Tải bản đầy đủ (.doc) (12 trang)

CHỦ NGHĨA NHÂN văn TRONG TRUYỆN NGẮN NGUYỄN HUY THIỆP

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (146.1 KB, 12 trang )

CHỦ NGHĨA NHÂN VĂN TRONG TRUYỆN NGẮN
NGUYỄN HUY THIỆP
1. Nguyễn Huy Thiệp và truyện ngắn
Truyện ngắn Việt Nam 1975-2000 phát triển phong phú, đa dạng với những
tên tuổi: Lê Minh Khuê, Bảo Ninh, Nguyễn Quang Lập, Huỳnh Thạch Thảo,…nổi bật
trong số đó là Nguyễn Huy Thiệp.
Nguyễn Huy Thiệp sinh năm 1950, quê huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.
Thuở nhỏ nhà văn cùng gia đình lưu lạc khắp nông thôn đồng bằng Bắc Bộ, từ
Thái Nguyên qua Phú Thọ, Vĩnh Phúc. Năm 1960, gia đình chuyển về quê, định
cư ở xóm Cò, làng Khương Hạ, Hà Nội. Năm 1970, ông tốt nghiệp khoa sử
Trường đại học sư phạm Hà Nội và lên dạy học tại Tây Bắc đến năm 1980. Năm
1980, ông chuyển về làm việc tại công ty Kỹ thuật trắc địa bản đồ, Cục bản đồ
cho đến khi về hưu.
Tác phẩm đã xuất bản: Những ngọn gió Hua Tát (1989), Tướng về hưu
(1989), Con gái thủy thần (1992), Như những ngọn gió (tuyển tập, 1995). Ngoài ra
Nguyễn Huy Thiệp còn viết kịch: Gia đình, Còn lại tình yêu, Nhà tiên tri, Xuân
hồng, Hoa sen nở ngày 29 tháng 4.
Giống như Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Huy Thiệp đã gây sóng gió trên
văn đàn đương đại vì ông là một hiện tượng “hai lần lạ” (Vương Trí Nhàn). Ông
xuất hiện lần đầu với “Thoáng chút Xuân Hương” rồi “Huyền thoại phố
phường”. Tiếp đến, khi nhà văn “tung” ra: Tướng về hưu, Không có vua, Vàng
lửa, Kiếm sắc, Phẩm tiết, Những bài học nông thôn,… thì một số người đánh giá
đây là một tài năng truyện ngắn cuối thế kỉ XX. Ý kiến khen chê Nguyễn Huy
Thiệp rất ngược chiều nhau và rất nhiều. Năm 2001, Nhà xuất bản văn hóa –
thông tin ra mắt cuốn sách “Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp” (do Phạm Xuân Nguyên
sưu tầm, biên soạn, giới thiệu).
Viết văn, Nguyễn Huy Thiệp tuân theo những tín điều của mình: “Cuộc
sống bình thường vẫn tẻ nhạt, loanh quanh trong mấy việc bán mua, sinh tồn, đi
lại,…Cái đẹp đẽ, phi thường quá ít. Văn học vốn bao giờ cũng làm cho cái bình
thường ấy quá quắt lên. Chỉ sao chép những điều có thể xảy ra là cách viết đã giam
hãm văn chương bấy lâu. Cần phải có ngòi bút dám vượt lên trên cái bình thường


ấy. Đẩy mọi sự đến trạng thái khác thường cũng chỉ là một trong nhiều thủ pháp
của văn chương xưa nay. Riêng ở tôi, điều này hơi khác: tôi chủ trương chỉ cần
khắc họa con người ở mức tầm thường, tự nó, những con người ấy, biết khơi gợi
cho bạn đọc những điều lớn hơn. Theo tôi, không biết cái tầm thường thì người ta
không bao giờ biết đến cái vĩ đại”. (Báo thể thao- văn hóa, ngày 17-5-2002).
Sức hấp dẫn của văn Nguyễn Huy Thiệp là ở sự đa dạng của phong cách,
sự biến ảo của bút pháp, lôi cuốn người đọc thăng hoa cùng nhà văn. Các nhà
nghiên cứu, phê bình đã chỉ ra 4 đặc điểm phong cách Nguyễn Huy Thiệp: tính
1


hiện đại, cảm hứng huyền thoại, hệ thống mở trong cấu trúc tác phẩm và tính đa
nghĩa của hình tượng. Nguyễn Huy Thiệp cũng là nhà văn góp phần làm cho
truyện ngắn đa dạng về hình thức: truyện ngắn-giả cổ tích (Những ngọn gió Hua
Tát), truyện ngắn-kịch (Sang sông), truyện ngắn trong truyện ngắn (Thoáng chút
Xuân Hương, Con gái thủy thần). Mỗi truyện ngắn của ông đều như “khối thuốc
nổ” làm tan vỡ mọi nếp suy nghĩ bình thường của độc giả. Một nhà nghiên cứu đã
nhận định: “Hiện tượng Nguyễn Huy Thiệp là sản phẩm tất yếu của sự gặp gỡ
giữa tài năng với khát vọng dân chủ và đổi mới mà sự vận động ý thức xã hội cũng
như văn học sau 1975 đem lại. Một hiện tượng như thế khó có thể xuất hiện sớm
hơn và việc nó gây tranh cãi là điều dễ hiểu, là dấu hiệu đáng mừng của không khí
cởi mở, dân chủ và thị hiếu mới của công chúng” (Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp,
trang 545).
Truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp có sức mạnh khó cưỡng lại được.
Trước hết là cốt truyện ly lỳ. Tác giả thường dựng lên những cuộc phiêu lưu của
nhân vật này, nhân vật nọ, để mượn cớ đưa người đọc vào những thế giới đầy
cảnh lạ, chuyện lạ: vào rừng xem săn bắt khỉ, bắt gấu, về nông thôn xem thả diều,
bắt cá, đánh vật,…Nhà văn còn đưa người ta vào quá khứ, vào lịch sử. Một nét
hấp dẫn nữa trong tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp chính là ngôn ngữ: “Một
thứ ngôn ngữ táo tợn đôi khi như là đột nhiên lột truồng những ý nghĩ, những

thèm khát mà con người ta vẫn thường có nhưng cứ phải che che đậy đậy” (Nhà
văn VN hiện đại- chân dung và phong cách, Nguyễn Đăng Mạnh, Nhà xuất bản
văn học, trang 313). Ngoài ra, Nguyễn Huy Thiệp có một thế giới nhân vật độc
đáo: những con người góc cạnh, gân guốc. Có loại như chui lên từ bùn lầy, rác
rưởi, tâm địa đen tối, có loại như những bậc chí thiện, có thể bao dung cả kẻ xấu,
người ác, thậm chí sẵn sàng chết vì đồng loại. Có những nhân vật thường có cả
hai mặt thiện và ác, đúng ra là chứa đựng cả thú tính lẫn nhân tính, một mặt đầy
bản năng thô bỉ, mặt khác, từ một khía cạnh nào đó của tâm hồn, thỉnh thoảng
vẫn lóe lên ánh sáng của lương tâm, lương tri. Chính điều này đã tạo cho tác
phẩm của Nguyễn Huy Thiệp đầy chất nhân văn.
2. Quan niệm về chủ nghĩa nhân văn
Từ sau năm 1986 khái niệm chủ nghĩa nhân văn được đề cập ngày càng nhiều
hơn trong nghiên cứu và phê bình văn học. Thật ra thì chủ nghĩa nhân văn không phải
là một khái niệm quá mới (như khái niệm thi pháp) đối với văn học Việt Nam. Bởi đã
có một số quan niệm trước đây xem chủ nghĩa nhân văn như chủ nghĩa nhân đạo hoặc
chủ nghĩa nhân bản. Ðiều này không hoàn toàn sai vì giữa ba khái niệm: nhân đạo,
nhân văn và nhân bản có những điểm chung nhất định. Mặt khác ta đã biết chủ nghĩa
nhân đạo là một trong những nội dung lớn của nền văn học Việt Nam. Ðến đây có thể
khẳng định rằng: Chúng ta đã từng bàn đến chủ nghĩa nhân văn trong văn học Việt
Nam nhưng được hiểu ở khía cạnh này hoặc khía cạnh khác. Ðể có cái nhìn thấu đáo,

2


đầy đủ về chủ nghĩa nhân văn, cũng như những biểu hiện của nó trong văn học việt
Nam, chúng tôi xin được nêu lên một số quan niệm về chủ nghĩa nhân văn.
Theo “Từ điển thuật ngữ văn học”: Xét ở cấp độ thế giới quan thì chủ nghĩa
nhân văn là một hệ thống những quan điểm, tư tưởng, tình cảm về các giá trị con
người, đó là trí tuệ, phẩm giá, sức mạnh, tâm hồn và cả hình thể; hay nói khác đi là cái
nhìn về con người ở nhiều phương diện và bao hàm cả cách đánh giá. Còn xét ở cấp độ

lịch sử thì chủ nghĩa nhân văn là một trào lưu văn hóa, tư tưởng vì quyền lợi con người
cá nhân: giải phóng con người, ngợi ca con người, đề cao những khát vọng, sức mạnh
tiềm năng của con người.
Trong khi đó, “ Từ điển văn học” lại cho rằng: Chủ nghĩa nhân văn là một hệ
thống quan điểm triết học, đạo đức, xã hội,… coi con người là một thực thể trần thế
gắn liền với xã hội, xem con người là trung tâm của thế giới, của xã hội.
Hồ Chí Minh quan niệm: chủ nghĩa nhân văn chính là lòng khoan dung, độ
lượng của con người đối với con người. Theo Võ Nguyên Giáp (khi nói về Hồ Chí
Minh), đó là lòng yêu thương con người gắn với lòng tin không bờ bến và tuyệt nhiên
nó không phải là lòng thương hại. Giáo sư Ðặng Thai Mai thì lại cho rằng: đó là một
hệ thống tư tưởng lấy cõi người và con người làm trung tâm. Có nghĩa là con người là
trung tâm của mọi vấn đề, lấy con người làm thước đo cho mọi giá trị. Vonghin khẳng
định: Chủ nghĩa nhân văn phải bắt nguồn từ thực tế đời sống, phục vụ nhu cầu, khả
năng trần thế và những nhu cầu ấy phải được thỏa mãn.
Mác quan niệm: Chủ nghĩa nhân văn là yêu cầu kính trọng con người và tạo
điều kiện thuận lợi để nâng cao năng lực, quyền sống của con người.
Từ một số quan điểm như trên có thể khẳng định: Dù xem chủ nghĩa nhân văn
là một trào lưu văn hóa, tư tưởng hay là một hệ thống quan điểm triết học thì chủ nghĩa
nhân văn đều hướng đến việc giải phóng con người, xem con người là mục đích cao
nhất trong đời sống và sự phát triển của xã hội. Nó đánh giá, nhìn nhận một cách đúng
đắn về năng lực con người để từ đó tạo mọi điều kiện cho việc phát huy tối đa năng
lực vốn có của con người. Có thể nói chủ nghĩa nhân văn là quan niệm về con người
với hai chữ viết hoa “ CON NGƯỜI”.
3. Chủ nghĩa nhân văn trong một số truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp
3.1. Đặt con người ở vị trí trung tâm.
Khi đặt con người vào vị trí trung tâm, Nguyễn Huy Thiệp đặc biệt chú ý đến
vấn đề giải phóng cá nhân, đề cao cá tính, tôn trọng giá trị con người. Truyện ngắn của
ông dựng lên một cõi người đa dạng và người nào dường như cũng sống đến tận cùng
cá tính của mình, được thoải mái nói lên tư tưởng của mình. Thế giới nhân vật của ông
rất đa dạng: có người tốt kẻ xấu, có người cao thượng kẻ đê hèn, lại có kẻ suốt đời

mang trong mình nỗi cô độc khủng khiếp. Tuy nhiên ông nhìn thấy ở mỗi nhân vật,
tâm hồn họ không hề đơn giản một chiều mà sâu kín, rối rắm nhiều chiều. Bên trong
mỗi bản thể nhỏ nhoi ấy bao giờ cũng tồn tại hai mặt đối lập: đẹp-xấu, thiện-ác, cao
cả-thấp hèn, trong sáng-tối tăm, hạnh phúc-đau khổ… Con người có lúc là thần thánh
3


song cũng có lúc là quỷ dữ. Ai dám bảo một người lương thiện không có lúc suy nghĩ
đê tiện? Ai dám bảo một một người độc ác lại không có lúc lấp lánh trong tâm hồn ánh
sáng của thiên lương? Trên hành trình khai bút, Nguyễn Huy Thiệp len lỏi vào những
nẻo sâu kín nhất trong nội tâm nhân vật, nhìn thấy những biểu hiện dù nhỏ nhất lóe lên
trong tâm hồn họ. Ông Bổng trong “Tướng về hưu” lỗ mãng, táo tợn là vậy mà bật
khóc vì được gọi là người: “Thế là chị thương em nhất. Cả làng cả họ gọi em là đồ
chó. Vợ em gọi em là đồ đểu. Thằng Tuân gọi em là đồ khốn nạn. Chỉ có chị gọi em là
người”. Nhà văn đã nhập vai vào nhân vật “mẹ tôi” để bênh vực rằng: không nên chà
đạp, miệt thị con người, phải biết nhìn nhận sự tồn tại của con người. Con người sống
trên đời phải được quý trọng bởi lẽ: “Người ta là hoa đất”. Và chính ông Bổng cũng đã
thể hiện một hành động rất người: khóc òa lên như một đứa trẻ với cảm xúc thật sự
đang dâng trào. Lão Kiền trong “Không có vua” đốn mạt đến chừng nào khi rình xem
con dâu tắm, bị phát hiện lão đánh bài ngửa “Tao chẳng cần. Đàn ông chẳng nên xấu
hổ vì có con b…” nhưng khi lão thẳng thừng thừa nhận “Làm người nhục lắm” thì ta
thấy có cái gì xót xa, thông cảm và thấy lão cũng đáng thương chứ không chỉ đáng
ghét. Nhân vật Bường trong “Những người thợ xẻ” điêu trá, thủ đoạn đúng như lời
mai mỉa dân gian “kéo cưa lừa xẻ”. Hắn định hiếp dâm con gái lão Thuyết, bị Ngọc
phát hiện lại trơ trẽn mở mồm triết luận: “Mày chẳng hiểu gì. Ai lại đi tính tuổi bướm
bao giờ. Một bà già hay một cô gái đều hệt như nhau”. Vậy mà có lúc chính hắn lại
nói những câu đầy nhân tính: “Bà chị không coi chúng em là súc vật! Chúng em phận
hèn, của cải chẳng có, chúng em mắc nợ nghĩa tình thì khốn nạn lắm!”. Trong “Sang
sông”, không ai ưa tên cướp "Mọi người trên đò lặng ngắt". Trông tướng mạo hắn dữ
dằn, bất lương, ông giáo xếp loại ngay: “Người với ngợm, trông như tướng cướp”. Đã

là tướng cướp thì dứt khoát hắn không làm việc thiện. Vậy mà hắn đã làm. Hắn cứu
chú bé. Khi thằng bé găp nạn hắn đã nói với tên buôn đồ cổ “Thôi đi! Trẻ con là tương
lai đấy! Làm gì cũng phải nhân đức hàng đầu” và dùng chiếc côn đập bể chiếc bình cổ
cứu chú bé tội nghiệp. Trong trường hợp này hắn lại nhân tính hơn bất cứ người nào
trên đò. Hắn là tên cướp rất người.
Ngòi bút Nguyễn Huy Thiệp không dừng lại ở đó. Ông nhìn các nhân vật lịch
sử mà xưa nay văn học đưa lên bệ để thờ để xưng tụng ở khía cạnh đời tư phàm tục.
Trong “Phẩm tiết”, người ta nhìn thấy vua Quang Trung, người anh hùng áo vải cờ
đào, cũng có lúc có những cảm xúc rất người trước sắc đẹp của cô Vinh Hoa: “Nhà
vua thấy Vinh Hoa, thốt nhiên rùng mình, hoa mắt, đánh rơi cốc rượu quý cầm tay”.
Bên cạnh đó nhà văn đã để cho vua Gia Long bộc lộ một cảm xúc rất thật: Vua nói với
Trần Văn Thành: "Bậc đế vương giữ nước là ở tinh thần, còn giữ mình là ở thể xác".
Thế là nhà vua thích con người thứ hai hơn, nhưng lại cần con người thứ nhất hơn. Lại
nói với Vinh Hoa: “Sứ mệnh đế vương thật là sứ mệnh khốn nạn, chỉ được quyền cao
cả, không được quyền đê tiện”.
Bên cạnh đó Nguyễn Huy Thiệp luôn có thái độ cảm thông, nhân hậu, bao dung
đối với con người. Ngay cả đối với nhân vật đốn mạt nhất, ông cũng không tuyệt vọng
4


về họ. Lão Kiền trong “Không có vua” đốn mạt là thế nhưng khi chết thì “trên môi
thấp thoáng nụ cười, trông rất hiền lành, trung hậu”. Đặc biệt trong “Không có vua”,
lòng tin của tác giả lại đặt vào Khiêm-làm nghề đồ tể, bị mọi thành viên trong gia đình
khinh rẻ, nhưng lại rất cao cả trong cách cư xử với Tốn-đứa em trai bị bệnh tâm thần
-và người cha bị bệnh tật. Khi em trai bị nhốt vào cái buồng cạnh nhà xí, Khiêm hành
động quyết liệt, dữ dội : “Khiêm cầm cái gạt tàn thuốc lá trên bàn ném vào mặt Cấn.
Cấn kêu “ối” một tiếng rồi ngã lăn ra. Khiêm xô vào đạp túi bụi”. Mặc dù bề ngoài
thô lỗ nhưng Khiêm để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc với hành động hiếu
thảo: hành động thức cả đêm để đọc kinh cho cha “Khiêm vào đọc kinh…Mười một
giờ đêm, mọi người đi ngủ. Khiêm vẫn ngồi đọc. Đọc đi rồi lại đọc lại. Đại ý bài kinh

xin đức Phật giải tội cho người sắp chết, để nghiệp chướng cho người sông chịu, lời lẽ
khó hiểu. Suốt đêm Khiêm ngồi đọc, lạc cả giọng”. Cuối tác phẩm trong buổi tiệc,
Sinh nói :"Khổ chứ. Nhục lắm. Vừa đau đớn, vừa chua xót. Nhưng thương lắm”.
“Thương lắm” cũng chính là lời của tác giả muốn thể hiện cái nhìn bao dung có quá
nhiều thói hư tật xấu. Trong tác phẩm “Sang sông”, chàng trai trên chuyến đò có
những hành động khiếm nhã, khó chấp nhận được ở nơi đông người, song anh lại là
người tốt:“Chàng trai đẩy nhà thơ ra, anh tháo chiếc nhẫn ở tay chìa cho tên mặc áo
carô. Anh nói, giọng như ra lệnh: Các người bỏ thằng bé ra!”. Nhà văn đã đặt con
người vào tình huống có vấn đề để họ bộc lộ đúng bản chất. Cũng trong tác phẩm này,
Nguyễn Huy Thiệp coi con người là quý giá nhất trên cõi đời, quý hơn cả quá khứ đài
các, hơn cả lịch sử ngàn năm, hơn cả bạc tiền: tên cướp đã đập vỡ chiếc bình cổ để cứu
lấy cánh tay đứa bé. Chính vì trân trọng con người, xem con người là tinh hoa của tạo
hóa, là kiểu mẫu của muôn loài nên Nguyễn Huy Thiệp đã để cho chị Thục nói với
Bường như một phương châm về cuộc sống: “Nghĩa tình lại chuộc nghĩa tình. Vô sự
với tạo hóa, trung thực đến đáy, dù có sống giữa bùn, chẳng sợ không xứng là người”.
Ngoài ra, nhà văn còn dành cho những nhân vật không mai một sự cảm thông
vô hạn. Ông đã nhìn thấy ở họ vẻ đẹp sáng ngời về nhân cách con người. Ông Cơ
trong “Tướng về hưu” nghèo khổ nhưng tốt bụng, chịu thương, chịu khó, trung thực
cho dù thân phận là người ở. Với người như ông Cơ, làm lụng cực khổ vậy mà cũng cố
dành dụm ít tiền để về quê bốc mộ cho vợ. Với ông “nghĩa tử là nghĩa tận, cáo chết
ba năm quay đầu về núi”. Cô con gái của ông, cô Lài, mặc dù gàn dở, ngờ nghệch
nhưng tình cảm đối với mọi người, hành động trong cuộc sống lại hết sức trong sáng
và chân thực. Cô biết quan tâm đến người khác, biết yêu quý trẻ con, và biết cười bẽn
lẽn khi được khen đặc biệt là cô biết khóc, khóc thật sự trước cái chết của bà cụ. Trong
thế giới “ Không có vua” của gia đình lão Kiền, giữa lúc mọi giá trị bị lật nhào, mọi
tôn ti sụp đổ, người ta nhìn thấy ở Tốn-đứa trẻ bị bệnh tâm thần, người teo tóp, dị
dạng-một tâm hồn trong sáng. Chỉ có Tốn là đối xử với Sinh bằng lòng tốt vô bờ bến
và cũng chỉ có nó là không chịu được bẩn, “suốt ngày lau sàn nhà, giặt giũ.”
Sinh (Không có vua), Ngô Thị Vinh Hoa (Phẩm tiết), đều có những phẩm chất
tốt đẹp của người phụ nữ đã góp phần tạo nên cái gọi là “nguyên tắc tính nữ ” trong

5


toàn bộ truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp. Các nhân vật này không hề bị lu mờ, lấn
át. Họ vẫn mang dáng dấp của nét đẹp riêng. Họ vẫn tồn tại trước sự thực dụng đang
diễn ra đến táo tợn trong gia đình và cả ngoài xã hội. Họ vẫn giữ được những giá trị
đích thực của con người.
Tôn trọng con người, Nguyễn Huy Thiệp trân trọng cả cuộc sống này, ông xem
cõi đời, cõi người, cuộc sống thực ở trần thế này mới là đáng sống, đáng trân trọng.
Bường-một nhân vật từng trải trong “Những người thợ xẻ”-đã có lúc nghĩ rằng: “…
đời chán lắm, sống cũng vậy mà chết cũng vậy…” nhưng lại thừa nhận câu nói “cái
Đẹp là cuộc sống” và bảo người chuyên giảng dạy mĩ học nhưng ít kiến thức về cuộc
sống “về bú tí mẹ”. Tương tự như thế, Đoài trong “Không có vua” cũng kính cẩn
trong tiệc mừmg cháu gái “Cốc rượu này tôi dâng cuộc sống. Rượu vừa ngọt vừa cay.
Ai chấp nhận cuộc sống thì cầm lên cho. Cuộc sống dù khỉ gió nhưng đẹp tuyệt vời”.
Ta thấy cách viết, cách nhìn của Nguyễn Huy Thiệp có lúc chịu sự phê phán gay
gắt từ dư luận, nhưng phải nhìn nhận rằng, xây dựng thành công con người ở địa vị
một người, rất người, Nguyễn Huy Thiệp đã chạm được đến chỗ trung thực nhất trong
bản chất con người. Nhà văn đã khám phá được con người ở chiều sâu nhân bản nhất.
3.2. Quan tâm đến thới giới bên trong của con người
Trong truyện ngắn của mình, Nguyễn Huy Thiệp luôn có ý thức tôn trọng, đề
cao những ước mơ, những khát vọng, đi sâu vào đời sống nội tâm của con người.
Nhiều lần nhà văn đã nói đến những ước mơ, những khát vọng của con người. Có lẽ
ông đã nhìn thấy và cho rằng: mơ mộng không phải là xa rời thực tế, là quên đi hiện
thực, mà sẽ là động lực giúp con người vượt qua hoàn cảnh khắc nghiệt, chắp cánh cho
họ tới tương lai sáng sủa hơn. Điều này thể hiện khá rõ trong “Những người thợ xẻ”,
cả năm con người cùng lên mạn rừng Tây Bắc với hi vọng đổi đời: “Bằng ngày này
sang năm, ngồi ở đây, tao xin hứa mỗi thằng một con gà tần”. Mục đích ra đi của mỗi
cá nhân có thể khác nhau (Bường : muốn kiếm tiền để nuôi vợ con, chăm sóc người
cha đau yếu, bệnh tật, Ngọc: lên rừng để quên đi thất bại trong thi cử,…) nhưng chung

quy lại họ vẫn mong muốn cuộc đời đổi thay theo chiều hướng tốt đẹp: “Chúng tôi cứ
đi, đi mãi…Tôi biết chắc chắn ở trước mặt tôi đấy là cổng trời, là cổng Thiên
đường…” . Hay ở cuối tác phẩm “Không có vua”, trong tiệc mừng đầy tháng con của
Sinh, mọi người đều hi vọng vào tương lai tốt đẹp đang đợi chờ phía trước, đều đặt hết
sự kì vọng vào đứa trẻ sơ sinh: “Vì đứa trẻ mới sinh ra kia, vì tương lai nó”. Những
con người với đủ thói hư tật xấu nhưng tất cả đều đặt niềm tin vào thế hệ tương lai. Và
ước mơ, khát vọng còn biểu hiện ở nhân vật nhà sư trong “Sang sông”: “Không sao!
Muốn đi là được. Ngày xưa, đức Bồ Đề Lạt Ma còn sang sông trên một cọng cỏ cơ
mà” và nhà sư ấy thầm thì đọc câu thần chú: “Gate gate! Para gate! Para para san
gate!”. Vị sư không “sang sông”, bị suy sụp về lí tưởng Bồ Tát nhưng vẫn còn nuôi hi
vọng ngày nào đó con người sẽ giác ngộ lí tưởng cao siêu của Phật giáo.
Cũng nói về đời sống nội tâm, Nguyễn Huy Thiệp còn khắc họa rõ nét sự cô
đơn của con người. Đó là sự cô đơn trong tinh thần, tâm lí. Trong “Tướng về hưu”, cả
6


nhà trí thức sống chung với nhau trong căn biệt thự sang trọng nhưng họ không thể
nào hòa nhập vào đời sống chung mà mỗi người là một thế giới riêng. Ta cảm nhận rõ
nhất là sự cô đơn, lạc loài của ông tướng Thuấn khi trở về đời thường. Ông Thuấn là
sản phẩm của chiến tranh, đã từng chiến đấu, ăn, ở cùng quân đội hơn nửa đời người.
Thế nên khi được về hưu, sống giữa làng quê yên bình, con cháu đông đủ, ông vẫn
cảm thấy lạc loài, cô đơn. Mang tâm thức của một người lính trong thời chiến, ông
không hòa nhập vào cuộc sống đương đại với sự phôi thai của nền kinh tế thị trường.
3.3. Nhìn nhận con người là một bộ phận của tự nhiên, phát triển theo quy
luật tự nhiên.
Biểu hiện này trong sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp trùng khít với quan niệm
mác xít: văn học phải bảo vệ quyền sống và bảo vệ môi trường tự do của con người,
quan tâm đến sự hình thành, hoàn cảnh, quan tâm đến năng lực con người có thể phát
triển. Là một bộ phận của tự nhiên, con người phải phát triển theo quy luật tự nhiên,
những gì trái tự nhiên là phi nhân văn. Chính vì lẽ đó, trong “Tướng về hưu”, khi mẹ

chồng ốm liệt giường, bỏ ăn, dốc nhanh, người chồng định cho mẹ uống sâm, Thủy
can: “Đừng đổ sâm, khổ cho mẹ”. Tương tự như thế, ở cuối tác phẩm “Không có
vua”, Đoài bảo “ Các bác già chết có gì là lạ”. Thật vậy, sinh- lão- bệnh- tử là qui luật
của cuộc đời. Không được đi theo qui luật mới là bi kịch, là “tiền oan nghiệp chướng”.
Lão Kiền chẳng phải đã đau đớn, khổ sở vì chờ mãi mà không được chết đấy sao? Lão
đã phải rên rỉ van xin “Cho tôi chết đi, đau đớn lắm” và biết bao nhiêu lời kinh Vô
thường, bao lời “xin đức Phật giải tội cho người sắp chết, để nghiệp chướng cho
người sống chịu..” lão mới được thanh thản ra đi, trên môi thấp thoáng nụ cười. Qua
những điều đó, Nguyễn Huy Thiệp đã gởi đến người đọc thông điệp: hãy để cho con
người phát triển theo quy luật sinh- trụ- dị- diệt vốn có, đừng can thiệp một cách thô
bạo vào tạo vật, đừng “hành xác” con người. Hãy để họ “ra đi” nhẹ nhõm, bình an!
Ngoài ra, nhà văn còn nhìn nhận quy luật “vật chất quyết định ý thức”. Trong
các tác phẩm, ông luôn đề cập đến vật chất: “cô Sinh mang theo bốn bộ quần áo mỏng,
một áo dạ mặc rét…, tóm lại là một đống tiền”. Sau mỗi trận ẩu đả của các con, lão
Kiền ngồi lẩm bẩm tiếc tiền. Thủy (Tướng về hưu) làm kinh tế để gia đình được sống
sung túc,…Nguyễn Huy Thiệp nhiều lần đề cập đến đồng tiền nhưng không phê phán
nó một cách triệt để. Ông đã nhìn ra giá trị vật chất: nếu có tiền, con người ta sẽ giải
quyết được các vấn đề, sẽ sống tốt hơn. Thật vậy, trong “Không có vua”, nhờ tiền mà
Khiêm báo hiếu một cách thiết thực trong những ngày cha nằm viện “chú Khiêm đưa
một lần một nghìn, một lần tám nghìn, một lần năm nghìn”. Có lẽ nhờ những đồng
tiền ấy, lão Kiền được kéo dài sự sống. Khiêm cũng dùng tiền để thể hiện tình cảm của
mình “năm mới chúc chị Sinh sức khỏe may mắn. Mừng tuổi chị một nghìn, chị cầm
lấy để cho có lộc”. Chính sự quan tâm này của em chồng đã làm Sinh “rớm nước mắt”
vì xúc động. Nguyễn Huy Thiệp nhấn mạnh đến giá trị của đồng tiền qua mẩu đối
thoại giữa Khiêm và Tốn: “Tốn hỏi: tiền là gì? Khiêm bảo: là vua”. Quả thật không
thể không công nhận sức mạnh của đồng tiền. Còn đồng tiền tác động tích cực hay tiêu
7


cực không phải do bản thân nó mà do con người sử dụng. Trong “Những người thợ

xẻ”, tiền cũng đem đến cho Bường một niềm vui không nhỏ khi hắn “đã linh động bán
đi mười hai cái cột với bảy hộp gỗ, được từng này…từng này…tiền”. Hắn vui sướng
thốt lên “ Đời xôm thật! Thế mới gọi là hạch toán kinh tế chứ!”
Nguyễn Huy Thiệp còn đề cập đến nhu cầu sinh lí của con người trong cuộc
sống đời thường. Những nhân vật của ông phần lớn chịu sự chi phối bởi nhu cầu ấy.
Một trong những đoạn mở đầu của tác phẩm “Không có vua”, khi giới thiệu về “gia
cảnh” nhà chồng cô Sinh, tác giả đã lưu ý: Lão Kiền góa vợ lúc 53 tuổi và nhìn nhận
“cái tuổi oái ăm, lấy vợ nữa cũng dở, không lấy vợ nữa cũng dở. Lão Kiền chọn cái dở
ít hơn, ở vậy… ”. Phải chăng lời giới thiệu ấy đã góp phần lí giải cho hành động của
lão sau này? Có một chút ngập ngừng, một thoáng xấu hổ “nghe tiếng dội nước ở
trong buồng tắm, thở dài, bỏ lên nhà” nhưng cuối cùng, nhục cảm ở con người lão đã
thắng thế “Đi vài bước, lão Kiền quay lại, vào trong bếp, bắc chiếc ghế đẩu, trèo lên
nín thở ngó sang buồng tắm. Trong buồng tắm, Sinh đứng khỏa thân”. Lão có biện
bạch nhưng cũng phải thừa nhận đó là hành vi xấu xa mà con người khó có thể cửa lại
nhu cầu của xác thịt: “Làm người nhục lắm”. Những lời chân tình ấy đã làm cho Đoài
dần dần thay đổi thái độ và cả cách xưng hô với bố từ “tôi” sang “bố với con”. Điều
gì đã khiến hai cha con nhanh chóng thông cảm cho nhau đến thế? Phải chăng là tiếng
nói của nhu cầu sinh lí ở đàn ông? Đoài cũng có cao cả, tốt đẹp gì. Đoài đã bao lần
chòng ghẹo, tán tỉnh, thậm chí đòi ngủ với chị dâu và trỗi lên ham muốn khi thấy
“khoảng ngực lõm ở ngực chị dâu, nơi chiếc khuy bấm vừa buột ra, bâng quơ: “ Tình
ơi tình, mình ơi mình, tình hở hang lắm cho mình ngẩn ngơ”. Nhân vật Bường trong “
Những người thợ xẻ” định giở trò với Quy, Nguyễn Huy Thiệp nhìn nhận hành động
ấy ở góc độ sinh lý, bản năng của con người . Đó cũng là nhu cầu muốn được giải tỏa
của một thằng “đàn ông” sau bao ngày tháng xa vợ. Để rồi anh ta phải thừa nhận rằng
“Mày có thấy thậm ngu không, hai thằng đàn ông tự dưng lại đi đánh nhau vì một con
đàn bà. Chẳng ra sao cả”. Có lẽ vì thế mà Nguyễn Huy Thiệp không để cho các nhân
vật nhắc lại việc Bường giở trò với Quy nói đến vấn đề đó trong những lần Bường gặp
lão Thuyết sau đó Đôi tình nhân (Sang sông) trơ mặt ra trước cái nhìn dè biểu của mọi
người, không còn thẹn thùng, xấu hổ vì đang làm theo nhu cầu của thân xác đòi hỏi?
Cả Quang Trung, Nguyễn Ánh, Vũ Văn Hoàn trong “Phẩm tiết” cũng thế, đều trở nên

tầm thường trước sắc đẹp của Vinh Hoa. Nguyễn Huy Thiệp nhìn thấy nhu cầu sinh lí
trỗi dậy ở nhiều người? Cái hay, cái nhân đạo của ông là ông không đồng tình nhưng
không biểu hiện một cách cực đoan. Ông thấu hiểu và ông lí giải, gợi ý để mọi người
hiểu cho con người vốn nhỏ nhoi, yếu đuối trước con người bản năng trong cuộc sống.
Tuy nhiên, quan niệm của nhà văn rất rõ ràng: hiểu để thương, để thông cảm, để tha
thứ chứ không phải để dung túng, để làm theo.
3.4. Phản ánh cái xấu, cái bất nhân, phi nghĩa.
Diện mạo thật của cuộc sống là muôn màu, muôn vẻ. Cuộc sống đâu chỉ có cái
đẹp, cái cao cả mà còn là một cõi tục hoang sơ, trì đọng, một thế giới hỗn tạp xô bồ mà
8


ở đó có những con người bạc ác, đểu cáng, có những con người vụ lợi, dối trá. Nguyễn
Huy Thiệp dùng phần lớn dung lượng tác phẩm của mình để viết về kiểu người đê tiện,
thực dụng. Đây là kiểu nhân vật bị thoái hóa về nhân cách, bị vấy bẩn về tâm hồn,
sống độc ác và tàn nhẫn. Họ lấy đồng tiền, lấy quan hệ vật chất làm thước đo cho mọi
giá trị. Họ tham lam, ích kỉ, thực dụng một cách tỉnh táo và vụ lợi một cách bỉ ổi.
Trong tác phẩm “Không có vua”, ngòi bút của Nguyễn Huy Thiệp đã mạnh mẽ hơn
khi phản ánh cái xấu, cái bất nhân phi nghĩa. Ngòi bút tàn nhẫn ấy phơi bày đến cùng
sự đốn mạt của con người. Gia đình lão Kiền là một thế giới thu nhỏ, một cõi nhân
gian không còn tôn ti trật tự. Mọi chuẩn mực truyền thống của một gia đình Việt
dường như bị triệt tiêu hoàn toàn khi lão Kiền bắt ghế lén xem con dâu tắm, lại biện
bạch cho hành động của mình “Bây giờ tao nói chuyện đàn ông với mày…Đàn ông
chẳng nên xấu hổ vì có con b…”. Lão hoàn toàn thản nhiên trước mâu thuẫn của các
con “Chúng mày giết nhau đi, ông càng mừng”. Đạo đức hoàn toàn biến mất khi
Đoài- một người công tác ở ngành giáo dục, chòng ghẹo, đòi ngủ với chị dâu, ghen cả
với bố. Người đọc không thể không giật mình thảng thốt trước cái lối biểu quyết bố
chết của Đoài: “Ai đồng ý bố chết giơ tay, tôi biểu quyết nhé”. Lão Kiền chết là niềm
hạnh phúc đối với Đoài: “Ông cụ đi rồi. Thật may quá. Bây giờ tôi đi mua quan tài”.
Sự sa đọa về phẩm chất đã đẩy con người đến chỗ đốn mạt. “Không có vua” như một

tiếng chuông cảnh tỉnh cho sự xuống cấp trầm trọng của đạo đức con người. Cũng qua
tác phẩm này, qua Đoài, qua Khảm, Nguyễn Huy Thiệp cũng đã đặt ra vấn đề: phải
chăng những người có học, có giáo dục cần được giáo dục.
Nguyễn Huy Thiệp không sợ thế nhân đau nên đã vạch đến cùng ung nhọt của
xã hội. Trong truyện ngắn “Tướng về hưu”, gia đình ông tuớng được xem là danh giá,
có địa vị trong xã hội: cha về hưu với hàm thiếu tướng, mẹ tần tảo nuôi con giờ đã già
lẫn, người chồng là kĩ sư, vợ là bác sĩ, có kẻ ăn người ở. Họ có cơ ngơi rộng rãi, vững
chắc, khang trang: vườn cây, ao cá, chuồng lợn, chuồng gà,…Nhìn vào vẻ bên ngoài
đó, những lí lịch bên ngoài đó, ta cứ nghĩ đây là một nơi yên ấm, hạnh phúc, đẹp đẽ
mà không ngờ rằng trong đó chứa nhiều oái ăm, thậm chí là phi đạo đức. Ông bố là
tướng, ông thấy hết, biết hết mọi việc diễn ra trong gia đình của mình nhưng không có
hành động, việc làm để ngăn cản điều xấu: người con dâu nuôi lợn bằng “rau thai nhi”,
ông chỉ nói: “Khốn nạn! Tao không cần sự giàu có này”. Hoặc khi biết cô con dâu này
quan hệ bất chính với người đàn ông hàng xóm, ông cũng lặng im để họ “rúc rích” với
nhau. Điều này chứng tỏ ông tướng đã “về hưu” thật sự: không tiếng nói, không quyền
lực.
Người cha đã vậy, đứa con cũng không hơn gì! Con trai ông tướng là chồng, là
cha, nhưng không là trụ cột gia đình: mọi việc đều để vợ cáng đáng “vợ tôi cầm chịch
các khoản chi tiêu”. Vợ quản lí, coi sóc gia đình: nuôi súc vật- làm kinh tế, mướn và
trả tiền cho người giúp việc, lo liệu tang ma. Ngay cả khi người vợ “đầu ấp tay gối”
của anh có quan hệ không chính đáng với người hàng xóm, anh cũng chỉ lặng im mà
ấm ức. Đây là người đàn ông nhu nhược, giống như cái bóng mờ nhạt. Mà kẻ tình địch
9


anh không dám đối mặt ấy là ai? Đó là Khống- một thằng đểu, một mặt “rúc rích” với
mẹ, mặt khác lại xô cửa nhà tắm định giở trò đồi bại với con gái mới 14 tuổi của tình
nhân.
Đặc biệt hơn cả, sự trục lợi tỉnh táo đến mức kinh tởm ở nhân vật Thủy: “Vợ
tôi làm việc ở bệnh viện sản, công việc là nạo phá thai. Hằng ngày các rau thai nhi bỏ

đi, Thủy cho vào phích đá đem về. Ông Cơ nấu lên cho chó, cho lợn… Cha tôi dắt tôi
xuống bếp, chỉ vào nồi cám, trong đó có các mẩu thai nhi bé xíu. Tôi lặng đi. Cha tôi
khóc…Vợ tôi đi vào nói với ông Cơ: Sao không cho vào máy xát? Sao để ông biết?” .
Banzắc từng nói “ Khi túi tiền phình ra thì trái tim bị teo lại”. Chính tâm lý vụ lợi,
thực dụng đã khiến con người đánh mất lương tri. Trong giai đoạn khó khăn của đất
nước, làm kinh tế để giúp gia đình thật đáng hoan nghênh nhưng việc nấu nhau thai
nhi “có cả những ngón tay hồng hồng” là phi đạo đức. Ngoài ra, nhân vật này còn có
hành vi bất chính với người đàn ông khác. Theo đạo đức Việt Nam, đây là điều khó có
thể chấp nhận được.
Nhìn thẳng vào sự thật, Nguyễn Huy Thiệp vạch trần tâm lý thực dụng, vụ lợi
một cách trắng trợn của con người. Ông Bổng trong “Tướng về hưu” ở đám tang chị
dâu nhìn cỗ quan tài tỏ vẻ tiếc rẻ “Mất mẹ bộ xa lông. Ai lại đi đóng quan tài bằng gỗ
dổi bao giờ. Bao giờ bốc mộ, cho chú bộ ván”. Với ông Bổng, đám ma là ngày hội để
ăn uống, chè chén. Với mười mâm cỗ, ông Bổng cho rằng “không đủ cho đô tùy rửa
ruột” và đề nghị “bốn mươi mâm”. Dường như thành ngữ “Nghĩa tử là nghĩa tận” của
con người Việt qua mấy ngàn năm đối với ông Bổng chẳng còn chút nghĩa lí gì. Trước
cái chết của một ngừơi trong gia tộc vậy mà ông vẫn thản nhiên, thực dụng đến trắng
trợn. Ngồi thức canh quan tài, ông lại rủ rê đánh bài tam cúc ăn tiền. Thỉnh thoảng
được quân bài tốt, ông lại vào vái quan tài “lạy chị, chị phù hộ cho em vét thật nhẵn
túi chúng nó”.
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp còn chĩa mũi nhọn phê phán vào nhà sư, nhà giáo
(Sang sông). Ông đã để nhân vật tự bộc lộ tính cách thông qua lời nói, hành động. Từ
đó, người đọc tự suy ngẫm và điều chỉnh bản thân. Nhà sư tượng trưng cho điều thiện,
cho lòng từ bi bác ái. Nhà giáo tượng trưng cho những gì thanh cao tốt đẹp. Thế nhưng
trong tác phẩm này, cả nhà sư và nhà giáo biểu hiện những điều không mấy đẹp đẽ.
Khi bước xuống đò, họ lựa chọn vị trí ngồi an toàn, lúc có người chen vào thì bực dọc:
“Tên mặc áo ca-rô ôm bọc vải vào lòng ngồi cạnh nhà sư. Đây là chỗ an toàn nhất
trong đò. Ông giáo không bằng lòng:- Cái anh này! Sao chen vào đây?”. Nhà sư là
người đứng ngoài vòng tục lụy dường như không quan tâm gì đến thực tại, đến những
người xung quanh, chỉ say sưa với câu chuyện về sự giác ngộ của nhà Phật. Nhà sư

muốn giác ngộ mọi người bằng câu chuyện về đức Phật nhưng có giác ngộ được người
nào trên thuyền đâu, phải chăng đó chỉ là lí thuyết suông, là huyền thoại xa xưa không
thực tế chút đối với con người thực tại. Ngay cả khi nước sông bắn vào người, nhà sư
giật mình cũng thốt lên: “A di đà Phật!”. Không quan tâm thế gian nhưng “vị cao
tăng” này lại quan tâm về chiếc bình cổ, về nguồn gốc và giá trị của nó. Khi thấy chiếc
10


bình cổ, ánh mắt nhà sư “ lóe lên một tia sáng thậm chí giống hệt dục vọng” và sau đó
buộc miệng thốt lên: “Chùa Tương có cái bình thế này, bán đi đủ tiền xây lại tam
quan”. Đã đi tu, nhưng vị sư này vẫn còn bị đồng tiền ám ảnh. Có thể dễ dàng nhận
thấy đây là nhà sư thời kinh tế thị trường, ở nhà sư cũng có những dục vọng hết sức là
con người. Đó phải chăng là phần người trần tục còn lại ở nhà sư. Trước sự việc chú
bé kề cận cái chết thì con người chuyên bác ái cứu người này lại không có ý kiến,
không hành động gì để cứu chú bé. Còn nhà giáo thì sao? Cùng với nhà thơ, nhiệm vụ
của nhà giáo là làm cho con người tốt đẹp hơn, cuộc sống tốt đẹp hơn. Trong tác phẩm
này, cả nhà thơ lẫn nhà giáo đều không có vai trò gì đối với cuộc sống và con người.
Họ hoàn toàn phủ nhận thực tại. Người chuyên rèn luyện, bồi dưỡng tâm hồn trong xã
hội ở đây lại là người phủ nhận thực tại triệt để và là con người bất lực. Hãy nghe ông
giáo nói “Bản chất đời sống con người có sự ác. Con người chạy theo dục tình, tiền
bạc, danh vọng hão huyền…Đâu đâu con cũng thấy toàn là súc vật. Mọi sự thảy súc
vật hết. Cả sự chung tình cũng là súc vật. Ý thức hướng thiện cũng súc vật nốt…Đâu
đâu cũng rặt những phường dối trá”. Việc đứa bé gặp nạn đã làm nhà sư phạm này
“lập cập đánh rơi cả kính” nhưng lại nhanh chóng lấy bình tỉnh để tâng hô người khác
một cách dễ dàng. Ông ca ngợi tên cướp “Thật đúng là một anh hùng! Một nhà cách
mạng! Một nhà cải cách!”. Nguyễn Huy Thiệp đã rất sâu sắc và đầy dụng ý nghệ thuật
khi miêu tả gã thanh niên kề dao vào cổ đứa bé. Một xã hội thu nhỏ đã hiện lên thật
đầy đủ ở đây và đặc biệt, những con người ấy đều đang bị trọng bệnh. Đó là căn bệnh
vô cảm đang làm xói mòn đi những giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc ta. Từ những
điều trên, tác giả cho ta thấy rằng bản chất giấu sau dáng vẻ bên ngoài. Miệng nói lời

từ bi, tình thương, giảng đạo nhưng luôn khiếp sợ cái xấu, hèn nhát trước tội ác.
Trong tác phẩm “Phẩm tiết”, những kẻ càng có quyền, có tiền càng bẩn thỉu,
càng ở vào địa vị tôn quý, người ta càng ham hố, càng tàn ác, gớm ghê. Chân dung
Nguyễn Ánh hiện lên qua lời kể: “Năm Tân Dậu (1801), vua Gia Long Nguyễn Phúc
Ánh chiếm Phú Xuân”,“vào thành an dân”, nhưng cái mà Ánh quan tâm là “kiểm kê
kho đụn”, “tìm kiếm phi tần”. Vua Gia Long còn nói với Vũ Hoàn: “ta chơi trò đế
vương”, lại nói với Vinh Hoa: “Ta muốn sở hữu nàng như nuôi con gà, con vịt trong
nhà”. Rõ ràng, Nguyễn Ánh là một người say mê quyền lực và để có nó, ông phải làm
một ông vua chứ không làm vua để lo cho nước, cho dân. Ông tỏ ra thực dụng, lạnh
lùng, tàn nhẫn và tiềm ẩn đâu đó ý thức dân chủ tự phát. Tác giả vạch trần cái hạn chế,
cái xấu, cái bất nhân đối với con người để người đọc nhận thức và làm cho cuộc sống
này tốt đẹp hơn. Trong truyện của NHT có những tiếng khóc òa, câu văn thường mang
cảm giác tê tái, đằng sau cảm giác này là nỗi đau âm thầm, lặng lẽ những sâu sắc.
3.5. Giá trị thẩm mĩ:
Nói đến giá trị thẩm mĩ, người ta nghĩ ngay đến cái đẹp rồi mới đến cái bi, cái
hài, cái cao cả. Cái đẹp trong tác phẩm có được khi “nó thể hiện chân thực đời sống
trong mọi biểu hiện thẩm mĩ của nó thông qua lí tưởng nhân đạo, thể hiện được sự
phong phú về tinh thần của cá nhân con người dưới một hình thức hoàn thiện” (Từ
11


điển văn học). Chúng ta không thể phủ nhận truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp thể hiện
chân thực đời sống và mang lý tưởng nhân đạo sâu sắc. Song song đó, truyện ngắn của
ông còn độc đáo trong việc xây dựng nhân vật với cái nhìn đa diện, nhiều chiều. Các
nhân vật dưới ngòi bút của nhà văn thật sinh động với những nét xấu-tốt đan xen, thật
như con người ngoài đời như Thủy, Đoài, Ngọc, Bường,… Có một điều đặc biệt là
những nhân vật nữ trong truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp đa số đều đẹp. Từ đó tác
giả đề lên khái niệm “thiên tính nữ”. Đây là hạt nhân cơ bản của Chủ nghĩa nhân văn
Nguyễn Huy Thiệp. Có lẽ bản chất đàn bà gần tạo hóa hơn chăng? Sức mạnh và vẻ
đẹp của họ xét ra chính là sức mạnh và vẻ đẹp của tạo hóa. Những con người đầy sức

sống, có vẻ đẹp phồn thực, khao khát dục tình nhưng tâm hồn hết sức trong trẻo với
một trái tim giàu yêu thương.
Điểm độc đáo hơn nữa trong sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp là ở chỗ bi-hài
xen lẫn. Có được điều này là do nhà văn có sự biến đổi trong giọng văn và ngôn ngữ:
lạnh lùng, thậm chí có phần hài hước khi miêu tả cái xấu, cái ác. Thật vậy, mới tiếp
xúc với tác phẩm, có thể người đọc sẽ bật cười trước những con người quá ư xấu xa,
tàn nhẫn: đôi tình nhân “làm trò” chỗ đông người, con biểu quyết cho cha chết,…Rõ
ràng cái hài đã được tạo nên bởi những chi tiết bất thường. Nhưng ẩn đằng sau cái
giọng lạnh lùng đến mức trơ trụi đó là tấm lòng thiết tha, đau buồn của nhà văn khi
diễn tả cái trớ trêu, thê thảm của tâm hồn. Theo tấm lòng tác giả, người đọc ban đầu
bật cười, sau đó lại muốn chửi rủa nhưng cuối cùng là xót xa, là khóc thương cho
truyền thống đạo đức bị băng hoại. Cái bi, cái hài hòa quyện chặt chẽ kết hợp với cái
đẹp đã tạo nên cái hay riêng, cái độc đáo của văn Nguyễn Huy Thiệp. Đây cũng chính
là một biểu hiện của chủ nghĩa nhân văn: tác phẩm văn học có giá trị nhân văn phải
mang giá trị thẩm mĩ.
4. Vấn đề còn băn khoăn, cần trao đổi
- Vết chàm đen trên tay Vinh Hoa không thể xóa được sau khi vuốt mắt cho vua.
- Đứa con mà Vinh Hoa ôm khi trôi sông.
- Chủ nghĩa nhân văn là phải gắn liền với truyền thống văn hóa của dân tộc, nhưng
một số nhân vật trong truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp biểu lộ bản năng một cách
trơ trẽn.

12



×