Tải bản đầy đủ (.doc) (2 trang)

TRẠNG QUỲNH

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (35.81 KB, 2 trang )

TRẠNG QUỲNH, TRẠNG LỢN - hai kiểu cười của người Việt Nam
Nếu con người, như Aristote nói, là một động vật biết cười, thì người Việt mình, có lẽ, người
hơn cả. Bởi lẽ người Việt rất hay cười. Cái cười làm bộc lộ một nét nào đó trong tính cách
người Việt. Đôi khi là một nét sâu sắc và khá bất ngờ. Có lẽ, khi cười, cái vô thức không bị
canh giữ, con người dễ để lộ tướng tinh...
Cùng với các chuyện Tiếu lâm, các câu Đố tục giảng thanh hay Đố thanh giảng tục, các bài
ca dao nói ngược, các chú Bờm, Hề, Tễu..., người Việt còn cười dài trong các truyện trạng :
Trạng Quỳnh, Trạng Lợn, Trạng Vật, Trạng Cờ, Trạng Ăn. Xuất phát từ những giai thoại về
các ông "Trạng nguyên" (có thật), dân gian đã xây dựng nên những ông "trạng dở" (hư cấu)
để gửi gắm vào đấy những ước ao, thèm muốn của mình. Tại sao dân chúng lại chỉ mơ đến
ngôi Trạng mà không ước đến ngôi Vua - ngôi vị chúa tể của xã hội Việt Nam cổ truyền ?
Tưởng đã mơ thì ước luôn một lèo, chuyện mơ ước ấy mà, có mất gì đâu ? Có thể, ngưỡng
văn hóa đã làm cho người Việt chừng mực ngay cả trong giấc mơ ? Hoặc cũng có thể, thân
phận kép của ông trạng gần gũi hơn với dân chúng, nên họ dễ hóa thân hơn ?
Trong số các truyện trạng, thì Trạng Quỳnh, Trạng Lợn là đứng đầu bảng khẩu vị cười của
người Việt. Không hẳn vì đó là những câu chuyện có cốt, có nhân vật trung tâm xâu chuỗi
các biến cố, có tính hoàn chỉnh. Không hẳn vì đó là những giai thoại đặc sắc nhất, thú vị
nhất, có tính tư tưởng cao nhất. Có lẽ, Trạng Quỳnh, Trạng Lợn, hơn đâu hết, bằng tiếng
cười đã phá tung những xiềng xích để cho những xung năng vô thức bị kìm nén bấy lâu
trong mỗi con người nổ tung ra, tạo sự hả hê, khoái trá. Và, cũng vì thế, mà tiếng cười
Trạng Quỳnh, Trạng Lợn, bộc lộ những chiều sâu tâm lý của người Việt.
Trạng Quỳnh gồm 48 mẩu chuyện. Mỗi mẩu là một giai thoại trong đời nhân vật nhằm đả
kích, châm biếm một ai đó. Có thể là bọn trẻ đồng trang lứa trong làng (Đầu to bằng bồ),
kẻ trên (Trời sinh ông Tú Cát), kẻ sang (Miệng người sang), quan thị (Lỡm quan thị), vua
(Tiên sư thằng Bảo Thái), chúa (Đá bèo, Đại phong, Món ăn mầm đá), thành hoàng, bà
Banh, chúa Liễu... Tóm lại, các nhân vật trên đều thuộc tầng lớp thống trị, cả thế quyền lẫn
thần quyền, tức bọn phong kiến "sống" và bọn phong kiến "chết".
Vũ khí tiếng cười mà Quỳnh dùng để đả kích bọn thống trị, trước hết đó là trí thông minh,
óc thực tiễn của Quỳnh (Đầu to bằng bồ, Dê đực chửa), nhưng chủ yếu là chơi xỏ (Đá bèo,
Ông nọ bà kia, Chúa ngủ ngày, Trạng chết Chúa cũng băng hà), bẫy (Khốn nạn thân gà
thiến, Tạ ơn Chúa Liễu), lỡm (Lỡm quan thị, Lại lỡm quan thị, Sứ Tàu mắc lỡm), chửi bới


(Thừa giấy vẽ voi, Thay lời giáo thụ). Tóm lại, cách mà Trạng Quỳnh hay dùng nhất để
chống lại bọn phong kiến thống trị là chơi xỏ và chửi bới.
Trạng Quỳnh cười, cười bằng sự chơi xỏ và chửi bới, rõ ràng phản ánh tâm lý của người bị
trị chống lại kẻ thống trị mình, của kẻ yếu chống lại kẻ mạnh. Cách chống đối này, rõ ràng
không thể hiện rõ thế thượng phong, mà phần nào có chứa đựng cả sự bất lực. Cũng dễ
hiểu, dân ta đã sống lâu năm trong chế độ nông nghiệp quân chủ Nho giáo, là thân phận,
một thần dân, chịu nhiều tầng áp bức, nên đã hình thành lối ứng xử chống đối trong chịu
đựng, chịu đựng mà vẫn chống đối.
*****
Trạng Lợn gồm 19 mẩu chuyện, có tích có truyện, có mở đầu bằng mô-típ kết thai thần kỳ
(ông sao sa vào thùng nước tắm của bà mẹ) và có kết thúc bằng cảnh thoát trần một gót
thiên tiên. Con đường thành trạng của trạng hoàn toàn là do gặp may. Văn chương thế giới
đã có những nhân vật chuyên gặp xúi quẩy, nhưng cũng có những người chuyên gặp may
mắn. Trạng Lợn là một người như vậy. Trạng có vận may cũng dễ hiểu vì Trạng, xét cho
cùng, không phải là người trần, mà là người xuống trần, nên Trạng luôn được một ông già
hoặc một lực lượng siêu nhiên nào đó giúp đỡ bằng những ngẫu nhiên, những tình cờ. Đáng
chú ý hơn là cái cách Trạng gặp may, cái cách thành công của Trạng. Trạng vốn dốt lại lười
học (Phải chăng chữ Lợn, Trạng Lợn, không giản đơn chỉ nghề đồ tể của bố trạng ?). Điếc
không sợ súng, nên nhỡ sa vào những tình huống khó xử, trạng đều nói bừa hoặc nói phét.
Nhưng ác thay nhũng nói bừa nói phét đó đều đúng cả. Thật là dốt chữ... thành thần ! Sự
đối lập giữa hai cực đó càng làm nổi bật cái may của Trạng.
Đọc Trạng Lợn, người ta thấy đó là một truyện cười vô cùng sảng khoái. Người ta không
thấy ghét Trạng Lợn, ghét sự tiến thân bằng những tình cờ may mắn của anh ta, mà chỉ
thấy đó là trường hợp thú vị, kỳ lạ vốn cũng là một mặt của đời sống, cái mặt làm cho cuộc
sống đỡ tẻ nhạt, trần trụi và dung tục hơn. Đó là giấc mơ, mà qua đó dân được muốn thay
thân đổi phận. Đây là chỗ mới người đồng lòng yêu mến Trạng Lợn, bởi ở nơi thầm kín nhất
của lòng mình, ai cũng muốn mình có được một vận may như vậy.
Người Việt là một dân tộc nông dân. Thiểu số những người hiện nay tuy không làm ruộng
nữa, không sống ở nông thôn nữa nhưng vẫn bảo lưu một căn tính nông dân. Người nông
dân Việt vốn là tiểu nông, sống với nền kinh tế tự nhiên. Tự cấp tự túc, sống trong làng xã

có tôn ti trật tự, nên không dễ gì thay thân đổi phận, ngoại trừ trong mơ ước. Và trong cái
không gian làng xã tiều nông ngưng đọng và bức bối về tinh thần đó, mơ ước cũng rất dễ
trở thành huyễn tưởng. Người ta tin vào sự thần kỳ, tin vào những thay đổi bỗng nhiên,
bỗng chốc, bất ngờ...
Những di sản tinh thần trên ngày nay không phải đã hết. Nó có thể tồn tại ở dạng nguyên
bản hay dạng biến tướng. Xin lấy một thí dụ, tiểu thuyết Số đỏ của Vũ Trọng Phụng, ngoài
những mặt tích cực, nó cũng phản ảnh nhiều tính chất huyễn tưởng của con người nông dân
trong thời đại đô thị hóa, dù là đô thị thuộc địa. Một mặt, đó là phản ứng chống lại mọi sự
canh tân của đô thị, mà bước đầu khó tránh khỏi mọi sự lố lăng, mặt khác là tham vọng
chinh phục cái thế giới đô thị xa lạ đó bằng những tình cờ may mắn, bằng số đỏ. Còn trong
đời sống thường nhật hiện nay, phản ứng đó vẫn thường là những câu chuyện vui, những
tiếu lâm hiện đại. Cười. ấm ức được giải tỏa. Đến đây ta càng thấy rõ hơn Trạng Quỳnh và
Trạng Lợn tưởng khắc nhau một vực một trời mà hóa ra lại là một thứ nhị vị nhất thể của
tâm lý dân tộc.

Tài liệu bạn tìm kiếm đã sẵn sàng tải về

Tải bản đầy đủ ngay
×