ỦY BAN NHÂN DÂN CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Số: 04/2007/CT-UBND Biên Hòa, ngày 24 tháng 01 năm 2007
CHỈ THỊ
VỀ CHỐNG TIÊU CỰC VÀ KHẮC PHỤC BỆNH THÀNH TÍCH TRONG GIÁO DỤC ĐỂ DẠY TỐT,
HỌC TỐT ĐẠT KẾT QUẢ THỰC CHẤT
Trong những năm đổi mới, sự nghiệp giáo dục - đào tạo tỉnh Đồng Nai tiếp tục phát triển về quy mô, đáp
ứng yêu cầu học tập ngày càng cao của nhân dân; toàn tỉnh đã hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ
sở, tiến tới phổ cập bậc trung học; chất lượng giáo dục có chuyển biến tích cực, lực lượng lao động được
đào tạo đã và đang góp phần có hiệu quả vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, công tác
quản lý giáo dục - đào tạo còn hạn chế dẫn đến những hiện tượng tiêu cực trong giáo dục như thiếu trung
thực trong học tập, dạy thêm, học thêm mang tính áp đặt, thi cử nặng nề; quản lý và sử dụng cơ sở vật
chất, trang thiết bị hiệu quả chưa cao; công tác thi đua chậm đổi mới, nặng về hình thức, nhẹ về chất
lượng,…
Trước tình hình đó, thực hiện Chỉ thị số 33/2006/CT-TTg ngày 08 tháng 9 năm 2006 của Thủ tướng
Chính phủ về chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục, cuộc vận động “Nói không với
tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, coi đây là
khâu đột phá trong năm học 2006 - 2007 để lập lại trật tự, kỷ cương trong dạy và học, làm tiền đề triển
khai những giải pháp nhằm khắc phục các yếu kém trong ngành, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo
dục. Cuộc vận động này bước đầu đã được sự đồng tình và hưởng ứng tích cực của toàn xã hội.
Sự chỉ đạo kiên quyết của các cấp chính quyền và sự phối hợp chặt chẽ của Mặt trận, các đoàn thể, các
Sở, ban, ngành sẽ là yếu tố quan trọng giúp cho việc chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong
giáo dục đạt kết quả thực sự và bền vững. Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai Chỉ thị:
1. Sở Giáo dục và Đào tạo:
a) Thành lập Ban Chỉ đạo triển khai trong cơ quan Sở, các phòng Giáo dục, các trường học và cơ sở giáo
dục, chỉ đạo cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”.
b) Xây dựng Chương trình hành động chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục giai
đoạn 2006 - 2010 với yêu cầu: Nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lương tâm, trách nhiệm
nghề nghiệp của nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; giáo dục tính trung thực cho học sinh, sinh viên
trong học tập và thi cử; thực hiện tốt trách nhiệm của cơ quan quản lý giáo dục và nhà trường trong việc
ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực trong lĩnh vực giáo dục. Xác định nhiệm vụ trọng tâm chống tiêu cực và
bệnh thành tích của từng năm học, tập trung chỉ đạo các cấp quản lý giáo dục, trường học và các cơ sở
giáo dục nghiêm túc thực hiện chương trình hành động nói trên.
c) Chương trình hành động chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục tiến hành đồng
thời với việc nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; đổi mới giáo dục mầm
non, giáo dục phổ thông, giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp; đổi mới công tác thi, tuyển sinh và xây
dựng quy trình đánh giá, kiểm định chất lượng giáo dục; thực hiện phổ cập giáo dục, bảo đảm dạy thực
chất, học thực chất để thực sự nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục.
d) Phối hợp với Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Công đoàn
ngành Giáo dục và các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn tỉnh xây dựng và thực hiện chương trình
liên ngành để việc chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục trở thành hành động chung
của toàn xã hội.
2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các Sở, ngành có các trường chuyên nghiệp, dạy nghề trực
thuộc cần chủ động phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo để chỉ đạo các đơn vị phổ biến, tổ chức triển
khai thực hiện Chương trình hành động chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục;
thông báo cho Sở Giáo dục và Đào tạo kết quả thực hiện để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
3. Sở Giáo dục và Đào tạo chủ động phối hợp với các cơ quan thông tin, Báo, Đài của tỉnh mở chuyên
mục tuyên truyền, định kỳ phát sóng về các hoạt động chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong
giáo dục, biểu dương các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong việc chống tiêu cực và khắc phục
bệnh thành tích trong giáo dục, trước mắt là tuyên truyền về cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong
thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”.
4. Công an tỉnh Đồng Nai phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo trong việc điều tra, xử lý các đơn vị, cá
nhân có hành vi tiêu cực trong dạy và học. Có kế hoạch và biện pháp hữu hiệu hỗ trợ ngành giáo dục tổ
chức an toàn các kỳ thi, bảo vệ những người dũng cảm tố cáo các hành vi tiêu cực trong giáo dục.
5. Sở Tài chính, Sở Nội vụ, Ban Thi đua – Khen thưởng tỉnh và các Sở, ngành trong tỉnh theo thẩm quyền
phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, với các cơ quan có liên quan xây dựng kế hoạch bảo đảm các điều
kiện thực hiện Chương trình hành động chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục giai
đoạn 2006 - 2010.
6. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Nai và các đoàn thể, các tổ chức thành viên
phối hợp với chính quyền các cấp tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và các bậc phụ huynh, Ban
đại diện Hội cha mẹ học sinh chú trọng giáo dục con em mình thái độ học tập đúng đắn, trung thực;
không tiếp tay cho các hiện tượng tiêu cực, phối hợp chặt chẽ với nhà trường và chính quyền địa phương
phát hiện, kiên quyết chống các hiện tượng tiêu cực trong giáo dục, thực hiện công tác giám sát ngành
giáo dục, chính quyền cùng cấp thực hiện Chỉ thị này.
7. Đề nghị Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ đạo định hướng nội dung hoạt động tuyên truyền của các cơ quan
Báo, Đài tạo sự đồng thuận trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể và toàn thể nhân dân hưởng ứng
các cuộc vận động thực hiện chương trình hành động nói trên.
8. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa chỉ đạo các cơ quan
quản lý giáo dục, trường học và các cơ sở giáo dục do địa phương quản lý nghiêm túc thực hiện Chương
trình hành động chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục; không áp đặt các chỉ tiêu về
kết quả thi, lên lớp, tốt nghiệp một cách hình thức, không phù hợp với thực tiễn; chỉ đạo xử lý nghiêm các
tiêu cực và bệnh thành tích trong giáo dục ở địa phương. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã
Long Khánh và thành phố Biên Hòa cần xem đây là một nhiệm vụ chỉ đạo trọng tâm của chính quyền đối
với ngành giáo dục địa phương.
9. Giám đốc các Sở, ngành, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị
xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa có trách nhiệm triển khai tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị
này.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm tổng hợp tình hình và báo cáo định kỳ hàng quý kết quả
triển khai thực hiện Chỉ thị này của các Sở, ngành và các địa phương cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.
Chỉ thị này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành./.
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
Võ Văn Một