Tải bản đầy đủ (.docx) (20 trang)

Bài tập cuối kì môn luật dân sự 1 quyền hiến xác, bộ phận cơ thể sau khi chết (8 điểm)

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (113.37 KB, 20 trang )

MỞ ĐẦU
Giá trị nhân thân là những giá trị gắn liền với cá nhân mỗi con người,
chúng tồn tại không phụ thuộc vào mức độ và tính chất điều chỉnh của các
quy phạm pháp luật. Quyền hiến bộ phận cơ thể người và hiến xác là quyền
nhân thân quan trọng của cá nhân, có ý nghĩa khoa học, xã hội và pháp lý.
Việc ghi nhận và bảo đảm thực hiện quyền này là đáp ứng được nhu cầu của
xã hội và tạo được cơ sở pháp lý cho quyền hiến bộ phận cơ thể và hiến xác
được thực hiện. Nhằm làm rõ hơn về vấn đề này em xin được đi sâu vào phân tích
vấn đề: “Quyền hiến xác, bộ phận cơ thể sau khi chết”.

NỘI DUNG
I. Cơ sở lí luận
1. Một số khái niệm
Xét về mặt pháp luật dân sự, thì thời điểm chết của cá nhân đồng thời
là thời điểm chấm dứt năng lực năng lực pháp luật dân sự của cá nhân.
Nhưng nếu xét về mặt sinh học thì chết là sự ngừng trao đổi chất của cơ thể.
Như vậy, danh từ “xác” dùng để chỉ một cá nhân đã chết, theo đó năng lực
pháp luật dân sự của một cá nhân chấm dứt. Xác của cá nhân còn được gọi
là thi thể, thi thể là đối tượng của việc hiến xác, bộ phận cơ thể người sau
khi cá nhân chết và là quyền nhân thân của mỗi cá nhân khi còn sống.
Khi cá nhân chết, các bộ phận cơ thể của cá nhân chấm dứt quá trình
trao đổi chất theo nghĩa sinh học và chấm dứt năng lực pháp luật dân sự
theo quy định của pháp luật. Theo TS. Phùng Trung Tập xét về mặt sinh
học: “Bộ phận cơ thể là một phần của cơ thể người là những thành tố cấu
thành sự thống nhất của một cơ thể sống hoàn chỉnh và nó thực hiện được
chức năng trao đổi chất giúp cho cơ thể tồn tại và phát triển bình thường
theo quy luật của tự nhiên”.

1



Khoản 2 Điều 3 của Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và
hiến, lấy xác có quy định: “Bộ phận cơ thể người là một phần của cơ thể
được hình thành từ nhiều loại mô khác nhau để thực hiện các chức năng
sinh lý nhất định”, trong đó theo khoản 1 Điều 3 của luật này: “Mô là tập
hợp các tế bào cùng một loại hay nhiều loại khác nhau để thực hiện các
chức năng nhất định của cơ thể người”.
2. Việc ghi nhận quyền hiến xác, bộ phận cơ thể sau khi chết trong
các văn bản pháp luật
a) Việc ghi nhận trong Luật bảo vệ sức khỏe nhân dân 1989
Quyền hiến xác, bộ phận cơ thể sau khi chết là một vấn đề nhạy cảm
liên quan mật thiết đến vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo và các yếu tố tâm linh
của người Việt. Trước đây không có một văn bản pháp luật nào quy định về
vấn đề này. Đến năm 1989, Luật bảo vệ sức khỏe nhân dân ra đời thì vấn đề
này mới được đề cập đến. Tuy nhiên, các quy định này còn rất chung chung
và chỉ mang tính nguyên tắc, chưa cụ thể, chưa đầy đủ nên khó thực hiện
trong thực tiễn.
Cụ thể Điều 30 Luật bảo vệ sức khỏe nhân dân 1989 có quy định về
Lấy và ghép mô hoặc một bộ phận của cơ thể con người:
“1. Thầy thuốc chỉ tiến hành lấy mô hoặc bộ phận của cơ thể người
sống hay người chết dùng vào mục đích y tế sau khi đã được sự đồng ý của
người cho, của thân nhân người chết hoặc người chết có di chúc để lại.
2. Việc ghép mô hoặc một bộ phận cho cơ thể người bệnh phải được sự
đồng ý của người bệnh hoặc thân nhân hay người giám hộ của người bệnh
chưa thành niên.
3. Bộ y tế quy định chế độ chăm sóc sức khoẻ người cho mô hoặc một
bộ phận của cơ thể”.

2



Bên cạnh đó, vấn đề này cũng được cụ thể hóa trong trong Điều 10 của
Nghị định ban hành kèm theo Điều lệ khám chữa bệnh và phục hồi chức
năng số 23-HĐBT ngày 21/1/1991:
“1. Việc lấy mô bộ phận cơ thể của người sống phải được người đó tự
nguyện và viết thành văn bản.
2. Việc lấy mô hoặc một bộ phận của cơ thể người được tiến hành trong
các trường hợp:
Người chết có di chúc để lại đồng ý cho mô hoặc một bộ phận cơ thể
của họ.
Người chết không có di chúc nhưng được thân nhân người chết đồng ý
cho bằng văn bản.
Người chết vô thừa nhận.
3. Cơ quan y tế được quyền tiếp nhận, bảo quản và sử dụng mô hoặc
một bộ phận cơ thể con người.
4. Các thủ tục, tiến hành ghép mô hoặc một bộ phận cơ thể con người
được tiến hành như các trường hợp phẫu thuật ghi trong Điều 8 của Điều lệ
này.
5. Cơ sở y tế tiến hành lấy mô hoặc một bộ phận cơ thể của người cho
có trách nhiệm chăm sóc sức khỏe cho họ trước, trong và sau khi lấy.”
b) Việc ghi nhận trong BLDS 2005
Năm 2005, BLDS Việt Nam mới chính thức đưa quyền hiến xác, bộ
phận cơ thể sau khi chết thành một điều luật cụ thể (Điều 34) và thuộc nhóm
các quyền nhân thân.
Điều 34 BLDS 2005 quy định về quyền hiến xác, bộ phận cơ thể sau
khi chết: “Cá nhân có quyền hiến xác, bộ phận cơ thể của mình sau khi chết
vì mục đích chữa bệnh cho người khác hoặc nghiên cứu khoa học. Việc hiến
và sử dụng xác, bộ phận cơ thể của người chết được thực hiện theo quy định
của pháp luật.”
3



Ngoài ra còn có Điều 33 quy định về Quyền hiến bộ phận cơ thể và
Điều 35 quy định về quyền nhận bộ phận cơ thể người. Ta thấy việc ghi
nhận quyền này trong BLDS 2005 đã có bước phát triển lớn so với luật
trước đó.
c) Ghi nhận trong Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và
hiến, lấy xác
Ngày 29/11/2006, Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và
hiến, lấy xác được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày
1/7/2007. Việc ghi nhận quyền hiến mô, bộ phận cơ thể, hiến xác thành một
luật riêng là một bước tiến rất lớn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với xã
hội, thể hiện sự nhân đạo và sự quan tâm của nhà nước đối với sức khỏe
nhân dân.
3. Các nguyên tắc ghi nhận và mục đích của việc hiến xác, bộ phận
cơ thể sau khi chết :
a. Nguyên tắc ghi nhận :
Điều 4 Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác
2006 quy định về Các nguyên tắc trong việc hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ
thể người và hiến, lấy xác:
“1. Tự nguyện đối với người hiến, người được ghép.
2. Vì mục đích nhân đạo, chữa bệnh, giảng dạy hoặc nghiên cứu khoa học.
3. Không nhằm mục đích thương mại
4. Giữ bí mật về các thông tin có liên quan đến người hiến, người được
ghép, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy
định khác.”
- Nguyên tắc tự nguyện
“Tự nguyện” là một trong các nguyên tắc quan trọng nhất trong luật
dân sự. Tự nguyện được thể hiện ở sự thống nhất giữa ý chí bên trong của

4



chủ thể với việc thể hiện ý chí ra bên ngoài mà không có sự tác động trái
pháp luật nào về thể chất hoặc tinh thần đối với người hiến tặng. Hiến xác,
bộ phận cơ thể sau khi chết là quyền của mỗi cá nhân, không phải là nghĩa
vụ, không ai có quyền ép buộc hoặc cản trở người hiến thực hiện quyền này.
“Hiến” không vì mục đích thương mại mà vì mục đích cao quý hơn đó
là cứu chữa người khác hoặc vì mục đích nghiên cứu khoa học.
Do ý nghĩa và tính chất quan trọng của việc hiến bộ phận cơ thể, ý chí
của người hiến phải được thể hiện một cách rõ ràng bằng văn bản, chứ
không chỉ bằng lời nói như một số giao dịch dân sự thông thường. Đồng thời
phải đăng ký hiến bộ phận cơ thể sau khi chết tại các cơ sở y tế; hoặc tại các
trường đại học y, dược đối với các trường hợp hiến xác. Người đã đăng ký
hiến có quyền thay đổi hoặc huỷ bỏ đơn đã đăng ký.
- Nguyên tắc “phi thương mại”
Đây là một nguyên tắc rất quan trọng. Việc hiến xác, bộ phận cơ thể
sau khi chết chỉ nhằm mục đích nhân đạo, chữa bệnh, giảng dạy hoặc nghiên
cứu khoa học, không nhằm mục đích lợi nhuận. Mục đích của hiến xác, bộ
phận cơ thể luôn luôn phải được đặt ra như một sự kiểm soát đặc biệt của
pháp luật đối với vấn đề có tính chất xã hội nhạy cảm này. Bởi nguy cơ các
bộ phận cơ thể người trở thành hàng hoá giao dịch trên thị trường đang hiện
hữu ngày càng rõ nét.
Nguyên tắc “phi thương mại” xuất phát từ đối tượng đặc biệt của quyền
hiến bộ phận cơ thể là “bộ phận cơ thể người”, đây là những bộ phận tạo nên
một con người hoàn chỉnh, gắn liền với sự tồn tại và phát triển bình thường
của con người, không thể là vật đem ra mua bán, trao đổi. Hơn nữa, hiến
tặng xác, bộ phận cơ thể là nghĩa cử vô cùng cao đẹp. Điều quan trọng hơn,
một khi hoạt động “bán” bộ phận cơ thể được thừa nhận sẽ dẫn đến tình
trạng hết sức nguy hiểm – những khoản lợi nhuận từ hoạt động mua bán này
có thể làm cho những kẻ chuyên kinh doanh bộ phận cơ thể người sẵn sàng

5


ép buộc, làm tổn thương người khác, thậm chí giết người để lấy bộ phận cơ
thể họ. Như thế, quyền hiến xác, bộ phận cơ thể sẽ không được đảm bảo mà
quyền con người còn bị ảnh hưởng nghiêm trọng (quyền được đảm bảo an
toàn tính mạng, sức khoẻ, thân thể bị xâm phạm, an toàn xã hội không thể
kiểm soát được).
- Nguyên tắc hiến xác, bộ phận cơ thể vì mục đích nhân đạo, chữa
bệnh, giảng dạy hoặc nghiên cứu khoa học
Nguyên tắc này có mối quan hệ chặt chẽ với nguyên tắc “phi thương
mại”. Việc hiến bộ phận cơ thể không nhằm mục đích lợi nhuận mà nhằm
vào mục đích chữa bệnh, giảng dạy hoặc nghiên cứu khoa học, trong đó mục
đích chữa bệnh là quan trọng, chủ yếu nhất vì nhu cầu lấy bộ phận cơ thể để
chữa bệnh cứu người là rất lớn, rất cấp bách.
Nguyên tắc trên xuất phát từ quan điểm coi con người là giá trị cao quý
nhất, là trung tâm của mọi chính sách, pháp luật, tất cả là vì con người, trong
đó, quyền sống là một trong những quyền cơ bản nhất của con người, là cơ
sở để thực hiện các quyền con người khác. Một trong số các biện pháp bảo
đảm quyền sống cho con người chính là tạo điều kiện cả về mặt kỹ thuật, cả
về mặt pháp lý để y học có thể cứu sống được ngày càng nhiều bệnh nhân
hiểm nghèo. Vì vậy, mục đích chữa bệnh của việc hiến bộ phận cơ thể người
cần được đặt lên hàng đầu. Bên cạnh đó, hiến bộ phận cơ thể còn nhằm mục
đích giảng dạy, nghiên cứu khoa học để ngày càng tìm ra các phương thức
chữa bệnh hiệu quả hơn, và suy cho cùng cũng là vì con người.
b. Mục đích
Mục đích của việc hiến xác và bộ phận cơ thể không phải đem lại lợi
ích cho chủ thể quyền như đại đa số các quyền nhân thân khác, mà nhằm
đem lại lợi ích cho người những người mắc bệnh, giảng dạy hoặc nghiên
cứu khoa học, không nhằm mục đích lợi nhuận. Trong đó mục đích chữa


6


bệnh là quan trọng nhất vì nhu cầu lấy bộ phận cơ thể người chữa bệnh là rất
lớn, rất cấp bách.
Hơn nữa, việc thừa nhận quyền hiến xác, bộ phận cơ thể sau khi chết
có ý nghĩa vô cùng quan trọng không chỉ đối với người cần hiến tạng là
hàng ngàn bệnh nhân đang mòn mỏi trông chờ được hiến tạng thì điều đó
còn có ý nghĩa lớn đối với bản thân những người hiến xác, bộ phận cơ thể
sau khi chết, tạo điều kiện và hành lang pháp lí cho họ thực hiện ý nguyện
giúp đỡ người khác, nhất là khi những người cần cứu chữa đó lại là những
người thân yêu của họ bên cạnh đó còn thể hiện được tình cảm, lòng nhân ái
bao dung của mình đối với người bệnh và đối với khoa học. Ngoài ra, đối
với nhà nước: việc ghi nhận quyền hiến xác, bộ phận cơ thể người sau khi
chết thể hiện sự quan tâm của nhà nước đối với quyền lợi và sức khỏe của
nhân dân, góp phần hoàn thiện, nâng cao hệ thống y tế để phục vụ ngày càng
tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân và nghiên cứu khoa học.
4. Đặc điểm của quyền hiến xác, bộ phận cơ thể sau khi chết
Quyền hiến xác, bộ phận cơ thể sau khi chết nằm trong hệ thống các
quyền nhân thân, là quyền dân sự gắn liền với một chủ thế không thể dịch
chuyển cho người khác. Tuy nhiên, do là quyền nhân thân đặc biệt cho nên
việc hiến xác, bộ phận cơ thể của cá nhân sau khi chết còn mang những đặc
trưng riêng.
a) Quyền hiến xác, bộ phận cơ thể của cá nhân sau khi chết mang
những đặc điểm chung của quyền nhân thân
Thứ nhất, quyền nhân thân luôn gắn liền với một chủ thể nhất định và
không thể dịch chuyển được cho chủ thể khác. Tuy nhiên, có một số trường
hợp nhất định có thể dịch chuyển được, những trường hợp này phải do pháp
luật quy định.


7


Thứ hai, quyền nhân thân không xác định được bằng tiền – Giá trị nhân
thân và tiền tệ không phải là những đại lượng tương đương và không thể
trao đổi ngang giá. Mỗi chủ thể có những giá trị nhân thân khác nhau nhưng
đều được bảo vệ như nhau khi các giá trị đó bị xâm phạm. Về cơ bản, chủ
thể của quyền nhân thân chỉ được hưởng lợi ích tinh thần mà không được
hưởng lợi ích vật chất. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp đặc biệt,
quyền nhân thân mang lại lợi ích vật chất cho chủ thể quyền - lợi ích vật
chất mà chủ thể quyền được hưởng ở đây chủ yếu có được là do giá trị tinh
thần mang lại, nhưng lợi ích vật chất này là không đáng kể, không thể so
sánh được với lợi ích to lớn mà người bệnh cũng như xã hội nhận được từ
việc chủ thể đó thực hiện quyền của mình. Như vậy, một trong những tiêu
chí phân loại quyền nhân thân là dựa vào yếu tố tài sản, theo đó, có thể chia
quyền nhân thân làm hai loại: quyền nhân thân gắn với tài sản và quyền
nhân thân không gắn với tài sản. Theo cách phân loại này, quyền hiến xác,
bộ phận cơ thể của cá nhân sau khi chết thuộc nhóm quyền nhân thân không
gắn với tài sản.
b) Đặc điểm riêng của quyền hiến xác, bộ phận cơ thể của cá nhân sau
khi chết
Mục đích chủ yếu của việc thực hiện quyền này không phải đem lại lợi
ích cho chủ thể quyền như đại đa số các quyền nhân thân khác, mà nhằm
đem lại lợi ích cho người khác, lợi ích cho toàn xã hội. Lợi ích mà chủ thể
quyền đạt được chủ yếu là lợi ích tinh thần, là niềm vui khi cứu sống được
người khác đang mắc bệnh hiểm nghèo hoặc niềm vui khi thấy mình cống
hiến cho sự nghiệp nghiên cứu khoa học. Lợi ích vật chất có thể có nhưng
không phải là chủ yếu.
5. Chủ thể và đối tượng của quyền hiến xác, bộ phận cơ thể sau khi

chết
- Chủ thể của quyền hiến xác, bộ phận cơ thể:
8


Chủ thể của quyền hiến xác, bộ phận cơ thể người chỉ có thể là cá nhân,
giống như chủ thể của các quyền nhân thân khác. Theo Điều 34 BLDS 2005
quy định về Quyền hiến xác, bộ phận cơ thể sau khi chết: “ Cá nhân có
quyền hiến xác, bộ phận cơ thể của mình sau khi chết vì mục đích chữa
bệnh cho người khác hoặc nghiên cứu khoa học”.
Pháp luật không có bất kỳ một sự phân biệt nào đối với các chủ thể
quyền, quyền này là quyền năng của cá nhân với tư cách là một con người,
là một cá thể trong cộng đồng xã hội. Tuy nhiên, để có thể thực hiện được
quyền này thì cá nhân phải đáp ứng được điều kiện do pháp luật quy định,
cụ thể tại Điều 5 Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy
xác: “Người từ đủ mười tám tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ
có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống, sau khi chết và
hiến xác”. Pháp luật quy định như vậy bởi quyết định hiến xác, bộ phận cơ
thể sau khi chết là một quyết định quan trọng, có ảnh hưởng lớn đối với bản
thân người hiến cũng như đối với xã hội, vì vậy đòi hỏi người hiến phải là cá
nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, đủ 18 tuổi trở lên để nhằm đảm bảo
tuyệt đối nguyên tắc tự nguyện của việc hiến xác, bộ phận cơ thể. Hơn nữa,
pháp luật quy định về độ tuổi như vậy bởi các nhà làm luật nước ta quan
niệm rằng ở tuổi đó, người hiến mới phát triển đầy đủ về tâm, sinh lý cũng
như về mặt pháp lý họ là người có đầy đủ năng lực hành vi dân sự có thể
bằng hành vi của mình tham gia xác lập các quyền và nghĩa vụ nhất định
theo quy định của pháp luật. Nếu độ tuổi là một dấu hiệu định lượng, là điều
kiện cần để hiến mô, bộ phận cơ thể thì khả năng nhận thức và điều khiển
hành vi là dấu hiệu định tính để xác định xem cá nhân đã hoàn thiện về mặt
tâm lý, về khả năng nhận thức hay chưa.

Quan hệ hiến xác, bộ phận cơ thể sau khi chết là quan hệ nhân thân,
nên phải do cá nhân tự mình tham gia xác lập và thực hiện, không thể thông
qua người đại diện. Như vậy ta thấy người đại diện của người bị mất năng
9


lực hành vi dân sự cũng không được thay mặt người được đại diện quyết
định việc hiến xác, bộ phận cơ thể. Ngoài ra còn có trường hợp đặc biệt về
Hiến bộ phận cơ thể người có liên quan đến người nước ngoài được quy
định cụ thể tại Điều 34 của Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và
hiến, lấy xác. Quy định như vậy nhằm bảo đảm cho việc quản lý chặt chẽ,
tránh tình trạng mua, bán mô, bộ phận cơ thể người. Bên cạnh đó còn thể
hiện rõ nguyên tắc “phi thương mại” trong pháp luật Việt Nam khi ghi nhận
quyền hiến xác, bộ phận cơ thể.
Thực tế trên thế giới và ở Việt Nam cũng đã xảy ra những trường hợp
việc lấy, ghép nhầm mô, bộ phận cơ thể của người hiến bị bệnh (nan y) cho
người bệnh đã gây ra những cái chết rất thương tâm hoặc trường hợp bác sĩ
lấy nhầm bộ phận cơ thể của người hiến dẫn tới tính mạng của người hiến bị
đe dọa nghiêm trọng. Do đó, để bảo đảm tính mạng, sức khoẻ cũng như tinh
thần cho người hiến, Luật đã đưa ra những quy định về hiến xác, bộ phận cơ
thể sau khi chết phải được kiểm tra sức khoẻ, tuy nhiên lại chưa quy định cụ
thể người hiến cần phải đáp ứng được điều kiện gì về sức khoẻ. Nhưng theo
quy định tại Quyết định số 43/2007/QĐ-BYT của Bộ Y tế về việc thực hiện
kỹ thuật cấy ghép thận, gan… cho người bệnh thì trong Quyết định này có
chỉ rõ là người hiến về sức khoẻ không bị mắc các bệnh nan y như: viêm
gan B, nhiễm HIV,…
- Đối tượng của quyền hiến xác, bộ phận cơ thể :
Đối tượng của quyền hiến xác, bộ phận cơ thể sau khi chết là xác người
và bộ phận cơ thể người sau khi người đó đã chết. Các khái niệm này đã
được nêu ở phần 1.

Một vấn đề quan trọng được đặt ra là những bộ phận cơ thể bị loại bỏ
khỏi cơ thể của một người thông qua giải phẫu để điều trị có được coi là đối
tượng của quyền này hay không?. Tuy nhiên theo ý kiến chủ quan của em
thì những bộ phận cơ thể người là đối tượng của quyền hiến bộ phận cơ thể
10


khi bộ phận đó có khả năng thực hiện được chức năng sinh lý bình thường
vốn có của nó.
6. Các yếu tố ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền hiến xác, bộ
phận cơ thể của cá nhân sau khi chết
a) Yếu tố kinh tế xã hội
Kinh tế phát triển sẽ có điều kiện đầu tư cho nghiên cứu khoa học,
trong đó có khoa học cấy ghép mô, bộ phận cơ thể. Mặt khác, kinh tế phát
triển phúc lợi xã hội ngày càng cao, việc hiến xác, bộ phận cơ thể người sẽ
được Nhà nước đài thọ hoặc lập quỹ để hỗ trợ các bệnh nhân; hơn nữa sẽ có
điều kiện đầu tư trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, quy mô hơn; đội ngũ chuyên
gia y tế sẽ có điều kiện tiếp thu nhiều hơn những thành tựu y học trên thế
giới. Điều này sẽ đảm bảo cho việc lấy và ghép bộ phận cơ thể có khả năng
thành công cao hơn
b) Phong tục tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo, văn hóa
Đối với vấn đề vô cùng nhạy cảm như Hiến xác, bộ phận cơ thể người
sau khi chết thì phong tục tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo, văn hóa chiếm một
vị trí vô cùng quan trọng, nó có sức mạnh điều chỉnh hành vi cũng như quan
niệm của người hiến tặng.
Tín ngưỡng dân gian của người Việt Nam mà đặc biệt là phong tục ma
chay quan niệm: cái chết không phải là sự kết thúc sự sống mà là chỉ là sự
chuyển giao từ dương gian sang âm thế. Người ta cho rằng ở âm thế, con
người vẫn sống và sinh hoạt bình thường như những người ở dương gian. Vì
vậy, họ rất coi trọng việc bảo toàn thân xác cho người chết “nghĩa tử là

nghĩa tận”, “chết là phải toàn thây”. Việc hiến xác, bộ phận cơ thể sau khi
chết khiến thân xác không được yên nghỉ, khi xuống cõi âm thân thể không
toàn vẹn và đó được coi là điều bất hạnh đối với gia đình người chết.
Theo giáo lí của Phật giáo, chỉ khi thần thức rời khỏi thể xác mới gọi là
chết, chứ không phải sau khi trút hơi thở cuối cùng, và người ta tin rằng
11


chính hoàn cảnh tử vong lâm sàng và thời gian sau đó, trước khi thần thức
thoát đi, là thời điểm then chốt quyết định sự tái sinh hoặc đầu thai của
người đó. Theo quan niệm này, tốt nhất là không được cắt xẻ thi hài trong
vòng ba ngày sau cái chết lâm sàng, nếu không nó sẽ gây ra sự rối loạn cho
tiến trình tái sinh. Vì vậy, họ rất kiêng kị việc động chạm vào cơ thể người
mới chết. Tuy nhiên, theo y học, để cấy ghép cơ thể có hiệu quả, những bộ
phận đó trong cơ thể người chết phải được cắt càng nhanh càng tốt sau khi
trút hơi thở sau cùng.
Chính những quan niệm này đã trở thành rào cản vô cùng lớn đối với
việc hiến xác, bộ phận cơ thể sau khi chết của cá nhân.
c) Yếu tố trình độ dân trí
Đây là yếu tố có tác động sâu chuỗi hầu hết các vấn đề, đảm bảo cho
quyền hiến xác, bộ phận cơ thể được quy định và đáp ứng vào thực tế phù
hợp với quy luật của cuộc sống.
Việc phát triển đội ngũ trí thức sẽ giúp xây dựng hệ thống pháp luật về
quyền hiến xác, bộ phận cơ thể người sau khi chết và có thể đảm bảo việc
thực thi luật này có hiệu quả hơn.
Khi con người có những hiểu biết nhất định về ý nghĩa của việc hiến
xác, bộ phận cơ thể sau khi chết thì những yếu tố tín ngưỡng, tôn giáo hay
các yếu tố tâm linh sẽ không còn tác động mạnh đến lý trí của họ. Và họ sẽ
tích cực tham gia vào việc thực hiện quyền này để cứu sống những người
khác hoặc để phục vụ cho mục đích nghiên cứu khoa học.

d) Rào cản từ những người thân của người hiến xác, bộ phận cơ thể
Quyết định hiến xác, bộ phận cơ thể sau khi chết là một quyết định khó
khăn không chỉ với riêng người hiến tặng mà còn với gia đình, người thân
của họ. Mất đi người thân yêu là việc hết sức đau lòng, nhưng việc chứng
kiến người thân sau khi nhắm mắt vẫn phải chịu giày vò về thể xác là việc

12


vô cùng đau xót mà không phải ai cũng dễ dàng chấp nhận ngay cả khi đó là
tâm nguyện, là di chúc của người chết.
Ví dụ một trường hợp cụ thể: Phó giám đốc Ngân hàng Mắt, bác sỹ
Nguyễn Hữu Hoàng tâm sự: “Một lần, Ngân hàng Mắt nhận được điện
thoại báo tin người tình nguyện hiến giác mạc vừa qua đời. Đó là trường
hợp bà nội hiến cho cháu. Khi làm thủ tục, các con đồng ý hết rồi, kỹ thuật
viên đang chuẩn bị dụng cụ thì có một người cháu (gọi người quá cố là bà)
vác dao xông tới ngáng đường. Người này doạ: "Ai lấy giác mạc của bà thì
chém chết! "
Ngay cả khi không vấp phải rào cản chuyên môn, không vấp phải rào
cản về mặt luật pháp và được sự chấp thuận của người đã khuất nhưng trong
một số trường hợp việc hiến xác, bộ phận cơ thể sau khi chết lại vấp phải sự
phản đối quyết liệt của những thành viên trong gia đình người đã khuất.
Trên thực tế, đối với những trường hợp này, người thầy thuốc không tiến
hành lấy xác, bộ phận cơ thể của người chết.
Đây cũng là rào cản vô cùng lớn đối với việc hiến xác, bộ phận cơ thể
sau khi chết của cá nhân.
II. Thực tế việc thực hiện quyền hiến xác, bộ phận cơ thể của cá nhân
sau khi chết ở Việt Nam hiện nay.
Với sự ghi nhận quyền hiến xác, bộ phận cơ thể sau khi chết trong Điều
34 BLDS 2005 và đặc biệt là sự ra đời của Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận

cơ thể người và hiến, lấy xác đã tạo khung pháp lí cho việc chữa bệnh và
nghiên cứu khoa học có tính quyết định việc phát triển lĩnh vực ghép mô, bộ
phận cơ thể người ở Việt Nam. Tuy nhiên, trên thực tế, việc thực hiện quyền
hiến xác, bộ phận cơ thể sau khi chết gặp phải rất nhiều hạn chế, khó khăn.
Nhưng khó khăn nhất không phải là kỹ thuật, trình độ cấy ghép mà là nguồn
mô, bộ phận cơ thể được hiến tặng thật sự khan hiếm, số lượng người hiến
bộ phận cơ thể không nhiều.
13


Từ khi Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác
có hiệu lực thi hành đến tháng 8/2010, cả nước đã tiến hành gần 300 ca ghép
thận, trong đó có 7 trường hợp lấy thận từ người chết não; khoảng 500
trường hợp ghép giác mạc và hơn 50 trường hợp ghép tế bào gốc tạo máu;
14 người được ghép gan, trong đó 13 người ghép gan từ người cho sống…
Số lượng này thực sự còn rất khiêm tốn.
Trong khi đó, ở Việt Nam, nhu cầu được ghép mô, bộ phận cơ thể
người và nhu cầu có xác chết để phục vụ việc giảng dạy, nghiên cứu khoa
học là rất lớn và đang ngày một gia tăng. Hiện nay, cả nước có khoảng 5.000
đến 6.000 người suy thận mãn cần được ghép thận. Tại Hà Nội đã có gần
1.500 người được chỉ định ghép gan nhưng không có nguồn cho nên số bệnh
nhân này đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng. Ngoài ra, nhu cầu
ghét giác mạc cũng rất lớn, theo số liệu điều tra năm 2007, thì tỉ lệ mù lòa
trong cả nước là 0,59%, tương đương với 27000 người mù do có bệnh lý về
giác mạc cần phải có giác mạc để ghép. Đến nay, cả nước có khoảng hơn
5.000 người bệnh đang chờ được ghép giác mạc. Riêng tại Viện Mắt Trung
ương, mỗi năm nhu cầu ghép giác mạc từ 500 ca/năm trở lên nhưng từ năm
1985 đến nay, Viện mới chỉ ghép được 1.500 ca, riêng năm 2004 ghép được
103 ca, năm 2005 ghép được 150 ca.
Mô hình ghép tạng từ người cho chết não là một trong những giải pháp

để có thể tăng số lượng ghép tạng. Tuy nhiên, trong khi ở các nước trên thế
giới, có tới 90% ca ghép tạng là lấy tạng từ người chết não còn 10% là từ
người cho sống thì ở Việt Nam con số người chết não hiến tặng vẫn rất ít ỏi,
chủ yếu được lấy tạng ở người sống. Tại bệnh viện Việt Đức năm 2010 có
hơn 1000 trường hợp chết não nhưng chỉ có 4 trường hợp hiến tạng. Vì thế,
từ đó tới nay, bệnh viện Việt Đức cũng mới chỉ dừng lại ở ghép tạng từ 4
người cho chết não với 1 người được ghép tim, 2 người được ghép gan, 8
người được ghép thận, 2 người được ghép van tim.
14


Mặt khác, nhu cầu về giảng dạy, nghiên cứu khoa học trên xác chết rất
lớn. Theo tiêu chuẩn, tại các trường đại học y dược, cứ 6 – 7 sinh viên có 1
xác chết để học tập, nghiên cứu giải phẫu, nhưng đến nay, cả khoá trên dưới
400 sinh viên mới chỉ có 1 xác chết, thậm chí phải dùng lại nhiều lần do
không có xác (theo báo cáo của Trường Đại học y Hà Nội, cả Trường hiện
có 22 xác chết; Trường Đại học Y Dược Tp. Hồ Chí Minh có 173 xác chết).
Ta thấy, số lượng này vô cùng hạn chế.
- Nguyên nhân của thực trạng này:
Nguyên nhân ở đây thì có nhiều nhưng nguyên nhân đầu tiên phải kể
đến là Việt Nam chưa thành lập được trung tâm điều phối quốc gia về ghép
cơ thể người, điều này đã hạn chế đến việc triển khai những quy định của
Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác. Sự chậm trễ
này bỏ lỡ nhiều cơ hội tiếp cận những nguồn bộ phận cơ thể và xác của
người có ý nguyện hiến khi còn sống, sau khi qua đời. Bên cạnh đó, ngân
hàng giác mạc chưa được hoàn chỉnh, kinh nghiệm thành lập và điều ành
hoạt động còn thiếu và yếu; chưa có đầy đủ trang thiết bị phù hợp và cần
thiết như các loại máy móc, thiết bị, phương tiện vận chuyển, bảo quản, sàng
lọc và kiểm tra. Ngoài ra nhân lực về lĩnh vực lấy, ghép giác mạc cũng chưa
được đào tạo đầy đủ.

Việc hoạt động, tuyên truyền, phổ biến ý nghĩa, mục đích nhân đạo
trong việc hiến bộ phận cơ thể người, hiến xác nhằm mục đích chữa bệnh
hoặc nghiên cứu khoa học còn rất hạn chế. Báo chí tuyên truyền về vấn đề
này cũng không được thường xuyên cho nên nhân dân hiểu biết về việc hiến
bộ phận cơ thể người và hiến xác còn rất hạn chế.
Một trong những nguyên nhân căn bản là do các quy định của pháp luật
chưa thực sự khả thi, một số vấn đề luật bỏ ngỏ, nhiều quy định còn tỏ ra
thiếu thống nhất với các văn bản khác. Cụ thể:

15


+ Luật quy định rất cụ thể về việc lấy, ghép bộ phận cơ thể người nhằm
mục đích chữa bệnh song hầu như chưa có quy phạm cụ thể nào điều chỉnh
việc hiến, lấy bộ phận cơ thể người nhằm mục đích nghiên cứu khoa học,
giảng dạy trong khi đó thực tế nhu cầu về vấn đề này hiện nay là khá lớn.
+ Luật vẫn chưa đề cập vấn đề hiến bộ phận cơ thể, hiến xác của tử tù
nhằm phục vụ cho chữa bệnh và nghiên cứu khoa học nên rất khó khăn cho
các cơ sở y tế có thể nhận xác trong trường hợp người có án tử hình muốn
hiến xác của họ cho y học. Ví dụ trường hợp tử tù Nguyễn Văn Hải xin hiến
xác nhưng không được chấp nhận.
+ Thực tế những năm vừa qua cho thấy, việc dùng tử thi vô thừa nhận
đã góp phần cứu chữa được nhiều người bệnh, đặc biệt là những người mắc
bệnh về mắt (ghép giác mạc, kết mạc)…Tuy nhiên, luật cũng chưa định
nghĩa thế nào là tử thi vô thừa nhận; tử thi vô thừa nhận khác gì với tử thi
không hoặc chưa xác định được người thân thích là ai, gây rất nhiều khó
khăn trong việc thực hiện.
+ Vai trò của gia đình trong hiến mô, bộ phận cơ thể người, hiến xác
sau khi chết là rất quan trọng. Theo luật, người hiến mô, bộ phận cơ thể sau
khi chết phải đơn tự nguyện hiến, còn nếu chết mà không có đơn tự nguyện

hiến cần phải có sự đồng ý của cha mẹ…Có thể gián tiếp hiểu rằng: những
người dù điều kiện luật định, có đơn hiến thì không cần có sự đồng ý của gia
đình. Vậy trong trường hợp người chết có đơn tự nguyện hiến nhưng sau khi
họ chết gia đình không đồng ý, liệu cơ sở y tế có quyền cưỡng hiến không?
Vấn đề này trên thực tế xảy ra rất khó giải quyết.
+ Sự cản trở từ các yếu tố tâm lý, phong tục tập quán, tôn giáo và hạn
chế trong nhận thức của người dân về quyền hiến xác, bộ phận cơ thể sau
khi chết. Đặc điểm tôn giáo và quan niệm văn hoá của người Việt “chết phải
toàn thây” đã cản trở lớn đến việc thực hiện quyền này.

16


+ Còn nhiều vấn đề xoay quanh việc thực hiện quyền hiến xác, bộ phận
cơ thể sau khi chết mà luật còn để ngỏ như: chưa quy định cụ thể về trình tự
thủ tục hiến, lấy bộ phận cơ thể, xác để nghiên cứu khoa học; chưa quy định
điều kiện đối với các tổ chức nhận xác, bộ phận cơ thể người để nghiên cứu
khoa học; chưa có quy định mở rộng đối tượng hiến xác, hiến bộ phận cơ
thể…
III. Hướng hoàn thiện pháp luật về hiến xác, bộ phận cơ thể người và
Một số biện pháp để thực hiện hiệu quả quyền hiến xác, bộ phận cơ thể
của cá nhân sau khi chết
1. Hướng hoàn thiện pháp luật về hiến xác, bộ phận cơ thể người
a. Về trình tự, thủ tục đối với người hiến xác, bộ phận cơ thế sau khi
chết.
- Cần phải sớm có quy định pháp luật về trình tự thủ tục đối với việc
hiến mô, bộ phận cơ thể người cho mục đích nghiên cứu khoa học cũng
như quy định về điều kiện đối với các tổ chức nhận xác, bộ phận cơ thể
người để nghiên cứu khoa học. Quy định này rất quan trọng bởi, hiến xác,
bộ phận cơ thể người vì mục đích chữa bệnh là biện pháp ngăn chặn hậu

quả, thì nghiên cứu khoa học lại giúp phát hiện và phòng ngừa bệnh tật.
b. Về năng lực chủ thể của người hiến xác, bộ phận cơ thể sau khi chết
- Về độ tuổi của người hiến mô, bộ phận cơ thể sau khi chết theo Điều
22 của Luật, trường hợp người chết mà không có thẻ đăng ký hiến xác, hiến
bộ phận cơ thể người sau khi chết, Luật không nên giới hạn độ tuổi là đủ 18
tuổi trở lên mà người dưới 18 tuổi cũng có thể được chấp nhận nếu được gia
đình hoặc người giám hộ hợp pháp của người đó đồng ý.
- Về năng lực chủ thể của người hiến là cần thiết trong trường hợp
người đó hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống hoặc đăng ký hiến
sau khi chết. Tuy nhiên, trường hợp mà người chết không để lại di chúc mà
gia đình họ làm đơn hiến mô, bộ phận cơ thể của con mình nhằm mục đích
17


cứu chữa người bệnh thì vấn đề năng lực nhận thức của người đó lại không
nên đặt ra, bởi cho dù người đó có thể bị rơi vào trường hợp bị tâm thần
hoặc mất năng lực hành vi đi chăng nữa thì cũng không có nghĩa là bộ phận
cơ thể nào của họ cũng bị ảnh hưởng hoặc không sử dụng được để cứu chữa
người bệnh. Do đó, không nên đặt ra vấn đề khả năng nhận thức cũng như
năng lực hành vi của người hiến trong những trường hợp như trên.
c. Về sức khỏe đối với người hiến xác, bộ phận cơ thể sau khi chết
Sức khỏe là điều kiện vô cùng quan trọng đối với người hiến trong quá
trình hiến mô, bộ phận cơ thể người nhằm cứu chữa người bệnh. Do vậy có
thể dễ dàng nhận thấy sức khỏe là điều kiện tiên quyết và quan trọng đối với
mục đích cứu chữa bệnh, bởi nó không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của
người hiến mà nó còn ảnh hưởng đến sức khỏe của người nhận ghép. Tuy
vậy, nếu sử dụng xác, bộ phận cơ thể vào mục đích nghiên cứu khoa học thì
không nhất thiết phải bắt buộc điều kiện về sức khỏe của người hiến, bởi vì
đích cuối cùng của nghiên cứu khoa học là nhằm tìm nguyên nhân và cách
thức phòng ngừa bệnh tật để cứu chữa người bệnh. Vì vậy, dù là người có

bệnh hay không có bệnh mà hiến xác, bộ phận cơ thể sau khi chết nhằm mục
đích giảng dạy và nghiên cứu khoa học thì đều có thể nhận được.
d. Quyền hiến xác , bộ phận cơ thể sau khi chết đối với tử tù
- Nên nghiên cứu quy định về điều kiện và trình tự, thủ tục cho phép
người bị tuyên tử hình có quyền hiến xác, bộ phận cơ thể của mình sau khi
chết, đây là một việc làm rất nhân văn và mang tính nhân đạo sâu sắc. Vì thế
nên có quy định về điều kiện hiến xác, bộ phận cơ thể đối với tử tù trong
trường hợp họ muốn hiến, ngoài những điều kiện chung về độ tuổi, năng lực
nhận thức, sức khỏe… thì cần phải có những quy định đầy đủ hơn nữa về
vấn đề này.
2. Một số biện pháp để thực hiện hiệu quả quyền hiến xác, bộ phận cơ thể
của cá nhân sau khi chết
18


- Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề
hiếc xác, bộ phận cơ thể sau khi chết.
- Đầu tư trang thiết bị y tế hiện đại, đào tạo đội ngũ bác sĩ có trình độ
chuyên môn cao về việc cấy, ghép tạng.
- Để giải quyết vấn đề khó khăn về tài chính cho người bệnh, Nhà nước
cần có các chính sách hỗ trợ cho vấn đề này, giúp người bệnh và gia đình họ
vượt qua khó khăn.
- Từng bước xóa bỏ các hủ tục, quan niệm lạc hậu làm ảnh hưởng xấu
đến việc thực hiện quyền này.
- Thường xuyên trao đổi kinh nghiệm với các nước tiên tiến để nâng
cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho các cán bộ y tế, cũng như những
kinh nghiệm trong việc quản lí, cơ chế chính sách của nhà nước để việc
quyền này ngày càng được người dân hưởng ứng.

KẾT LUẬN

Qua những phân tích trên chúng ta đã có thêm phần nào kiến thức về vấn
đề quyền hiến xác, bộ phận cơ thể sau khi chết. Tuy nhiên những quy định về
vấn đề này vẫn còn những tồn tại đáng kể cần phải được nghiên cứu để bổ
khuyết nhằm hoàn thiện hơn, thực hiện có hiệu quả quyền hiến xác, cá nhân
sau khi chết và tạo cơ sở pháp lý thống nhất trong quá trình thực hiện và áp
dụng Luật.
Do kiến thức còn hạn chế nên bài làm không thể tránh khỏi sai sót, em rất
mong được thầy cô góp ý để bài hoàn thiện hơn. Em xin chân thành cảm ơn!

19


DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ luật dân sự Việt Nam năm 2005.
2. Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006.
3. Luật bảo vệ sức khỏe nhân dân 1989.
4. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình luật Dân sự Việt Nam tập 1,
NXB Công an nhân dân, Hà Nội – 2013.
5. PGS.TS. Phùng Trung Tập (chủ biên), Quyền hiến, lấy xác và bộ phận cơ
thể người, NXB Hà Nội.

20



×