Tải bản đầy đủ (.doc) (4 trang)

Chủ tịch Hồ Chí minh - thời niên thiếu

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (118.62 KB, 4 trang )

Chủ tịch Hồ Chí Minh thời niên thiếu
Chủ tịch Hồ Chí Minh (sinh ngày 19-5-1890), thời niên thiếu tên là Nguyễn Sinh Cung, ra đời tại quê
mẹ là làng Hoàng Trù (thường gọi là làng Trùa), xã Chung Cự, tổng Lâm Thịnh, huyện Nam Đàn, tỉnh
Nghệ An (nay thuộc xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An).
Thân phụ là Nguyễn Sinh Sắc, sinh năm 1862, quê ở làng Kim Liên (thường gọi là làng Sen), cùng
thuộc xã Chung Cự, cách Hoàng Trù 2km (nay thuộc xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An).
Xuất thân từ gia đình nông dân, sớm mồ côi cha, mẹ, từ nhỏ đã chịu khó lao động và ham học. Vì vậy,
được cụ Hoàng Đường ở làng Hoàng Trù xin họ Nguyễn Sinh đem về nuôi. Ông vừa lao động vừa
tiếp tục học tập. Khi trưởng thành ông thành hôn với người con gái đầu của cụ.
Thân mẫu là Hoàng Thị Loan, sinh năm 1868. Bà là một phụ nữ cần mẫn, đảm đang, đôn hậu, sống
bằng nghề làm ruộng và dệt vải, hết lòng chăm lo cho chồng con ăn học.
Nguyễn Sinh Cung là con thứ ba trong gia đình.
Chị là Nguyễn Thị Thanh, còn có tên là Nguyễn Thị Bạch Liên, sinh năm 1884.
Anh là Nguyễn Sinh Khiêm, còn có tên là Nguyễn Tất Đạt, sinh năm 1888.
Gia đình Nguyễn Sinh Cung sống trong một căn nhà nhỏ ba gian, lợp tranh, trên đất vườn của ông bà
ngoại tại Hoàng Trù.
Năm 1890 - 1895, Nguyễn Sinh Cung sống ở làng Hoàng Trù trong tình thương yêu và chăm sóc của
bố mẹ và ông bà ngoại. Ông ngoại là Hoàng Đường, dạy chữ Hán ngay tại nhà cho một số trẻ em
trong làng. Bà ngoại là Nguyễn Thị Kép, làm ruộng để nuôi gia đình.
Ngày 22 tháng 5 năm 1893, Nguyễn Sinh Cung chịu tang ông ngoại.
Khoảng tháng 6 năm 1894, Nguyễn Sinh Cung đón nhận tin vui: Cha đậu cử nhân, khoa thi giáp Ngọ
năm thành Thái thứ 6 tại trường thi Nghệ An.
Khoảng gần cuối năm 1895, Nguyễn Sinh Cung cùng anh theo cha mẹ vào Huế. Thời kỳ này từ Nghệ
An đi Huế chưa có đường xe lửa và ô tô. Mọi người phải đi bộ, trẻ em thường ngồi trong quang gánh
của người lớn. Tới Huế, lúc đầu gia đình Nguyễn Sinh Cung phải ở nhờ những người quen, sau ở tạm
trong một gian trại lính gần Viện đô sát (ngày nay là nhà số 114, đường Mai Thúc Loan).
Gần cuối năm 1898, Nguyễn Sinh Cung cùng anh theo cha đến ở nhà ông Nguyễn Sĩ Khuyến, làng
Dương Nổ, xã Phú Dương, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên. Lúc này, ông Nguyễn Sinh Sắc mở lớp
dạy chữ Hán cho một số học sinh trong làng, Nguyễn Sinh Cung cũng theo học.
Ngày 10 tháng 2 năm 1901, Nguyễn Sinh Cung chịu tang lớn trong tuổi thiếu niên: bà Hoàng Thị
Loan, thân mẫu lâm bệnh qua đời tại Huế. Bà đã được những người láng giềng thân thiết lo việc mai


táng, vì lúc này ông Nguyễn Sinh Sắc và Nguyễn Sinh Khiêm đang ở quê nhà.
Sau khi mẹ mất, Nguyễn Sinh Cung và Nguyễn Sinh Xin (em trai Nguyễn Sinh Cung, sinh vào cuối
năm 1900 tại Huế; sau khi bà Hoàng Thị Loan mất, Nguyễn Sinh Xin được ông Nguyễn Sinh Sắc đưa
về Hoàng Trù gửi bà ngoại trông nom, nhưng yếu sức nên mấy tháng sau thì chết) về quê.
Tại quê, Nguyễn Sinh Cung học chữ Hán với thầy Hoàng Phan Quỳnh, lớp học mở tại xóm Vang, làng
Hữu Biệt, cách Hoàng Trù 3km (nay thuộc xã Nam Giang, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An).
Tháng 5 năm 1901, một tin vui đến với gia đình Nguyễn Sinh Cung và dân làng: Ông Nguyễn Sinh
Huy (Nguyễn Sinh Sắc) đậu Phó bảng khoa thi Hội, Tân Sửu, năm Thành Thái thứ 13.
Dân trong xã ai cũng biết rằng, nhờ công lao cụ Hoàng Đường cùng gia đình bên vợ ở Làng Trùa, ông
Sắc mới thành đạt. Song theo tập tục địa phương và ý nguyện bà con họ Nguyễn Sinh, ông Sắc đã vinh
quy tại Làng Sen quê nội (khoảng tháng 9 năm 1901). Trước khi ông Sắc được đón về, làng Kim Liên
đã cấp đất công, xuất quỹ làm cho một ngôi nhà (đó là ngôi nhà và khoản vườn hiện nay còn được bảo
tồn ở Kim Liên).
Nhân dịp này, ông Nguyễn Sinh Sắc làm lễ "Vào làng" cho hai con trai, với tên mới là Nguyễn Tất Đạt
(Sinh Khiêm) và Nguyễn Tất Thành (Sinh Cung).
Cũng như nhiều vùng khác ở nông thôn Nghệ An, Làng Sen vốn đã nghèo lại càng nghèo thêm từ khi
mất nước. Tại đây, ngoài nghề làm ruộng, bà con nông dân còn làm nhiều nghề khác như dệt vải, đan
lát hoặc nghề sơn tràng, kiếm củi, đốt than...
Xưa kia, vùng này gọi là Trại Sen với những địa danh toàn sen: nào Đồng Sen Cạn, Đồng Sen Sâu,
Giếng Sen, Đầm Sen; nào Vực Sen, Bàu Sen, Chợ Sen, Cồn Sen...
Sen góp phần tạo nên cảnh trí thiên nhiên đặc sắc ở đây nên mới gọi là Làng Sen. Nhân dân Làng Sen
tự hào vì làng mình đẹp, lại có nhiều nho sĩ thường hay lui tới đàm đạo văn chương, thời thế.
Với tâm hồn thơ mộng, rất yêu thiên nhiên, Nguyễn Tất Thành tự hào với cảnh đẹp của làng quê mình.
Nhưng điều đáng tự hào hơn cả là làng Kim Liên có nhiều di tích lịch sử và anh hùng hào kiệt. Ngay
trước ngõ nhà cậu, chếch về phía phải là Giếng Cốc, nơi bọn thực dân Pháp đã ra lệnh tát cạn nước để
tìm vũ khí của "chung nghĩa binh", khi chúng đã đàn áp được cuộc khởi nghĩa Vương Thúc Mậu (năm
1886). Hình ảnh người anh hùng của quê hương, người bạn dạy học của ông ngoại cậu đã hy sinh
ngay tại làng để bảo toàn khí tiết đã từng gây xúc động mạnh trong lòng Nguyễn Tất Thành.
Sau tháng 9 năm 1901, một vinh dự lớn cho Nguyễn Tất Thành là được cha gửi sang học chữ Hán với
thầy Vương Thúc Quý và thầy Trần Thân ở ngay trong làng Kim Liên. Thầy Vương Thúc Quý vốn là

nhà nho, giàu lòng yêu nước cho nên Nguyễn Tất Thành và bạn học đều chịu ảnh hưởng chí hướng
của thầy. Nguyễn Tất Thành là một học trò nhanh trí và có trí nhớ tốt, được thầy yêu mến. Học với
thầy Vương Thúc Quý, Tất Thành cảm thấy thoải mái, dễ hiểu vì thầy thức thời, không nệ cổ, không
bắt học trò nhồi sọ cổ văn theo lối "tầm chương trích cú". Là tấm gương sáng cho học trò noi theo,
thầy gợi cho Nguyễn Tất Thành những vấn đề mà trong bước trưởng thành, anh còn phải tìm hiểu cho
đến nơi đến chốn.
Khoảng năm 1901-1902, Nguyễn Tất Thành bước đầu tiếp thu tư tưởng yêu nước của các bậc cha chú
thông qua mối quan hệ giữa cha với các sĩ phu trong vùng. Phan Bội Châu, trong tác phẩm Phan Bội
Châu niên biểu, kể lại rằng: Nguyễn Tất Thành thường nghe cụ ngâm hai câu thơ và sau này anh vẫn
nhắc lại:
Mỗi phạn bất vong duy trúc bạch
Lập thân tối hạ thị văn chương
Nghĩa là:
Mỗi bữa (ăn) không quên ghi sử sách
Lập thân hèn nhất ấy (là) văn chương
Mùa xuân năm 1903, Nguyễn Tất Thành theo cha đến ở xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương, Nghệ An
và tiếp tục học chữ Hán. Thời gian này, ông Nguyễn Sinh Sắc (thân phụ) dạy tại nhà ông Nguyễn Thế
Văn.
Ngày 13 tháng 4 năm 1904, Nguyễn Tất Thành chịu tang bà ngoại. Đây là cái tang lớn của cả gia đình.
Sở dĩ ông Nguyễn Sinh Sắc học hành và đỗ đạt được chủ yếu là nhờ sự bù trì, giúp đỡ của gia đình
phía vợ. Bà ngoại cũng đã giành cho Thành và những người cháu sớm mồ côi mẹ lòng yêu thương sâu
sắc. Bà mất, Tất Thành đau xót, nghẹn ngào. Hình ảnh ông ngoại, mẹ và em Xin lại hiện lên rõ nét
trong trí nhớ của Tất Thành. Thế là trong tuổi thiếu niên, Tất Thành phải chịu bốn cái tang của gia
đình. Nhìn lên bàn thờ bà ngoại, Tất Thành xót xa, nhớ tiếc với bao kỷ niệm thân thương của hai bà
cháu quanh góc sân, mảnh vườn.
Sau kỳ đại tang đó, Nguyễn Tất Thành theo cha sang làng Du Đồng, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh
(nay thuộc xã Đức Đồng, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh). Thời gian này, ông Nguyễn Sinh Sắc dạy
học ở nhà ông Nguyễn Bá Uy.
Ngoài giờ học tập, Nguyễn Tất Thành thường theo cha đến các vùng trong tỉnh thăm các nhân sĩ yêu
nước (đến làng Đông Thái - quê hương của Phan Đình Phùng, làng Trung Lễ - quê hương của của Lê

Ninh, v.v...) hoặc thăm các di tích lịch sử như thành Lục Niên, miếu thờ La Sơn phu tử, v.v...
Tháng 7 năm 1905, Nguyễn Tất Thành theo cha đến huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình trong dịp ông
Nguyễn Sinh Sắc đi gặp các sĩ phu ở vùng đó.
Theo cha đi khắp đó đây, tầm mắt Tất Thành được mở rộng, quả là "đi một đoạn đàng, học một sàng
khôn". Anh thấy đâu đâu cảnh nghèo đó cũng phơi bày ra trước mắt. Nhan nhản người ăn xin ở khắp
mọi nơi. Hầu như làng quê nào cũng chỉ nổi lên vài ba ngôi nhà đồ sộ bên cạnh hàng trăm túp lều xơ
xác, tiêu điều. Mùa đông giá lạnh càng nhiều cảnh thê thảm hơn. Không đủ manh áo che thân, nhiều
người phải quấn tơi, chiếu hoặc bao tải rách. Bọn đế quốc và địa chủ phong kiến đang hút tủy, rút
xương dân chúng bằng hàng trăm thứ thuế nặng nề và phu đài, tạp dịch. Từ người lớn đến trẻ con ai ai
cũng sợ "ông Tây". Anh Thành cảm thấy nỗi nhục mất nước hằn rõ trên gương mặt mỗi người Việt
Nam.
Tháng 9 năm 1905, Nguyễn Tất Thành và Nguyễn Tất Đạt được thân phụ xin cho theo học lớp dự bị
Trường tiểu học Pháp - bản xứ ở thành phố Vinh, cách Kim Liên khoảng 14 km.
Hai anh em trọ ở một gia đình nghèo mạn Cầu Rầm (Vinh) và thường thường chiều thứ bảy đi bộ về
thăm nhà, sáng thứ hai lại xuống Vinh.
Chính tại Trường tiểu học này, Nguyễn Tất Thành lần đầu tiên tiếp xúc với khẩu hiệu TỰ DO - BÌNH
ĐẲNG - BÁC ÁI.
Cái nôi quê hương giàu truyền thống bất khuất với bản sắc riêng của xứ Nghệ đã tạo cho Nguyễn Tất
Thành sớm có lòng yêu nước, thương dân, căm thù giặc và ý chí "Làm trai cho đáng nên trai". Những
tấm gương của các thầy giáo và những hoạt động sôi nổi của các bậc cha chú như Phan Bội Châu... đã
kích thích cao độ chí làm trai của anh. Thái độ bất hợp tác, ngầm chống đối thực dân, phong kiến và
nhận thức được thời cuộc, lòng thương dân, yêu nước của thân phụ có ảnh hưởng sâu xa đến sự hình
thành nhân cách của anh.




×