Tải bản đầy đủ (.pdf) (214 trang)

Nghệ thuật chạm khắc đá tại lăng các bà hoàng thời Nguyễn ở Huế (Luận án tiến sĩ)

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (930.63 KB, 214 trang )

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH

VIỆN VĂN HÓA NGHỆ THUẬT QUỐC GIA VIỆT NAM

Trần Thị Hoài Diễm

NGHỆ THUẬT CHẠM KHẮC ĐÁ
TẠI LĂNG CÁC BÀ HOÀNG THỜI NGUYỄN Ở HUẾ

LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGHỆ THUẬT

Hà Nội - 2019


BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH

VIỆN VĂN HÓA NGHỆ THUẬT QUỐC GIA VIỆT NAM

Trần Thị Hoài Diễm

NGHỆ THUẬT CHẠM KHẮC ĐÁ
TẠI LĂNG CÁC BÀ HOÀNG THỜI NGUYỄN Ở HUẾ

Chuyên ngành: Lý luận và Lịch sử Mỹ thuật
Mã số: 9210101
LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGHỆ THUẬT


NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: PGS. TS TRẦN LÂM BIỀN

Hà Nội - 2019


i

LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan bản luận án tiến sĩ Nghệ thuật chạm khắc đá tại lăng các
bà hoàng thời Nguyễn ở Huế là công trình nghiên cứu do tôi thực hiện. Những vấn
đề nghiên cứu cùng các ý kiến tham khảo có chú thích nguồn đầy đủ, kết quả nêu
trong luận án là trung thực.
Tôi xin chịu trách nhiệm về lời cam đoan này.
Hà Nội, ngày 09 tháng 01 năm 2019
Tác giả luận án

Trần Thị Hoài Diễm


ii
DANH MỤC CHỮ VIẾT TẮT

Chữ viết tắt

Chữ viết đầy đủ

B.A.V.H

Bulletin des Amis du Vieux Hue


ĐNLTCB

Đại Nam liệt truyện chính biên

ĐNNTC

Đại Nam nhất thống chí

ĐNTL

Đại Nam thực lục

KĐĐNHĐSL

Khâm Định Đại Nam hội điển sự lệ

KHXH

Khoa học Xã hội

NCS

Nghiên cứu sinh

Nxb

Nhà xuất bản

PL


Phụ lục

TP

Thành phố

Tp.HCM

Thành phố Hồ Chí Minh

TS

Tiến sĩ

TTBTDTCĐ

Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô

Tr

Trang

Xd

Xây dựng


iii
MỤC LỤC


LỜI CAM ĐOAN ....................................................................................................... i
DANH MỤC CHỮ VIẾT TẮT.................................................................................. ii
MỞ ĐẦU .....................................................................................................................1
Chương 1 CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VỀ
NGHỆ THUẬT CHẠM KHẮC ĐÁ ............................................................................6
1.1. Cơ sở lý luận ........................................................................................................6
1.2. Một số khái niệm liên quan đến nghệ thuật trang trí chạm khắc đá tại lăng các
bà hoàng thời Nguyễn ...............................................................................................14
1.3. Tổng quan tình hình nghiên cứu mỹ thuật cung đình thời Nguyễn và về nghệ
thuật chạm khắc đá ....................................................................................................22
Tiểu kết......................................................................................................................34
Chương 2

ĐẶC ĐIỂM CHẤT LIỆU VÀ CÁC HÌNH TƯỢNG TIÊU BIỂU

TRONG NGHỆ THUẬT CHẠM KHẮC ĐÁ TẠI LĂNG CÁC BÀ HOÀNG THỜI
NGUYỄN ..................................................................................................................35
2.1. Đặc điểm và vai trò của chất liệu đá trong mỹ thuật thời Nguyễn ....................35
2.2. Nghệ thuật chạm khắc đá thời Nguyễn ..............................................................41
2.3. Chạm khắc đá tại lăng của các bà hoàng thời Nguyễn ......................................48
2.4. Một số hình tượng tiêu biểu trong trang trí chạm khắc đá tại lăng các bà hoàng
thời Nguyễn ...............................................................................................................72
Tiểu kết......................................................................................................................93
Chương 3 GIÁ TRỊ CỦA NGHỆ THUẬT CHẠM KHẮC ĐÁ TẠI LĂNG CÁC BÀ
HOÀNG THỜI NGUYỄN .........................................................................................95
3.1. Giá trị thẩm mỹ truyền thống và tâm linh trong nghệ thuật chạm khắc đá tại
lăng các bà hoàng thời Nguyễn .................................................................................95
3.2. Yếu tố tam giáo trong nghệ thuật chạm khắc đá tại lăng của các bà hoàng thời
Nguyễn ....................................................................................................................107



iv
3.3. Một số đặc trưng ngôn ngữ chủ đạo thể hiện trong chạm khắc đá tại lăng của
các bà hoàng thời Nguyễn .......................................................................................112
Tiểu kết....................................................................................................................139
KẾT LUẬN .............................................................................................................141
DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI
CỦA TÁC GIẢ ĐÃ CÔNG BỐ .............................................................................145
TÀI LIỆU THAM KHẢO .......................................................................................146
PHỤ LỤC ................................................................................................................... 157


1
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Lịch sử phát triển của nghệ thuật dân tộc Việt Nam cho thấy, chất liệu đá đã
chiếm giữ một vị trí nổi bật và xuyên suốt từ thời nguyên thủy đến các triều đại
phong kiến sau này. Các chúa Nguyễn (1558 - 1777) và sau là các vua Nguyễn (1802
- 1945) đã quyết định xây dựng kinh đô tại Phú Xuân, trước yêu cầu này đòi hỏi triều
đình cần phải trưng tập các phường thợ, thợ cả, tài lực của cả nước, điều đó góp phần
tạo ra cơ hội cho nhiều ngành nghề truyền thống, trong đó nghề chế tác, chạm khắc
đá là một trong những nghề hội đủ được các điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh
mẽ và đạt đến đỉnh cao ngay từ đầu thế kỷ XIX. Từ những di sản phong phú, đa dạng
còn lại của mỹ thuật cung đình thời Nguyễn và qua các tư liệu lịch sử, có thể thấy
nghệ thuật chạm khắc đá có mặt hầu hết ở các cụm không gian kiến trúc tại quần thể
di tích thời Nguyễn. Từ các cung điện, miếu thờ như điện Thái Hòa, điện Long An,
điện Kiến Trung, cung Diên Thọ, cung Trường Sanh, Thái Bình Lâu, điện Gia
Thành, điện Hòn Chén (điện Huệ Nam), điện Voi Ré, Triệu Miếu, Hưng Miếu, Thái
Miếu, Thế Miếu cho đến các lăng của các vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự
Đức, Đồng Khánh, Dục Đức, Khải Định, lăng các hoàng thân quốc thích như lăng

Kiên Thái Vương, cùng nhiều bia đá trang trí có giá trị nghệ thuật đặc sắc như các
bia ở Võ Miếu, Văn Miếu, bia Ngự Hà, đài nước điện Kiến Trung, bia Tam
Vương... Nhiều công trình kiến trúc với trang trí chạm khắc đá đặc sắc của triều
Nguyễn đã trở thành những giá trị sáng tạo quý giá của di sản văn hóa Huế. Dẫu
vậy, vẫn còn nhiều di tích chạm khắc đá thời Nguyễn trong đó có lăng của các bà
hoàng như lăng Hoàng Cô, lăng Thoại Thánh, lăng Thuận Thiên Cao hoàng hậu,
lăng Hiếu Đông, lăng Từ Dũ, lăng Lệ Thiên Anh, lăng Tiên Cung, lăng Thánh
Cung, lăng Từ Cung... với những giá trị nghệ thuật chạm khắc đá đạt giá trị cao
nhưng chưa được nghiên cứu đầy đủ và phát huy giá trị.
Hiện nay công cuộc bảo tồn phục hồi di sản văn hóa Huế nói chung và mỹ
thuật thời Nguyễn nói riêng đang được Đảng, Nhà nước quan tâm đặc biệt với
những yêu cầu về việc phát huy các giá trị văn hóa trong đời sống đương đại. Từ


2
nhu cầu cấp thiết trong bảo tồn, trùng tu, phục chế nhiều loại hình, chất liệu nói
chung và chất liệu nghệ thuật trang trí trên đá nói riêng đã làm tiền đề cho việc
nghiên cứu nghệ thuật hoa văn chạm khắc đá cũng như các biểu tượng của đề tài
trang trí, kỹ thuật tạo tác đá trở thành một trong những nội dung, đối tượng cần thiết
trong nghiên cứu mỹ thuật thời Nguyễn.
Trước yêu cầu nghiên cứu mỹ thuật thời Nguyễn nói chung, nghệ thuật trang
trí hoa văn trên đá nói riêng với những vấn đề cụ thể từ thực tiễn đặt ra về tính cấp
thiết của công cuộc bảo tồn di sản văn hóa Huế, nghiên cứu sinh (NCS) thực hiện
đề tài Nghệ thuật chạm khắc đá tại lăng các bà hoàng thời Nguyễn ở Huế để làm
luận án tiến sĩ Nghệ thuật học.
2. Mục đích nghiên cứu
- Nghiên cứu các giá trị tiêu biểu trong nghệ thuật chạm khắc đá, các tác
phẩm chạm khắc đá đặc sắc, độc đáo, các đặc điểm tạo hình và ý nghĩa biểu hiện
của nghệ thuật chạm khắc đá tại lăng các bà hoàng thời Nguyễn tại Huế.
- Khẳng định nghệ thuật chạm khắc đá qua lăng của các bà hoàng thời

Nguyễn tiêu biểu là những giá trị tạo hình đặc sắc của mỹ thuật dân tộc thế kỷ XIX
- nửa đầu thế kỷ XX, là sự tiếp nối truyền thống nghệ thuật trang trí chạm khắc đá
của dân tộc trong tiến trình lịch sử.
- Góp thêm những luận điểm khoa học nghệ thuật tạo hình trong nghiên cứu
bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa Huế nói riêng và nghiên cứu phát huy giá
trị của mỹ thuật dân tộc nói chung.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Nghiên cứu về tạo hình hoa văn, đề tài, mô típ, kiểu thức, kỹ thuật, phong cách
trang trí chạm khắc ở huyền cung, bình phong, lan can, các bậc thềm, hương án ...
3.2. Phạm vi nghiên cứu
Không gian trang trí chạm khắc đá ở lăng của một số bà hoàng, nơi còn lưu
giữ được những tác phẩm nghệ thuật trang trí chạm khắc đá đặc sắc, có giá trị nghệ


3
thuật. Thời gian nghiên cứu từ nửa đầu thế kỷ XIX và mở rộng phát triển đến nửa
đầu thế kỷ XX tại Huế.
4. Giả thuyết khoa học
+ Bên cạnh những đánh giá, phân tích ý nghĩa của các hoa văn trang trí, còn
có những ý kiến đánh giá và những luận điểm tồn nghi trong quá trình lịch sử như
sự xuất hiện của phong cách mỹ thuật thời Thiệu Trị: hoa văn kết hợp với biểu
tượng chim phụng và một số nội dung khác cần phân tích, khẳng định và minh
chứng qua nghiên cứu thực tế, khảo sát, điền dã tại các di tích.
+ Một số thuộc tính mỹ thuật học, ý nghĩa tạo hình, đặc trưng ngôn ngữ
chạm khắc, đặc điểm tạo hình đã được nhìn nhận khách quan, từ thực tế điền dã,
khảo sát đã bổ sung những nhận định khoa học có tính mới, đặc biệt là sự xuất hiện
hình tượng rồng 5 móng vốn dĩ thông lệ dành cho vua tại lăng các bà hoàng.
+ Sự đan xen và nổi bật của hoa văn nghệ thuật Phật giáo với mật độ cao
trong trang trí chạm khắc đá tại lăng của các bà hoàng thời Nguyễn đã phản ánh

những vấn đề lịch sử, văn hóa, thẩm mỹ khác lạ.
+ Trong mỹ thuật thời Nguyễn, tính tam giáo ẩn chứa sâu sắc, pha trộn ở các
mức độ khác nhau và hiển thị dày đặc tại những công trình kiến trúc lăng các bà
hoàng thời Nguyễn.
5. Phương pháp nghiên cứu
Phương pháp phân tích tổng hợp, kết hợp các thao tác khảo sát, điền dã là
phương pháp nghiên cứu chủ đạo, phân tích về mặt lịch sử, thời đại, phong cách, đặc
thù chất liệu, tính biểu cảm nghệ thuật, ngôn ngữ tạo hình của nghệ thuật trang trí
chạm khắc đá. Ngoài ra đề tài còn sử dụng những phương pháp nghiên cứu khác và
phương pháp nghiên cứu liên ngành ở những mức độ khác nhau, trong đó phương
pháp sử học nghệ thuật và văn hóa học được vận dụng nhiều hơn để đáp ứng, hỗ trợ
cho nghiên cứu chuyên ngành nghệ thuật, đồng thời phối hợp với mỹ thuật học để
tiếp cận, phân tích các hiện tượng phát triển trang trí tạo hình trên chất liệu đá với tư
cách là đối tượng nghiên cứu chính.


4
Sử dụng quy trình nghiên cứu và một số thao tác, cách thức khảo sát nghiên
cứu thực địa, phương pháp điền dã dân tộc học, mỹ thuật học, tiếp cận các công
trình kiến trúc tiêu biểu của các bà hoàng thời Nguyễn có hệ thống chạm đá mật độ
cao, từ đó có cơ sở đánh giá toàn diện hơn, đầy đủ hơn các giá trị nghệ thuật và rút
ra ý nghĩa biểu hiện, chắt lọc tính tạo hình trong chất liệu đặc trưng này.
Kế thừa các công trình nghiên cứu và các bài viết về nghệ thuật Huế của một
số nhà nghiên cứu đã đề cập đến nghệ thuật chạm đá thời Nguyễn. Với những quan
niệm về văn hóa - mỹ thuật, về các thuộc tính tâm linh, đời sống, đồng thời cũng có
những cách nhìn và sự đánh giá khác nhau.
6. Những đóng góp mới của luận án
Luận án Nghệ thuật chạm khắc đá tại lăng các bà hoàng thời Nguyễn ở Huế
là công trình nghiên cứu chuyên biệt, có tính hệ thống về nghệ thuật trang trí hoa
văn trên đá, ngôn ngữ tạo hình của chạm khắc trang trí trên đá trong mỹ thuật thời

Nguyễn qua những công trình lăng tẩm của các bà hoàng tiêu biểu, có giá trị nghệ
thuật cao. Công trình đề cập đến những đặc trưng của chất liệu đá, kỹ thuật chất
liệu, đề tài, kiểu thức trang trí và hiệu quả, giá trị thẩm mỹ - nghệ thuật. Tính thẩm
mỹ trong tương quan chất liệu đá với các chất liệu tạo hình khác đã góp phần làm
sáng tỏ các nhận định trong nội dung nghiên cứu nghệ thuật chạm khắc đá tại lăng
của các bà hoàng thời Nguyễn.
Từ các kết quả nghiên cứu của luận án, trình bày và lý giải một số luận điểm
về nghệ thuật trang trí hoa văn trên đá trong mỹ thuật thời Nguyễn nói chung và tại
lăng của các bà hoàng nói riêng. Thông qua giá trị của nghệ thuật chạm khắc hoa
văn trên đá, hướng đến khẳng định những phẩm chất, giá trị nghệ thuật tinh tế, có
sức hút thẩm mỹ - thị giác tâm linh sâu sắc của nghệ thuật chạm khắc trang trí đá
thời Nguyễn. Nội dung, hàm lượng giá trị của di sản văn hóa Huế càng đậm nét là có
sự góp phần đáng kể của nghệ thuật chạm khắc trang trí thời Nguyễn nói chung và
trang trí chạm khắc đá tại lăng của các bà hoàng.
Đồng thời đề tài cũng nêu lên những cơ sở học thuật phục vụ cho việc nghiên
cứu giá trị nghệ thuật, tâm linh và tham gia trong công cuộc phục chế, trùng tu các


5
di tích, các tác phẩm nghệ thuật có chạm khắc trang trí hoa văn trên đá đang là nhu
cầu cần thiết và khá rộng lớn, đa dạng hiện nay trong việc nghiên cứu bảo tồn, phát
huy giá trị di sản mỹ thuật thời Nguyễn, trong đó có một số lăng của các bà hoàng
đang ở dạng phế tích cần được nghiên cứu, phục hồi khẩn cấp như lăng Từ Dũ, lăng
Thoại Thánh...
7. Kết cấu của luận án
Ngoài phần mở đầu (05 trang), kết luận (04 trang), tài liệu tham khảo (11
trang) và phần phụ lục (50 trang), nội dung luận án chia làm 3 chương:
Chương 1. Cơ sở lý luận và tổng quan về nghệ thuật chạm khắc đá (29 trang)
Chương 2. Đặc điểm chất liệu và các hình tượng tiêu biểu trong nghệ thuật
chạm khắc đá tại lăng các bà hoàng thời Nguyễn (60 trang)

Chương 3. Giá trị của nghệ thuật chạm khắc đá tại lăng các bà hoàng thời
Nguyễn (46 trang)


6
Chương 1
CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU
VỀ NGHỆ THUẬT CHẠM KHẮC ĐÁ
1.1. Cơ sở lý luận
Trong quá trình nghiên cứu, luận án quan tâm tiếp cận, vận dụng một số lý
thuyết phù hợp như lý thuyết tiếp biến văn hóa, thuyết địa văn hóa - văn hóa vùng,
thuyết giải mã biểu tượng... qua các công trình nghiên cứu của một số tác giả: Trần
Quốc Vượng [140], [141]; Trần Lâm Biền [16], [19]; Ngô Đức Thịnh [109]; Trần
Ngọc Thêm [108]; Đinh Hồng Hải [54]; ... cùng một số công trình nghiên cứu về sự
giao thoa, tiếp biến văn hóa, giải mã biểu tượng của các học giả nước ngoài như
Anbrecht [8]; M.Colani [37]; Henri Gourdon [52].
1.1.1. Lý thuyết về tiếp biến văn hóa
Là thuyết được vận dụng khá nhiều trong các tài liệu, bài nghiên cứu, sách
tham khảo từ tiếng Nga những năm 60 – 70, tài liệu tiếng Anh, Pháp những năm 80
- 90, nhiều nội dung được dịch qua tiếng Việt đã được NCS vận dụng trong nghiên
cứu để lý giải những vấn đề có tính cơ bản. Những nét riêng, bản sắc, đặc trưng của
nghệ thuật chạm khắc đá thời Nguyễn có sự tiếp nối, chuyển hóa từ nghệ thuật
chạm khắc trang trí đá ở kinh Bắc và dấu ấn nhất định, nổi bật tố chất Champa trong
các họa tiết hoa văn bệ thờ chân quỳ, hoa văn sóng dây, hoa văn hoa lá lật, hoa sen
và kiểu tạo đường diềm hoa văn trên đá. Đồng thời, với những hình lá lật, hoa văn
đan xen đa chiều có phần hơi rối, hoa mỹ là từ phong cách nghệ thuật Rococo rất
quen thuộc của phương Tây muộn mà trực tiếp là ảnh hưởng bởi mỹ thuật Pháp thế
kỷ XIX - đầu thế kỷ XX. Lý thuyết tiếp biến văn hóa cũng là cơ sở để NCS tiếp
cận, giải hóa một số hình tượng trong chạm khắc đá ở lăng các bà hoàng như hình
tượng con chuồn chuồn, con chuột, con voi, ngựa, cây chuối ... vừa mang tinh thần

bản địa bình dị vừa liên kết từ sự tiếp biến văn hóa của khu vực vào mỹ thuật thời
Nguyễn. Chẳng hạn hình tượng đôi ống sáo, đôi ống bút thuộc bát bửu trên chạm
khắc huyền cung lăng Lệ Thiên Anh là một sự tiếp biến của mẫu thức mỹ thuật cổ
Trung Hoa và được Việt hóa trong quá trình tiếp nhận, pha trộn đầy chủ định ở mỹ


7
thuật thời Nguyễn. Từ chức năng là những hình tượng gắn với nam nhi quân tử
mong muốn sự học hành đỗ đạt và địa vị cao quý thì giờ đây đôi ống bút, đôi ống
sáo ở chạm khắc đá lăng Lệ Thiên Anh là sự khiêm nhường, kín đáo, sự thoáng qua
mong manh có tố chất “vô vi” của tam giáo hòa trộn, hình ảnh này trở thành sự biểu
thị phẩm hạnh, sự tôn trọng, kính phục đức độ, trí tuệ của bà hoàng.
Lý thuyết tiếp biến văn hóa giúp cho NCS tiếp cận và có được công cụ giải
mã một số hiện tượng thẩm mỹ nghệ thuật độc đáo về nghệ thuật chạm khắc đá tại
lăng của các bà hoàng thời Nguyễn. Điều này thấy rõ trong việc lý giải hiện tượng
trang trí chạm rồng 5 móng tại lăng Hiếu Đông (vợ vua Minh Mạng, mẹ vua Thiệu
Trị), lăng của một số bà hoàng khác cũng có dấu hiệu kín đáo về rồng 5 móng được
hoa văn hóa. Điều đó thật khác biệt khi trong điển lệ ghi rõ rồng 5 móng chỉ dành
cho trang trí, tạo hình các công trình kiến trúc, đồ dùng, vật dụng trực tiếp của vua,
nếu dân thường thì đó là sự khi quân với những hình phạt rất nặng, từng được cổ sử
ghi chép.
Lý thuyết tiếp biến văn hóa có sự gợi mở, định hướng, tính “động” rất linh
hoạt vì vậy phù hợp với hướng nghiên cứu của luận án về nghệ thuật chạm khắc đá
ở lăng của các bà hoàng thời Nguyễn. Chính việc nghiên cứu nghệ thuật chạm đá tại
lăng các bà hoàng trong không gian, điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam thế kỷ XIX
mới hiểu rõ hơn kết quả tất yếu của giao thoa văn hóa, tiếp thu và cải biến các giá trị
văn hóa mẫu mực, kinh điển trong mỹ thuật thời Nguyễn. Những yếu tố, phong
cách, thuộc tính thẩm mỹ Trung Hoa, Champa, Đại Việt thời Lý – Trần – Hậu Lê và
đến cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX tiếp biến từ văn hóa Pháp đã chỉ ra sự xuất
hiện tồn tại khách quan, mạnh mẽ, đa dạng và tất yếu của nhiều họa tiết, đề tài, kiểu

thức trang trí thời Nguyễn.
1.1.2. Thuyết vùng văn hóa - địa văn hóa
Luận án vận dụng một phần lý thuyết vùng văn hóa – địa văn hóa trong quá
trình nghiên cứu. Lý thuyết vùng văn hóa được trình bày khá cụ thể và hiện lên diện
mạo rõ nét, sâu sắc trong nghiên cứu của các tác giả Trần Quốc Vượng [140], Ngô
Đức Thịnh [109], Đoàn Thêm [107], Nguyễn Chí Bền [15] ... về sự phân bố địa lý


8
với những đặc điểm lịch sử cụ thể và các hiện tượng văn hóa, mỹ thuật cần xác
định. Ngoài ra lý thuyết địa văn hóa còn được vận dụng trong nghiên cứu đặc điểm
chất liệu đá từ các vùng miền và tính phù hợp, ưu việt trong những thành phần tạo
hình ở lăng các bà hoàng như đá sa thạch ở Đàng Trong phù hợp với cấu trúc hương
án, lan can, rồng bậc thềm, đá thanh ở Thanh Hóa nổi bật và thích ứng trong các
mảng trang trí, tạo hình ở huyền cung, cổng bửu thành, rồng thành bậc ...
Tại lăng Thoại Thánh (lăng mẹ vua Gia Long), mặc dù trang trí trên đá
không nhiều, nhưng với những trang trí hoa văn kỷ hà cô đọng ở hương án, cách
chạm tạo dáng bàn thờ đá chân quỳ với nét hoa văn lật góc tinh nhã đã đem lại một
hiệu ứng thị giác mạnh mẽ. Hơn nữa, trong không gian cô tịch của một ngôi lăng
giờ là phế tích, cảm giác về sự lắng đọng, ẩn dụ, trường tồn bởi đặc tính từ chất liệu
đá toát ra, bởi sự bền chắc của đá lại càng sâu sắc và đầy thuyết phục. Có thể sau
này việc phục hồi, tu bổ lăng sẽ được thực hiện nhưng dù là thời điểm nào, thì ở các
di vật, tác phẩm trang trí chạm khắc đá cũng luôn thể hiện rõ phong cách trang trí
tạo hình của các phường thợ, nhóm thợ, làng nghề chạm cụ thể. Trên mỗi tấm đá,
mặt phẳng trang trí chạm khắc được thể hiện rất rõ các cấu trúc trang trí, tạo hình,
bố cục và tính biểu cảm thẩm mỹ, qua đó bộc lộ cách thức chạm khắc đá ở các lăng
bà hoàng với những sự biểu hiện khác nhau, có khi rất xa nhau về thời gian nhưng
lại rất gần và đồng điệu về bút pháp. Có thể thấy ở lăng Lệ Thiên Anh được xây
dựng vào đầu thế kỷ XX so với lăng Thánh Cung được xây vào nữa đầu thế kỷ XX,
nhưng ở hai lăng này lại có những nét chạm, phong cách, bút pháp chạm đá, các hoa

văn rất gần nhau, đặc biệt là hình chạm chim phụng ở hương án có sự tương đồng
về bút pháp. Trong khi so sánh 2 lăng cùng làm vào thời Thiệu Trị là lăng Hiếu
Đông và lăng Thuận Thiên Cao hoàng hậu, thì ngoài những mặt tương đồng của
phong cách chạm khắc đá thời Thiệu Trị ở đây còn xuất hiện những biểu hiện cá
biệt rất “xa” nhau ở sự diễn tả họa tiết hoa lá, mây sóng, tia sóng, độ cong của nhịp
chuyển động sóng nước. Hoa lá chạm đá ở lăng Thuận Thiên mảnh mai, hẹp hơn về
tiết diện và mật độ bố cục, trang trí sóng, hoa lá ở bình phong lăng Hiếu Đông lại
đậm đặc và nhiều góc nhọn, nhiều cung bậc, các nét lật chuyển động sinh động,


Luận án đầy đủ ở file: Luận án Full












×