Nghệ thuật vị nhân sinh và nghệ thuật vị nghệ thuật
Chữ “Vị” chứ không phải chữ “Vì” trong ý nghĩa của câu: “Nghệ Thuật VỊ Nghệ
Thuật Hay Nghệ Thuật VỊ Nhân Sinh”, vì đã có người đọc nhầm rằng: “Nghệ
Thuật VÌ Nghệ Thuật Hay Nghệ Thuật VÌ Nhân Sinh”.
***
Chúng ta, những ai đã từng tìm hiểu về văn học Việt Nam, không thể quên được
trận bút chiến giữa hai nhóm: một bên là nhóm ông Hoài Thanh quan niệm “nghệ
thuật vị nghệ thuật”, và một bên là nhóm ông Hải Triều quan niệm “nghệ thuật vị
nhân sinh”. Cuộc bút chiến này, đã diễn ra liên tiếp, kéo dài trên các báo: Tin Văn,
Tiểu Thuyết Thứ Bảy, Tràng An, Ðời Mới... xuất bản vào thời bấy giờ.
Ðây là bước khởi sự, là tiền đề cho danh xưng “chủ nghĩa tả thực trong văn
chương”, để rồi văn học toàn thế giới cho chào đời trường phái “chủ nghĩa hiện
thực”. Chưa dừng lại ở đây, các tư tưởng gia, các nhà phê bình văn học khối Cộng
Sản còn “vẽ thêm chân” vào con “rắn hiện thực” này tạo thành cái gọi “dòng văn
học chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa”. Trong bài viết tiếp theo, người viết sẽ
có vài “phê phán” ở dòng văn học “rắn thêm chân” này.
Ðể đi ngay vào đề tài, người viết xin trích nguyên văn bài “Văn Chương Là Văn
Chương” mà tác giả Hoài Thanh viết đăng trên báo Tràng An thời bấy giờ. Ông là
người khởi xướng cho nhóm nghệ sĩ thuộc trường phái “Nghệ thuật vị nghệ thuật”:
“Văn Chương là Văn Chương
(Ðáp lại ông Hải Triều và ông Phan Văn Hùm trên báo Tin Văn)
Trước đây nhận thấy ông Hải Triều phê bình quyễn “Kép Tư Bền” một cách sai
lầm, tôi có bày tỏ một vài ý kiến về cách phê bình ấy.
Tôi chỉ nhân một việc có xảy ra - việc ông Hải Triều phê bình quyển “Kép Tư
Bền” - mà bày tỏ một vài ý kiến chứ không đề xướng hay bên vực một lý thuyết gì
hết. Vì chẳng dấu gì các bạn, tôi nhát gan lắm, cứ thấy bóng lý thuyết là sợ.
Có lẽ ông Hải Triều cũng đã biết cái chỗ yếu của tôi nên nửa tháng sau tờ Tin Văn
ông viết một bài dài 5 cột báo đưa ra một mớ lý thuyết cùng những danh từ to nhổn
để dọa tôi. Nào: Nghệ thuật vì xã hội đích sinh hoạt, nào: nghệ thuật là hệ thống
tình cảm diễn ra hình ảnh. Ông còn dọa tôi bằng một tràng chữ tây xen vào giữa
bài văn quốc ngữ, cùng một trang những câu trích của Flaubert, Plékhanov, Gide,
Boukharine.
Thế cũng chưa đủ ông còn cắt bài tôi gửi vào cho tay kiện tướng Phan Văn Hùm chỉ nghe tên cũng đủ sợ. Thế rồi cũng trên tờ Tin Văn, luôn trên 4 cột báo, tôi lại bị
ông Phan Văn Hùm dọa một lần nữa. Nhưng cái chiến lược của ông Hải Triều sơ
suất chừng nào thì cái chiến lược của ông Hùm bí hiểm chừng ấy. Một bên là
Trương Phi, một bên là Gia Cát. Hai bên đều đối phó cả hai. Con nhà văn quen giữ
thói thanh nhã, đã không có cách gì chống lại với vũ nghệ cao cường của Trương
Phi giữa cái bát-trận-đồ của Gia Cát, dẫu đưa hết trí hiểu biết, cũng không sao dò
ra lối.
Tôi ví bài của ông Hùm như bát-trận-đồ của Gia Cát cũng chưa đúng. Thực ra báttrận-đồ còn dễ hiểu hơn nhiều.
Các ông chơi ác dúi tôi vào một chỗ các ông đặt tên là Nghệ thuật vị nghệ thuật rồi
các ông tha hồ xông vào mà tổng công kích.
Các ông bảo rằng tôi chủ trương lý thuyết Nghệ thuật vị nghệ thuật. Úi chà! Oai
quá! Tôi không dám, tôi có chủ trương lý thuyết gì đâu. Trong bài tôi không hề có
chữ ấy.
Các ông lại làm ơn báo cho tôi biết rằng tôi chủ trương lý thuyết nghệ thuật vị nghệ
thuật tất là lấy văn chương phụng sự một giai cấp nào đấy, nhưng quyết không phải
là giai cấp lao động.
Thì các ông còn phải dè dặt làm gì? Các ông cứ nói rằng các ông về phe với người
lao khổ còn tôi về phe những người giàu những người đi bóc lột anh em lao khổ,
cứ nói như thế dễ hiểu hơn không? Các ông khôn lắm đó, các ông. Cái hay, cái tốt,
các ông dành hết phần các ông; còn cái dở, cái xấu, thì các ông nhét cho tôi.
Ðáng lẽ, tôi là người đi bóc lột, hay các ông là người đi bóc lột, cái đó hãy khoan
nói đến. Tôi có phát biểu một ý kiến về văn chương, các ông cũng phát biểu một ý
kiến về văn chương, ta hãy xem ý kiến ai đúng, ai không đúng. Ðằng này các ông
chỉ phê cho một câu: “Ý kiến thằng cha Hoài Thanh này là ý kiến của tụi giàu, nó ở
bên kia mặt trận tất nhiên nó làm gì, nó không thể nhận thấy được cái lẽ phải của
chúng ta”.
Tôi đọc bài của hai ông đọc đi đọc lại rồi ngẫm nghĩ tôi chỉ thấy hai ông trách tôi ở
chỗ này: không cho nhà văn làm công việc xã hội. Sao các ông không thấy trong
bài trước tôi đã có câu:
“Nhà văn là một người sống giữa xã hội cố nhiên phải tùy sức mình, làm hết phận
sự đối với xã hội, tôi muốn nói nhà văn đến lúc phải bênh vực cái yếu, chống lại
sức mạnh với tiền tài, của súng đạn, nhưng trong lúc đó nhà văn không làm văn
nữa mà chỉ làm phận sự người cầm bút mà thôi. Ta nên nhớ rằng cầm bút chưa phải
là viết văn. Văn chương là vật quý có đâu được như thế”.
Cùng trong bài trước tôi nhận rằng một quyển sách có tính cách văn chương vẫn
cũng có thể đèo thêm những tính cách khác như chính trị, xã hội, đạo đức, tôn giáo,
v.v... Tôi chỉ muốn người ta biết phân biệt các tính cách ấy trong lúc xét quyển
sách về phương diện nghệ thuật, phải để ý đến tính cách khác.
Một quyển sách cũng như một người, bản thân nó muôn hình vạn trạng. Muốn cho
dễ hiểu, tôi lấy một cái thí dụ có lẽ không được nhã nhưng tiện lắm. Ông Hải Triều
là một người bán sách, bán báo ở Huế. Với tôi ông lại là người hay viết văn chữ
Tây và chữ Nho trên các báo quốc ngữ và hay trích các câu văn của Gide, của
Boukharine, của Flékhanov, của Flaubert, của Quách Mạc Nhược, v.v...
Vậy trong lúc tôi nói chuyện với ông về văn chương, tôi cứ để ý đến ông Hải Triều
bán sách, bán báo cùng với các ông Hải Triều khác, thì người ta sẽ bảo tôi là điên.
Cho nên trong trí tôi phải chia ra nhiều ông Hải Triều vì phải để mỗi ông một nơi,
không lẫn lộn. Khi tôi xem một quyển sách cũng vậy. Tôi phải phân biệt những
tính cách phiền toái của nó.
Xét kỹ ra, cái tính của sự tiến hóa về tư tưởng là biết phân biệt. Ðối với người xưa
nước chỉ là nước, nhưng ngày nay nhờ khoa học tinh vi, người ta biết rằng nước
gồm có hai chất khinh khí và dưỡng khí hợp lại. Sự tiến hóa trong khoa học theo
đường đi như vậy, sự tiến hóa trong văn chương cũng thế. Người xem văn phải biết
nhận cái chân tướng lộng lẫy của văn chương đừng cho lẫn lộn với bao nhiêu cái
khác cùng đi theo với nó trong một quyển sách.
Tôi lại muốn người ta nhận rằng một quyển sách chuyên tả nỗi khổ của kẻ lao động
chưa hẵn là sách hay. Hay là ở chỗ biết cách tả.
Trái lại, một quyển sách không tả nỗi khổ của kẻ lao động, không có tính cách xã
hội, như người ta thường nói, nếu nó hay cũng phải nhận cái hay của nó và cái tài
của người viết ra nó. Cái đẹp của trăm hoa quý ở chỗ có hương sắc khác nhau. Nhà
văn cũng vậy, nếu vô luận nhà văn nào cũng phải viết lối văn có tính cách xã hội,
cho dẫu những người không có biệt tài về lối văn ấy cũng vậy, thì đã không ích gì
cho ai mà lại còn có hại. Kho tinh thần của loài người sẽ thiệt mất những tác phẩm
vô giá. Ðến đây tôi lại trích một câu văn của Gide, Gide nói:
“Người ta càng hay phát triển cái bản sắc của mình lại càng giúp ích cho đoàn thể”.
Tôi không khuyên Nguyễn Công Hoan viết lối văn đầy mộng ảo, thì sao các ông
lại buộc Lưu Trọng Lư phải viết lối văn của Nguyễn Công Hoan?
Hoài Thanh (Báo Tràng An - 1935)
Ðể dẫn chứng tiếp cho cuộc bút chiến về quan niệm “Nghệ Thuật vị Nghệ Thuật
hay Nghệ Thuật vị Nhân Sinh”, người viết xin trích một bài của ông Hải Triều:
“Ðáp lại bài ông Thiếu Sơn trong Tiểu Thuyết Thứ Bảy số 16-2-1935”
Vấn đề này tôi đã có hồi bàn qua trong bài phệ bình cách giải thích chữ văn học
của Sào Nam tiên sinh, đăng ở báo Ðông Phương cũ. Nay ông Thiếu Sơn trong
“Tiểu Thuyết Thứ Bảy” số 38 lại nói đến. Tôi muốn thừa cuộc bút chiến này để
giải bày cho được rõ cái quan niệm của chúng tôi về nghệ thuật.
Ông Thiếu Sơn, người ta thường bảo là một nhà viết văn sành mà lý sự lại già dặn.
Nhưng ông sành ở đâu chúng tôi không biết, ông già dặn ở đâu chúng tôi không
hay, cho đến cái bài “Hai quan niệm về văn học” thì nó tỏ ra lúng túng nông nổi
làm sao!
Anh chị em, cũng như tôi, ở đời không nhiều thì ít cũng có một tí gan - một tí mà
thôi - nhưng cái gan gì kia chứ chớ đến cái gan nói liều thì chúng ta hẵn thua ông
Thiếu Sơn đi rồi đấy.
Tôi không hay nói ngoa. Thì anh chị hãy đọc: ”... theo luật tiến hóa của văn học sử
Việt Nam cũng như văn học sử các nước, những công trình sáng tạo thì còn, mà
những công trình khảo cứu sẽ chết.”
Bao quát nói rằng những công trình khảo cứu sẽ chết thì không to gan đấy ư?
Ví như theo “luật tiến hóa” của ông mà những “công trình sáng tạo” ấy trở lại phản
tiến hóa thì ông cũng nhất quyết cho nó sống ư? Ông Thiếu Sơn! Ông to gan hơn
chúng tôi là ở chỗ nói liều đó!
Ðây là lời tôi chỉ đưa ra một cái luận chứng nông nổi của bài ông chớ trong bài ấy
còn nhiều cái nữa mà tôi không thể kể ra hết được.
Ông lại có ý bài xích cái quan niệm về văn học của ông Phạm Quỳnh và cụ
Nguyễn Bá Học. Cụ Nguyễn Bá Học thì chết rồi. Ông Phạm Quỳnh thì còn sống
đấy. Ông Quỳnh nếu có thì giờ sẽ trả lời cho ông. Tôi không hơi đâu mà làm trạng
sư cho một cụ Thượng về Bộ Giáo Dục. Tôi muốn nói chuyện cùng ông về chỗ ông
chủ trương “lấy nghệ thuật làm cứu cánh cho nghệ thuật” mà tôi cho là quan niệm
gàn dở và gian trá của phái nghệ sĩ mà L.Tolstoi thường gọi là “bọn giặc trong
nghệ thuật” (les forbans de l'art).
Muốn nói chuyện cùng ông, tôi bắt đấu giải thích “nghệ thuật” là gì đã.
I. Nghệ thuật là gì? Nhà nghệ sĩ duy tâm bao giờ giải thích đến nghệ thuật thời cho
là những cái sản vật thần bí, mầu nhiệm của tình cảm và của “Ðấng Thiêng Liêng”.
Vì thế nên họ cho nghệ thuật có cái tính chất siêu phàm, huyền dịu, không quan hệ
đến xã hội, không dính dáng đến nhân sinh. Họ cao ngạo hơi lớn tiếng đề xướng
thuyết “nghệ thuật thuần túy” (l'art pur), “nghệ thuật thần tiên” (l'art olympien) hay
“nghệ thuật vị nghệ thuật” (l'art pour l'art). Trong đám nghệ sĩ ấy, không nói chúng
ta cũng biết, ông Thiếu Sơn đã làm một anh học trò dở dang, vì ông ấy muốn bênh
vực cho nó mà bệnh vực không ra trò.
Trái với phái nghệ sĩ duy tâm, chúng tôi bao giờ cũng chủ trương “nghệ thuật là
một sản vật của sự sinh hoạt xã hội” (l'art est un produit de la vie sociale), những
trạng thái sinh hoạt giữa xã hội phản chiếu vào trong tâm trí người ta, sinh vui, sinh
buồn, sinh giận, sinh tiếc, sinh chán, sinh tham... Nghệ thuật sắp đặt những tình
cảm ấy cho có hệ thống rồi diễn ra thành những hình ảnh thiết thực hoặc bằng lời
nói hoặc bằng câu văn, bằng âm điệu, bằng vận động (như nhảy múa) hoặc nhiều
cách kiểu khác có hình thái rõ ràng như kiến trúc, đắp tượng v.v...
Cho nên người ta thường nói: “Nghệ thuật là một phương pháp để xã hội hóa tình
cảm” (un moyen de socialisation du sentiment). Ông Tolstoi trong bản sách “Nghệ
thuật là gì?” (Qu'est ce que l'art?” giải thích: Nghệ thuật là một cái phương pháp
truyền nhiễm về tình cảm” (un moyen de contangion émotive).
Nghệ thuật xã hội hóa tình cảm của loài người, lại đem cái tình cảm ấy mà truyền
nhiễm lại cho loài người; như thế là cái phát nguyên của nghệ thuật là ở trong xã
hội mà cái cứu cánh của nó cũng ở trong xã hội. Ðặt nghệ thuật ra ngoài xã hội và
nhân sinh, cho nghệ thuật có tính chất thiêng liêng, thần bí, cao thượng là ngụy
biện, là phi lý, là vin lối ông Thiếu Sơn, là gian trá. Vì sao tôi dám gọi là gian trá,
tôi sẽ nói ở đoạn sau.
II. “Nghệ Thuật vị Nhân Sinh” với văn sĩ Tây Phương.- Ông Thiếu Sơn nói “nghệ
thuật vị nhân sinh” (l'art pour la vie) ở nước ta là do cái ảnh hưởng của Nho giáo.
Ông lại cho rằng hầu hết các người ngoài mà nhất là các người ở Tây phương đều
chủ trương lấy nghệ thuật làm cứu cánh cho nghệ thuật.
Ấy lại là một cái nói liều nữa. Tôi thiết tưởng khi quyết đoán một điều gì ông cũng
cần xem xét cho thận trọng chứ! Ai bảo ông hầu hết các nước ngoài đều chủ trương
lấy nghệ thuật làm cứu cánh cho nghệ thuật?
Tôi muốn đưa đây một ít chứng cớ mà tôi đã vội vàng sưu tầm để ông thấy rõ các
nhà văn sĩ Tây Phương người ta vẫn chủ trương lấy nghệ thuật làm cứu cánh cho
nhân sinh.
Taine, trong bản sách triết lý của nghệ thuật (La philosophie de l'art) nói rằng:
“Nhà nghệ sĩ với quần chúng là một, nhà nghệ sĩ không thể là hạng người biệt lập”.
Diderot bảo chúng ta rằng: “Nghệ thuật phải có cái nhiệm vụ ca tụng những công
nghiệp lớn lao, tốt đẹp, bệnh vực cái lẽ phải, công kích sự đồi bại, chống chọi với
đứa hung bạo”
Trong bản sách “Chúng ta phải làm thế nào?” (Que devons-nous faire?) Tolstoi
nói: “Loài người đương gặp biết bao nhiêu sự khổ sở, đau đớn rất tội nghiệp, ai có
thời giờ đâu ngao du đùa bỡn. Nhà nghệ sĩ hay là nhà tư tưởng không bao giờ ngồi
trên đỉnh núi thần tiên, họ phải luôn luôn ở trong cảnh hoạt động, chan chứa cảm
tình. Họ phải chỉ cho loài người thấy con đường giải thoát những sự khốn khổ ngày
nay và tìm ra những cái tốt đẹp mới mẻ hơn.”
Tôi muốn để nguyên một câu chữ Tây mà tôi không dịch, sợ mất cái ý nghĩa hay
của nó đi:
“Le vrai art est l'expression de la connessance de la mission et du vrai bien de toute
les hommes (xem quyển Vie de Tolstoi của R. Rolland).
Thế là cái nghệ thuật chân chính là cái nghệ thuật vị nhân sinh rồi đấy, ông Thiếu
Sơn đã thấy chưa?
Còn biết bao nhiêu nhà nghệ thuật như Dickens, Dostolevsky, Millet, Hugo,
Barbusse, R. Rolland v.v... và tất cả những nghệ sĩ ở Nga bây giờ đều chủ trương
lấy nghệ thuật mà phụng sự cho nhân sinh.
Trên kia, tôi đã giải thích cái quan hệ của nghệ thuật với nhân sinh và đã chỉ rõ
thuyết “nghệ thuật vị nhân sinh” không phải như ông Thiếu Sơn lầm tưởng cho là
ảnh hưởng của Nho giáo ở Ðông phương. Chính thuyết “nghệ thuật vị nhân sinh”
các nghệ sĩ ở Âu Mỹ đã nhiều lần đề xướng và cổ động rồi. Tỉ như nghệ thuật giỏi
ở nước Nga bây giờ, người ta chỉ biết nghệ thuật vị nhân sinh chứ không biết nghệ
thuật vị nghệ thuật vì người ta cho thuyết “nghệ thuật vị nghệ thuật” là tiêu biểu
của sự đồi bại cho nền văn hóa buốc-doa (bourgois) bao giờ.
III. Nghệ thuật vị nghệ thuật trong nghệ thuật sử.- Quách Mạt Nhược, một văn sĩ
về phái mới ở nước Tàu, trong bài văn học do giai cấp đấu tranh có câu: “Nghệ
thuật là gì? Nghệ thuật là cái biểu hiện của nhân sinh”. Câu ấy thật đúng. Không
biểu hiện được nhân sinh thì không thành nghệ thuật nữa. Bao nhiêu sự thăng trầm
biến chuyển trong xã hội về kinh tế, về chính trị, đều gián tiếp hay trực tiếp ảnh
hưởng vào nghệ thuật.
Người đời xưa, hồi bộ lạc đang thịnh hành, quân chủ đang bền chặt, nghệ thuật tất
nhiên xu hướng về mặt ca tụng những anh hùng hào kiệt, khuyến khích những việc
thiện, bài trừ những việc ác. Nhà nghệ sĩ bao giờ cũng tự đặt mình vào hạng “tiên
giác”, đem bao nhiêu tài ba để thức tỉnh loài người. Bao nhiêu sách sử, tranh vẽ,
chạm trổ đều diễn tả những công nghiệp oanh oanh liệt liệt của những vị anh hùng
hào kiệt tự ngàn xưa. Nghệ thuật hồi ấy rõ ràng là để phụng sự cho nhân sinh.
Những tác phẩm như Illiade, Oldyssée ở Tây phương, những sách “Tam quốc diễn
nghĩa” ở Tàu, “48 vị anh hùng” ở Nhật đều là những chứng cớ hiển nhiên của cái
triều lưu nghệ thuật vị nhân sinh của thời đại ấy.
Trước cuộc cách mạng 1789 ở Pháp, trong nghệ thuật giới Pháp lại phát sinh ra
một cái thể thức mới gọi là “style rococo”. “Style recoco” là cái phản ánh của chế
độ phong kiến ở Pháp đã bắt đầu trụy lạc. Nhà nghệ thuật dần dần xa hẳn quần
chúng nên không đem nghệ thuật để dẫn đạo hay giáo hóa quần chúng nữa.Họ
mượn nghệ thuật để ca tụng những sự xa hoa, đài các dâm dục. Các nghệ thuật ấy
dầu không nói ra, ai cũng thấy rõ là thứ nghệ thuật vị nghệ thuật mà thôi.
Cuộc cách mạng 1789 nổi lên, trong nghệ thuật giới tự nhiên có vô số nghệ sĩ mới
ra đời. Tự mình lấy cái trách nhiệm tiên khu cho phong trào, mượn nghệ thuật làm
lợi khí để khuyến khích quần chúng vào con đường mới, bao nhiêu tác phẩm của
Voltaire, Rousseau, Montesquieu, Diderot, David v.v... đều tiêm nhiễm những tư
tưởng đem nghệ thuật mà phụng sự cho nhân sinh. Nhà nghệ sĩ tài vừa kiêm một
tay chiến sĩ giỏi.
Rồi qua thế kỷ thứ XX, sự phát triển của chế độ tư bản đã đến đoạn cuối cùng.
Nghệ thuật đồng chịu ảnh hưởng ấy, nên mất hẳn cái tính chất “vị nhân sinh”.
Không biết bao nhiêu là xu hướng mới ra đời: nào impressionnisme,
néoimprissionnisme, futurisme, cubisme, v.v... những cái “isme” cũ kéo dây nhau
xuất hiện ra rồi lại cứ kéo dây nhau mà chết, không cái nào thành hình cái nào.
Nghệ thuật dần dần xu hướng về mặt thần bí, huyền hoặc, v.v... Nhà nghệ thuật
chẳng những không khai sáng quần chúng, lại trở lại mê hoặc quần chúng. Nhà
nghệ thuật hóa ra một người thù của quần chúng. Ông Léon Tolstoi cho là bọn
forbans de l'art thật đáng kiếp.
Bên cái nền nghệ thuật phản nhân sinh, phản tiến hóa ấy, ngày nay chúng ta đã
thấy nhóm lên những nền nghệ thuật mới, tự lấy cái trách nhiệm diễn tả tình cảm,
tư tưởng của quần chúng và đề cao sự sinh hoạt của xã hội về tất cả mọi phương
diện vật chất và tinh thần.
Những kiện tướng trong phái nghệ sĩ mới ấy như Gorky ở Nga, R.Rolland ở Pháp,
Upton Sinclair ở Mỹ v.v... đều được công chúng hoan nghênh một cách đặc biệt.
Ông Thiếu Sơn xem thế cũng đủ thấy cái nghệ thuật vị nghệ thuật phát sinh ra
trong những hồi đồi bại của xã hội loài người. Còn những hồi tiến bộ thì người ta
bao giờ cũng chủ trương lấy nghệ thuật làm cứu cánh cho nhân sinh.
Ông Thiếu Sơn lại thấy rằng những nghệ sĩ nào tán thành cho thuyết “nghệ thuật vị
nghệ thuật” đều đi trái hẳn con đường tiến hóa của nhân loại.
IV. Giá trị những tác phẩm của phái nghệ thuật vị nghệ thuật.- Trong bài “Nghệ
thuật với đời người” đăng ở T.T.T.B số 41, ông Thiếu Sơn đứng về phương diện
nhà nghệ thuật bảo chúng ta rằng:
“Các ông muốn cải tạo xã hội để tô điểm cho sự sống của loài người. Tôi không
biết cải tạo xã hội là cái gì, nhưng sự sống của tôi, tôi không cần các ông phải tô
điểm. Tự nó đã mãn nguyện rồi! Nếu trong thiên hạ còn nhiều người biết yêu mến
nghệ thuật, nhờ thưởng thức những công trình của chúng tôi mà quên những nỗi
nhỏ nhen. ti tiện ở cõi đời, để sống chung với chúng tôi trong một cảnh thế giới
đẹp đẽ hơn, cao thượng hơn, thì chúng tôi há lại chẳng có công với xã hội loài
người đó ư?”
Chỉ một câu tuyên bố này cũng đủ đại biểu cho cái tâm lý thiển bạc mà tự đắc, ích
kỷ mà phản động, duy tâm mà lộn xộn của phái “nghệ thuật vị nghệ thuật”. Dầu
ông Thiếu Sơn và những nhà “nghệ thuật vị nghệ thuật” không biết, hay không
muốn biết, hay không dám biết “cái sự cải tạo là cái gì?”, dầu ông Thiếu Sơn và
phái “nghệ thuật vị nghệ thuật” có cho cái sống của mình không cần ai phải tô
điểm, “tự do đã mãn nguyện” rồi, nhưng các ông ít nhất cũng phải tự hỏi vì sao các
ông đã đến cái chỗ “không cần ai tô điểm”, “đã mãn nguyện rồi” rồi chớ! Chẳng
qua các ông ở trong cái giai cấp dư dật rồi mới vỗ bụng mà nói những câu tự đắc
ấy. Các ông có ăn, có mặc, có ở, rồi thong thả mới ngâm vịnh chuyện trên mây trên
mưa được chớ!
Các ông chỉ ngắm vào mình, tự cho là đẹp đẽ rồi nên mới bảo “không cần ai tô
điểm”. Kỳ thật, xã hội chứa chấp không biết bao nhiêu cái xấu xa nên hằng mong
mỏi sự tô điểm luôn luôn.
Các ông chỉ ngắm vào mình, thấy được cái sướng của đời vật chất của các ông nó
ăn nhịp với cái sướng trong cái đời tinh thần, nên các ông kiêu hãnh “đã mãn
nguyện rồi”. Kỳ thật, xã hội nhận thấy không biết bao nhiêu là điều thiếu thốn nên
chưa khi nào tự hào là mãn nguyện cả.
Tóm lại, ộng thật là hạng người ích kỷ quá, chỉ thấy có mình mà không thấy người.
Vì thế cho nên cái nghệ thuật của các ông nó chỉ ở trong những cái khuôn khổ nhỏ
bé của từng cá nhân chớ không bao giờ diễn đạt nổi cái tình cảm, cái ý chí, cái
nguyện vọng của một đại quần chúng giữa xã hội. Cái nghệ thuật của các ông là cái
nghệ thuật của thiểu số. Các ông chỉ chăm chú, tìm kiếm, bơi xới những cái khúc
mắc, cái bí ẩn trong quả tim non của mấy cô gái ngây thơ đa cảm, hay tấm lòng
riêng mấy cậu con trai lịch lãm đa tình. Rồi các ông viết ra những pho tiểu thuyết
dày hàng mấy trăm trang với những cái tiêu đề đẹp đẽ, nào là tâm lý tiểu thuyết,
nào là ái tình tiểu thuyết, nào là cảnh thế tiểu thuyết. Sách ra đời, cả một giai cấp
đủ ăn đủ mặc, sau những cuộc vui chơi, trong những giờ nhàn rỗi, a vào mà mua
mà đọc, rồi mặc sức mà khen mà tán, mà phẩm bình, mà bắt chước những người
trong chuyện cũng ngây thơ, cũng mơ mộng, cũng yêu đời, cũng vui đời v.v... Do
đó các ông hô to lên rằng: “Các ông có công với xã hội, cái nghệ thuật của các ông
là có giá trị, là hữu ích đấy chứ, vì nó là món đồ giải trí cho các tiểu thơ trong khuê
các sau những giờ điểm trang”. Câu nói của bác sĩ Trần tuy cay chua mà thật đúng.
V. Vài lời chung cáo.- Giữa cuộc phân tranh của xã hội, trước những vấn đề sống
còn của thời đại, nhân loại đang mong mỏi, về phương diện tinh thần, một hạng
nghệ sĩ biết diễn dịch được cái nỗi lòng của họ; làm sao mà những sự đau thương,
sự mong mỏi, sự buồn giận, sự vui sướng trong tâm khảm họ đều vẽ vời thành
những bức tranh linh hoạt chan chứa cảm tình. Nhà văn sĩ Gorky đã trở nên “một
người yêu” của cả thế giới là nhờ thế.
Trái lại, ai lấy nghệ thuật làm món “chơi riêng”, lấy nghệ thuật làm nghệ thuật, lấy
nghệ thuật làm bùa mê người, đều là vô tâm hay hữu ý đã nối giáo cho những cái
lực lượng phản tiến hóa. Hạng nghệ sĩ ấy, xin lỗi ông Thiếu Sơn là hạng nghệ sĩ
gian trá, hạng nghệ sĩ quái quỉ vậy. Những tác phẩm của họ rồi sẽ theo với những
cái chế độ xã hội hủ bại mà bị đào thải đi vậy.
(Ðời Mới - 1935)
Ðối với chúng ta ngày hôm nay vấn đề “Nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị
nhân sinh” không phải là một vấn đề để bàn cãi nữa. Vì, cái nguy hiểm, cái tệ hại
nhất cũng đã xảy ra rồi- nó - chính quan niệm một chiều khi cho rằng “nghệ thuật
vị nhân sinh” đã làm lợi khí tuyên truyền cho “chủ nghĩa thực dụng” dựa trên “chủ
thuyết duy vật” công kích mạnh vào “chủ thuyết duy tâm”. Trường phái “nghệ
thuật vị nghệ thuật” đã bị văn học khối Cộng Sản gán cho danh xưng “văn chương
tư sản”; mà một khi đã là nghệ sĩ thuộc trường phái nầy, tất nhiên bị ghép ngay vào
“hàng ngũ đối lập- phản động- ủy mị- lãng mạn- ru ngủ lòng chiến đấu- là sức cản
trong ý thức đấu tranh giai cấp, hại dân hại nước...”
Nói như vậy, không có nghĩa ngày hôm nay khi chúng ta phê bình văn học chủ
nghĩa xã hội là chấp nhận trường phái “nghệ thuật vị nghệ thuật” để mạnh dạn bài
bác trường phái kia! Hoàn toàn không thể có điều này, mà là sự kết hợp thật sít sao
cả hai quan niệm nhằm tạo cho mỗi chúng ta có một tầm nhìn rộng hơn, sâu hơn
trong mọi phân tích phê bình. Lợi thế của chúng ta ở giai đoạn hiện tại, là có quyền
kết hợp, có quyền lừa lọc những cái phi lý đễ còn lại những cái hữu lý giúp ích cho
cuộc sống. Không như ngày xưa giữa “A” và “B” chỉ được chọn một. Ðã chọn “A”
tức là “A” phải đúng, còn “B” phải bị loại bỏ- có nghĩa “B” hoàn toàn sai (?).
Tóm lại, “nghệ thuật vị nghệ thuật”, hay “nghệ thuật vị nhân sinh”, hai quan niệm
nầy cái nào là đúng?
Ông cha ta thường nói “Có thực mới vực được đạo”, hoặc “Có bột mới gọt nên
hồ”, điều này xét ra không thể sai, nhưng bảo hoàn toàn đúng thì không thể được!
Trong thực tế cuộc sống đã có quá nhiều thành công, chứng minh cho sự sai lầm về
nghĩa đen trong “tục ngữ” như vừa dẫn trên qua các việc làm “từ thiện” hoặc trong
lĩnh vực “tôn giáo, tín ngưỡng”, và cũng đã có những thành công trên đường đời
khi mức khởi sự chỉ là con số không!...