Tải bản đầy đủ (.docx) (268 trang)

Ẩn dụ ý niệm trong các diễn ngôn chính trị

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.69 MB, 268 trang )

VIỆN HÀN LÂM
KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI

NGUYỄN TIẾN DŨNG

ẨN DỤ Ý NIỆM TRONG CÁC DIỄN NGÔN
CHÍNH TRỊ (TRÊN TƯ LIỆU TIẾNG ANH
VÀ TIẾNG VIỆT)

LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGÔN NGỮ
HỌC

HÀ NỘI, 2019


VIỆN HÀN LÂM
KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI

NGUYỄN TIẾN DŨNG

ẨN DỤ Ý NIỆM TRONG CÁC DIỄN NGÔN
CHÍNH TRỊ (TRÊN TƯ LIỆU TIẾNG ANH
VÀ TIẾNG VIỆT)
Ngành: Ngôn ngữ học
Mã số: 9 22 90 20

LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGÔN NGỮ
HỌC


Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS. Nguyễn Hồng Cổn

HÀ NỘI, 2019


LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các số
liệu và kết quả nghiên cứu trong luận án là trung thực. Những kết luận khoa
học của luận án chưa được công bố trong bất kỳ công trình nào khác. Nội
dung luận án có tham khảo và sử dụng ngữ liệu được trích dẫn từ các diễn
ngôn chính trị tiếng Anh và tiếng Việt được liệt kê trong Phụ lục của luận án.
TÁC GIẢ LUẬN ÁN

Nguyễn Tiến Dũng


MỤC LỤC
PHẦN MỞ ĐẦU.............................................................................................. 1
Chương 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VÀ CƠ SỞ LÝ
LUẬN................................................................................................................9
1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu.................................................................9
1.1.1. Tình hình nghiên cứu ẩn dụ trong ngôn ngữ học.................................... 9
1.1.2. Ẩn dụ ý niệm trong diễn ngôn chính trị................................................ 15
1.2. Cơ sở lý thuyết......................................................................................... 21
1.2.1. Khái quát về khoa học tri nhận và ngôn ngữ học tri nhận.....................21
1.2.2 Ý niệm và ý niệm hóa.............................................................................23
1.2.3. Ẩn dụ ý niệm.........................................................................................26
1.2.4. Diễn ngôn và diễn ngôn chính trị........................................................ 344
1.3. Tiểu kết.....................................................................................................38
Chương 2: KHẢO SÁT ẨN DỤ CẤU TRÚC TRONG CÁC DIỄN NGÔN

CHÍNH TRỊ TIẾNG ANH VÀ TIẾNG VIỆT............................................38
2.1 Dẫn nhập.................................................................................................399
2.2 Ẩn dụ cấu trúc trong các diễn ngôn chính trị tiếng Anh..........................411
2.2.1 Ẩn dụ cấu trúc có miền nguồn HOẠT ĐỘNG CON NGƯỜI..............422
2.1.2. Ẩn dụ cấu trúc có miền nguồn MÔI TRƯỜNG TỰ NHIÊN................60
2.3 Ẩn dụ cấu trúc trong các diễn ngôn chính trị tiếng Việt............................67
2.3.1 Ẩn dụ cấu trúc có miền nguồn HOẠT ĐỘNG CON NGƯỜI................68
2.2.2. Ẩn dụ cấu trúc có miền nguồn MÔI TRƯỜNG TỰ NHIÊN................77
2.3 Một số nhận xét chung về ẩn dụ cấu trúc trong các diễn ngôn chính trị
tiếng Anh và tiếng Việt....................................................................................83
2.4 Tiểu kết......................................................................................................85
Chương 3: KHẢO SÁT ẨN DỤ BẢN THỂ TRONG CÁC DIỄN NGÔN
CHÍNH TRỊ TIẾNG ANH VÀ TIẾNG VIỆT............................................88
3.1 Dẫn nhập...................................................................................................88


3.2 Ẩn dụ bản thể trong các diễn ngôn chính trị tiếng Anh.............................88
3.2.1 Ẩn dụ bản thể có miền nguồn HOẠT ĐỘNG CON NGƯỜI.................88
3.2.2 Ẩn dụ bản thể có miền nguồn MÔI TRƯỜNG TỰ NHIÊN................100
3.2.3 Ẩn dụ bản thể có miền nguồn CƠ THỂ SỐNG....................................104
3.3 Ẩn dụ bản thể trong các diễn ngôn chính trị tiếng Việt...........................107
3.3.1 Ẩn dụ bản thể có miền nguồn là HOẠT ĐỘNG CON NGƯỜI...........107
3.3.2 Ẩn dụ bản thể có miền nguồn là MÔI TRƯỜNG TỰ NHIÊN.............117
3.2.3. Ẩn dụ bản thể có miền nguồn là CƠ THỂ SỐNG...............................124
3.3. Một số nhận xét chung về ẩn dụ bản thể trong các diễn ngôn chính trị
tiếng Anh và tiếng Việt................................................................................1277
3.4 Tiểu kết................................................................................................ 12929
PHẦN KẾT LUẬN....................................................................................1311
DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC CỦA TÁC GIẢ LIÊN
QUAN ĐẾN LUẬN ÁN.............................................................................1354

TÀI LIỆU THAM KHẢO.........................................................................1365


DANH MỤC BẢNG
Bảng 2.1: Thống kê lượt xuất hiện của miền nguồn CHÍNH TRỊ LÀ
MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH................................................................44
Bảng 2.2: Thống kê lượt xuất hiện của miền nguồn CHÍNH TRỊ LÀ
XÂY DỰNG..........................................................................................50
Bảng 2.3: Thống kê lượt xuất hiện của ẩn dụ ý niệm CHÍNH TRỊ LÀ
CHIẾN TRANH....................................................................................56
Bảng 2.4: Thống kê lượt xuất hiện của ẩn dụ ý niệm CHÍNH TRỊ LÀ
HIỆN TƯỢNG THỜI TIẾT..................................................................61
Bảng 2.5: Thống kê lượt xuất hiện của ẩn dụ ý niệm CHÍNH TRỊ LÀ
ÁNH SÁNG VÀ BÓNG TỐI................................................................65
Bảng 2.6: Thống kê lượt xuất hiện của ẩm dụ ý niệm CHÍNH TRỊ LÀ
HÀNH TRÌNH......................................................................................68
Bảng 2.7: Thống kê lượt xuất hiện của ẩm dụ ý niệm CHÍNH TRỊ LÀ
XÂY DỰNG..........................................................................................71
Bảng 2.8: Thống kê lượt xuất hiện của ẩn dụ ý niệm CHIẾN TRANH
LÀ HOẠT ĐỘNG CỦA CON NGƯỜI.................................................75
Bảng 3.1: Thống kê lượt xuất hiện của ẩn dụ ý niệm THẾ GIỚI LÀ
MỘT CỘNG ĐỒNG.............................................................................93
Bảng 3.2: Thống kê lượt xuất hiện ẩn dụ ý niệm QUỐC GIA LÀ MỘT
GIA ĐÌNH.............................................................................................97
Bảng 3.3: Thống kê lượt xuất hiện của ẩn dụ ý niệm CHÍNH QUYỀN
LÀ CỖ MÁY.......................................................................................101
Bảng 3.4: Thống kê lượt xuất hiện của ẩn dụ ý niệm CHÍNH TRỊ LÀ
ĐỘNG THỰC VẬT............................................................................103
Bảng 3.5 Thống kê lượt xuất hiện của ẩn dụ ý niệm THẾ GIỚI LÀ MỘT
CỘNG ĐỒNG.....................................................................................111



Bảng 3.6: Thống kê lượt xuất hiện của ẩn dụ ý niệm QUỐC GIA LÀ
MỘT GIA ĐÌNH..................................................................................113
Bảng 3.7: Thống kê lượt xuất hiện của ẩn dụ ý niệm CHÍNH QUYỀN
LÀ CỖ MÁY.......................................................................................118
Bảng 3.8: Thống kê lượt xuất hiện của ẩn dụ ý niệm CHÍNH TRỊ LÀ
ĐỘNG THỰC VẬT............................................................................120
Bảng 3.9: Thống kê lượt xuất hiện của ẩn dụ ý niệm QUỐC GIA LÀ CƠ
THỂ SỐNG và CÁI XẤU LÀ VẾT THƯƠNG / BỆNH TẬT...........124


1. Lý do chọn đề tài

PHẦN MỞ ĐẦU

Theo quan điểm của ngôn ngữ học tri nhận, ngôn ngữ là công cụ tri
nhận của con người, trong đó ẩn dụ là một công cụ tri nhận tiêu biểu và hiệu
quả. Hầu hết quá trình tri nhận của con người về thế giới xung quanh là dựa
trên các ý niệm mang tính ẩn dụ và những ý niệm này có nhiệm vụ cấu trúc
hóa và có ảnh hưởng đến ngôn ngữ con người sử dụng. Lakoff [121: 229] đã
nhận định rằng: “Nếu không có hệ thống ẩn dụ thì chúng ta không thể có triết
lý hóa, lý thuyết hóa mà chỉ có đôi chút hiểu biết chung chung về đời sống
cá nhân và xã hội thường ngày mà thôi”. Ngôn ngữ học tri nhận đã nghiên
cứu ẩn dụ trong mối tương quan giữa ngôn ngữ và tâm lý, và hiện ẩn dụ đã trở
thành đối tượng nghiên cứu của khoa học liên ngành, phát huy vai trò quan
trọng trong các lĩnh vực từ thi ca, kinh tế, ngoại giao đến khoa học, chính trị

Không chỉ có tầm quan trọng, ẩn dụ còn hiện diện vô cùng phổ biến
trong mọi mặt của đời sống con người. Theo Lakoff và Johnson [124: 3], “ẩn

dụ hiện diện ở khắp mọi nơi trong đời sống chúng ta, không chỉ trong ngôn
ngữ mà còn trong tư duy và hành động”. Ẩn dụ được sử dụng rộng rãi trong
giao tiếp hàng ngày và cả trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo
dục, khoa học. Những ý niệm cơ bản và mang tính phổ quát nhất về thế giới
được chúng ta tri nhận thông qua các phép đồ họa ẩn dụ vốn xuất phát từ
những kinh nghiệm thực tế và cụ thể mà chúng ta trải nghiệm hoặc tích lũy từ
cuộc sống hàng ngày. Sự phổ biến của ẩn dụ được phản ánh qua quan sát của
Geary [101: 5-7], theo đó, cứ 10 đến 20 từ chúng ta nói ra có thể xuất hiện
một ẩn dụ và chúng ta sử dụng khoảng sáu ẩn dụ trong vòng một phút.
Trên thế giới, có nhiều tác giả đã nghiên cứu về ẩn dụ trong các lĩnh
vực văn học, thi ca, khoa học, pháp luật, báo chí và đã có nhiều công trình

8


nghiên cứu về ẩn dụ trong diễn ngôn chính trị (DNCT). Tuy nhiên, ở Việt
Nam, đối tượng nghiên cứu trong tiếng Việt chủ yếu là các phương thức ẩn dụ

9


dùng trong thi ca (Hữu Đạt [19]; Nguyễn Lai [36]; Ngũ Thiện Hùng và Trần
Thị Thanh Thảo [31]; Phan Văn Hòa và Nguyễn Thị Tú Trinh [29]; Nguyễn
Thị Bích Hạnh [26]; Phạm Thị Hương Quỳnh [77], Trần Thế Phi [75]) hoặc
trong thành ngữ tiếng Việt (Trần Bá Tiến [78], Vi Trường Phúc [76]) hoặc
trong diễn ngôn báo chí kinh tế (Hà Thanh Hải, [67]). Cũng có thể kể đến
Nguyễn Văn Hán [68] nghiên cứu về định vị thời gian dưới góc nhìn tri nhận,
Ly Lan [72] khảo sát ẩn dụ ý niệm chỉ tình cảm, Nghiêm Hồng Vân [80]
nghiên cứu đối chiếu ẩn dụ ý niệm chỉ trạng thái tình cảm vui mừng và tức
giận trong tiếng Nhật và tiếng Việt, Lê Thị Kiều Vân [79] nghiên cứu đặc

trưng văn hóa và tri nhận của người Việt qua một số từ khóa, Trần Thị
Phương Lý [73] tìm hiểu về ẩn dụ ý niệm phạm trù thực vật, Nguyễn Thị Bích
Hợp [70] nghiên cứu ẩn dụ ý niệm phạm trù đồ ăn và Nguyễn Thị Như Ngọc
[74] chọn chủ đề nghiên cứu là ẩn dụ và dịch ẩn dụ trong văn bản diễn thuyết
chính trị Mỹ. Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Lý Toàn Thắng [56], các công
trình nghiên cứu ẩn dụ theo quan điểm ý niệm ở Việt Nam còn chưa nhiều và
chưa đa dạng. Đặc biệt trong lĩnh vực DNCT, số lượng các công trình nghiên
cứu ẩn dụ ý niệm ở Việt Nam lại càng hạn chế mặc dù ẩn dụ ý niệm trong các
DNCT là một vấn đề phức tạp nhưng vô cùng hấp dẫn bởi ẩn chứa bên trong
mỗi DNCT là chiến thuật, là sách lược, là tác động của cả một chế độ chính
trị, của một nền văn hóa được biểu đạt một cách sinh động và thuyết phục qua
hành vi sử dụng ẩn dụ ý niệm của các diễn giả chính trị.
Tiếp nối các nghiên cứu về ẩn dụ ý niệm trong DNCT ở ngoài nước và
với mong muốn bổ sung thêm minh chứng về lĩnh vực nghiên cứu này ở Việt
Nam, chúng tôi quyết định chọn “Ẩn dụ ý niệm trong các diễn ngôn chính trị
(trên tư liệu tiếng Anh và tiếng Việt)” làm đề tài luận án tiến sỹ. Luận án sẽ
tìm hiểu về việc sử dụng ẩn dụ ý niệm trong DNCT tiếng Anh và tiếng Việt,
xác định những loại ẩn dụ ý niệm phổ biến trong hai ngôn ngữ; từ đó giúp làm
sáng tỏ thêm về phương thức tri nhận thế giới của người bản ngữ nói tiếng


Anh và tiếng Việt, ngõ hầu giúp ích cho việc dạy-học và nghiên cứu tiếng
Anh ở Việt Nam. Có thể nói đây là một đề tài có tính cấp thiết cả về lý luận
và thực tiễn.
2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
2.1. Mục đích nghiên cứu
Luận án nghiên cứu việc sử dụng ẩn dụ ý niệm trong các DNCT tiếng
Anh và tiếng Việt theo quan điểm của ngôn ngữ học tri nhận nhằm làm rõ đặc
điểm của các loại ẩn dụ ý niệm được sử dụng phổ biến trong các DNCT tiếng
Anh và tiếng Việt, vai trò của các ẩn dụ ý niệm này, những điểm tương đồng

và dị biệt của các ẩn dụ ý niệm trong DNCT của hai ngôn ngữ. Từ đó, luận án
đưa ra những kiến giải đối với các điểm tương đồng và dị biệt (nếu có) dựa
trên mối quan hệ giữa ngôn ngữ, văn hóa và tư duy. Với mục đích nghiên cứu
đó, luận án đặt ra các câu hỏi nghiên cứu cụ thể như sau:
i. Những loại ẩn dụ ý niệm nào được sử dụng trong các DNCT tiếng
Anh và tiếng Việt? Các ẩn dụ ý niệm này có tần suất sử dụng như thế nào?
ii. Vai trò của các ẩn dụ ý niệm là gì khi được sử dụng trong các DNCT
tiếng Anh và tiếng Việt?
iii. Các ẩn dụ ý niệm xuất hiện trong các DNCT tiếng Anh và tiếng
Việt có những điểm tương đồng và dị biệt gì?
iv. Những điểm tương đồng và dị biệt (nếu có) sẽ được giải thích như
thế nào thông qua mối quan hệ giữa ngôn ngữ, văn hóa và tư duy?
2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
Để đạt được các mục đích nêu trên, luận án phải giải quyết các nhiệm vụ
sau:
- Tìm hiểu tình hình nghiên cứu và cơ sở lý thuyết về ẩn dụ ý niệm trong
DNCT tiếng Anh và tiếng Việt.
- Thu thập, miêu tả ngữ liệu ẩn dụ ý niệm trong các DNCT tiếng Anh và
tiếng Việt nhằm làm sáng tỏ tình hình sử dụng, phương thức ý niệm hóa và
vai trò của ẩn dụ ý niệm trong các DNCT của hai ngôn ngữ.


- Đối chiếu nhằm chỉ ra những tương đồng và khác biệt, đồng thời phân
tích sự tác động của các yếu tố ngôn ngữ, văn hóa và tư duy để giải thích các
đặc trưng trên của ẩn dụ ý niệm trong các DNCT tiếng Anh và tiếng Việt.
3. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu và nguồn ngữ liệu
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của luận án là các ẩn dụ ý niệm được sử dụng
trong một số DNCT của các nguyên thủ các nước nói tiếng Anh như Hoa Kỳ,
Anh Quốc và Australia, và các nhà lãnh đạo chính trị của Việt Nam.

3.2. Phạm vi nghiên cứu
Phạm vi nghiên cứu chủ yếu của luận án là các DNCT tiếng Anh và
tiếng Việt được dùng làm cứ liệu, bao gồm các bài viết và các bài diễn thuyết
về chủ đề chính trị của các nguyên thủ các nước nói tiếng Anh như Hoa Kỳ,
Anh Quốc và Australia và các nhà lãnh đạo chính trị của Việt Nam từ thế kỷ
XX đến nay.
3.3. Nguồn ngữ liệu
Ngữ liệu nghiên cứu tiếng Anh của luận án bao gồm 58 bài diễn văn,
gồm diễn văn nhậm chức và Thông điệp liên bang của một số Tổng thống
Hoa Kỳ, chủ yếu là các vị Tổng thống trong 30 năm trở lại đây như Ronald
Reagan (1985-1989), George HW Bush (1990 – 1993), Bill Clinton (1994 –
2000), George W Bush (2001 – 2008), Barack Obama (2009 – 2016), Donald
Trump (2017). Ngoài ra còn có một số bài diễn văn được các Tổng thống Hoa
Kỳ khác nhau thực hiện tại thời điểm có những sự kiện lịch sử quan trọng như
sự kiện 11/9 năm 2011, sự kiện bức tường Berlin sụp đổ và một số bài diễn
văn tranh cử tổng thống và tuyên bố thắng cử và một số bài diễn văn của một
số Thủ tướng Anh Quốc như Margaret Thatcher, Tony Blair, Gordon Brown,
David Cameron và một số Thủ tướng Australia như Paul Keating, Bob Hawke,
John Howard, Julia Gillard, Malcolm Turnbull, Scott Morrison. Các diễn
ngôn được lựa chọn có nội dung phản ánh các sự kiện, quan điểm, lập trường


chính trị để đảm bảo đối tượng nghiên cứu là các DNCT tiếng Anh. Tổng độ
dài của 58 bài diễn văn là 128.485 từ.
Ngữ liệu tiếng Việt gồm 56 bài diễn văn tiếng Việt của các nhà lãnh
đạo chính trị Việt Nam trong giai đoạn từ 1945 đến nay mà tiêu biểu là Chủ
tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Lê Duẩn, Tổng Bí thư Trường Chinh, Tổng Bí
thư Nguyễn Văn Linh, Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Chủ tịch nước Nguyễn Minh
Triết, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Tổng
Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch nước

Trần Đại Quang. Các diễn ngôn tiếng Việt được lựa chọn cũng có nội dung
phản ánh các sự kiện, quan điểm, lập trường chính trị phù hợp với đặc diểm
của DNCT nói chung. Các DNCT tiếng Việt có tổng độ dài là 126.180 từ. (Cụ
thể, xem danh mục các DNCT tiếng Anh và tiếng Việt được dùng làm tư liệu
nghiên cứu ở Phụ lục 1).
4. Phương pháp nghiên cứu
Để thực hiện việc khảo sát và nghiên cứu đề tài, chúng tôi sẽ áp dụng
tổng hợp các phương pháp nghiên cứu sau đây:
- Phương pháp miêu tả ngôn ngữ, cụ thể là phương pháp phân tích ngữ
nghĩa theo các khung lý thuyết của ngôn ngữ học tri nhận được sử dụng để
miêu tả và phân tích quá trình ý niệm hóa, đặc điểm cấu trúc, ngữ nghĩa của
các ẩn dụ ý niệm thuộc hai loại: ẩn dụ cấu trúc và ẩn dụ bản thể được sử dụng
trong các DNCT tiếng Anh và tiếng Việt mà luận án khảo sát. Các ẩn dụ ý
niệm sau khi được nhận diện sẽ được liệt kê và phân loại theo loại ẩn dụ cấu
trúc hoặc ẩn dụ bản thể và sau đó là theo miền nguồn và tiếp đến là theo tầng
bậc là ẩn dụ thượng danh hay ẩn dụ hạ danh. Luận án cũng sẽ phân tích tần
suất sử dụng của các ẩn dụ ý niệm và các biểu thức ngôn ngữ chứa đựng các
thuộc tính miền nguồn ý niệm trong nguồn ngữ liệu là các DNCT. Luận án sẽ
cố gắng phác họa các mô hình tri nhận của người bản ngữ nói tiếng Anh và


người Việt khi lựa chọn sử dụng ẩn dụ ý niệm trong các DNCT trong hai
chương chính của luận án.
- Phương pháp phân tích diễn ngôn được sử dụng để phân tích vai trò của
ẩn dụ ý niệm trong việc tạo lập diễn ngôn và thể hiện tư tưởng, quyền lực, tạo
ra hiệu lực xã hội, hiệu lực chỉ đạo và điều hành trong các DNCT tiếng Anh
và tiếng Việt.
- Phương pháp so sánh đối chiếu cũng được sử dụng để xác định các đặc
điểm tương đồng và dị biệt của ẩn dụ ý niệm trong DNCT của hai ngôn ngữ.
Cụ thể, dựa trên kết quả mô tả, luận án đã tiến hành áp dụng phương thức đối

chiếu 2 chiều (cả tiếng Anh và tiếng Việt đều được coi là ngữ nguồn và ngữ
đích) để tìm ra những nét tương đồng và dị biệt của ẩn dụ ý niệm trong các
DNCT tiếng Anh và tiếng Việt. Tuy nhiên, do mục đích chính của luận án này
không phải là nghiên cứu đối chiếu về mặt hệ thống, nên chúng tôi áp dụng
phương pháp đối chiếu chủ yếu để chỉ ra những điểm tương đồng và khác biệt
trong việc sử dụng các ẩn dụ ý niệm ở DNCT của các diễn giả chính trị nói
tiếng Anh và tiếng Việt.
Ngoài các phương pháp trên, chúng tôi còn sử dụng các thủ pháp thống kê,
phân loại. Cụ thể:
- Thủ pháp thống kê được dùng để khảo sát, thống kê ngữ liệu, cung cấp
các thông tin định lượng cần thiết cho việc miêu tả, nhận xét, đánh giá về đặc
điểm cấu trúc, ngữ nghĩa, xu hướng sử dụng ẩn dụ ý niệm trong các DNCT
tiếng Anh và tiếng Việt.
- Thủ pháp phân loại được dùng để phân loại và hệ thống hóa các miền
nguồn và các loại ẩn dụ ý niệm trong các DNCT tiếng Anh và tiếng Việt theo
các nhóm để phục vụ mục tiêu nghiên cứu.
5. Những đóng góp mới của luận án
Mặc dù ở Việt Nam đã có khá nhiều công trình nghiên cứu về ngôn ngữ
học tri nhận với việc ứng dụng các thành tựu của các khung lý thuyết ngôn


ngữ học tri nhận trong nhiều lĩnh vực nhưng luận án là công trình đầu tiên ở
Việt Nam nghiên cứu ẩn dụ ý niệm trong DNCT của các nước nói tiếng Anh
và tiếng Việt, một lĩnh vực lâu nay chưa nhận được nhiều sự quan tâm của các
nhà nghiên cứu ngôn ngữ ở Việt Nam. Các kết quả nghiên cứu của luận án sẽ
góp phần củng cố lý thuyết ngôn ngữ học tri nhận, hệ thống hóa các vấn đề cơ
bản của ẩn dụ ý niệm trên cơ sở phân tích nguồn ngữ liệu DNCT tiếng Anh và
tiếng Việt. Kết quả nghiên cứu của luận án sẽ có giá trị ứng dụng trong công
tác giảng dạy, nghiên cứu về ẩn dụ ý niệm cũng như công tác nghiên cứu,
phân tích văn bản học, cụ thể là thể loại DNCT.

6. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của luận án
6.1. Ý nghĩa khoa học
Các kết quả nghiên cứu của luận án sẽ góp phần làm sáng tỏ thêm khái
niệm, biểu thức, ngữ nghĩa, ngữ dụng và cơ chế ánh xạ của các ẩn dụ ý niệm
trong DNCT tiếng Anh và tiếng Việt, một lĩnh vực chưa được nghiên cứu
nhiều tại Việt Nam. Nghiên cứu cũng khẳng định ưu thế của ngôn ngữ học tri
nhận và lý thuyết ẩn dụ ý niệm trong việc nghiên cứu và phân tích DNCT
tiếng Anh và tiếng Việt.
6.2. Ý nghĩa thực tiễn
Nghiên cứu này cũng sẽ giúp cho những người làm công tác nghiên
cứu ngôn ngữ hiểu sâu hơn về vấn đề ẩn dụ ý niệm theo góc độ ngôn ngữ học
tri nhận trong văn cảnh là các DNCT tiếng Anh và tiếng Việt. Đồng thời,
nghiên cứu cũng sẽ giúp cho những người làm công tác biên - phiên dịch
tiếng Anh chuyên ngành chính trị, giảng viên và sinh viên tiếng Anh hiểu sâu
hơn về vấn đề ẩn dụ tri nhận trong các DNCT tiếng Anh và tiếng Việt.
Các kết quả nghiên cứu của luận án sẽ giúp ích cho công tác biên-phiên
dịch tài liệu chính trị, biên soạn và thiết kế tài liệu giảng dạy tiếng Anh, đặc
biệt là việc giảng dạy tiếng Anh chuyên ngành chính trị, góp phần nâng cao


hiệu quả, chất lượng sử dụng tài liệu giảng dạy, công tác dạy và học môn
tiếng Anh tại các trường đại học.
7. Cấu trúc của luận án
Ngoài Phần mở đầu, Phần kết luận, Danh mục tài liệu tham khảo và
Phụ lục, luận án được tổ chức thành 3 chương chính sau:
Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu và cơ sở lý luận
Chương này trình bày tổng quan tình hình nghiên cứu liên quan đến đề
tài luận án và các vấn đề lý thuyết làm cơ sở cho việc phân tích ẩn dụ ý niệm
trong DNCT ở các chương sau.
Chương 2: Khảo sát ẩn dụ cấu trúc trong các diễn ngôn chính trị

tiếng Anh và tiếng Việt
Chương 2 của luận án phân tích các ẩn dụ ý niệm cấu trúc và các biểu
thức ẩn dụ cấu trúc phổ biến trong DNCT tiếng Anh và tiếng Việt.
Chương 3: Khảo sát ẩn dụ bản thể trong các diễn ngôn chính trị
tiếng Anh và tiếng Việt
Chương 3 của luận án phân tích các ẩn dụ ý niệm bản thể và các biểu
thức ẩn dụ bản thể phổ biến trong DNCT tiếng Anh và tiếng Việt.


Chương 1
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VÀ CƠ SỞ LÝ LUẬN
1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu
1.1.1. Tình hình nghiên cứu ẩn dụ trong ngôn ngữ học
1.1.1.1 Nghiên cứu ẩn dụ theo hướng truyền thống
Ẩn dụ, theo nhận định của Al-Zoubi, Al-Ali và Al-Hasnawi [83], là một
phương tiện ngôn ngữ độc đáo xuất hiện trong đại đa số ngôn ngữ trên thế
giới. Ẩn dụ hiện diện trong mọi cấp độ hoạt động xã hội và phong cách ngôn
ngữ, không chỉ trong ngôn ngữ văn chương mà còn trong ngôn ngữ báo chí,
luật học, triết học, và đặc biệt trong ngôn ngữ chính trị nhờ vào khả năng biểu
cảm, có khả năng cụ thể hóa những ý niệm trừu tượng với tính liên hội cao, và,
theo Charteris-Black [89], nhờ vào việc ẩn dụ có sức nặng thuyết phục đối với
lý trí cũng như tình cảm của người nghe.
Các ẩn dụ của một ngôn ngữ là sự chắt lọc các giá trị nền văn hóa dân tộc
của ngôn ngữ đó. Ẩn dụ là công cụ nhận thức và hành động của các thành
viên cùng sống trong một cộng đồng văn hóa, phản ánh quan điểm, thái độ
của họ đối với thế giới khách quan nói chung và đời sống xã hội của cộng
đồng văn hóa đó nói riêng. Vì thế, có thể nhận định rằng, ẩn dụ là một sản
phẩm của văn hóa.
Ẩn dụ được các nhà nghiên cứu dành nhiều sự quan tâm từ thời Cổ đại
và được coi như là một phương thức chuyển nghĩa dựa trên sự so sánh ngầm

giữa hai sự vật có điểm tương đồng. Aristotle đã định nghĩa ngắn gọn về ẩn
dụ: “Ẩn dụ là phương thức chuyển đổi tên gọi” [dẫn theo Trần Văn Cơ, 12:
58].
Theo Lakoff [120], lý thuyết ngôn ngữ học cổ điển coi ẩn dụ là một vấn đề
thuộc địa hạt ngôn ngữ, không phải là vấn đề của tư duy hay hành động; và
lối nói ẩn dụ được cho là không hiện diện trong ngôn ngữ hàng ngày mà chỉ


xuất hiện trong các địa hạt bên ngoài ngôn ngữ đời thường, như trong thi ca
và hoa mĩ tu từ - một loại ngôn ngữ đặc biệt.
Trần Văn Cơ [11] đã mô tả hai quan điểm hoàn toàn trái ngược nhau về ẩn
dụ: các nhà triết học duy lý chủ nghĩa người Anh quan niệm lời nói là nhằm
biểu đạt tư tưởng và truyền đạt kiến thức, do vậy chỉ cần sử dụng những từ
được dùng với nghĩa đen và vì thế vai trò của ẩn dụ bị xem nhẹ. Chẳng hạn,
nhà triết học người Anh T. Hobbes gọi ẩn dụ là “đám ma trơi” và xem việc sử
dụng ẩn dụ như “đi loạng quạng giữa vô số những điều xằng bậy”; còn triết
gia người Anh J. Locke thì cho rằng việc sử dụng ẩn dụ có thể tạo ra những tư
tưởng ngụy tạo và làm sai lệch suy nghĩ. Ngược lại, các nhà triết học và học
giả theo trường phái lãng mạn lại cho rằng ẩn dụ là phương thức duy nhất để
biểu hiện tư tưởng và biểu đạt tư duy. Ví dụ, một trong những người sáng lập
Triết học cuộc sống, F. Nietzsche cho rằng mối quan hệ giữa chủ thể và khách
thể là quan hệ mỹ học được biểu hiện bằng ẩn dụ, sự nhận thức về nguyên tắc
mang tính ẩn dụ và nếu không có ẩn dụ thì con người sẽ mất đi khả năng
tranh luận về chân lý.
Theo nhận xét của Kovecses [114: ix – x], tu từ học truyền thống chỉ xem
ẩn dụ như một đặc điểm của từ ngữ, được sử dụng với mục đích nghệ thuật và
không thường xuyên xuất hiện trong giao tiếp hàng ngày. Nói cách khác, ẩn
dụ là cách nói bóng bẩy, bắt nguồn từ nhu cầu biểu đạt các khái niệm mà
ngôn từ biểu đạt không tồn tại và ẩn dụ trở nên phổ biến chính nhờ sức mạnh
thẩm mỹ này. Ẩn dụ dựa trên khái niệm tương đồng hoặc so sánh giữa nghĩa

đen và nghĩa hình ảnh của một biểu thức và chính sự tương đồng giữa các
biểu vật cho phép giải thích việc sử dụng một đơn vị từ theo lối ẩn dụ. Tuy
nhiên, theo hướng nghiên cứu này, việc sử dụng ẩn dụ chỉ là phản xạ vô thức..
Ngôn ngữ học truyền thống không xem ẩn dụ là hành động diễn ngôn mang
tính chất thuyết phục và không thể giúp người nói hình thành các quan điểm


của mình. Nói cách khác, ẩn dụ chưa được nhìn nhận một cách đúng đắn như
một phương thức tư duy.
Ở Việt Nam, nhiều nhà ngôn ngữ học có quan điểm coi ẩn dụ là dựa trên
sự tương đồng. Đỗ Hữu Châu [4: 54] nhận định: “Ẩn dụ là cách gọi tên một
sự vật này bằng tên một sự vật khác, giữa chúng có mối quan hệ tương đồng”.
Nguyễn Thiện Giáp [22: 162] cũng có quan điểm tương tự: “Ẩn dụ là sự
chuyển đổi tên gọi dựa vào sự giống nhau giữa các sự vật hoặc hiện tượng
được so sánh với nhau.”
1.1.1.2 Nghiên cứu ẩn dụ theo hướng ngôn ngữ học tri nhận
i) Các nghiên cứu ở ngoài nước
Từ khi ngôn ngữ học tri nhận ra đời, quan điểm về ẩn dụ bắt đầu có sự
thay đổi. Các nghiên cứu về ngôn ngữ học tri nhận khởi nguồn từ những năm
1980 với những tên tuổi như G. Lakoff, M. Johnson, G. Fauconnier, Ch.
Fillmore, R. Jackendoff, R. Langacker, L. Talmy, M. Turner, A. Wierzbicka ...
Năm 1980 với tác phẩm “Metaphors we live by” viết chung với nhà triết học
M. Johnson, Lakoff bắt đầu phát triển lý thuyết về ẩn dụ tri nhận (ẩn dụ ý
niệm). Lý thuyết này làm cho danh tiếng Lakoff vượt ra ngoài phạm vi thuần
túy ngôn ngữ học, báo hiệu một sự thay đổi lớn trong lĩnh vực nghiên cứu về
ngôn ngữ trong mối liên hệ với các ngành khoa học khác.
Các nhà ngôn ngữ học tri nhận cho rằng ẩn dụ chủ yếu liên quan đến tư
duy hơn là liên quan đến ngôn ngữ. Ngôn ngữ học tri nhận coi ẩn dụ là công cụ
quan trọng để ý niệm hóa các khái niệm trừu tượng và tư duy về sự vật. Theo
Lakoff và Johnson [113: 14], “hệ thống ý niệm thông thường của chúng ta,

dựa vào đó chúng ta vừa suy nghĩ vừa hành động, về cơ bản mang bản chất ẩn
dụ”.
Trong những năm qua, lý thuyết ẩn dụ ý niệm đã phát triển mạnh mẽ và
sâu rộng. Xu hướng nghiên cứu ban đầu cho rằng phép ẩn dụ ý niệm chủ
yếu căn cứ vào nghiệm thể. Tuy nhiên, Lakoff [116] đã cho rằng những ẩn dụ
cảm xúc xuất hiện trong ngôn ngữ và xuất phát từ cơ sở văn hóa, cơ sở sinh lý


học của con người. Grady [105] có một tiến bộ quan trọng trong lý thuyết ẩn
dụ khi chỉ ra rằng kinh nghiệm hàng ngày, kinh nghiệm cảm giác của con
người là cơ sở đưa ra các đánh giá chủ quan của nhận thức ngôn ngữ. Cùng
với một số nhà nghiên cứu khác, Lakoff đã phát triển tư tưởng về vai trò của
ẩn dụ trong quá trình tạo lập hệ thống ý niệm của con người và cấu trúc của
ngôn ngữ tự nhiên thành học thuyết “trí tuệ ngiệm thân” (embodied mind),
nghiên cứu sự phụ thuộc của năng lực tư duy và những quan niệm về thế giới
vào đặc điểm cấu tạo của cơ thể và bộ não con người.
Kể từ khi phát hiện ra ẩn dụ ý niệm, các nhà nghiên cứu trong nhiều lĩnh
vực khoa học khác nhau đã ứng dụng lý thuyết ẩn dụ để nghiên cứu về ẩn
dụ ý niệm trong các linh vực pháp luật, thi ca, chính trị, tâm lý học, vật lý,
khoa học máy tính, toán học và triết học. Các kết quả nghiên cứu về cấu trúc
ẩn dụ đã góp phần làm sáng tỏ cách thức con người tư duy trong một số lĩnh
vực trí tuệ.
Trong lĩnh vực văn học, Lakoff và Turner [126] đã chứng minh rằng phép
ẩn dụ chủ yếu tồn tại trong thơ ca và chỉ khi đã trở nên ổn định, ẩn dụ ý niệm
mới được sử dụng trong tư tưởng và ngôn ngữ hàng ngày. Các sáng tạo ẩn dụ
của nhà thơ chủ yếu nằm trong cơ chế ánh xạ ẩn dụ. Các cơ sở ẩn dụ về yếu tố
đạo đức trong văn học được làm rõ nhờ các cuộc thảo luận về ẩn dụ và đạo
đức của Lakoff trong lĩnh vực chính trị và đạo đức [122], và Lakoff và
Johnson trong triết học [125].
Trong các lĩnh vực pháp luật, chính trị và các vấn đề xã hội, Lakoff và

Johnson [124: 159] đã đưa ra nhiều bằng chứng cho thấy rằng “ẩn dụ đóng vai
trò then chốt trong việc kiến tạo thực trạng xã hội và chính trị. Lakoff [122]
đã phân tích chính trị thế giới quan của những người có quan điểm bảo thủ và
cấp tiến ở Mỹ, xem xét các quan điểm về kiểm soát súng, án tử hình, thuế, các
chương trình xã hội, môi trường và nghệ thuật trong một khung tri nhận nhất
định. Trong lĩnh vực tâm lý học, ẩn dụ cũng thể hiện vai trò quan trọng trong
lĩnh vực nhận thức và tâm lý học; và nghiên cứu của Gibbs [103] và Lakoff


[116] đã chứng minh điều này. Có thể nói rằng lý thuyết ẩn dụ ý niệm ngày
càng được hoàn thiện và phát huy vai trò quan trọng không chỉ trong lĩnh vực
ngôn ngữ học mà còn trong các lĩnh vực nghiên cứu đa ngành khác.
Ngôn ngữ học tri nhận coi ẩn dụ ý niệm là công cụ quan trọng để ý niệm
hóa. Theo Lakoff [120], ẩn dụ ý niệm là các ánh xạ có tính hệ thống giữa hai
miền ý niệm: miền nguồn là một phạm trù trải nghiệm được ánh xạ hay phóng
chiếu vào miền đích là một miền trải nghiệm khác. Ví dụ, câu “Argument is
war” (Tranh luận là cuộc chiến tranh) có miền nguồn chiến tranh được ánh xạ
vào miền đích tranh luận và được biểu hiện qua những biểu thức ngôn ngữ
như tấn công, chống đỡ, bảo vệ… theo đó miền đích tranh luận có những đặc
điểm của miền nguồn chiến tranh. Trọng tâm của ẩn dụ ý niệm không phải là
ngôn ngữ mà là phương thức chúng ta ý niệm hóa một miền tâm trí qua một
miền tâm trí khác.
Các ẩn dụ hoạt động như các “công cụ tri nhận”, nghĩa là các ẩn dụ không
chỉ là cách thức biểu hiện tư tưởng bằng phương tiện ngôn ngữ mà còn là
cách thức tư duy về sự vật. Lakoff và Johnson [124] chứng minh rằng chúng ta
không chỉ phát hiện ra ẩn dụ ý niệm “thời gian là tiền bạc” về mặt ngôn ngữ
học mà thực ra chúng ta đã suy nghĩ hoặc ý niệm hóa phạm trù đích thời gian
qua phạm trù nguồn tiền bạc, khi chúng ta sử dụng các diễn ngôn sau đây:
a) You’re wasting my time. (Anh đang làm lãng phí thời gian của tôi)
b) How do you spend your time? (Anh tiêu dùng thời gian ra sao?)

c) Is that worth your time? (Việc đó có đáng bỏ thời gian của anh
không?)
ii) Các nghiên cứu ở trong nước
Ở Việt Nam, Nguyễn Lai được xem là nhà ngôn ngữ học đầu tiên nghiên
cứu khuynh hướng tri nhận trong Giáo trình chuyên luận “Từ chỉ hướng vận
động tiếng Việt” [35]. Tuy không sử dụng thuật ngữ “tri nhận” nhưng Nguyễn
Lai đã nghiên cứu về quá trình phát triển ngữ nghĩa của các từ chỉ hướng vận
động RA - VÀO, LÊN - XUỐNG, ĐẾN - TỚI, LẠI - QUA, SANG - VỀ theo


đường hướng của ngôn ngữ học tri nhận với giả thuyết nghiệm thân với mốc
xác định là cơ thể con người.
Người chính thức đặt nền móng nghiên cứu ngôn ngữ học tri nhận ở Việt
Nam một cách có hệ thống với khung lý thuyết cụ thể là Lý Toàn Thắng [56]
với công trình “Ngôn ngữ học tri nhận – từ lý thuyết đại cương đến thực tiễn
tiếng Việt”. Tác giả nghiên cứu cách thức tri nhận không gian và thời gian
trong ngôn ngữ khi đưa ra hướng tiếp cận không gian theo nguyên lý “Dĩ
nhân vi trung” (lấy con người làm trung tâm của vũ trụ); theo đó, ngôn ngữ
phản ánh cách con người tri nhận về thế giới quanh mình qua các cặp phạm
trù được định vị căn cứ vào vị trí của con người trong không gian như: trên dưới, trước - sau, phải - trái, trong - ngoài, và các phạm trù chỉ thời gian định
vị theo vị trí của con người qua ba thời: quá khứ, hiện tại và tương lai. Năm
2008, tác giả Nguyễn Văn Hiệp [28] nghiên cứu cách tiếp cận của ngôn ngữ
học tri nhận đối với vai trò của nghĩa khi phân tích và miêu tả cú pháp. Năm
2009, tác giả Trần Văn Cơ [12] tổng thuật lại một cách có hệ thống và toàn
diện những vấn đề trung tâm có liên quan đến lý thuyết ẩn dụ ý niệm từ hai
công trình kinh điển của Lakoff và Johnson [124] “Metaphors we live by” và
của Lakoff [116] “Women, Fire and The Dangerous Things: What Categories
Reveal about The Mind”.
Trong những năm trở lại đây, đa số các công trình nghiên cứu về ngôn ngữ
học tri nhận đều quan tâm đến ẩn dụ ý niệm (ẩn dụ tri nhận). Phan Thế Hưng

[32: 12] đã phủ nhận dòng quan điểm so sánh trong ẩn dụ khi nhận định rằng
“ẩn dụ không đơn giản là phép so sánh ngầm mà chính là câu bao hàm xếp
loại thuộc cấu trúc bề sâu của tư duy”. Tác giả chỉ ra rằng: bản chất của sự
xếp loại là cơ sở của tính ẩn dụ; ẩn dụ không thể đảo ngược và mối quan hệ
của hai sự vật trong ẩn dụ không mang tính đối xứng. Võ Kim Hà [66] nghiên
cứu cách diễn đạt ẩn dụ trong tiếng Việt theo lý thuyết nguyên mẫu trong
quan hệ so sánh với tiếng Anh và tiếng Pháp trên cơ sở ngữ liệu báo chí và


các tác phẩm văn học. Hà Thanh Hải [67] nghiên cứu ẩn dụ ý niệm trên cơ sở
ngữ liệu báo chí kinh tế Anh – Việt dựa trên mối quan hệ giữa ngôn ngữ, văn
hóa và tư duy. Ly Lan [72] xem xét một cách đa chiều về phương diện
“nghiệm thân” trong cách biểu đạt các ý niệm tình cảm VUI, YÊU, SỢ,
GIẬN. Trần Thị Phương Lý [73] nghiên cứu ẩn dụ ý niệm về thực vật, tìm
hiểu mô hình chuyển di ý niệm từ ý niệm thực vật để nhận thức các phạm trù
ý niệm khác. Nguyễn Thị Bích Hạnh [26] sử dụng lý thuyết ẩn dụ ý niệm
nghiên cứu về ẩn dụ ý niệm trong ca từ của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, phản
ánh một nghiên cứu có sự giao thoa giữa ngôn ngữ, thi ca và âm nhạc;
Nguyễn Thị Bích Hợp [70] cũng vận dụng lý thuyết ẩn dụ ý niệm nghiên cứu
đặc trưng tri nhận và bản sắc văn hóa người Việt qua ẩn dụ ý niệm “đồ ăn”.
1.1.2. Ẩn dụ ý niệm trong diễn ngôn chính trị
Trên thế giới đã có nhiều công trình nghiên cứu về ẩn dụ ý niệm trong các
DNCT. Trước tiên phải kể đến Lakoff [122], trong cuốn sách Moral Politics:
What Conservatives Know That Liberals Don’t xuất bản năm 1996, đã phân
tích những quan điểm là nền tảng tư duy chính trị ở Hoa Kỳ và nhận định
rằng ẩn dụ ý niệm GIA ĐÌNH đứng ở vị trí trung tâm của hệ thống ý niệm
hóa về xã hội của chính trị Hoa Kỳ. Lakoff đã liệt kê một số ẩn dụ ý niệm phổ
biến như QUỐC GIA LÀ MỘT GIA ĐÌNH (THE NATION IS A FAMILY),
CHÍNH PHỦ LÀ CHA MẸ (THE GOVERNMENT IS A PARENT), CÔNG
DÂN LÀ CON CÁI (THE CITIZENS ARE THE CHILDREN) [122: 154155].

Một tác giả khác, Vestermark [147] đã xem xét việc lựa chọn và sử dụng
ẩn dụ ý niệm trong các bài diễn văn nhậm chức của bốn Tổng thống Hoa Kỳ:
Ronald Reagan, George H.W. Bush, Bill Clinton và George W. Bush và đi
đến kết luận về việc sử dụng có chủ đích các ẩn dụ ý niệm trong diễn văn của
bốn vị Tổng thống Hoa Kỳ nhằm tác động đến thái độ và suy nghĩ của người
nghe. Tác giả đã xác định ý niệm nhân cách hóa Hoa Kỳ như một con người


là một ý niệm mang tính xuyên suốt trong các bài diễn văn của các vị Tổng
thống này. Ví dụ, trong bài diễn văn nhậm chức của mình vào năm 1981,
Tổng thống Ronald Reagan sử dụng ẩn dụ ý niệm QUỐC GIA LÀ MỘT
CON NGƯỜI (NATION AS A PERSON) và QUỐC GIA MANG NHỮNG
ĐẶC ĐIỂM CỦA CON NGƯỜI (NATION WITH HUMAN ATTRIBUTES)
trong câu: “The economic ills we suffer have come upon us over several
decades” (Chúng ta đã phải chịu đựng những căn bệnh kinh tế nhiều thập kỷ
qua). Cách nói này phản ánh một thực tế là nước Mỹ, tại thời điểm ông nhậm
chức, đang phải gồng mình gánh chịu những khó khăn kinh tế kéo dài giống
như một con người đang phải chịu đựng những căn bệnh kinh niên dai dẳng.
Còn Tổng thống George H.W. Bush trong bài diễn văn nhậm chức của mình
năm 1989 sử dụng ẩn dụ ý niệm QUỐC GIA HÀNH ĐỘNG NHƯ MỘT
CON NGƯỜI (NATION ACTING AS HUMAN) trong câu: “But this is a
time when the future seems a door you can walk right through into a room
called tomorrow” (Nhưng đây là thời điểm mà tương lai giống như cánh cửa
để bạn bước qua và tiến vào một căn phòng có tên gọi ngày mai). Trong bối
cảnh nước Mỹ đang đứng trước cơ hội đổi mới, ông ý niệm hóa sự thay đổi
như một cánh cửa và nước Mỹ như một người đang sẵn sàng bước qua cánh
cửa đó để tiến vào tương lai.
Phân tích 06 bài diễn ngôn của Tổng thống George W. Bush, Fadda [100]
ghi nhận sự xuất hiện của ẩn dụ ý niệm CHIẾN TRANH NHƯ MỘT CÂU
CHUYỆN CỔ TÍCH (WAR AS A FAIRY TALE) trong bối cảnh nước Mỹ

vừa bị chấn động bởi vụ khủng bố được biết đến với tên gọi “sự kiện 11 tháng
9”. Tổng thống George W. Bush, với mục đích kêu gọi người dân Mỹ ủng hộ
kế hoạch tấn công triệt để các phần tử khủng bố, đã ý niệm hóa chiến tranh
như một câu chuyện cổ tích, trong đó Bin Laden, Al Queda và chính quyền
Taliban là những kẻ hung ác và nước Mỹ đảm nhận sứ mệnh người hùng tiêu
diệt kẻ ác, mưu cầu hòa bình và tự do dù phải trả bất kỳ giá nào.


Meadows [133] khi phân tích các bài diễn văn của chính giới Hoa Kỳ về
vấn đề Iraq trong những năm 2004-2005 cũng xác nhận sự phổ biến của ẩn dụ
ý niệm CHIẾN TRANH NHƯ MỘT CÂU CHUYỆN CỔ TÍCH (WAR AS A
FAIRY TALE). Kết quả nghiên cứu này trùng khớp với những nghiên cứu
trước đó của Lakoff [119 & 123] khi ông phân tích những DNCT của Hoa Kỳ
về Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất và Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ hai
với miền nguồn CÂU CHUYỆN CỐ TÍCH được ánh xạ lên miền đích
CHIẾN TRANH, trong đó nước Mỹ được mô tả như người anh hùng với vai
trò “cứu nhân độ thế”, ác nhân là Tổng thống Iraq Saddam Hussein và nạn
nhân cần được giải cứu là nhân dân Kuwait (1992) và nhân dân Iraq (2003).
Arcimaviciene [81] ghi nhận sự phổ biến của ẩn dụ ý niệm HOẠT ĐỘNG
CHÍNH TRỊ LÀ HOẠT ĐỘNG THỂ THAO / CỜ BẠC ở Anh Quốc trong
khi ẩn dụ HOẠT ĐỘNG CHÍNH TRỊ LÀ MỘT CUỘC CHƠI ĐỒNG ĐỘI /
MỘT CUỘC ĐI SĂN lại phổ biến ở Cộng hòa Latvia tuy cùng chung ẩn dụ ý
niệm phổ quát HOẠT ĐỘNG CHÍNH TRỊ LÀ THỂ THAO. Ẩn dụ ý niệm
HOẠT ĐỘNG CHÍNH TRỊ LÀ HOẠT ĐỘNG THỂ THAO được nhắc đến
trong bài xã luận đăng tải trên tờ The Economist (2005) trong câu “ICM
revealed that Labour is well ahead of the Conservatives on seven out of the
eight isues that voters say are most important to them” (ICM công bố thông
tin Đảng Lao động đã vượt xa đối thủ Đảng Bảo thủ ở bảy trên tổng số tám
vấn đề mà cử tri đánh giá là có tầm quan trọng bậc nhất). Còn ẩn dụ ý niệm
HOẠT ĐỘNG CHÍNH TRỊ LÀ CỜ BẠC được sử dụng với dụng ý so sánh

việc các chính khách Anh Quốc chấp nhận những rủi ro trong việc đưa ra các
quyết định chính trị cũng giống như hành vi chơi cờ bạc, “It was another
gamble to fly to Singapore on the eve of the G8 summit” (Việc họ bay đến
Singapore vào đêm trước khi diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh G8 lại là một
canh bạc nữa).


×