sở giáo dục đã được thành lập (đồng thời được cho phép hoạt động giáo dục)
trước khi Nghị định có hiệu lực thì không phải đề nghị cho phép hoạt động lại,
do đó, vẫn tồn tại quy định về cơ sở vật chất trong hoạt động GDTC và thể thao
ở các cơ sở giáo dục thành lập trước ngày 21 tháng 4 năm 2017.
Bên cạnh đó, trên thực tế, quy định về diện tích sân chơi, sân tập không
thực hiện được ở nhiều trường vì không có đủ quỹ đất so với yêu cầu hoặc nếu
có thì lại không ưu tiên để dành làm sân chơi, sân tập. Vì vậy, hệ thống các cơ
sở, sân bãi phục vụ GDTC và thể thao nhà trường còn thiếu thốn, lạc hậu, không
chỉ trong các trường phổ thông mà cả trong các trường đại học, cao đẳng. Hầu
hết các trường chưa có bể bơi, sân bóng đá, bóng rổ…Vấn đề quan trọng để
GDTC trong nhà trường phát triển đó là sân tập và phương tiện hỗ trợ học tập
nhưng hầu hết các trường học lại thiếu điều kiện này. Do vậy, nhiều trường chưa
đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ GDTC và thể thao theo tiêu chuẩn.
Thông tư liên tịch về nội dung đánh giá công tác y tế tại trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông

và phổ thông có nhiều cấp học do Bộ Giáo dục và Đào tạo - Bộ Y tế ban hành
5
Thông tư liên tịch về công tác y tế trường học do Bộ Giáo dục và Đào tạo - Bộ Y tế ban hành ngày 12 tháng 5
năm 2016
6
Nghị định quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, có hiệu lực từ ngày ngày 21 tháng
4 năm 2017
7
Các điều kiện đó là: phải có đất đai, cơ sở vật chất, thiết bị đáp ứng yêu cầu, duy trì và phát triển hoạt động giáo
dục; diện tích đất xây dựng bình quân tối thiểu cho một học sinh, sinh viên; cơ cấu khối công trình; có đội ngũ
cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu và đạt tiêu chuẩn.
4

6


Thứ hai, giáo viên, giảng viên TDTT là lực lượng hạt nhân trong việc trực
tiếp hướng dẫn, giảng dạy và tổ chức các hoạt động tập luyện, thi đấu cho học
sinh. Chất lượng giáo viên TDTT trong trường học còn là một mắt xích quan
trọng trong quá trình phát hiện, đào tạo vận động viên tương lai cho quốc gia.
Tuy nhiên, Luật Thể dục, thể thao mới chỉ quy định về quyền và nghĩa vụ của
giáo viên, giảng viên TDTT (Điều 23). Nghị định 11/2015/NĐ-CP hướng dẫn
thi hành Luật Thể dục, thể thao cũng chỉ quy định chung: Giáo viên, giảng viên
thể dục, thể thao phải bảo đảm tiêu chuẩn và trình độ đào tạo của nhà giáo theo
quy định tại Điều 70 và Điều 77 của Luật Giáo dục (Khoản 1, Điều 4). Điều này
cho thấy đang thiếu quy định cụ thể về chuẩn giáo viên, giảng viên TDTT.
Chính vì vậy nên ở nhiều trường còn có tình trạng giáo viên dạy môn thể dục là
giáo viên kiêm nhiệm; thiếu tâm huyết, hào hứng khi dạy học, ít có sự tìm tòi,
sáng tạo trong cách truyền đạt bài tập và truyền cảm hứng đến học sinh.
Thứ ba, quy định về nội dung dạy và học môn GDTC chưa thể hiện được ý

nghĩa mục đích môn học; cách dạy chưa tạo ra không khí thi đua trong lớp học;
năng lực giảng dạy, đặc biệt là sử dụng các phương pháp giảng dạy còn thiếu
linh hoạt; chưa đưa ra chỉ tiêu phấn đấu ở từng nội dung và toàn lớp học, giáo
trình chưa phù hợp với nhu cầu và sở thích của học sinh, sinh viên. Nội dung
môn học thể dục trong chương trình chính khóa chậm đổi mới, còn cứng nhắc,
chưa cân đối; hoạt động thể thao còn mang tính phong trào, đơn điệu. Nhiều nội
dung yêu cầu dành cho người tập thể thao chuyên nghiệp, mang nặng tính kỹ
thuật, chưa phù hợp với học sinh. Chưa chú trọng vào việc rèn luyện kỹ năng,
thói quen tập luyện thể thao của số đông học sinh nên chưa thực sự tạo được sự
hứng thú cho học sinh, sinh viên.
Thứ tư, không có quy định về việc thanh tra, kiểm tra, đánh giá việc tổ
chức thực hiện GDTC và thể thao trong các nhà trường nên không có căn cứ,
biện pháp xử lý với những trường học không thực hiện đúng, đủ quy định của
pháp luật. Vì thế, Ban Giám hiệu nhiều trường học thấy không thực hiện tốt quy
định về hoạt động GDTC và thể thao trong nhà trường cũng không ảnh hưởng
7


tới nhiều tới thành tích, tới đánh giá kết quả của nhà trường.
Thứ năm, nhiều điều khoản của Luật Thể dục, thể thao năm 2006 về
GDTC và TDTT trong nhà trường còn chung chung, không rõ nghĩa vụ thuộc về
chủ thể nào dẫn đến khó thi hành trong thực tế, như trách nhiệm của ngành giáo
dục và đào tạo, của ngành thể thao, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức khác và
của nhà trường trong việc đảm bảo các hoạt động thể chất và thi đấu thể thao
trong các cấp học ra sao chưa được quy định rõ ràng, cụ thể.
3. Một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật về giáo dục thể chất và thể
thao trong nhà trường
Xuất phát từ những hạn chế, bất cập đã phân tích ở trên, để nâng cao hiệu
quả GDTC và thể thao trong nhà trường, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số
điều của Luật Thể dục, thể thao lần này cần bổ sung một số quy định để tăng

cường trách nhiệm của Nhà nước và nhà trường – những chủ thể có vai trò quyết
định tới hiệu quả của hoạt động GDTC và thể thao trong trường học như sau:
3.1. Về trách nhiệm của Nhà nước
Thứ nhất, ngoài trách nhiệm của Nhà nước trong việc có chính sách dành
đất đai, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho GDTC và thể thao trong nhà trường,
bảo đảm đủ giáo viên, giảng viên TDTT cho các bậc học đã được quy định tại
Điều 21, Luật Thể dục, thể thao năm 2006, cần bổ sung trách nhiệm quan trọng
nhất của Nhà nước là hoạch định chiến lược, quy hoạch, xây dựng đề án tổng thể
phát triển GDTC và thể thao trong nhà trường.
Thứ hai, GDTC là môn học bắt buộc, có mục tiêu nâng cao sức khỏe, thể
lực toàn diện, trong đó trang bị kiến thức, kỹ năng vận động cơ bản và hình
thành thói quen tập luyện thể dục, thể thao thường xuyên kết hợp với giáo dục ý
chí, đạo đức, lối sống lành mạnh, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí cho trẻ em,
học sinh, sinh viên, đồng thời góp phần phát hiện, đào tạo năng khiếu và tài
năng thể thao bổ sung lực lượng vận động viên thành tích cao cho nền thể thao
nước nhà. Để thực hiện được mục tiêu trên thì các điều kiện đảm bảo để phát
triển GDTC phải đáp ứng yêu cầu. Nhưng thực tế hiện nay chương trình môn
8


học GDTC, phương pháp dạy học và cách kiểm tra, đánh giá còn nhiều bất cập;
đội ngũ giáo viên, giảng viên thể dục còn thiếu về số lượng và trình độ chuyên môn
chưa đáp ứng được yêu cầu8. Muốn nâng cao chất lượng hiệu quả GDTC, phải
xây dựng được đội ngũ giáo viên, giảng viên thể dục cótrình độ, chuyên môn;
chương trình GDTC phải phù hợp với điều kiện thực tiễn, đặc điểm tâm sinh lý
của học sinh, sinh viên, đáp ứng yêu cầu của phát triển của ngành giáo dục và sự
phát triển của đất nước. Do đó, dự thảo Luật sửa đổi lần này cần quy định rõ
ngay trong luật trách nhiệm của Bộ Giáo dục và đào tạo, cụ thể là trách nhiệm
của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo trong việc:
(i) Xây dựng, ban hành chương trình GDTC;

(ii) Xây dựng, ban hành các tiêu chuẩn về chuyên môn nghiệp vụ của đội
ngũ giáo viên, giảng viên TDTT và tiêu chuẩn cơ sở vật chất, trang thiết bị
TDTT cho hoạt động GTDC trong nhà trường.
Thứ ba, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể
thao cũng cần quy định rõ trách nhiệm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đối
với hoạt động GDTC và thể thao trong nhà trường theo hướng:
(i) Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng chương trình GDTC và
bồi dưỡng nghiệp vụ cho giáo viên, giảng viên TDTT.
(ii) Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn, xuất bản sách hướng
dẫn học sinh tập luyện thể thao ngoại khóa ở từng môn thể thao theo nhu cầu.
(iii) Tạo điều kiện thuận lợi để học sinh tham gia tập luyện ngoại khóa tại các
câu lạc bộ thực nghiệm hoạt động TDTT ngoại khóa và chăm sóc dinh dưỡng cho
học sinh.
(iv) Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức thực hiện hệ thống thi
đấu thể thao trường học.
(v) Phối hợp tổ chức hội thảo đồng diễn võ thuật cổ truyền, thể dục tay
không ở cấp tỉnh, thành hàng năm.
Tham luận của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Hội nghị tham vấn chuyên gia về việc thực hiện Luật Thể dục, thể
thao do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ tổ chức tại Đà Nẵng ngày 28/7/2017
8

9


(vi) Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức kiểm tra, đánh giá định
kỳ về thể chất của học sinh các cấp.
Thứ tư, cần quy định điều kiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất dành cho
TDTT tại địa phương theo hướng hạn chế chuyển đổi mục đích sử dụng trong
dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao hoặc Luật
sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai để đảm bảo cơ sở vật chất cho

hoạt động thể dục thể thao tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
3.2. Về trách nhiệm của nhà trường
Để hoạt động GDTC và thể thao trong nhà trường được tổ chức thực hiện
trong thực tế thì phải khẳng định một điều chắc chắn rằng nhà trường có vai trò
vô cùng quan trọng, là chủ thể trực tiếp hiện thực hóa những hoạt động này. Dù
nhà nước có phê duyệt bao nhiêu chiến lược, đề án; bộ chủ quản và các bộ liên
quan có xây dựng, ban hành các chương trình GDTC, quy định tiêu chuẩn cơ sở
vật chất nhưng nhà trường không thực hiện đúng trách nhiệm của mình đã được
pháp luật quy định thì chắc chắn hoạt động GDTC và thể thao trong nhà trường
không thể đạt hiệu quả cao. Điều này thể hiện qua việc một trong những hạn
chế, bất cập của GDTC và thể thao trong nhà trường thời gian qua là cơ sở vật
chất, hệ thống các cơ sở, sân bãi phục vụ GDTC và thể thao trường học còn thiếu
thốn, lạc hậu9. Luật hiện hành mới chỉ quy định nhà trường có trách nhiệm quản
lý và sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ GDTC và thể thao
trong nhà trường10. Do đó, dự thảo luật lần này cần bổ sung trách nhiệm của nhà
trường trong việc đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ GDTC và thể
thao trong nhà trường theo tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và đào tạo.
Luật Thể dục, thể thao hiện hành đã dành một Điều 25 để quy định về thi
đấu thể thao trong nhà trường nhưng mới chỉ quy định rất chung chung: cơ quan
quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo các cấp, nhà trường có trách nhiệm tổ
chức thi đấu thể thao để động viên phong trào TDTT trong học sinh, sinh viên
mà chưa quy định rõ bao lâu tổ chức một lần, phạm vi, quy mô thi đấu như thế
Tờ trình số 350/TTr-CP của Chính phủ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thể dục, thể thao
ngày 25 tháng 8 năm 2017
10
Khoản 2, Điều 22 Luật Thể dục, thể thao năm 2006
9

10



nào, nếu không thực hiện thì bị xử lý ra sao... Do đó, dự thảo Luật sửa đổi nên bổ
sung vào điều trách nhiệm của nhà trường việc phải tổ chức thường xuyên, định
kỳ (có thể là mỗi năm ít nhất một lần) các cuộc thi đấu thể thao ở quy mô toàn
trường. Đây sẽ là việc làm thiết thực để hình thành thói quen tập luyện TDTT
cho các em học sinh, sinh viên; đồng thời mỗi trường có thể tự đánh giá tác
động, lợi ích của TDTT đối với thể chất của học sinh, sinh viên cũng như chất
lượng, hiệu quả GDTC và thể thao của trường mình.
3.3. Nghĩa vụ của giáo viên, giảng viên TDTT
Ở mỗi nhà trường, không phân biệt mô hình công lập hay dân lập cần phải
coi môn GDTC là môn học cần sự đầu tư thích đáng từ đội ngũ giáo viên đến cơ
sở vật chất. Giáo viên là người truyền cảm hứng cho học sinh, giúp học sinh có
hứng thú và thấy được lợi ích thiết thực từ việc rèn luyện TDTT thường xuyên.
Vì vậy, cùng với lòng yêu nghề thì kỹ năng sư phạm của giáo viên, giảng viên
TDTT là yếu tố quan trọng. Hiện nay, Luật TDTT quy định 4 nội dung về quyền
và nghĩa vụ của giáo viên, giảng viên thể dục thể thao tại Điều 23 và dự thảo
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TDTT không bổ sung nội dung nào
đối với điều này. Tuy nhiên, xuất phát từ vai trò quan trọng của giáo viên, giảng
viên TDTT, đề nghị xem xét, bổ sung nội dung “chủ động, sáng tạo trong
phương pháp giảng dạy, tăng cường giáo dục ý nghĩa mục đích môn học” bên
cạnh quy định “giảng dạy môn học GDTC theo đúng chương trình” tại Khoản 1,
Điều 23 Luật Thể dục, thể thao năm 2006.
3.4. Về hoạt động thanh tra, kiểm tra
Thiết nghĩ hiệu quả GDTC và thể thao trong nhà trường thời gian qua còn
nhiều hạn chế có nguyên nhân xuất phát từ việc thiếu cơ chế thanh tra, kiểm tra.
Vì vậy có những trường không đảm bảo cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động
GDTC và thể thao, không thực hiện đúng trách nhiệm phải tổ chức thi đấu thể
thao trong nhà trường… nhưng không có căn cứ để xử lý. Vì vậy, dự thảo luật cần
nghiên cứu bổ sung quy định về việc thanh tra, kiểm tra và có hình thức xử lý đối
với những trường không đảm bảo cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động GDTC và

thể thao theo quy định cũng như những nhà trường không tổ chức các cuộc thi
đấu thể thao toàn trường định kỳ như đã đề xuất ở trên.

11


KẾT LUẬN

GDTC và hoạt động thể thao trong nhà trường có một vai trò, vị trí hết
sức quan trọng trong sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo, nhằm giáo dục
toàn diện cho học sinh, sinh viên, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng
cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Chính vì có vai trò, ý nghĩa hết sức quan trọng như vậy nên thời gian tới, GDTC
và hoạt động thể thao trong nhà trường cần phải được quan tâm và đầu tư nhiều
hơn nữa. Muốn như vậy, các cơ quan chủ quản, cơ quan có trách nhiệm liên
quan như Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đặc biệt là
các trường học, các giáo viên TDTT phải ý thức sâu sắc, nâng cao tinh thần
trách nhiệm và thực hiện đúng nhiệm vụ đã được pháp luật quy định.

12


TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Luật Thể dục, thể thao năm 2006
2. Luật Giáo dục năm 2005, được sửa đổi bổ sung năm 2009
3. Nghị định số 112/2007/NĐ-CP ngày 26 tháng 6 năm 2007 quy định chi
tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thể dục, thể thao
4. Quyết định số 2198/QĐ-TTg ngày 03 tháng 12 năm 2010 của Thủ tướng
Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến
năm 2020

5. Quyết định số 641/QĐ-TTg ngày 28 tháng 4 năm 2011 của Thủ tướng
Chính phủ phê duyệt đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt
Nam giai đoạn 2011-2030
6. Nghị định số 11/2015/NĐ-CP ngày 31 tháng 01 năm 2015 quy định về
GDTC và hoạt động thể thao trong nhà trường
7. Thông tư liên tịch số 13/2016/TTLT-BYT-BGDĐTngày 12 tháng 5 năm
2016 về công tác y tế trường học
8. Quyết định số 1076/QĐ-TTg ngày 17 tháng 6 năm 2016phê duyệt đề án
tổng thể phát triển GDTC và thể thao trường học giai đoạn 2016-2020,
định hướng đến năm 2025;
9. Nghị định số 46/2017/NĐ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2017 quy định về điều
kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục;
10.Báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật Thể dục, thể thao ngày 19 tháng 7
năm 2017 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
11.Tờ trình số 350/TTr-CP của Chính phủ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung
một số điều của Luật thể dục, thể thao ngày 25 tháng 8 năm 2017
12.Từ điển Khoa học TDTT, Học viện thể dục, thể thao Hồng Kông, NXB
Giáo dục đại học, 2010
13.Tài liệu Hội nghị tham vấn chuyên gia về việc thực hiện Luật Thể dục, thể
thao do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ tổ chức tại Đà Nẵng
ngày 28/7/2017.
14. Các bài liên quan trên trang điện tử báo Nhân dân, Lao động, Tạp chí Thể
thao…
13



×