Tải bản đầy đủ (.pdf) (94 trang)

NHÂN MINH HỌC - HT. Thích Thiện Siêu

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (581.51 KB, 94 trang )

NHÂN MINH HỌC
HT. Thích Thiện Siêu
LỜI NÓI ĐẦU
Người ta ai cũng có suy nghĩ. Đã có suy nghĩ tức là đã có
lý luận, dù lý luận âm thầm với tự chính mình. Nhưng lý luận mà
không có luận lý thì dễ đưa đến sai lầm, tri kiến điên đảo. Đem
tri kiến điên đảo ra lý luận với người không có luận lý, thì chắc
chắn sẽ là ông nói gà, bà nói vịt, cuối cùng chẳng biết con chi.
Do đó có luận lý học Tam đoạn luận, có Nhân minh luận,
có Biện chứng pháp (cũng gọi Dịch hóa pháp) ra đời. Nhưng
theo Tam đoạn luận là luận lý hình thức, A luôn luôn là A, chứ
không thể là phi A. Theo Biện chứng pháp chú trọng nội dung, A
là A, nhưng đồng thời cũng là phi A, phi phi A … Còn Nhân
minh luận thì gồm cả hai lối trên đó, vì Nhân minh được thiết
lập trên hiện lượng trí, tỷ lượng trí. Nếu biết từ Nhân minh tiến
lên Biện chứng Trung quán, thì ta sẽ có được hiện lượng vô
phân biệt trí, nhìn thực tại đúng như thực, siêu việt tư duy nhị
biên đối đãi.
Nhân minh luận là môn luận lý học cổ xưa của Ấn Độ, đến
thế kỷ V-VI Tây lịch, các luận sư Phật giáo mới cải biến hoàn
chỉnh và sử dụng nó một cách rộng rãi trong việc lập ngôn, tạo
luận, nên mặc nhiên Nhân minh học đã trở thành môn học của
Phật giáo.
Nhưng tạo luận để làm gì? Mục đích tu Phật là cốt thực
hành Phật hạnh, chuyển mê khai ngộ, chứng nhập Phật trí, chứ
đâu phải để biện luận cho giỏi, lý lẽ cho hay, hỏi có ích gì ?
Để giải thích điều này, ta hãy đọc lại đoạn văn sau đây
trong Phương Tiện Tâm Luận của ngài Long Thọ: “Không nên
tạo luận. Hễ tạo luận thì dễ sinh ra lòng sân hận, kiêu căng,
phóng dật, nhiễu loạn mình, nhiễu loạn người, chỉ trích cái xấu
của người khác, khoe khoang cái hay của mình. Nếu muốn lợi




mình, lợi người thì hàng Thánh đệ tử nên bỏ sự tranh luận thì
tốt hơn ?
Đáp : Không ! Thánh đệ tử tạo luận không phải vì hơn
thua, lợi dưỡng hay vì danh vọng, mà chỉ muốn làm rõ các
tướng thiện ác, đúng sai. Đời nếu không có luận thì sự mê loạn
tràn lan, bị cuồng hoặc bởi sự xảo biện của tà trí, mà khởi sinh
các nghiệp ác bất thiện, phải chịu quả báo luân hồi trong các
cõi ác. Nếu tạo luận, thời có thể tự phân biệt được các tướng
thiện ác, đúng sai, không còn bị người tà kiến làm mê hoặc,
chướng ngại nữa”.
Theo tinh thần đó, tôi soạn tập Lối vào Nhân minh học
(Luận lý học Phật giáo) này để giúp cho người học Phật, trước
hết là Tăng Ni sinh các Học viên Phật giáo Việt Nam, các
trường trung cấp Phật học khắp cả nước làm tài liệu tham khảo.
Mong rằng, nó sẽ được xem như đức Phật đã dạy: “Pháp của
Ta nói cũng giống như chiếc bè để đưa qua sông, khi lên bờ rồi
thì sẽ phải bỏ lại”.
Tập Nhân minh này cũng vậy, nó chỉ là chiếc bè mỏng
mảnh, chỉ có thể giúp những ai chưa được qua đến bờ hoặc
chưa lên được bè gỗ. Ai đã lên được bè gỗ hoặc đã bước lên bờ
rồi thì nó không còn cần thiết nữa.
Vả lại, nếu nắm vững mục đích ngôn thuyết là để đạt đến
vô ngôn thuyết, thì ngôn thuyết luôn luôn vẫn có lợi ích. Và nếu
có được thái độ ngôn luận đối đáp giữa Tỳ-kheo Na-tiên và Vua
Di-lan-đà dưới đây, thì ngại gì mà không ngôn thuyết tranh
biện.
Một hôm vua Di-lan-đà thưa với Tỳ-kheo Na-tiên :
– Bạch Đại đức, Trẫm muốn hầu chuyện với Đại đức về

những điểm khó hiểu trong kinh điển và về những đạo lý khác,
chẳng hay Tôn ý có doãn hứa cho chăng ?
– Tâu Đại vương, nếu Đại vương đứng trên tư thế của một
Hiền giả mà nói chuyện thì bần đạo xin vui lòng đối đáp. Còn


nếu Đại vương đứng trên tư thế của một vương giả mà nói
chuyện thì bần đạo sẽ không có gì để đối đáp hết.
– Đứng trên tư thế của một Hiền giả mà nói chuyện là thế
nào ?
– Tâu Đại vương, Hiền giả trong khi nói chuyện thì tự
quán xét lấy mình lại vừa soi sáng cho người đối thoại một cách
nhiệt thành. Trong câu chuyện dù đối phương viện dẫn những lý
lẽ hoặc đúng hoặc không đúng, hoặc cao hoặc thấp, Hiền giả
vẫn giữ thái độ bình tĩnh, cởi mở, chứ không bao giờ có ý chê
bai hay buồn giận, không hề lấy việc thắng bại làm điều, và tự
biết rằng trong đó ai đúng ai sai rõ ràng. Nếu gặp một đối
phương già dặn, có tài hùng biện, Hiền giả cũng không vì thế
mà tìm cách cản ngăn áp đảo, xua đuổi kẻ kia, hoặc dùng ảo
thuật luận lý trói mở gàn bướng, mơ hồ để thủ thắng cho kỳ
được. Tâu Đại vương đó là cách nói chuyện của Hiền giả.
– Còn đứng trên tư thế của một vương giả để nói chuyện là
thế nào ?
– Tâu Đại vương, kẻ vương giả trong khi nói chuyện
thường hay có tâm lý dùng uy quyền áp đảo đối phương, buộc
đối phương phải chấp nhận quan điểm của mình. Nếu đối
phương bất tuân, dám phát biểu ý kiến đối nghịch, thì liền tìm
cách bắt tội, hình phạt để khỏi mất thể diện của một người có uy
quyền, bất chấp lẽ phải và công bằng. Quyền uy mà các vương
giả thường sử dụng đã tiêm nhiễm lâu ngày thành thói quen, nên

không thể chịu đựng cho một ai xâm phạm lấn lướt bất cứ
trường hợp nào. Các vương giả luôn luôn bị ám ảnh bởi lòng tự
cao tự đại, có quyền uy nên khó mà nhận ra sự hơn kém trong lý
lẽ của mỗi bên để làm sáng tỏ nội dung câu chuyện đang thảo
luận. Chính cái thái độ trịch thượng, một chiều đó, đã làm bít
lối đối thoại công minh giữa đôi bên. Tâu Đại vương, đó là cách
nói chuyện của vương giả.
Vua Di-lan-đà chấp nhận ngay thái độ đối thoại của một
Hiền giả như Tỳ-kheo Na-tiên vừa trình bày Vua liền nêu câu
hỏi :


– Bạch Đại đức, vậy Trẫm xin hỏi một câu.
– Đại vương hỏi đi.
– Trẫm đã hỏi rồi.
– Bần đạo đã đáp rồi.
– Đại đức đáp thế nào ?
– Đại vương hỏi thế nào ?
– Trẫm không hỏi gì hết.
– Bần đạo không đáp gì hết.
Không hỏi mà hỏi, hỏi mà không hỏi, không đáp mà đáp, đáp
mà không đáp; đó là cách hỏi đáp, tranh biện không bị điều
động bởi ngã chấp hẹp hòi của người muốn tranh luận để cầu
đạt đến chân lý vô ngôn.
Tranh luận như vậy, há không phải là điều lợi ích lắm ư ?
Song, sách này đúng như tên gọi, mới chỉ là lối vào cho ai
mới tìm học Nhân minh. Nếu muốn đi sâu hơn, xin cố gắng tìm
đọc sách “Giới Thiệu Nhân Minh Học” của Pháp sư Thích Trí
Độ, là bậc ân sư của chúng tôi, đã từng dày công xây dựng cho
chúng tôi có được một nền tảng vững chắc về Phật học, trong đó

có Nhân minh học, từ những năm 1935 … Đọc sách này, chẳng
những mở rộng thêm sự hiểu biết về Nhân minh, mà còn biết
thêm được về môn luận lý học và Biện chứng pháp của Tây
phương, như sách đã có đề cập. Sách “Giới Thiệu Nhân Minh
Học” đã được trường Cơ bản Phật học tỉnh Hà Tây xuất bản
tháng 9 năm 1992.

DANH NGHĨA NHÂN MINH
Nhân minh là một trong Ngũ minh học, Ngũ minh là năm
môn học bao gồm tất cả mọi vấn đề mà người Ấn Độ xưa rất
chú trọng. Phật giáo cũng rất chú trọng Ngũ minh. Như trong
Luận Du-gìa-sư-địa cuốn 38 nói: “Các Bồ-tát khi cầu chánh
pháp, nên cầu ở đâu ? Nên cầu ở Ngũ minh”.


Thứ nhất : Nội minh - Nghiên cứu giáo nghĩa của Tôn
giáo mình. Đối với người Phật tử là nghiên
cứu giáo nghĩa của đức Phật.
Thứ hai : Nhân minh - Nghiên cứu phương thức luận lý,
tức luận lý học.
Thứ ba : Thanh minh - Nghiên cứu ngôn ngữ, văn tự, cú
pháp, tức ngữ học.
Thứ tư :

Y phương minh - Tức y học.

Thứ năm : Công xảo minh - Nghiên cứu công nghệ, kỹ
thuật, khoa học.
Nhân minh học là môn học về phương thức lý luận.
Nhưng sao không gọi là Luận lý học mà lại gọi Nhân minh học ?

Đó là vì các lẽ sau :
(1) Nhân, trước hết là nguyên nhân, lý do của sự vật, là
điều cốt lõi được chú trọng nghiên cứu phát minh của môn học
này. Thông hiểu minh bạch về nguyên nhân, lý do ấy, nên gọi là
Nhân minh. Nhưng thật thể của nhân có hai là sanh nhân và
liễu nhân.
Sanh nhân là như hạt lúa làm nhân trực tiếp sanh cây lúa,
hạt lúa là sanh nhân của cây lúa. Liễu nhân là như cây lúa ở
trong bóng tối, nhờ ánh sáng chiếu đến mà cây lúa được hiện rõ
ra. Ánh sáng là liễu nhân của cây lúa.
Trong Nhân minh học do ngôn luận chặt chẽ, xác đáng của
người lập luận làm nguyên nhân trực tiếp mới phát sinh trí hiểu
biết của người nghe. Như vậy ngôn luận của người lập luận là
sanh nhân của trí người nghe. Do trí của người nghe làm nguyên
nhân gián tiếp để hiểu rõ được lý nghĩa của người lập luận. Như
vậy, trí của người nghe là liễu nhân làm cho ngôn luận của
người lập được sáng tỏ. Nếu không có ngôn luận của người lập
luận để làm nhân trực tiếp phát sinh ra trí của người nghe, và
nếu không có trí của người nghe làm nhân gián tiếp để hiểu rõ
nghĩa lý của người lập luận, thì việc lý luận không thành, và
Nhân minh cũng không có. Như thế sanh nhân và liễu nhân là


cốt lõi. Minh đạt được sanh nhân và liễu nhân ấy thì gọi là Nhân
minh. Sanh nhân thuộc của người lập luận; Liễu nhân thuộc của
người nghe.
Sanh nhân lại chia ra có ba là : trí sanh nhân, nghĩa sanh
nhân, ngôn sanh nhân. Nhờ trí nắm bắt được nghĩa nên trí là
sanh nhân của nghĩa. Nhờ nghĩa mà hình dung ra ngôn luận, nên
nghĩa là sanh nhân của ngôn luận. Nhờ ngôn luận của người lập

làm phát sanh ra trí của người nghe. Vậy ngôn luận của người
lập là sanh nhân của trí người nghe. Trong đây ngôn sanh nhân
mới là sanh nhân chính, trực tiếp làm phát sinh ra trí của người
nghe, còn trí sanh nhân, nghĩa sanh nhân chỉ là sanh nhân phụ,
gián tiếp. Liễu nhân lại chia ra có ba là : ngôn liễu nhân, nghĩa
liễu nhân, trí liễu nhân. Nhờ ngôn luận trình bày về nghĩa lý mà
liễu giải được nghĩa lý. Vậy ngôn luận là liễu nhân của nghĩa.
Nghĩa làm rõ trí, nhờ nghĩa làm phát sinh ra trí. Vậy nghĩa là
liễu nhân của trí. Nhờ trí mới hiểu liễu được ngôn luận của
người lập. Vậy trí người nghe là liễu nhân của ngôn luận của
người lập. Trong đây trí liễu nhân mới là liễu nhân chính, trực
tiếp liễu trí ngôn luận của người lập, còn nghĩa liễu nhân, ngôn
liễu nhân chỉ là liễu nhân phụ, gián tiếp.
Sanh nhân

- Trí sanh nhân

(phía người lập)

- Nghĩa sanh nhân
- Ngôn sanh nhân

Hai
- Ngôn liễu nhân

nhân
Liễu nhân

- Nghĩa liễu nhân


(phía người nghe)

- Trí liễu nhân

(2) Nhân, chỉ cho ngôn luận của người lập có thể làm nhân
phát sinh ra trí của người nghe. Trong ngôn luận đó có bao gồm
Trí và Nghĩa. Minh, chỉ cho minh trí của người nghe được phát
sanh do ngôn luận của người lập. Trong minh trí đó có bao gồm
Ngôn và Nghĩa. Như thế ngôn luận là nhân của Minh trí, nên gọi
là Nhân minh.


(1) Nhân là chỉ cho Trí. Nhờ có trí làm nhân mà chiếu liễu
được Ngôn và Nghĩa, hoặc Nhân là chỉ cho Ngôn và Nghĩa. Nhờ
Ngôn và Nghĩa làm nhân mà phát sanh ra trí chiếu liễu. Như thế
chính Nhân tự nó có khả năng làm sáng tỏ lập trường, hay chủ
trương của đôi bên tranh luận. Vậy Nhân tức là Minh, nên gọi là
Nhân minh.
(2) Sanh nhân gọi là Nhân, Liễu nhân gọi là Minh. Nhân
gồm có đủ ba đặc tánh (xem trong sách) có khả năng làm phát
sinh minh trí, minh trí có khả năng chiếu liễu tôn nghĩa của
người lập. Như thế Nhân và minh hợp lại gọi là Nhân minh.
Trong bốn nghĩa trên, nghĩa thứ nhất là chủ yếu.


CHỦ ĐÍCH CỦA NHÂN MINH
Tất cả luận lý đều nhằm mục đích tự ngộ và ngộ tha. Tam
đoạn luận của Aristote là pháp thức suy tư, chú trọng ở chỗ
đúng sai của tư duy suy lý, lấy nguyên lý chung đã được hiểu rõ
diễn dịch suy định để hiểu đến bộ phận riêng, mục đích là tự

ngộ. Còn Nhân minh là luận thức biện luận, chú ý ở chỗ đúng
sai của biện luận nhằm mục đích ngộ tha. Muốn ngộ tha phải
nhờ đến biện luận, nhưng nếu biện luận không có phép tắc thì
chỉ tạo ra sự hiểu biết sai lầm cho người nghe, chứ không thể
ngộ tha được. Do mục đích ngộ tha đó, Nhân minh rất chú trọng
chỗ đúng sai trong pháp biện luận Lập và Phá.
Theo Nhân minh, người lập luận là nêu ra chủ trương để
tranh luận với người khác, nên sự đúng sai không phải chỉ do
mình quyết định mà còn do người đối luận và người làm chứng
quyết định. Thế nên, muốn lập luận trước phải dùng Hiện lượng
trí và Tỷ lượng trí để hiểu rõ sự lý, hiểu rõ nguyên nhân kết quả
và hiểu rõ cách dùng từ, pháp lập luận, nghĩa là trước phải có trí
tự ngộ rồi sau mới lập luận để ngộ tha. Nếu trước không tự ngộ
thì khó có thể đạt được mục đích ngộ tha. Trí hiện lượng và trí
tỷ lượng là hai khả năng hiểu biết vừa trực tiếp vừa kinh nghiệm
suy lý, vừa cảm tính vừa lý tính. Luận lý Nhân minh được xây
dựng trên trí hiện lượng và trí tỷ lượng nên có thể đưa người


nghe đi xa, hiểu thấu chỗ đích thực của sự vật, chứ không bị
cuộc hạn trong suy lý trừu tượng như Tam đoạn luận hay Biện
chứng pháp Tây phương, như Jaspers, triết gia Đức hiện đại đã
nhận định : “Biện chứng pháp của Hégel là một thứ Biện chứng
pháp của tư duy, còn Biện chứng pháp của Đông phương là Biện
chứng pháp của kinh nghiệm thực hiện”.

KHỞI NGUYÊN CỦA NHÂN MINH
Về tinh thần Nhân minh thì đã có tại Ấn Độ từ rất sớm.
Trước hết ta phải nói đến kinh Phật. Tuy đức Phật không đề cập
đến luận lý nhưng trong cách thuyết giáo của Ngài rất có tính

luận lý. Nếu Nhân minh có ba chi tác pháp là tôn, nhân, dụ; thì
ta cũng tìm thấy ba chi đó trong cách thuyết pháp của đức Phật.
Thường khi nói đến một pháp gì đức Phật đều có nói rõ nguyên
nhân và chứng minh bằng những ví dụ cụ thể qua các sự kiện cụ
thể trước mắt, nên những lời của đức Phật dạy rất rõ ràng thực
tế.
Trong Kinh Bộ Tăng Chi (bản 1988, tập một, trang 223)
đức Phật đã chỉ cách thảo luận như sau : “Với sự tranh luận, một
người có thể biết được là có khả năng nói chuyện (kaccha) hay
không có khả năng ? Nếu người nào khi được hỏi một câu,
không trả lời một cách dứt khoát một câu hỏi cần phải trả lời dứt
khoát; không trả lời một cách phân tích một câu hỏi cần phải trả
lời một cách phân tích; không trả lời một câu hỏi ngược lại một
câu hỏi cần phải trả lời với một câu hỏi ngược lại; không có gạt
qua một bên một câu hỏi cần phải gạt qua một bên; một người
như vậy, không có khả năng để thảo luận. Nếu người nào trả lời
một cách dứt khoát một câu hỏi cần phải trả lời một cách dứt
khoát; trả lời phân tích một câu hỏi cần phải trả lời một cách
phân tích; trả lời một câu hỏi ngược lại một câu hỏi cần phải trả
lời với một câu hỏi ngược lại; gạt qua một bên một câu hỏi cần
phải gạt qua một bên; một người như vậy, có khả năng để thảo
luận.


Nếu một người khi được hỏi một câu không xác nhận là
đúng hay không đúng, không xác nhận là một giả thuyết, không
xác nhận là quan điểm của một bậc trí, không xác nhận là sở
hành thường làm; mà người ấy vẫn trả lời; người như vậy,
không có khả năng thảo luận. Ngược lại là người có khả năng
thảo luận.

Nếu một người khi được hỏi một câu, tránh câu hỏi ấy với
một câu hỏi khác, hướng câu chuyện ra ngoài, bày tỏ sự phẫn
nộ, sân hận, bất mãn, người như vậy, không có khả năng thảo
luận. Ngược lại là người có khả năng thảo luận.
Nếu một người khi được hỏi một câu, lại mắng chưởi,
đánh đập, nhạo báng, chụp lấy chỗ sơ hở; người như vậy, không
có khả năng thảo luận. Ngược lại là người có khả năng thảo
luận”.
Bốn cách trả lời trong Kinh Bộ Tăng Chi trên cũng được
ghi lại trong kinh Trường A-hàm, Kinh Giải Thâm Mật, Luận
Đại Trí Độ, Luận Du-già, Luận Tỳ-bà-sa, Luận Câu-xá.
Nói cách vắn tắt, bốn cách trả lời này là :
1. Nhất hướng ký (hay quyết định đáp) tức trả lời một
cách dứt khoát.
2. Phân biệt ký (hay giải nghĩa đáp) tức trả lời một cách
có phân tích rõ ràng.
3. Phản vấn ký (hay phản chất đáp) tức trả lời bằng cách
hỏi ngược lại người hỏi.
4. Xả trí ký (hay trí đáp) tức trả lời bằng cách im lặng,
gạt qua một bên những vấn đề trừu tượng vô bổ. Và như bài kệ
trong Kinh Lăng Nghiêm dưới đây càng cho thấy rõ tính cách
Nhân minh trong kinh Phật :
Chơn tánh hữu vi không,
Duyên sanh cố như huyễn.
Vô vi vô khởi diệt,


Bất thật như không hoa.
Phân tích bài kệ này, ta sẽ có được hai tỷ lượng với đầy đủ
tam chi tác pháp.

1. Tôn : Chơn tánh hữu vi không.
(Đúng theo thật tánh, các pháp
hữu vi là không thật có).
2. Nhân : Duyên sanh cố. (Vì do duyên
sanh).
3. Dụ :

Như huyễn. (Ví như trò huyễn
thuật).

1. Tôn : Chơn tánh, vô vi bất thật.
(Đúng theo thật tánh, các pháp vô vi là không
thật)
2. Nhân:
3. Dụ :

Vô khởi diệt cố. (Vì không
có tướng sanh và diệt).
Như không hoa. (Như hoa đốm giữa
hư không).

Còn nói đến khởi nguyên trực tiếp của luận lý học cổ Ấn
Độ, trước hết phải kể đến phái Di-mạn-tác (Mimansa), phái
Thắng Luận (Vaisesika), và nhất là phái Chánh Lý (Nyaya)
thuộc trong sáu phái triết học của Ấn Độ. Phái Chánh Lý là phái
chú trọng luận lý học, và đã chỉnh đốn môn luận lý thành hệ
thống, nên có có thể làm đại biểu cho Cổ Nhân minh học.
Kế đó là Bồ-tát Mã Minh, Long Thọ, Di-Lặc, Vô Trước,
Thế Thân đều có luận lý học, và cũng thuộc Cổ Nhân minh.



VĂN HIẾN NHÂN MINH
Có nhiều sách về Nhân minh, đó là :
– Kinh Chánh Lý (Nyaya-sutra) do A. Kaspada (cũng có
tên là Gotama, và học giả Trung Quốc dịch là Túc Mục), sống ở


thế kỷ thứ ba trước Tây lịch hoặc ở thế kỷ đầu Tây lịch trước
tác, và các sách chú giải về kinh này.
– Hồi Tránh Luận, một cuốn, của Bồ-tát Long Thọ
(Nagarjuna) khoảng cuối thế kỷ thứ hai Tây lịch, trước tác.
– Du-Già-Sư-Địa Luận cuốn 15 của Di-Lặc (khoảng đầu
thế kỷ thứ V).
– Hiển Dương Thánh Giáo Luận cuốn 10 của Vô Trước.
(Khoảng đầu thế kỷ thứ V).
– A-Tỳ-Đạt-Ma Tạp Luận cuốn 16 của Vô Trước và An
Huệ.
– Như Thật Luận, một cuốn, của Thế Thân (khoảng đầu
thế kỷ thứ V). (Ngài Thế Thân có viết ba bộ luận về Nhân minh
nữa là Luận Quỷ, Luận Thức, Luận Tâm, nhưng chưa được dịch
sang Hán Văn).
– Nhân Minh Chánh Lý Môn Luận bản, một cuốn của Bồtát Trần Na. (Tức Đại Vức Long, đệ tử của ngài Thế Thân).
– Nhân Minh Nhập Chánh Lý Luận, một cuốn của
Thương-kiết-la-chủ (Thiên Chủ, là đệ tử của ngài Trần Na).
– Và các bản Sớ giải các sách Nhân minh luận nói trên.
 

CÁC LUẬN THỨC NHÂN MINH
A. TÚC MỤC trong kinh Chánh Lý (Nyaya) chủ trương luận


thức năm đoạn và chín cú nhân.
A1. LUẬN THỨC NĂM ĐOẠN. Như lập :

– Tôn (định đề) : Socrate phải chết.
– Nhân (lý do) : Vì ông ta là người.
– Đại tiền đề : Người nào cũng phải chết
– Tiểu tiền đề : Socrate là người.
– Đoán án : Vậy Socrate phải chết.


Hoặc cũng gọi là luận thức năm phần (ngũ phần tác pháp).
Như lập :
– Tôn : Âm thanh là vô thường
– Nhân : Vì do tác động mà có
– Dụ : Như cái bình.
– Hiệp : Bình do tác động mà có, bình là vô thường, âm
thanh do tác động mà có, âm thanh cũng vô thường.
– Kết : Nên biết âm thanh là vô thường
A2. CHÍN CÚ NHÂN

Nhân là lý do, luận cứ, dùng để chứng minh cho định đề
(tức tôn sở lập) khiến đối phương thừa nhận định đề của mình
đưa ra. Nhân có vai trò quan trọng như thế, nên nếu nhân đúng
thì định đề đưa ra mới đúng và mới thuyết phục đối phương thừa
nhận. Nếu nhân sai thì định đề đưa ra không đứng vững, và
không thuyết phục được đối phương thừa nhận.
– Do đâu mà biết nhân đúng hay sai ?
– Do nhân có quan hệ hay không quan hệ (có mặt) nơi
toàn bộ những gì đồng phẩm tính với tôn, hay những thứ gì khác
phẩm tính với tôn; hoặc chỉ quan hệ nơi một bộ phận những thứ

gì đồng phẩm tính với tôn, hay nơi một bộ phận những thứ gì
khác phẩm tính với tôn, mà biết được nhân đó đúng (chánh
nhân) hay sai (tợ nhân). Có chín trường hợp dưới đây (chín cú
nhân) chỉ rõ nhân đúng và nhân sai.
1. Đồng phẩm có, dị phẩm cũng có
Những gì có phẩm tính đồng với tôn, thì gọi là tôn đồng
phẩm, gọi tắt là đồng phẩm (cũng gọi là đồng pháp khi chỉ vào
vật cụ thể có cùng phẩm tính với tôn và cũng được gọi là đồng
dụ khi lấy vật ấy làm ví dụ). Còn những gì không có phẩm tính
đồng với tôn thì gọi là tôn dị phẩm, gọi tắt là dị phẩm. (Cũng gọi
là dị pháp, khi chỉ vào vật cụ thể không đồng phẩm tính với tôn
và cũng gọi là dị dụ khi lấy vật ấy làm ví dụ). Đồng dụ hợp lực


với nhân để chứng minh tôn về mặt thuận. Dị dụ ngược lại với
nhân để chứng minh tôn về mặt nghịch (phản chứng).
Đồng phẩm có, dị phẩm cũng có, là cái nhân chẳng những
có phẩm tính đồng với tôn đồng phẩm (đồng dụ) mà cũng có
phẩm tính đồng với tôn dị phẩm (dị dụ). Như lập :
– Tôn: Con người sẽ phải chết (sở lập pháp, tôn sở lập).
– Nhân: Vì là vật đang tồn tại (năng
lập pháp, nhân năng lập).
– Đồng dụ: Như con vật
– Dị dụ: Như hư không, như kim cương.
Cái nhân “vật đang tồn tại” không những quan hệ với
đồng dụ như con vật, mà đồng thời cũng quan hệ với dị dụ như
hư không, như kim cương. Vì con vật và hư không, kim cương
đều là vật đang tồn tại. Phạm vi cái nhân “vật đang tồn tại” này
quá rộng, trùm cả đồng phẩm và dị phẩm, nên không thể biết
chắc vì lý do là “vật đang tồn tại” như con vật mà con người sẽ

phải chết, hay vì là “vật đang tồn tại” như hư không, kim cương,
mà con người sẽ không phải chết ? Nên cái nhân này là nhân bất
định. Xem biểu đồ :
2. Đồng phẩm có, dị phẩm không có
Nhân này có quan hệ với toàn bộ những gì đồng phẩm tính
với tôn, và tuyệt đối không quan hệ với toàn bộ những gì khác
phẩm tính với tôn. Như vậy là cái nhân đúng (chánh nhân) đủ
khả năng để chứng minh cho tôn sở lập được đứng vững, khiến
đối phương phải chấp nhận chứ không thể bác bỏ. Như lập :
– Tôn : Con người sẽ phải chết.
– Nhân : Vì có sống vậy.
– Đồng dụ : Như con vật
– Dị dụ : Như kim cương
Lấy lý do (nhân) “vì có sống” để chứng minh cho con
người sẽ phải chết là điều rất chí lý. Hễ đã có sống tức phải có


chết, không ai sống mà không chết cả. Còn nếu không chết tức
là vì không có sống. Như vậy, cái nhân “vì có sống” chỉ có tính
cách quan hệ giới hạn ở những gì có chết như con người, như
con vật v. v… chứ không lan qua những gì không chết như kim
cương v.v… vì thế đây là cái nhân đúng. Xem đồ biểu :
3. Đồng phẩm có, dị phẩm cũng có cũng không
Đúng lý cái nhân không được quan hệ với dị phẩm dù chỉ
quan hệ với một bộ phận, nhưng ở đây cái nhân nầy chẳng
những có quan hệ với toàn bộ những gì có phẩm tính đồng với
tôn, mà cũng có quan hệ với một bộ phận những gì khác phẩm
tính với tôn, nên nó trở thành cái nhân bất định (tợ nhân) vì
dùng nhân này làm lý do để thành lập tôn cũng được, mà dùng
nhân nầy để phủ nhận tôn đó cũng được. Như lập:

– Tôn : Con người sẽ phải chết
– Nhân : Vì có hình thể
– Đồng dụ : Như loài vật.
– Dị dụ : Như kim cương, như hư không.
Con người, loài vật và kim cương đều có hình thể, nhưng
con người và loài vật đều phải chết, còn kim cương thì không
chết. Vậy lý do vì có hình thể như loài vật mà con người sẽ phải
chết hay vì có hình thể như kim cương mà con người sẽ không
phải chết ? Hai đàng đều không thể xác định được. Nhân này
không đúng, phạm lỗi bất định. Xem đồ biểu
4. Đồng phẩm không, dị phẩm có
Đúng lý cái nhân phải quan hệ với đồng phẩm, không
quan hệ với dị phẩm, nhưng ở đây, nhân này, ngược lại nó
không quan hệ với đồng phẩm mà lại quan hệ với dị phẩm, nên
nhân này bị lỗi tương vị, nó chỉ để thành lập một chủ trương
ngược lại với chủ trương của người lập. Như lập :
– Tôn : Âm thanh là thường còn.
– Nhân : Vì do sự tác động mà có ra.


– Đồng dụ : Như hư không.
– Dị dụ : Như bàn, ghế.
Những gì do sự tác động mà có đều là vô thường chứ sao
lại thường còn được ? Còn những gì thường còn như hư không
thì đều không do sự tác động mà có. Như vậy, cái nhân “do sự
tác động mà có” ở đây, không quan hệ gì với hư không, không
phải là thuộc tính của hư không, là vật có tính thường còn đồng
với tôn “âm thanh là thường còn”, nhưng nó lại có quan hệ với
bàn ghế, là vật khác phẩm tính thường còn với âm thanh. Do đó,
cái nhân “do sự tác động mà có” ở đây, chỉ có thể chứng minh

cho tôn “âm thanh là vô thường” như bàn ghế, chứ không thể
chứng minh cho tôn “âm thanh là thường còn” như hư không
được. Xem đồ biểu :
5. Đồng phẩm không, dị phẩm không
Đúng lý cái nhân phải quan hệ với đồng phẩm và không
quan hệ với dị phẩm, nhưng ở đây, cái nhân này đối với cả hai
mặt đồng phẩm và dị phẩm nó đều không quan hệ. Không quan
hệ với dị phẩm thì đúng, chứ không quan hệ với đồng phẩm là
sai. Nhân không quan hệ với vật đồng phẩm thì sẽ không biết
lấy gì làm ví dụ để chứng minh cho tôn sở lập, nên có lập tôn
cũng không ăn nhằm gì. Như lập :
– Tôn : Âm thanh là thường còn.
– Nhân : Vì là cái bị nghe.
– Đồng dụ : Như hư không.
– Dị dụ : Như bàn, ghế.
“Bị nghe” là một phẩm tính riêng của âm thanh. Phạm vi
cái nhân này quá hẹp. Ngoài âm thanh ra, giữa vũ trụ chẳng còn
tìm đâu ra một cái gì có tính bị nghe để lấy làm ví dụ chứng
minh cụ thể. Nếu chỉ nói riêng âm thanh là cái bị nghe thì rất
đúng với hiện lượng, nhưng thiếu dữ kiện để so sánh của tỷ
lượng, vậy nên nếu lấy lý do “bị nghe” để chứng minh “âm
thanh là thường còn” thì không được, vì người khác cũng có thể
lấy lý do “bị nghe” để chứng minh “âm thanh là vô thương”. Cả


hai đều đúng nên cả hai đều không đúng. Vì cả hai bên đều
không thể tìm ra vật gì có tính bị nghe như âm thanh để làm ví
dụ cụ thể cả, nên cái nhân này bị lỗi “bất cọng bất định”. Xem
đồ biểu :
6. Đồng phẩm không, dị phẩm cũng có cũng không

Đúng lý cái nhân phải quan hệ với đồng phẩm (đồng phẩm
có) và tuyệt đối không quan hệ với dị phẩm (dị phẩm không).
Nhưng ở đây, cái nhân này không quan hệ với đồng phẩm, còn
với dị phẩm thì một nửa có quan hệ, một nửa không quan hệ.
Như lập :
– Tôn : Âm thanh là thường còn.
– Nhân: Vì do tác dụng ý chí mà phát ra.
– Đồng dụ : Như hư không.
– Dị dụ : Như điển chớp, bình, bàn.
Nơi hư không có phẩm tính thường còn đồng với âm
thanh, nhưng hư không lại không có cái nhân “do tác dụng ý chí
mà phát ra” (hư không đâu phải do tác dụng ý chí mà phát ra, dù
nó là thường), còn nơi điển chớp, bình, bàn là vật không có
phẩm tính thường còn đồng với âm thanh thì lại một phần như
bình, bàn do “tác dụng ý chí mà phát ra”, một phần như điển
chớp, sấm vang thì không do “tác dụng ý chí mà phát ra”. Như
vậy, cái nhân “do tác dụng ý chí mà phát ra” chỉ có thể dùng để
chứng minh “âm thanh là vô thường”, như bình, bàn, chứ không
thể dùng để chứng minh “âm thanh là thường còn” như hư
không. Vì hư không không do tác dụng ý chí mà phát ra, nên
nhân này bị lỗi tương vi. Xem đồ biểu :
7. Đồng phẩm cũng có cũng không, dị phẩm có.
Đúng lý cái nhân phải quan hệ với toàn bộ hay một bộ
phận những gì đồng phẩm với tôn và tuyệt đối không quan hệ
với toàn bộ dị phẩm với tôn. Nhưng cái nhân ở đây quan hệ với
một bộ phận đồng phẩm, mà cũng còn quan hệ với toàn bộ dị
phẩm, nên nó trở thành cái nhân bất định. Như lập :


– Tôn : Âm thanh là vô thường.

– Nhân : Vì vô hình.
– Đồng dụ : Như gió, buồn vui, bàn ghế.
– Dị dụ : Như hư không.
Phạm vị của cái nhân “vô hình” có tính chung chung, rộng
lớn. Không những quan hệ với một bộ phận sự vật có phẩm tính
vô thường đồng với tôn, như gió, tâm niệm buồn vui, mà còn
quan hệ với toàn bộ những vật thường còn, khác với phẩm tính
vô thường của tôn, như hư không. Như vậy, nếu căn cứ cái nhân
này thì không thể biết chắc vì “vô hình” như gió, buồn vui mà
“âm thanh là vô thường” hay vì “vô hình” như hư không mà
“âm thanh là thường”. Vậy nhân này mắc lỗi bất định. Xem đồ
biểu :
8. Đồng phẩm cũng có cũng không, dị phẩm không
Nhân này có quan hệ (có mặt) với một bộ phận sự vật có
phẩm tính đồng với tôn (đồng phẩm cũng có cũng không) và
hoàn toàn không quan hệ với toàn bộ sự vật khác phẩm tính với
tôn (dị phẩm không). Đây lày một cái nhân đúng (chánh nhân).
Như lập :
– Tôn : Ngôn ngữ là vô thường.
– Nhân : Vì do tác dụng ý chí mà phát ra.
– Đồng dụ : Như bình, bàn, điển chớp.
– Dị dụ : Như hư không.
Phẩm tính “do tác dụng ý chí mà phát sinh” chỉ thấy có ở
những vật vô thường như âm thanh, bình, bàn, chứ không thấy
có ở những vật thường như hư không. Như vậy, lấy lý do “do tác
dụng ý chí mà phát ra” để thành lập cái tôn “ngôn ngữ là vô
thường”, thì rất hợp lý. Đây là nhân đúng, có thể thành lập được.
Xem đồ biểu :
9. Đồng phẩm cũng có cũng không, dị phẩm cũng có
cũng không



Cái nhân phải hoàn toàn không quan hệ với toàn bộ dị
phẩm của tôn. Thế mà ở đây, cái nhân này có quan hệ với một
bộ phận dị phẩm của tôn (dị phẩm cũng có cũng không) nên nó
cũng là cái nhân bất định, nếu dùng nó để thành lập được tôn, thì
cũng có thể dùng nó để phủ nhận tôn. Như lập :
– Tôn: Chỗ ấy nhất định có nước ngập.
– Nhân: Vì do mưa tiếp lâu ngày.
– Đồng dụ: Như ao hồ, chỗ thủy triều dâng.
– Dị dụ: Như đồi núi, như chỗ không có mưa.
Chỗ “có nước ngập” không phải tất cả đều do mưa tiếp lâu
ngày, mà còn do thủy triều dâng. Ngược lại, có chỗ có mưa tiếp
lâu ngày, nhưng không có nước ngập như đồi núi. Như vậy, nếu
dùng cái nhân “vì do mưa tiếp lâu ngày” để thành lập cái tôn
“chỗ ấy nhất định có nước ngập” như ao hồ, thì cũng có thể
dùng cái nhân ấy để thành lập cái tôn “chỗ ấy nhất định không
có nước ngập”, như đồi núi. Chỗ đồi núi có mưa tiếp lâu ngày,
nhưng không ngập. Nên cái nhân này cũng bị lỗi bất định. Xem
đồ biểu :
Kiểm lại 9 trường hợp lập nhân nói trên, trong đó chỉ có
hai trường hợp 2 và 8 là lập nhân đúng (chánh nhân) đủ tư cách
để thành lập tôn, còn năm trường hợp 1, 3, 5, 7, 9 thì phạm lỗi
bất định, hai trường hợp 4 và 6 thì phạm lỗi tương vi, chúng
không đủ tư cách để thành lập tôn, lại còn tạo ra cơ hội cho đối
phương dùng nó để bác lại tôn chỉ của mình.
B. DI LẶC BỒ TÁT trong Luận Du-già-sư-địa và Du-già thích

có nêu 7 thể lệ và 8 năng lập.
B1. BẢY THỂ LỆ


1. Luận thể tánh (tức là tính chất nghị luận) có 6 :
a. Ngôn luận : Tức là ngôn thuyết, ngôn từ rõ ràng. Nói
cách khác, đây là ngôn sanh nhân.
b. Thượng luận : Nghị luận theo sự ưa chuộng của thế
gian, không nghịch lại họ.


c. Tránh luận : Nghị luận theo ngã kiến, tà kiến, tâm
nhiễm ô, vì cầu danh lợi, ưa đấu tranh.
d. Hủy báng luận : Nghị luận vì tâm phẫn nộ, muốn kích
hủy đối phương.
đ. Thuận chánh luận : Nghị luận thuận theo chánh pháp,
vì lợi lạc hữu tình, làm cho họ đoạn trừ nghi hoặc, hiểu rõ chân
lý.
e. Giáo đạo luận : Nghị luận vì dạy bảo tu tập ba pháp vô
lậu học.
2. Luận xứ sở : (tức là nghị trường, nơi nghị luận) có 6 :
Trước mặt quốc chủ, trước mặt người cầm cân nghĩa lý,
trước mặt đại chúng, trước mặt các vị hiền triết, trước mặt Samôn, Bà-la-môn khéo giải pháp nghĩa, trước mặt người ưa thích
pháp nghĩa.
3. Luận sở y hay luận cứ
Tức là chơn năng lập, chơn hiện lượng, chơn tỷ lượng, mà
thể tánh và nghĩa lý sai biệt của nó là chỗ y cứ cho sự lập luận,
gồm có “nghĩa sở lập” và “pháp năng lập”. Nghĩa sở lập gồm
hai phần là tự tánh (tức vật thể, tiền trần hữu pháp) và sai biệt
(tức là thuộc tính, hậu trần pháp). Còn Pháp năng lập có 8 là Lập
tôn (mệnh đề, chủ trương), Biện nhân (lý do), Dẫn dụ (tỷ dụ),
Đồng loại, Dị loại, Hiện lượng, Tỷ lượng, Thánh giáo lượng.
Ngoài sở lập và năng lập trên thì không có lập luận, nên gọi

Nghĩa sở lập và Pháp năng lập ấy là luận sở y.
4. Luận trang nghiêm hay luận cụ :
Tức là thái độ và ngôn từ điêu luyện, gồm có 5: hiểu rõ tôn
chỉ của mình và người; lời nói rõ ràng đầy đủ, tao nhã không
quê kệch, dễ hiểu, trước sau đúng pháp đúng nghĩa, không mâu
thuẫn nhau; không điên đảo; không sợ sệt; đôn hậu, nghiêm túc,
thích cúng dường như đối bạn lành.
5. Luận đọa phụ (tức luận nghị bị thua có 2:)


“Xả ngôn”, từ bỏ lập luận của mình bằng câu nói : “Luận
tôi kém, ông hơn”; “Ngôn khuất”, khuất phục trước ngôn luận
người khác.
6. Luận xuất ly hay luận đoan (tức trước khi lập luận
hãy quan sát ba điều).
Một là quan sát được thua, xem xét mình lập luận có làm
tổn hại mình và người, có gây tội lỗi đời này đời sau, có gây ưu
khổ cho thân tâm và có phải vì ưa đấu tranh mà lập luận không ?
Nếu không phạm vào các điều này thì mới lập luận. Hai là quán
sát thời chúng, xét xem người đối luận và người dự nghe có tà
kiến và chấp trước không ? Có hiền lương chánh trực không? Có
thiện xảo không? Nếu không tà kiến chấp trước và hiền lương
chính trực thì mới lập luận. Ba là quán thiện xảo, là trước xét
xem đối với ba điều : Luận thể tánh, luận xứ sở, luận sở y, mình
có thiện xảo không ? Có đủ năng lực lập tôn chỉ của mình và
phá tôn chỉ của người không ? Nếu có mới lập luận.
7. Luận sở tác pháp Có nhiều cách để lập luận, đó là :
Hiểu rõ tôn chỉ của mình và của người; dõng mãnh không
sợ sệt; biện tài trôi chảy, giải đáp mọi câu hỏi.
B2. TÁM NĂNG LẬP :


1. Lập tôn; 2. Lập luận; 3. Lập dụ; 4. Hiệp; 5. Kết; 6. Hiện
lượng; 7. Tỷ lượng; 8. Thánh giáo lượng.
C. VÔ TRƯỚC VÀ AN HUỆ Trong Tạp Tập Luận nêu 8 năng

lập là :
Lập tôn, lập nhân, lập dụ, hiệp, kết, hiện lượng, tỷ lượng,
chí giáo lượng. Tám năng lập này gần giống tám năng lập của
ngài Di-Lặc trong Du-gìa-sư-địa Luận.
D. BỒ TÁT THẾ THÂN (THIÊN THÂN, VASUBANDHU)

trong Như Thật Luận của mình, cũng chủ trương 8 thứ năng
lập hoặc 5 chi tác pháp không khác với ngài Di Lặc và Vô
Trước bao nhiêu.


Tám năng lập là : lập tôn, biện nhân, dẫn dụ, đồng loại, dị
loại, hiện lượng, tỷ lượng, chí giáo lượng. Trong đó 5 phần
trước gọi là ngũ chi tác pháp, mà trong Như Thật Luận thì gọi 5
phần tác pháp tức phương pháp lý luận gồm 5 phần :
1. Lập tôn : Núi kia có lửa.
2. Biện nhân : Vì thấy có khói.
3. Dẫn dụ : Hễ có khói tức có lửa, như trong lò (đồng dụ)
nếu không lửa tức không khói như ao hồ (dị dụ).
4. Hiệp : Núi kia cũng thế.
5. Kết : Nên biết núi kia có lửa.
Đ. BỒ-TÁT TRẦN NA (DINNAGA: ĐẠI VỨC LONG)

Viết 40, 50 cuốn luận, trong đó có cuốn Nhân Minh Chánh
Lý Môn Luận là quan trọng nhất, tóm tắt hết môn Nhân minh

mà ngài Trần-na đã cải tạo từ phương pháp Nhân minh của các
nhà trước kia. Kế đó học trò của ngài Trần-na là Thiên Chủ, tiếp
tục hoàn chỉnh thành môn Nhân minh học có hệ thống chặt chẽ,
được ghi lại trong cuốn Nhân Minh Nhập Chánh Lý Luận.
E. THIÊN CHỦ (THƯƠNG KIẾT LA CHỦ):

Thêm ý mình thấy vào để viết ra cuốn Nhân Minh Nhập
Chánh Lý Luận, tuy tóm tắt, nhưng đầy đủ yếu nghĩa Nhân minh
và được lưu truyền đến ngày nay. Vì môn Nhân minh học được
ngài Trần-Na và Thiên Chủ cải cách đổi mới rất hoàn chỉnh hơn
trước nên Nhân minh học từ ngài Trần-Na về trước, gọi là Cổ
nhân minh, còn từ ngài Trần-Na về sau thì gọi là Tân nhân
minh.


CỔ NHÂN MINH VÀ TÂN NHÂN MINH
Nhân minh có một lịch sử lâu dài được nhiều người sử
dụng và phát huy khác nhau, nên đại thể đã chia ra Cổ nhân
minh và Tân nhân minh với những điểm bất đồng như dưới đây :


1. Bất đồng về ngũ chi tác pháp (luận thức năm phần),
và tam chi tác pháp (luận thức ba phần).
Cổ nhân minh chủ trương ngũ chi tác pháp là Tôn, Nhân,
Dụ, Hiệp, Kết.
– Tôn: Là tôn chỉ, chủ trương, lập trường, chủ đề của
người lập. Tôn là tiêu đích tranh luận của hai bên lập luận và
địch luận; là chủ trương của bên lập luận chưa được bên địch
luận công nhận và tán đồng.
– Nhân : Bên lập luận muốn bên địch luận công nhận lập

trường của mình thì bên lập luận phải nêu lý do (nhân) để giải
thích, thuyết phục. Cho nên, nhân có nhiệm vụ rất trọng yếu là
chứng minh và bênh vực cho tôn nghĩa, cho chủ trương của
người lập. Nhân này giống tiểu tiền đề trong Tam đoạn luận của
Tây phương.
– Dụ : Về lý do thì chỉ mới nêu lên lý lẻ mà chưa chứng
minh nơi thực tế, nếu chỉ như vậy thì có thể làm cho bên địch
luận còn do dự không tin chắc chủ trương với lý lẽ của bên lập
luận đưa ra đã đúng hẳn hay chưa, nên bên lập tiến một bước
nữa, đưa ví dụ cụ thể ở sự vật trước mắt mà đã được bên địch
công nhận. Dụ này tương đương đại tiền đề ở Tam đoạn luận.
– Hiệp: Là hợp cả tôn, nhân, dụ lại với nhau.
– Kết: Sau khi đã hợp tôn, nhân, dụ lại với nhau thì sẽ có
một kết luận về tôn. Như lập:
– Tôn: Kim cương có thể đốt cháy.
– Nhân: Vì là vật có chất thán tố.
– Dụ: Ví như củi, dầu v.v…
– Hiệp: Củi, dầu là vật có chất thán tố, củi dầu có thể đốt
cháy; kim cương là vật có chất thán tố, kim cương cũng
có thể đốt cháy.
– Kết: Vậy nên biết kim cương có thể đốt cháy.


Đến ngài Trần Na, ngài cho hai phần hiệp và kết nói trên
là không cần thiết, nó chỉ là sự lặp lại ba phần: Tôn, nhân, dụ đã
nêu, chứ không thêm được ý nghĩa gì hơn, nên ngài đã bỏ hai
phần hiệp, kết, và sửa đổi nội dung phần nhân, và dụ để biến
thành tam chi tác pháp, tức biến thành tôn, nhân, dụ. Như lập :
– Tôn : Kim cương có thể đốt cháy.
– Nhân : Vì là vật có chất thán tố.

– Đồng dụ : Những vật gì có chất thán tố thì đều có thể
đốt cháy (đồng dụ thể), ví dụ như củi, dầu (đồng dụ y).
– Dị dụ : Những gì không thể đốt cháy thì không phải là
vật có chất thán tố (dị dụ thể), ví dụ như băng, nước (dị
dụ y).
2. Bất đồng ở sự phân định năng lập và sở lập
Năng lập và Sở lập là hai danh từ chuyên môn khó dịch.
Ta nên hiểu : năng lập là động lực, nguyên liệu, lý lẽ để thành
lập tôn chỉ (chủ trương, mệnh đề). Còn sở lập là tôn chỉ (chủ
trương, mệnh đề) được thành lập, tức bị thành lập. Trong ba
phần; tôn, nhân, dụ. Tôn là một mệnh đề gồm hai danh từ. Danh
từ trước (tiền trần), vì chỉ cho vật thể, tự tánh nên được gọi là
hữu pháp sở biệt. Danh từ sau (hậu trần), vì chỉ cho nghĩa lý,
thuộc tính, phẩm chất sai biệt, nên được gọi là pháp, năng biệt.
Như tôn “âm thanh là vô thường” thì “âm thanh” là tiền trần,
hữu pháp, tự tánh (vật thể), sở biệt. Còn “vô thường” là hậu trần,
pháp, sai biệt, năng biệt. Theo Nhân minh thì âm thanh hay vô
thường là hai danh từ riêng biệt mà ai cũng biết thế nào là âm
thanh, thế nào là vô thường, ở đó, không có gì phải tranh luận,
chỉ khi nào âm thanh và vô thường được ghép chung lại với
nhau bằng một hệ từ liên kết “là”, thành ra mệnh đề “âm thanh
là vô thường”, bấy giờ mới trở thành điểm tranh luận. Vì có
người cho âm thanh là vô thường nhưng cũng có người cho âm
thanh là thường. Như phái Vệ-đà cho âm thanh trong kinh Vệđà, âm thanh cầu nguyện Phạm Thiên là thiêng liêng, là thường,
nên mới tranh luận. Vậy phải kể chung cả tiền trần hữu pháp và
hậu trần pháp thành một mệnh đề “âm thanh là vô thường” thì


mới thành tôn sở lập, và là điểm tranh luận, chứ không phải chỉ
riêng tiền trần hữu pháp hay hậu trần pháp mà cho là sở lập như

Cổ nhân minh chủ trương. Và như vậy, khi tôn gồm cả tiền trần,
hậu trần đã là sở lập, thì phần nhân và dụ trở thành năng lập, để
chứng minh thành lập tôn sở lập. Ở đây, năng lập của Nhân
minh giống với đại tiền đề, tiểu tiền đề của Tam đoạn luận, mà
sở lập của Nhân minh thì giống với đoán án của Tam đoạn luận.
Đây là một cải cách lớn của ngài Trần Na.
3. Bất đồng về sự phân biệt giữa tôn thể và tôn y.
Tôn thể là bản thể của tôn, tôn y là tài liệu, là y cứ để dựa
vào đó tổ chức thành tôn thể. Như tôn “âm thanh là vô thường”,
thì danh từ trước (tiền trần) “âm thanh” là tôn y, và danh từ sau
(hậu trần) “vô thường” cũng là tôn y. Khi âm thanh và vô
thường không đi liền nhau thì âm thanh là âm thanh, vô thường
là vô thường, không có chi phải tranh cải. Nhưng khi âm thanh
và vô thường ghép lại với nhau bằng một hệ từ liên kết “là”,
hoặc “chẳng phải là”, v.v … thì nó trở thành một mệnh đề (một
chủ trương) nghĩa là thành tôn thể, làm tiêu đích cho sự tranh
luận giữa đôi bên. Bên này cho âm thanh là vô thường, bên kia
cho âm thanh là thường. Nói cách khác, ở đây tôn y thì phải
được cả hai bên lập luận và địch luận đồng công nhận, còn tôn
thể thì phải được bên lập công nhận, mà bên địch không công
nhận. Bên lập luận đã công nhận, lại muốn đưa ra lập luận để
thuyết phục bên địch, dù lúc đầu bên địch không công nhận,
nhưng sau khi nghe lý lẽ rõ ràng xác đáng của bên lập, ắt sẽ
công nhận. Nếu một chủ trương (hay mệnh đề, tôn thể) mà đã
được cả hai bên đồng công nhận trước rồi thì không cần lập lại
làm gì, nếu lập thì dư, vô ích, và mắc lỗi “tương phù cực thành”.
Đây là một phát hiện lớn của ngài Trần-Na. Nhưng Cổ nhân
minh không rõ điều đó, không phân biệt tôn y và tôn thể, nên có
người cho tiêu đích tranh luận là ở “tôn tiền trần”, có người cho
tiêu đích tranh luận là ở “tôn hậu trần”, có người cho là ở cả

“tôn tiền trần, hậu trần”, không rõ ràng nhất định.
4. Bất đồng về sự thay đổi chín cú nhân và ba tướng
của nhân.


Nhân minh với tam chi tác pháp (luận thức gồm ba phần)
là tôn, nhân, dụ. Trong đó, nhân giữ vai trò chủ yếu, đứng giữa
làm môi giới, liên hệ với tôn và dụ. Cứ nhìn vào nhân đối với
tôn, và đối với dụ có liên hệ hay không liên hệ toàn phần hay ít
phần, mà biết rõ nhân ấy là đúng hay sai. Nếu nhân đúng thì mới
có khả năng chứng minh thành lập được tôn, còn nếu nhân sai
thì không đủ khả năng thành lập được tôn. Do đó, Cổ nhân minh
đã xét đến sự liên hệ của nhân với tôn đồng phẩm và tôn dị
phẩm qua chín trường hợp để biết nhân trong trường hợp nào là
đúng, nhân trong trường hợp nào là sai. Chín trường hợp này gọi
là chín cú nhân (chín cú nhân đã nói ở đoạn trước). Ngài Trần
Na cho chín cú nhân này chưa đầy đủ chặt chẽ, vì chỉ mới đề
cập nhân liên hệ hay không liên hệ toàn phần hay ít phần với tôn
đồng phẩm và với tôn dị phẩm. Nghĩa là chỉ đề cập sự liên hệ
với tôn hậu trần đồng phẩm dị phẩm, chứ chưa biết đến sự liên
hệ của nhân với tôn tiền trần hữu pháp, cũng rất quan trọng, cho
nên, ngài Trần Na biến đổi chín cú nhân thành “nhân ba tướng”,
vừa gọn gàng, đầy đủ chặt chẽ hơn. (Xem mục nhân chơn năng
lập ở đoạn sau).
5. Bất đồng về sự phân biệt giữa dụ thể và dụ y.
Ở Cổ nhân minh có luận thức năm phần là tôn, nhân, dụ,
hiệp, kết. Ở phần dụ thì chỉ có đồng dụ chứ không có dị dụ, và
cũng không phân biệt dụ thể và dụ y. Ở Tân nhân minh có luận
thức ba phần, thì phần dụ có đầy đủ cả đồng dụ và dị dụ. Đồng
dụ và dị dụ lại đều có cả dụ thể và dụ y. Dụ thể là thể tính, lý lẽ,

ý nghĩa của dụ; dụ y là chỉ sự vật cụ thể làm chỗ y cứ của dụ thể,
khi ta nêu nó ra làm ví dụ. Dụ thể và dụ y cũng gọi là lý dụ và sự
dụ. Như lập :
– Tôn : Âm thanh là vô thường.
– Nhân : Vì do tạo tác mà có.
– Dụ : Những gì do tạo tác mà có đều vô thường (đồng
dụ thể), ví như bình, bàn (đồng dụ y). Những gì thường
đều không do tạo tác mà có ra (dị dụ thể), ví như vàng,
hư không (dị dụ y).


×