Tải bản đầy đủ (.doc) (2 trang)

SUY NGHĨ VỀ ĐẠO ĐỨC NHÀ GIÁO.

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (58.74 KB, 2 trang )

SUY NGHĨ VỀ ĐẠO ĐỨC NHÀ GIÁO
Xưa nay, theo cách hiểu thông thường, người có đạo đức là “người ăn ở hiền lành, tu nhân tích
đức, thích làm điều thiện, không làm điều ác”. Cách hiểu này không sai, nhưng không toàn diện và
không nói lên hết những yếu tố để nhận định, đánh giá về đạo đức của con người.
Thật ra, để đánh giá đạo đức của một người phải xét trên 4 yếu tố - đây cũng là cách xét mức độ
đạo đức của người đó.
Yếu tố thứ nhất: Người có đạo đức là người biết phân biệt điều đúng và điều sai. Đây chính là kết
quả của quá trình giáo dục tại gia đình, nhà trường hay xã hội.
Sự hiểu biết về những điều phải hay trái, tốt hay xấu chỉ là mức độ thấp nhất của chuẩn mực đạo
đức. Nhiều người biết rõ những điều sai nhưng vẫn làm sai, biết ăn cắp là xấu nhưng vẫn ăn cắp
(dưới hình thức này hay hình thức khác).
Người ta không ăn cắp tài sản của cá nhân người nào, nhưng sẳn sàng ăn cắp của công. Cán bộ,
công chức ăn cắp giờ công để làm việc riêng, người dân ăn cắp điện để tiêu dùng hay sản xuất …
Người ta sẽ có đủ lý do để biện hộ cho việc ăn cắp đó và cho là mình không vi phạm đạo đức.
Một nhà giáo thường xuyên đi dạy vào trễ, về sớm, dạy không đủ nội dung … cũng có thể hiểu
như một viên chức lãng công.
Yếu tố thứ hai: Người có đạo đức phải có khả năng kềm chế để không làm điều sai, điều xấu.
Để có thể chống lại sự cám dỗ về vật chất hay tinh thần, giúp cho người ta có có đủ nghị lực tránh
xa những điều sai trái thật không dễ dàng.
Một cán bộ cao cấp có quyền lực, nếu không dằn được lòng tham thì rất dễ sa vào tội tham ô, hối
lộ. Nhà giáo thường có cuộc sống vật chất không sung túc, nếu không chấp nhận sự thanh khiết
của nghề nghiệp và nếu có cơ hội thì họ vẫn có thể bị sa ngã và sẳn sàng làm những việc tiêu cực
trong nghiệp vụ giáo dục và đào tạo.
Yếu tố thứ ba: Người có đạo đức phải có khát vọng muốn làm điều tốt, làm việc thiện.
Nếu chỉ có hiểu biết điều nào đúng, điều nào sai và không làm điều xấu thì cũng chưa thể gọi là
người có đạo đức đúng nghĩa. Người có đạo đức cần phải có thói quen, ý thích, ham muốn, khát
vọng làm điều tốt, làm việc thiện khi có thể.
Khi nhìn thấy đồng bào, nhân dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai hay dịch họa, người có tấm lòng đạo
đức sẳn sàng bỏ của cải tài sản mà mình tích luỹ nhiều năm để cứu giúp. Khi thấy người bị nạn,
người ta sẳn sàng hy sinh ngay cả bản thân mình để cứu người nếu có thể. Đã có nhiều em nhỏ
liều mình hy sinh cứu bạn khỏi nước lũ cuốn trôi. Đối với họ, việc làm điều tốt, điều thiện chính là


đạo lý.
Yếu tố thứ tư: Người có đạo đức phải có khả năng cảm hoá được người khác để chuyển họ từ
người xấu thành người tốt.
Trong cuộc sống, thường người ta nhìn thấy rõ người tốt người xấu, người thiện người ác. Tuy
nhiên, vì sợ quyền lực, vì sự bình an cho mình, cho người thân, người ta không dám chống lại cái
xấu, cái sai. Điều này vô tình đã thoả hiệp với tiêu cực, với cái xấu, làm cho cái xấu trở nên bình
thường.
Người có đạo đức phải dám chống lại cái xấu, ngăn chặn cái xấu và cao hơn hết là cảm hoá được
người xấu trở nên tốt. Việc ngăn chặn cái xấu, chống lại cái xấu có trường hợp là chống lại quyền
lực của những người có chức, có quyền. Như vậy, để làm người có đạo đức đôi khi phải có cả
dũng khí.
Thật ra làm việc tốt, làm điều thiện sẽ dễ hơn gấp nhiều lần việc chống lại cái xấu, cái sai. Ta vẫn
thường nghe thấy trên các phương tiện thông tin, những người tốt hay giúp đỡ người khác thì rất
nhiều (đây là điều đáng mừng trong cuộc sống). Tuy nhiên những người dám tuyên chiến với cái
sai, cái xấu quả là hiếm hoi.
Chúng ta đã hô hào thực hiện chủ trương hai không “Nói không với tiêu cực và bệnh thành tích
trong giáo dục đào tạo”. Giờ đây chúng ta lại chủ trương “Nói không với đào tạo không đạt chuẩn,
nói không với đào tạo không đáp ứng nhu cầu xã hội”. Như thế có nghĩa là bao nhiêu năm trước
chúng ta đã làm quá nhiều điều sai: tiêu cực trong thi cử, chạy theo bệnh thành tích, đào tạo
không đạt chuẩn và không đáp ứng nhu cầu xã hội.
Nhà giáo có biết những điều này không? Nhà giáo có tham gia vào những việc làm không đúng
như trên không? Ai chịu trách nhiệm về tình trạng nền giáo dục của chúng ta bị trì trệ, lạc hậu và
xuống cấp kéo dài khá nhiều năm? Có lẽ những người đã và đang đứng trên bục giảng đều ít
nhiều hiểu và có thể trả lời những câu hỏi trên.
Có lẽ không nhà giáo nào dám nhận mình là nhà giáo có phẩm chất đạo đức tốt. Đó chính là lý
tưởng mà mỗi nhà giáo cần phải rèn luyện và học tập -có khi rèn luyện và học tập suốt đời- để đạt
đến.
Trong bối cảnh chung của cả nước đang tiến hành “cải cách giáo dục”, mỗi nhà giáo, ngoài nhiệm
vụ không ngừng học tập để nâng cao trình độ chuyên môn, phải thường xuyên rèn luyện phẩm
chất đạo đức để góp phần vào công cuộc chấn hưng nền giáo dục nước nhà, đưa Việt Nam vững

vàng trên các bước đường hội nhập vào khu vực và quốc tế.
Hàng năm, khi đến Ngày Nhà Giáo Việt Nam, chúng ta vẫn thường nhắc đến những tấm gương
của nhiều nhà giáo đã thầm lặng hy sinh cả cuộc đời mình cho sự nghiệp trồng người. Năm nay,
trong không khí cả nước chào đón kỷ niệm Ngày Nhà Giáo Việt Nam 20/11/07 sắp tới, chúng tôi
có những suy nghĩ rất riêng về “đạo đức nhà giáo” trong giai đoạn mới, xin mạo muội trình bày
trên diễn đàn này. Mong rằng mỗi nhà giáo, khi đọc bài này, cũng sẽ có những suy nghĩ riêng về
vấn đề “Đạo đức nhà giáo”, để chọn cho mình một cách sống nghề tốt nhất, ý nghĩa nhất, để giữ
mãi tâm hồn trong sáng tươi thắm như màu mực đỏ thắm tươi đặc trưng của nghề giáo, xứng
đáng với danh xưng cao quí “kỹ sư tâm hồn” đã được người đời dành tặng.
Nguyễn Tuấn Phương

×