LÊNH ĐÊNH LƯƠNG GIÁO VIÊN MẦM NON
Có người vẫn thường nói vui rằng: muốn biết giáo
viên nào yêu nghề nhất, hãy về các trường mầm non.
Câu nói vui nhưng có vẻ chua chát đó lại chứa rất
nhiều sự thật, nhất là đối với những giáo viên hợp
đồng của hệ này trên địa bàn TP Đà Nẵng.
Tìm hiểu, chúng tôi được biết, thường tất cả tiền lương của giáo viên hợp đồng đều căn cứ
vào số tiền thu học phí của các cháu trong tháng. Số tiền đó ngoài việc chi trả lương thì còn
nhiều khoản khác như: tiền lương cho bảo vệ trường, điện nước, nhân viên bếp…
Trong khi đó, theo quy định, mỗi lớp thường phải có 1 giáo viên biên chế và một giáo viên
hợp đồng. Qua khảo sát của chúng tôi, trên địa bàn thành phố, có rất ít trường thực hiện
được điều này, mà nguyên nhân không có gì khác hơn là: lấy tiền đâu để trả?
Nhìn vào bảng lương giáo viên hợp đồng mà cô Đỗ Thị An Khê, hiệu trưởng trường mầm
non Cẩm Vân (quận Hải Châu) đưa ra, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên. Trong bảng lương
toàn bộ 7 hợp đồng đều có mức từ 450.000 - 600.000/tháng.
Cô Khê cho biết thêm: so với quy định thì trường còn thiếu nhiều giáo viên hợp đồng nữa
chứ không phải là con số 7 như hiện nay. Người được lương 600.000 đồng cũng đã công
tác ở đây cả chục năm rồi chứ chẳng ít. Đa số các cô mới vào đều là các em trẻ mới tốt
nghiệp, chưa có chồng con gì nên cũng chấp nhận với mức lương đó thôi. Chúng tôi đâu có
quyền chi thêm, mà cũng lấy gì ra mà chi?
Tình trạng đó cũng là tình trạng chung của đa số các trường mầm non trên địa bàn thành
phố. Thành thử có trường mức lương hợp đồng không phải là mức lương cơ bản như quy
định mới của nhà nước là 450.000đồng/tháng, mà lại vẫn còn mức cũ là
350.000đồng/tháng.
Và cũng vì vậy, nhiều nơi không thể trả lương cho giáo viên theo bậc cao đẳng hoặc đại
học và cũng chỉ đóng được Bảo hiểm xã hội cho một phần giáo viên hợp đồng, mà đa số là
dành cho những giáo viên có thâm niên công tác.
Trong các cuộc họp của ngành hay liên ngành, các hiệu trưởng trường mầm non kiến nghị
mãi lên cấp trên để tìm giải pháp giải quyết, rồi cũng nhận được lời hứa từ phía chính
quyền thành phố, nhưng rồi cũng chẳng đâu vào đâu.
Nhiều giáo viên vẫn phải chịu
mức lương quá thấp không
xứng đáng với công sức.
Dù yêu nghề nhưng cô nào cũng vậy, chỉ đến độ tuổi 35-40 đã không thích ứng với việc
đứng lớp nữa, đơn giản là “trẻ thích cô phải trẻ trung, xinh tươi, hát hay, múa dẻo”. Trên
thực tế đâu phải cô nào sau khi rời lớp đều được làm công tác quản lý, giảng dạy? Phần lớn
sau khi không đứng lớp, các cô đã phải xuống bếp nấu cơm, làm tạp vụ rồi chờ... nghỉ hưu.
Đấy là đối với những giáo viên có biên chế, còn những giáo viên hợp đồng thì nhiều khi
chẳng dám nghĩ đến tương lai.
Đối với những trường mầm non tư thục có quy mô nhỏ tình hình cũng chẳng khác so với
các trường công lập là mấy. Cô Lê Thị Hồng, giáo viên trường mầm non Khai Trí (quận
Thanh Khê) cho biết: Từ khi tốt nghiệp trường sư phạm rồi về dạy ở đây đã ngót nghét sáu
bảy năm, tuy là trường tư thục nhưng lương cô cũng chỉ tăng từ 290.000 lên khoảng
600.000 đồng/tháng. Nhiều khi cũng thấy chán nản khi nghĩ đến lương tiền nhưng dạy ở
đây đã lâu, cũng quen rồi, ngày nào không dạy là lại rất nhớ các cháu.
Thông cảm với bộ phận giáo viên hợp đồng nên nhiều trường cũng linh động tạo điều kiện
cho các cô tăng thu nhập một cách chính đáng. Đó là thoả thuận với các phụ huynh để
nhận trông giữ các cháu luôn cả vào ngày thứ 7, giữ các cháu thêm từ khoảng 17 đến 19
giờ…
Với các giáo viên hợp đồng một ngày trên 10 tiếng là chuyện thường. Nhưng thu nhập của
các cô cũng có thể tăng thêm từ 200.000 đến 250.000 đồng là… hết mức.
Cô Trương Thị Kim Phượng, hiệu trưởng trường mầm non Hoàng Mai quận Thanh Khê,
cho biết: Trường cô có may mắn một chút là được xếp vào khu vực 1, thu được học phí
60.000đồng/em/tháng nên lương chi trả cho giáo viên hợp đồng cũng khá hơn một số
trường khác, khoảng 800.000 đồng cả thảy.
Cô Đỗ Thị An Khê cho biết thêm: Điều làm chúng tôi băn khoăn đó là biên chế cho mầm
non bây giờ còn quá ít. Tuy đã có giáo viên về hưu do đủ tuổi nhưng thành phố lại hầu như
không có cơ chế cho các giáo viên hợp đồng thi tuyển vào để thay thế, trong khi đối với
các cấp học khác từ tiểu học trở lên lại là chuyện bình thường.
Nhiều giáo viên mầm non hợp đồng ngậm ngùi rằng, trong giai đoạn phát triển kinh tế xã
hội hiện nay, những người làm công tác giáo dục mầm non phải được trả công xứng đáng
hơn mức lương tối thiểu, tương xứng với sức lao động của họ. Có như vậy mới thật sự
động viên được họ nâng cao hơn chất lượng chăm sóc, giáo dục để trẻ được phát triển toàn
diện về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ và hình thành nhân cách.