Tải bản đầy đủ (.docx) (15 trang)

BẢI TIỂU LUẬN QTRR OFFICIAL

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (148.84 KB, 15 trang )

TRƯỜNG ĐẠI HỌC NGOẠI THƯƠNG
CƠ SỞ II TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
_ _ _ _ _ _***_ _ _ _ _ _

GIẢNG VIÊN CHẤM 01

GIẢNG VIÊN CHẤM 02

BÀI TIỂU LUẬN CUỐI KỲ
Môn học: Quản trị rủi ro trong kinh doanh
CẢM NHẬN VỀ MÔN HỌC QUẢN TRỊ RỦI RO
VÀ ỨNG DỤNG VÀO THỰC TIỄN ĐỜI SỐNG
Họ và tên sinh viên: Nguyễn Tuấn Khang
Mã số sinh viên: 1601015188
Lớp: K55DEF-ML 04
Nhóm: 17
Giảng viên hướng dẫn: Nguyễn Thị Huyền Trân
TP.HCM, ngày 11 tháng 03 năm 2019



Lời mở đầu
Môn học Quản trị rủi ro, chỉ cần nhắc đến cụm từ này thì đa số các bạn sinh viên sẽ
hình dung ra được phần nào những vấn đề mà môn học đề cập tới. Tuy nhiên, điểm
khó của môn học quản trị rủi ro nằm ở việc môn học này bao gồm rất nhiều nội dung
kiến thức, từ rủi ro thị trường, rủi ro doanh nghiệp, rủi ro tín dụng,…., đòi hỏi các bạn
sinh viên như em phải đọc, tìm tòi thêm vì thời lượng ở trên lớp là có hạn. Chính vì
vậy, việc tiếp thu kiến thức và cách mà mọi người vận dụng kiến thức ấy như thế nào
là hoàn toàn khác nhau. Dưới đây chỉ là những suy nghĩ, quan điểm, bài học tích lũy
mang tính cá nhân của em về môn học, mong thầy/cô khi đọc sẽ bỏ qua nếu những
điều em đưa ra còn chưa được hoàn thiện.




Mục Lục
1. “Rủi ro” khi học môn Quản trị rủi ro..........................................................................4
1.1: Rủi ro đến từ yêu cầu môn học.............................................................................4
1.2: Rủi ro đến từ quá trình làm việc nhóm.................................................................4
1.3: Rủi ro trong quá trình thuyết trình và trả lời câu hỏi từ các bạn trong lớp............5
1.4: Rủi ro sau môn học và lựa chọn đề tài viết cuối kỳ..............................................5
2. Những bài học giá trị đến từ môn Quản trị rủi ro.......................................................6
2.1: Bài học rút ra từ quá trình làm việc của nhóm......................................................6
2.2: Bài học rút ra từ bài tiểu luận và thuyết trình của các nhóm khác........................9
3. Vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn..................................................................11
3.1: Bài học đến từ việc không quản trị rủi ro thời gian của bản thân.......................11
3.2: Bài học đến từ quản trị rủi ro trong công việc....................................................12
4. Lời cảm ơn................................................................................................................ 14


1. “Rủi ro” khi học môn Quản trị rủi ro
1.1: Rủi ro đến từ yêu cầu môn học
- Trước ngày nhập môn, cô Nguyễn Thị Huyền Trân đã gửi trong mail lớp em những
yêu cầu và tất cả slides của môn học này. Mặc dù đã được thông báo trước nhưng thật
sự em và các bạn vẫn cảm thấy còn nhiều băn khoăn khi yêu cầu môn học là phải :”Đi
thực tế tại một doanh nghiệp”.
- Tuy nhiên, may mắn thay khi bạn Chung Yến Nhung- một thành viên trong nhóm đã
tìm được một công ty đồng ý cho nhóm đi tới thực tế (em xin giấu tên công ty). Cả
nhóm đã đinh ninh rằng sẽ đi thực tế tại công ty này nhưng mọi việc lại diễn ra không
như mong đợi. Một việc không lường trước được là công ty này đã nhẹ nhàng từ chối
khéo nhóm em. Chính vì vậy, nhóm em phải gấp rút đi tìm một công ty khác để đi
thực tế.
- Sau đó, nhờ vào sự quen biết, nhóm em đã được Tổng công ty cổ phần bia, rượu,

nước giải khát Sài Gòn chấp nhận cho tới tham quan thực tế. Đây thực sự là một tin
vui đối với nhóm, nhưng rủi ro tiếp theo lại diễn ra khi đây lại rơi vào khoảng thời
gian cuối tháng 12, tức là lúc các bạn đã thi xong học kỳ I và chuẩn bị cho một kỳ
nghỉ dài khoảng 2 tuần. Nhóm phải thực sự rất cố gắng, và thậm chí có một bạn đã
phải hủy vé xe để ở lại đi thực tế.
1.2: Rủi ro đến từ quá trình làm việc nhóm
- Làm việc nhóm hẳn là một hoạt động không hề xa lạ đối với các bạn sinh viên, đặc
biệt là sinh viên Ngoại Thương cơ sở II. Ngay từ ngày đầu đặt chân vào giảng đường
đại học, em và các bạn đã được làm quen với môi trường làm việc nhóm, có thể là từ
sự chỉ định của thầy cô, hay là việc chúng em tham gia vào các câu lạc bộ, đội, nhóm,
các hoạt động thiện nguyện. Dù vậy, những rủi ro xảy ra trong quá trình làm việc
nhóm là một điều không thể nào tránh khỏi, do mỗi cá nhân luôn có những quan điểm
riêng, và cái tôi con người đôi lúc thường rất lớn. Có thể đây chỉ là một rủi ro nhỏ tồn


tại trong nhóm, nhưng nếu xét rộng ra, trên quy mô một doanh nghiệp, đây chính là
Rủi ro hoạt động mà các doanh nghiệp phải quản lý cực kỳ chặt chẽ.
- Rủi ro trong quá trình làm việc nhóm của nhóm em còn xuất phát từ một yếu tố khác
là thiếu nguồn thông tin dữ liệu. Do chỉ đi thực tế trong 2 buổi nên những gì chúng em
thu thập được là khá ít so với lượng thông tin cần cho một bài tiểu luận. Chính vì vậy,
trong quá trình làm bài, em và các bạn khá loay hoay khi phải tự tìm thông tin từ các
nguồn trên Internet. Thông tin thì nhiều nhưng điều mà nhóm em cần làm là phải chắt
lọc và loại bỏ những thông tin không xác thực. Đó là lý do tại sao bạn Nguyễn Khánh
Hưng lại nhận xét là nhóm em đưa ra và giải quyết vấn đề còn khá hời hợt, chưa đi
sâu, đi sát.
1.3: Rủi ro trong quá trình thuyết trình và trả lời câu hỏi từ các bạn trong lớp
- Là nhóm thuyết trình cuối cùng, nhóm em có được nhiều lợi thế như có nhiều thời
gian chỉnh sửa bài, lắng nghe cô góp ý từ những nhóm khác, từ đó hoàn thiện bài
thuyết trình và bài tiểu luận một cách chăm chút và kỹ càng hơn. Em từng đọc được
một bài báo trên Cafef với tiêu đề: “Muốn thành công, đừng vội vàng tiên phong, hãy

là kẻ đến sau”. Trong lớp, nhóm em thật sự là những người “đến sau”, thậm chí là “sau
cùng”.
- Tuy nhiên, giống như một đồng xu luôn có hai mặt, lợi ích luôn đi kèm với những
thách thức. Một rủi ro lớn hơn mà nhóm em gặp phải là cô sẽ khắt khe hơn với bài
thuyết trình của nhóm, đồng thời đến buổi học cuối cùng, tinh thần của các bạn cũng
đã vơi bớt phần nào, dẫn đến việc tinh thần lớp hơi đi xuống, không khí của buổi
thuyết trình cũng bớt sôi nổi hơn. Bên cạnh đó, việc các bạn đưa ra câu hỏi hóc búa
sau một quá trình dài lắng nghe từ các nhóm khác cũng là một trở ngại khác đối với
nhóm em. Nhiều câu hỏi được đưa ra thật sự mang tính thách đố khá cao đối với
nhóm.


1.4: Rủi ro sau môn học và lựa chọn đề tài viết cuối kỳ
- Ngay khi kết thúc môn học quản trị rủi ro cũng là lúc các bạn bắt đầu đi về quê để
đón Tết Nguyên Đán cùng gia đình. Chính vì vậy, việc họp nhóm online có đầy đủ các
bạn cùng lúc là một trở ngại lớn. Cùng với đó, với tinh thần nghỉ Tết xả hơi, các bạn
cũng không đầu tư nhiều thời gian cho việc sửa chữa và hoàn thiện bài.
- Việc chọn đề tài cho bài tiểu luận cuối kỳ cũng khiến em suy nghĩ và đắn đo khá
nhiều. Ban đầu, dự định của em là viết về một đề tài nóng của kinh tế toàn cầu nhằm
giúp cho bài tiểu luận của mình trở nên nổi bật. Tuy nhiên, sau khi cân nhắc, em lại
muốn phân tích rủi ro đến từ một doanh nghiệp Việt Nam. Đề tài sau em đã định hình
được những nội dung chính cần viết, vậy mà càng đi sâu, em lại thấy mình giống như
mình đang đi vào một lối mòn cũ kỹ. Và cuối cùng, vì đây là một môn học mang tính
thực tế cao như cách mà cô Trân đã luôn đề cập, em quyết định sẽ nói lên những cảm
nhận thật nhất của mình về môn học này.
2. Những bài học giá trị đến từ môn Quản trị rủi ro
2.1: Bài học rút ra từ quá trình làm việc của nhóm
- Trong suốt quá trình làm việc như em đã trình bày bên trên, mặc dù đã gặp khá nhiều
trắc trở và thử thách nhưng em cũng như các bạn đã có được nhiều bài học đáng quý
cho riêng bản thân mình.

- Đầu tiên là việc nhóm em bị từ chối tại công ty đầu tiên do tính chủ quan , không
lường trước những rủi ro có thể xảy đến một cách bất ngờ. Điều này đã cảnh tỉnh em
và các bạn rằng: Mọi việc đều có rủi ro riêng của nó, và trước khi bắt tay vào làm một
việc, hãy luôn dự phòng cho mình một kế hoạch thứ hai, thậm chí là thứ ba.
- Tiếp theo là việc các thành viên trong nhóm còn hơi lơ là, thiếu tính chu đáo, cẩn
thận trong việc hoàn thành nhiệm vụ của mình, dẫn đến kết quả làm bài nhóm chưa
thật sự đạt đến như mong đợi. Từ đây, bài học thứ hai mà em tích lũy được là: Đôi khi,
rủi ro xuất phát từ chính ý chí con người, chứ không phải từ thực tế khách quan.


- Nếu như giời gian quay ngược lại về ngày nhóm em đi thực tế, em ước mình và các
bạn đã đặt câu hỏi nhiều hơn, chăm chú nghe hơn và ghi lại chi tiết hơn. Chính vì sự
khá chủ quan là thông tin sẽ có trên Internet mà nhóm em bị thiếu khá nhiều thông tin,
mà thông tin này chỉ đáng tin khi nó được truyền tải từ một người làm việc trong công
ty. Internet thật sự là một con dao hai lưỡi, và rủi ro đến từ nó tuy không thấy rõ
nhưng lại âm thầm gây ra không ít những hậu quả nghiêm trọng.
- Sau khi thuyết trình, nhóm em nhận được những góp ý từ cô, dù không nhiều như
những nhóm khác nhưng cô cũng đã giúp nhóm em nhận ra những lỗi khuyết thiếu.
Chọn đề tài là một công ty bia lớn nhất nhì Việt Nam, tuy nhiên nhóm em lại sơ sót
thiếu đi phần rủi ro đạo đức và trách nhiệm xã hội trong bài tiểu luận của mình. Bởi lẽ,
ngành hàng bia là cũng thuộc một trong những ngành hàng nhạy cảm, mặc dù có đem
lại nhiều lợi ích cho đất nước như tạo công ăn việc làm cho nhiều nhân công, đóng
góp thuế lên đến 9560 tỷ đồng (tính đến năm 2018) nhưng bia rượu cũng gây không ít
những tác hại lên sức khỏe, đời sống và sự văn minh của đất nước. Tỷ lệ đàn ông Việt
Nam uống rượu bia cao nhất thế giới và ngày càng tăng đối với cả hai giới. Rượu bia
vốn dĩ không xấu nhưng nó chỉ biến thành sát nhân đáng sợ khi người dùng quên mất
đây là một chất chứa cồn, có thể khiến con người đánh mất sự tỉnh táo và nhận thức. Ý
niệm “Nam vô tửu như kỳ vô phong”, “Uống rượu bia mới mở rộng quan hệ được” đã
ăn sâu vào tiềm thức con người Việt Nam. Không ít những vụ tai nạn thương tâm đã
xảy ra chỉ vì người ngồi sau tay lái đã lỡ quá chén cùng bạn bè, đối tác. Ngày

15/11/2018, dự thảo về Luật phòng chống tác hại rượu bia được đưa ra, gây nhiều
tranh cãi trái chiều trong cả quốc hội và cộng đồng. Nếu Luật này được đưa vào triển
khai chính thức, đây sẽ thực sự là một rủi ro lớn đối với tổng công ty cổ phần biarượu- nước giải khát Sài Gòn. Khi đó, công ty sẽ bị gặp nhiều trở ngại trong hành lang
pháp lý, bị hạn chế quảng cáo và tiếp thị sản phẩm đến tay người tiêu dùng, người tiêu
dùng dè dặt hơn khi sử dụng rượu, bia. Nếu như vậy, chắc chắn doanh thu của công ty
sẽ sụt giảm một cách đáng kể. Tuy nhiên, theo em đây là một bộ Luật nên được đưa
vào triển khai, nhằm giảm thiểu bớt các hệ lụy đến từ rượu bia. Nhìn vào thực tế,


không quá khi cho rằng mua rượu bia ở Việt Nam còn dễ hơn ra chợ mua một bó rau.
Vì vậy, để phòng ngừa rủi ro ngay từ bây giờ, Sabeco nên đa dạng hóa sản phẩm,
không chỉ tập trung vào sản xuất rượu bia mà còn sản xuất những loại nước uống
khác. Với kinh nghiệm 144 năm lịch sử nguồn gốc, 42 năm phát triển thương hiệu,
nguồn vốn lớn đến từ cả trong và ngoài nước, Sabeco hoàn toàn có thể chuyển mình
sang sản xuất những mặt hàng nước uống khác. Bên cạnh đó, việc nâng tầm sản phẩm
cả về mẫu mã, chất lượng, giá thành cũng là một mục tiêu mà Sabeco nên hướng đến.
Đa số các dòng sản phẩm của Sabeco nằm ở mức giá tầm thấp và tầm trung, vì vậy rất
dễ tiếp cận với số đông. Nhưng nếu dự luật được triển khai, ý thức người dân được
nâng cao, đặc biệt là lớp trẻ, thì liệu sản lượng tiêu thụ rượu bia có còn như trước?.
Lúc này, nhu cầu uống rượu, bia chỉ còn là thưởng thức, người ta cần uống ít nhưng
ngon, thay vì uống nhiều nhưng nhạt thếch. Sabeco có thể triển khai một sản phẩm
mới có giá thành cao, nhưng bù lại chất lượng tốt, khi đó vừa có thể hạn chế mọi
người uống rượu (do mức sống Việt Nam còn khá thấp, chắc chắn người ta sẽ đắn đo
khi mua một lon bia quá đắt), vừa tiếp cận được phân khúc khách hàng cao cấp. Như
vậy, Sabeco vừa đảm bảo được trách nhiệm với xã hội, vừa đạt được doanh thu cho
công ty. Thế mới thấy, việc cân bằng trách nhiệm xã hội và lợi nhuận là cực kỳ quan
trọng. Trên trang Tony buổi sáng từng viết: “ Lòng tham thì tỷ lệ nghịch với sự tử tế”.
Chỉ một chút tham lam, một doanh nghiệp có thể bỏ quên trách nhiệm đối với xã hội
và gây ra những hậu quả khôn lường. Rủi ro này không có trong phần lý thuyết mà em
được học, tuy nhiên nhờ cô Trân chỉ ra, và sau quá trình tìm hiểu, em mới thấy rằng

đây là một rủi ro ngày càng được quan tâm, đặc biệt là khi một doanh nghiệp muốn
tiến bước đầu tư ra nước ngoài. Câu chuyện của tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL)
và tập đoàn Cao su Việt Nam (VRG) ắt hẳn là một hồi chuông cảnh tỉnh cho tất cả các
doanh nghiệp Việt Nam về tầm quan trọng của trách nhiệm xã hội. Đầu tháng 052013, báo cáo có tên “Rubber Barons” (Những ông trùm cao su) được công bố bởi
Global Witness - một tổ chức phi chính phủ tại Anh đã cáo buộc hai doanh nghiệp này
chiếm đoạt đất đai, khai thác gỗ bất hợp pháp và hủy hoại kế sinh nhai của người dân
địa phương cũng như môi trường tại Campuchia và Lào. Thông tin không mấy tốt đẹp


trên đã gây ảnh hưởng tiêu cực lên kết quả kinh doanh của hai tập đoàn này. Phiên
giao dịch ngày 14/5/2013, thời điểm cáo buộc "phá rừng" được lan truyền rộng rãi, cổ
phiếu HAG của HAGL rớt điểm mạnh, mất 1.400 đồng/cổ phiếu, tương ứng đánh mất
khoảng 6% xuống còn 21.400 đồng/cổ phiếu. Theo đó, tài sản trên sàn chứng khoán
của bầu Đức (311,6 triệu cổ phiếu HAG) cũng "bốc hơi" chóng mặt hơn 436 tỷ
đồng. Ngày nay, khi mà tri thức gày càng được nâng cao, con người dần nhận ra tầm
quan trọng của sức khỏe, môi trường và các yếu tố xung quanh.Vì vậy, chỉ cần một
doanh nghiệp mắc một lỗi nhỏ trong việc đi trái lại với những nguyên tắc đạo đức của
xã hội, thì lập tức doanh nghiệp ấy sẽ phải gánh chịu những hậu quả rất lớn. Việc kinh
doanh ngày càng trở nên phức tạp hơn và theo logic ấy, rủi ro cũng càng tăng lên chứ
chưa bao giờ có dấu hiệm giảm đi.
- Và cuối cùng là cách chọn đề tài bài tiểu luận cuối kỳ của em. . Nhìn vào đề tài này,
nhiều bạn sẽ đánh giá nó không mang nhiều kiến thức, mang tính cảm quan cao. Em
nhận thực được điều này, em biết rằng rủi ro trong đề tài của mình là không hề nhỏ
nhưng em chấp nhận, vì em tin trong những rủi ro luôn tồn tại những cơ hội.
2.2: Bài học rút ra từ bài tiểu luận và thuyết trình của các nhóm khác
- 16 nhóm thuyết trình trước nhóm em chính là 16 bài học mà bất kỳ bạn sinh viên nào
cũng cần lưu tâm. Trước khi bước vào môn học, em đã từng nghĩ các bạn sẽ tập trung
vào những tập đoàn lớn sản xuất ngành hàng FMCG hoặc những hãng tàu, công ty
xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, em thật sự bất ngờ khi các nhóm chọn những công ty
thuộc nhiều ngành hàng khác nhau, tạo nên sự đa dạng hóa. Bài học đầu tiên mà em

rút ra là một công ty thuộc loại hình nào vẫn tồn tại những rủi ro và thách thức riêng.
Có thể kể đến là nhóm làm về công ty bột mỳ Bình Đông (thuộc tổng công ty lương
thực miền Nam). Đây là một công ty có 100% vốn đầu tư nhà nước và đã được thành
lập từ năm 1970, tính đến nay đã 49 năm. Công ty bột mỳ Bình Đông sở hữu những
lợi thế mà nhiều công ty khác ao ước như thâm niên trong ngành đã khá lâu, được sự
hậu thuẫn lớn từ phía nhà nước. Tuy nhiên, riêng đối với cá nhân em, một công ty đã
có mặt trên thương trường khá lâu như vậy nhưng tên tuổi lại được ít người biết đến


thì chưa được gọi là thật sự thành công. Đối với em và đa số các bạn, khi nhắc đến các
loại bột làm bánh thì sẽ nghĩ ngay đến bột Mikko, hay bột của công ty Meizan, còn lại
chỉ một số ít các bạn đã từng nghe qua sản phẩm của công ty bột mỳ Bình Đông mà
thôi. Khi truy cập vào trang web của công ty bột mỳ Bình Đông, em cảm thấy khá bất
ngờ vì bao bì sản phẩm được thiết kế trông khá đơn giản, lỗi thời. Rủi ro đối với Bình
Đông ngày càng cao khi với cơ chế mở cửa, thị trường Việt Nam đang đón nhận ngày
càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng như các sản phẩm được nhập khẩu trực tiếp từ
nước ngoài. Những sản phẩm này không chỉ được quảng cáo rầm rộ, bao bì đẹp mà
giá cả lại phù hợp túi tiền của người dân Việt Nam. Đó là lý do tại sao nhiều người
tiêu dùng quay lưng với sản phẩm của doanh nghiệp trong nước. Giải pháp được đề
xuất là công ty bột mỳ Bình Đông phải nhanh chóng thực hiện đổi mới công nghệ.
Tuy nhiên do việc sám giát chưa chặt chẽ, kịp thời nên nhiều doanh nghiệp nhà nước
như công ty bột mỳ Bình Đông chưa chú trọng đầu tư theo chiều sâu, chậm đổi mới về
công nghệ, trang thiết bị, kỹ thuật sản xuất, nâng cao năng suất lao động, ứng dụng và
phát triển khoa học - công nghệ. Nếu sự lạc hậu này cứ bị trì trệ mãi thì sớm hay
muộn, nhà nước cũng sẽ thoái vốn và nhường chỗ cho các nhà đầu tư tư nhân. Thế
mới thấy nếu như những doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước
ngoài gặp những khó khăn, rủi ro liên quan đến pháp lý, chính trị thì những doanh
nghiệp có vốn đầu tư nhà nước cũng gặp một rủi ro cực kỳ lớn là rủi ro chậm đổi mới
trong thời kỳ mà công nghệ 4.0 được nhắc đến hằng ngày. Thực tiễn những năm qua
cho thấy, đổi mới công nghệ là một trong những biện pháp hàng đầu giúp doanh

nghiệp nâng cao năng suất, hiệu quả, khả năng cạnh tranh, đặc biệt trong bối cảnh Việt
Nam hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng và kết hàng loạt hiệp định thương
mại tự do song phương và đa phương. Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Nguyễn Chí Dũng đã nhấn mạnh “Doanh nghiệp nhà nước cần thực hiện đi đầu trong
việc ứng dụng công nghệ của cuộc CMCN 4.0 để nâng cao hiệu suất lao động và tạo
thêm sản phẩm, dịch vụ mới. Xu hướng của kinh tế số, công nghệ dữ liệu lớn (big
data), trí tuệ nhân tạo, sản xuất thông minh… là xu hướng không thể đảo ngược.”.Có
lẽ 10, 100 năm hay về sau nữa thì những người làm kinh doanh, những vị CEO tài ba


cũng sẽ không bao giờ tìm được một loại hình công ty nào, một cách thức hoạt động
nào mà hoàn hảo về mọi mặt. Rủi ro vẫn luôn tồn tại từng giờ, từng ngày, ngày càng
phát sinh nhiều hơn qua từng thời kỳ. Tuy nhiên, điều quan trọng là các doanh nghiệp
phải có một tầm nhìn xa rộng, luôn có sẵn những kế hoạch đã được lên chi tiết để khắc
phục những rủi ro một cách êm đẹp nhất.
- Bài học thứ hai mà em học được là khi các nhóm khác thuyết trình thì nên lắng nghe
và ghi lại những lỗi sai để có thể tránh vì không ít nhóm bị lặp lại những khuyết điểm
không đáng có từ các nhóm trước.
3. Vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn
3.1: Bài học đến từ việc không quản trị rủi ro thời gian của bản thân
- Khi còn học ở cấp 3,em nhận được sự quan tâm từ các thầy cô trong trường khá
nhiều vì em là một học sinh trường Chuyên, ở trong ký túc xá nên giờ giấc rất “Quân
đội”, sáng thức dậy lúc 5h30 và tối đi ngủ vào lúc 11h. Chính vì sự kèm cặp này mà
khi lên đại học, em đã lơ là trong việc quản trị thời gian của bản thâm khi không có ai
ở bên nhắc nhở, bệnh trì hoãn cứ thế mà lớn lên từng ngày.
- Em nhận ra căn bệnh trì hoãn khá rõ khi những ngày bình thường thường lơ là việc
học, cho đến gần ngày thi mới nghĩ đến chuyện phải lâm trận mài gươm. Nhưng kiến
thức càng nhồi nhét lại càng không vào, dẫn đến việc em thường nghĩ rằng phần này
chắc thầy/cô sẽ không ra nên bỏ đi không học. Rủi ro cũng từ đây mà ra. Đã không ít
lần những phần em bỏ qua lại xuất hiện ngay trong đề thi, lúc này em chỉ biết vò đầu

bứt tai và tự trách móc bản thân mình. Đề thi tự luận nếu bỏ một câu thì vẫn có thể
chinh chiến với những câu khác, nhưng với kỳ thi vấn đáp- một đặc sản chỉ có ở
Ngoại Thương thì lại nằm trong một tầm cao khác. Rủi ro trong kì thi vấn đáp nằm ở
dạng 50/50, vì mỗi bạn sinh viên chỉ được quyền bốc 2 câu hỏi. Với môn vấn đáp, em
luôn cố gắng học từ sớm nên rủi ro đến từ môn này là không quá đáng sợ đối với em.
Tuy nhiên, em đã từng chứng kiến nhiều bạn do học vội vàng nên chọn câu để học,


dẫn đến khi vào phòng thi lại bốc trúng hai câu chưa học, và kết quả thì không được
như mong đợi.
- Rủi ro về quản lý thời gian thật sự là một rủi ro lớn đối với em. Vì vậy, từ năm 3 trở
đi, dù không lập thời gian biểu lên trên giấy như mọi người vẫn hướng dẫn, em đã cố
lên kế hoạch trong đầu về những việc cần phải làm trong ngày. Rủi ro chỉ được giảm
thiểu khi chúng ta biết điều chỉnh và lên kế hoạch cho những điều nhỏ nhất.
3.2: Bài học đến từ quản trị rủi ro trong công việc
- Đối với đa số các bạn sinh viên đại học Ngoại Thương, trong đó có cả em, thì việc đi
làm thêm vừa giúp tăng thêm thu nhập, lại là một cơ hội tốt để có thể học được nhiều
điều từ môi trường bên ngoài. Tuy nhiên, sinh viên Ngoại Thương thường được đánh
giá rằng rất dễ nhảy việc do cảm thấy môi trường làm việc không phù hợp hoặc do
nhiều lý do khác. Không ít các anh chị sinh viên khóa trên khi ra trường chọn làm
Marketing, nhân sự thay vì công việc liên quan đến xuất nhập khẩu. Công việc đôi khi
là một cái duyên mà con người không ai nói trước được nhưng em tin trong số những
người làm trái ngành, trái nghề thì vẫn có ở đó nhiều người do chính rủi ro chọn sai
trường, sai ngành khi bước từ ngưỡng cửa cấp 3 lên đại học.
- Công việc đầu tiên em làm là thực tập sinh nhân sự cho một trung tâm tiếng Anh.
Công việc này không mấy liên quan đến ngành học nhưng vì lúc đó khi thấy bạn bè
người thì có câu lạc bộ, người đi làm thêm, em quyết phải tìm cho mình một công việc
để bản thân trở nên bận rộn hơn. Chính vì sự vội vàng và hấp tấp ấy, em cảm thấy
mình đã phí hoài khoảng 3 tháng trời cho một công việc không phù hợp với bản thân.
Em nghĩ không chỉ em mà còn rất nhiều các bạn khác đã gặp không ít những rủi ro

trong công việc làm thêm ban đầu, có nhiều bạn còn gặp trường hợp bị đa cấp lừa đảo,
tiền mất, tật mang. May thay, đây chỉ mới dừng lại ở công việc part-time, chưa quá
nhiều ràng buộc với công ty. Bài học này có lẽ sẽ theo em mãi về sau bởi khi lựa chọn
một công việc cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro trong nó như liệu công việc có đúng chuyên
ngành, có phù hợp với tính cách hay mức lương có đủ sống hay không. Nếu như được


học môn Quản trị rủi ro sớm hơn, có lẽ em đã suy nghĩ cẩn thận hơn trước khi quyết
định ứng tuyển vào một vị trí công việc.
- Tới thời điểm hiện tại, em đang làm hai công việc song song, một là làm nhân viên
chăm sóc khách hàng cho một công ty chuyên cung cấp gói ăn tốt cho sức khỏe, hai là
công việc gia sư. Mặc dù hai công việc này không liên quan đến ngành học cho lắm,
nhưng em nhận thấy mình cũng đã học được nhiều điều. Công việc gia sư có thể nói là
khá ổn, nhưng đối với công việc chăm sóc khách hàng, em thực sự thấy nó chứa đựng
nhiều rủi ro. Hầu hết các khách hàng bên công ty em đều là những người có thu nhập
cao, thậm chí có một vài khách là người nổi tiếng, đang hoạt động trong giới giải trí.
Vì vậy, đối với họ, đôi khi giá tiền không phải là một vấn đề quá lớn lao, mà cái họ
cần là một cách phục vụ, thái độ đến từ bên em phải làm hài lòng. Ngày mới vào làm,
em đã không ít lần vì chểnh mảng mà lỡ gây ra những sơ suất trong lúc làm việc.
Tưởng rằng những lỗi nhỏ đó sẽ không sao nhưng hậu quả thì lớn hơn nhiều như thế.
Ví như việc chỉ cần quên ghi chú rằng phần ăn này sẽ có muỗng, mà em đã nhận được
một cuộc gọi phàn nàn tầm 15 phút đến từ khách hàng, rằng không có muỗng thì chị
sẽ lấy gì để ăn, và sau đó là hủy luôn đơn hàng. Công ty nơi em làm dù có chạy quảng
cáo trên facebook nhưng không xem đó là cách thức marketing chính, mà marketing
theo phương pháp truyền miệng mới là điều mà công ty hướng tới. Khi một khách
hàng dùng và cảm thấy chất lượng, họ sẽ giới thiệu cho các đồng nghiệp trong cơ
quan. Chính vì vậy, chỉ cần làm phật ý một khách hàng, thì cũng giống như việc bên
em đã tự chặn đi nhiều cơ hội khác. Mỗi ngày làm việc trôi qua, em lại càng thấy
nhiều hơn những rủi ro từ khách hàng mà một doanh nghiệp phải đối mặt. Đây thực sự
là một bài toán khó cho công ty nơi em làm bởi không thể nào có thể vận hành quanh

năm suốt tháng mà mọi chuyện đều suôn sẻ, không có bất cứ sai sót nào. Chính vì vậy,
đối với vị trí một nhân viên chăm sóc khách hàng như em, em chỉ còn biết cách thật
cẩn thận trong mọi lời ăn, tiếng nói với khách hàng, và đặc biệt là khi ghi lại thông tin
phải luôn chính xác, không được thiếu 1 thêm 2.


4. Lời cảm ơn
Từ những bài thuyết trình của các nhóm khác và của chính nhóm mình, em nhận ra
việc xác định và dự phòng, quản trị rủi ro là vô cùng cần thiết cho mọi doanh nghiệp
dù mới thành lập hay đã có thâm niên. Có như vậy, một doanh nghiệp mới có thể cầm
chắc cương mà tiến, phát triển một cách bền vững. Em xin chân thành cảm ơn cô
Nguyễn Thị Huyền Trân đã cho nhóm em và cả lớp những nhận xét thật sự hữu ích,
thậm chí đôi khi là hơi “khó’ vì chúng em không biết trả lời thế nào. Tuy nhiên, nhờ
những câu hỏi khó ấy, em mới có thêm cơ hội tìm hiểu thêm nhiều điều bổ ích, thú vị
nhằm tìm ra câu trả lời xác đáng. Thời gian học tập môn này là không dài nhưng em
nghĩ mình đã rút ra được rất nhiều điều bổ ích, từ đó không chỉ là áp dụng vào bài học
mà còn áp dụng vào rất nhiều mảng trong thực tiễn cuộc sống. Điều cuối cùng mà em
học được là trong làm ăn kinh doanh cũng như trong đời sống xã hội sẽ không bao giờ
hai chữ “rủi ro” biến mất, mà nó thay đổi theo vô vàn phương cách, muôn hình vạn
trạng. Con người dù có thông minh đến mức nào cũng không thể làm mọi rủi ro biến
mất. Vậy thì chỉ còn một cách duy nhất để rủi ro không còn là một nỗi sợ to lớn, đó là
chúng ta hãy luôn chuẩn bị thật kỹ lưỡng, lên phương án, dự trù mọi thứ để khi rủi ro
xảy đến, thì trong tay ta đã nắm chắc phần thắng, giảm nhẹ và thậm chí là đẩy lùi rủi
ro và những hậu quả mà nó mang lại.



×