Tµi liÖu tham kh¶o : Các công trình kiến trúc thời Nguyễn (1802-1883)
KINH THÀNH
Nằm giữa dải đất miền Trung khí hậu khô cằn, hè nắng
dội, đông mưa dầm, là một vùng non xanh nước biếc,
phong cảnh kỳ tú trải dọc theo bờ con sông Hương xuôi ra
biển Đông. Huế từ thời các chúa Nguyễn đã từng được
chọn làm thủ phủ xứ Đàng Trong: Nguyễn Phúc Lan,
Nguyễn Phúc Tần dựng phủ ở Kim Long năm 1635-1687;
Nguyễn Phúc Thái, Nguyễn Phúc Khoát dời phủ về Phú
Xuân trong những năm 1687-1712; 1739-1774. Huế còn là
kinh đô triều vua Quang Trung Nguyễn Huệ nhà Tây Sơn,
rồi một lần nữa chính thức trở thành kinh đô của cả nước
Việt Nam khi Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi hoàng đế, mở đầu
cho vương triều Nguyễn kéo dài suốt 143 năm. Với bề dày
lịch sử gắn liền với chín đời cha ông nhà Nguyễn ở đây, không có gì khó hiểu khi vua Gia Long chọn
mảnh đất nằm ở trung độ đất nước để làm kinh đô cho triều đại mình.
Khởi công xây dựng năm 1805, Kinh Thành Huế được quy hoạch bên bờ Bắc sông Hương, xoay mặt
về hướng Nam, với diện tích mặt bằng 520 ha, có 10 cửa chính gồm:
- Cửa Chính Bắc (còn gọi cửa Hậu, nằm ở mặt sau Kinh Thành).
- Cửa Tây-Bắc (còn gọi cửa An Hòa, tên làng ở đây).
- Cửa Chính Tây.
- Cửa Tây-Nam (cửa Hữu, bên phải Kinh Thành).
- Cửa Chính Nam (còn gọi cửa Nhà Đồ, do gần đó có Võ Khố - nhà để đồ binh khí, lập thời Gia Long).
- Cửa Quảng Đức .
- Cửa Thể Nhơn (tức cửa Ngăn, do trước đây có tường xây cao ngăn thành con đường dành cho vua
ra bến sông).
- Cửa Đông-Nam (còn gọi cửa Thượng Tứ do có Viện Thượng Kỵ và tàu ngựa nằm phía trong cửa).
- Cửa Chính Đông (tức cửa Đông Ba, tên khu vực dân cư ở đây).
- Cửa Đông-Bắc (còn có tên cửa Kẻ Trài)
Ngoài ra Kinh Thành còn có 1 cửa thông với Trấn Bình Đài (thành phụ ở góc Đông Bắc của Kinh
Thành, còn gọi là thành Mang Cá), có tên gọi là Trấn Bình Môn.
Hai cửa bằng đường thủy thông Kinh Thành với bên ngoài qua hệ thống Ngự Hà là Đông Thành Thủy
Quan và Tây Thành Thủy Quan.
Thành ban đầu chỉ đắp bằng đất, mãi đến cuối đời Gia Long mới bắt đầu xây gạch. Kinh Thành Huế là
sự kết hợp độc đáo giữa những nguyên tắc kiến trúc truyền thống Việt Nam, tư tưởng triết lý phương
Đông với thuyết âm dương ngũ hành của Dịch học Trung Hoa cùng những đặc điểm mang ảnh hưởng
kiến trúc quân sự phương Tây kiểu Vauban (tên một kiến trúc sư người Pháp cuối thế kỷ XVII) .
Trong lịch sử Việt Nam thời cận đại, công trình xây dựng Kinh Thành Huế có lẽ là công trình đồ sộ,
quy mô nhất với hàng vạn lượt người tham gia thi công, hàng triệu mét khối đất đá, với một khối lượng
công việc khổng lồ đào hào, lấp sông, di dân, dời mộ, đắp thành... kéo dài từ thời điểm tiến hành khảo sát
năm 1803 (triều vua Gia Long) đến khi hoàn chỉnh vào năm 1832 (triều vua Minh Mạng).
Với mục đích phòng thủ là chính, mặt bằng của thành có dạng hình
vuông hơi khum ở phía trước theo địa hình dải đất dọc bờ sông Hương,
mỗi mặt có các cổng thành, trên có vọng lâu dùng để quan sát. Các mặt
thành lại được xây khúc khuỷu với những pháo đài được bố trí cách đều
nhau, kèm theo các pháo nhãn, đại bác, kho đạn... Thêm vào đó, hệ
thống hào bao bọc ngay bên ngoài được đào gần 10km chiều dài. Riêng
hệ thống sông đào (Hộ Thành Hà) vừa mang chức năng bảo vệ vừa có
chức năng giao thông đường thủy có chiều dài hơn 7 km (đoạn ở phía
Tây là sông Kẻ Vạn, đoạn phía Bắc là sông An Hòa, đoạn phía Đông là
sông Đông Ba, riêng đoạn phía Nam dựa vào sông Hương).
Dưới con mắt của các nhà địa lý phong thủy, Kinh Thành Huế nằm trên vùng ‘Vương đảo”, trong
phạm vi được tạo ra bởi dòng chảy của sông Hương phía trước mặt và hai chi lưu gồm sông Bạch Yến,
Kim Long chảy vòng mặt sau cùng hợp lại ở hạ lưu. Sông Hương đóng vai trò minh đường, cùng hai hòn
đảo nhỏ Cồn Hến và cồn Dã Viên có vị thế Tả Thanh Long, Hữu Bạch Hổ (rồng xanh bên trái, hổ trắng
bên phải) chầu về trước Kinh Thành. Bên kia sông, không xa lắm là ngọn Bằng Sơn được đổi tên thành
Ngự Bình, che chắn mặt trước Kinh Thành như một bức bình phong thiên nhiên, giữ chức năng tiền án.
Kinh Thành và mọi công trình kiến trúc của Hoàng Thành, Tử Cấm Thành đều xoay về hướng Nam,
hướng mà trong Kinh Dịch đã ghi “Thánh nhân nam diện nhi thính thiên hạ“ (ý nói vua quay mặt về hướng
Nam để cai trị thiên hạ).
Dựa trên các nguyên tắc của thuật phong thủy, các vua nhà Nguyễn đã kết hợp các yếu tố có sẵn
trong địa hình tự nhiên như sông, núi, đảo... cùng sự can
thiệp đúng chỗ của bàn tay con người khi lấp một số
đoạn của sông Bạch Yến, Kim Long, đồng thời đào một
loạt hệ thống sông, hào ở trong và ngoài Kinh Thành để
phục vụ cho ý tưởng của mình. Tất cả những cố gắng
trên không nằm ngoài ý nguyện định đô lâu dài của
vương triều Nguyễn. Thật khó nhận ra sự sắp xếp gò ép
trong một tổng thể hài hòa kiến trúc- thiên nhiên như thế.
Không gây ấn tượng trấn áp tinh thần, cũng không có vẻ
hoang sơ dã thảo, Kinh Thành Huế khiến cho người ta
cảm nhận được đúng mức không khí tôn nghiêm nhưng
không mất đi cảm giác êm đềm thư thái giữa thiên nhiên gần gũi. Bên cạnh đó, phong cách kiến trúc và
cách bố phòng khiến Kinh Thành Huế thực sự như một pháo đài vĩ đại và kiên cố nhất từ trước đến nay ở
Việt Nam mà Le Rey, một thuyền trưởng người Pháp đã từng đến Huế năm 1819 phải thốt lên: “Kinh
Thành Huế thực sự là pháo đài đẹp nhất, đăng đối nhất ở Đông Dương, thậm chí so với cả pháo đài
William ở Calcutta và Saint Georges ở Madras do người Anh xây dựng”.
LĂNG KHẢI ĐỊNH
(ỨNG LĂNG)
Vua Khải Định (1916-1925) là vị vua thứ 12 của triều Nguyễn và là người cuối cùng xây dựng lăng
tẩm, chuẩn bị cho sự “ra đi” của một ông vua vào buổi mạt kỳ của chế độ phong kiến. Bước lên ngai
vàng vào giữa tuổi 31, Khải Định say sưa với việc xây dựng cung điện, dinh thự, lăng tẩm cho bản
thân và hoàng tộc như điện Kiến Trung, cung An Định, cửa Trường An, cửa Hiển Nhơn, cửa Chương
Đức, đặc biệt là Ứng Lăng. Những công trình này làm hao tổn nhiều nhân lực, của cải của binh dân,
song đó cũng là những công trình có giá trị văn hóa, nghệ thuật đặc sắc.
Trị vì được một thời gian, vua Khải Định đã lo nghĩ việc tạo dựng sinh phần cho mình. Sau khi tham
khảo nhiều tấu trình của các thầy Địa, Khải Định chọn triền núi Châu Chữ (còn gọi là Châu Ê) làm vị
trí để xây cất lăng mộ. Tọa lạc tại vị trí này, lăng Khải Định lấy một quả đồi thấp ở phía trước làm tiền
án; lấy núi Chóp Vung và Kim Sơn chầu trước mặt làm “Tả thanh long” và “Hữu bạch hổ”; có khe
Châu Ê chảy từ trái qua phải làm “thủy tụ”, gọi là “minh đường”. Nhà vua đổi tên núi Châu Chữ - vừa
là hậu chẩm, vừa là “mặt bằng” của lăng - thành Ứng Sơn và gọi tên lăng theo tên núi: Ứng Lăng.
Lăng khởi công ngày 4-9-1920 và kéo dài trong 11 năm mới hoàn tất. Tiền quân Đô thống phủ Lê
Văn Bá là người chỉ huy với sự trưng tập nhiều thợ nghề và nghệ nhân nổi tiếng khắp cả nước như
Phan Văn Tánh, Nguyễn Văn Khả, Ký Duyệt, Cửu Sừng... Để có kinh phí xây dựng lăng, vua Khải
Định đã xin chính phủ bảo hộ cho phép ông tăng thuế điền 30% trên cả nước và lấy số tiền đó để làm
lăng. Hành động nay của Khải Định đã bị lịch sử lên án gay gắt.
Khải Định cho người sang Pháp mua sắt, thép, xi măng, ngói
Ardoise...,cho thuyền sang Trung Hoa, Nhật Bản mua đồ sứ, thủy tinh
màu... để kiến thiết công trình. So với lăng của các vua tiền nhiệm, lăng
Khải Định có một diện tích rất khiêm tốn: 117m x 48,5m nhưng cực kỳ công
phu và tốn nhiều thời gian. Người đời sau thường đặt lăng Khải Định ra
ngoài dòng kiến trúc truyền thống thời Nguyễn bởi cái mới, cái lạ, cái độc
đáo, cái ngông nghênh, lạc lõng... tạo ra từ phong cách kiến trúc. Toàn
cảnh lăng Khải Định có một cái gì đó vừa quen, vừa lạ. Tổng thể của lăng
là một khối hình chữ nhật vươn lên cao với 127 bậc cấp như muốn thể hiện
khát vọng tự chủ của ông vua bù nhìn này. Sự xâm nhập của nhiều trường
phái kiến trúc: Ấn Độ giáo, Phật giáo, Roman, Gothique... đã để lại dấu ấn
trên những công trình cụ thể: những trụ cổng hình tháp ảnh hưởng từ kiến
trúc Ấn Độ; trụ biểu dạng stoupa của nhà Phật; hàng rào như những cây
thánh giá khẳng khiu; nhà bia với những hàng cột bát giác và vòm cửa theo
lối Roman biến thể... Điều này là kết quả của hai yếu tố: sự giao thoa văn
hóa Đông - Tây trong buổi giao thời của lịch sử và cá tính của Khải Định. Sự xâm lược của chủ nghĩa
tư bản phương Tây đã đột phá cánh cửa phong kiến để làn gió của văn hóa Tây Âu tràn vào Việt
Nam. Mặt khác Khải Định là một ông vua hiếu kỳ, chuộng cái mới nhưng có sự sàng lọc, một ông vua
“mặc complet bên trong khoác long bào, bên ngoài, ngực lấp lánh Bắc Đẩu Bội Tinh, thắt lưng gắn
bóng đèn điện chớp đỏ” (lời L. Cadière) nên chẳng có gì phải “kiêng nể” trong việc “thâu tóm điều
hay, cái lạ” của thế giới vào ngôi nhà vĩnh cửu của mình. May thay! Ý muốn kỳ quặc của ông vua
ngông nghênh đó đã không bị bê nguyên xi vào trong kiến trúc. Bằng óc thông minh, sự chọn lọc tinh
tế và đôi tay tài hoa khéo léo, người thợ Việt Nam đã tạo cho công trình những tuyệt tác nghệ thuật.
Cung Thiên Định ở vị trí cao nhất là kiến trúc chính của lăng, nơi mà tài hoa của những người thợ
được phô diễn, gởi gắm. Công trình này gồm 5 phần liền nhau: 2 bên là Tả, Hữu Trực Phòng dành
cho lính hộ lăng; phía trước là điện Khải Thành, nơi có án thờ và chân dung vua Khải Định; chính
giữa là bửu tán, pho tượng nhà vua và mộ phần phía dưới; trong cùng là khám thờ bài vị của ông vua
quá cố. Toàn bộ nội thất của 3 gian giữa trong cung Thiên Định đều được trang trí những phù điêu
ghép bằng sành sứ và thủy tinh. Đó là những bộ tranh tứ quý, bát bửu, ngũ phúc, bộ khay trà, vương
miện... kể cả những vật dụng rất hiện đại như đồng hồ báo thức, vợt tennis, đèn dầu hỏa... cũng
được trang trí nơi đây. Những vật liệu cứng, biệt lập, qua bàn tay vàng khéo léo của các nghệ nhân
đã trở thành những tác phẩm nghệ thuật mềm mại, sống động và vô cùng rực rỡ. Đặc biệt chiếc bửu
tán bên trên pho tượng đồng trong chính tẩm với những đường lượn mềm mại, thanh thoát khiến
người xem có cảm giác nó được làm bằng nhung lụa, có thể xao động trước gió mà quên đi rằng đó
đích thực là một khối bê tông cốt thép nặng gần 1 tấn. Bên dưới bửu tán là pho tượng đồng của Khải
Định được đúc tại Pháp năm 1920. Tượng do 2 người Pháp là P.Ducing và F. Barbedienne thực hiện
theo yêu cầu của vua Khải Định. Thi hài nhà vua được đưa vào dưới pho tượng bằng một toại đạo
dài gần 30m, bắt đầu từ phía sau Bi Đình. Phía sau ngôi mộ, vầng mặt trời đang lặn như biểu thị cái
chết của vua.
Toàn bộ trang trí bên trong cung Thiên Định không chỉ phản ánh những giá trị văn hóa, nghệ thuật
mà còn đề cập đến vấn đề nhận thức, chủ đề tư tưởng của công trình và ý muốn của nhà vua. Bên
cạnh các đồ án trang trí rút từ các điển tích Nho giáo và cuộc sống của chốn cung đình, còn có
những đồ án trang trí của Lão Giáo và đặc biệt là hàng trăm chữ Vạn - một biểu trưng của nhà Phật
được đắp bằng thủy tinh xanh trên tường hậu tẩm. Phải chăng đó là sự thể hiện “Tam Giáo đồng
hành” trong tư tưởng của vua quan và Nho sĩ đương thời? Phải chăng nhà vua cũng mong muốn
được thư nhàn lúc về già và được nhập Niết Bàn, được siêu thoát sau khi băng hà ? Hay đó là sự bế
tắc về tư tưởng của Khải Định nói riêng và tầng lớp quan lại thuở đó? Tất cả là những gợi mở đầy
thú vị để du khách chiêm nghiệm mỗi khi tham quan công trình này.
Người chịu trách nhiệm chính trong việc kiến tạo những tuyệt tác nghệ
thuật trong lăng Khải Định là nghệ nhân Phan Văn Tánh, tác giả của 3 bức
bích họa “Cửu long ẩn vân” lớn vào bậc nhất Việt Nam được trang trí trên
trần của 3 gian nhà giữa trong cung Thiên Định. Nhờ những đóng góp của
ông và bao nghệ nhân dân gian tài hoa của nước Việt, lăng Khải Định đã
trở thành biểu tượng, đỉnh cao của nghệ thuật tạo hình sành sứ và thủy
tinh.
Cho dù bị lên án dưới nhiều góc độ khác nhau, lăng Khải Định đích thực
là một công trình có giá trị về mặt nghệ thuật và kiến trúc. Nó làm phong
phú và đa dạng thêm quần thể lăng tẩm ở Huế, xứng đáng với đôi câu đối
đề trước Tả Trực Phòng trong lăng:
"Tứ diện hiến kỳ quan, phong cảnh biệt khai vũ trụ.
Ức niên chung vượng khí, giang sơn trường hộ trừ tư.
(Bốn mặt đều là kỳ quan, phong cảnh mở ra một vũ trụ biệt lập.
Muôn năm hun đúc nên vượng khí, núi sông giúp đỡ mãi hoài)."
LĂNG GIA LONG
(THIÊN THỌ LĂNG)
Tên gọi lăng Gia Long hiện nay thực ra là để chỉ cả một quần thể lăng tẩm của nhiều người trong
hàng quyến thuộc của nhà vua, với trọng địa là khu lăng mộ của vua Gia Long và bà Thừa Thiên Cao
Hoàng hậu. Quá trình xây dựng lăng diễn ra trong 6 năm (1814-1820), bắt đầu từ thời điểm bà Thừa
Thiên Cao Hoàng hậu (chính phi của vua Gia Long) qua đời vào ngày 21-2-1814. Nhà vua đã sai các
quan trong Khâm Thiên Giám đi chọn đất để mai táng vợ mình. Về sau phát triển thành một khu lăng
mộ rộng lớn với chu vi đến 11.234,40m (tài liệu của L. Cadière), gồm những lăng sau:
- Lăng Quang Hưng của bà Thái Tông Hiếu Triết Hoàng hậu, vợ thứ hai của chúa Hiền Vương
Nguyễn Phúc Tần (1620-1687), thân mẫu của chúa Nguyễn Phúc Thái (Trăn).
- Lăng Vĩnh Mậu của bà Anh Tông Hiếu Nghĩa Hoàng hậu, vợ chúa Nghĩa Vương Nguyễn Phúc
Thái (Trăn) (1650-1725).
- Lăng Trường Phong của Túc Tông Hiếu Ninh Hoàng đế Nguyễn Phúc Thụ (Chú) (1697-1738).
- Lăng Thoại Thánh của bà Hưng Tổ Hiếu Khương Hoàng hậu (1738-1811), vợ thứ hai của Nguyễn
Phúc Côn (Luân) và là thân mẫu của vua Gia Long.
- Lăng Hoàng Cô của Thái Trưởng Công chúa Long Thành, chị ruột vua Gia Long.
- Lăng Thiên Thọ của vua Gia Long và vợ ông.
- Lăng Thiên Thọ Hữu của bà Thuận Thiên Cao Hoàng hậu, vợ thứ hai của vua Gia Long, mẹ vua
Minh Mạng.
Toàn bộ khu lăng này là một quần sơn với 42 đồi núi lớn nhỏ có tên gọi riêng, trong đó Đại Thiên
Thọ là ngọn lớn nhất được chọn làm tiền án của lăng và được dùng để gọi tên chung cho cả quần
sơn này: Thiên Thọ Sơn. Tất cả đều được quy hoạch trong khu vực quan phòng rộng hơn 28 km2,
tạo thành một cảnh quan hùng tráng chạy dài từ chân dãy Trường Sơn đến bờ Tả Trạch - một hợp
lưu của Hương Giang. Đích thân vua Gia Long đã thám sát, duyệt định vị trí, quy hoạch và chỉ đạo
công tác thiết kế cũng như giám sát tiến độ thi công. Sử cũ cho hay, thầy Địa lý Lê Duy Thanh (con
trai nhà bác học Lê Quý Đôn) là người tìm được thế đất này, nơi mà theo ông “đã tập trung được mọi
ảnh hưởng tốt lành tỏa ra từ nhiều núi đồi bao quanh”, nơi mà “ảnh hưởng tốt lành sẽ còn mãi mãi
trong suốt 10 ngàn năm” (theo L. Cadière).
Cũng vì quá sâu sát với công trình xây cất “ngôi nhà vĩnh cửu” của mình
mà có lần suýt nữa, Gia Long đã thiệt mạng trong một tai nạn ở công
trường. Một trận gió làm sập ngôi nhà mà vua đang trú ngụ, vua Gia Long
tuy đã ẩn trong một cái hố nhưng vẫn bị thương ở trán, mí mắt và bị dập
chân do một thanh xà rơi trúng. Hai hoàng tử thứ bảy và thứ tám là Tấn và
Phổ bị trọng thương, nhiều người khác bị chết. Gia Long không trừng phạt
các quan lại thi công, ngược lại đã cấp thuốc men để chạy chữa cho họ,
cấp phát 500 quan tiền và 500 tiêu chuẩn gạo cho dân làng Định Môn, gần
nơi xây dựng lăng.
Lăng tẩm nhà vua nằm trên một quả đồi bằng phẳng rộng lớn. Trước có
ngọn Đại Thiên Thọ án ngữ, sau có 7 ngọn núi làm hậu chẩm. Bên trái và
bên phải, mỗi bên có 14 ngọn núi là “Tả thanh long” và “Hữu bạch hổ”.
Tổng thể lăng chia làm 3 khu vực:
Phần chính giữa là khu lăng mộ của vua và bà Thừa Thiên Cao Hoàng
hậu. Qua khỏi sân chầu với các hàng tượng đá uy nghiêm và 7 cấp sân tế
là Bửu Thành ở đỉnh đồi. Bên trong Bửu Thành có hai ngôi mộ đá, dạng thạch thất, được song táng
theo quan niệm “Càn Khôn hiệp đức” - một hình ảnh đẹp của hạnh phúc và thủy chung.
Bên phải khu lăng là khu vực tẩm điện với điện Minh Thành là trung tâm. Điện Minh Thành được
dùng để thờ Hoàng đế và Hoàng hậu thứ nhất. Minh Thành nghĩa là “sự hoàn thiện rực rỡ”. Cũng có
một cách giải thích khác là “hoàn thành vào ngày mai”, bởi người ta cho rằng: “Sườn của điện này
chưa có sơn son thếp vàng và chạm khắc còn đơn giản” (theo L. Cadière). Bên trong điện Minh
Thành, ngày trước có thờ nhiều kỷ vật gắn bó với cuộc đời chinh chiến của vua Gia Long như cân
đai, mũ, yên ngựa.
Bên trái khu lăng là Bi Đình, nay chỉ còn một tấm bia lớn ghi bài văn bia “Thánh đức thần công” của
vua Minh Mạng ca ngợi vua cha, được chạm khắc tinh tế và sắc sảo.
Men theo các lối đi giữa những đám cỏ và hoa rừng, du khách thả bước dưới bóng thông tươi mát
để sang thăm các lăng phụ cận. Đáng lưu ý nhất là lăng Thiên Thọ Hữu của bà Thuận Thiên Cao
Hoàng hậu, nằm trong một vị thế u tịch mà sâu lắng. Điện Gia Thành ở đó cũng là một công trình kiến
trúc được xây dựng theo mô thức của điện Minh Thành, dùng để thờ người phụ nữ đã sinh ra vị vua
có tài nhất của triều Nguyễn - vua Minh Mạng.
Đến thăm lăng Gia Long, du khách có thể đi thuyền theo sông Hương khoảng 18km rồi cập bến
lăng; hay đi đường bộ chừng 16km rồi qua bến đò Kim Ngọc, đi thêm vài cây số đường rừng thì bắt
gặp hai Trụ biểu uy nghi nằm ngoài cùng. Trước đây, đó là những cột báo hiệu, nhắc nhở mọi người
phải kính cẩn khi đi qua khu vực này và có đến 85 cột như vậy trong quần thể lăng Gia Long. Năm
1859 còn 42 cột và hiện nay du khách chỉ trông thấy 2 cột. Mới hay, thời gian và sự thờ ơ của con
người có sức tàn phá kinh khủng. Ngày nay, chỉ còn rừng thông xanh làm đương biên cho khu lăng,
bởi quanh lăng không có La thành.
Theo gợi ý của L. Cadière từ hơn 60 năm trước đây, du khách nên viếng lăng Gia Long vào buổi
chiều. Đó là thời khắc có thể ngắm cảnh hoàng hôn đang đến từ phía bên kia các hồ nước. Lấp lánh
trong nắng vàng là những bóng thông xào xạc, vi vu đang soi bóng xuống mặt hồ gợn sóng. Chính
lúc ấy, du khách mới cảm nhận hết vẻ đẹp hùng tráng và kỳ vĩ của khu lăng này. Phong cảnh xinh
tươi hòa với nét uy nghi của đồi núi xa xa. Sự khắc khổ tĩnh lặng của cái chết hòa với sự sinh động,
nét tuyệt mỹ của thiên nhiên chung quanh. Vị vua đầu tiên của nhà Nguyễn yên nghỉ trong sự tĩnh
lặng tuyệt vời của vũ trụ.
Lăng Gia Long là một bức tranh trác tuyệt về sự phối trí giữa thiên nhiên và kiến trúc, trong đó, thiên
nhiên là yếu tố chính tạo nên nét hùng vĩ của cảnh quan. Đến thăm lăng, du khách được thả mình
trong một không gian tĩnh lặng nhưng đầy chất thơ để suy ngẫm về những thành bại của cuộc đời
mình cũng như vinh nhục của ông vua đầu triều Nguyễn.
LĂNG MINH MẠNG
(HIẾU LĂNG)
Tháng 2 năm 1820 vua Gia Long băng hà, hoàng tử thứ tư là Nguyễn Phúc Đảm được đưa lên
ngai vàng, lấy niên hiệu là Minh Mạng. Vua Minh Mạng là người có nhiều đóng góp đối với công việc
mở mang đất nước, đưa nước Đại Nam lên hàng mạnh nhất trong các quốc gia Đông Nam Á lúc bấy
giờ.
Làm vua được 7 năm, Minh Mạng cho người đi tìm đất để xây dựng Sơn lăng cho mình. Quan Địa
lý Lê Văn Đức đã chọn được một cuộc đất tốt ở địa phận núi Cẩm Kê, gần ngã ba Bằng Lãng, nơi
hợp lưu của hai nguồn Tả Trạch và Hữu Trạch để tạo thành con sông Hương thơ mộng. Nhưng phải
ròng rã 14 năm cân nhắc, chọn lựa, đến năm 1840, nhà vua mới quyết định cho xây dựng lăng tẩm
của mình ở nơi này. Nhà vua cho đổi tên núi Cẩm Kê (thuộc ấp An Bằng, huyện Hương Trà) thành
Hiếu Sơn và gọi tên lăng là Hiếu Lăng. Đích thân nhà vua xem xét, phê chuẩn họa đồ thiết kế do các
quan Bùi Công Huyên, Trương Đăng Quế và Giám thành vệ dâng lên. Tháng 4 năm 1840, công cuộc
kiến thiết Hiếu Lăng bắt đầu. Vua sai các quan Lê Đăng Danh, Nguyễn Trung Mậu và Lý Văn Phức
điều khiển lính và thợ thuyền lên đây đào hồ đắp La thành. Tháng 8 năm 1840, Minh Mạng lên kiểm
tra thấy công việc đào hồ Trừng Minh không vừa ý nên giáng chức các quan trông coi và đình chỉ
công việc. Một tháng sau, công việc vừa được tiếp tục thì Minh Mạng lâm bệnh và đột ngột băng hà
vào tháng 1 năm 1841. Vua Thiệu Trị lên nối ngôi, chỉ một tháng sau (tháng 2-1841) đã sai các quan
đại thần Tạ Quang Cự, Hà Duy Phiên, Nguyễn Tri Phương chỉ huy gần 10.000 lính và thợ thi công
tiếp công trình theo đúng họa đồ của vua cha để lại. Ngày 20 tháng 8 năm 1841, thi hài vua Minh
Mạng được đưa vào chôn ở Bửu Thành, nhưng công việc xây lăng mãi đến đầu năm 1843 mới hoàn
tất. Từ một vùng núi đồi hoang vu, qua bàn tay lao động và óc sáng tạo của con người đã hình thành
một khu lăng tẩm uy nghiêm, vừa rực rỡ về kiến trúc, vừa hài hòa với thiên nhiên lại vừa sâu sắc bởi
giá trị tư tưởng.
Trong khoảng diện tích được giới hạn bởi vòng La thành dài 1.750m là một quần thể kiến trúc gồm
cung điện, lâu đài, đình tạ được bố trí đăng đối trên một trục dọc theo đường Thần đạo dài 700m, bắt
đầu từ Đại Hồng Môn đến chân La thành sau mộ vua. Hình thể lăng tựa dáng một người nằm nghỉ
trong tư thế vô cùng thoải mái, đầu gối lên núi Kim Phụng, chân duỗi ra ngã ba sông ở trước mặt, hai
nửa hồ Trừng Minh như đôi cánh tay buông xuôi tự nhiên.
Từ ngoài vào trong, các công trình được phân bố trên ba
trục song song với nhau mà Thần đạo là trục trung tâm. Xen
giữa những công trình kiến trúc là hồ nước ngát hương sen
và những quả đồi phủ mượt bóng thông, tạo nên một phong
cảnh vừa hữu tình vừa ngoạn mục. Mở đầu Thần đạo là Đại
Hồng Môn, cổng chính vào lăng, xây bằng vôi gạch, cao
hơn 9m, rộng 12m. Cổng này có ba lối đi với 24 lá mái lô
nhô cao thấp và các đồ án trang trí cá chép hóa rồng, long
vân... được coi là tiêu biểu của loại cổng tam quan đời
Nguyễn. Cổng chỉ mở một lần để đưa quan tài của vua vào trong lăng, sau đó được đóng kín, ra vào
phải qua hai cổng phụ là Tả Hồng Môn và Hữu Hồng Môn. Sau Đại Hồng Môn là Bái Đình, lát gạch
Bát Tràng (sân rộng 45x45m), hai bên có hai hàng tượng quan văn võ, voi ngựa bằng đá đứng chầu.
Cuối sân là Bi Đình tọa lạc trên Phụng Thần Sơn, bên trong có bia “Thánh đức thần công” bằng đá
Thanh ghi bài văn bia của vua Thiệu Trị viết về tiểu sử và công đức của vua cha. Một khoảng sân
rộng tiếp theo chia làm bốn bậc lớn nhằm giảm bớt cảm giác choáng ngợp của con người trước sự
mênh mông của kiến trúc, đó là sân triều lễ.
Hiển Đức Môn mở đầu cho khu vực tẩm điện, được giới hạn trong một lớp thành hình vuông biểu
trưng mặt đất (từ ý niệm trời tròn, đất vuông). Điện Sùng Ân nằm ở giữa được coi là trung tâm, chung
quanh có Tả, Hữu Phối Điện (trước) và Tả, Hữu Tùng Phòng (sau) như những vệ tinh chung quanh.
Trong điện thờ bài vị của vua và bà Tá Thiên Nhân Hoàng hậu. Hoằng Trạch Môn là công trình kết
thúc khu vực tẩm điện, mở ra một không gian của hoa lá và mây nước phía sau. Tất cả những công
trình mang tính hiện thực dường như dừng lại ở khu vực tẩm điện. Từ đây, bắt đầu một thế giới mới
đầy thư nhàn, siêu thoát và vô biên. 17 bậc thềm đá Thanh đưa du khách vào khoảng trời xanh mát
bóng cây và ngát thơm mùi hoa dại. Ba chiếc cầu: Tả Phù (trái), Trung Đạo (giữa), Hữu Bật (phải)
bắc qua hồ Trừng Minh như dải lụa xanh, đưa du khách đến Minh Lâu - một công trình như đột khởi
từ quả đồi có tên là Tam Tài Sơn. Minh Lâu nghĩa là lầu sáng, nơi nhà vua suy tư vào những đêm hè
trăng thanh gió mát, là nơi đi về của linh hồn tiên đế, là dấu chấm vuông kết thúc một thế giới hữu
hạn; là “bộ ngực kiêu hãnh” của “con người” được ví bởi hình dáng của khu lăng. Minh Lâu là sự thể
hiện cách lý giải về vũ trụ và nhân sinh quan của người xưa. Tòa nhà này hình vuông, hai tầng, tám
mái, là một biểu trưng của triết học phương Đông. Hai bên Minh Lâu, về phía sau là hai trụ biểu uy
nghi dựng trên Bình Sơn và Thành Sơn mang ý nghĩa nhà vua đã “bình thành công đức” trước khi về
cõi vĩnh hằng.
Một cái hồ hình trăng non tên là Tân Nguyệt ôm lấy Bửu Thành. Đây là hình ảnh của thế giới vô
biên. Hồ hình trăng non ví như yếu tố “Âm” bao bọc, che chở cho yếu tố “Dương” là Bửu Thành - biểu
tượng của mặt trời. Kết cấu kiến trúc này thể hiện quan niệm của cổ nhân về sự biến hóa ra muôn
vật. Đó là nhân tố tác thành vũ trụ.
Bước qua cầu Thông Minh Chính Trực bắc ngang hồ Tân Nguyệt có 33 bậc tầng cấp đưa du khách
vào thăm nơi yên nghỉ của nhà vua, nằm giữa tâm một quả đồi mang tên Khải Trạch Sơn, được giới
hạn bởi Bửu Thành hình tròn. Hình tròn này nằm giữa những vòng tròn đồng tâm biểu trưng, được
tạo nên từ hồ Tân Nguyệt, La Thành, núi non và đường chân trời như muốn thể hiện khát vọng ôm
choàng trái đất và ước muốn làm bá chủ vũ trụ của vị vua quá cố.
Hai bên trục chính của lăng có nhiều công trình phụ đối xứng nhau từng cặp một. Tiếc rằng thời
gian và mưa gió đã tàn phá chúng nên ngày nay du khách không còn trông thấy những cung điện,
đình tạ xinh xắn nằm thấp thoáng giữa vòm cây, đêm ngày soi bóng xuống mặt hồ trong xanh. Đó là
các công trình như Tả Tùng Phòng trên Tịnh Sơn; Hữu Tùng Phòng trên Ý Sơn; Tuần Lộc Hiên trên
Đức Hóa Sơn; Linh Phượng Các trên Đạo Thống Sơn; Truy Tư Trai trên Phúc Ấm Sơn; Hư Hoài Tạ
trên đảo Trấn Thủy...
Bên cạnh hàng loạt các công trình kiến trúc có giá trị nghệ thuật và thẩm mỹ cao còn có gần 600 ô
chữ chạm khắc các bài thơ trên Bi Đình, Hiển Đức Môn, điện Sùng Ân và
Minh Lâu cũng là những tuyệt tác vô giá. Đó là một “bảo tàng thơ” chọn lọc
của nền thi ca Việt Nam đầu thế kỷ XIX, là nơi phô bày tri thức, trí tuệ và
tình cảm của người xưa.
Thăm lăng Minh Mạng, du khách ngỡ mình lạc vào không gian của hội
họa, thi ca và triết học. Sự uy nghiêm, nét tĩnh tại của kiến trúc và khung
cảnh gợi tình của thiên nhiên, hoa cỏ thể hiện tính cách nghiêm khắc, tri
thức uyên bác và tâm hồn lãng mạn của nhà vua. Hai mươi năm tại vị,
Minh Mạng đã đem đến cho giang sơn Đại Nam sự vững mạnh, cho vương
nghiệp họ Nguyễn một tiền đồ mới. Và con người đó đã nằm xuống giữa
chốn “thiên đường trần gian” đầy tiếng chim hót, hoa đua... với sự thanh
thản và mãn nguyện hoàn toàn.