Tải bản đầy đủ (.docx) (20 trang)

tiểu luận tình huống giải quyết các tồn tại trong thực hiện quy định tronh quản lý chất thải y tế

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (134.83 KB, 20 trang )

TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH …………..

TÌNH HUỐNG QUẢN LÝ
Tên tình huống: Giải quyết các tồn tại trong việc thực hiện các quy định của pháp
luật về quản lý chất thải y tế tại Trung tâm Y tế huyện A, tỉnh …….. năm 2018

Họ và tên: Nguyễn thị A
Chức vụ:
Đơn vị công tác: Trung tâm Y tế huyện A
Lớp: Quản lý nhà nước ngạch chuyên viên A

…….., tháng 10 năm 2018

1


BẢNG CHỮ CÁI VIẾT TẮT

TTYT: Trung tâm Y tế
BVMT: Bảo vệ môi trường
CTNH: Chất thải nguy hại
TN&MT: Tài nguyên và môi trường
UBND: Ủy ban nhân dân


MỤC LỤC
Stt
I
II
III
IV


V

Nội dung
Lời nói đầu
Nội dung tình huống
Phân tích tình huống
Xử lý tình huống
Kiến nghị
Kết luận
Tài liệu tham khảo

Trang
1
4
5
10
13
15
17


LỜI NÓI ĐẦU
Môi trường có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển
của loài người. Tuy nhiên môi trường cùng với sự phát triển kinh tế của mỗi
quốc gia lại luôn có mối quan hệ ngược chiều. Vì vậy, vấn đề đặt ra là làm sao
để vừa phát triển kinh tế vừa bảo vệ được môi trường một cách bền vững. Để
giải quyết vấn đề trên người ta đã đưa ra các điều luật, các quy định về bảo vệ
môi trường buộc các tổ chức, các cơ sở sản xuất phải tuân theo
Ở nước ta, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội thì ngành y tế cũng được
phát triển hơn trong những năm gần đây. Các bệnh viện và phòng khám tăng cả

về số lượng và chất lượng để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân.
Cùng với sự phát triển đó là vấn đề chất thải y tế của bệnh viện ngày một tăng
nhanh cả về số lượng cũng như sự phức tạp về thành phần. Tính đến năm 2015,
cả nước có 13.640 cơ sở y tế các loại bao gồm: 1.263 cơ sở khám chữa bệnh
thuộc các tuyến Trung ương, tỉnh, huyện, bệnh viện ngành và bệnh viện tư
nhân; 1.016 cơ sở thuộc hệ dự phòng tuyến Trung ương, tỉnh và huyện (các viện
nghiên cứu, các trung tâm y tế dự phòng tuyến tỉnh, trung tâm phòng chống các
bệnh xã hội, trung tâm phòng, chống sốt rét, trung tâm phòng, chống HIV/AIDS,
trung tâm sức khỏe lao động và môi trường, trung tâm kiểm nghiệm dược - mỹ
phẩm, trung tâm y tế huyện…); 77 cơ sở đào tạo y dược tuyến Trung ương, tỉnh
và 180 cơ sở sản xuất thuốc và 11.104 trạm y tế xã. Theo thống kê báo cáo, tổng
lượng chất thải rắn phát sinh từ các cơ sở y tế vào khoảng 350 tấn/ngày, trong đó
có 40,5 tấn/ngày là chất thải rắn y tế nguy hại phải được xử lý bằng những biện
pháp phù hợp. Tỷ lệ gia tăng chất thải rắn y tế phụ thuộc vào số giường bệnh,
tình hình thực hiện các kỹ thuật y tế và sự tiếp cận của người dân với các dịch vụ
y tế (khoảng 7,6%/năm). Năm 2015 số lượng chất thải y tế là 600 tấn/ngày và
năm 2020 là khoảng trên 800 tấn/ngày
Trung tâm Y tế (TTYT) huyện A là TTYT 2 chức năng được thành lập dựa
trên sự sát nhập của TTYT huyện A (làm công tác dự phòng) và Bệnh viện Đa
khoa huyện A có chức năng cung cấp dịch vụ chuyên môn, kỹ thuật về y tế dự
phòng; khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng và các dịch vụ y tế khác theo
quy định của pháp luật. Với lưu lượng bệnh nhân khám ngoại trú trung bình từ


250 đến 300 bệnh nhân/ ngày, điều trị nội trú trên 100 bệnh nhân/ngày thì lượng
rác thải y tế phát sinh trong một ngày ở mức trung bình so với các TTYT các
huyện trên địa bàn tỉnh A. Theo báo cáo hàng năm TTYT huyện A phát sinh ra
54.324kg chất thải y tế, trong đó có 2883.5kg chất thải y tế nguy hại lây nhiễm.
Với lượng chất thải lớn như trên, nếu không được xử lý đúng quy trình sẽ gây ra
những tác động rất lớn đến môi trường và sức khỏe con người.

Đây thực sự trở thành một vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của dư
luận, khi mà nhiều bệnh viện đã trở thành nguồn gây ô nhiễm cho các khu dân cư
xung quanh. Nhằm khắc phục tình trạng trên, nhà nước ta đã đưa ra các quy định
về bảo vệ môi trường áp dụng cho các bệnh viện, phòng khám như: Luật BVMT
năm 2014, Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 về quản lý chất thải và
phế liệu, trong đó chất thải y tế được quy định là chất thải đặc thù với những quy
định riêng, phù hợp với điều kiện thực tế. Tiếp đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường
(TN&MT) đã ban hành Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 về
quản lý chất thải nguy hại (CTNH), đồng thời Bộ TN&MT cũng phối hợp với Bộ
Y tế ban hành Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT ngày
31/12/2015 quy định về quản lý chất thải y tế, trong đó quy định cụ thể việc phân
loại, thu gom, phương tiện vận chuyển chất thải y tế nguy hại và các vấn đề pháp
lý cho cơ sở y tế thực hiện việc xử lý, tự xử lý chất thải y tế nguy hại, sử dụng
chứng từ CTNH (hoặc Sổ giao nhận), quản lý hồ sơ môi trường của cơ sở y tế....
Tuy nhiên việc thực hiện các quy định này vẫn còn nhiều bất cập. Nhiều cơ sở y
tế chưa thực sự quan tâm đến việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản
lý chất thải y tế, chưa hiểu được hết tầm quan trọng của việc quản lý chất thải y
tế đối với môi trường và sức khỏe con người.
Qua thời gian học tập tại trường Chính trị tỉnh A, bản thân em được bồi
dưỡng những kiến thức quản lý nhà nước chương trình chuyên viên, được các
thầy, cô của Nhà trường truyền đạt, giảng dạy những kiến thức và kỹ năng về
quản lý hành chính nhà nước gồm những nội dung:
+ Kiến thức chung (gồm 11 chuyên đề);
+ Các kỹ năng cơ bản ( gồm 7 chuyên đề).
Đây là những nội dung hết sức bổ ích và cần thiết cho người cán bộ, công
chức, viên chức trong việc thực thi nhiệm vụ tại đơn vị đang công tác. Chuyên đề


đã giúp em nhận thức được nhiều vấn đề về lý luận và thực tiễn mới trong công
tác quản lý nhà nước. Đồng thời cũng nhận thức được rằng muốn đạt được hiệu

quả cao trong công tác quản lý, cần phải nhạy bén, nắm chắc được các văn bản
quy phạm pháp luật và các văn bản dưới Luật, vận dụng sáng tạo, kết hợp linh
hoạt với thực tiễn cuộc sống để giải quyết các vấn đề liên quan đến nhiệm vụ
được giao.
Từ những kiến thức đã học và thực tế công tác tại đơn vị, em nhận thấy
vấn đề thực hiện các quy định của pháp luật trong việc quản lý chất thải y tế là
một vấn đề rất cấp thiết cần giải quyết hiện nay nhằm mục đích bảo vệ môi
trường, bảo vệ sức khỏe của con người Lĩnh vực quản lý chất thải Y tế là lĩnh
vực rất rộng bao gồm: thu gom, xử lý chất thải y tế nguy hại (chất thải lây nhiễm,
chất thải nguy hại không lây nhiễm), chất thải y tế thông thường và nước thải y
tế. Tuy nhiên, trong thời gian hạn hẹp em xin được trình bày một phần rất nhỏ
trong lĩnh vực trên đó là việc xử lý chất thải rắn y tế. Vì thế, em chọn xử lý tình
huống quản lý “Giải quyết các tồn tại trong việc thực hiện các quy định của
pháp luật về quản lý chất thải y tế tại Trung tâm Y tế huyện A, tỉnh A năm
2018” với mong muốn dùng những kiến thức đã được học để giải quyết các tồn
tại, khó khăn tại chính đơn vị mình đang công tác, nâng cao hiệu quả của việc
quản lý chất thải y tế, từ đó nâng cao chất lượng khám, điều trị bệnh, hoàn thành
tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Do thời gian học tập ngắn, kiến thức quản lý nhà nước còn nhiều hạn chế.
Vì vậy, trong quá trình lựa chọn tình huống cũng như các phương pháp giải
quyết tình huống không thể tránh khỏi thiếu sót. Rất mong được sự quan tâm,
giúp đỡ của các thày, cô giáo để bài viết được hoàn thiện hơn, cũng như giúp đưa
ra phương án giải quyết các khó khăn của đơn vị.
Em xin chân thành cám ơn!


I. NỘI DUNG TÌNH HUỐNG
1. Hoàn cảnh ra đời
Ngày nay có nhiều cách thức xử lý rác thải rắn trong bệnh viện. Việc lựa
chọn đúng cách thức xử lý rác đem lại nhiều lợi ích cho bệnh viện, giúp xử lý

hiệu quả rác thải theo cách tiết kiệm nhất. Các giải pháp xử lý rác thải rắn y tế
Công nghệ xử lý rác thải y tế có thể được khái quát thành năm nhóm chính sau:
(1) Công nghệ lò đốt; (2) Xử lý bằng nồi hấp; (3) Tiệt trùng bằng hóa chất; (4)
Công nghệ lò vi sóng; và (5) Công nghệ sinh học. Mục đích của việc xử lý rác
thải y tế là loại bỏ những đặc tính nguy hiểm như lây nhiễm, truyền bệnh để biến
chúng thành rác thải thông thường và có thể xử lý giống như các loại rác phổ
thông khác như chôn xuống đất hoặc cho thoát vào hệ thống nước thải.
Năm 2007 TTYT huyện A được đầu tư lò đốt rác thải rắn y tế MediBurn
với công suất 8 inch khối (225L) cho mỗi lần đốt, tương đương khoảng 150 Kg
rác thải y tế trong thời gian vận hành 12 giờ (Hướng dẫn vận hành Mediburn).
Lò đốt rác thải hoạt động định kỳ đốt 2 ngày/ lần đốt. Lò đốt được bảo dưỡng,
bảo trì hàng năm định kỳ 2 lần/năm hoặc những lần sửa chữa nhỏ. Lò đốt rác thải
y tế Mediburn đã đáp ứng được yêu cầu xử lý rác thải y tế tại Trung tâm Y tế
huyện A và 02 Phòng khám Đa khoa khu vực.
2. Mô tả tình huống
Ngày 12/3/2018 cán bộ vận hành lò đốt rác thải y tế Mediburn báo lò đốt
bị hỏng mô- tơ, không vận hành được. Ban Giám đốc Trung tâm Y tế huyện A đã
có phương án sửa chữa. Tuy nhiên, sau 1 tuần sửa chữa lò đốt vẫn chưa vận hành
được do tại địa phương không có mô –tơ phù hợp với cấu hình máy.
Lượng chất thải y tế chưa được xử lý đã vượt thời gian cho phép lưu trữ
trong điều kiện thường, số lượng chất thải nhiều gây nguy hại cho sức khỏe và
môi trường sống.
Đối với sức khỏe: Việc tiếp xúc với các chất thải y tế có thể gây nên bệnh
tật hoặc tổn thương cho cơ thể do các vật sắc nhọn (như kim tiêm). Các vật sắc
nhọn này không chỉ gây nên những vết cắt, đâm mà còn gây nhiễm trùng các vết
thương nếu vật sắc nhọn đó bị nhiễm tác nhân gây bệnh. Như vậy những vật sắc
nhọn ở đây được coi là loại chất thải rất nguy hiểm bởi nó gây tổn thưởng kép


(vừa gây tổn thường, vừa gây bệnh truyền nhiễm như viêm gan B, HIV...). Hơn

nữa, trong chất thải y tế lại chứa đựng các tác nhân gây bệnh truyền nhiễm như
tụ cầu, HIV, viêm gan B v.v... Các tác nhân này có thể thâm nhập vào cơ thể qua
các vết trầy xước, vết đâm xuyên, qua niêm mạc, qua đường hô hấp (do hít phải),
qua đường tiêu hóa (do nuốt hoặc ăn phải). Đặc biệt nguy hiểm khi lượng chất
thải nguy hại này bị dò rỉ và ngấm xuống đất gây ô nhiễm nguồn nước ngầm, là
một trong những tác nhân lây nhiễm các vi khuẩn gây bệnh có thể dẫn đến dịch
bệnh cho người và động vật qua nguồn nước khi sử dụng nguồn nước này vào
mục đích tưới tiêu, ăn uống...Gây ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng và nhất là
của những người trực tiếp tiếp xúc với chất thải.
Đối với môi trường: Khi chất thải y tế không được xử lý đúng cách (chôn
lấp, thiêu đốt không đúng qui định, tiêu chuẩn) thì sẽ dẫn đến ô nhiễm môi
trường đất, nước và không khí và sự ô nhiễm này sẽ ảnh hưởng trực tiếp hoặc
gián tiếp đến sức khỏe con người, hệ sinh thái.
Như vậy, để tránh được sự nguy hại của chất thải y tế đối với sức khỏe và
môi trường, và bảo vệ những người thường xuyên tiếp xúc với chất thải y tế thì
cần phải quan tâm đầu tư hơn nữa cho công tác xử lý chất thải y tế.
Nhận thấy đây là việc liên quan đến sức khỏe, bảo vệ môi trường và vi
phạm việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý chất thải y tế nguy
hại. Cần phải có phương án xử lý nhanh và hiệu quả, tránh gây hậu quả lâu dài.
II. PHÂN TÍCH TÌNH HUỐNG
1. Mục tiêu phân tích tình huống.
Qua phân tích tình huống ta nhận thấy được nguyên nhân chủ yếu gây ra sự
việc chưa thực hiện đúng các quy định của pháp luật về quản lý chất thải y tế tại
TTYT huyện A là do lò đốt rác thải y tế Mediburn đã xuống cấp nghiêm trọng và
công nghệ lạc hậu không đảm bảo được yêu cầu kỹ thuật trong quá trình xử lý rác
thải y tế nguy hại. Lãnh đạo TTYT huyện A chưa có sự quan tâm đúng mực đến
vấn đề quản lý chất thải nguy hại. Trình độ của nhân viên vận hành còn hạn chế,
chưa có biện pháp bảo quản, vận hành lò đốt, nên thường xuyên sảy ra tình trạng
hỏng hóc. Nhận thức, trách nhiệm và thực hành phân loại rác theo quy định của
nhân viên y tế còn thấp dẫn đến tình trạng rác thải y tế lây nhiễm chưa được phân



loại đúng dẫn làm tăng khối lượng chất thải nguy hại không cần thiết làm quá tải
trong quá trình xử lý của lò đốt Mediburn.
Qua tình huống trên ta nhận thấy được tác hại của chất thải y tế nguy hại
khi không được xử lý đúng quy định. Vai trò cấp thiết của việc thực hiện đúng các
quy định của pháp luật về quản lý chất thải y tế nhằm bảo vệ môi trường và sức
khỏe con người. Từ đó, đưa ra các mục tiêu, biện pháp khắc phục những tồn tại
trong công tác thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý chất thải y tế:
Mục tiêu 1 là nâng cao nhận thức về trách nhiệm chỉ đạo của lãnh đạo
TTYT huyện A, bảo đảm nguồn lực cho việc thực hiện quản lý chất thải y tế, thực
hiện đúng các quy định của pháp luật về quản lý chất thải y tế. Để thực hiện được
mục tiêu này, Ban Giám đốc TTYT huyện Acần phải chỉ đạo và phê duyệt Đề án
bảo vện môi trường, kế hoạch xây dựng, bảo đảm nguồn lực cho việc thực hiện
quản lý chất thải y tế và xây dựng cơ sở y tế xanh - sạch - đẹp; đồng thời phối hợp
với các ban ngành liên quan, chính quyền địa phương tạo thành hệ thống trong
việc thực hiện việc kiểm tra, giám sát công tác quản lý chất thải y tế của các cơ sở
y tế.
Mục tiêu 2 là nâng cao nhận thức về trách nhiệm quản lý chất thải y tế và
cải thiện thực hành phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế của nhân
viên y tế, nhân viên vận hành hệ thống xử lý chất thải y tế tại TTYT huyện A theo
đúng quy định của pháp luật.
Mục tiêu 3 là nâng cao nhận thức và tăng cường thực hành giữ gìn vệ sinh
môi trường của bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và các đối tượng đến sử dụng
dịch vụ tại TTYT huyện A. Để thực hiện được mục tiêu này, tất cả bệnh nhân,
người nhà bệnh nhân và các đối tượng đến sử dụng dịch vụ ở cơ sở y tế được
cung cấp thông tin và thực hiện thải bỏ chất thải đúng nơi quy định, thực hiện nội
quy và giữ gìn vệ sinh môi trường tại cơ sở y tế;
2. Cở sở lý luận: hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về bảo
vệ môi trường và quản lý chất thải y tế nguy hại.

- Luật Bảo vệ môi trường năm 2014;


- Nghị định Số: 18/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ Quy định
về Quy hoạch Bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh
giá tác động môi trường và kê hoạch bảo vệ môi trường;
- Nghị định số 155/ 2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 quy định về xử phạt
hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường;
- Thông tư số 27/2015/TT-BTNMT ngày 29/5/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài
nguyên và Môi trường quy định về đánh giá môi trường chiến lược, đánh
giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường;
- Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài
nguyên và Môi trường quy định về quản lý chất thải nguy hại;
- Thông tư số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT ngày 31/12/2015 của Bộ Y tế
và Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về quản lý chất thải y tế;
- Thông tư số 16/2018/TT-BYT quy định về kiểm soát nhiễm khuẩn trong
các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
- Kế hoạch số 69/KH-UBND ngày 21/8/2015 của UBND tỉnh A về việc
Quản lý chất thải Y tế tỉnh A năm 2015 và định hướng đến năm 2020;
- Quy trình thực hiện công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tại Trung tâm Y tế
huyện A;
- Quy trình vận hành lò đốt rác thải y tế Mediburn tại Trung tâm Y tế huyện
A;
- Kế hoạch Bảo vệ môi trường của TTYT huyện A năm 2018.
- Kế hoạch thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại trên địa bản
tỉnh năm 2018 của Sở Y tế A.
3. Phân tích diễn biến tình huống
Sự việc diễn ra tại TTYT huyện A vào ngày 12/3/2018 khi lò đốt rác thải y
tế MediBurn gặp phải sự cố do hỏng mô –tơ làm cho quá trình xử lý rác thải y tế
lây nhiễm tại TTYT huyện A bị đình trệ. Căn cứ theo Điểm a, Khoản 6, Điều 8

Thông tư số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT ngày 31/12/2015 của Bộ Y tế và Bộ
Tài nguyên và Môi trường quy định về quản lý chất thải y tế “Đối với chất thải
lây nhiễm phát sinh tại cơ sở y tế, thời gian lưu giữ chất thải lây nhiễm tại cơ sở


y tế không quá 02 ngày trong điều kiện bình thường. Trường hợp lưu giữ chất
thải lây nhiễm trong thiết bị bảo quản lạnh dưới 8°C, thời gian lưu giữ tối đa là
07 ngày. Đối với cơ sở y tế có lượng chất thải lây nhiễm phát sinh dưới 05
kg/ngày, thời gian lưu giữ không quá 03 ngày trong điều kiện bình thường và
phải được lưu giữ trong các bao bì được buộc kín hoặc thiết bị
lưu chứa được đậy nắp kín” thì TTYT huyện A đang lưu rác chất thải lây nhiễm
quá thời gian cho phép. TTYT huyện A đã thực hiện không đúng nội dung được
triển khai trong Kế hoạch Bảo vệ môi trường được UBND huyện A phê duyệt.
Căn cứ theo Điểm a, Khoản 2, Điều 8 Nghị định số 155/ 2016/NĐ-CP ngày
18/11/2016 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường thì
TTYT huyện A sẽ bị xử lý theo mức phạt từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
TTYT huyện A không thực hiện đảm bảo việc thực hiện đúng quy trình
vận hành an toàn các phương tiện, thiết bị chuyên dụng; chưa thực hiện đúng kế
hoạch phòng ngừa và ứng phó sự cố để sảy ra tình trạng hư hỏng lò đốt rác thải y
tế MediBurn nhiều lần và lần hư hỏng kéo dài 1 tuần tính từ ngày 12/3/2018.
Căn cứ theo Điểm a, Khoản 1, Điều 23 Nghị định số 155/ 2016/NĐ-CP ngày
18/11/2016 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường thì
TTYT huyện A Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một
trong các hành vi sau đây “Không thực hiện đúng một trong các nội dung của bộ
hồ sơ đăng ký kèm theo giấy phép xử lý chất thải nguy hại sau: Quy trình vận
hành an toàn các phương tiện, thiết bị chuyên dụng; kế hoạch kiểm soát ô nhiễm
và bảo vệ môi trường; kế hoạch về an toàn lao động và bảo vệ sức khỏe; kế
hoạch phòng ngừa và ứng phó sự cố; kế hoạch đào tạo, tập huấn định kỳ hàng
năm;”
4. Nguyên nhân sảy ra tình huống.

Nguyên nhân khách quan xuất phát từ phương tiện xử lý chất thải y tế lây
nhiễm của TTYT huyện A ( lò đốt MediBurn) được vận hành từ năm 2007, đến
thời điểm hiện tại đã xuống cấp nghiêm trọng, nhiều lần sửa chữa khắc phục tuy
nhiên không mang lại hiệu quả cao. Kế hoạch xử lý chất thải y tế nguy hại theo
mô hình cụm cơ sở Y tế (Kế hoạch số 69/KH-UBND ngày 21/8/2015 của UBND
tỉnh B về việc Quản lý chất thải Y tế tỉnh B năm 2015 và định hướng đến năm


2020) chưa đi vào hoạt động gây khó khăn cho đơn vị trong việc xử lý rác thải y
tế lây nhiễm theo đúng quy định.
Nguyên nhân chủ quan do Lãnh đạo TTYT huyện A chưa có sự quan tâm
đúng mực đến vấn đề quản lý chất thải nguy hại, chưa có phương án phòng ngừa
ứng phó sự cố, giải quyết vấn đề xuống cấp của lò đốt rác thải chưa triệt để, sửa
chữa theo kinh nghiệm dẫn đến hiệu quả khắc phục sự cố không cao. Trình độ
của nhân viên vận hành còn hạn chế, chưa có biện pháp bảo quản, vận hành lò
đốt, nên thường xuyên sảy ra tình trạng hỏng hóc. Nhận thức, trách nhiệm và
thực hành phân loại rác theo quy định của nhân viên y tế còn thấp dẫn đến tình
trạng rác thải y tế lây nhiễm chưa được phân loại đúng dẫn đến tình trạng tăng
khối lượng chất thải nguy hại không cần thiết làm quá tải trong quá trình xử lý
của lò đốt MediBurn.
5. Hậu quả của tình huống
Xét về mặt sức khỏe con người và bảo vệ môi trường: việc tồn đọng rác
thải lây nhiễm tại TTYT huyện A gây ảnh hưởng rất lớn đối với sức khỏe con
người: việc tiếp xúc với các chất thải y tế có thể gây nên bệnh tật hoặc tổn
thương cho cơ thể do các vật sắc nhọn (như kim tiêm), có thể nói việc xử lý rác
thải y tế lây nhiễm không đúng quy định gây ra tác hại kép đối với sức khỏe con
người.Đối với môi trường: Khi chất thải y tế không được xử lý đúng cách (chôn
lấp, thiêu đốt không đúng qui định, tiêu chuẩn) thì sẽ dẫn đến ô nhiễm môi
trường đất, nước và không khí và sự ô nhiễm này sẽ ảnh hưởng trực tiếp hoặc
gián tiếp đến sức khỏe con người, hệ sinh thái. Điều này gây ảnh hưởng không

nhỏ đến an ninh trật tự xã hội.
Xét về mặt pháp luật, việc vận hành phương tiện không đảm bảo, không
có kế hoạch phòng ngừa và ứng phó sự cố, việc lưu giữ rác thải y tế lây nhiễm
quá thời gian quy định sẽ khiến cho TTYT huyện A nộp phạt từ 11.000.000 đồng
đến 25.000.000 đồng cho 2 vấn đề vi phạm. Nếu trình trạng không được khắc
phục, rác thải tiếp tục không được xử lý kéo dài ; không thu gom triệt để chất
thải nguy hại và để chất thải nguy hại ngoài trời gây ô nhiễm hoặc làm phát tán
ra môi trường xung quanh theo quy định tại Điều 23 Nghị định số 155/
2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực
bảo vệ môi trường thì TTYT huyện A có thể bị xử phạt mức phí tới 100.000.000


gây thiệt hại rất lớn về kinh tế cho đơn vị, đặc biệt khi TTYT huyện A đang phải
tự chủ một phần kinh phí hoạt động.
Tình huống trên có thể gây mất uy tín cho TTYT huyện A trong việc thực
hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội được giao và ảnh hưởng đến nhiệm vụ
phát triển chung của toàn huyện A. Việc sử lý chất thải y tế không triệt để gây ra
ô nhiễm môi trường, lây nhiễm chéo, nhiễm khuẩn bệnh viện từ đó làm chất
lượng công tác khám, chữa bệnh của TTYT huyện A giảm xuống gây mất lòng
tin của nhân dân vào TTYT huyện Aảnh hưởng rất lớn đến nhiệm vụ chăm sóc
sức khỏe cho nhân dân. Gây ra tình trạng mâu thuẫn, bất bình trong nhân dân khi
gây ra tình trạng ô nhiễm mồi trường vì TTYT huyện A nằm giữa khu vực đông
dân cư của huyện A.
III. XỬ LÝ TÌNH HUỐNG
1. Mục tiêu xử lý tình huống
Xây dựng các phương án và giải pháp lựa chọn để giải quyết các vấn đề
tồn tại trong việc tồn tại trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản
lý chất thải y tế nguy hại và nâng cao hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về
quản lý chất thải y tế.
Đảm bảo lợi ích về bảo vệ sức khỏe nhân dân, bảo vệ môi trường và lợi

ích kinh tế của TTYT huyện A.
2. Các phương án xử lý tình huống
Để giải quyết tình huống nêu trên vừa đảm bảo đúng các quy định của
pháp luật về quản lý chất thải y tế lây nhiễm, vừa hợp tình, hợp lý tạo điều kiện
cho TTYT huyện A thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân
dân ta cần xây dựng các phương án giải quyết vấn đề cụ thể như sau:
2.1 Phương án 1:
Ban Giám đốc TTYT huyện A sẽ rà soát lại quy trình vận hành lò đốt rác
thải y tế MediBurn, tiến hành liên hệ với các chuyên gia mua mô- tơ, các phụ
kiện chính hãng về sửa chữa và tái đưa vào sử dụng lò đốt MediBurn. Xây dựng
Kế hoạch phòng ngừa và ứng phó sự cố, có các biện pháp dự phòng trong trường
hợp lò đốt sảy ra sự cố tiếp theo.


Ưu điểm: nếu triển khai theo phương án 1
- Tận dụng được nguồn nhân lực, vật lực hiện tại của TTYT huyện A
- Thuận lợi cho việc thu gom, xử lý rác thải y tế tại chỗ, tránh được lây
nhiễm trong quá trình vận chuyển chất thải đến nơi xử lý khác.
Hạn chế:
- Công nghệ xử lý rác thải y tế của lò đốt MediBrun đã lạc hậu, không đáp
ứng được yêu cầu về chuyên môn kỹ thuật, không đáp ứng được các yêu cầu về
quan trắc môi trường vì trong quá trình xử lý rác thải bộ phun sương của lò đốt
hoạt động không ổn định vẫn thường xuyên sảy ra tình trạng nhả khói vào không
khí, gây ô nhiễm không khí, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và sức khỏe của
khu vực dân cư quanh TTYT.
- Việc liên hệ, mua sắm mô – tơ và các phụ tùng liên quan phải chờ đợi
trong thời gian vì liên quan đến thủ tục mua sắm tập trung, hồ sơ pháp lý nên
tình trạng rác thải lưu giữ quá thời gian quy định tiếp tục tái diễn gây hậu quả
nghiêm trọng cho sức khỏe và môi trường.
- Sau khi sửa chữa không đảm bảo được quá trình vận hành của lò đốt

MediBurn được thuận lợi, không sảy ra sự cố tiếp theo.
2.2 Phương án 2:
Ban Giám đốc TTYT huyện A tiến hành thuê đơn vị có giấy phép xử lý rác
thải y tế theo đúng quy định của pháp luật. TTYT chỉ thực hiện quá trình thu
gom, phân loại rác thải y tế, dừng việc xử lý rác thải y tế tại TTYT huyện A
Ưu điểm:
- Khối lượng rác thải y tế đang tồn đọng, rác thải y tế phát sinh trong quá
trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn sẽ được giải quyết cách nhanh chóng, triệt
để, đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
- Nguồn nhân lực cho việc xử lý rác thải y tế sẽ được cắt giảm, thuận tiện
cho việc bố trí, sắp xếp cán bộ trong TTYT.
Hạn chế:


- TTYT sẽ phải bỏ ra lượng chi phí nhất định cho việc thuê xử lý chất thải
nguy hại, ảnh hưởng đến nguồn kinh phí của TTYT trong giai đoạn tự chủ một
phần.
- Công nghệ xử lý rác thải hiện nay của đơn vị xử lý rác thải y tế nguy hại
là công nghệ đốt, với công nghệ này thì lượng chất thải rắn y tế nguy hại được
xử lý triệt để, loại trừ mầm bệnh. Giảm tối đa thể tích chon lấp sau khi xử lý. Tuy
nhiên, đốt ở nhiệt độ cao không đủ theo quy định có thể phát sinh khí thải gây ô
nhiễm không khí. Đây là công nghệ xử lý rác thải y tế nguy hại cần được thay
thế trong tương lai.
2.3 Phương án 3:
Thực hiện Kế hoạch số 69/KH-UBND ngày 21/8/2015 của UBND tỉnh B
về việc Quản lý chất thải Y tế tỉnh B năm 2015 và định hướng đến năm 2020,
việc xử lý chất thải y tế nguy hại sẽ được xử lý theo cụm. TTYT huyện A sẽ xử
lý tập trung tại cụm 2 ( Bệnh viện đa khoa huyện Nho Quan).
Ưu điểm: với công nghệ xử lý hiện đại ( đốt không khói), việc xử lý chất
thải nguy hại được xử lý các triệt để, đảm bảo an toàn, phòng tránh lây nhiễm

trong cộng đồng, bảo vệ môi trường.
Hạn chế: do thực hiện xử lý rác thải theo công nghệ tiên tiến nên giá thành
của việc xử lý rác thải nguy hại tương đối cao ( dự kiến 36.000 đồng). Đây là
vấn đề kinh phí tướng đối lớn so với khả năng chi trả của TTYT huyện A. Khu
xử lý rác thải y tế tập trung đang trong giai đoạn vận hành thử nên chưa thể triển
khai xử lý rác thải y tế ngay được.
3. Lựa chọn phương án xử lý tình huống tối ưu
Sau khi xem xét tình hình thực tế của TTYT huyện A, phương án tối ưu
được đưa ra là phương án thứ 2. Vì phương án này giải quyết được nhanh chóng
và triệt để tình trạng lưu giữ rác thải quá thời gian cho phép. Việc xử lý rác thải y
tế nguy hại được thực hiện theo một chu trình khép kín, đảm bảo thực hiện đúng
các quy định của pháp luật về quản lý chất thải y tế nguy hại. Giảm được nhân
lực của TTYT cho việc xử lý rác thải tại TTYT, tạo điều kiện cho việc sắp xếp
công tác cán bộ tại TTYT. Việc không xử lý rác thải y tế tại đơn vị còn tránh
được mâu thuẫn giữa cư dân khu vực xung quanh TTYT với TTYT huyện GAn


(do trước đây nhiều lần người dân đã phản ảnh việc đốt rác thải y tế gây ô nhiễm
không khí), nâng cao lòng tin của nhân dân, nâng cao chất lượng phục vụ của
TTYT huyện A. Số kinh phí chi trả cho việc thuê xử lý rác thải cũng nằm trong
khả năng của TTYT huyện A.
4. Tổ chức thực hiện xử lý tình huống
- TTYT huyện A đã tiến hành ký hợp đồng số 248/2018/HĐYT/ETC với
Công ty cổ phần đầu tư và kỹ thuật tài nguyên môi trường ETC về việc vận
chuyển và xử lý rác thải y tế nguy hại theo quy định của pháp luật.
- Tập huấn cho toàn cán bộ, nhân viên TTYT huyện A về việc thực hiện
đúng Thông tư số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT ngày 31/12/2015 của Bộ Y tế và
Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về quản lý chất thải y tế, Thông tư số
16/2018/TT-BYT quy định về kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám
bệnh, chữa bệnh, các quy trình về thực hiện kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện

của TTYT huyện A.
- Thành lập Tổ Kiểm soát nhiễm khuẩn thực hiện việc giám sát, kiểm tra
công tác thu gom, phân loại rác thải y tế tại các khoa phòng trong TTYT A, trực
tiếp thực hiện công tác thu gom tập chung, bảo quản, lưu giữ rác thải y tế trong
thời gian chờ xử lý, thực hiện bàn giao rác thải y tế cho đơn vị xử lý, lưu giữ
chứng từ chất thải nguy hại, lập sổ theo dõi chất thải nguy hại theo quy định của
pháp luật.
- Đưa nội dung thực hiện Thông tư số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT,
Thông tư số 16/2018/TT-BYT, thực hiện kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện vào
quy chế khen thưởng, kỷ luật, là cơ sở đánh giá viên chức tại TTYT A.
Sau khi thực hiện các biện pháp trên số lượng rác tồn đọng và rác thải y tế
nguy hại phát sinh thường xuyên đã được xử lý cách nhanh chóng, triệt để, đúng
quy định của pháp luật. Môi trường được bảo vệ, tránh được các tác hại lây
nhiễm gây bệnh cho sức khỏe người dân và nhân viên y tế. Ý thức của cán bộ,
nhân viên y tế, của người bệnh được nâng cao, hạn chế tình trạng phân loại rác
sai giảm được tối đa khối lượng rác phải xử lý không hợp lý, giảm gánh nặng
kinh tế cho TTYT huyện A.
IV. Kiến nghị


Việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý chất thải y tế nguy
hại đòi hỏi sự phối hợp vào cuộc của các ngành, các cơ quan và của mỗi cá nhân.
- Ban Giám đốc TTYT huyện A có sự quan tâm hơn nữa trong công tác thực hiện
các quy định của pháp luật về quản lý chất thải y tế nguy hại, tiếp tục triển khai
kế hoạch bảo vệ môi trường đã được phê duyệt, xây dựng phương án Bảo vệ môi
trường trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Có kế hoạch duy tu, sửa chữa khu
vực lưu giữ rác thải y tế, thiết kế xây dựng kho lạnh lưu giữ rác thải y tế phòng
trường hợp thiên tai, lũ lụt hay sự cố bất thường mà việc lưu giữ rác thải y tế
vượt qua thời gian quy định trong điều kiện thường.
- Cử cán bộ đi học các lớp đào tạo chuyên ngành về kiểm soát nhiễm khuẩn, các

lớp đào tạo quản lý chất thải y tế cho cán bộ lãnh đạo, cán bộ trực tiếp tham gia
công tác quản lý chất thải y tế.
- Tổ chức các lớp tập huấn, nâng cao, cập nhập kiến thức thực hành trong việc
thực hiện Thông tư số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT, Thông tư số 16/2018/TTBYT, thực hiện kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện cho cán bộ, nhân viên y tế
trong TTYT huyện A.
- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện thu gom, phân loại rác
thải y tế.
- Đối với Sở Y tế: mở các lớp tập huấn, đào tạo chuyên ngành về kiểm soát
nhiễm khuẩn, các lớp đào tạo quản lý chất thải y tế cho cán bộ lãnh đạo, cán bộ
trực tiếp tham gia công tác quản lý chất thải y tế. Hỗ trợ đơn vị trong việc thực
hiện các thủ tục hành chính về quản lý chất thải y tế nói riêng và công tác bảo vệ
môi trường nói chung.
- Đối với UBND tỉnh B: có phương án hỗ trợ trong việc thực hiện xử lý rác thải
y tế theo cụm nhằm giảm giá thành xử lý/kg rác thải y tế, tạo điều kiện thuận lợi
cho các đơn vị khó khăn về kinh tế có thể tham gia xử lý rác thải y tế nguy hại
theo mô hình cụm.
- Đối với Công ty cổ phần đầu tư và kỹ thuật tài nguyên môi trường ETC: tăng
cường thực hiện công tác thu gom, vận chuyển rác thải y tế đến nơi xử lý. Thực
hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật trong việc vận chuyển và xử lý chất
thải y tế nguy hại.


V. KẾT LUẬN
Thời đại hiện nay, khi khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển mạnh, cuộc
sống của con người ngày càng được nâng cao về cả vật chất lẫn tinh thần. Công
tác khám chữa bệnh ngày càng được chú trọng, vấn đề sức khỏe của con người
được quan tâm và đặt lên hàng đầu. Ngành y tế đã có những chuyển biến mới mẻ
với những máy móc kĩ thuật hiện đại phục vụ cho nhu cầu khám chữa bệnh của
con người. Nhưng song song với sự phát triển đó có nhiều vấn đề phát sinh và
cần được quan tâm. Ngành y tế càng phát triển thì càng thải ra nhiều chất thải y

tế, đó là những chất thải từ các hoạt động khám chữa bệnh, xét nghiệm, phẫu
thuật, nghiên cứu ... Những chất thải này có thể chứa những yếu tố độc hại và
gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của con người và môi trường nếu
không được thu gom, phân loại và xử lý đúng cách. Hiện nay vấn đề xử lý chất
thải y tế là một vấn đề nan giải, công tác xử lý còn nhiều khó khăn bất cập và cần
được quan tâm. Nhà nước cũng đã có những quy chế, chính sách cho việc quản
lý và xử lý chất thải y tế để đảm bảo sức khỏe cho nhân dân và môi trường. Việc
thực hiện nghiên các quy định về quản lý chất thải y tế giúp cho sự phát triển bền
vững của ngành Y tế và bảo vệ môi trường.
Trung tâm Y tế huyện A với lưu lượng bệnh nhân đến khám và điều trị dao
động trong khoảng 250 – 350 bệnh nhân/ ngày. Từ đó, phát sinh lượng chất thải
y tế trong quá trình công tác chuyên môn là vấn đề lớn cần phải giải quyết. Trung
tâm Y tế huyện A đã lựa chọn phương án giải quyết tối ưu cho một số vấn đề tồn
tại trong quá trình thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý chất thải y tế
đảm bảo vệ sinh an toàn môi trường, hạn chế tình trạng phơi nhiễm bệnh trong
cộng đồng. Tuy nhiên, đây không phải là lâu dài vì với phương pháp đốt thì
lượng khí thải và chất thải sau đốt vẫn là một trong những nguyên nhân gây ô
nhiễm môi trường không khí, môi trường đất và nguồn nước. Cần có biện pháp
mang tính chất triệt để hơn. Hiện nay, với mô hình xử lý rác thải y tế theo mô
hình cụm được triển khai tại 3 cụm của B thì cơ bản giải quyết được vấn đề ô
nhiễm môi trường, với giá thành tương đối cao so với các địa phương lân cận sử
dụng cùng phương pháp (Hòa Bình: 15.000-20.000vnđ/kg, Bắc Giang: 15.000-


17.000vnđ/kg) cần có giải pháp hỗ trợ về kinh phí cho các đơn vị để kích cầu
được việc sử dụng các biện pháp xử lý rác thải y tế theo công nghệ tiên tiến
(công nghệ đốt không khói) để giảm thiếu tối đa tác hại đối với môi trường.


TÀI LIỆU THAM KHẢO

- Luật Bảo vệ môi trường năm 2014;
- Nghị định Số: 18/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ Quy định
về Quy hoạch Bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh
giá tác động môi trường và kê hoạch bảo vệ môi trường;
- Nghị định số 155/ 2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 quy định về xử phạt
hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường;
- Thông tư số 27/2015/TT-BTNMT ngày 29/5/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài
nguyên và Môi trường quy định về đánh giá môi trường chiến lược, đánh
giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường;
- Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài
nguyên và Môi trường quy định về quản lý chất thải nguy hại;
- Thông tư số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT ngày 31/12/2015 của Bộ Y tế
và Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về quản lý chất thải y tế;
- Thông tư số 16/2018/TT-BYT quy định về kiểm soát nhiễm khuẩn trong
các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
- Kế hoạch số 69/KH-UBND ngày 21/8/2015 của UBND tỉnh Bvề việc
Quản lý chất thải Y tế tỉnh B năm 2015 và định hướng đến năm 2020;
- Quy trình thực hiện công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tại Trung tâm Y tế
huyện A;
- Quy trình vận hành lò đốt rác thải y tế Mediburn tại Trung tâm Y tế huyện
A;
- Kế hoạch Bảo vệ môi trường của TTYT huyện A năm 2018.
- Kế hoạch thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại trên địa bản
tỉnh năm 2018 của Sở Y tế B.



×