Du lịch Việt Nam
Trong 10 năm qua số lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng 14 lần. Năm 2005
ngành du lịch nước ta đã đón trên 3,47 triệu lượt khách quốc tế, tăng 18% so với năm
2004. Bảy tháng đầu năm 2006, lượng khách quốc tế ước đạt 2.149.513 lượt, tăng
7,0% so với cùng kỳ năm 2005. Nếu tính theo con số thống kê trung bình mỗi khách
du lịch quốc tế đến Việt Nam chi tiêu khoảng 902 Đôla Mỹ thì doanh thu "xuất khẩu
tại chỗ" năm 2005 khoảng trên 3 tỷ Đôla Mỹ. Tuy nhiên, so với các nước trong khu
vực như Thái Lan, Malaysia, Singapore... có số lượng khách quốc tế đến hơn 10 triệu
một năm và doanh thu từ du lịch lên tới hàng chục tỷ USD một năm thì du lịch Việt
Nam vẫn được xem là chậm phát triển.
Chương trình Hành động Quốc gia về Du lịch 2006 – 2010: Chương trình Hành động
quốc gia về du lịch giai đoạn 2006 - 2010 được Chính phủ phê duyệt tháng 5/2006, nhằm
góp phần duy trì bước phát triển mạnh mẽ và bền vững cho Du lịch Việt Nam, khẳng định
vai trò là một ngành kinh tế mũi nhọn trong nền kinh tế quốc dân; phấn đấu để đến năm
2010, Việt Nam trở thành quốc gia phát triển về du lịch trong khu vực, có cơ sở vật chất,
kỹ thuật tương xứng, với nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, mang bản sắc văn hóa Việt
Nam; đưa Du lịch Việt Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn của du lịch thế giới.
Mục tiêu cụ thể của Chương trình: Đảm bảo cho sự tăng trưởng cao của ngành trong
giai đoạn 2006 - 2010; lượng khách quốc tế tăng mỗi năm từ 10-20%, đạt 5,5 đến 6 triệu
lượt vào năm 2010; khách nội địa tăng trung bình 15% - 20%/năm, đạt 25 triệu lượt vào
năm 2010. Phấn đấu thu nhập du lịch năm 2010 đạt 4 - 5 tỷ USD. Nâng cao hình ảnh của
Việt Nam nói chung và xác định vị trí xứng đáng của du lịch Việt Nam nói riêng trên trường
quốc tế trên cơ sở đẩy mạnh xúc tiến du lịch và nâng cao nhận thức xã hội về du lịch.
Phấn đấu trong giai đoạn 2006-2010, du lịch Việt Nam sẽ được xếp trong nhóm quốc gia
có ngành du lịch phát triển trong khu vực.
Nhiệm vụ cụ thể của Chương trình:
- Phát triển đa dạng hoá và nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ du lịch.
- Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch, nâng cao uy tín thương hiệu quốc gia,
tạo hình ảnh về điểm đến Việt Nam an toàn, hấp dẫn hàng đầu khu vực.
- Khai thác trên cơ sở quy hoạch phát triển du lịch bền vững, bảo tồn, tôn tạo và phát triển
các di sản văn hoá, thiên nhiên, bảo vệ tài nguyên, môi trường tự nhiên và môi trường xã
hội tại các điểm du lịch.
- Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, phát triển khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế, đào
tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực dịch vụ du lịch.
- Nâng cao hiệu lực công tác quản lý Nhà nước về du lịch và hiệu quả kinh doanh của các
doanh nghiệp du lịch.
Để thực hiện được mục tiêu trên, bên cạnh việc đẩy mạnh thu hút khách từ thị trường Tây
Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, ASEAN, Úc, Chính phủ VN miễn visa nhập cảnh
đối với khách du lịch đến từ các thị trường trọng điểm; mở đường bay thẳng với các nước
để thuận lợi cho khách du lịch. Nhiều sự kiện lớn của du lịch Việt Nam mang tính quốc gia
và địa phương đã được tổ chức đều khắp: các hoạt động của Năm du lịch Điện Biên Phủ,
các sự kiện tiếp nối tại Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Trị, Đà Nẵng tạo thành "Con
đường di sản miền Trung”…Các địa phương và doanh nghiệp nghiên cứu, đầu tư, khai
thác các tua du lịch mới như: Con đường di sản miền Trung, Hành trình 1.000 năm những
kinh đô Việt Nam, Du lịch xuyên Á…
Trong thời gian tới, ngành du lịch cũng sẽ đẩy mạnh thu hút các nguồn vốn đầu tư cho hạ
tầng du lịch, đặc biệt ở các vùng trọng điểm; tận dụng và phối hợp với các chương trình
đầu tư của các ngành khác để nâng cao chất lượng và hiệu quả du lịch; phát huy tiềm
năng về du lịch sinh thái, lợi thế du lịch nghỉ dưỡng vùng ven biển và lịch sử văn hoá; tạo
ra các sản phẩm du lịch có giá thành hạ, khả năng cạnh tranh cao. Ngành du lịch khẳng
định sẽ tăng cường mạnh mẽ hơn nữa công tác thông tin và xúc tiến quảng bá du lịch,
nhất là xúc tiến du lịch VN ở nước ngoài.
Hiện du lịch Việt Nam đã ký 29 hiệp định hợp tác du lịch song phương cấp Chính phủ với
các nước trong và ngoài khu vực, thiết lập quan hệ với trên 1.000 hãng du lịch của 50
quốc gia và vùng lãnh thổ. Du lịch Việt Nam đã tham gia hiệu quả vào các diễn đàn hợp
tác quốc tế và khu vực như Tổ chức Du lịch thế giới, hợp tác du lịch ASEAN, chương trình
phát triển du lịch Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng.
Về việc đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực dịch vụ du lịch:
Tổng cục Du lịch vừa cho biết mục tiêu của ngành du lịch Việt Nam đến năm 2015 sẽ có
thêm 10 trường đào tạo chuyên ngành du lịch, những trường này tập trung ở vùng trọng
điểm về Du lịch của Việt Nam như vùng Tây Bắc, Bắc Trung Bộ, Đồng bằng sông Cửu
Long, miền Trung - Tây Nguyên, Duyên hải Nam Trung Bộ. Hiện Ngành Du lịch chỉ có 4
trường đào tạo về Du lịch thuộc Tổng Cục Du lịch quản lý ở Hà Nội, Huế, Hải Phòng và
Vũng Tàu.
Khu du lịch hấp dẫn các nhà đầu tư: Hàng loạt dự án đầu tư nước ngoài trong lĩnh
vực du lịch có qui mô lớn đang được các nhà đầu tư xúc tiến tại Bà Rịa - Vũng Tàu,
Quảng Nam, Đà Nẵng...Tháng 6-2006, các chuyên gia về kiến trúc, xây dựng của Tập
đoàn Platinum Dragon Empire (PDE, Mỹ) sang Việt Nam, khảo sát tại Vũng Tàu chuẩn bị
cho dự án đầu tư khu du lịch kết hợp vui chơi giải trí với tổng vốn 550 triệu USD.Theo ông
Uông Sĩ Long - trưởng đại diện Công ty Good Choice Imports - Export & Investment tại
Việt Nam, công ty con của Tập đoàn PDE, "Chắc chắn vài năm nữa Việt Nam sẽ trở thành
một trong những địa điểm hấp dẫn du khách ở châu Á và dự án này ra đời nhằm chuẩn bị
cho làn sóng du khách này".
Cũng tại Vũng Tàu, trước đó Bộ KH&ĐT đã cấp phép cho dự án xây dựng khu du lịch năm
sao Saigon Atlantic do Tập đoàn Winvest LLC (Mỹ) đầu tư với tổng số vốn 300 triệu USD.
Cả hai dự án này đều nhắm đến khách du lịch MICE (du lịch kết hợp hội thảo, hội nghị) từ
các nước trên thế giới, cả hai đều dự kiến xây dựng các trung tâm hội nghị quốc tế hiện
đại có sức chứa hàng ngàn khách.
Gần đây là dự án khu du lịch và giải trí quốc tế liên doanh giữa Công ty Silver Shores (Mỹ)
và Công ty Hoàng Đạt (Việt Nam) tại Đà Nẵng với tổng vốn đầu tư 86 triệu USD vừa được
cấp phép. Dự án này dự kiến sẽ xây dựng trên bãi biển Bắc Mỹ An khách sạn 600 phòng
đạt tiêu chuẩn 5 sao kết hợp với trung tâm hội nghị quốc tế; xây dựng 50 biệt thự cao cấp
đạt tiêu chuẩn năm sao. Dự án sẽ được phép tổ chức khu vui chơi giải trí có thưởng dành
cho người nước ngoài với các trò chơi điện tử theo hình thức chia bài qua bàn như black
jack, bacarat và tài xỉu.
Ngoài những dự án đã được cấp phép, hiện Bộ KH&ĐT đã tiếp nhận khá nhiều các dự án
đầu tư vào lĩnh vực du lịch hoặc dịch vụ gắn liền với du lịch. Trong đó có dự án đầu tư của
Nhật đang trong giai đoạn khảo sát tại Lâm Đồng và Nha Trang có qui mô vốn lên đến
hàng tỉ USD. Theo Bộ KH&ĐT, trong tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sáu tháng
đầu năm nay, lượng vốn thuộc các dự án du lịch - dịch vụ chiếm đến gần 38% (hơn 2,2 tỉ
USD vốn đăng ký mới), tăng hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm ngoái.
20 doanh nghiệp lữ hành và khách sạn hàng đầu Việt Nam: Hiệp hội Du lịch Việt
Nam đã tiến hành trao tặng danh hiệu doanh nghiệp lữ hành và khách sạn hàng đầu
2005 cho 10 công ty lữ hành và 10 khách sạn. Theo đó, 10 công ty lữ hành hàng đầu
gồm Công ty Liên doanh Du lịch Hồ Gươm Diethelm, Công ty Du lịch Việt Nam tại Hà Nội,
Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist, Công ty Liên doanh Du lịch Apex Việt Nam, Công
ty Liên doanh Du lịch Exotissimo, Công ty Dịch vụ Du lịch Bến Thành, Công ty Cổ phần Du
lịch Tân Định (Fiditourist), Công ty Du lịch Việt tại Tp.HCM, Công ty Du lịch Hòa Bình và
Công ty Du lịch Việt Nam tại Đà Nẵng. 10 khách sạn gồm New World, Caravelle, Bến
Thành, Đồng Khởi và Đệ Nhất tại Tp.HCM, khách sạn Hà Nội, Melia và Sofitel Plaza tại
thành phố Hà Nội và khách sạn Hương Giang tại Thừa Thiên Huế cùng khách sạn Ana
Mandara Nha Trang tại tỉnh Khánh Hòa.
Đây là lần thứ 2 Hiệp hội Du lịch Việt Nam trao danh hiệu này. Trong đó, 4 khách sạn Đệ
Nhất, Bến Thành, Sofitel Plaza Hà Nội và Hương Giang đã 2 lần liên tiếp được trao danh
hiệu khách sạn hàng đầu Việt Nam.
(Tin từ các báo TBKT, ĐT, TTĐN tháng 8/2006)