Tải bản đầy đủ (.docx) (12 trang)

SỰ TIẾP NHẬN PHÂN tâm học ở VIỆT NAM SAU 1986

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (47.03 KB, 12 trang )

SỰ TIẾP NHẬN PHÂN TÂM HỌC Ở VIỆT NAM SAU 1986
Lã Nguyên

Từ những năm 30, 40 của thế kỉ trước, phân tâm học đã được tiếp nhận vào Việt
Nam. Có thể nhận ra dấu vết của nó trong sáng tác của Vũ Trọng Phụng, Nam Cao
và cả Thạch Lam. Trương Tửu, Nguyễn Văn Hanh đã vận dụng phân tâm học vào
nghiên cứu, phê bình văn học. Ở miền Nam, giai đoạn 1954 – 1975, nó tiếp tục
được tiếp nhận ở cả hai lĩnh vực sáng tác và nghiên cứu, phê bình[1]. Nhưng ở
miền Bắc, đây là thời kì, do nhiều lí do, nó bị khước từ. Phải đến sau 1986, khi đất
nước bước vào công cuộc “đổi mới” toàn diện, lịch sử tiếp nhận phân tâm học từ lí
thuyết Âu – Mĩ mới được nối lại và ngay lập tức, nó tỏ ra có sức hấp dẫn đặc biệt.
Điều này được thể hiện rõ ở tình hình dịch thuật và quảng bá. Trong một thời gian
ngắn, nhiều tác phẩm quan trọng của các ông tổ phân tâm học, như S. Freud, C.
Jung, E. Fromm, được dịch ra tiếng Việt. Có thể liệt kê một loạt bản dịch tiếng Việt
tác phẩm của S. Freud: Nguồn gốc của Văn hóa và tôn giáo (Vật tổ và cấm kị) [2],
Bệnh lý học tinh thần về sinh hoạt đời thường[3], Phân tâm học nhập môn[4],
Phân tâm học và văn hóa tâm linh[5], Các bài viết về giấc mơ và giải thích giấc
mơ – Nhập đề của Hermann Beland[6], Cảm giác bất ổn với văn hóa[7], Phân tích
một ca ám sợ ở một bé trai 5 tuổi (chuyện bé Hans)[8], Cái tôi và cái nó[9]… Hoặc
tác phẩm của E. Fromm: Ngôn ngữ bị lãng quên[10], Phân tâm học tình yêu[11],
Phân tâm học và tôn giáo [12].

Các học giả Việt Nam còn sốt sắng dịch nhiều công trình của tác gia nước ngoài
viết về S. Freud, về C. Jung , về E. Fromm, về phân tâm học nói chung để giúp độc
giả tiếp cận dễ dàng hơn lĩnh vực lí thuyết hết sức phức tạp này. Có thể liệt kê một
danh mục rất dài những công trình như vậy, ví như: Jung đã thực sự nói gì của
Edward Amstrong Bennet[13], Bản đồ tâm hồn con người của Jung của Murray
Stein[14], Freud đã thực sự nói gì của Clark David[15], Nhập môn Freud của
Richard Appignanesi[16], Sigmund Freud nhà phân tâm học thiên tài của Stephen
Wilson[17], Tâm lý học đám đông cùng Tâm lý đám đông và phân tích cái tôi của
S.Freud của Gustave Lebon[18], Thiền và phân tâm học của Suzuki, Erich Fromm,


R.Demartino[19], Góp phần kiến giải ý nghĩa biểu tượng của huyền thoại Ơđip


của S.S. Averintsev[20], Giải mã các giấc mộng qua ánh sáng phân tâm học của
Pierre Daco[21] (1999)…

Nhiều nhà nghiên cứu Việt Nam tham gia diễn giải phân tâm học. Xung quanh lĩnh
vực này, đã xuất hiện nhiều tiểu luận, chuyên luận, nhiều tuyển tập công trình có
giá trị, ví như: Học thuyết và tâm lý học Sigmund Freud của Phạm Minh Hạc[22],
Freud và Tâm phân học của Phạm Minh Lăng[23], Triết học Áo và hai đại diện
tiêu biểu của nền triết học này – Brentano và Freud của Đặng Phùng Quân[24],
Phân tâm học và phân tâm học sau Freud. Sự phê phán của Alfred Adler của
Nguyễn Thị Thanh Thủy[25], Freud và những luận điểm của ông chung quanh
những vấn đề liên quan đến văn hóa của Mai Ngọc Diệp[26], Nhân học triết học
Freud và ảnh hưởng của nó đến nhân học triết học phương Tây hiện đại[27], Địa vị
triết học của phân tâm học Freud của Đỗ Minh Hợp[28], Carl Gustav Jung và “cái
vô thức” của Huyền Giang[29]…

Một thành tựu đáng ghi nhận là trong vòng vài chục năm trở lại đây, chúng ta
thường xuyên bắt gặp nhiều công trình nghiên cứu đã vận dụng hiệu quả phân tâm
học vào việc phân tích sáng tác văn học để đưa ra những kết luận thú vị. Có thể liệt
kê một số trường hợp cụ thể, ví như Tâm phân học vô thức với việc phân tích cấu
trúc tác phẩm văn học của Nguyễn Văn Dân[30], Chí Phèo dưới cái nhìn phân tâm
học của Lê Huy Bắc[31], Hài hước phồn thực trong văn xuôi Việt Nam sau
1975[32], Mỹ học tính dục và cuộc phiêu lưu giải phóng thiên tính nữ trong văn
học nghệ thuật của Phan Tuấn Anh[33], Phân tâm học trong tiểu thuyết đô thị miền
Nam, trường hợp Thanh Tâm Tuyền của Nguyễn Thị Bình, Đoàn Ánh Dương[34],
Đời sống văn hóa phồn thực như một cách tiếp cận nghệ thuật thơ Hoàng Cầm của
Lương Minh Chung[35], Học thuyết S.Freud và sự thể hiện của nó trong văn học
Việt Nam[36], Một số tác phẩm văn xuôi Việt Nam hiện đại qua cái nhìn phân tâm

học của Trần Thanh Hà[37]… Ngoài ra, chúng tôi còn có trong tay danh sách 42
luận văn Cao học và luận án Tiến sĩ đã chọn phân tâm học làm góc độ tiếp cận đề
tài như vậy. Theo sự quan sát của chúng tôi, luận án tiến hành nghiên cứu theo
hướng này vừa bảo vệ thành công gần đây nhất là công trình Sáng tác của Vũ
Trọng Phụng – Nhìn từ phê bình phân tâm học của Vũ Thị Trang[38].


Như đã nói ở trên, phân tâm học được tiếp nhận vào Việt Nam từ trước 1945.
Nhưng theo chúng tôi, phải sau năm 1986, nó mới thực sự tạo được sự đột phá.
Nhà nghiên cứu có công góp phần đưa phân tâm học trong nghiên cứu phê bình
văn học Việt Nam tiến lên một bước mới là Đỗ Lai Thúy. Ở lĩnh vực này, Đỗ Lai
Thúy có hai đóng góp quan trọng. Đóng góp đầu tiên là với bộ sách được biên soạn
công phu, gồm bốn cuốn Phân tâm học và văn hóa nghệ thuật, Phân tâm học và
văn hóa tâm linh, Phân tâm học và tình yêu, Phân tâm học và tính cách dân tộc,
ông đã góp phần trang bị cho độc giả một hệ thống tri thức cơ bản về khoa học
phân tâm, đưa họ đến với thế giới vô thức, siêu thức đầy bí ẩn gắn với những vấn
đề phổ quát trong đời sống tinh thần của con người và nhân loại. Đóng góp khác,
lớn hơn và quan trọng hơn mà chúng tôi sẽ phân tích ở đây, là Đỗ Lai Thúy đã góp
phần đưa phân tâm học trở lại với nghiên cứu văn học Việt Nam, và ở những công
trình nghiên cứu theo hướng ấy, ông đã tạo ra nhiều đột phá. Sự đột phá này được
thể hiện ở hai nội dung chính yếu sau đây:

Thứ nhất: Sự phát hiện phân tâm học trong chất liệu văn học. Đây là điểm khác
biệt nổi bật giữa Đỗ Lai Thúy và các bậc tiên khu trong lĩnh vực phê bình phân tâm
học ở Việt Nam. Nếu Đỗ Lai Thúy tìm cách phát hiện phân tâm học trong chất liệu
văn học, thì các bậc tiên khu của ông thường sử dụng phân tâm học như một thứ
công thức để cắt nghĩa văn học. Cho nên, các bậc tiên khu của Đỗ Lai Thúy biến
phân tâm học của S. Freud thành cẩm nang đem áp vào mọi hiện tượng văn học.
Đỗ Lai Thúy tìm cho mỗi hiện tượng văn học một hướng tiếp cận phân tâm học,
không hiện tượng nào giống với hiện tượng nào.


Quả vậy, như những người đi trước, Đỗ Lai Thúy cũng nghiên cứu Hồ Xuân
Hương và khi nghiên cứu Hồ Xuân Hương, ông cũng đặt nhiệm vụ tiếp tục giải
quyết câu chuyện về cái “dâm” và cái “tục” trong sáng tác của nhà thơ này. Nhưng
hãy thử xem, Đỗ Lai Thúy đã giải quyết nhiệm vụ ấy bằng cách nào? Trong tham
luận Trải nghiệm phân tâm học của tôi đọc tại Hội thảo Phân tâm học với văn học
tổ chức tại Trường Đại học Khoa học Huế ngày 18 tháng 10 năm 2014, ông kể:
“Sau nhiều trắng đêm tìm đề tài (cho luận án Phó Tiến sĩ, bây giờ là luận án Tiến sĩ


– LN), tôi chợt nhớ đến một đêm trắng ở Bắc Hà, Lào Cai, sau một tối xòe/nhòe
rượu, đã viết một mạch bài Tín ngưỡng phồn thực, nhìn từ góc độ văn hóa – lịch
sử, trong đó có nhắc đến trường hợp thơ Hồ Xuân Hương. Một tia chớp xoẹt trong
đầu: Sao mình không làm đề tài Lí giải cái dâm cái tục trong thơ Hồ Xuân Hương
từ tín ngưỡng phồn thực? Tôi bật dậy vớ lấy bút. Trong khi viết đề cương, một trực
giác khác lại giúp tôi nối được các biểu tượng phồn thực trong thơ nữ sĩ với thuyết
cổ mẫu của C.Jung. Từ đấy tôi rút ra kinh nghiệm: 1) hãy tin vào sự mách bảo của
trực giác, nhất là trực giác lí thuyết và 2) trong phê bình văn học, lí thuyết dù quan
trọng đến đâu thì bao giờ cũng là cái đến sau tác phẩm, nhằm soi chiếu, diễn giải
tác phẩm, chứ không phải lấy tác phẩm minh họa cho lí thuyết”[39].

Thế là đã rõ. Phải sau khi xác định được giả thuyết khoa học về đối tượng nghiên
cứu mà nội dung phân tâm học sẽ là kết luận cuối cùng, Đỗ Lai Thúy mới tìm tới lí
thuyết phân tâm học, không phải trong sách vở, mà trong kho tri thức của mình.
Việc xác định này thực ra là một sự phát hiện, thoạt đầu có sự mách bảo của trực
giác, về sau kéo theo cả một quá trình phân tích đầy phức tạp. Quá trình ấy vừa là
quá trình phê phán lí thuyết, vừa là quá trình kiến tạo lí thuyết về đối tượng và cho
đối tượng. Đỗ Lai Thúy không tán thành hướng tiếp cận thơ Hồ Xuân Hương theo
quan điểm nhị phân của mĩ học và phê bình văn học Mác xit, đem cái “tục” đối lập
với cái “thanh”. Ông cưỡng lại sức hút của sơ đồ ẩn ức -> đồn nén -> giải tỏa/thăng

hoa rút ra từ phân tâm học S. Freud. Ông xây dựng lí thuyết về mối quan hệ ngược
của dòng lịch sử từ thơ Hồ Xuân Hương về với văn hóa dâm tục, tục thờ cúng phồn
thực và tín ngưỡng phồn thực để lí giải nguồn cội của một hiện tượng nghệ thuật.
Ông đến với Carl Gustav Jung, dựa vào hai khái niệm vô thức tập thể và mẫu gốc
để tìm cho mình công cụ làm việc, mở ra con đường dẫn vào thế giới nghệ thuật
của nữ sĩ. Theo con đường ấy, Đỗ Lai Thúy đã rút ra nhiều kết luận mới về thơ Hồ
Xuân Hương, giúp độc giả nhìn thấy ở sáng tác của tác giả này một thế giới hoàn
toàn khác so thế giới mà họ đã biết[40].

Nhìn chung, Đỗ Lai Thúy không vận dụng phân tâm học như một thứ cẩm nang,
mà phát hiện những khía cạnh khác nhau của nó trong chất liệu văn học. Ông tìm
thấy lí thuyết phân thân qua cuộc đối thoại giữa người và bóng trong Cung oán


ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều[41]. Ông lí giải hiện tượng cùng lúc viết những
bài thơ trái ngược nhau đến khốc liệt trong sáng tác của Chế Lan Viên bằng sự rối
loạn đa nhân cách[42]. Ông chứng minh tình yêu đồng giới là nguyên nhân tạo ra
tính chất lưỡng phân, không triệt để trong thơ tình và toàn bộ sáng tác của Xuân
Diệu[43]. Ông đọc ra bản năng chết qua vẻ đẹp tàn lụi trong sáng tác của Bà
Huyện Thanh Quan[44]. Theo ông, thơ Hoàng Cầm nói chung, những bài thơ của
ông nói về “mối tình Chị – Em” nói riêng, là sự giải tỏa, thăng hoa từ một biến thể
khác của mặc cảm Œdipe[45]. Các bài Đi tìm ẩn ngữ thơ Hoàng Cầm, Đi tìm thực
chất thơ Hồ Xuân Hương, Hồ Xuân Hương cọ tình vào đá là những áng văn xuất
sắc nhất trong phê bình phân tâm học của Đỗ Lai Thúy.

Thứ hai: Mở ra hướng phê bình thi pháp phân tâm học. Ta biết, chính S. Freud là
người đầu tiên đã đưa phân tâm học vào nghiên cứu văn học. Trong công trình đồ
sộ Giải mộng (1900), S. Freud đã vận dụng phương pháp phân tâm học do ông đề
xướng để phân tích bi kịch Hamlet của W. Shakespeare. Từ những năm 10 của thế
kỉ trước, phê bình phân tâm học phát triển mạnh mẽ ở các nước Âu – Mĩ, đặc biệt

là ở Mĩ với những học giả tiêu biểu như F. Prescott, A. Tridon, K. Aiken… Đến
giữa những thế kỉ XX, đối tượng nghiên cứu và hệ thống phương pháp luận của
phê bình phân tâm học đã được xác lập tương đối ổn định. Trong Lí luận văn học
(1949), R. Wellek và A. Warren viết: “Có thể hiểu “tâm lí học văn học” là những
bộ phận khác nhau, bao gồm: phân tích nhân cách tâm lí nhà văn như một loại hình
và, đồng thời, như một cá nhân độc đáo; nghiên cứu quá trình sáng tác; nghiên cứu
phân loại tâm lí và qui luật sáng tác các tác phẩm ngôn từ nghệ thuật nào đó; cuối
cùng, sự tác động của văn học tới người đọc (tâm lí học độc giả)”[46]. Bốn bộ
phận của tâm lí học văn học mà Wellek và A. Warren đã chỉ ra có thể gộp thành ba
lĩnh vực nghiên cứu: phân tâm học tác giả, phân tâm học văn bản và phân tâm học
tiếp nhận. Các công trình nghiên cứu của Đỗ Lai Thúy thuộc loại phê bình phân
tâm học văn bản. Đây cũng là điểm khác biệt giữa hướng nghiên cứu của ông và
các nhà phê bình phân tâm học trước 1945. Trước 1945, cả Nguyễn Văn Hanh, lẫn
Trương Tửu đều nghiên cứu bối cảnh lịch sử, hoàn cảnh xã hội, tiểu sử nhà văn để
lí giải văn bản. Họ cũng phân tích văn bản. Nhưng đối tượng tìm kiếm của họ trong
văn bản là trạng thái tâm lí của nhân vật trữ tình (với ca dao, thơ Hồ Xuân Hương),
hoặc nhân vật truyện kể (Thúy Kiều trong Truyện Kiều của Nguyễn Du). Mục đích
tìm kiếm của họ là hoàn nguyên hình tượng tâm lí tác giả. Cho nên, các tác phẩm


Cái ám ảnh của Hồ Xuân Hương, Kinh thi Việt Nam, Nguyễn Du và Truyện Kiều
của Trương Tửu, Hồ Xuân Hương: Tác phẩm, thân thế và văn tài của Nguyễn Văn
Hanh đều thuộc phạm trù phê bình phân tâm học tác giả.

Phê bình phân tâm học của Đỗ Lai Thúy không thể bỏ qua các yếu tố bối cảnh xã
hội và tiểu sử tác giả. Ông không thể bỏ qua những câu chuyện đời tư trong mối
quan hệ giữa Xuân Diệu với Huy Cận và Hoàng Cát khi nói về tình cảm đồng giới
như là nguồn cội của tính chất lưỡng phân, không triệt để trong thơ tình và toàn bộ
sáng tác của Xuân Diệu. Viết về tập Về Kinh Bắc, Đỗ Lai Thúy phải nhắc tới cái
“vết nứt tâm – địa chấn” trong tâm hồn Hoàng Cầm sau vụ Nhân văn giai phẩm và

“sự gián cách khỏi đời sống xã hội” do ông “chỉ có thể ngồi ở Hà Nội, trong ngôi
nhà thụt sâu 43 Lí Quốc Sư”. Nhưng Đỗ Lai Thúy chỉ sử dụng các chi tiết tiểu sử
để soi sáng văn bản. Mục đích phân tích văn bản của Đỗ Lai Thúy là cắt nghĩa cái
nhìn nghệ thuật của nhà văn. Chỗ dựa để ông cắt nghĩa cái nhìn nghệ thuật của nhà
văn là các phạm trù ngôn ngữ hiểu như là những cấu trúc biểu nghĩa được sử dụng
trong văn bản nghệ thuật. Ông tìm thấy cấu trúc biểu nghĩa trong thơ Hồ Xuân
Hương là mẫu gốc (bao gồm “siêu mẫu”và “mẫu gốc phái sinh”) và lối nói (“sự lấp
lửng hai mặt”). Biểu tượng (“lửa”, “bóng”, “một mình đối thoại với bóng”) là cấu
trúc biểu nghĩa trong Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều. Nguyên tắc tạo
nghĩa của thơ Chế Lan Viên là phép đăng đối văn bản. Nền tảng làm nên cấu trúc
biểu nghĩa trong thơ Hoàng Cầm là cú pháp (cú pháp rời rạc) và ẩn dụ. Tất cả các
phạm trù ngôn ngữ làm nên cấu trúc biểu nghĩa thể hiện cái nhìn nghệ thuật của
người sáng tác mà Đỗ Lai Thúy tìm thấy trong thơ Hồ Xuân Hương, Nguyễn Gia
Thiều, Bà Huyện Thanh Quan, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Hoàng Cầm đều là
những phạm trù thi pháp học.

Năm 1992, Đỗ Lai Thúy trình làng tập Mắt thơ. Tập tiểu luận có phụ đề: “Phê bình
phong cách Thơ Mới”. Phong cách học và thi pháp học là lĩnh vực có họ hàng gần
gũi với nhau. Hai tiểu luận xuất sắc nhất của tập phê bình này là hai bài phân tích
các phạm trù thi pháp học: thời gian (Xuân Diệu, nỗi ám ảnh thời gian[47]) và
không gian (Huy Cận, sự khắc khoải không gian[48]). Đỗ Lai Thúy tự xếp mình
vào nhóm “phê bình phân tâm học văn bản”[49]. Nhưng xem cách phân tích văn


bản, thấy hóa ra ông vẫn trung thành với thi pháp học. Cho nên, có thể gọi phê
bình phân tâm học của Đỗ Lai Thúy là phê bình thi pháp phân tâm học. Việc ông
dùng nhan đề Bút pháp của ham muốn để đặt tên cho tập phê bình phân tâm học
của mình tự nó đã nói lên điều đó.

Trong khoa học, không có lời nói cuối cùng. Những công trình khoa học đích thực

bao giờ cũng gợi dậy ở người đọc cảm hứng tranh luận. Đây cũng chính là điểm
thành công trong phê bình phân tâm học của Đỗ Lai Thúy. Đồng thời, độc giả
không thể không nhận ra đóng góp to lớn của Đỗ Lai Thúy cho sự phát triển của
phê bình phân tâm học Việt Nam. Ông đã cống hiến cho cho giới nghiên cứu nhiều
trang viết tài hoa, sắc sảo của một cây bút phê bình giàu chất trí tuệ và có tư tưởng
khoa học.

[1] Xin xem lại phần trước, chương: “Phân tâm học: từ lý thuyết Âu Mỹ đến khảo
cứu, phê bình và sáng tác văn nghệ ở miền Nam Việt Nam”.

[2] Sigmund Freud – Nguồn gốc của Văn hóa và tôn giáo (Vật tổ và cấm kị),
(Lương Văn Kế dịch), Nxb ĐHQG, H, 2001.

[3] Sigmund Freud – Bệnh lý học tinh thần về sinh hoạt đời thường, (Bùi Lưu Phi
Khanh dịch), Nxb Văn hóa thông tin, H., 2002.

[4] Sigmund Freud – Phân tâm học nhập môn, (Nguyễn Xuân Hiến dịch), Nxb
ĐHQG, H. 2002.

[5] Sigmund Freud – Phân tâm học và văn hóa tâm linh, (Đỗ Lai Thúy Chủ biên),
Nxb Văn hóa thông tin, H., 2004.


[6] Sigmund Freud – Các bài viết về giấc mơ và giải thích giấc mơ – Nhập đề của
Hermann Beland, (Nguyễn Hữu Tâm dịch), Nxb Thế giới, H., 2005.

[7] Sigmund Freud – Cảm giác bất ổn với văn hóa, (Lê Thị Kim Tuyến biên dịch),
Nxb Thế giới, H., 2009.

[8] Sigmund Freud – Phân tích một ca ám sợ ở một bé trai 5 tuổi (chuyện bé Hans),

(Lưu Huy Khánh dịch), Nxb Thế giới, H., 2002.

[9] Sigmund Freud – Cái tôi và cái nó, (Trần Thị Mận dịch), Nxb Tri thức, H.,
2015.

[10] Erich Fromm – Ngôn ngữ bị lãng quên, (Lê Tịnh dịch), Nxb Văn hóa Thông
tin, H., 2002.

[11] Erich Fromm – Phân tâm học tình yêu, (Tuệ Sỹ dịch), Tạp chí Văn học nước
ngoài, số 4, 2003, tr.185-237.

[12] Erich Fromm – Phân tâm học và tôn giáo, (Lưu Văn Hy dịch), Nxb Từ điển
bách khoa, H., 2012.

[13] E. Bennet – Jung đã thực sự nói gì, (Bùi Lưu Phi Khanh dịch), Nxb Văn hóa
thông tin, H., 2002.

[14] Murray Stein – Bản đồ tâm hồn con người của Jung, (Bùi Lưu Phi Khanh
dịch), Nxb Tri thức, TpHCM, 2011.


[15] Clark David S. – Freud đã thực sự nói gì, (Lê Văn Luyện – Huyền Giang
dịch), Nxb Thế giới, H., 1998.

[16] Richard Appignanesi, Oscar Zarate – Nhập môn Freud, (Trần Tiễn Cao Đăng
dịch), Nxb Trẻ, TpHCM, 2006.

[17] Stephen Wilson – Sigmund Freud nhà phân tâm học thiên tài, (Hoàng Văn
Sơn dịch), Nxb Trẻ, TpHCM, 2001.


[18] Gustave Lebon – Tâm lý học đám đông cùng Tâm lý đám đông và phân tích
cái tôi của S.Freud, (Nguyễn Xuân Khánh dịch, Bùi Văn Nam Sơn hiệu đính), Nxb
Tri thức, H., 2014.

[19] Suzuki, Erich Fromm, R.Demartino – Thiền và phân tâm học, (Nguyễn Kim
Dân dịch), Nxb Thời đại, H., 2011.

[20] S.S. Averintsev – Góp phần kiến giải ý nghĩa biểu tượng của huyền thoại
Ơđip, (Phạm Vĩnh Cư dịch)// Tạp chí Văn học, số 11, 2007, tr.7-23.

[21] Pierre Daco – Giải mã các giấc mộng qua ánh sáng phân tâm học, (Phan
Quang Định biên dịch), Nxb Trẻ, TpHCM, 1999.

[22] Phạm Minh Hạc – Học thuyết và tâm lý học Sigmund Freud, Nxb Giáo dục ,
H., 2013.


[23] Phạm Minh Lăng – Freud và Tâm phân học, Nxb Văn hóa – Thông tin, H.,
2000.

[24] Đặng Phùng Quân – Triết học Áo và hai đại diện tiêu biểu của nền triết học
này – Brentano và Freud// Tạp chí Triết học, số 5/2013, tr.29-37.

[25] Nguyễn Thị Thanh Thủy – Phân tâm học và phân tâm học sau Freud. Sự phê
phán của Alfred Adler// Tạp chí Triết học, số 4/ 2013, tr.50-54.

[26] Mai Ngọc Diệp – Freud và những luận điểm của ông chung quanh những vấn
đề liên quan đến văn hóa// Tạp chí Thông tin khoa học, số 18/2005, tr.11-20.

[27] Đỗ Minh Hợp (Chủ biên) – Nhân học triết học Freud và ảnh hưởng của nó đến

nhân học triết học phương tây hiện đại, Nxb Tôn giáo, H., 2014.

[28] Đỗ Minh Hợp – Địa vị triết học của phân tâm học Freud// Tạp chí Triết học,
số 7/2013, tr.34-41
[29] Huyền Giang (tổng thuật) – Carl Gustav Jung và “cái vô thức”//Tạp chí Văn
học, 1995, số 7, tr.41-44, số 9, tr.48-52.

[30] Nguyễn Văn Dân – Tâm phân học vô thức với việc phân tích cấu trúc tác
phẩm văn học// Tạp chí Văn học, số 4/ 2003, tr.26-31.

[31] Lê Huy Bắc – Chí Phèo dưới cái nhìn phân tâm học//Tạp chí Nghiên cứu văn
học, số 2/2007 tr.123-127.


[32] Phan Tuấn Anh – Hài hước phồn thực trong văn xuôi Việt Nam sau 1975// Tạp
chí Sông Hương, số 236/2008, tr.7-17.

[33] Phan Tuấn Anh – Mỹ học tính dục và cuộc phiêu lưu giải phóng thiên tính nữ
trong văn học nghệ thuật//Tạp chí Sông Hương, số 236/2012, tr.23-29.

[34] Nguyễn Thị Bình, Đoàn Ánh Dương – Phân tâm học trong tiểu thuyết đô thị
miền Nam, trường hợp Thanh Tâm Tuyền//Tạp chí Văn học, số 2/2013, tr.54-75
[35] Lương Minh Chung – Đời sống văn hóa phồn thực như một cách tiếp cận
nghệ thuật thơ Hoàng Cầm//Tạp chí Nguồn sáng dân gian, số 2/2009, tr.17-25.

[36] Trần Thanh Hà – Học thuyết S.Freud và sự thể hiện của nó trong văn học Việt
Nam, Nxb ĐHQG, H., 2008.

[37] Trần Thanh Hà – Một số tác phẩm văn xuôi Việt Nam hiện đại qua cái nhìn
phân tâm học//Tạp chí Văn học nước ngoài, số 3/2008, tr.158-167.


[38] Luận án bảo vệ ngày 28/12/2015, tại Học Viện Khoa học xã hội, Viện hàn lâm
Việt Nam.

[39] Nguồn: Về việc vận dụng phân tâm học vào nghiên cứu, phê
bình văn học của Đỗ Lai Thúy, có thể xem: Đỗ Lai Thúy – Phê bình văn học, con
vật lưỡng thê ấy. Nxb Hội nhà văn, 2011, tr. 217-240.


[40] Xin đọc: Đỗ Lai Thúy – Hồ Xuân Hương hoài niệm phồn thực. Nxb Văn hóa
thông tin, 2000; Đỗ Lai Thúy – Bút pháp của ham muốn. Nxb tri thức, H., 2009, tr.
15 – 90.

[41] Đỗ Lai Thúy – Bút pháp của ham muốn. Nxb tri thức, H., 2009, tr

[42] Đỗ Lai Thúy – Tlđd, tr. 197-224.

[43] Đỗ Lai Thúy – Tlđd, tr. 225-275.

[44] Đỗ Lai Thúy – Tlđd, tr. 119-142.

[45] Đỗ Lai Thúy – Tlđd, tr. 143-196.

[46] R. Wellek và A. Warren – Lí luận văn học. Nxb Tiến bộ, M., 1978, tr. 95
(Tiếng Nga).

[47] Xem: Đỗ Lai Thúy – Mắt thơ (Phê bình phong cách Thơ Mới). In lần thứ 3,
Nxb.Hội nhà văn, H., 2012, tr. 51-76

[48] Xem: Đỗ Lai Thúy – Tlđd, tr. 77-98.


[49] Xin đọc: Đỗ Lai Thúy – Trải nghiệm thi pháp học. Nguồn:
/>


×