Tải bản đầy đủ (.pdf) (79 trang)

KINH TẾ SẢN XUẤT: TRƯỜNG HỢP CÂY CAM SÀNH TẠI HUYỆN TRÀ ÔN TỈNH VĨNH LONG

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (497.41 KB, 79 trang )

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
ĐẠI HỌC NÔNG LÂM TP. HỒ CHÍ MINH

KINH TẾ SẢN XUẤT: TRƯỜNG HỢP CÂY CAM SÀNH
TẠI HUYỆN TRÀ ÔN TỈNH VĨNH LONG

VĂN THỊ MỸ HÒA

KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP
ĐỂ NHẬN VĂN BẰNG CỬ NHÂN
NGÀNH KINH TẾ

Thành phố Hồ Chí Minh
Tháng 6/2007


Hội đồng chấm báo cáo khóa luận tốt nghiệp đại học khoa Kinh Tế, trường Đại
Học Nông Lâm Thành Phố Hồ Chí Minh xác nhận khóa luận “KINH TẾ SẢN XUẤT:
TRƯỜNG HỢP CÂY CAM SÀNH TẠI HUYỆN TRÀ ÔN - TỈNH VĨNH LONG”, do
Văn Thị Mỹ Hòa, sinh viên khóa 29, chuyên ngành kinh tế nông lâm, đã bảo vệ thành
công trước hội đồng vào ngày ___________________

ĐẶNG MINH PHƯƠNG
Người hướng dẫn

Ngày

Chủ tịch hội đồng chấm báo cáo

Ngày tháng năm


tháng

năm

Thư ký hội đồng chấm báo cáo

Ngày

tháng

năm


LỜI CẢM TẠ
Trước tiên, tôi xin chân thành cảm ơn gia đình tôi đã tạo điều kiện và động viên
tôi hoàn thành luận văn tốt nghiệp.
Tôi xin chân thành cảm ơn ban giám hiệu nhà trương, quý thầy cô của trường
Đại Học Nông Lâm đã dạy dỗ, truyền đạt những kiến thức và những kinh nghiệm quý
báo trong suốt quá trình học tập tại trường
Tôi xin cảm ơn sự chỉ dạy tận tình của thầy Đặng Minh Phương giúp tôi hoàn
thành luận văn tốt nghiệp.
Đồng thời, tôi xin cảm ơn phòng NN&PTNT huyện Trà Ôn và chú Phạm Văn
Danh và chú Lê Hoàng Nghệ đã tạo điều kiện thuận lợi và giúp đỡ tôi trong thời gian
thực hiện đề tài tại địa phương.
Tôi xin cảm ơn bạn bè đã động viên và giúp đỡ tôi trong suốt thời gian qua.
Một lần nữa tôi xin chân thành cảm ơn gian đình, quý thầy cô, các bạn bè, các
cô ,chú, anh, chị đã động viên giúp đỡ, khích lệ tôi vượt qua những khó khăn trong
thời gian thực hiện luận văn tốt nghiệp.
Xin chân thành cảm ơn!
Tp. HCM, ngày 12 tháng 6 năm 2007

Sinh viên
Văn Thị Mỹ Hòa


NỘI DUNG TÓM TẮT
VĂN THỊ MỸ HÒA.Tháng 6 năm 2007. “Kinh Tế Sản Xuất: Trường Hợp
Cây Cam Sành Tại Huyện Trà Ôn Tỉnh Vĩnh Long”.
VAN THI MY HOA. Jun 2007 “Production Economics: The Case Of Thick
– Skinned Orange In Tra On District, Vinh Long Province”.
Đề tài được thực hiện trên cơ sở thu thập số liệu và thông tin từ các phòng ban
và điều tra trực tiếp 60 hộ nông dân đang trồng cam sành trên địa bàn huyện Trà Ôn.
Đề tài tập trung phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến năng suất cam sành, phân tích
hiệu quả kinh tế, ứng dụng hàm lợi nhuận cho việc tìm ra yếu tố đầu vào tối ưu. Kết
quả cho thấy hiệu quả kinh tế của cây cam sành rất cao và mức thu nhập tối đa mà
nông dân trồng cam sành có được là 20,665 triệu đồng/năm kinh doanh, với mức lao
động tối ưu là 155 công lao động và xác định hàm chi phí biên để nông dân đầu tư
đúng mức tránh lãng phí và mang lại năng suất cao, đảm bảo thu nhập.


MỤC LỤC
Trang
Danh mục các chữ viết tắt

vii

Danh mục các bảng

viii

Danh mục các hình


ix

Danh mục phụ lục

x

CHƯƠNG 1. MỞ ĐẦU

1

1.1. Giới thiệu

1

1.2. Mục tiêu nghiên cứu

2

1.2.1. Mục tiêu chung

2

1.2.2. Mục tiêu cụ thể

2

1.3. Phạm vi nghiên cứu

2


1.3.1. Không gian

2

1.3.2. Thời gian

2

1.4. Nội dung nghiên cứu

2

1.5. Bố cục luận văn

3

CHƯƠNG 2. TỔNG QUAN

4

2.1. Điều kiện tự nhiên

4

2.1.1. Vị trí địa lý

4

2.1.2. Địa hình và thổ nhưỡng


4

2.1.3. Thời tiết và khí hậu

5

2.1.4. Nguồn nước

5

2.1.5. Khuyến nông

6

2.2. Tình hình kinh tế xã hội

6

2.2.1. Dân số

6

2.2.2. Tôn giáo

6

2.3. Cơ sở hạ tầng

7


2.3.1. Giao thông

7

2.3.2. Điện

7

2.3.3. Y tế

7

2.3.4. Tình hình văn hóa - giáo dục

7

iv


2.3.5. Thương mại - dịch vụ

8

2.4. Tình hình sử dụng đất đai

8

2.5. Thu nhập


10

2.6. Tập quán sản xuất và kỹ thuật canh tác

10

2.7 Cơ cấu kinh tế huyện Trà Ôn

10

2.8 Đánh giá chung về hiện trạng phát triển kinh tế xã hội

11

2.8.1 Thuận lợi

11

2.8.2 Khó khăn

11

CHƯƠNG 3. NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

13

3.1. Cơ sở lý luận

13


3.2. Hiệu quả kinh tế

14

3.3. Đo lường hiệu quả kinh tế

14

3.3.1. Các khái niệm

14

3.3.2. Các chỉ tiêu xác định kết quả

15

3.3.3. Các chỉ tiêu xác định hiệu quả

15

3.3.4. Phương pháp tính khấu hao

17

3.4. Phương pháp nghiên cứu

17

3.4.1. Phương pháp thu thập số liệu


17

3.4.2. Phương pháp phân tích hồi quy

17

3.5. Đặc điểm kinh tế, kỹ thuật của cây cam sành

22

3.5.1. Đặc điểm sinh học của cây cam sành

22

3.5.2. Kỹ thuật trồng và chăm sóc cam sành

23

3.5.3. Kỹ thuật cho trái nghịch vụ

24

3.5.4. Đặc tính kinh tế của cây cam sành

25

CHƯƠNG 4. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN

26


4.1. Tình hình cây ăn trái của huyện Trà Ôn năm 20062

26

4.2. Điều kiện sản xuất nông nghiệp và trồng cam sành tại Huyện

28

4.2.1. Thuận lợi

28

4.2.2. Khó khăn

28

4.3. Đặc điểm của hộ điều tra

29

4.3.1. Quy mô nhân khẩu

29
v


4.3.2. Tuổi chủ hộ

30


4.3.3. Trình độ học vấn của chủ hộ

30

4.3.4. Quy mô diện tích đất trồng cam sành

31

4.4. Đánh giá kết quả và hiệu quả cây cam sành

32

4.4.1. Phân tích chi phí 1.000m2 cam sành trong thời kỳ kiến
thiết cơ bản

32

4.4.2. Phân tích chi phí 1.000 m2 cam sành trong thời kỳ sản
xuất kinh doanh

33

4.4.3. Kết quả - hiệu quả của 1.000m2 cam sành trong 1 năm
kinh doanh

34

4.4.4. Hiệu quả đầu tư cho 1.000m2 cam sành

35


4.4.5. Thu nhập từ cây cam sành theo quy mô hộ điều tra

36

4.4.6. Tình hình tiêu thụ cam sành

37

4.5. Những nhân tố ảnh hưởng đến năng suất của cây cam sành

38

4.5.1. Xác định mô hình hàm hồi quy của hàm sản xuất cam
sành

38

4.5.2. Xác định và nêu ra giả thiết về mối quan hệ giữa các
biến

39

4.6. Ước lượng các tham số của mô hình

39

4.6.1. Kiểm định giả thiết

40


4.6.2. Kiểm định tính hiệu lực của mô hình

41

4.6.3. Báo cáo kết quả của phân tích hồi quy

43

4.7. Xác định và phân tích hàm lợi nhuận theo yếu tố giá

45

4.7.1. Xác định hàm chi phí biên của nông hộ trồng cam sành
tại huyện Trà Ôn

45

4.7.2. Thiết lập hàm cầu lao động cho một nông hộ

48

4.7.3. Xác định mức đầu vào tối ưu

49

4.7.4. Phân tích sự biến động giá

50


4.7.5 Thu nhập tối ưu cho hộ nông dân

52

4.8 Một số ý kiến nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp
huyện Trà Ôn

52
vi


CHƯƠNG 5. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

54

5.1. Kết luận

54

5.2. Kiến nghị

56

TÀI LIỆU THAM KHẢO

57

PHỤ LỤC

vii



DANH MỤC CÁC BẢNG
Bảng 2.2. Dân Số Phân Theo Thành Phần Tôn Giáo năm 2005

6

Bảng 2.3. Tình Hình Sử Dụng Đất năm 2005

8

Bảng 2.4. Tình Hình Cây Ăn Quả năm 2005

9

Bảng 2.5. Giá Cả Một Số Loại Trái Cây tháng 5/2007

9

Bảng 2.6. Cơ Cấu Kinh Tế Huyện Trà Ôn năm 2005

11

Bảng 4.1. Diện Tích Một Số Cây Ăn Quả Huyện Trà Ôn Năm 2005

27

Bảng 4.2. Sản Lượng Một Số Cây Ăn Quả Huyện Trà Ôn Năm 2005

27


Bảng 4.3. Quy Mô Nhân Khẩu

29

Bảng 4.4. Tuổi Chủ Hộ

30

Bảng 4.5. Trình Độ Học Vấn Của Chủ Hộ

31

Bảng 4.6. Quy Mô Diện Tích Đất Trồng Cam

31

2

Bảng 4.7. Chi Phí Trung Bình 1.000m Cam Sành Trong Giai Đoạn
KTCB (2 năm)

32

Bảng 4.8. Chi Phí Đầu Tư Hàng Năm Cho 1.000m2 Cam Sành Trong
Kỳ SXKD (1 Năm)

33

Bảng 4.9. Kết Quả - Hiệu Quả Của 1.000m2 Cam Sành Trong Giai

Đoạn Kinh Doanh (1 năm)

34

Bảng 4.10. Tổng Chi Phí Đầu Tư của 1.000m2 Cam Sành
2

35

Bảng 4.11. Hiệu Quả Đầu Tư của 1.000 m Cam Sành

36

Bảng 4.12. Thu Nhập Từ Cây Cam Sành/Quy Mô Hộ Điều Tra

36

Bảng 4.13: Kết quả ước lựơng hồi quy hàm sản xuất cam sành

40

Bảng 4.14. Hệ Số Xác Định R2 Của Mô Hình Cam Sành

42

Bảng 4.15. Sự Thay Đổi Lao Động Tối Ưu Khi Giá Lao ĐộngThay Đổi

50

viii



DANH MỤC CÁC HÌNH
Trang
Hình 4.1. Biểu Đồ Phân Bố Diện Tích Cam Sành ở ĐBSCL

27

Hình 4.2. Sơ Đồ Kênh Tiêu Thụ Cam Sành của Nông Hộ

38

Hình 4.3. Đường Chi Phí Biên Của Người Trồng Cam Sành

47

Hình 4.4. Đường Cầu Lao Động Của Nông Hộ

49

ix


DANH MỤC CÁC TỪ VIẾT TẮT
ĐBSCL

Đồng Bằng Sông Cửu Long

UBND


Ủy Ban Nhân Dân

ĐVT

Đơn Vị Tính

LN/TCP

Lợi Nhuận/Tổng Chi Phí

DT/TCP

Doanh Thu/Tổng Chi Phí

TN/TCP

Thu Nhập/Tổng Chi Phí

BVTV

Bảo Vệ Thực Vật

x


CHƯƠNG 1
MỞ ĐẦU
1.1. Giới thiệu
Vĩnh Long là một tỉnh nằm ở` Đồng Bằng Sông Cửu Long, được ưu đãi về điều
kiện tự nhiên, kinh tế xã hội, thích hợp cho nhiều loại cây trồng nhiệt đới như: cam,

bưởi, chôm chôm, sầu riêng… sinh trưởng và phát triển quanh năm.
Vĩnh Long là tỉnh trồng lúa và cây ăn quả, theo mô hình chung trong khu vực
toàn tỉnh có 119.000 hecta đất nông nghiệp, sản lượng lương thực hàng năm ổn định
khoảng 950.000 tấn. Khoảng 90% hộ gia đình trong tỉnh làm nghề nông. Nông nghiệp
là ngành sản xuất chính của tỉnh khoảng 77% diện tích, trong đó trồng cây ăn trái lâu
năm chiếm 38.733 ha.
Cam sành được xem là loại cây ăn trái lâu năm có giá trị kinh tế cao đang được
đầu tư mở rộng diện tích khắp tỉnh. Tại Trà Ôn thì mô hình này mới được áp dụng
những năm gần đây với tổng diện tích trồng cam là 1.116,6 ha, đây là vùng sản xuất có
năng suất và sản lượng lớn của tỉnh, đất được xem là tốt nhất và tỉnh đang xem xét mở
rộng diện tích cây trồng thành vùng chuyên canh cây ăn trái.
Với sự ưu đãi của chính phủ nông dân đã mạnh dạng tăng diện tích đất trồng
cam sành chính trên đất vườn và đất ruộng. Vậy trồng cam sành có đem lại hiệu quả
kinh tế cao cho nông dân hay không? Đề tài “Kinh Tế Sản Xuất: Trường Hợp Cây
Cam Sành tại huyện Trà Ôn Tỉnh Vĩnh Long” được tiến hành nhằm xem xét quyết
định của nông dân có đúng không và nên đầu tư cho những nhân tố nào thì đem lại
hiệu quả cao nhất, và vì cam sành có rất nhiều triển vọng cải thiện đời sống nông thôn
nhưng đây là loại cây khó trồng do có rất nhiều bệnh, vì vậy để sản xuất đem lại hiệu
quả cao đòi hỏi người dân phải có kỹ thuật, kinh nghiệm cũng như nguồn vốn khá lớn.
Trong điều kiện hiện nay do cam sành là mặt hàng nông sản nên ít nhiều chịu
ảnh hưởng của giá cả trên thị trường, giá cam không ổn định, giá biến động quanh
năm, hiện nay người dân trồng cam sành chủ yếu cho trái vào mùa nghịch để giá cam


cao hơn, do đó nhà nước cần quan tâm hơn về kỹ thuật sản xuất, vốn và nhất là phải
đảm bảo thị trường tiêu thụ cho người dân của tỉnh.
1.2. Mục tiêu nghiên cứu
1.2.1. Mục tiêu chung
Đề tài ứng dụng kinh tế sản xuất và kinh tế vi mô 2 cho việc tìm ra yếu tố đầu
vào tối ưu.

1.2.2. Mục tiêu cụ thể
- Tìm hiểu về điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội của vùng nghiên cứu.
- Phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến năng suất cây cam sành.
- Đánh giá hiệu quả kinh tế cây cam sành.
- Xác định đường cầu lao động của cây cam sành.
- Ứng dụng hàm sản xuất cho việc tìm ra yếu tố đầu vào tối ưu.
- Xác định mức thu nhập tối ưu.
1.3. Phạm vi nghiên cứu
1.3.1. Không gian
Tại huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long
1.3.2. Thời gian
Từ ngày 10/03/2007 đến ngày 10/07/2007
1.4. Nội dung nghiên cứu
- Điều tra thực tế 60 hộ nông dân trồng cam sành tại huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh
Long.
- Từ số liệu điều tra được tiến hành xử lý số liệu.
- Nghiên cứu tình hình thực tế về điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội, kinh
nghiệm sản xuất của người dân tại địa phương.
- Phân tích yếu tố ảnh hưởng năng suất cam sành, phân tích hiệu quả sản xuất,
ứng dụng hàm lợi nhuận cho việc tìm ra yếu tố đầu vào tối ưu.

2


1.5. Bố cục luận văn
Đề tài nghiên cứu gồm 5 chương
Chương 1: Mở đầu: giới thiệu về đề tài nghiên cứu, mục đích và phạm vi
nghiên cứu.
Chương 2: Tổng quan: trình bày các điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội của
huyện Trà Ôn.

Chương 3: Nội dung và phạm vi nghiên cứu: trình bày các khái niệm và
phương pháp phân tích, các chỉ tiêu kết quả, hiệu quả.
Chương 4: Kết quả và thảo luận: Phân tích các yếu tố sản xuất ảnh hưởng đến
năng suất cây cam sành, xác định yếu tố sản xuất tối ưu để đem lại hiệu quả kinh tế
cao nhất cho 1000m2 cam sành.
Chương 5: Kết luận và kiến nghị.

3


CHƯƠNG 2
TỔNG QUAN

2.1. Điều kiện tự nhiên
2.1.1. Vị trí địa lý
Trà Ôn là một tỉnh nằm ở phía Nam tỉnh Vĩnh Long, nằm cặp theo bờ trái sông
Hậu, cách thị xã Vĩnh Long khoảng 50 km theo đường bộ. Trà Ôn có cảnh quan sông
nước – miệt vườn rất hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế.
Toạ độ địa lý: từ 9051’42’’ đến 10051’30’’ vĩ độ Bắc và từ 105030’30’’106006’00’’ kinh độ Đông.
Tổng diện tích tự nhiên toàn huyện: 25.839,12 km chiếm 17,52 % diện tích tự
nhiên của Tỉnh, đứng thứ 3 sau Vũng Liêm và Tam Bình. Trà Ôn có 1 thị trấn huyện lỵ
(Trà Ôn) và 13 xã là Xuân Hiệp, Hoà Bình, Nhơn Bình, Thới Hoà, Hựu Thành, Thuận
Thới, Trà Côn, Vĩnh Xuân, Thiện Mỹ, Tân Mỹ, Tích Thiện, Lục Sĩ Thành, Phú Thành.
Phía Bắc giáp Tam Bình và Bình Minh
Phía Nam và Tây Nam giáp sông Hậu thuộc địa phận 2 huyện Châu Thành
(Cần Thơ) và Kế Sách (Sóc Trăng).
Phía Đông và Đông Nam giáp huyện Vũng Liêm và Cầu Kè (Trà Vinh).
2.1.2. Địa hình và thổ nhưỡng
Huyện Trà Ôn có địa hình tương đối bằng phẳng, cao từ sông Hậu và sông
Măng Thít và thấp dần về phía Đông Bắc.

Tài nguyên đất màu mỡ do phù sa sông Mêkong bồi đắp, được phân thành 4
nhóm đất: đất xáo trộn (đất líp), đất phù sa, đất phèn và đất cát. Rất có lợi thế cho việc
trồng các loại cây ăn trái đặc sản như: cam sành, bưởi, nhãn, sầu riêng, măng cụt…
Nhìn chung địa hình Trà Ôn rất thuận lợi cho việc cơ giới hoá nông nghiệp
nông thôn.

4


2.1.3. Thời tiết và khí hậu
Trà Ôn có nhiệt độ trung bình hàng năm đạt từ 26,80C – 27,20C, ít thay đổi qua
các tháng trong năm. Tổng bức xạ hàng năm cao và ổn định (79,5 Kcal/cm2/năm), số
giờ chiếu sáng dài (bình quân đạt 2.552 – 2.582 giờ/năm) là điều kiện tối hảo cho đầu
tư tăng năng suất cây trồng. Lượng mưa hàng năm đạt từ 1.398 – 1.635 mm/năm,
trong phạm vi này nói chung tương đối đủ so với nhu cầu của các chủng loại cây ăm
quả hiện trồng như: cam, quýt, bưởi, xoài, nhãn…Tuy nhiên do sự phân bổ lượng mưa
không đồng đều giữa các tháng trong năm nên cây trồng vẫn bị thiếu nước.
Huyện Trà Ôn mang tính chất nhiệt đới gió mùa cận xích đạo, có 2 mùa rõ rệt:
+ Mùa mưa từ tháng 5 - 11 tổng lượng mưa chiếm 94 - 97% lượng mưa cả năm,
những tháng này thường có áp thấp nhiệt đới và đôi khi có bão.
+ Mùa khô kéo dài từ tháng 12 – 4 lượng mưa nhỏ chỉ chiếm 3 – 6% lượng mưa
cả năm. Thời gian bắt đầu và kết thúc không ổn định. Nhiệt độ của đất và nhiệt độ của
không khí tăng cao, lượng bốc hơi lớn. Tuy vào mùa khô nắng gắt nhưng ở địa phương
không bị tình trạng thiếu nước tưới. Đây là điều kiện thuận lợi cho quá trình sản xuất,
chăm sóc cây trồng của hộ nông dân trên địa bàn huyện.
2.1.4. Nguồn nước
Trà Ôn là huyện sản xuất nông nghiệp của tỉnh chịu ảnh hưởng của chế độ bán
nhật triều không đều của biển Đông, thông qua hệ thống sông Tiền, sông Hậu và sông
Măng Thít nối liền. Tuy có hệ thống sông rạch chằng chịt và khả năng tiêu thoát nước
tốt, hàng năm Trà Ôn vẫn còn một số diện tích vùng bị ngập lũ do điều kiện địa hình

thấp, đó là các vùng trũng chưa có bờ bao khép kín. Trà Ôn là huyện nằm cách xa biển
nên nguồn nước ít bị nhiễm mặn. Do đó không ảnh hưởng đến sự phát triển của cây ăn
quả trong khu vực.
Huyện Trà Ôn được bao bọc bởi sông Hậu và sông Măng Thít và các hệ thống
kênh rạch chằn chịt của huyện nên có nguồn nước mặt dồi dào, chất lượng tốt, sử dụng
tốt nhất của Tỉnh.
Huyện có nguồn nước ngầm tương đối phong phú, nguồn nước chưa ô nhiễm.
Nước có thể đáp ứng cho nhu cầu sinh hoạt và tưới tiêu.
Với những thuận lợi trên rất thích hợp cho sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng
thuỷ sản hiện nay huyện có khoảng 123 loài cá nước ngọt.
5


2.1.5. Khuyến nông
Về công tác khuyến nông, trong những năm qua huyện đã phối hợp với các
trạm khuyến nông của tỉnh mở lớp tập huấn tới tận các ấp, xã nhằm chuyển giao khoa
học kỹ thuật về chăn nuôi và trồng trọt cho nông dân. Tuy nhiên tham gia khóa tập
huấn phần lớn là các hộ nông dân chưa có kinh nghiệm sản xuất hoặc những hộ trẻ
tuổi, các hộ có kinh nghiệm sản xuất, sản xuất lâu năm hoặc lớn tuổi thì rất ít tham gia
nhưng phần lớn là học hỏi kinh nghiệm của nhau.
2.2. Tình hình kinh tế xã hội
2.2.1. Dân số
Dân số: 152.212 người (2005), trong đó thành thị là: 11.850 người, nông thôn
là:140.362 người. Tổng só hộ trong huyện là 32.896 hộ. Trong đó thành thị: 2.356 hộ,
nông thôn: 30.540 hộ. Số hộ nghèo của huyện là: 5.562,6 hộ chiếm tỷ lệ 16,91 %,
giảm 73 hộ so với trước. Dân số ở nông thôn vẫn chiếm phần lớn trong tổng dân số,
những hộ nghèo chủ yếu là sống nông thôn, thiếu đất canh tác. Vì vậy cần đảm bảo lao
động nông thôn đủ việc làm hoặc tổ chức phân công lao động hợp lý tránh tình trạng
lao động nhàn rỗi di cư sinh sống dẫn đến thiếu lao động khi đến mùa vụ.
2.2.2. Tôn giáo

Bảng 2.2. Dân Số Phân Theo Thành Phần Tôn Giáo năm 2005
Thành phần tôn giáo

Tổng số (người)

Trong đó tín đồ (người)

Phật giáo

34.925

1.555

Công giáo

3.604

3.604

Tin lành

142

82

Hồi giáo

8

-


Cao đài

2755

751

Hòa hảo

44

10

Không tôn giáo

103.205

-

Tổng

144.683

6002

Nguồn tin: Phòng Thống kê Huyện
Huyện Trà Ôn có nhiều thành phần tôn giáo khác nhau nhưng đại đa số người
dân theo phật giáo. Tuy nhiên không có sự sung đột tính ngưỡng ở địa phương.

6



Hoạt động tôn giáo ở địa phương chấp hành đúng qui định của nhà nước và các
thành phần tôn giáo đều vận động nhân dân lập nên nhiều quỹ như: quỹ xây dựng nhà
tình thương, quỹ cứu trợ lũ lụt.
2.3. Cơ sở hạ tầng
2.3.1. Giao thông
Đường bộ: Có đường quốc lộ 54 nối liền quốc lộ 54 và 53, tỉnh lộ 39, các
đường liên xã. Hiện nay đường xá cơ bản đã hoàn thành, giao thông đi lại, vận chuyển
hàng hóa thuận tiện tạo điều kiện cho huyện giao lưu buôn bán với các vùng trong và
ngoài tỉnh.
Đường thuỷ: Có hệ thống giao thông thuỷ quốc tế là sông Hậu và quốc gia là
sông Măng Thít, đây là tuyến giao thông thuỷ huyết mạch ở Đồng Bằng Sông Cửu
Long. Ngoài ra còn có sông Trà Ngoa là một mạng lưới hệ thống kênh rạch hợp thành
hệ thống giao thông thuỷ rất tiện lợi, nhưng còn thiếu bến bãi.
2.3.2. Điện
Huyện có hệ thống điện cao thế 220 kw đi qua và 259,8 km đường dây trung
thế và 360,2 km đường dây hạ thế. Nhưng có 5.372 hộ không có điện sử dụng (năm
2005), các hộ này chủ yếu sống trong khu vực vùng sâu (đồng ruộng) và các hộ không
vào điện.
2.3.3. Y tế
Năm 2005 huyện có 15 cơ sở y tế nhà nước: 1 bệnh viện thị trấn, và mỗi xã có 1
cơ sở y tế. Người dân được quan tâm đúng mức về sức khỏe và người dân đươc tham
gia và chất lượng phục vụ rất tốt không xảy ra tình trạng loại trừ phân biệt đối xử.
2.3.4. Tình hình văn hóa - giáo dục
Huyện có 1 trung tâm văn hóa tại huyện, khu vui chơi giải trí, một thư viện và
phòng đọc sách tại huyện và có 4 xã có thư viện và phòng đọc sách riêng.
Từ năm 2005 – 2006 Huyện có 53 trường học gồm: mẫu giáo, tiểu học, trung
học, phổ thông (hệ công lập và bán công). Phần lớn các xã đã có trường cấp III (hệ
công lập và bán công). Tuy nhiên chất lượng giảng dạy của các trường bán công thì

không đạt tiêu chuẩn. Ở các trường vẫn có lớp “chọn” với chất lượng rất tốt còn những
lớp thường thì kém chất lượng.

7


Toàn tỉnh có 367 trường phổ thông, với 4.609 phòng học, 6.283 lớp học, 8.892
giáo viên và 187.811 học sinh đến trường (Niên giám thống kê Vĩnh Long, 2005).
2.3.5. Thương mại - dịch vụ
* Thương mại
Trong những năm gần đây hoạt động thương mại của huyện có những chuyển
biến đáng kể, việc buôn bán trao đổi hàng hóa với các tỉnh bên ngoài diễn ra sôi động
hơn, đặc biệt là thị trường Thành Phố Hồ Chí Minh. Ngoài ra tỉnh còn xuất khẩu nhiều
mặt hàng nông sản ra nước ngoài như: lúa, nhãn, bưởi,… với chất lượng cao và được
sự tin tưởng của người tiêu dùng.
* Dịch vụ
Có 26,2 % (2005) cơ cấu kinh tế của huyện là dịch vụ và tăng liên tục qua các
năm (năm 2003: 25%). Thông tin liên lạc ngày càng phát triển, có 14 xã có điện thoại,
bưu điện…là huyện đạt tiêu chuẩn của tỉnh về số điện thoại/dân.
2.4. Tình hình sử dụng đất đai
Tại huyện Trà Ôn thì nghề nông vẫn là ngành chính của người dân ở đây, vì vậy
mà phần lớn diện tích đất được sử dụng cho nông nghiệp.
Bảng 2.3. Tình Hình Sử Dụng Đất năm 2005
Khoản mục

Diện tích (ha)

Cơ cấu (%)

21.705,058


84,0

86,909

0,34

Đất chuyên dùng

709,061

2,74

Đất thổ cư

721,720

2,80

2.616,372

10,12

25.839,120

100

Đất nông nghiệp
Đất lâm nghiệp


Đất chưa sử dụng
Tổng cộng

Nguồn tin: Phòng Thống kê Huyện
Nhìn chung phần lớn đất của huyện là đất nông nghiệp, chiếm 84% diện tích
đất toàn huyện. Tuy nhiên phần đất chưa được sử dụng còn quá cao chiếm 10,12%
tổng diện tích đất của huyện nhưng lại có tình trạng thiếu đất sản xuất nông nghiệp
hoặc không có nhà ở làm phí tài nguyên quốc gia. Đất thổ cư chỉ chiếm 2,38% tổng
diện tích, diện tích đất lâm nghiệp không đáng kể (0,34%).

8


Bảng 2.4. Tình Hình Cây Ăn Quả năm 2005
Khoản mục

Diện tích (ha)

Cơ cấu (%)

Cam, quýt, bưởi

3.816,9

67,0

Nhãn, vãi

1.200,8


21,0

Xoài

405,9

7,1

Sầu riêng

2.88,3

4,9

Tổng cộng

5.711,9

100

Nguồn tin: Phòng Thống kê Huyện
Tại huyện Trà Ôn, cây cam sành, bưởi, quýt được trồng với diện tích lớn nhất là
3.816,9 ha, trong đó đất trồng cam sành chiếm phần lớn: 1.116,6 ha. Ngoài cam sành
và bưởi thì nhãn ở đây cũng được sản xuất rất nhiều chiếm 21% tổng diện tích, sầu
riêng chiếm 4,9% và xoài chiếm 7,1%. Tuy cam sành là cây ăn quả được sản xuất
nhiều nhất ở đây nhưng giá cả thì tương đối ổn định và cao ở mùa nghịch. Tổ chức
công tác thu mua tương đối tốt, đảm bảo sản phẩm được tiêu thụ hoàn toàn ở đây.
Bảng 2.5. Giá Cả Một Số Loại Trái Cây tháng 5/2007
Trái cây


ĐVT

Giá (ngàn đồng)

- Bưởi 5 roi

Kg

5–7

- Cam sành

Kg

14 – 15

- Cam mật

Kg

5 – 6,5

- Quýt đường

Kg

12 – 15

- Nhãn tiêu


Kg

4

- Thanh long

Kg

7

- Mãng cầu dai

Kg

12 – 13

- Mãng cầu xiêm

Kg

16 – 20

- Xoài

Kg

7 – 10

- Xoài cát Chu


Kg

5–7

- Xoài cát Hòa Lộc

Kg

12 – 18

Nguồn tin: Trung tâm xúc tiến thương mại đầu tư Vĩnh Long
Như thường lệ, vào khoảng tháng 4 thì các nhà vườn sẽ thu hoạch cam sành
nghịch mùa để bán được giá cao. Đầu tháng 4/2007, các nhà vườn ở Tam Bình, Trà Ôn
(Vĩnh Long); Cầu Kè (Trà Vinh); Phú Hữu (Hậu Giang); Cái Côn (Sóc Trăng) bắt đầu
9


thu hoạch trái . Giá cam sành loại I được các vựa cam mua 12.000 đ/kg; cam loại II và
loại III giá từ 9.000 - 10.000 đ/kg. Với mức giá này, nhà vườn sẽ thu được lợi nhuận
khá. Tuy nhiên, đến giữa tháng 4/2007, cam sành đã “đụng hàng” với cam ngoại nhập
nên giá giảm đi từ 1.000 - 2.000 đ/kg, và lượng hàng xuất bến chở ra miền ngoài cũng
giảm đáng kể. Bên cạnh đó, chất lượng cam nội cũng chưa đồng đều, và cạnh tranh
được với cam ngoại nhập nên làm cho cam sành tụt giá (Trung tâm xúc tiến thương
mại đầu tư Vĩnh Long).
2.5. Thu nhập
Trà Ôn là huyện có nguồn nhân lực dồi dào, song vẫn chưa đáp ứng được yêu
cầu đặt ra về chất lượng lao động của sản xuất, nhìn chung thu nhập của người lao
động chưa cao. GDP bình quân đầu người của tỉnh Vĩnh Long đạt 7.600.000 đồng, thu
nhập bình quân đầu người của một lao động trong khu vực nhà nước do địa phương
quản lý là 1.236.000 đồng/tháng (Niên giám Thống kê Vĩnh Long, 2005).

2.6. Tập quán sản xuất và kỹ thuật canh tác
Sản xuất nông nghiệp huyện Trà Ôn chủ yếu là trồng lúa, cây cam sành gần đây
mới được trồng và đang có xu hướng mở rộng diện tích trồng trên đất ruộng rất lớn.
Người dân ở đây sản xuất nông nghiệp dựa vào nguồn vốn tự có của mình và sử dụng
sức lao động của gia đình là chính. Tuy nhiên kỹ thuật chưa cao, phần lớn dựa vào
kinh nghiệm bản thân và học hỏi từ những hộ sản xuất đã thành công. Vì thế nhà nước
cần có chính sách giúp đỡ nông dân, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho sản xuất
nông nghiệp.
Tuy cây lúa là cây đứng đầu về diện tích toàn huyện nhưng cây cam sành lại là
nguồn thu nhập chính cho hộ nông dân. Vì vậy một lượng lớn diện tích đất trồng lúa
đã được chuyển sang trồng cam, nhà nước cần quan tâm hơn nữa cho việc phát triển
sao cho cân đối các cây trồng ở địa phương tránh tình trạng sản xuất ồ ạt dẫn đến giá
giảm và sản xuất không còn lợi nhuận.
2.7 Cơ cấu kinh tế huyện Trà Ôn
Huyện Trà Ôn là nơi có truyền thống là vùng nông nghiệp, cây trồng ở đây chủ
yếu là lúa, cam, nhãn… và chăn nuôi gia súc, gia cầm.

10


Bảng 2.6. Cơ Cấu Kinh Tế Huyện Trà Ôn năm 2005
Cơ cấu

Công nghiệp

Dịch vụ (%)

Nông – Lâm,

Xây dựng (%)


ngư nghiệp (%)

2001

11

22

67

2002

11

24

65

2003

11

25

64

2004

12,3


26,2

61,5

2005

13,3

27,5

59,2

Nguồn tin: Phòng Thống kê Huyện
Huyện Trà Ôn có cơ cấu kinh tế nông - công - dịch vụ, những năm gần đây
công nghiệp và dịch vụ tăng lên đáng kể, nhưng nông nghiệp vẫn là sản xuất chính của
địa phương. Nông nghiệp Trà Ôn chủ yếu là trồng lúa, và cây ăn trái (cam, bưởi)
chiếm tỉ lệ lớn nhất của huyện, lâm nghiệp không đáng kể. Vì vậy nhà nước cần quan
tâm đến nông nghiêp nhiều hơn vì đây là ngành chính của người dân ta.
2.8 Đánh giá chung về hiện trạng phát triển kinh tế xã hội
2.8.1 Thuận lợi
Công tác khuyến nông ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ được đẩy mạnh
vào trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, cải thiện
sản phẩm củ, đồng thời giảm được đáng kể chi phí trong sản xuất nông nghiệp.
Trà Ôn có nguồn nhân lực dồi dào và chất lượng tương đối tốt. Hiện tại huyện
đang đào tạo lao động có chuyên môn, nâng cao dân trí, chất lượng ngày càng cao.
Huyện có vị trí thuận lợi cho du lịch sinh thái miệt vườn, ngành dịch vụ và du
lịch đang được đầu tư phát triển.
Huyện có cơ sở hạ tầng tốt phục vụ cho sản xuất và đời sống người dân ngày
càng cao, chất lượng cuộc sống tốt hơn.

2.8.2 Khó khăn
Nền kinh tế còn phụ thuộc nhiều vào nông nghiệp trong khi nông nghiệp chịu
nhiều ảnh hưởng của điều kiện tự nhiên, giá cả đầu ra biến động liên tục không ổn
định trong khi giá cả các yếu tố đầu vào tăng liên tục, thu nhập người dân không ổn
định, đời sống vẫn còn nhiều khó khăn.

11


Tình trạng thiếu việc làm vẫn thường xuyên xảy ra, lao động nhàn rỗi còn nhiều
vì vậy nạn lao động di chuyển từ nông thôn lên thành thị rất phổ biến và dẫn đến thiếu
lao động khi thời vụ đến.
Trình độ nông dân còn thấp, đời sống lạc hậu nên việc chuyển giao khoa học kỹ
thuật còn gặp ít nhiều khó khăn.

12


CHƯƠNG 3
NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

3.1. Cơ sở lý luận
Khi tiến hành sản xuất thì việc đầu tiên là đánh giá hiệu quả kinh tế, là vấn đề
cực kỳ quan trọng, là điểm xuất phát của mọi tính toán kinh tế. Điều đó đặt ra như một
tất yếu khách quan, đối với địa phương nó là cơ sở để xác định đúng đắn một cơ cấu
kinh tế hợp lý, đáp ứng nhu cầu xã hôi và mang lại lợi ích cho người sản xuất.
Chỉ có trên cơ sở hiệu quả kinh tế ngày càng cao thì mới tích lũy và đáp ứng
được yêu cầu của quy luật tái sản xuất mở rộng nền kinh tế. Hiệu quả kinh tế là một
phạm trù kinh tế đặc biệt quan trọng. Nó phản ánh trình độ sử dụng nguồn lực sẳn có
như: lao động, vật tư, tiền vốn,… để đạt được hiệu quả kinh tế cao nhất với chi phí

thấp nhất. Điều này có nghĩa là tiết kiệm tối đa các chi phí mà thực chất là hao phí lao
động để tạo ra một đơn vị sản phẩm. Do đó hiệu quả kinh tế cao hay thấp là do việc sử
dụng các yếu tố này có hiệu quả hay không.
Phát triển kinh tế nông thôn có những đặc trưng riêng và hầu như đó là những
vấn đề khó khăn ảnh hưởng đến quá trình xây dựng và phát triển. Thật vậy, kinh tế
nông thôn rất đơn giản về loại hình và ngành nghề chậm phát triển. Thành phần kinh tế
chủ yếu tập trung ở kinh tế nông hộ và hoạt động tài chính là sản xuất nông nghiệp. Vì
vậy phát triển nông thôn phải chú ý đến các khâu của quá trình sản xuất nhất là khâu
tiêu thụ.
Phát triển xã hội nhằm ổn định việc làm, ổn định thu nhập, giải quyết nhà ở và
các phúc lợi xã hội, y tế,… là vấn đề thiết thực liên quan đến đời sống người dân. Giải
quyết việc làm ở nông thôn phải dựa trên cơ sở của nền sản xuất nông nghiệp, đầu tư
sản xuất nông nghiệp thật tối ưu, sắp xếp phân công lao động dư thừa từ sản xuất nông
nghiệp vào các ngành nghề mới thích hợp nhằm tăng thu nhập cho người lao động và
cải thiện được đời sống của người dân nông thôn.
13


Từ đó cho thấy việc nghiên cứu hiệu quả kinh tế của sản xuất được đặt ra như
một tất yếu khách quan, có ý nghĩa chiến lược đối với xu thế phát triển của xã hội, mà
trong từng giai đoạn cụ thể nó càng có ý nghĩa thiết thưc.
Trong lĩnh vực sản xuất của cải vật chất, hiệu quả của sản xuất có vai trò đặc
biệt quan trọng phản ánh kết quả tổng hợp nhất của quá trình kinh tế trên cơ sở xác
định mối quan hệ giữa lợi nhuận thu được với chi phí sản xuất hoặc vốn đầu tư trong
quá trình kinh tế đó. Mục đích của hoạt động sản xuất luôn hướng tới lợi nhuận cao
nhất trên đơn vị chi phí đầu tư, do đó việc nâng cao hiệu quả kinh tế của từng đơn vị,
từng xí nghiệp, hộ gia đình có tác động đến sản xuất và thu nhập của nền kinh tế quốc
dân.
3.2. Hiệu quả kinh tế
Thấy được tính quan trọng và vai trò của hiệu quả kinh tế đến phát triển kinh tế

xã hội, nhà nước ta luôn quan tâm đến hiệu quả kinh tế trong sản xuất, nhất là trong
sản xuất nông nghiệp, vì “sản xuất nông nghiệp ở nông thôn chiếm 2/3 lao động, nhất
là ở ĐBSCL nhưng thực tế thì vấn đề về đánh giá hiệu quả kinh tế của cây ăn quả chưa
được coi trọng. Các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả kinh tế chưa thống nhất dẫn đến trong
tính toán và đánh giá hiệu quả kinh tế của từng loại cây ăn quả gặp nhiều khó khăn trở
ngại” (Bùi Hữu Tiến, 2006).
3.3. Đo lường hiệu quả kinh tế
3.3.1. Các khái niệm
a) Lợi nhuận
Lợi nhuận là phần dôi ra từ việc bán tất cả các sản phẩm làm ra trừ đi tổng chi
phí sản xuất.
b) Thu nhập:
Thu nhập là phần thu được từ việc bán tất cả các sản phẩm làm ra trừ đi chi phí
vật chất và chi phí lao động làm thuê.
c) Doanh thu
Doanh thu là tổng giá trị thu được từ việc bán sản phẩm.
d) Chi phí vật chất
Là tập hợp những chi phí trong quá trình sản xuất không tính chi phí vào chi phí
lao động.
14


×